ào Một Ngày Mùa Hạ năm 1981, tôi đứng trong sân một tu viện Phật giáo lớn ở trung tâm Bangkok. Sân "Ngàn vị Phật", được bao quanh bởi hàng trăm bức tượng Phật có kích thước như người thật. Mỗi tượng Phật được mạ vàng và trang trí nhẹ nhàng với một khăn choàng mỏng màu nghệ. Tuy nhiên, ngay giữa vô số tượng Phật, tôi thấy mình từ từ bị thu hút về phía bức tượng duy nhất vẫn còn chờ được lát vàng lá mới. Bức tượng trong tình trạng chưa được đánh bóng, thân tượng đen như than, trong tư thế an lạc, đang quán sát. Tôi đã sống một năm rưỡi ở Nepal và khi trở lại Hoa Kỳ, trong hơn một thập kỷ qua đã nghiên cứu và giảng dạy về Phật giáo. Các tượng Phật không có gì mới mẽ đối với tôi. Nhưng đặc biệt bức tượng này thu hút sự chú ý của tôi vì màu đen của nó. Tôi không thể cưỡng lại lực hấp dẫn của nó, tôi tin, mình bị kéo về phía trước, bởi sự thúc giục muốn nhìn thấy phản ảnh của chính bản thân mình nơi bức tượng đó. Tôi yêu cầu người bạn chụp bức ảnh khi tôi đang nhìn chăm chăm vào khuôn mặt tượng Phật đen tuyền. Dường như hiển nhiên là tượng Phật này dành cho tôi. Bức tượng giao cảm với tôi, vì nó phản chiếu hình ảnh của tôi về mặt thể chất và tâm linh. Tôi hy vọng tìm được những bức tượng khác như thế trên đường đi. Và khi tôi trở về Hoa Kỳ, tôi hy vọng tìm được những Phật tử khác không chỉ có hứng thú với Phật giáo mà còn cùng chủng tộc, màu da với tôi nữa.
Nhiều năm sau đó tôi cũng không tìm những người Mỹ gốc Phi châu khác trong các trung tâm, các hội Phật giáo mà tôi thường lui tới khi trở về Mỹ. Dường như có rất ít người Mỹ gốc Phi châu có thời gian, hoặc sự quan tâm đến Phật giáo. Tất nhiên, tôi đã có dịp dạy những người Mỹ -Phi châu về Phật giáo tại các trường đại học, nhưng dường như ở ngoài lớp học, con số Phật tử này hầu như không đáng kể.
Năm 1996, tôi viết một bài tham luận về Phật giáo, chủng tộc và về những người Mỹ gốc Phi châu và Phật giáo, cho một tuyển tập được gọi là Nữ Phật Tử ở Vị Trí Bấp Bênh: Những Quan Điểm Đương Đại từ Biên Giới phía Tây (Buddhist Women on The Edge: Contemporary Perspectives from the Western Frontier). Không phải ngẫu nhiên mà tuyển tập này tập trung vào Phật giáo qua kinh nghiệm và cảm nhận của nữ giới. Vì xuyên suốt thời gian Phật giáo có mặt tại Mỹ, chủ yếu là nữ giới, là những người đã lên tiếng, đặt nghi vấn về hệ thống Phật giáo. Hầu như tất cả các sách khác xuất bản về chủ đề Phật giáo ở Mỹ, chỉ tập trung về đề tài thiền và các truyền thống Phật giáo như là con đường tâm linh và tu tập.
Từ ngày ấy khi tôi đứng trong Chùa Ngàn Phật, đã hơn mười bảy năm qua trước khi tôi cầm một tờ báo Phật giáo và đọc được quảng cáo sau đây:
Tại sao Phật giáo không thu hút nhiều người Mỹ-Phi châu, người gốc Tây-ban-nha, và những gốc dân tộc khác? Một nhóm Phật tử trong vùng Bay đã thành lập Nhóm Hành Động Vì Phật Giáo và Chống Kỳ Thị Chủng Tộc, và vào tháng 11 họ tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận đề tài này. Rosa Zubizarreta, một thành viên trong nhóm đá nói: “Nguyện vọng của chúng tôi khi bàn đến vấn đề chủng tộc và sự đa dạng, là để tăng đoàn ở đây có thể hoan nghinh, chào đón tất cả mọi người đến từ nhiều nguồn gốc”….
Tuy nhiên, trước khi nhìn thấy quảng cáo này, tôi đã tự mình xoay xở để tìm những Phật tử Mỹ-Phi Châu khác. Trong bài viết này tôi nhắm đến việc giới thiệu một vài người trong số họ và để độc giả biết đến quan điểm của chúng tôi - với tư cách là sinh viên, giáo thọ sư, và hành giả Phật giáo người Mỹ gốc Phi châu tại Mỹ. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả chúng tôi đều chung một quan niệm. Kinh nghiệm của chúng tôi cũng đa dạng như chính mỗi cá nhân chúng tôi vậy. Tuy nhiên, tôi phải công nhận rằng tôi cố tình chọn những người Mỹ gốc Phi này bởi vì tôi biết họ là những người nghiêm túc, chu đáo và có tài ăn nói. (Tôi cũng biết rằng họ rất tinh tấn và có đủ lòng từ để trình bày về quan điểm của họ đối với yêu cầu khá khẩn cấp của tôi.) Với mục đích giới thiệu nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, tôi đã tiếp xúc với năm người, bốn người trong họ đã trả lời đầy đủ. Một người là thiền giả, vị khác là một lạt-ma Phật giáo Tây Tạng, một vị khác là vị hành giả Thiền Minh Sát (vipassana) của phái Nam Tông, và người cuối cùng là một sinh viên Khoa Phật học tại Mỹ. Bản thân tôi là một giáo sư về Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng.
Đa phần, tôi cố gắng để mỗi người tự nói về bản thân. Tuy nhiên, trước tiên tôi cũng đặt ra một số câu hỏi để dự án được mạch lạc. Tôi hỏi về nguồn gốc của họ, sự tiếp xúc sớm nhất với Phật giáo và các vị thầy của họ. Tôi hỏi, trên thực tế, họ có tự xem mình là Phật tử hay không, và tôi yêu cầu họ nói về những kinh nghiệm riêng của họ tại các trung tâm Phật giáo ở tại Mỹ - họ có thấy không gian nơi đó "cởi mở" và chào đón hay không, bản thân họ có từng trải nghiệm qua bất cứ sự phân biệt đối xử nào hay chưa. Cuối cùng, tôi hỏi nếu như họ có lời khuyên cụ thể nào cho những người Mỹ-Phi khác, hay nói chung cho những người da màu nào có ý định bắt đầu tu tập theo Phật giáo, và tôi yêu cầu họ chia sẻ bất cứ đề nghị cụ thể nào để cải thiện tình trạng hiện nay.
Nguồn Gốc Của Họ
Lori Pierce xuất thân từ một gia đình thượng-trung-lưu, có tín ngưỡng, ở Chicago nơi mà cha cô là một bác sĩ phẫu thuật. Cô được giáo dục trong các trường và nhà thờ công giáo trong vùng. Cô rất tích cực trong các hoạt động ở nhà thờ cũng như ở trường trung học và đại học Lake Forest, nơi mà sự cảm hứng của cô được mở rộng thêm để bao gồm các tôn giáo trên thế giới. Cô viết, sự tiếp xúc đầu tiên của cô với Phật giáo là qua sách vở.
Đọc truyện Siddhartha của Herman Hesse có lẽ là lời giới thiệu của tôi… Qua các lớp học và đọc thêm sách vở, cuối cùng tôi bắt đầu đọc Shunryu Suzuki, D.T. Suzuki, Philip Kapleau, Robert Aiken, Eido Shimano, Alan Watts, vân vân. Đôi khi sự tiếp xúc xuất hiện thông qua hiện tượng "thời đại mới", nhưng giống như nhiều người Mỹ khác, tôi đã đến với Phật giáo - do những gì còn sót lại của phong trào phản văn hóa. Nó chẳng có hệ thống gì; chúng tôi không biết gì về các phong trào liên văn hóa phức tạp để phân biệt Thiền Lâm Tế Nhật Bản và Phật giáo Tây Tạng. Chúng tôi đọc những gì đã có sẵn, và là những thanh thiếu niên mới trưởng thành, chúng tôi tin rằng mình có tự do để tin vào những gì chúng tôi thích và trở thành những gì chúng tôi muốn.
Sau đại học, Lori đến California và có thời gian làm việc ở một khu phố nghèo của người da đen ở West Oakland, cho Hội Đoàn Thiện Nguyện Jesuit, một tổ chức mà cô miêu tả như “tổ chức Công giáo Hòa bình Đô thị”. Nhắc đến kinh nghiệm đó như một sự tiếp xúc lâu dài đầu tiên của cô đối với người da đen kể từ khi rời khỏi môi trường cuộc sống ở Chicago toàn là người da trắng, Lori xác định rằng vấn đề tôn giáo và vấn đề về chủng tộc không thể tách rời nhau. Sau khi đã học khái quát về Phật giáo trong Bay Area, cô chọn học chương trình Tôn Giáo Thế Giới tại trường Harvard Divinity. Lori đã viết về kinh nghiệm tiếp xúc với Phật giáo ở California như sau, "Ngẫu nhiên tôi ngồi một mình, luyện tập thái cực, rồi chạy. Tôi không nghĩ đến việc đi tìm một tổ chức nào đó để tham gia. Vào đầu những năm 1980, có quá nhiều sự lựa chọn”. Lori hiện đang sống ở Hawaii cùng chồng và đứa con gái sáu tuổi. Cô hiện đang hoàn thành luận án tiến sĩ của mình ở Đại học Hawaii với đề tài về động lực chủng tộc của sự giao thoa tôn giáo giữa những người Mỹ gốc Âu và người Mỹ gốc Nhật tại Hawaii trong những năm trước Đệ Nhị thế chiến.
Lạt ma Thupten Gyalsten Dorje (Jerry Gardner), viết về cuộc sống trước đây của ông, "Tôi được sinh ra ở Guam, là con của một cặp vợ chồng quân nhân, được dưỡng nuôi bởi một cặp vợ chồng quân nhân khác. Tôi được nuôi dưỡng như là đứa con độc nhất trong gia đình”. Gia đình của ông di chuyển khắp nước Mỹ. Ông từng sống ở Alabama, Texas, Washington, North Carolina, thành phố New York, và Oklahoma. Ở Alabama, ông thường dự các buổi lễ ở nhà thờ Baptist với bà của ông. “Tôi còn nhớ vị mục sư la hét lớn tiếng. Đối với một đứa trẻ như tôi, điều này thật là quá siêu thực”. Lúc trẻ, Gardner bị ám ảnh bởi cái chết. “Mặc dù không phải là người công giáo, tôi thường ngủ với xâu chuỗi trong tay”. Năm mười hai tuổi, ông bắt đầu một sự luyện tập cho cả đời, đó là võ thuật. Việc luyện tập này bao gồm cả hành thiền và ông thấy rất thích việc học tập kỷ luật để rèn luyện tâm thức. Võ thuật cũng giúp cho ông bớt sợ hãi về cái chết.
Năm 1968, ở thành phố New York, ông gặp vị thầy Phật giáo đầu tiên của mình, Sư Ronald Takanashi, một thầy Phật giáo Tịnh Độ tông. Thầy Takanashi là người đầu tiên hướng dẫn ông hành thiền một cách bài bản hơn - thí dụ, làm thế nào để thực tập, làm thế nào để thiết lập một bàn thờ. Jerry bắt đầu tìm kiếm sách vở và các vị thầy để hướng dẫn ông làm “chủ bản thân mình”, sau đó ông quyết định đi về đông phương. “Năm 1970, tôi bán tất cả tài sản của mình, chuẩn bị du hành sang Ấn Độ hoặc Tây Tạng để tìm kiếm một vị thầy”. Tuy nhiên, một loạt các sự kiện "dường như không may" xảy ra buộc ông phải hủy bỏ chuyến du hành của mình. Kết quả là ông đã gặp Lama Sonam Kazi ở New York, và đã được chấp nhận làm đệ tử của ngài. Bình luận về diễn biến của sự kiện này, ông nói, "Tôi thấy thật thú vị là thay vì đi đến các vùng núi của Tây Tạng để tìm một vị thầy, tôi lại đến các tầng cao ốc của thành phố New York!"
Rồi năm 1988, khi trở về lại Guam sống, ông có cơ hội du lịch đến Kathmandu, Nepal. Ông nhận xét, “Tôi đến đó mà chẳng có ý thức chi về những gì có thể xảy ra hoặc những người tôi có thể gặp gỡ, nhưng mục đích của tôi là được có kinh nghiệm trực tiếp về Phật giáo ở một nơi mà Phật giáo đã từng là một phần của sợi dây tiếp diễn của xã hội”. Ở Nepal, Jerry gặp Chokyi Nyima Rinpoche, vị này gửi Jerry đến gặp cha của ông là Tulku Urgyen Rinpoche. Vị này sau trở thành thầy bổn sư của Jerry. Mười năm qua, năm nào ông cũng du hành đến Nepal hai hoặc ba lần. Gần đây nhất, ông đã tiếp thụ sự dạy dỗ từ ngài Khenpo Kunchok Molam Rinpoche, nên đã viết rằng: “Thầy Khenpo Kunchok Molam Rinpoche thật tử tế vì đã truyền giới cho tôi thành Lama Thupten Gyalsten Dorje”.
Năm 1994, sau khi dọn đến thành phố Salt Lake, Utah, Lama Dorje và vợ của ông thành lập Trung Tâm Thiền phi lợi nhuận Urgyen Samten Ling, theo truyền thống “Nyingma, Dzogchen, Long Chen Nying Thig”. Lama Dorje là vị thầy nội trú ở trung tâm. Ông cũng tiếp tục luyện tập võ thuật, nhưng giờ với tư cách là huấn luyện viên - về các bộ môn như thái cực, công phu, và á kịch - tại Trường Vận Động Hồng Liên (Red Lotus) do ông thành lập và quản lý.
Lewis Woods miêu tả bản thân là “một người đàn ông Mỹ gốc Phi châu, đã sống suốt đời trong phong trào hậu nhân quyền ở Mỹ”, và ông tiếp tục ghi chú:
Khi tôi được năm tuổi, gia đình dọn đến Berkeley, California. Đó là vào năm 1968, thời cực thịnh của phong trào sinh viên và sự thay đổi xã hội cấp tiến. Dù tôi khá được bảo vệ khỏi các sự kiện diễn ra trong toàn thành phố, nhưng không khí của chủ nghĩa tự do, thái độ cởi mở đối với sự thay đổi, sự thách thức đối với chính quyền và truyền thống là cảnh quan văn hóa bản xứ của tôi, được truyền đến tôi thông qua các vị thầy và cha mẹ của tôi, những người chọn sống ở Berkeley vì bầu không khí này.
Bình luận về cuộc sống tín ngưỡng của gia đình, Lewis viết, “Nếu gia đình chúng tôi có một tôn giáo, đó là thuyết vô thần. Thời gian tôi được sinh ra, cả cha lẫn mẹ tôi đã từ chối tôn giáo từ thưở thiếu niên của họ.... Hiện tại tôi là người duy nhất có tín ngưỡng trong gia đình”. Vào tuổi mười tám, Lewis "đã trở lại với Thiên chúa giáo và sinh hoạt trong nhà thờ phúc âm, đa chủng tộc, bảo thủ với giáo điều trong vòng bốn năm". Nhưng đến năm hai mươi hai tuổi, ông "đã quyết định rời bỏ Thiên chúa giáo và bắt đầu học Do Thái giáo". Trên thực tế, sau thời gian ba năm học bao gồm việc thành thạo tiếng Do Thái hiện đại, hai chuyến viếng thăm dài ở Israel và các lãnh thổ bị chiếm đóng, Lewis chính thức chuyển đổi sang đạo Do Thái chính thống.
Đầu tiên Lewis tiếp xúc với Phật giáo là qua các quyển sách của Alan Watts và Suzuki Roshi, ông tâm sự, “ban đầu, tôi có hứng thú với Lão giáo hơn Phật giáo.” Cuối cùng, chính Phật Pháp đã để lại cho Lewis ấn tượng sâu sắc nhất. “Trong một thời gian dài những Phật tử mà tôi biết chỉ có ở trong các sách. Tôi chưa từng gặp một ‘chân’ Phật tử nào cho đến khi tôi bị thuyết phục về những công đức của Phật giáo”. Mặc dù chủ yếu Lewis bắt đầu bằng việc ngồi thiền trong vùng Bay Area, sau đó ông quy y Tam Bảo và thọ giới với Geshe Michael Roach. Ông miêu tả công phu tu tập hằng ngày của ông “khá kỳ quặc”, và nói rằng ông học hỏi “đa số từ truyền thống Tây Tạng và Nguyên thuỷ, dầu ông chưa bao giờ rời xa nền tảng thiền của mình”. Lewis vẫn là một trong những trụ cột chính của các trụ sở Hữu Nghị Hòa Bình Phật Giáo ở Berkeley.
°
Ralph Steele sinh ra ở Pawleys Island, một trong mười sáu đảo dọc theo bờ biển South Carolina, trải dài 257.50 ki-lô-mét (160 dặm) giữa Myrtle Beach và Charleston. Khi Ralph được năm tuổi, cha của ông qua đời, và ông miêu tả mẹ ông đơn thân nuôi con. “Tôi được ông bà ngoại nuôi dưỡng nhiều nhất,” Ralph nói. “Mọi người gọi bà ngoại tôi là Sơ Mary; và gọi ông ngoại tôi là baba James. Ông cố của tôi được mọi người gọi một cách đơn giản là Cha (Father)”. Người thân trong gia đình Ralph rất sùng đạo, và là những người ủng hộ mạnh mẽ cho Nhà thờ Giám Mục Tin Lành Phi Châu, nơi “trong hơn 110 năm đã cung cấp cho nhà thờ những vị mục sư, phó tế, thủ quỹ và kế toán viên”.
Khi mẹ của Ralph tái hôn với một quân nhân, gia đình rời Pawleys Island và bắt đầu viễn du, đầu tiên dọn đến Montgomery, Alabama, và rồi Bakersfield, California, rồi Nhật Bản, nơi Ralp trải qua thời học Trung học. Cũng nơi đây, ông gặp gỡ một vị thầy võ thuật Nhật Bản và bắt đầu học tập nghiêm túc với vị thầy này.
Mặc dù lúc đó tôi chỉ mới được mười ba hoặc mười bốn tuổi, nhưng tôi cũng được vào lớp của thầy, người học trò duy nhất không nằm trong quân đội. Và tôi đã học rất nhiều từ thầy. Tôi bắt đầu hiểu các giáo lý cơ bản của Phật giáo từ quan điểm của một hành giả qua cái nhìn của võ thuật. Và tôi bắt đầu đi chùa lúc tuổi còn rất trẻ và đã hiểu vài điều về sinh hoạt ở đó.
Trước khi vào đại học, Ralph nhập ngũ và đã phục vụ ở Việt Nam. Ông gặp “nhiều tình huống rất khốc liệt”, đã nhìn thấy nhiều đồng đội ngã xuống. “Tôi phải dựa vào nội tại sâu, sâu thẳm của mình và những gì mà thầy võ thuật, Sơ Mary và Baba James đã dạy cho tôi để giữ được sự tỉnh táo và để sống sót.”
Sau khi trở về từ Việt Nam, Ralph trở thành sinh viên trường đại học Santa Cruz, California, và sau này đã tốt nghiệp ở đại học Santa Clara. Tại hai nơi đó, cũng như một số nơi khác, ông đã gặp được các vị thầy Phật giáo: Thiền sư Kobun Chino, chiết trung Steven Levine, thầy Tây Tạng Kalu Rinpoche và Sogyal Rinpoche. Nhưng cuối cùng Ralph tìm thấy vị bổn sư của mình nơi Jack Kornfield, và tìm được pháp hành phù hợp trong thiền minh sát Nguyên thuỷ (vipassana). Ralph hiện là bác sĩ trị liệu, sống tại Santa Fe, New Mexico. Ông kết hợp tâm lý trị liệu và thực hành Phật Pháp để chữa trị tâm lý đau buồn, sầu nảo. Nhóm chuyên khoa của ông được gọi là Life Transition Therapy, Inc (tạm dịch là Công Ty Trị Liệu Chuyển Tiếp Cuộc Sống). Bản thân Ralph đã hướng dẫn một số khoá tu thiền minh sát (vipassana), giờ ông đang được huấn luyện để trở thành giáo thọ sư thiền minh sát. Ông dự các khoá tu thiền miên mật ở Miến Điện và Thái Lan. Mấy năm nay, ông cũng viết hồi ký của mình, có tựa đề Tending the Fire (Giữ Lửa).
°
Jan Willis được sinh ra ở Birmingham, Alabama, và sống trong khu mỏ than ở ngoại ô thành phố cho đến tuổi vào đại học. Cha mẹ cô sinh hoạt rất tích cực trong nhà thờ Baptist. Cha cô là một trong những vị phó tế trẻ nhất trong nhà thờ. Cô viết, mặc dù lễ rửa tội của tôi là một trải nghiệm giải thoát tâm linh tuyệt vời, tôi chẳng thấy có niềm tin vào sự rửa tội. Khi còn là học sinh trung học, tôi đã tham gia tích cực vào phong trào dân quyền và đã xuống đường với mục sư King và những người khác trong phong trào Birmingham năm 1963. Giỏi về môn toán, tôi đã đoạt một số học bổng ở đại học và được chọn vào đại học Cornell nơi mà lúc đầu tôi học chuyên khoa vật lý. Ở đại học Cornell, tôi bắt đầu muốn tìm hiểu Phật giáo, đa phần là do chứng kiến sự kiện các tăng ni Phật giáo tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam. Tôi đọc các tác phẩm đa số là của Alan Watts và D.T. Suzuki và quyết định học tập và hành thiền ở Nhật Bản. Năm thứ ba đại học, nhờ chương trình học bổng Ấn Độ của đại học Wisconsin, tôi được đến sống ở Ấn Độ một năm. Khi học ở Banaras, tôi đã gặp những người Tây Tạng sống ở Sarnath. Tôi lập tức bị những người Tây Tạng “hớp hồn”, ngược lại tôi cũng được họ tiếp đón nồng nhiệt. Do đó, tôi chưa bao giờ đi sang miền đông Ấn Độ. Năm 1969, ở Nepal, tôi gặp Lama Thubten Yeshe, người trở thành vị thầy bổn sư của tôi suốt mười lăm năm kế tiếp cho đến khi thầy qua đời năm 1984. Trở về Hoa Kỳ, tôi hoàn tất chương trình cử nhân và thạc sĩ khoa triết tại đại học Cornell, rồi tốt nghiệp với bằng tiến sĩ về Ấn Học và Phật Học năm 1976 tại đại học Columbia. Năm 1996 tôi được yêu cầu để viết về cuộc hành trình cá nhân từ Jim Crow South đến Phật giáo Tây Tạng. Giờ tôi đã hoàn thành hồi ký này. Quyển sách với tựa đề Dreaming Me: An African American Baptist-Buddhist Journey (Kẻ Mộng Mơ: Hành Trình của một người Mỹ gốc Phi Châu từ Baptist đến Phật giáo) được nhà xuất bản Riverhead Books (Penguin và Putnam) phát hành vào mùa xuân năm 2000.
°
Năm người Mỹ gốc Phi châu nói về Phật Giáo tại Mỹ
Trong bài tham luận năm 1996 của tôi về những người Mỹ-Phi và Phật giáo, tôi đã miêu tả bản thân như là một người “Phật tử-Baptist”, với nhận thức rằng sự diễn tả bắng cái gạch nối là phù hợp nhất. Lúc đó tôi viết:
Tôi diễn đạt bài viết của mình theo cách đơn giản này chỉ vì nó miêu tả tôi là ai. Thực ra, tôi nghĩ mình thiên về "một Phật tử Mỹ gốc Phi" hơn; khi tôi tìm cách để hiểu về sự vật hoặc để phân tích một tình huống cụ thể, tôi thường rút tỉa từ các nguyên tắc của Phật giáo hơn là của Baptist. Nhưng... nếu như máy bay mà tôi đang đi thực sự có thể bị rớt (và như vậy đó là trường hợp rất đáng sợ), thì tôi phải nhờ vào cả hai truyền thống! Đó là một phản ứng từ sâu thẳm.
Để chuẩn bị cho bài tham luận này, tôi đã gửi các câu hỏi sau đến những người được phỏng vấn: Anh/ Chị có xem mình là Phật tử hay không? Anh/ Chị có cảm thấy bản thân mình xứng đáng với tên gọi là Phật tử hay cần phải kết hợp (gạch nối) thêm gì nữa không? Các câu trả lời tôi nhận được rất thẳng thắn và đa dạng.
Lori: “Tôi thấy [quy y tam bảo] là cái gì đó giống như rửa tội. Tôi cho rằng nếu bạn định quy y, định tìm một vị thầy, thì bạn cần phải chuẩn bị thật tốt, phải gắn bó với con đường đã chọn, hoặc ít nhất là gắn bó với vị thầy. Tôi không - và vẫn chưa - chắc chắn muốn làm điều đó. Khi người ta hỏi tôi có phải là Phật tử hay không, tôi nghĩ…họ muốn hỏi là: bạn đã quy y tam bảo chưa? Ai là thầy bạn? Bạn theo pháp hành nào? Điều này đối với tôi không phải là việc có thể xem nhẹ….. Sau khi từ bỏ đạo Công giáo, có thể tôi giống như một người đã ly dị; tôi không nôn nóng để phạm lỗi lầm lần nữa. Tôi từng nói rằng, tôi sẵn sàng vui vẻ trở về với Giáo hội Công giáo Mỹ cấp tiến nếu nó tách rời khỏi La Mã (Rome), nếu nó chịu truyền giới cho người đã có gia đình, chấp nhận người đồng tính, và thừa nhận vai trò của mình trong việc kéo dài chế độ gia trưởng, phân biệt giới tính, và phân biệt chủng tộc. Tôi có đòi hỏi quá đáng không?"
Lama Dorje: “Tôi là Phật tử. Tôi nương theo Phật pháp. Đối với tôi, việc pha trộn và kết hợp [gạch nối] là không thể được. Truyền thống Phật giáo rất toàn vẹn. Nếu ta thật sự chấp nhận giáo lý của Phật đà, thì ta sẽ không cần phải thêm thắt hoặc trộn thêm bất cứ thứ gì”.
Lewis: “Tôi xác định mình là Phật tử, nhất là giờ tôi đã thọ giới cư sĩ cho năm đời. Tôi ít khi cảm thấy có nhu cầu phải kết hợp các danh xưng, ngoại trừ trong một số trường hợp nhất định. Thêm người Mỹ gốc Phi châu vào hai chữ Phật tử khá quan trọng ở vài thời điểm, nhưng nó thực sự không thay đổi danh xưng Phật tử, giống như khi tôi tự xưng mình là Phật tử Nam Tông, Phật tử Mật Tông, hoặc Phật tử chiết trung. Tự xưng mình là Phật tử Bắc California, hoặc cụ thể hơn, Phật tử Berkeley có thể nói đôi chút về phương cách tu tập của tôi. Nhưng ngay như thế cũng không giải thích rõ ràng điều gì đáng để ta phải nhắc tới…. Khi tôi cảm thấy đủ tự tin để đi theo con đường của mình, tôi cho mình là một ‘Phật tử nghiêm túc’, là người có pháp hành bắt nguồn từ sự nỗ lực nghiêm túc về những vấn đề đặt ra cho Phật giáo, bởi điều kiện xã hội đa dạng, hiện đại, và cũng bởi triết học và khoa học đương đại. Pháp hành của người Phật tử đó cũng dựa trên nỗ lực để duy trì việc đón nhận sự phê bình một cách có trách nhiệm bất kể từ góc độ nào nó phát sinh. Tôi cũng thích tự gọi mình là Phật tử Dấn Thân (Engaged Buddhist) để xác định rằng sự quan tâm đến các vấn đề xã hội không hề đi lệch khỏi pháp tu giải thoát.
Ralph: “Dĩ nhiên tôi là một Phật tử, từ đầu đến chân! Lại nữa, tôi theo Ấn Độ giáo, một người rất sùng tín [bhakti]. Một người Mỹ gốc Phi châu trong xã hội này đi đến đâu cũng nói mình là người theo Ấn Độ giáo thì rất khó…. Nhưng, một Phật tử à? Đúng, tôi là Phật tử. Một Phật tử từ đầu đến chân. Tôi đã thọ giới rất, rất, rất nhiều lần; và mỗi khi lời nguyện ước lung lay, tôi làm lại từ đầu. Vì tôi là như vậy đó. Và-tôi có thể nói gì đây? Sự tu tập giúp tôi tỉnh táo.”
Người Tây Tạng chấp nhận tôi ngay và tôi nhận thấy họ giống như một gia đình thân thiện đầy những người tỵ nạn có lòng từ bi, thiện xảo. Tôi mau chóng biết được rằng người Tây Tạng sở hữu một loại kiến thức và trí tuệ mà tôi hằng ao ước - kiến thức về các phương thức để đối trị với chán nản, thất vọng, sân hận, và về việc phát triển lòng từ bi chân thật. Thật vậy, cả con người của họ nói lên điều này. Họ đã từng chịu đựng nhiều khổ đau không thể giải bày, bị ép buộc phải trốn chạy khỏi quê hương. Dường như chúng tôi san sẻ kinh nghiệm của một sự khủng hoảng lịch sử trầm trọng. Tuy vậy, họ đã thích ứng rất tốt, dường như họ sở hữu một loại áo giáp tâm linh mà bản thân tôi thiếu sót.”
Khi tôi hỏi bốn người Mỹ-Phi châu, với kinh nghiệm của họ, có bao giờ họ để ý hoặc cảm thấy bị phân biệt hoặc kỳ thị ở Á châu bởi người Châu Á hay không, đa số họ bỏ qua câu hỏi này, nhưng trong câu tiếp theo của tôi, họ đều trả lời thống nhất là “Không.” Giống như tôi, họ thấy kinh nghiệm ở Á châu với họ là nhiệt tình nhất. Lama Dorje nói khá cụ thể về điểm này, “Khi tôi viếng thăm Nepal, tôi tạo khá nhiều sự tò mò nơi người ở Nepal và người Tây Tạng, tôi thật sự là người đến từ một thế giới xa lạ. Nếu có bất cứ điều gì, thì đó là những sự khác biệt của tôi thu hút được mọi người đến với tôi. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy thoải mái khi đi trên những con đường ở Kathmandu hơn là những con đường ở Hoa Kỳ!”
Tuy nhiên, khi tôi hỏi, Quý vị có cảm thấy các trung tâm Phật giáo ở Hoa Kỳ “cởi mở” với quý vị và những người da màu khác không? Quý vị có cảm thấy mình được họ đại diện không? Tất cả bốn người tham gia đều có ý kiến, và đã trả lời như sau:
Lori: “Đến Hội Phật Giáo Cambridge là kinh nghiệm đầu tiên của tôi với văn hóa thiền đường (zendo), và tôi phải nói rằng tôi thấy nó không hấp dẫn lắm. Tôi thích Maurine, bà ấy như một người bà của tôi, nghiêm khắc nhưng đầy tình thương yêu, nhưng…tôi tự hỏi, ích lợi gì để lê thân đến đây (đi bộ từ nhà đến đây mất bốn mươi lăm phút), nếu sau khi ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, rồi đi về nhà? Đâu rồi tình đạo hữu? Đâu rồi bánh và trà? Có tăng thân để làm gì nếu không ai biết tên ai? Mọi thứ đều có vẻ hình thức và khó gần, tôi thật sự chưa bao giờ quen với không khí đó”.
Lama Dorje: “Các trung tâm Phật giáo mà tôi đã đến đều chấp nhận tôi là người da màu. Nhưng tôi không đến các trung tâm với sự lo lắng rằng, “Tôi có được chấp nhận hay không?” Tôi nghĩ là đức Phật giáo hóa tất cả mọi người, và giáo lý dành cho tất cả mọi người. Chính đức Phật cũng là người da màu. Hiện nay, người da màu chưa có tiếng nói trong truyền thống Phật giáo Mỹ…. Nói chung, Phật giáo có những hạn chế trong việc tiếp cận các cộng đồng người da đen, nên dầu một người da đen có muốn tìm hiểu Phật giáo, cũng khó tìm ra các nguồn tài liệu. Rõ ràng là các trung tâm Phật giáo không phổ biến như các tổ chức tôn giáo chủ đạo ở Mỹ. Người ta phải thực sự cố gắng mới tìm ra nguồn để tiếp cận Phật giáo. Nhưng tôi nghĩ các động thái giống như thế cũng có thể tìm thấy được trong nhiều cộng đồng, bất kể sắc tộc.”
Lewis: “Tôi nhận thấy các trung tâm Phật giáo mà người da trắng chiếm ưu thế, dù cởi mở nhưng không nhất thiết nhiệt tình. Tôi chưa bao giờ gặp trở ngại một cách công khai khi tham gia vào một sự kiện Phật giáo. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bị thiệt thòi, không được nhìn nhận, và đôi khi bị gạt ra một bên không phải chỉ vì hiểu lầm mà vì khó hiểu. Trong mỗi bối cảnh Phật giáo, bản thân tôi nhận thấy việc tôi là người Mỹ gốc Phi châu, có nghĩa là những mối quan tâm của tôi là thứ hạng, kinh nghiệm của tôi bị điều kiện hóa bởi sắc tộc ít khi được đề cập trực tiếp; và tôi phải diễn dịch nhiều điều để có thể áp dụng giáo lý vào hoàn cảnh xã hội mà tôi đang chứng kiến, và không hiếm khi phải chịu đựng cái cảm giác khó chịu khi phải nghe người da trắng nói về việc họ còn phải đi bao xa nữa trong xã hội này để đạt được sự bình đẳng thực sự cho người Mỹ gốc Phi châu”.
Ralph: “Tất cả các trung tâm Phật giáo mà tôi biết đều rất “cởi mở”. Vấn đề là liệu bạn có đủ can đảm bước qua những cánh cửa đó. Dĩ nhiên, bất cứ người da màu nào bước qua bất cứ cánh cửa của trung tâm Phật giáo nào, cũng giống như là bước qua cánh cửa nhà thờ ở Châu Âu, nơi những người da màu không hay đến: mọi người sẽ để mắt đến bạn. Người da màu cần nên hiểu về điều này. Khái niệm chính của Phật giáo là thấy mọi vật đúng với bản thể của nó; nhưng đây là bản chất của con người được thể hiện ở những trung tâm Phật giáo. Vài người sẽ ngạc nhiên, sửng sốt. Nhưng họ sẽ không đóng cửa vào mặt bạn. Tuy nhiên, cho đến khi nào mà mọi người ở các trung tâm đó, mọi hành giả trong nước, đối trị được ngọn lửa trong tâm họ - sự chối bỏ, ganh ghét, sân hận, kỳ thị chủng tộc - thì luôn cần có sự điều chỉnh trong cơ cấu ở những nơi đó. Vì vậy, đừng bước qua những cánh cửa chùa trong đất nước này mà không chờ đợi vài hành vi sơ ý khá tinh tế đối với quý vị. Đừng để bị xúc phạm bởi những điều này vì các hành giả [ở những trung tâm đó] là những người chưa được hoàn toàn giác ngộ. Mà có ai giác ngộ đâu? Chúng ta cần thời gian. Đây là một tiến trình quy mô; một chủ đề lớn ở đây.”
Jan: “Tôi thường thấy mình là một trong số ít người da màu ở các sự kiện Phật giáo, dù đó là các khoá tu ẩn cư hoặc thuyết pháp nơi công cộng bởi các vị thầy Phật giáo Á châu nổi tiếng. Tuy vậy, dường như có rất ít cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn về lý do tại sao hoặc làm thế nào để thay đổi tình trạng đó. Chúng ta cần phải có những cuộc thảo luận như thế”.
Dưới đây tôi đưa ra lời bình luận của Lama Dorje, Lewis Woods, Ralph Steele, và tôi về câu hỏi đặc biệt này.
Lama Dorje: “Theo thông lệ, truyền thống Phật giáo không kêu gọi người ta vào đạo, mà để mọi người tự tìm đến với giáo lý/ các thầy. Nhưng khi Phật giáo đã phát triển ở Mỹ, có thể là một ý kiến hay để có sự tiếp cận dấn thân hơn và tạo ra phương tiện hiển thị tốt hơn để giúp những người quan tâm có thể tiếp xúc dễ dàng hơn với Phật giáo. Trực tiếp tiếp xúc với người da màu, nếu họ thấy rằng có những hành giả và giáo thọ Phật giáo da màu, họ sẽ được khích lệ, biết rằng họ cũng có chỗ đứng trong một tôn giáo lâu đời, bắt nguồn từ miền đất đầy dẫy những người da màu. Tôi muốn là một công cụ để mở rộng cơ sở Phật giáo ở Mỹ để bao gồm cả những người da màu. Nếu có cách nào để tôi có thể hỗ trợ, xin vui lòng cho tôi biết.”
Lewis: “Vào thời điểm này tôi có lẽ sẽ cảnh báo những người Mỹ-Phi châu hoặc những người da màu khác có ý định bắt đầu tu theo Phật giáo ở những trung tâm nhiều người da trắng, hãy chuẩn bị cho sự kỳ thị chủng tộc. Nhưng tôi cũng muốn nói rõ là tôi nghĩ rằng, dù có như thế thì việc tu học Phật Pháp cũng rất đáng công. Tôi cũng đề nghị rằng họ nên cùng tham gia với mọi người để được hỗ trợ, và hãy bày tỏ niềm hy vọng rằng tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm cho những người tham gia sau chúng ta và làm tất cả trong khả năng của mình để bảo đảm rằng những người đến sau trong tương lai sẽ cảm thấy dễ dàng thoải mái hơn”.
Ralph: “Tôi sẽ nói, ‘tôi là một người da màu. Tôi hy vọng gặp lại quý vị trong các khoá tu sau’. Đừng mong là hành giả ở các trung tâm nói với các bạn về sự phân biệt chủng tộc. Đừng hy vọng là chính bản thân họ không có tâm phân biệt, dù là không cố ý. Điều cần nhớ là, không phải vì các vị hành giả, hoặc vị thầy - bất cứ vị thầy nào. Mà chính là vì giáo lý của đức Phật. Chính giáo pháp mới thực sự quan trọng. Điều này chẳng bao giờ thay đổi. Phật pháp đã có trên hai ngàn năm trăm năm rồi. Phật pháp chẳng thay đổi. Và chính Phật pháp đã cứu rỗi tôi và khiến tôi còn tu tập. Tôi đang ngồi trong phòng này với hai trăm người, mà tôi là người da màu duy nhất. Thì sao nào? Chẳng có chi là to tác. Bởi vì tôi biết sự tu tập của mình nên tôi có thể ngồi ở đây, hành thiền, chú tâm đến chuyện của riêng mình. Và đó là điều kỳ diệu của pháp hành này: sự trải nghiệm trực tiếp. Bạn chẳng cần ai dìu dắt, hoặc bất cứ điều gì tương tự như thế. Đó là lý do tại sao tôi vẫn còn hành pháp. Vì nếu tôi cần ai đó dìu dắt, hoặc tôi cần tin tưởng vào cái gì đó, tôi sẽ không theo pháp tu này.”
Jan: “Chúng ta có thể thu thập được nhiều tri kiến giá trị trong Phật pháp. Các tri kiến này đầy ý nghĩa, và có tiềm năng chữa bịnh cho người da màu cũng như cho tất cả mọi chúng sinh. Vì vậy, tôi khuyến khích tất cả mọi người da màu có ý muốn tìm hiểu về Phật giáo, hãy thực hiện ngay đi, qua sách vở, bài giảng và nên đến viếng các trung tâm Phật giáo, cũng như dự các khoá tu. Một thành ngữ nổi tiếng với người Mỹ-Phi châu là ‘Chớ rời mắt khỏi giải thưởng’. Sau khi cẩn thận quán sát và chọn lựa vị giáo thụ, hội đoàn hoặc trung tâm Phật giáo, người da màu sẽ rất muốn trải nghiệm về giáo lý và pháp hành”.
Tôi lại hỏi những người Phật tử Mỹ-Phi hoạt bát này: Có những đề nghị đặc biệt nào để giúp cho các trung tâm Phật giáo trở nên dễ tiếp thu và dễ tiếp cận hơn đối với người da màu hay không? Vị Lama Dorje và Ralph Steele đã kiến nghị rằng khi nào tại các trung tâm Phật giáo, người da màu có thể thấy họ được đại diện, thì họ có thể sẽ đến tham gia. Cả hai đều nói rằng sở dĩ họ trở thành người giáo thụ trong hệ phái Phật giáo của họ, một phần là do sự cố gắng cá nhân để giúp tạo ra hình ảnh đại diện này.
Jan: “Về điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với Lama Dorje và Ralph. Nếu chúng tôi, những người da màu, chuẩn bị bản thân để trở thành các vị thầy, dù ở các trung tâm Phật giáo hay các trường đại học, chúng tôi cũng sẽ tạo được ảnh hưởng. Tôi cũng nghĩ rằng các trung tâm Phật giáo trên toàn nước Mỹ phải phát động và phối hợp nhiều nỗ lực để trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn. Tổ chức những buổi ‘mở cửa nhà’ để người ta có thể thăm viếng là một cách hay để phá vỡ ngay cả những rào cản vô hình. Đối với những khoá tu dài hạn hơn, có các suất học bổng do trung tâm bảo trợ và những chương trình vừa học vừa làm, có thể giúp làm giảm bớt những khó khăn trong việc chọn lựa giữa việc làm và thời gian tu”.
Lewis Woods và Lori Pierce có những đề nghị dựa trên cơ sở lý thuyết nhiều hơn.
Lewis: “Vì sự kỳ thị chủng tộc và việc dành cho người da trắng những đặc quyền, sẽ không chấm dứt trong các cộng đồng Phật giáo trước khi nó được chấm dứt ngay trong xã hội - trong tình hình hiện nay, các cộng đồng Phật giáo còn lạc hậu hơn cả giới doanh nghiệp - các cộng đồng Phật giáo nói chung có trách nhiệm của người biết Phật pháp, phải có hành động quyết liệt. Một hành động như thế ít nhất cũng phải bao gồm việc ủng hộ sáng tạo ra các phương cách mới (thí dụ tổ chức các khoá tu, các lớp học riêng biệt, hay những trung tâm riêng biệt) dành cho người Mỹ-Phi châu và những người da màu khác. Để cho những sự thay đổi này thực sự có tính chất Phật giáo, chúng phải được dựa trên nhận thức về vô thường, khổ và vô ngã của bản chất chủng tộc và sắc tộc. Trên thực tế, điều này có nghĩa là họ không chỉ biết rằng một ngày nào đó các cơ sở riêng biệt này không còn cần thiết nữa, mà họ còn tích cực hướng đến điều đó.
Thứ hai, một hành động như vậy cần bao gồm việc công nhận sự mâu thuẫn khi nói về ‘Phật giáo Hoa Kỳ’ khi mà có nhiều người Mỹ không được đại diện, nếu không muốn nói là không được hoan nghinh, trong các cộng đồng Phật giáo.
Thứ ba, tôi mong rằng các vị giáo thụ Phật giáo và các vị lãnh đạo không chỉ biết rằng sự kỳ thị chủng tộc đang có mặt trong văn hóa của các trung tâm, mà còn phải nhận trách nhiệm vì việc đó và cố gắng hết khả năng để loại bỏ điều đó. Việc làm này có thể được coi như là một pháp tu trong Phật giáo”.
Qua các khoá học và qua sách xuất bản của mình, Lori đã chia sẻ sự phân tích và những đề nghị của cô với những người quan tâm về các vấn đề này.
Chủng tộc và Giới Tính
Trước khi kết thúc cuộc thảo luận có nhiều ý kiến này, dường như chúng ta nên đặt thêm một câu hỏi nữa, cụ thể là, Giới tính có tạo ra sự khác biệt hay không?
Jan: “Vâng. Giới tính tạo ra sự khác biệt sâu sắc. Ở tuổi mới lớn, những trở ngại do sự kỳ thị chủng tộc gây ảnh hưởng nặng nề hơn kỳ thị về giới tính, mặc dù, tất nhiên là cả hai điều này hoạt động chặt chẽ với nhau. Câu hỏi là, một người con gái da đen như tôi, làm thế nào để có thể thành công trong đời? Đối với thanh niên da đen, họ còn có một số chọn lựa; nhưng đối với phụ nữ da đen, cơ hội dường như rất giới hạn. Hiện nay, với tư cách là một nữ học giả Phật tử da màu, tôi thấy sự liên kết giữa vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính càng rõ ràng hơn. Dù tôi thành công trong việc tiến lên để có một nghề nghiệp trong lãnh vực học thuật mà cá nhân tôi cảm thấy rất đáng công, nhưng đó vẫn là lãnh vực mà tỷ lệ do nam giới chiếm vị trí chủ đạo. Dầu hiện nay có một số phụ nữ đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo ở các trung tâm Phật giáo trên khắp nước Mỹ, nhưng rất ít người trong số họ là phụ nữ da màu. Trong các trường học, con số phụ nữ da màu dạy về Phật giáo còn ít hơn thế nữa. Khi nào điều này vẫn còn là hiện trạng, Phật giáo ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phản chiếu hình ảnh các hệ thống tổ chức đầy thứ bậc và trọng nam khinh nữ, đã được duy trì qua lịch sử lâu dài ở Châu Á. Nếu cần thực hiện một sự tiến triển chân chính, thì các vấn đề về chủng tộc, giai cấp, giới tính, và tình dục cần được giải quyết nghiêm túc hơn là cách chúng ta làm từ trước đến nay. Chỉ có như vậy thì những hứa hẹn khơi gợi của các khái niệm triết học Phật giáo như lòng vị tha, sự phụ thuộc lẫn nhau, tính toàn diện, và cuối cùng là sự thấu hiểu sâu sắc và lòng từ bi mới có thể trở thành những khả năng thực sự”.
…
Khi hành Thiền Rinzai, thiền sinh sử dụng công án làm đề mục cho thực tập của mình. Họ “ngồi” với nó. Công án là một mê ngữ, một câu đố, một câu hỏi không thể nào “giải quyết” bằng lý luận một chiều và rời rạc. Tuy vậy, như vô số thế hệ thiền sinh cho thấy, công án có thể được giải quyết. Lần nữa theo cách nói của Lori, “công án nan giải, nhưng phân giải được”. Vì vậy, nếu như Phật tử ở Hoa Kỳ tạo ra công án “đa dạng”, “chủng tộc” và “giới tính” thì sao? Tôi nói rằng, hãy thực hiện đi, hỡi các Phật tử Hoa Kỳ. Xin hãy thử giải các công án mới!