Bài 1: Những lời làm tổn thương lòng tự tôn, hạ thấp nhân cách của người khác cần hết sức thận trọng
Có một hôm, quản lý bộ phận của công ty đến kiểm tra hiện trường làm việc của nhân viên. Khi kiểm tra, anh ta đã phát hiện nhân viên làm không tốt, bình thường anh ta là một người ôn hòa, nhưng không hiểu nguyên nhân gì mà sau khi nói xong vấn đề công việc, anh ta lại nói tiếp một vài lời vô cùng khó nghe, những lời này rõ ràng có ý sỉ nhục nhân cách của nhân viên. Các nhân viên hiểu rõ công việc của mình không được tốt cho lắm, nhưng họ cảm thấy thái độ của quản lý với mình có chút hà khắc. Họ cảm thấy vô cùng phản cảm với những lời nói mang đậm tính sỉ nhục, bởi vậy, vì muốn bảo vệ lòng tự trọng của mình, một nhân viên bình thường chưa bao giờ phản bác lại đã bật nói: “Anh tưởng anh nói đúng nhưng sự thật thì chưa chắc.”
Sau khi nghe lời này, quản lý có chút khó xử, nhưng cũng không giải thích gì mà quay người bỏ đi. Vốn dĩ quản lý cho rằng mình đã rất khoan dung với nhân viên rồi, nhưng nhân viên lại cảm thấy quản lý không tôn trọng mình. Những ngày sau đó, nhân viên lúc nào cũng gây ra một vài phiền phức nhỏ cho quản lý, sau lưng còn thường xuyên nói xấu quản lý, khi quản lý trực tiếp nói chuyện riêng với nhân viên này, nhân viên cũng không nhẫn nhịn nữa mà nói thẳng. Điều này đã tạo nên rất nhiều ảnh hưởng không tốt trong công ty, vô hình chung, hình tượng tốt đẹp của người quản lý này cũng giảm đi trong lòng nhân viên và cấp trên.
Abraham Maslow, nhà tâm lý học người Mỹ đã chỉ ra rằng, tôn trọng là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Nhu cầu tôn trọng của con người bao gồm tôn trọng bên trong và tôn trọng bên ngoài. Trong đó nhu cầu tôn trọng bên ngoài chính là hy vọng có địa vị, có uy tín, nhận được sự tôn trọng, tin tưởng và đánh giá cao của người khác.
Lý luận tháp nhu cầu của Maslow chỉ ra rằng, trong lòng mỗi người đều khao khát có nhu cầu người khác tôn trọng. Nhu cầu tôn trọng bên ngoài của con người chính là hy vọng có địa vị, có tôn nghiêm, nhận được sự tôn trọng, tin tưởng và đánh giá cao của người khác. Trong câu chuyện kể trên, người quản lý này không thỏa mãn nhu cầu tôn trọng bên ngoài của nhân viên, kết quả dẫn tới nhân viên thù địch với anh ta. Câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, muốn nhận được sự tôn trọng của người khác thì trước tiên phải biết cách tôn trọng họ, đặc biệt khi nói chuyện nhất định không được làm tổn thương lòng tự tôn, hạ thấp nhân cách của họ. Người tặng hoa xung quanh sẽ đều là hoa tươi, người trồng gai xung quanh cũng là bụi gai. Chúng ta tôn trọng người khác trong lời nói, dĩ nhiên người khác cũng sẽ tôn trọng chúng ta; nếu chúng ta làm tổn thương lòng tự tôn của người khác, hạ thấp nhân cách của người khác một cách không kiêng nể thì khó có thể nhận được sự tôn trọng lại của họ.
Người xưa nói: “Những lời khen tặng người khác, nặng như châu báu; những lời tổn thương người khác, nặng như đao kiếm”. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có rất nhiều người không biết cách tôn trọng người khác như thế nào. Những sai lầm mà họ thường phạm phải là: Chỉ quan tâm tới niềm vui nhất thời của mình, cứ có cơ hội là bình luận về người khác, hoàn toàn không để ý tới cảm nhận trong lòng người khác. Những người như thế không biết tôn trọng ai, dĩ nhiên cũng sẽ không nhận được sự tôn trọng của mọi người. Hành vi này chẳng khác nào gieo một hạt giống thù hận trong lòng những người xung quanh, mở đường cho tai họa, sớm hay muộn cũng sẽ phải chịu khổ sở.
Nhân viên của một xí nghiệp nhỏ nọ vì giám đốc mà đồng loạt nghỉ việc. Tìm hiểu nguyên nhân mới phát hiện ra là do giám đốc không bao giờ tôn trọng họ. Trong mắt của người giám đốc này, nhân viên giống như nô lệ, đối xử vô cùng tùy ý, lúc nào cũng quát nạt nhân viên. “Minh Hằng, mang ấm nước đến đây!”, “Vân Anh, mua cho tôi bao thuốc!” “Đức Kiên, nhìn việc cậu đang làm kìa, con lừa có khi còn làm tốt hơn cậu!” Còn nhân viên thì nghĩ thế nào? Mọi người oán hận trong lòng, làm việc tiêu cực nhưng giám đốc lại hoàn toàn không để ý. Lâu dần, các nhân viên “tạo phản”, còn người giám đốc cũng phải gánh chịu hậu quả từ việc không tôn trọng người khác. Mỗi người chúng ta đều phải giao lưu với người khác, trong khi giao lưu với người khác, muốn được chào đón thì nên chân thành quan tâm và tôn trọng họ.
Ai cũng có lòng tự trọng, chúng ta muốn xây dựng quan hệ giao tiếp tốt đẹp với người khác thì trước tiên phải học cách tôn trọng người khác, cũng như bảo vệ lòng tự trọng của họ.
Bảo vệ của một công ty ở Mỹ chê tiền lương thấp, muốn nhảy việc. Khi ấy, lãnh đạo hết nhiệm kỳ, sau khi chủ tịch hội đồng quản trị mới nhậm chức, người bảo vệ vốn định xin nghỉ việc này lại lựa chọn ở lại và tràn đầy nhiệt tình với công việc. Trong khi đó, công ty vẫn chưa tăng lương cho người bảo vệ này, đãi ngộ cũng chưa được cải thiện, nguyên nhân là bởi trước sự đề xuất của chủ tịch hội đồng quản trị, nhân viên công ty thay đổi cách xưng hô “bảo vệ” thành “chuyên viên an ninh””.
Vì sao người bảo vệ lại ở lại? Bởi vì anh ta cảm nhận được sự tôn trọng của công ty, từ đó cam tâm tình nguyện ở lại làm tiếp công việc của mình.
Trong cuộc sống, khi làm việc chỉ cần chúng ta biết cách tôn trọng người khác thì có thể sẽ nhận được sự tôn trọng từ chính họ. Tôn trọng là sự tương tác, chúng ta phải biết cách dung nạp cá tính của người khác, thừa nhận sự khác biệt của người khác. Chúng ta không thể căn cứ vào chức vụ cao thấp, quyền lực lớn nhỏ hay số lượng tài sản nhiều hay ít để quyết định mức độ tôn trọng. Vì thế, khi chúng ta giao lưu với người khác, lời nói nhất định phải biểu hiện được sự tôn trọng họ, không được tùy tiện nói ra những lời làm tổn thương tôn nghiêm hay sỉ nhục nhân cách của họ.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Mạnh Tử nói: Trong lời nói, chúng ta phải tôn trọng, bảo vệ tôn nghiêm của người khác, những lời nói ra phải khiến đối phương nghe mà thấy tâm trạng vui vẻ. Chỉ cần trước khi nói, chúng ta biết suy nghĩ một chút, không làm tổn thương đến sự tôn nghiêm cũng như bảo vệ tôn nghiêm của người khác thì mới có thể nhận được sự tôn trọng của họ. Nếu làm được điều này thì khi làm việc, chúng ta sẽ giảm đi được rất nhiều trở ngại cho bản thân, đồng thời các mối quan hệ với xã hội cũng nhờ vậy mà trở nên tốt đẹp hơn. Vậy, làm thế nào để tránh nói ra những lời làm tổn thương đến người xung quanh. Chúng ta hãy thử suy xét những điểm sau:
(1) Tôn trọng nhân cách người khác
Mỗi người đều bình đẳng về nhân cách, không vì các nhân tố tài sản, quyền lực mà thay đổi, bởi vậy chúng ta phải đối xử bình đẳng với họ. Mỗi ngọn cỏ đều là một sinh mệnh, mỗi con người đều có tôn nghiêm của mình, trong khi giao tiếp, chúng ta nhất định phải công bằng, chính trực, bình đẳng.
(2) Tôn trọng ưu điểm, bỏ qua khuyết điểm của người khác
Không ai là người hoàn hảo cả. Mỗi người đều có ưu điểm, khuyết điểm cũng như thiếu sót của mình. Chúng ta không được cười nhạo, coi thường khuyết điểm của người khác, phải đối xử công bằng với mỗi người.
Bài 2: Thay đổi câu cửa miệng thiếu lịch sự
Vào một buổi trưa, Chí Dũng đến một nhà hàng trên đường để ăn cơm. Bàn bên là hai người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, ăn mặc thời trang, nghe nội dung nói chuyện thì có vẻ như họ là nhân viên của công ty nào đó. Hai cô gái nói chuyện rất lớn tiếng, có vẻ như không kiêng kỵ gì cả. Chí Dũng mới nghe đã thấy rất chói tai, đột nhiên anh thấy một cô gái trong số họ vừa xỉa răng vừa nói ra một câu: “Mẹ nó! Ngày nào cũng làm việc thế này mệt chết đi được…” Điều này khiến Chí Dũng vô cùng kinh ngạc. Thật đáng sợ, một cô gái xinh đẹp như thế mà nói năng khiếm nhã như vậy, khiến người nghe không khỏi thất vọng. Không ngờ cô gái kia lập tức phụ họa: “Mẹ, ngày nào cũng phải làm thêm mà không có tiền làm thêm…” Chí Dũng cau mày, câu cửa miệng điển hình này khiến anh không thể chấp nhận được.
“Hiệu ứng đầu tiên” (Primacy effect) thường rất hay gặp trong cuộc sống. Tôn Quyền trong “Tam quốc diễn nghĩa”, sau khi gặp Bàng Thống thấy hắn tướng mạo xấu xí, không coi ai ra gì liền từ chối không gặp mặt, đó chính là do “hiệu ứng đầu tiên”. Còn tổng thống Mỹ Lincohn, vì thành kiến về tướng mạo của mình mà từ chối một người tài trí hơn người do bạn bè giới thiệu, tất cả đều là do “hiệu ứng đầu tiên”. Qua đó có thể thấy mức độ chú trọng của con người đối với ấn tượng đầu tiên.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy một vài câu cửa miệng khiếm nhã như “mẹ kiếp”, “mẹ nó”… Những câu cửa miệng này không những không mang lại cho con người dũng khí như người ta thường lầm tưởng, mà còn khiến người khác thấy phản cảm, đặc biệt là lần đầu tiên giao tiếp.
Mỗi người đều có những câu khẩu ngữ theo thói quen, mỗi vùng miền cũng có những câu khẩu ngữ theo thói quen, những khẩu ngữ này giống như văn hóa thẩm thấu vào xương tủy của người trong vùng, ví dụ những từ “Mẹ kiếp”, “Đần độn”, “Ngu dốt”… Những từ ngữ không hay này khiến người khác nghe xong cảm thấy rất khó chịu, điều đó không những khiến hình tượng của cá nhân bị giảm đi mà còn mang lại nhiều trở ngại cho giao tiếp bản thân.
Người ta thường nói ấn tượng ban đầu giữ vai trò chủ đạo, “hiệu ứng đầu tiên” trong tâm lý học đã phản ánh hiện tượng này. Khi con người trò chuyện với nhau lần đầu tiên, ấn tượng đầu tiên để lại vô cùng quan trọng, trong đó câu khẩu ngữ mà con người thường dùng trong giao tiếp sẽ là nhân tố quan trọng nhất của ấn tượng đầu tiên. Ngoài những câu cửa miệng không lịch sự, cũng cần chú ý một số điều khác. Chúng ta đều có những trải nghiệm thiết thực trong giao tiếp, có người thậm chí vừa mới quen đã mở miệng nói những khẩu ngữ không hay, chẳng hạn: Anh anh em em ngọt sớt, khoác tay khoác chân, toàn thân toát lên khí thế giang hồ, có người lại lặp đi lặp lại câu nói “Có hiểu ý tôi không?” “Rõ rồi chứ?” “Cơ bản là…” “Thú thực…” Những lời này nghe rất rườm rà, khiến người nghe phản cảm
… Những câu nói khó nghe vô tình sẽ làm tổn hại hình tượng tốt đẹp của chúng ta.
Trong cuộc sống, không thiếu những ví dụ như thế này:
Có một nhân viên trẻ, trước mặt mọi người biểu hiện rất tốt. Hôm ấy, anh ta vừa mới bàn bạc về một đơn đặt hàng, đối phương đã hứa sẽ nhanh chóng ký hợp đồng. Nhân viên này ký được một đơn hàng lớn như vậy trong lòng thấy rất vui, thế là anh ta mời một đám bạn đi ăn uống. Hơn mười giờ tối, anh ta vừa mới lên giường thì điện thoại đổ chuông. Sau khi uống rượu khó tránh khỏi lỡ lời, mở miệng liền nói: “Mẹ kiếp, buổi tối cũng không cho người ta nghỉ ngơi, ai vậy?” Đối phương không nói gì mà cúp máy. Mấy hôm sau, đơn hàng vẫn chưa thấy đâu, anh ta liên hệ thì đối phương đã ký hợp đồng với người khác. Về sau mới biết là họa do lỡ lời sau khi uống say gây ra.
Đây chỉ là họa do lỡ lời sau khi uống rượu say gây ra sao? Không hẳn vậy, người thanh niên đó đã quen với cách nói này rồi, kể cả khi làm việc ở văn phòng cũng vậy, mặc dù anh ta đã cố gắng kiềm chế nhưng khó tránh khỏi việc vô tình nói ra, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài tới công việc của anh ta.
Còn có một anh chàng đi phỏng vấn, vừa vào cửa không cẩn thận bị vấp vào xô nước mà nhân viên vệ sinh để trên sàn nhà. Lúc bị ngã còn nói một câu: “Mẹ kiếp!” Một quản lý trong công ty đặc biệt phản cảm với những câu như thế này, sau khi hỏi lý do anh ta đến đây liền đuổi thẳng ra khỏi cửa. Còn anh chàng đáng thương này chỉ vì một câu mà bình thường đã nói quen rồi, khi gặp sự việc đột phát, tùy tiện nói ra, kết quả là cuộc phỏng vấn vốn rất có hy vọng tan thành mây khói.
Trong giao tiếp, chúng ta có thể thông qua “hiệu ứng đầu tiên” trong tâm lý học để thể hiện bản thân mình. Có thể bằng nụ cười tràn đầy nhiệt tình, bằng sự thân thiện cởi mở và tốt bụng để để lại ấn tượng tốt đẹp cho đối phương. Khi kết bạn, khi tham gia ứng tuyển, muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong long người khác, chúng ta nhất định phải sửa đổi những câu cửa miệng không hay.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Sửa đổi những câu cửa miệng không hay không phải là chuyện một sớm một chiều. Đây là một quá trình rất lâu dài, không những cần có quyết tâm và nghị lực mà còn phải kiên trì và bền bỉ, như vậy chúng ta mới có thể thay đổi những câu cửa miệng không hay ấy, xây dựng được hình tượng tốt đẹp của bản thân. Chúng ta hãy thử thay đổi bắt đầu từ những việc dưới đây:
(1) Nhất định phải nhận thức được sự nguy hại của những câu cửa miệng không hay, để bản thân nảy sinh cảm giác căm ghét
Chúng ta cần tăng cường động cơ loại bỏ “rác thải ngôn ngữ” và khắc phục thói quen không tốt này trong tư tưởng. Phải có động cơ mãnh liệt thì chúng ta mới có quyết tâm hành động to lớn, như thế hiệu quả sẽ càng rõ rệt.
(2) Phải trung thành với lời hứa thay đổi câu cửa miệng không hay, không kiếm cớ để từ bỏ
Nếu chúng ta một lần bỏ qua một hành vi không tốt thì sau đó có thể sẽ bỏ qua cả nghìn lần, vạn lần. Bởi vậy, trước mỗi lần nói, chúng ta phải nhắc nhở bản thân, thay đổi phản xạ có điều kiện trước đây. Đồng thời, có thể ghi âm lại câu chuyện của mình, lúc rảnh rỗi nghe thường xuyên, ngăn chặn những câu cửa miệng không hay của mình.
(3) Để những người bạn, người thân xung quanh giám sát bản thân
Câu cửa miệng không hay có thể dễ dàng sửa đổi nhờ vào sự giúp đỡ và giám sát của người khác, hơn nữa còn có thể ngăn ngừa tái phát. Khi câu cửa miệng không hay của chúng ta vừa mới đến miệng, bên cạnh có người kịp thời nhắc nhở, giám sát, chúng ta sẽ dừng lại; lâu dần, sẽ hình thành phản xạ vô điều kiện, khi chúng ta buột miệng nói ra sẽ lập tức ngăn chặn được ngay.
Bài 3: Hạn chế bàn tán về bất cứ người nào
“Á! Kinh thật, mọi người biết chưa?”, “Cái gì, mọi người vẫn chưa biết á?”…
Trên phim ảnh hay trong một số công ty đều có những nhân vật như thế, nghe ngóng chuyện riêng tư của người khác là sở thích của cô ta, thông tin nhanh nhạy là sở trường của cô ta. Chúng ta thường gọi cô ta là “bà tám”, nhẹ nhàng hơn một chút có thể gọi cô ấy là “cái đài” hoặc “loa phóng thanh”. Kiểu người này được biên kịch ưu ái nhất, khi một sự việc xảy ra, trong khi người trong cuộc cố tình giấu giếm thì biên kịch lại muốn để mọi người biết được chân lý “giấy không bọc được lửa”, mượn tay người này “đẩy nước theo dòng”. Ví dụ dưới đây chính là một điển hình.
Lan Anh và Khánh Vân cùng làm việc trong một phòng. Một hôm, trên đường đi ăn trưa, Khánh Vân nói với Lan Anh: “Cậu biết không? Hà Dung bị cho thôi việc rồi.”
“Cậu nói rõ một chút đi, Hà Dung nào?” “Thì Hà Dung của phòng thiết kế ấy!”
Lan Anh liền nhớ ra trong phòng thiết kế có một cô gái như thế, liền hỏi: “Vì sao cô ta bị cho thôi việc? Có phải cô ta gặp lỗi trong thiết kế không?”
“Cậu lại còn phải hỏi nữa, cô ta làm gì có khả năng làm thiết kế. Mình nghe người ta nói cô ta đi cửa sau, dựa vào sự xinh đẹp của mình, cuối cùng chẳng phải…”
Nói đến đây, Khánh Vân cười thần bí.
Cho dù là trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày, thường sẽ có nhân vật như Khánh Vân xuất hiện, dường như họ mê mẩn chuyện tán gẫu một cách điên cuồng, bất kể cuộc sống xung quanh có động tĩnh gì, là họ sẽ nói chuyện say sưa về điều đó. Vì sao người ta lại thích buôn chuyện và tán gẫu, thậm chí không biết mệt mỏi đến như vậy? Xét từ góc độ tâm lý học, chúng ta có thể giải thích như sau:
(1) Khao khát được quan tâm chú ý
Thực tế chứng minh, những “bà tám” luôn là người có “nhân duyên” và “thị trường” của mình . Khi họ ăn sáng ở công ty, tùy tiện tung thông tin ra ngoài là lập tức có thể thu hút được một đám khán giả nhiều chuyện.
Trong cuộc sống, những người thích buôn chuyện thường không được người khác quan tâm, bản thân lại có tính sĩ diện, khao khát trở thành tiêu điểm, để được mọi người quan tâm chú ý. Vì thế họ đành phải dựa vào việc lấy một vài thông tin về người khác mà mình nghe ngóng được một cách trực tiếp hay gián tiếp để lan truyền, qua đó thu hút sự chú ý của mọi người, sau đó bản thân chìm đắm trong sự đắc chí.
Nhân vật này rất dễ bị người ta lợi dụng, dùng để làm loa truyền thanh và là kẻ chịu tội thay. Còn nhớ những nhân vật nữ chính trong phim đã tuyên truyền thông tin một cách thầm lặng như thế nào không? Họ cố tình nhân lúc những “kẻ lưỡi dài” này có mặt ở đó để tạo ra một số cảnh tượng giả gây chấn động, sau đó vui vẻ chờ đợi kẻ đó lao ra và hô hoán: “A! mọi người đoán xem tôi vừa nhìn thấy cái gì?”
(2) Giải tỏa áp lực
Chúng ta thường nghe nói “XX trở thành trò cười của mọi người sau những giờ rỗi rãi.” Vì sao lại chọn “những giờ rỗi rãi”? Bởi vì lúc này, trong lòng mọi người không hề có ác ý bàn luận tới chuyện cười của người khác, đơn thuần chỉ là để tiêu khiển.
Còn thông thường, người bị mang ra tiêu khiển nhiều nhất không loại trừ hai kiểu người: người “giỏi nhất” và người “tệ nhất”. Người ta bàn luận người “giỏi nhất” là xuất phát từ lòng đố kỵ, bởi thành tích của người khác quá tốt, khiến người xung quanh cảm thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương, vì thế phải tìm mọi cách bới móc để những thành tích ấy xấu đi một chút, đây thực ra là tự lừa mình lừa người. Người khác sẽ không để ý tới những lời vu khống vô vị ấy mà ngược lại sẽ càng tôn lên sự ti tiện và đáng thương của loại người này. Còn bàn luận người “kém cỏi” nhất là để thỏa mãn tính sĩ diện của mình, cho rằng mình giỏi hơn người đó rất nhiều, trên thực tế đây cũng là tâm lý không lành mạnh. Xét từ góc độ tâm lý thì đây là loại người tiêu cực không biết vươn lên, như vậy rất khó để những người xung quanh quan tâm tới họ. Hai tâm lý kể trên đều là biến tướng của sự tự ti, vô cùng bất lợi cho sức khỏe tâm sinh lý, khó có thể giải tỏa áp lực, lâu dần nhất định sẽ khiến bản thân “bế tắc” hơn.
Xét từ góc độ tâm lý học, thích nói chuyện của người khác là những người hoặc không biết giữ bí mật trong lòng, hoặc là muốn được người khác quan tâm. Tâm lý học nghiên cứu chứng minh, nếu trong lòng một người có quá nhiều bí mật thì phải dùng rất nhiều năng lượng tâm lý để khống chế, cảm giác này sẽ khiến con người vô cùng khó chịu, từ đó có ý nghĩ bồng bột muốn nói ra.
(3) Khao khát giao lưu thân mật
Các nhà tâm lý học cho rằng, trong lòng mỗi người đều tồn tại cảm giác cô độc, có người cảm giác ít, có người cảm giác nhiều. Trong cuộc sống, những người có cảm giác cô độc nhiều sẽ khao khát xây dựng tình bạn với người khác để làm phai nhạt cảm giác cô độc này, trong đó, việc chia sẻ thông tin và bí mật của người khác là một trong những phương thức nhanh nhất để tạo dựng liên hệ với những người xung quanh. Nhiều nghiên cứu tâm lý cũng chứng minh, chủ đề mà mỗi người đều thấy hứng thú chính là “thông tin liên quan tới bên thứ ba”, cũng chính là “chuyện phiếm của người khác”. Những lời này không liên quan tới hai bên, không được coi là riêng tư, mọi người đều nói ý kiến của mình, lại rất dễ dàng nói chuyện. Nhưng quan hệ giao tiếp được xây dựng dựa vào phương thức này chỉ có thể là tình bạn bề ngoài, không thể trở thành bạn tri kỷ. Cùng với mức độ tăng lên của tình bạn, cả hai sẽ muốn nói những tâm sự và bí mật của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, người kia vì biết rất rõ “họa từ miệng mà ra” từ người này nên sẽ bảo vệ thông tin của mình nghiêm mật hơn, sợ người này nắm được điểm yếu, bị họ truyền ra ngoài và coi đó là “chuyện phiếm của bên thứ ba”. Vì thế hai người này sẽ không tâm sự chân thành với nhau, lâu dần sẽ để lại cảm giác giả tạo với người khác, cũng khó có được tình bạn chân chính.
Thậm chí khi bạn phê bình kín đáo người khác, người khác nghe rồi sẽ nghĩ: “Không biết chừng người này sẽ nói xấu mình sau lưng người khác, sau này mình sao có thể nói bí mật với anh ta?” Căn cứ vào định luật quán tính tâm lý học, người khác sẽ dựa vào tư duy định thức để nghi ngờ vấn đề nhân phẩm của bạn, thậm chí thấy bất bình thay cho người đang bị bạn nói xấu, đến lúc ấy người “xôi hỏng bỏng không” chính là bạn.
Trong phim, các “bà tám” luôn luôn là hình tượng nhân vật chua ngoa cay nghiệt; trong cuộc sống, những người “buôn chuyện phiếm” luôn là những người thích vui vẻ trước tai họa của người khác. Một ai đó đã nói: “Khi bạn nhìn người khác trên cửa sổ, người khác cũng đứng dưới nhìn lên bạn”, còn với những “người thích nói chuyện phiếm”, thì vĩnh viễn chỉ có thể đóng vai trò nấp ở dưới nhìn người khác, có lẽ xui xẻo còn gặp phải vỏ chuối ở trên ném xuống.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Bàn luận sau lưng người khác sẽ khiến người khác nghĩ rằng người này không có tu dưỡng và rất nhàm chán. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để tránh để lại ấn tượng như vậy với người khác, làm thế nào để không nói chuyện phiếm sau lưng người khác?
(1) Phải nhận thức được nói chuyện phiếm là phiến diện
Trên thực tế, những người nói sau lưng người khác thường là người phiến diện, nếu là những lời có thể nói trước mặt thì cũng không có gì phải nói giấu giếm sau lưng. Người thông minh thường rất tôn trọng bản thân, sẽ không bao giờ tự coi thường bản thân như vậy.
(2) Trước khi nói chuyện phiếm hãy nghĩ đến hậu quả
Nói chuyện phiếm sau lưng bị người khác phát hiện sẽ không có được kết quả tốt đẹp. Hoặc là bị người ta coi thường, hoặc là bị người ta nhục mạ. Trước khi nói chuyện phiếm của người khác, nếu chúng ta có thể nghĩ tới hậu quả như vậy thì sẽ rất thận trọng.
Bài 4: Nói chuyện không nên nói quá
Còn nhớ một câu chuyện như thế này: Trong công ty, ai cũng thừa nhận Thành Huy là người tốt, gặp ai cũng tỏ ra rất nhiệt tình, thường nói với đồng nghiệp: “Đừng khách sáo, có chuyện gì anh cứ nói với tôi!” Gần tết, lãnh đạo nhờ anh ta mua hộ đôi vé tàu. Cũng bởi bình thường anh ta hay nói “mình có người quen ở ga tàu”, vậy là do ngại từ chối lãnh đạo, anh ta đành phải xếp hàng đi mua vé chợ đen giữa đêm đông lạnh giá. Lãnh đạo thấy anh ta rất có khả năng, bèn nhờ anh ta mua thêm năm vé nữa. Anh ta muốn lấy hết dũng khí nói ra sự tình nhưng miệng vẫn nói câu ấy: “Không vấn đề gì, có chuyện gì anh cứ nói!”
Đọc xong câu chuyện, bạn có thể nói: Anh ta tự làm tự chịu, thế là đúng rồi. Còn anh ta thì ngoài nỗi khổ ấy ra, còn phải chịu sự trách móc của mọi người. Vợ anh ta mắng: “Anh nịnh nọt lãnh đạo, lấy lòng đồng nghiệp như vậy, có ai cho anh chút lợi lộc nào không?”, Bạn anh ta nói: “Cố làm những việc như vậy cũng chẳng có ích gì.”
Người ta gọi những nhân viên tốt bụng trong văn phòng là “giấy ghi việc”. Đặc điểm của các “giấy ghi việc” là hễ ai có nhu cầu ắt là sẽ đáp ứng, bất kể chuyện lớn chuyện nhỏ, trước tiên cứ nhận lời, ra sức thực hiện để tăng thêm sự cần thiết với mọi người. Nhưng do phạm vi năng lực của bản thân có hạn, nên khi các “giấy ghi việc” không thể thực hiện lời hứa thì sẽ bị người ta oán trách: “Chẳng phải anh nói không vấn đề gì sao? Sớm biết vậy tôi đã không hy vọng gì ở anh!” khiến các “giấy ghi việc” bực tức than thở: “Làm người đã khó, làm người tốt còn khó hơn”. Nếu bạn cũng ở trong hoàn cảnh ấy, có phải bạn cũng sẽ cảm thấy ấm ức không? Thực ra, để đến nông nỗi ấy chính là bởi bạn đã làm cho người khác hy vọng rồi lại khiến người ta thất vọng. Cổ nhân có câu: “Hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lắm.” Thất vọng là chỉ khi mức độ kỳ vọng ban đầu cao hơn kết quả thực tế sẽ gây ra chênh lệch tâm lý với người trong cuộc.
Chuyên gia tâm lý học đã làm thí nghiệm như sau, họ lần lượt liệt kê bốn phản ứng thái độ khác nhau với người làm thí nghiệm dưới đây:
1) Nhận lời, sau đó thực hiện lời hứa.
2) Nhận lời nhưng không thực hiện.
3) Trực tiếp từ chối.
4) Khéo léo từ chối nhưng cuối cùng lại thực hiện.
Điều ngạc nhiên là với bốn phản ứng kể trên, người làm thí nghiệm cảm thấy hài lòng nhất là điều thứ tư chứ không phải điều thứ nhất; bất mãn nhất không phải điều thứ ba mà là điều thứ hai. Điều đó chứng tỏ phần lớn người nhờ vả tức giận không phải vì kết quả của sự việc mà là “vì sao anh lại lừa tôi”?
Đối với những việc bản thân không làm được, chúng ta không được tùy tiện hứa, tránh để lại hình tượng “nói khoác” và “không giữ lời hứa” với người khác; với những việc bản thân có thể làm được, chúng ta cũng không được tùy tiện ôm vào người, nhận lời ngay sẽ khiến người khác nảy sinh ấn tượng “thực ra việc này rất dễ làm”, kết quả sẽ tạo cho bản thân cảm giác “Phá cho người ta cả một ngọn núi, ấy vậy mà người ta lại tưởng rằng mình chỉ chặt một que củi”, hơn nữa ngộ nhỡ trên đường phá núi có tình huống đột phát, người ta sẽ nói: “Ngay cả một que củi cũng không chặt được, không muốn đốt củi cho tôi đúng không?” Trong cuộc sống, những chuyện mất công mà không lấy được lòng người rất nhiều, chính là bởi vì sự hẫng hụt tâm lý khi hứa mà không thực hiện được.
Trong tâm lý học có một quy luật như sau: Nếu kỳ vọng của bản thân và hiện thực phù hợp với nhau thì sẽ có cảm giác thỏa mãn rất lớn; ngược lại nếu kỳ vọng càng cao mà thực tế lại không đáp ứng được thì thất vọng sẽ càng nhiều.
Có phải mọi người đã từng có trải nghiệm này: Nếu chúng ta đưa ra lời hứa với người khác thì sẽ gây áp lực tương ứng với tâm lý của mình, khi hành động, có những ý nghĩ như “nếu không làm tốt thì làm thế nào”, “đến lúc ấy vẫn chưa làm xong thì phải làm thế nào”, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất làm việc bình thường của chúng ta. Còn nếu chúng ta thật sự không thể thực hiện lời hứa thì bản thân sẽ cảm thấy vô cùng buồn chán, thậm chí cảm thấy áy náy.
Có một câu chuyện thế này: Người nhà bệnh nhân cầm tay bác sĩ, khóc tới mức sắp ngất đi, hỏi bệnh nhân có khỏi bệnh được không. Bác sĩ khó xử nói bệnh này hiếm gặp, tình hình nghiêm trọng… Người nhà bình tĩnh một chút, hỏi có bao nhiêu tỷ lệ sống sót. Bác sĩ lấy tay chỉnh kính, đưa ra tỷ lệ mấy phần trăm. Người nhà không kìm được đau đớn lại ngất đi. Bác sĩ kịp thời nắm tay bệnh nhân, run rẩy rồi xúc động nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.” Người nhà nắm tay bác sĩ, trong lòng cảm kích: “Bác sĩ đừng khách sáo, hãy cố gắng chữa trị hết sức!”
Bạn thấy bác sĩ đó, thật không hổ là phần tử trí thức cao cấp, nói năng rất có nghệ thuật. Một câu “chúng tôi sẽ cố gắng hết sức” vừa mang lại cho người nhà hy vọng vừa thể hiện được trách nhiệm của mình. Hơn nữa tỷ lệ liên quan tới “phẫu thuật thành công”, nếu nói càng thấp, phẫu thuật thành công thì cảm giác thỏa mãn tâm lý của người nhà càng lớn, mức độ cảm kích đối với bác sĩ càng sâu sắc hơn.
Qua đó, chúng ta có thể học theo cách nói của bác sĩ, không phải là “không vấn đề” mà là “Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Như vậy, khi nói năng chúng ta nhất định phải để lại chút khoảng trống, không được nói “quá”. Cổ nhân có câu “Đầy quá sẽ tràn”, cái tràn ra ngoài là chữ tín của cá nhân bạn, là sự tin tưởng của người khác.
Chúng ta đều thích sống ở nhà rộng, ngủ trên giường lớn, đều là bởi vì “có không gian hoạt động”. Vậy thì khi nói năng cũng cần áp dụng như thế, không được nói quá, hãy cho bản thân chút khoảng trống để nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn có thể có đường lui.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Khi chúng ta nói chuyện cần phải chừa lại cho mình một khoảng trống, không được nói quá, như thế mới có thể tiến thoái một cách tự nhiên. Dưới đây là hai kỹ năng liên quan:
(1) Không nói lời “xung khắc”
Bản thân không nói lời “xung khắc”. Dĩ nhiên khi đối phương nói ra, chúng ta không được tiếp lời, đẩy mâu thuẫn lên cao hơn, mà phải nghĩ cách kéo đối phương đứng về phía mình. Cho dù chúng ta hiểu ý đối phương thì cũng không nên làm căng, nếu không cả hai đều sẽ không có khoảng trống để lui.
(2) Chú ý ngữ khí của bản thân
Nếu đề cập tới vấn đề mang tính nguyên tắc, chúng ta có thể thử dùng ngữ khí ôn hòa để bày tỏ yêu cầu hoặc nguyện vọng của bản thân, không được tạo cho đối phương cảm giác uy hiếp về ngữ khí, như thế khi nói chuyện, hai bên sẽ có được cảm giác an toàn; nếu là vấn đề không mang tính nguyên tắc, chúng ta càng phải dùng ngữ khí bàn bạc, thương lượng hoặc trưng cầu ý kiến để khiến đối phương cảm nhận được sự thân thiết của mình.
Bài 5: Tránh nói khoác
Tất cả những việc vừa không cần phải đóng thuế, vừa được lợi thì người ta đều tranh nhau làm. Nói khoác cũng là một việc “Không cần phải đóng thuế”, nên dĩ nhiên là ở một khía cạnh nào đó thì người nói khoác sẽ được lợi. Nếu bạn bạn là một thanh niên đẹp trai tài giỏi, lại được gắn thêm cái mác “Việt kiều” thì lập tức sẽ có hàng tá các cô gái trẻ ngây thơ vây lại, hỏi bạn mặt trăng ở nước ngoài có tròn không; nếu bạn nói thị trưởng A là bạn nối khố của bạn, trước đây thường đánh nhau, bây giờ cùng uống rượu, lập tức sẽ có rất nhiều người đến nhận bạn là anh em ngọt sớt.
Khi còn trẻ, mỗi người đều có ước mơ “to lớn”, nhưng chẳng may chúng ta gặp bất hạnh và bị những người xung quanh “vùi dập”, thì tâm lý chắc chắn sẽ không thể thăng bằng được. Không thăng bằng thì tìm cách nói khoác để lấp đầy. Trong cuộc sống, có quá nhiều người không ai biết đến, nhưng để có chút thể diện và cân bằng tâm lý đã dùng đến cách nói khoác như Đình Nam trong ví dụ dưới đây.
Đình Nam là nhân viên bán hàng của một công ty, thường ngày thành tích làm việc bình thường, không được giám đốc coi trọng. Ngày tháng trôi qua rất bí bách, sở thích duy nhất của anh ta là uống rượu, nói khoác. Anh ta tụ tập cùng với bạn bè trước đây, bạn bè hỏi anh ta công việc thế nào, anh ta liền nói mình là anh em với giám đốc, trong tay có hàng tá khách hàng quan trọng, có lúc uống nhiều lại còn nói đại tên của hai, ba người, nói họ là khách hàng của mình, thân thiết như họ hàng vậy.
Nhưng sự việc cũng thật trùng hợp, một hôm anh ta nói khoác với bạn - một nhà buôn bất động sản, rằng muốn mua nhà giảm hai mươi phần trăm thì chỉ cần một câu nói của anh ta là xong. Trùng hợp là người bạn này cũng là bạn cấp hai của giám đốc công ty Đình Nam. Trong buổi họp lớp, người bạn ấy liền nói với giám đốc của Đình Nam rằng: “Có phải cậu muốn mua nhà không? Mình có một người bạn nói là có người quen trong ngành bất động sản, có thể giảm hai mươi phần trăm.” Vị giám đốc này tưởng thật, vui vẻ hỏi thăm về thông tin cụ thể của “người bạn thần thông quảng đại” của anh ta, té ra là “người bạn” ấy chính là nhân viên Đình Nam của mình.
Ngày hôm sau, giám đốc gọi Đình Nam đến văn phòng, xem có thể nhờ “nhà buôn bất động sản” cho giá ưu đãi được không. Đình Nam thấy bí quá, đành phải nói thật với giám đốc là “mình đang nói khoác”. Giám đốc sa sầm mặt, về sau lại càng không trọng dụng Đình Nam, cho rằng anh ta là người nóng vội , hơn nữa còn ba hoa phét lác, chả trách thành tích làm việc không có gì nổi trội.
Sai lầm của Đình Nam nằm ở chỗ anh ta nghĩ thế giới quá rộng. Anh ta tưởng rằng giám đốc hiện tại của mình và bạn học trước đây của mình là hai “bán cầu Bắc - Nam cách biệt” hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau. Anh ta tưởng rằng nói khoác là chuyện đơn giản, lời nói gió bay mà thôi, nhưng anh đã không biết một điều rằng “người nói vô ý, còn người nghe hữu tình”. Bạn trách việc người khác coi việc như vậy là thật ư? Vậy thì, sau này người khác sẽ coi bạn là cậu bé chăn cừu, bạn có nói gì đi nữa cũng không ai tin tưởng, bạn sẽ dần dần cảm nhận được cảm giác bị người ta coi thường.
Trong tâm lý học, nói khoác là để thể hiện bản thân, qua đó có được sự quan tâm nhiều hơn. Như vậy có thể bù đắp sự hẫng hụt, đạt được cảm giác “lý tưởng” mà mình mong muốn.
Một báo cáo điều tra ở Anh cho thấy, 80% người được hỏi thừa nhận, mỗi ngày ít nhất họ phải “nói khoác” một lần. Động cơ tâm lý khiến Đình Nam “nói khoác” là để bù đắp nhu cầu của mình. Trong tâm lý học, nói khoác còn có một mục đích nữa là giảm lo lắng và khắc phục nỗi sợ hãi.
Ngày xưa, có một câu chuyện cười, kể rằng: Kiến đắc tội với voi, voi phao tin phải tiêu diệt nó. Kiến nấp ở cửa hang, thò một chân ra khỏi hang. Người ngoài nhìn thấy nó liền hỏi: “Bạn làm gì vậy?” Kiến ngạo mạn ngẩng đầu nói: “Hứ, không có gì, voi đến là tôi sẽ ngáng chân cho nó chết!”
Câu chuyện ngụ ngôn ở trên muốn nói, khi con người gặp đối thủ lớn mạnh hơn nhiều, trong lòng sẽ nảy sinh cảm giác sợ hãi và mất đi niềm tin với chiến đấu, họ đành phải lợi dụng “liệu pháp” tinh thần “coi thường đối thủ” để tăng thêm sức mạnh cho bản thân. Trong cuộc sống, có một số người quả thực rất thích lợi dụng cách đả kích đối thủ để nâng cao bản thân, hoặc là thông qua cách khuếch khoác để khích lệ bản thân. “Chỉ vì chuyện cỏn con ấy mà muốn khiêu chiến với ta à? Quay về tu luyện một trăm năm nữa đi”, “Chuyện nhỏ như vậy tôi có thể giải quyết dễ dàng, anh không cần lo lắng.”
Ví dụ, lãnh đạo giao cho bạn một nhiệm vụ. Độ khó của nhiệm vụ là dành cho sinh viên đại học, còn khả năng của bạn chỉ ở mức học sinh tiểu học. Lãnh đạo hỏi: “Không vấn đề gì chứ?” Bạn ra sức vỗ ngực, vui vẻ trả lời: “Không vấn đề, đừng nói vấn đề với học sinh tiểu học này, cho dù là vấn đề của sinh viên đại học, tôi cũng có thể hoàn thành dễ dàng.” Lãnh đạo rất vui, ông ta cho rằng bỏ tiền lương thuê học sinh tiểu học hoàn thành công việc của sinh viên đại học là rất lợi, thế là vỗ vai bạn rồi cười nói: “Sau này công ty chỉ cần có những người như anh là đủ.” Bạn đã hứa hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi bắt tay vào mới thấy mình không thể giải quyết được vấn đề, khiến lãnh đạo mất đi niềm tin với bạn, thậm chí không có cảm tình với tất cả những người trình độ như bạn.
Cho dù là vì bất kỳ nguyên nhân gì thì việc chúng ta nói lời khoa trương, khoác lác cũng đều không phải là thói quen tốt. Thứ nhất, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý của bản thân. Đứng trước khó khăn chỉ biết dùng phương thức khoa trương khoác lác để thu nhỏ khó khăn, trên thực tế chính là tránh né hiện thực. Khi hiện thực đến thật sự, chúng ta sẽ không biết ứng phó như thế nào, sau khi gặp trở ngại sẽ khó có thể xốc lại được tinh thần. Thứ hai, ảnh hưởng tới quan hệ giao tiếp. Chúng ta vì muốn duy trì thói hư vinh nhất thời và lợi ích nào đó mà tùy tiện hứa với người khác những lời hứa không thiết thực. Đợi đến khi không thể thực hiện được lời hứa, người khác sẽ trách chúng ta, đồng thời gán cho tội danh “lừa đảo”.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Nói năng khoa trương, thích khoác lác đều là biểu hiện của không thực tế. Người khác sẽ nghĩ rằng người này không thiết thực, ấn tượng để lại cũng sẽ rất tệ. Vậy, chúng ta phải tránh tình huống này như thế nào?
(1) Nói được làm được
Người xưa nói: Nói đi đôi với làm. Chúng ta nói nhiều nhưng không làm được, người khác sẽ nghĩ rằng chúng ta đang nói khoác, không có bản lĩnh thật sự, còn nghĩ chúng ta không trung thực.
(2) Trước khi nói hãy nghĩ tới hậu quả của việc nói khoác
Khi nói dùng những từ ngữ không chân thực, giao thiệp với những người như thế vừa tốn sức lực nói lại vừa lãng phí thời gian, còn khiến người khác căm ghét, coi thường.