Phan Đình Phùng

Ô hô! Cao Thắng

Trong lúc nghĩa quân đang có thế mạnh sức to, làm xao xuyến lòng người và tràn lan khắp xứ, khiến nhà đương cuộc Bảo hộ đang phải nhọc nhằn lo ngại, không biết có dẹp được không, và bao giờ mới dẹp được; trong lúc nghĩa quân đang cần người có trí, có dũng để giúp đỡ cụ Phan về việc sai khiến tướng sĩ, liệu lượng binh cơ, thì chợt có một cái tang rất đau đớn, rất thiệt hại, dời đổi cả đại cuộc, rung động cả toàn quân: cái tang Cao Thắng tử trận.

Cao Thắng là một người có tài to chí lớn thế nào, ai nấy đọc mấy đoạn trên kia đã biết; nghĩa quân đang cần phải có ông, đang phải dựa vào ông làm một bức tường thành, bỗng thiếu mất ông đi, tức là nghĩa quân thiếu mất linh hồn, kém hẳn thực lực, không phải vừa.

Hồi đó đã trải năm năm tích tụ, năm năm dạy dỗ, Cao Thắng ngó thấy nghĩ quân có khí giới, có lương thực, có công phu tập luyện khá rồi, tuy không phải được dư lực chi, nhưng cũng đủ chống cự với quân Pháp trong một thời gian. Bởi vậy ông suy nghĩ nếu mà nghĩa quân cứ chui lủi lẩn quất ở trong vùng rừng núi mãi, không lấn bước lên một vài thì đến bao giờ mới chiếm cứ được một tấc đất làm căn bản hẳn hoi để đồ lấy việc lớn. Đã không lấn được thì làm sao khỏi có ngày phải thụt lùi, phải hư hỏng. Vậy thì bây giờ, theo ý ông muốn, nghĩa quân tất phải kịch liệt tấn công một phen thế nào, chớ cứ ở mãi rừng núi như thế này, tuy là đất của mình thật, nhưng bốn phía đều có quân Pháp bao bọc, siết cứng lấy mình, thành ra mình không khác chi con chim ở trong lồng, con cá ở trong chậu, vẫy vùng gì được? Suy nghĩ vậy rồi Cao Thắng vào hầu cụ Phan để bàn về việc tấn công, huyết chiến một phen xem sao.

- Ý định của ông muốn đem quân ra đi, thì đánh lấy đất nào trước?

- Tôi xin đánh tỉnh Nghệ trước.

- Tại làm sao lại đánh tỉnh Nghệ trước?

- Vì quân Pháp đối địch với ta, lấy tỉnh Nghệ làm nơi căn bản, đóng quân và tích lương ở đó rất nhiều, một là để chống giữ ta ở mặt Hà Tĩnh, Quảng Bình, hai là để chặn đường không cho giao thông thanh khí với ngoài Bắc. Ngày nay, nếu ta ngồi mà giữ đây mãi, đã chẳng phải là kế cứu an, mà lấy gì khích động được lòng người, mưu toan được việc lớn. Bao nhiêu nghĩa đảng trong nước bây giờ, đều trông ngóng và ta mà định bước lui tới; đến sức khá như ta mà cứ ngồi yên, thì họ cũng không dám động, nay nếu ta động thì tất là họ ùa theo, chắc sẽ bùng lên có thế mạnh lắm. Vả chăng lấy rừng núi làm chỗ sáng tạo thì được, chứ làm chỗ thủ thành không xong, vì quân Pháp chẳng cần gì đánh ta, cứ bọc vây ở ngoài trong ít lâu, chẳng cần phải hao phí một tên lính, một viên đạn nào, có thể khiến cho ta ở trong tuyệt lương, bí đường, tự nhiên lần hồi ta phải tan, phải chết. Tiểu tướng dám quyết đoán rằng thế nào địch quân cũng dùng tới cái kế không cần đánh mà rồi thắng trận thành công như thế đó. Bởi vậy, nghĩa quân ta phải ra tay trước để mở lấy một sinh lộ mới được;

- Nhưng nếu ra đánh tỉnh Nghệ, mà Pháp kéo quân ở trong ra, ở ngoài vô rồi hai mặt đánh đổ dồn lại, thì tướng quân lấy gì mà chống cự cho nổi?

- Điều đó tiểu tướng đã suy nghĩ kỹ càng rồi. Tôi chỉ cần chống cự với mặt quân ở ngoài Bắc vào, còn mặt trong tôi không sợ. Trong khi tôi tiến binh lên thâu phục tỉnh Nghệ An, tôi sẽ xin chủ soái truyền lệnh cho các quân thứ đều cử binh một lượt, không cốt gì đánh nhau, nhưng chỉ làm ra bộ lâm le đánh phá hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, làm vậy để chia sức quân Pháp đi, họ không để hết tâm lực đến mặt Nghệ An được. Vả lại, nghĩa binh ta ra đánh bây giờ, cần phải liều chết mà đánh cho thiệt là thần tốc khiến cho địch quân chẳng kịp trở tay, thì sự đánh hạ được thành Nghệ An có lẽ cũng là việc dễ. Hễ hạ được Nghệ An rồi, tức khắc các đạo quân thứ ta thừa cái thắng thế ấy mà trường khu đại tấn, lên chiếm hai tinh Quảng Bình và Hà Tĩnh nữa. Bọn nghĩa sĩ các tỉnh thấy vậy, tất là họ nức lòng mà cùng nổi lên tứ tung, quân Pháp có ba đầu sáu tay cũng phải bối rối. Rồi cụ đem đại binh đóng ở Quảng Bình đón đường chống cự với quân ở trong kinh ra, tôi xin ở Nghệ An để giữ vững mặt ngoài, nếu nghĩa quân ta giữ chặt được giải đất như thế làm chỗ nương thân làm nơi căn cứ, may ra có thể làm nên việc lớn được.

- Ví dụ lấy được Nghệ An rồi mà Pháp đem quân do đường thuỷ tới, thì ông lấy gì mà cự địch?

- Việc đó tôi cũng đã nghĩ tới rồi. Bây giờ tôi đã có cách ngăn giữ không cho quân Pháp đem tàu vào cửa biển được.

- Song quân ta hiện nay còn yếu thế lắm, sợ đi thì có điếu bất lợi.

Cụ Phan nói câu ấy, là ý không muốn cho Cao Thắng đi, nhưng ông nói lớn rằng:

- Đại trượng phu đến chết là cùng, chứ có điều chi mà phòng sợ!

Rồi Cao Thắng năn nỉ một mực xin đi, cụ Phan phải cho. Vả chăng, nhân hồi bấy giờ, ở quân thứ phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An là Nguyễn Mậu trù liệu việc quân lương có hơi chậm trễ, nên cụ cũng sẵn lòng cho Cao Thắng đi để thu xếp việc đó luôn thể.

Cao Thắng bèn chọn lấy một ngàn quân cường kiện, luyện tập lại cho thật giỏi, theo như binh pháp của người Pháp. Duy có quân phục thì ông cho mặc toàn sắc đỏ, vì ông lấy nghĩa rằng: phương Nam ta thuộc về Hoả, còn phương Tây thuộc về Kim, nay lấy hoả khắc với kim nghĩa là lấy lửa nung vàng cho chảy ra, cho nên lấy sắc đỏ làm quân phục, là để tượng về hoả vậy. Đối với quân sĩ, ông chỉ có một cái quân mệnh rằng: “Hễ ai ra trận mà lùi lại thì chém đầu”. Chính ông ra trận cũng không bao giờ chịu đi sau, bao giờ cũng xông pha lửa đạn mà lên trước, khiến cho quân lính đều nức lòng. Mỗi lần đánh nhau mà ông thường thắng là nhờ có cái can đảm ấy, nhưng kể ra ông cũng khinh sinh quá. Quân lính xưa nay, không những phục ông là người đại tài mà lại quý mến ông là người có độ lượng, vì đối với quân lính, ông lấy tình như anh em, khiến họ rất cảm phục, cho nên lần này ông ra binh, ai cũng vui lòng theo, không ngần ngại một chút nào.

Ông chia quân ra làm hai đội: ông và ông Nguyễn Niên đi tiên phong, còn em ruột ông là Cao Nữu dẫn một nửa đi làm hậu đội, rầm rộ theo đường thượng đạo mà kéo đi, trông thẳng tỉnh Nghệ An tấn phát. Con đường từ đó về tỉnh Nghệ có nhiều đồn trại của lính Bảo hộ đóng để phòng cự văn thân.

Đi giữa đường gặp đồn nào là Cao Thắng đánh phá đồn ấy, đánh nhau lâu là nửa ngày, mau là một giờ hay vài giờ đồng hồ là ông phá được. Ông đã phá được mấy đồn như thế. Trên kia đã có đoạn nói ông Cao Thắng vốn là người có tiếng anh hùng, lính tập Bảo hộ đều biết, và có ý kiêng sợ, cho nên mỗi khi họ tuần tiễu mà gặp quân ông, họ không dám ham đánh lắm, đều gọi ông là "hổ tướng".

Sau khi đánh phá mấy đồn rồi, Cao Thắng kéo quân ngang qua một đồn đó gọi là đồn Nỏ. Trong đồn chỉ có độ một trăm lính tập mà thôi. Viên quan coi đội lính này, là một người mình, trước làm chánh quản, sau được thăng chức làm quan một lon, gọi là quan một Phiếu. Phiếu nguyên trước cũng ở trong nghĩa đảng, có cơ mưu lắm, sau ra đầu hàng Bảo hộ rồi đem thân vào hàng ngũ, lập nhiều huân công, thành ra được làm tới quan một. Người Pháp tin dùng Phiếu mới cho Phiếu đóng ở Nỏ là một chỗ hiểm yếu nằm ngay giữa đường, hễ địch quân nào có phá được đồn này thì mới có lối đi tới.

Phiếu nghe tin báo rằng ông Cao Thắng sắp kéo quân đi qua, liền dự bị cách nghênh địch. Vì tự biết rằng quân mình ít, nếu ra đường trường mà đánh nhau với quân Cao Thắng, thì chắc là thua, bèn nghĩ đến cách “hư hư thực thực” để đánh ông, Cũng là lúc trời muốn giết ông, cũng là lúc trời không cho việc cách mạng của cụ Phan gượng gạo được lâu nữa, nên chi đến đây Cao Thắng bị mắc mưu mà tử trận. Thương hại thay!

Phiếu chia quân ra làm hai cánh: một cánh ở trong đồng nhưng khi quân Cao Thắng đến đánh thì cứ bình tĩnh như thường, không được náo động hay cự chiến gì hết, mặc kệ nghĩa quân cứ việc phá đồn, để chờ cho đến tối sẽ hay; còn một cánh thì ra mai phục ở ngoài đồn, cách độ hai ba cây số, hễ lúc nào thấy trong đồn có hiệu riêng là một ngọn đèn sáng ở trên cột cờ, ấy là lúc trong đồn ra hiệu cho ngoài biết rằng trong đồn bắn ra, thì quân phục binh ở ngoài mới được bắn vào sau lưng nghĩa quân Cao Thắng. Bố trí đâu đó rồi, Phiếu chỉ chờ đạo nghĩa quân Cao Thắng đến.

Cao Thắng thừa được thế thắng ở mấy đồn kia, kéo quân trực chỉ đồn Nỏ. Nghĩa quân đến nơi nhằm lúc xế chiều một chút. Nhưng Cao Thắng chẳng thấy động tĩnh gì hết, ban đầu tưởng là quân trong đồn đã sợ mà bỏ đi rồi, sau ông suy nghĩ cũng còn sợ kế mai phục gì chăng, nên không dám cho quân lính tràn tới, đành phải đóng binh lại, để chờ tình hình xem sao đã.

Một lát, trong đồn có người chiếu ống nhòm ra ngoài. Cao Thắng lanh mắt ngó thấy, biết rằng lính đồn cố sức giữ, bấy giờ mới hô quân đánh đồn. Mấy trăm khẩu súng chỉ thẳng vào đồn mà bắn như mưa rào, mà trong đồn cứ im phăng phắc, không có một tiếng súng nào bắn ra. Nghĩa quân hai ba lần muốn xông pha hãm thành, nhưng rồi lại thôi. Mãi đến trời tối một lúc, thấy trong đồn kéo lên một ngọn đèn cao, rồi thì ở trong bắn ra, Cao Thắng hô quân nằm rạp xuống đất mà ứng chiến. Quân trong đồn đều núp chỗ kín, ngó ra thấy ngọn lửa của nghĩa quân lập lòe ở chỗ nào, là nhắm theo chỗ ấy mà bắn; còn nghĩa quân ở ngoài chỉ bắn phỏng vô phía đồn, chứ không biết là có tin hay không. Lính tập mai phục ở ngoài đồn, thấy hiệu đèn sáng, bắt đầu chĩa súng ngay sau lưng nghĩa quân mà bắn. Nghĩa quân đang đánh đồn, chợt thấy đằng sau cũng có tiếng súng nổ liên thinh, nghĩ rằng có quân Pháp ở đâu đến cứu viện, mà trời tối đen như mực, chẳng biết là viện binh ấy nhiều ít thế nào, chỉ biết là trước sau đều bị đánh cả, khiến cho lòng quân đã hơi biến loạn. Cao Thắng thấy sự thế như vậy, sợ quân sĩ nếu không quyết tử chiến thì không xong, ông liền nhảy lên mà hét lớn:

- Lúc này chúng ta không đánh mà chết, còn đợi đến bao giờ?

Tức thời ông chia quân ra làm hai đội, một đội thì cứ việc đánh đồn, còn một đội quân thì để cự địch với quân mai phục gọi là quân viện binh ở đằng sau: mỗi đội gồm độ 150 người. Vì tiếng là ông đem 1000 binh, nhưng do hai ông Nguyễn Niên và Cao Nữu quản xuất nhiều hơn, và tấn binh do đàng khác, chưa hội hiệp nhau. Chính ông Cao Thắng thúc giục quân lính xông tới hãm đồn, và tự ông xông pha lên trước, thành ra bị viên đạn ở trong đồn bắn ra, trúng ngay bên bụng, ông liền ngã ra. Quân sĩ thấy ông chủ tướng bị đạn rồi, không ai dám ham đánh nữa, mau mau rút đi, hiệp với đạo quân sau vừa đánh vừa lui. Quân trong đồn và quân mai phục ở ngoài, biết nghĩa quân chạy lùi, tuy họ trông ra không thấy gì hết, nhưng cứ bắn phóng theo, làm cho nghĩa quân trúng đạn chết nhiều. Có điều là lính tập trong đồn, ngoài đồn tuyệt nhiên không biết là Cao Thắng bị đạn mà nghĩa quân tháo lui.

Nghĩa quân cõng ông Cao Thắng chạy mãi đến mấy chục dặm, mới tạm đóng binh ở trong một làng gần bên núi để lo cứu chữa thương tích cho ông, Lúc bấy giờ ông hãy còn sống, nhưng mà bị đạn trúng vào mạng mỡ, đau lắm, đến nỗi mê man, không nói được câu gì nữa. Quân sĩ dùng hết mấy món thuốc cứu thương đem theo, và lại hái lá này lá kia để rịt chỗ thương tích, nhưng cũng vô hiệu. Cao Thắng nằm mê man thiêm thiếp sau mấy giờ đồng hồ bỗng dưng thấy ông mở mắt ra nhìn quanh chư tướng, nước mắt tràn xuống hai bên gò má, thở dài mấy tiếng rồi mất. Ngày ấy chính là ngày tháng 10 năm Quý Tị (1893), ông mới có 29 tuổi. Than ôi! Trời xanh không tựa, tuyệt đấng anh hùng, hòn đạn vô tình giết người chiến sĩ. Thảm thay!

Tin dữ báo gấp đến Ngàn Trươi, cụ Phan khóc lóc kêu gào rất là thảm thiết:

- Trời hại tôi! ông Cao Thắng ôi! Trời hỡi trời!

Tức thời cụ truyền lệnh phải đem di hài ông lên Ngàn Trươi để làm lễ an táng. Cụ dự bị việc tang rất là trọng thể.

Ba ngày sau, quan tài Cao Thắng chở về đến đại doanh, cụ Phan mặt áo trắng ra đón tận cửa ngoài, hai tay vỗ vào quan tài mà gào khóc, gần muốn đứt hơi té xỉu. Tướng sĩ cũng khóc như mưa, vì không ai không thương tiếc Cao Thắng.

Quan tài đặt giữa Nghị sự đường, chư tướng cắt phiên nhau ngày đêm cầm gươm trần đứng thị kinh hai bên. Chính tay cụ Phan viết hai câu ai liễn để thờ:

Vị Tiệp tiên tử, thiên ý vị hà,

Hữu chí phất thành, anh hùng dĩ hĩ.

Công cầu tất thành, kích tiếp thệ tảo thanh quốc tặc,

Sự nan dự liệu, cứ yên tích dĩ thiểu tư nhân.

Hai câu liễn đều có tình tứ lâm ly thống thiết. Đại ý cụ than khóc rằng ông Cao Thắng theo cụ ra khỏi nghĩa binh từ lúc đầu, có chủ tâm quyết thắng để khôi phục cái nền độc lập của nước mình, nay không ngờ chí lớn của ông chưa thoả, công nghiệp định làm chưa thành, mà trời đã vội cướp người anh hùng đi, không biết rằng ý trời nghĩ ra làm sao! Cụ lại có ý than tiếc ông Cao Thắng là chân tay của cụ, cụ dựa nương trông cậy ông được nhiều công việc, nay không dè đâu ông đã sớm chết, làm cho dưới trướng của cụ, thiếu mất một người có tướng tài, thật là đau đớn.

Cụ Phan sai ông Võ Phát (tục gọi là Bang Nhu, đóng quân ở hạt Kỳ Anh, sau thất trận bị bắt rồi bị chém tại Kinh) soạn một bài văn tế bằng quốc âm.

Chính ngày đại táng, cụ Phan thắp nhang thân tế ông Cao Thắng ba tuần, rồi đứng đó bưng mặt lại khóc hu hu, làm cho tướng sĩ ba quân cảm động quá phải khóc theo, vang động một góc núi non. Nhất là những người lính đi đánh trận với ông được sống sót trở về, càng xót thương gào khóc lớn. Họ nói ông Cao chết oan, chết uổng, chết thay thế cho họ, vì nếu ông đừng xông pha ra trước sĩ tốt thì viên đạn ác nghiệt kia có phải về phần ông đâu.

Bài văn tế cụ Phan thân tế Cao Thắng như sau này:

"Than rằng:

Thanh bửu kiếm mười năm sẵn có, đấng anh hùng dùi mài mãi chưa thôi.

Đnh nhung trường một phút như không, con tạo hoá ghét ghen chi lắm thế!

Nghĩa đồng ưu tưởng lại luống đau lòng

Tình vãng điếu nghĩ càng thêm rơi lệ.

Nhớ Tôn linh:

Hào kiệt ấy tài,

Kinh luân là chí;

Vén mây nửa gánh giang san

Vỗ cánh bốn phương hồ thỉ,

Gặp quốc bộ đang cơn binh cách, nghĩa giúp vua chung nỗi ân ưu,

Bỏ gia đình theo việc nhung đao, lòng đánh giặc riêng phần lao tuỵ;

Địa bộ muốn theo dòng Nhạc mục, thét nhung bào từng ghê trận oai linh,

Thiên tài toan học chước Võ hầu, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí;

Ơn quân tướng Đổng nhung vâng mạng, cầm ấn quan phòng,

Tước triều đình Chưởng vệ gia phong, kéo cờ tân chế;

Những chắc rằng: ba sinh có phước, hăm hở mài gươm chuốt đá, chí khuông phò không phụ với quân vương.

Nào ngờ đâu! một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ;

Trong ba kỷ xuân thu tuy chửa mấy, trên yên ngựa đòi phen roi thét, trọng cương thường quyết mở mặt nam nhi.

Ngoài mươi sương, sự nghiệp biết chừng nào, trước cửa viên bỗng chốc sao sa, thu linh phách vội cướp công tráng sĩ.

Non thiên phận phất phơ hơi gió thổi, thương người tiết nghĩa ngậm ngùi thay,

Nước tam thoa thấp thoáng bóng trăng soi, nhớ kẻ trung trinh ngao ngán nhẻ.

Thà chết nữa song tay địch khái theo về tổ phụ ấy cùng vinh.

Kìa sống như mấy kẻ hàng di, ở với tinh chiên càng thêm bậy.

Nay nhân:

Chung thất tới tuần,

Thúc sô dâng lễ.

Chén rượu thoảng bay mùi chánh khí, trước dinh đều đủ mặt quan liêu.

Nén hương nghi ngút khói bạch vân, dưới án đua chen hàng cơ vệ

Chua xót thay, hai già tuổi tác ngọt bùi cậy tay em thay đỡ, khối thâm tình chưa thoát cõi hoàng tuyền.

Cám cảnh thay đàn trẻ thơ ngây, ân cần nhờ công vợ dạy nuôi, may di phúc lại nẩy ngành đan quế;

Tinh hồn ví dầu thanh sảng, hộ phen này cho tướng mạnh quân bền.

Linh hồn nếu có khôn thiêng, rồi ngày khác lại sắc phòng điện tế.

Thô! Thôi!

Cửa tía lầu vàng đành kẻ khuất, đem thân bách chiến, để tiếng thơm cho tỏ mặt anh hùng.

Súng đồng gươm bạc mặc người còn, truyền lệnh ba quân, thét hơi mạnh để xây nền bình trị.

Thương ôi là thương,

Kể sao xiết kể".

Mãi đến mười mấy hôm sau, quan quân Bảo hộ mới biết tin Cao Thắng chết. Bảo hộ cũng biết Cao Thắng chết là cái thực lực của cụ Phan có giảm đi, nên chi càng ra sức tuần tiễu hơn trước.

Quả nhiên, ông Cao Thắng mất đi, thật là làm tổn thanh thế của cụ Phan, hèn chi cụ khóc rằng: "trời hại tôi" là phải.