and Mniyo, một trong bốn vị nữ tu sĩ được bổn sư (guru mniyo) truyền giới, nhưng bà không biết tên của thầy của bổn sư mình. Ba vị nữ tu sĩ còn lại, người thì hoàn tục, người chết, chỉ còn một người tu. Hiện nay, vị nữ tu sĩ này sống ở một vùng khác và thỉnh thoảng cũng liên lạc với Nand Mniyo, khoảng hai năm một lần. Vị này cũng đã truyền giới cho khoảng 10 vị nữ tu trẻ, nhưng có rất ít đệ tử chịu ở lại tu viện với bà, vì theo Nand Mniyo, bà quá khó. Nand Mniyo đã truyền giới cho 16 nữ tu trẻ, hai người đã hoàn tục. Bà vẫn còn giữ liên lạc với khoảng 9 người, một số vẫn thăm viếng bà một năm khoảng hai lần, hoặc là vào những dịp lễ đặc biệt hay khi bà bị bệnh. Năm trong số những vị do bà truyền giới, dạy ở trường giáo lý trong khu vực, trong khi hai người khác làm việc ở trung tâm thiền cạnh bên tu viện của họ.
Nhìn thấy cơ ngơi rộng rãi của bà (hai mẫu rưởi đất) và sự nể trọng người ta dành cho bà, chúng tôi rất ngạc nhiên khi không còn vị đệ tử nào ở lại với bà. Theo bà, vì cha mẹ của các đệ tử này muốn họ thiết lập tu viện riêng để tự cai quản, thay vì phải dưới quyền người khác. Bà cho biết thêm rằng, chín trong số các đệ tử mà bà còn liên lạc đã lập được tu viện. Các vị này, chính họ cũng đã truyền giới cho mười hai vị tu sĩ trẻ khác, những người này không thăm viếng hay biết đến bà.
GIA TỘC VÀ SỰ TRUYỀN THỪA
Trong khoảng thời gian bốn mươi năm làm tu sĩ, Nand Mniyo đã rèn luyện 27 đệ tử và truyền giới cho một số sư cô, nhưng giờ bà sống một mình, và không có vị đệ tử nào phù hợp để bà có thể sau này giao lại tu viện. Tình trạng này của Nand Mniyo tiêu biểu cho trường hợp của một nữ tu đã miễn cưỡng tiếp nhận một mảnh đất bỏ hoang, bỏ công khai phá nó, rồi lại phải bỏ nó.
Hiện tại, có một số tăng ở các chùa lân cận đã yêu cầu bà ủy quyền cho họ miếng đất nơi bà đang sống. Khi được hỏi tại sao bà không nghĩ tới việc để lại đất đó cho các sư cô, bà gợi ý rằng các sư cô ‘sẽ không thể trụ lại đây, vì chung quanh đây…’. Hạ giọng xuống, bà nói thêm rằng ngôi nhà cạnh tu viện là nhà của một tên tội phạm hiếp dâm, giết người, nhưng chưa bị kêu án. Các sư cô trẻ cũng không muốn ở lại đây vì hắn.
Vẫn còn thắc mắc vì sao Nand Mniyo không thể có được nhiều các sư cô trẻ theo học tu, tôi đã tìm đến hai vị sư cô trẻ đã được bà truyền giới. Một người đang sinh sống và tu học tại một trung tâm tu học dành cho ni của chính phủ, không xa Sinipitiya lắm. Trước mặt các vị sư cô trẻ khác, cô nói rằng mình không muốn sống ở Sinipitiya vì cô cảm thấy tu viện quá gần các xóm làng, nên thiếu sự riêng tư. Hơn nữa, gia đình cô cũng sống quá gần với tu viện là điều cô không thích. Sư cô thứ hai tôi tìm gặp sống ở một trung tâm Phật học khác, ở vùng xa, vùng sâu. Khi tôi trao đổi với cô nơi kín đáo, cô cho biết vấn đề thực sự của Nand Mniyo là vấn đề giai cấp. Hạ thấp giọng, cô giải thích rằng người dân ở các vùng của Lonuwara cũng như Sinipitiya, phần đông thuộc giai cấp ‘cao’ hơn giai cấp của vị ni trưởng. Phần đông các đệ tử của Nand Mniyo thuộc về giai cấp này. Các vị cư sĩ thí chủ của tu viện than phiền rằng các sư cô trẻ (những người có thể là quyến thuộc của họ), phải tỏ sự kính trọng với vị ni trưởng bằng cách kính cẩn quỳ lạy. Họ cho rằng nghi thức này không phù hợp, nhất là khi ni trưởng thuộc giai cấp mà theo truyền thống bà phải phục dịch các sư cô trẻ, những người thuộc giai cấp cao hơn. Rõ ràng là việc Nand Mniyo và các đệ tử của bà di dời đến địa điểm mới ở Lonuwara đã khiến vấn đề gia tộc của các đệ tử dẫn họ đến việc phải rời bỏ tu viện. Tôi nhớ lại rằng Nand Mniyo, dù không công nhận vấn đề giai cấp, cũng có đề cập đến việc cha mẹ của các sư cô trẻ muốn họ thăng tiến, trở thành ni trưởng của chính tu viện của mình. Sự căng thẳng giữa các giai cấp rõ ràng là một lý do chánh khiến Nand Mniyo phải sống đơn độc như hiện nay.
Giai cấp không phải là vấn đề ở hai tu viện mà tôi khảo sát dưới đây, có thể vì tất cả các sư cô đều thuộc cùng một giai cấp. (Ni trưởng ở cả hai tu viện này đều khẳng định với tôi rằng phụ nữ thuộc mọi giai cấp đều được các nơi này tiếp nhận). Hai tu viện này cũng đối mặt với những vấn đề tương tự khi xét đến việc sở hữu đất đai và sự truyền thừa.
Câu chuyện của Mettik Mniyo
Mettik Mniyo, giống như Nand Mniyo, thuộc về một hệ thống truyền thừa lỏng lẻo, một sự phát triển bị làm trầm trọng thêm bởi các vấn đề đau đầu về đất đai và những tranh chấp với chư tăng trong vùng. Tuy nhiên, Mettik Mniyo có thể truy nguyên trở lại năm thế hệ của quý ni trưởng, cho đến thời điểm khi một trong những tu viện xưa nhất dành cho ni được thành lập trên đảo này. Ngày nay, Mettik Mniyo (không giống như Nand Mniyo) vẫn tiếp tục sống với các sư muội, sư tỷ, những người thọ giới với cùng một bổn sư. Khi khảo sát sự liên hệ giữa đất đai và sự truyền thừa ở tu viện của Mettik Mniyo, tôi truy tìm được tông phái mà Mettik Mniyo trực thuộc và khảo sát xem các thái độ đối với đất đai đã ảnh hưởng đến hoàn cảnh hiện tại của bà như thế nào.
SỰ TRUYỀN THỪA
Trong phác đồ dưới đây tôi trình bày rõ dòng truyền thừa của các vị lão ni mà Mettik Mniyo trực thuộc. Cần lưu ý điều thực sự hiếm đối với quý ni, là việc ta có thể xác định danh tánh các vị ni trưởng khi truy nguyên lại vài thế hệ.
Sel Mniyo
[ Talwatta Mniyo (năm 1953, 83 tuổi)
[ Randeniya Mniyo (năm 1953, 67 tuổi)
[ Kirigama Mniyo (năm 1953, khoảng 37 tuổi)
[ Nuwara Mniyo (năm 1953, 58 tuổi)
[ Đã thọ giới cho mười bốn sư cô, kể cả Mettik Mniyo, (trong đó một người đã hoàn tục, và một số khác đã chết).
Mettik Mniyo, thọ giới những năm 1950, chỉ có thể mơ hồ nhớ về Talwatta Mniyo. Dầu Talwatta Mniyo cũng có truyền giới cho một số các sư cô khác, Mettik Mniyo không hề biết họ. Dầu có biết về tông phái mình trực thuộc và các sư cô tỷ muội do Nuwara Mniyo truyền giới, Mettik Mniyo không có thông tin gì về các sư cô được các thành viên khác trong tông phái truyền giới. Tất cả các sư cô mà Nuwara Mniyo truyền giới, chỉ còn một vị vẫn sống đời xuất gia, và đã chọn sống tại tu viện Gedige do Nuwara Mniyo thiết lập.
Trong số các sư cô do Nuwara Mniyo truyền giới, hai vị đã tự mình truyền giới cho tổng cộng năm sư cô khác. Trong số năm người này, một sư cô mười bảy tuổi vẫn tiếp tục sống ở tu viện Gedige với bổn sư của mình. Bốn người còn lại thọ giới với cùng một vị bổn sư ni (người đã đi khỏi tu viện Gedige), nhưng chỉ có hai vị tiếp tục sống với bổn sư của mình (hai người còn lại, một người hoàn tục và một người đi sống ở tu viện khác). Mettik Mniyo, ni trưởng hiện tại của tu viện, không có truyền giới hay huấn luyện bất cứ đệ tử nào. Hiện tại, năm sư cô, đệ tử của sư bà Nuwara Mniyo, những người còn có mặt ở tu viện này, đều đã trong tuổi bốn mươi hay hơn nữa. Như thế, ở tu viện này chỉ có một sư cô trẻ mười bảy tuổi thuộc thế hệ thứ ba. Đây là điều mà Mettik Mniyo quan tâm, vì bà nhận thấy rằng các sư cô ở tu viện này có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong tuổi già mà không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ trong tu viện.
Việc mà các sư cô có thể khẳng định một số thế hệ các ni trưởng cho ta thấy dầu gì ở tu viện này cũng có chút khái niệm về sự truyền thừa. Từ khi Nuwara Mniyo di dời về Gedige, các sư cô này phần nào đã sống chung trong một cộng đồng. Tuy nhiên, sự truyền thừa của họ có vẻ đang bị đe dọa. Điều này một phần cũng vì những vấn đề liên quan đến trú xứ, đất đai, là những đề tài mà tôi sẽ khảo sát dưới đây.
THIẾT LẬP VÀ DUY TRÌ TU VIỆN
Khi Nuwara Mniyo được yêu cầu xây dựng một tu viện ở Gedige năm 1953, thì ở đó chỉ có hai cái thất (kutis), để các cư sĩ làm nơi hành thiền vào những ngày rằm lớn (poya). Gia đình Perera là gia đình có tiếng tăm trong xã hội, và cũng có họ hàng xa với bà, đã đứng ra mời bà làm việc đó. Mettik Mniyo (cũng có họ hàng xa với Nuwara Mniyo) được thọ giới ở tu viện Gedige năm 1955 khi chỉ mới mười mấy tuổi, và đã sống ở tu viện này từ bấy đến giờ. Tu viện nằm trên một ngọn đồi cao, nơi nguồn nước để ăn uống, tắm giặt, vệ sinh khó có. Hiện tại nước được chuyển lên tu viện trong những chiếc bình vại nhờ sự giúp đỡ của các cư sĩ. Đôi khi người ta cũng có thể lấy nước ở cái giếng gần tu viện nhất, cách đó khoảng mười phút đi bộ. Tuy nhiên, vào mùa khô hạn, giếng thường khô cạn, khiến các sư cô phải lội bộ hơn nữa tiếng đồng hồ mỗi bận để đến một cái giếng khác xa hơn.
Theo Mettik Mniyo, khi sư bà Nuwara Mniyo chuyển về Gedige, người trưởng lão trong gia đình Perera đã giao chủ quyền của bốn mẫu đất cho tu viện. Mảnh đất này bao gồm khoảng nữa mẫu ở trên đồi và một phần đất bằng phẳng hơn rất thích hợp cho việc trồng trái cây và rau củ. Tuy nhiên, sư bà Nuwara Mniyo không thấy cần thiết phải có sự chuyển giao một cách trang trọng này. Mettik Mniyo kể, sư bà Nuwara Mniyo đã nói với người của gia đình Perera rằng, “Nếu cúng dường đất, thì cứ cúng dường”. Nói về điều này, Mettik Mniyo nhận xét, “Sư phụ của chúng tôi đã không nhìn xa rồi, đúng không?” Khi vị trưởng lão trong gia đình Perera mất, con ông đã kế thừa mảnh đất. Lúc đầu người con này hứa cho Nuwara Mniyo quyền sở hữu ba mẫu đất, nên bà miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng rồi ông ta đổi ý và quyết định bán tất cả đất, trừ phần nữa mẫu khó sử dụng ở trên đồi, mà cũng bao gồm trong phần đất giao cho tu viện trước đây. Tiền bán đất được dùng làm của hồi môn cho hai đứa con gái của người chủ. Hiện nay, tu viện Gedige chiếm hai phần ba của phân nữa mẫu đất đó. Phần còn lại (trên đó một ngôi trường nhỏ đã được dựng lên) thuộc về một ngôi chùa bị bỏ hoang từ những năm tám mươi. Tu viện vẫn chưa có giấy tờ chủ quyền phần đất đó, trên thực tế nó vẫn còn nằm trong tay của Kanthi (con gái ông chủ) và chồng cô, họ hiện sống tại địa phương.
Mettik Mniyo nói rằng ban đầu những người kế thừa của gia đình Perera có ý trao chủ quyền đất cho bà. Nhưng Mettik Mniyo cảm thấy không thoải mái để nhận sở hữu đất đai dưới tên bà, nên đề nghị giấy chủ quyền đề tên một sư cô khác “Tôi từ chối một phần vì tôi không có đệ tử riêng nào”, bà giải thích. Gia đình Perera, dầu không bằng lòng với sự lựa chọn của Mettik Mniyo, đã sẵn sàng nhượng bộ bằng cách chọn một vị sư cô khác, nhưng rồi đề tài này cũng chìm trong quên lảng. Khi tôi hỏi Mettik Mniyo tại sao bà không theo đuổi thêm về vấn đề này, bà nói, “Đúng ra chúng tôi cũng không ép buộc họ (viết giấy chủ quyền), nhưng thực sự là…. Tôi không cảm thấy thoải mái khi yêu cầu họ làm điều đó. Nếu họ đã cho (đất), thì họ cứ cho”. Năm 1995, tôi hỏi về việc nhiều vấn đề có thể xảy ra do họ không có chủ quyền đất, và Mettik Mniyo trả lời, “Không, đất này sẽ không bán cho ai cả…. Gia đình Kanthi là gia đình có tiếng tăm trong vùng, và họ cũng có liên hệ với tôi cũng như với Nuwara Mniyo”. Có thể Mettik Mniyo sợ rằng cứ đòi hỏi giấy tờ hợp pháp cho miếng đất sẽ ảnh hưởng đến lòng tin cậy giữa người tu và cư sĩ.
Khi Mettik Mniyo và tôi đến thăm Kanthi, và chồng cô năm 1997, cả hai đều khẳng định (trong sự ngạc nhiên của Mettik Mniyo) rằng chủ quyền của nửa mẫu đất đó đã được tiến hành. Trên đường về, Mettik Mniyo bày tỏ mối lo ngại rằng sẽ chẳng có giấy tờ chủ quyền gì được tiến hành cả. Dầu có lời hứa sẽ cho chúng tôi xem giấy chủ quyền, nhưng mãi không có chứng cứ gì của nó cả, khiến cho sự nghi ngờ của vị ni trưởng càng thêm chắc chắn.
Một cuộc ‘tranh chấp’ khác cũng đang tiếp diễn với ngôi chùa gần bên càng làm cho sự khó khăn của tu viện Gedige thêm trầm trọng. Ngôi chùa sở hữu vài mẫu đất, và đã có đào đặt hai hồ chứa nước và giếng, đủ để có nước sinh hoạt. Trước đó, một con đường đất dẫn lên dốc đến chùa đã được san bằng và ngẫu nhiên nó lại lấn sang đường dẫn vào tu viện. Tuy nhiên, vì vị tăng trụ trì của chùa xem các sư cô như là những người tranh giành sự ủng hộ của các cư sĩ, ông đã chặn phần đường dẫn vào tu viện, buộc các sư cô và những thí chủ của họ phải xây và sử dụng một con đường đất dốc hơn để vào tu viện. (Con đường này, vẫn được các sư cô sử dụng, nhưng không được sửa chữa cho đến năm 1996). Sau này khi một vị tăng trẻ thay chức trụ trì ở chùa năm 1976, thì mối liên hệ của đôi bên có tốt hơn. Tuy nhiên, với tình trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm, cuối cùng nhà chùa cũng không thể hoạt động được, và phải bỏ hoang từ năm 1980. Trước khi rời chùa, vị trụ trì trẻ đã nhờ các sư cô trông coi và duy trì lớp giáo lý đang hoạt động tại chùa. Các sư cô dời lớp giáo lý về trong tu viện. Tuy nhiên, vì tình trạng thiếu nước và thiếu nhà vệ sinh ở tu viện, nên sĩ số học sinh theo học chỉ còn độ hai phần ba.
Vì tu viện Gedige được xây dựng trên phần đất của tư nhân, chứ không phải đất cúng dường (pj oppuwa), chính quyền địa phương không có trách nhiệm phải sửa chữa tu viện. Còn ngôi chùa thì được chứng nhận là pj oppuwa. Nếu đất chùa được chuyển nhượng cho quý sư cô, thì họ đã có được nguồn nước và một nơi trú ngụ thoải mái. Vì chùa ở phía dưới đất bằng, nên các sư cô dễ lấy nước hơn là ở tu viện. Khi tôi gợi ý rằng các sư cô nên sử dụng đất chùa, Mettik Mniyo đã đồng ý, bà nói, “Hoặc là họ (chính phủ) thu xếp để giao chùa lại cho các tăng sĩ khác, hay quyết định giao lại cho chúng tôi. Miếng đất đó, sở hữu đó cần được giao cho người phù hợp, phải không?”