ae Chi Booliang, 65 tuổi, nhưng đã là nữ tu sĩ được 45 năm. Bà rất năng động, khiêm cung và cởi mở. Trước đó, bà đã từng thuyết pháp nhưng giờ bà là người điều hành một thiền viện ni và một tổ chức từ thiện ở Bangkok.
Tôi xuất gia năm 19 tuổi. Năm 16 tuổi, tôi bị bịnh rất nặng. Ở miền bắc đất Thái có một truyền thống là nếu một đứa trẻ bị bịnh nặng, thì để cho đứa trẻ mau hết bịnh, cha mẹ sẽ xin cho nó được xuất gia gieo duyên. Vì vậy, khi được 19 tuổi, tôi đến chùa để xuất gia gieo duyên trong thời gian một năm. Sau đó, tôi vẫn còn bịnh và không muốn trở thành sư cô trong tình trạng này. Vì vậy tôi đến Lục Bảo Thạch Phật (Emerald Buddha) ở Bangkok và cầu nguyện với đức Phật rằng, nếu như ngài không muốn tôi trở thành người tu, xin ngài hãy giải thoát cho tôi. Nếu tôi phải làm cư sĩ, thì tôi sẽ vâng theo như thế. Nếu không phải thế, thì xin Ngài hãy khiến cho một điều gì đó xảy ra. Vào lúc ấy cha tôi bị bịnh rất nặng và qua đời. Lúc ấy, tôi cảm thấy rằng mình chẳng còn ai để nương tựa vào nữa, vì vậy tôi đã ở lại chùa làm sư cô.
Tôi đến một ngôi chùa và ở lại đó mười bốn năm. Tôi thiền, tụng kinh và hành lễ cho các đám tang, nhưng tôi cảm thấy mình chẳng đi đến đâu. Tôi nghe nói đến một ngôi chùa mà ở đó người ta hành thiền nhiều hơn. Nghe nói nơi đó là rất thích hợp cho nữ tu sinh sống và hành thiền. Không cần phải tụng kinh nhiều hoặc tế lễ cho các đám tang. Tôi dọn đến sống ở ngôi chùa đó được một năm.
Cuối cùng, tôi đến thăm Mae Chi Ghee ở Ragburi, nơi mà người ta hành thiền nhiều hơn ngủ. Mae Chi Ghee nói với các sư cô rằng khi hành thiền, họ cần phải quán sát hết mọi thứ và không để quên bất cứ gì, giống như khi họ quán sát thiên nhiên. Một ngày kia, khi đang hành thiền, tôi chợt nhìn thấy một máng xối rỉ sét, và tự nhiên tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối rằng nó đã bị hư hoại. Tôi đã trải nghiệm được rằng cuộc sống là vô thường. Tôi hiểu được Pháp từ cái máng xối ấy. Ngay lúc ấy, tôi quyết chí sẽ suốt đời làm người tu.
Tôi đến ni viện này và tham gia tổ chức từ thiện ở Bangkok, vì Mae Chi Prapit yêu cầu tôi làm ni trưởng tại đây. Tôi đã luống tuổi và cũng đã nhiều năm tu, nên tôi sẽ quản lý tốt nơi này. Tôi trụ lại đó được hai mươi lăm năm, dầu trước đây sau ba năm, tôi đã muốn rời khỏi nơi đây để lại được hành thiền với Mae Chi Ghee, nhưng tôi được thỉnh cầu tiếp tục làm nhiệm vụ ni trưởng và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng khác ở Phật Học Viện Dành Cho Nữ Tu Thái.
Ni viện này là nơi dành cho các thiếu nữ trẻ muốn xuất gia, hoặc muốn được huấn luyện để giúp đỡ những dân làng nghèo khó. Khởi đầu, chương trình này không được thuận lợi, tôi đã không biết làm thế nào để các thiếu nữ trẻ Thái này có thể trở thành những nữ tu đạo hạnh. Các sư khuyên nên dạy họ học may. Vì thế, họ đã cầu nguyện, tụng kinh, và học may cũng như học thiền. Các nữ tu hứa rằng sau khi hoàn tất khóa học, họ sẽ ở lại ni viện hai năm. Rồi sau hai năm, họ có thể ở lại đây, chuyển đến một ni viện khác, hoặc hoàn tục. Tất cả hoàn toàn miễn phí. Họ hứa rằng trong hai năm đó, họ sẽ đi đến các vùng nông thôn để giảng Pháp cho dân làng.
Các thiếu nữ học ở đây đến từ những làng mạc xa xôi. Cha mẹ của họ rất nghèo. Họ đến đây để được học Phật pháp và tập may vá. Khi quay trở về làng quê, họ có thể có một nghề trong tay. Nhưng vì ni viện có nhiều điều luật khá nghiêm khắc, một số không tuân giữ được, nên đã ra đi. Nếu bỏ học trước thời hạn hai năm, họ phải trả ba trăm baht cho tiền ăn, chốn ở, và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nhưng nếu bị đuổi học vì quá cứng đầu, không vâng lời hoặc quá hư đốn, thì họ không phải trả bất cứ chi phí nào.
Sau khi tốt nghiệp, đa số các thiếu nữ hoàn tục. Họ có thể tìm được việc làm tốt ở các hãng xưởng hoặc trong các tiệm làm hoa. Họ biết cách cư xử và là những công nhân tốt, nên chủ nhân thường rất hài lòng về họ. Các sư cô thì rời thiền viện để tiếp tục việc học thêm vì đa số có rất ít học thức trước khi đến đây. Quỹ Á Châu sẽ giúp đỡ họ. Chúng tôi có rất nhiều người giúp đỡ như Quỹ Á Châu, một số cơ quan chính phủ, và nhiều hội đoàn phụ nữ.
Đây là chương trình phúc lợi xã hội, vì thông thường những người phụ nữ này rất ít có được cơ hội. Nếu được đến đây, họ có cơ hội để học tập và giúp đỡ người khác. Trong ni viện này, chúng tôi chỉ dạy cho các tu nữ, và những vị này sẽ đi đến các thôn làng để dạy lại cho các cư sĩ. Như sáng nay, quý vị đã nhìn thấy một nhóm dân làng đến chào từ biệt các sư cô đã dạy họ.
Tôi chỉ là người quản lý. Mỗi ngày tôi dậy 4 giờ sáng và hành thiền. Sau đó tôi kiểm kê tài chánh và giám sát việc giảng dạy. Tôi cũng lo tiếp các vị khách vãng lai. Tôi có chút mệt mỏi và muốn từ chức, để các sư cô khác lo việc quản lý. Nhưng tất cả họ đều muốn tôi ở lại dù tôi chẳng làm gì cả; họ muốn tôi ở lại để làm ni trưởng giám sát và điều hành, còn mọi việc khác đều do họ lo hết. Có khoảng bốn mươi người trong ni viện. Có ba vị giáo thọ: một vị giảng pháp, một vị dạy may, và một vị dạy làm hoa giả.
Là người Thái, tôi có bổn phận giúp đỡ cho đất nước tôi. Chính phủ, hoàng gia và giáo hội cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Rất tiếc là tôi chỉ có thể dạy được một số ít các sư cô, vì ngân khoản eo hẹp. Tôi đã xuất gia nhiều năm, đã biết rằng tất cả mọi thứ đều là vô thường (anicca): mọi thứ thay đổi. Tôi rất vui được làm người tu và có thể giúp đỡ bản thân cũng như người khác. Giờ tôi hiểu hạnh phúc thật sự là gì. Tôi không nghĩ về tương lai, tôi sống trong hiện tại. Tôi tin rằng nếu như quý vị làm những việc tốt, quý vị sẽ đạt được kết quả tốt. Có lần hoàng hậu Thái Lan nói rằng, chúng ta cần phải ban phát hạnh phúc cho người khác. Nếu quý vị hạnh phúc, quý vị sẽ giúp đỡ người khác; vậy là họ đã được san sẻ hạnh phúc với quý vị. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.