Phan Thanh Giản

Phần III

 Trước họa xâm lược của thực dân Pháp đến từ một nước tư bản phương Tây, từ một nền văn minh công nghiệp với nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, với lối đánh chưa từng có trong binh thư phương Đông, vua tôi triều Nguyễn tỏ ra rất bị động, lúng túng.

 

Thực tế, trong triều người thì "chủ chiến", người thì "chủ hoà", người thì "lo chống giữ lâu dài", người thì "chẳng chiến cũng chẳng hoà" và không ít người chẳng đưa ra được chính kiến gì.

 

Luận thêm để thấy:

"Chủ chiến" nhưng nếu chỉ biết đánh, không biết dựa vào dân để đánh lâu dài và kết hợp lo canh tân để tăng cường tiềm lực đất nước thì cũng khó giữ được nước.

"Chủ hoà" mà chỉ lo thương thuyết, cầu xin giặc, không dám dựa vào dân, không lo canh tân đất nước thì chỉ dẫn đến thất bại và đầu hàng.

 

Cùng theo đó, là hệ tư tưởng Nho giáo bảo thủ, triều Nguyễn tự giam mình, quay lưng lại mọi trào lưu tiến hoá trên thế giới, khước từ mọi đề nghị canh tân đất nước của những trí thức yêu nước cấp tiến.

 

Và có thể  nói: vua quan nhà Nguyễn muốn đổ hết trách nhiệm và tội lỗi cho Phan Thanh Giản, hòng che giấu phần nào những yếu kém về đường lối cai trị & phương thức chiến đấu của mình.

 

Nhưng oái oăm là ngay trong chính sử triều Nguyễn thôi, cũng đủ cho chúng ta khẳng định rằng ông là người đồng tình và cũng là người thực hiện một chủ trương đã được hoạch định từ trước của triều đình thời Tự Đức.

Khi hoà ước được ký kết tại Sài Gòn, tuy chưa được nhà vua phê chuẩn; Tự Đức gần như là hớn hở nên ung dung nói rằng:“ Hòa nghị đã thành, có thể ngồi mà đến Phú cường”,  ngay sau khi mắng Giản & Hiệp là tội nhân thiên cổ, thì thật là không sao hiểu nỗi.

 

Đình thần, lúc bấy giờ có một số người phản đối như Trần Hi Tăng (ông tam nguyên Vị Xuyên này được lệnh vào trấn nhậm Vĩnh Long, ông Trần vì bất bình hòa ước, không chịu đi nên bị bức phải uống thuốc độc mà chết), nhưng đa phần cũng chỉ có thể nhận xét và tâu lên vua:

 

"về khoản cắt đất bồi ngân, hai viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp. Nhưng điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí", và đề nghị "công việc Nam Kỳ nên chuyển uỷ cho Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp đứng làm".

Trở lại việc Phan Thanh Giản để mất 3 tỉnh miền Tây năm 1867, trách nhiệm của ông về nguyên tắc có phần nặng nề hơn vì với cương vị Vĩnh Long - An Giang - Hà Tiên kinh lược sứ, ông có trách nhiệm giữ đất và là người được toàn quyền thay mặt nhà vua xử lý mọi việc trong vùng.

 

Nhưng trên thực tế, chủ trương "cầu hoà" và Hoà ước 1862 mà Tự Đức đã phê chuẩn năm 1863, đã đặt Phan Thanh Giản vào nhiệm vụ giữ đất 3 tỉnh miền Tây vào tình thế cực kỳ khó khăn đến bế tắc.

Về vị trí địa lý, 3 tỉnh miền Tây hoàn toàn bị cô lập, bị tách ra khỏi địa bàn cả nước bởi 3 tỉnh miền Đông đã ở trong tay quân Pháp.

Hơn thế nữa, trung thành theo Hoà ước 1862 và nhất là sợ người Pháp "nghi ngại", Tự Đức "đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn", rồi còn "xuống dụ cho cho tỉnh thần ba tỉnh sức khắp các hạt biết, mà các quan phủ huyện một khi trông thấy, tức thì bắt ngay đem giải, nhà dân có ai chứa chấp cũng bắt tội như kẻ phạm tội".

 

Như vậy, bi kịch của Phan Thanh Giản là một mặt ông cùng  phe "chủ hoà", rất mực trung thành với nhà vua; mặt khác ông lại nặng lòng với dân với nước.

 

Mâu thuẫn đó đã đẩy ông đến chỗ bế tắc và chỉ còn biết lấy cái chết để kết thúc cuộc đời và bày tỏ nỗi lòng của mình.

 

Có lẽ nhóm tác giả Đại Nam chính biên liệt truyện phần nào đã thấu hiểu lòng ông khi nhận xét:" Thanh Giản là người ngay thực, giữ lòng liêm khiết, làm quan cần mẫn, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thờ 3 triều, vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là ở vào chỗ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì lòng trung ái chứa chan ở ngoài lời nói".

Sau này hiểu rõ vụ việc hơn nên vào năm 1886, ông được vua Đồng Khánh khai phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ông ở bia Tiến sĩ...

 

Nói thêm:

 

Khi sắp mất, Phan Thanh Giản có dặn con cháu, không được cộng tác với giặc Pháp và tự tay viết mấy dòng chữ trao cho người nhà: "Minh tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư: Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu" (Tấm triệu (ghi chức tước của người chết đi theo sau quan tài) nên bỏ, nếu không thì chỉ cần ghi: linh cữu người học trò già họ Phan ở nơi góc biển).

Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837-1893, tự Quý Tướng), Phan Liêm(1833-1896 tức Phan Thanh Liêm), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… lập thành nhóm Cần Vương từ tháng 7 đến tháng 11/1867; khi bị dẹp hai ông bỏ trốn ra Bình Thuận.

 

Người ta lại gặp hai ông bên cạnh Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội, rồi bị bắt làm tù binh ngày 20/11/1873, sau hòa ước Giáp Tuất hai ông được trao trả cho triều đình Huế, rồi được triều đình trọng dụng…

 

Phần mộ hai ông Phan Liêm và Phan Tôn cùng được xây dựng trong chùa Trà Am, thôn Tư tây, xã Thủy An, Thành phố Huế hiện nay, cách chợ Đông Ba khoảng 15 km, sát bên núi…

IV.Dẫn hai bài thơ và một nhận xét để thay cho lời kết:

Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc chính là tâm trạng đầy bi kịch của ông, một vị đại thần đầu bạc, suốt đời lận đận trong vòng trói buộc của hai chữ "trung quân", đồng thời cũng là người thực thi đường đối “chủ hòa” mà cứ đinh ninh là mình yêu nước, thương dân một cách đúng đắn.Lúc cuối cùng, ông mới thấy van lơn với giặc là vô hiệu, vô cùng tai hại:

Trời thời, đất lợi, lại người hoà

Há dễ ngồi coi, phải nói ra

Lăm trả ơn vua, đền nợ nước

Ðành cam gánh nặng, ruỗi đường xa

Lên ghềnh, xuống thác thương con trẻ

Vượt biển, trèo non cám phận già

Cũng tưởng một lời an bốn cõi

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!

Nhà thơ lớn đương thời Nguyễn Đình Chiểu tỏ thái độ thương tiếc và trân trọng đối với ông Phan Thanh Giản qua bài thơ điếu, mà mỗi câu chữ đều rất thắm đượm nghĩa tình:

Non nước tan tành hệ bởi đâu

Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu

Ba triều công cán vài hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu

Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh sinh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ đây mặc gió thu!

Từ điển văn học  (Nhà xuất bản KHXH, H.N, 1984, tập II, tr. 202 ) nhận xét về Phan Thanh Giản như sau:

 "Nhìn chung, con người Phan Thanh Giản trong thơ là con người giàu tình cảm... Ở lĩnh vực khác, thơ văn Phan Thanh Giản cho thấy một nhà nho chính thống "an bần lạc đạo", sống có tình với bạn bè, anh em, biết coi "trí quân trạch dân"( vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ) là mục đích chân chính của đời mình.

Tuy nhiên, con người đó, về một phương diện khác, lại là người buồn nản trước thế cuộc, có phần sợ phục trước văn minh tư bản, và từ sợ phục đi đến nhẫn nhục, rồi đành khuất phục bọn cướp nước. Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc có thể là bài thơ tập hợp đầy đủ mọi mâu thuẫn trong con người Phan Thanh Giản.

 

Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn

Long Xuyên, 5-9 /11/2007

 

Ảnh trên: Ngày 16/4/1863,thiếu tướng Bonard và đại tá I Pha Nho Phalanca đến Huế, được vua Tự Đức đón tiếp trọng thể; để cùng làm lễ ký công nhận Hòa ước Nhâm Tuất (theo Nguyễn Phan Khoang, còn  Trọng Kim lại cho rằng vào tháng 2/1863).Điều này càng cho thấy Huế rất nhu nhược và nếu cho rằng Phan Thanh Giản tự ý làm sai trái thì Huế vội  phê chuẩn làm gì…

 

Tranh dưới: rất có thể đây là tranh mô tả cảnh ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 05-06-1862 tại Sài Gòn.

 

Docsach24.com 

Tài liệu sử dụng:

Ngoài những tài liệu tôi đã nêu trong bài, tôi còn nhờ:

- Tự điển wikipedia tiếng Việt, mục Phan Thanh Giản

-Bài viết: Phan Thanh Giản với bản án được tuyên sau cái chết của Giao Hưởng, báo Thanh Niên  06/09/2006.

-Tổng tập của G.s Trần Văn Giàu, nxb Quân đội nhân dân,năm 2006

-Phan Thanh Giản con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử của G.s Phan Huy Lê.

-Việt Nam thế kỷ XIX, của Nguyễn Phan Quang, nxb TP HCM, năm 2002

-Thế kỷ XXI nhìn về cụ Phan, bài của Phan Thanh Tâm đăng trên web, không nhớ địa chỉ.

- Mấy câu thơ dùng dẫn vào bài của tác giả Đông Tà, tôi trích lục nơi web Thi Viện.

 

-Ảnh: mộ của ông. ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri,( Bến Tre), gần mộ thầy Võ Trường Toản

 

Docsach24.com