Phật Giáo & Nữ Giới

Phần I (B)

Docsach24.com

ầu không có mặt của một hội chúng ni Thái Lan, nhưng các nữ tu sĩ đã có lịch sử lâu dài ở Thái Lan.  Các số liệu đầu tiên về sự có mặt của các nữ tu mae chis Thái Lan từ thời kỳ Ayutthaya (1350-1767) do một giáo sĩ người Pháp đầu tiên mô tả về các bà già mặc váy trắng sống trong các chùa. Đời sống tu hành của các nữ tu hay việc họ là ai, không được nhắc tới - họ chỉ được mô tả như là mấy bà già, đầu cạo trọc, mặc y phục trắng.  Trong tiếng Thái, Mae có nghĩa là mẹ và là tiếng rất được dân Thái coi trọng. Trong khi đó người ta không biết từ chis bắt nguồn từ đâu, nhưng có lẽ là để ám chỉ cách sống khổ hạnh của nữ tu. Tuy nhiên, cách đối xử với các Mae chis không theo đúng vai trò truyền thống của bà mẹ Thái. Là những "bà mẹ mặc y trắng", các nữ tu mae chis đã không được hưởng sự trân trọng thường dành cho các bà mẹ Thái, mà họ cũng không thu hút được sự quan tâm của công chúng hay của các vị học giả.  Tuy nhiên, cũng có ít trường hợp ngoại lệ như một vài cá nhân tu nữ mae chis đã được công chúng thừa nhận vì những hoạt động của họ, nhất là các khả năng thiền định của họ. Cũng có các thí dụ về những phụ nữ nổi tiếng trước khi xuất gia và họ tiếp tục được kính trọng ngay cả trong vai trò mới của họ là mae chis. Các nữ tu "nổi tiếng" này là những người có học và thường xuất hiện trong các chương trình truyền hình cũng như trên báo chí và tạp chí. Trong một mức độ nào đó, họ đã giúp phổ biến hình ảnh của các nữ tu mae chis khác với những gì đã được đóng khung trong lịch sử Thái.

Tích Lan là nước Phật giáo Nguyên thủy duy nhất, bên cạnh Ấn Độ, đã có ni đoàn chính thức (bhikkhuni). Ni đoàn này đã phát triển từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ mười một sau Công Nguyên, sau đó cả hai hội chúng Tăng và Ni đều bị tan vỡ. Tuy nhiên sau này tăng đoàn được khôi phục nhờ vào sự giúp đỡ của các dòng truyền thừa từ Miến Điện và Thái. Trong khi đó hội chúng ni đã không được khôi phục, mặc dù đấy là một vấn đề gây tranh cãi tại Tích Lan hàng chục năm qua.  Chướng ngại chính ngăn trở sự phục hồi của hội chúng ni là lập luận rằng dòng truyền thừa của bhikkhuni Nguyên thuỷ đã bị dứt đoạn thì không thể nối trở lại. Theo nghi thức thọ đại giới của chư ni, thì đại diện của bên tăng và ni phải có mặt, nhưng vì sự truyền thừa của ni bị dứt đoạn, nên việc thọ đại giới của ni được coi như bất khả thi. Ngày nay, gần như không có hội chúng ni nào hiện hữu trong bất cứ quốc gia Phật giáo Nguyên thủy nào. Tuy nhiên chư ni Tích Lan đã truyền đại giới cho ni chúng Trung Hoa vào năm 433 sau Công Nguyên.  Do đó người ta đã tranh luận rằng ngược lại chư ni theo Đại thừa ở Trung Hoa có thể truyền giới lại cho các ni người Tích Lan vì cả hai nhóm hội chúng ni này đều bắt nguồn từ một dòng truyền thừa. Các lý lẽ đối lập thì cho rằng Trung Hoa thuộc truyền thống Đại thừa, nên sự truyền thừa có vấn đề vì nó không được lưu truyền một cách liên tục.

Ở Tích Lan có các ni thọ mười giới (dasa sil mata; “những bà mẹ thọ mười giới”).  Trong cuộc tranh đấu để tái lập hội chúng ni ở Tích Lan, chư ni đã nhận biết tầm quan trọng của việc đạt được sự công nhận của tăng đoàn Tích Lan. Theo Goonatilake, chư tăng cũng như hàng cư sĩ, ngày càng ủng hộ việc thọ đại giới của nữ giới.  Ở Thái Lan cũng có nhóm các nữ tu thọ mười giới nhưng họ đã không được chấp nhận giống như các dasa sil mata ở Tích Lan. Vấn đề về việc tái lập hội chúng ni ở Thái Lan cũng không phổ biến như ở Tích Lan.  Cũng có một số người vận động cho sự thành lập hội chúng ni ở Thái Lan. Nổi tiếng nhất là Tiến sĩ Chatsumarn Kabilsingh, người đã vận động cho sự tái lập ni đoàn từ rất lâu.  Tuy nhiên tăng đoàn của các vị sư Thái cương quyết từ chối việc công nhận ni đoàn ở Thái Lan, dầu có một số ít các vị sư cũng ủng hộ hội chúng ni ở Thái Lan. Nhưng nhìn chung, các nữ tu mae chis không tranh đấu cho việc được thọ giới đầy đủ. Dầu một số ít các nữ tu mae chis cũng chú trọng tới việc được thọ giới đầy đủ, nếu hoàn cảnh cho phép, nhưng đa số cho rằng họ có thể tự phát triển đời sống tâm linh với tư cách là nữ tu mae chis. Sự thực là các mae chis, đã rất gắn bó với hệ phái Theravada, giờ nếu để được thọ đại giới, họ phải thọ giới với chư tăng, ni phái Mahayana, điều này đã khiến họ do dự. Họ thắc mắc rằng nếu họ thọ giới như vậy có đồng nghĩa với việc họ từ bỏ hệ phái Theravada không. Thêm nữa, phần lớn các nữ tu Thái Lan giữ giới rất nghiêm mật, do đó họ lo lắng rằng sau khi thọ đại giới, liệu họ có giữ được hơn ba trăm giới, trong đó có nhiều giới không còn  phù hợp với đời sống hiện tại nên rất khó giữ….

 

Tiến Gần Đến Cõi Tâm Linh

Xuất gia là bước đầu tiên mà người ta phải thực hiện để tiến từ hàng cư sĩ tới cõi tâm linh của người tu sĩ, để trở thành một thành viên của hội chúng tăng già. Ở Thái Lan, ngoài các hoạt động khác, người xuất gia đi khất thực, học đạo, hành lễ và thực hành thiền. Không phải tất cả nam giới đều có đủ điều kiện để trở thành tăng. Người đó phải là nam nhân, đủ hai mươi tuổi, không bệnh hoạn, không tàn tật. Hơn nữa, người đó cũng không có tiền án và cũng không phạm lỗi lầm gì đối với tăng đoàn, nếu trước kia người đó đã là tăng sĩ Phật giáo. Lễ thọ giới của tăng được sửa soạn chu đáo và thường là một sự kiện gây tốn kém, vì nó cho phép gia đình, bà con cũng như bạn bè tụ họp lại. Khi một người nghèo muốn xuất gia, người đó phải tìm thí chủ ủng hộ hoặc gom góp từ nhiều nguồn như gia đình hay hàng xóm. Thường thì các thí chủ hoan hỷ trong việc đóng góp cho lễ xuất gia, vì đây là một cơ hội bố thí mà tất cả những người tham dự, nhất là các thí chủ được hưởng nhiều phước báu. Tuy nhiên, lễ xuất gia của các nữ tu mae chis thì không quá tốn kém và thường chỉ có một nhóm nhỏ tụ tập lại tại chùa hay ni viện. Dầu cũng là một hành động thiện, nhưng nó được coi như là một sự kiện thế tục.   

 

Trong hai thập kỷ đầu, kể từ khi Viện Tu Nữ Thái có mặt, các mae chis đã gặp nhiều rắc rối với vấn đề "nữ tu giả", nhất là ở các thành thị. Những người phụ nữ này cạo tóc và đắp y giống như các nữ tu mae chis để được dân chúng bố thí. Hành vi của họ ảnh hưởng đến danh tiếng của các mae chis chân chính, nhưng vấn đề này không dễ giải quyết. Chính sự nỗ lực của Viện để biến các mae chis thành một phân loại đặc biệt đã chứng tỏ đó là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát các nữ tu giả.  Nghi thức xuất gia trang trọng, hành vi chuẩn mực, thực hành đạo pháp và giáo dục đã giúp người ta dễ phân biệt các mae chis thật với các nữ tu giả. Thẻ lý lịch mà Viện đã cấp cho các mae chis cũng góp phần vào việc xác nhận danh phận thật, giả của họ. Các mae chis là thành viên của Viện, và đã xuất gia ít nhất một năm mới được cấp thẻ lý lịch này. Ngoài ra cũng có bài thi trắc nghiệm do Viện đề ra để khảo sát sự hiểu biết của các mae chis về giới luật. Các giới luật được in trong cuốn cẩm nang dành cho các nữ tu, trong đó có nghi thức xuất gia và sự mô tả chi tiết về cách đắp y của nữ tu mae chis và nữ tu gieo duyên chi phram….

Tại Thái Lan và các quốc gia theo Phật giáo Nguyên thủy, việc tạo công đức hay sự bố thí cúng dường giữ một vai trò quan trọng trong việc phụng sự đạo pháp. Thuật ngữ thambun (tạo công đức - hành động thiện) thường được dùng để chỉ nhiều loại thiện hành và hành động bố thí. Đối với người Thái, việc cải thiện nghiệp quả rất quan trọng, và nó có thể thực hiện qua các hoạt động tạo công đức. Có rất nhiều cơ hội để tạo công đức - thí dụ, bằng nhiều hình thức bố thí, do các chùa hướng dẫn. Hành động tạo công đức được nói đến nhiều nhất là cúng dường thực phẩm đến cho chư tăng khi họ đi khất thực, trước giờ ngọ mỗi ngày.

Vì các nữ tu mae chis sống ở các chùa nên họ không phải đi khất thực. Việc các nữ tu mae chis đi khất thực buổi sáng vẫn bị coi là bất thường. Tại ni viện Ratburi, các nữ tu khởi sự đi khất thực là theo lời yêu cầu của cư sĩ trong làng. Vào lúc 5:30, mỗi sáng có mười lăm nữ tu đi chân trần, ôm bình bát trắng trước ngực, nhận gạo và thức ăn từ khoảng năm mươi nhà trong làng. Các vị bước trong im lặng và sự giao tiếp giữa người cho và người nhận theo một nghi thức tôn giáo. Khi các nữ tu tới trước một nhà nào thì các vị đứng yên lặng và mắt nhìn cuối xuống. Trước khi dâng gạo, người thí chủ cởi giày ra, một hành vi để tỏ lòng tôn kính, rồi đưa bát gạo ngang trán và trút một muổng gạo vào bát của từng vị nữ tu mae chis. Sau đó, các thí chủ thường quỳ xuống, chấp tay lên để vái (wai). Trong lúc được để bát các nữ tu luôn im lặng. Họ không nhìn thẳng vào người thí chủ và bước đi một cách im lặng.

 

Thường thì các thí chủ để bát cho các nữ tu vào buổi sáng, cũng là người để bát cho các tăng. Khi được hỏi họ có nghĩ rằng việc để bát cho chư tăng được nhiều phước báu hơn so với các nữ tu, thì câu trả lời là phước báu giống nhau. Theo họ, điều quan trọng là chư tăng và các nữ tu giữ giới và hành đạo như thế nào. Như thế, vai trò mới của các nữ tu mae chis cũng bao gồm việc hành lễ và giúp đỡ hàng cư sĩ bằng nhiều cách. Việc giáo dục trong Phật giáo cũng được nhấn mạnh, và ngày nay nhiều nữ tu cũng học Pali để có thể nghiên cứu các bản kinh gốc và đọc đúng chữ Pali. Qua nghi thức xuất gia trang trọng hơn, rồi việc đi bát, hành lễ, các nữ tu mae chis dường như tiến gần hơn đến cõi tâm linh hoàn mãn trong sự tu tập hằng ngày của họ….

VORAMAI KABILSINGH:

Nữ Tỳ Kheo Thái Đầu Tiên

Martine Bachelor sưu tập, Chatsumarn Kabilsingh dịch sang tiếng Anh.  

Ở Thái Lan, Voramai Kabilsingh là một trong số ít các nữ tu đã thọ đại giới. Bà đã đến Hong Kong để được thọ giới tỳ-khưu ni. Bà đắp y vàng. Nhưng khi bà trở về Thái sau khi được thọ đại giới, thì chư tăng đã yêu cầu bà ngưng đắp y vàng. Một số người đã nhận xét rằng các tăng chỉ đắp y màu vàng cam và hoàng thổ, tại sao bà lại không được mặc màu vàng? Từ đó bà đã được để yên theo lệnh của thượng hội đồng tăng. Sau một thời gian tinh tấn tu hành, nay bà đã rất già yếu, bệnh hoạn.  Phật tử từ khắp nơi đến thăm viếng để tỏ lòng quý kính bà.

°

°

 Tùy theo hoàn cảnh, tôi đã thực hành nhiều phương cách thiền: quán sát hơi thở, nhất tâm dựa trên hơi thở, minh sát,...  Thiền là sự định tâm để ta có thể sử dụng nó một cách trí tuệ. Từ bi đến từ trái tim. Khi tôi giúp đỡ, tôi không giúp chỉ một người vì trong đó có sự chọn lựa: tôi giúp tất cả mọi người.  Tôi muốn được giúp đỡ mọi người lâu dài.

Tôi không nhất thiết phải là tỳ-khưu ni để làm điều này. Tuy nhiên, tôi muốn nêu một tấm gương vì ở đây không có tỳ-khưu ni và muốn trở thành một tỳ-khưu ni không phải dễ. Tôi đã chứng minh rằng nữ giới cũng có thể được thọ đại giới. Ngày nay có nhiều người đến thăm viếng tôi, như là một điển hình sống của một tỳ-khưu ni ở Thái Lan.

Khi tôi ngã bệnh, các vị bồ-tát đã đến che chở và giúp đỡ tôi. Nếu bạn làm tròn bổn phận người tu, bạn sẽ thấy và hiểu được nhiều điều.