Bài 1: Quan hệ thân thiết đến thế nào thì cũng cần phải lễ phép
Quân là một sinh viên mới tốt nghiệp chưa lâu, sau khi vào công ty nhanh chóng hòa đồng với đồng nghiệp. Ban đầu mọi người có ấn tượng rất tốt về cậu, nhưng lâu dần, mọi người phát hiện cậu ta nói năng không có chừng mực, không biết quan tâm tới lợi ích của người khác. Có lẽ bình thường Quân đã quen tùy tiện rồi, nên anh ta đã không nhận ra điều đó. Nhìn thấy đồng nghiệp có việc ra ngoài, anh liền buột miệng nói: “Lúc nào về mang giúp mình gói giấy ăn nhé!” Sau khi đồng nghiệp mang về cho anh ta, anh ta đang bận đọc tin tức, nên không thèm ngẩng đầu lên mà nói: “Cứ để trên bàn”. Lần này thì đồng nghiệp cảm thấy anh ta quá vô lễ, không thể giao thiệp được, vậy là trong công việc cũng không muốn phối hợp với anh ta nữa. Khi phát lương, Quân còn nghe ngóng tiền lương của các đồng nghiệp từ nhiều phía. Anh ta nhờ cô Vân phòng hành chính in văn bản hộ, xong cầm đi luôn, không thèm nói một lời cảm ơn nào. Những tình huống tương tự như vậy còn rất nhiều, cuối cùng mọi người đều có ý kiến với Quân. Có người khéo léo nhắc nhở anh ta phải chú ý lễ độ, nhưng anh ta liền cãi: “Mọi người đều thân nhau như vậy, nói năng khách sáo làm gì!”
Lời của Quân thoạt nghe dường rất có lý nhưng thực ra là hoàn toàn sai lầm. Cho dù là quan hệ giữa đồng nghiệp có thân thiết tới đâu, thì nói năng cũng nên có sự lễ phép cần thiết. Rất nhiều lời cho dù quan hệ thân thiết tới đâu thì vẫn cần phải nói, chẳng hạn như “xin mời”, “xin lỗi”, “cảm ơn”. Nhưng vì sao Quân lại dùng lý do như vậy để giải thích cho sự vô lễ của mình? Đó là bởi vì anh ta đã suy bụng ta ra bụng người, áp đặt thói quen và quan niệm của mình với người khác.
Trong tâm lý học, “hiệu ứng thấu xạ” (Projection effect) là một chướng ngại nhận thức, chỉ việc suy bụng ta ra bụng người, có người tự cho rằng người khác và mình có đặc điểm giống nhau, thế là đem áp đặt tình cảm, ý chí và đặc tính của mình lên người khác một cách rất tự nhiên. Nhân vật Quân trong câu chuyện này, tự cho rằng đã rất thân thiết với mọi người, không cần thiết phải để ý tới những lời khách sáo xã giao mà không biết mọi người đều để ý.
Trong giao tiếp giữa người với người, lễ nghi là một nhịp cầu giao lưu quan trọng. Một người không hiểu lễ nghi, thì rất dễ áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, trong lời nói hoặc hành vi dễ mang tới cho người khác những tổn thương không cần thiết, nảy sinh hiểu lầm không cần thiết, gây ra những bất hòa trong giao tiếp. Vì thế cho dù quan hệ giữa đôi bên có thân thiết đến đâu cũng cần phải tuân thủ lễ nghi tối thiểu, những lời nói lễ phép luôn thường trực trên môi.
Có một câu chuyện cười như sau:
Việt Phương đưa bạn gái mới đến nhà hàng ăn cơm, bạn của Việt Phương là Thanh Loan rời khỏi nhà hàng thì vừa hay nhìn thấy Việt Phương đang ăn cơm cùng cô gái, thế là đi tới và nói: “Người anh em, cô này xinh đấy, tìm được ở đâu vậy?” Thấy cô gái tức giận quay sang một bên, còn Việt Phương thì sa sầm mặt lại. Thanh Loan không biết chừng mực nói tiếp: “Buổi tối ở chỗ cũ nhé, cùng vui vẻ tý chút.” Cô gái kia nghe những lời ấy, bèn quay người bỏ đi, Việt Phương trợn mắt lườm Thanh Loan rồi đuổi theo bạn gái, còn Thanh Loan vẫn không hiểu chuyện gì, trong lòng bực tức và tự hỏi: “Hôm nay cậu ta làm sao vậy?”
Tuy nói là chuyện cười nhưng những chuyện như vậy rất thường gặp trong cuộc sống. Có nhiều người trong các buổi họp lớp, gặp mặt bạn bè, trước mặt người yêu hoặc bạn của đối phương thì nói năng không chú ý, nhắc tới bí mật riêng tư trước đây hoặc những điều khó xử của người khác, cuối cùng khiến mọi người đều cảm thấy khó chịu. Chúng ta phải hiểu rằng, ngoài việc cần có những lời nói lịch sự cần thiết còn phải chú ý hoàn cảnh, đây cũng là một yếu tố quan trọng trong quy tắc lễ nghi.
Nói đúng, nói hay, điều này vô cùng quan trọng đối với mỗi người cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới giao tiếp của chúng ta. Trong giao tiếp hàng ngày, mặc dù có thể chúng ta không giỏi ăn nói, nhưng chí ít cũng nên nói năng ứng đối đúng mực, với những người và hoàn cảnh khác nhau, cần nắm được phương thức và phương pháp trò chuyện cần thiết, cho dù là với người quan hệ thân thiết tới đâu, chúng ta cũng phải chú ý lễ nghi, tránh gây trở ngại cho vấn đề giao tiếp của bản thân.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Ca dao có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Giao tiếp là một môn nghệ thuật, mà yếu tố quan trọng đầu tiên của môn nghệ thuật này chính là phải hiểu lễ nghi. Lễ nghi không chỉ cần biểu hiện trước mặt người lạ mà khi giao lưu với người quen cũng phải chú ý giữ đúng chừng mực, như thế mới có thể duy trì quan hệ giao tiếp tốt đẹp. Vậy trong giao tiếp, chúng ta nên tuân thủ những lễ nghi phép tắc cần thiết nào?
(1) Nói chuyện phải dùng kính ngữ
“Xin mời”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, ba câu nghe có vẻ đơn giản này lại là những câu không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Người Nhật khá chú trọng điểm này, có thể thấy những câu nói thường trực của họ: “Lần đầu gặp mặt, xin hãy chiếu cố”, “Cảm ơn đã quan tâm”, “Xin lỗi, làm phiền anh rồi”, những lễ nghi cần thiết này mỗi người chúng ta đều nên tuân thủ, cho dù quan hệ thân thiết tới mức nào cũng không được bỏ qua.
(2) Cần căn cứ vào hoàn cảnh trước khi nói
Những trường hợp khác nhau, thân phận khác nhau, thì phương thức và nội dung nói chuyện cũng khác nhau. Chúng ta không thể nói năng một cách tùy tiện, không cần biết đối phương là ai, đang trong hoàn cảnh nào, như thế chắc chắn sẽ khiến người khác phản cảm. Khi nói chuyện với người trên phải cung kính, trong các trường hợp lễ nghi phải nói năng đúng chừng mực, đây đều là những điều chúng ta nên chú ý.
(3) Từ chối người khác phải khéo léo
Khi người khác nêu ý kiến hoặc kiến nghị mà chúng ta không thể tiếp nhận, thì không được từ chối một cách cứng nhắc, trước tiên phải bày tỏ lời cảm ơn của mình, sau đó là khéo léo từ chối, điều này tốt hơn việc từ chối một cách thẳng thắn, như vậy mới dễ dàng mang lại cho chúng ta mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp.
Bài 2: Không được tâng bốc một cách tùy tiện, cần làm tốt công tác chuẩn bị
Một người nọ chuẩn bị được bổ nhiệm đến tỉnh khác làm quan, trước khi đi, anh ta đến từ biệt thầy dạy của mình. Thầy dạy nói với anh ta: “Một mình con đến nơi khác làm quan không dễ dàng, mọi chuyện nhất định phải cẩn thận.” Người này nói: “Không sao ạ, bây giờ người ta thích nghe lời hay ý đẹp, con đã chuẩn bị 100 câu tâng bốc, tặng mỗi người một câu, như vậy là yên tâm rồi.” Thầy vừa nghe xong câu này, vô cùng tức giận, lập tức dạy dỗ anh ta: “Ta đã nói với con bao nhiêu lần rồi, làm người phải chính trực, là học sinh của ta, sao con lại như vậy?” Người này nói: “Xin thầy bớt giận, học trò cũng chẳng có cách nào, thực tế thì thiên hạ có mấy người không thích tâng bốc giống như thầy đâu.” Vừa nói dứt lời, thầy bèn lập tức gật đầu nói phải.
Ra khỏi nhà thầy, người này đắc trí nói với bạn của mình: “Tớ chuẩn bị 100 câu, bây giờ chỉ còn lại 99 câu!”
Câu chuyện này tuy ngắn gọn nhưng lại khắc họa sâu sắc tâm lý thích được tâng bốc của con người, kể cả bạn là người giáo viên chính trực đi nữa thì cũng chỉ cần một câu tâng bốc là sẽ nảy sinh tâm lý thiện cảm mơ hồ với người tâng bốc mình, người có học tự cho là thanh cao còn như vậy, người bình thường đương nhiên sẽ khó tránh khỏi điều đó.
Tâm lý hầu vương: Mỗi người đều muốn chứng minh bản thân là nhân vật số một, mạnh nhất, giỏi nhất hoặc chí ít cũng phải chứng minh bản thân không phải là kẻ yếu. Tính sĩ diện, ý chí vươn lên của con người đều là hình thức biểu hiện bên ngoài của tâm lý hầu vương, còn lòng đố kỵ là sự kết hợp của tâm lý hầu vương và tâm lý báo thù của con người.
Vì sao con người thích được xu nịnh, thích được tâng bốc? Xét cho cùng cũng là bởi liên quan tới tính sĩ diện. Tâm lý học cho rằng, tính sĩ diện là biểu hiện bên ngoài của tâm lý hầu vương. Con người đều có tâm lý hầu vương, tâm lý này được quyết định từ trong ý thức, cho rằng bản thân là người mạnh nhất, giỏi nhất, hy vọng là người quan trọng nhất trong mắt người khác, khao khát có được sự tôn trọng của người khác. Còn những câu tâng bốc thích hợp lại vừa hay đáp ứng nhu cầu tâm lý này của con người, vì thế, tính sĩ diện của con người khiến những lời tâng bốc có đất dụng võ, khiến người tâng bốc có một không gian vô cùng rộng mở để phát huy tài tâng bốc của mình.
Nói lời tâng bốc dường như là một chuyện rất dễ dàng, nhưng thực chất cũng là một môn nghệ thuật. Rất nhiều người biết được tác dụng của những câu tâng bốc, nhưng khi vận dụng nó thì lại không có được kết quả như ý, thậm chí còn bị phản tác dụng, rõ ràng là muốn nịnh người khác, tâng bốc người khác để có được thiện cảm nhưng kết quả lại thành ra những lời đả kích người khác.
Một người đàn ông thành đạt, sau khi tan làm đi chợ mua rau. Đầu tiên anh ta chọn một ít cà chua, nói là mua một cân, người bán hàng cân thì vừa tròn một cân. Anh ta lại chọn mấy quả dưa chuột, nói là 1,5 ki-lô-gam, đặt lên cân thì vừa đúng 1,5 ki-lô-gam. Người bán hàng vừa trả lại tiền vừa nói bằng giọng điệu kinh ngạc khoa trương: “Anh bốc chuẩn thật đấy, trước đây anh cũng đã từng bán rau đúng không?” Người bán hàng có ý tốt muốn tâng bốc sự ước tính chuẩn xác về trọng lượng của người đàn ông này, muốn mua bao nhiêu là lấy đúng bấy nhiêu, nhưng kết quả lời nói lại giống như châm biếm và bới móc, khiến đối phương dở khóc dở cười, còn bản thân người bán hàng thì vừa tốn sức lại vừa không lấy được lòng.
Tâng bốc không phải là chuyện dễ dàng, những người đầu óc không linh hoạt, phản ứng không nhanh chưa chắc đã có thể làm được, trong khi, một số người khác thì lại bẩm sinh đã biết tâng bốc, không cần bài vở, gặp ai cũng có thể nói được, cho dù bạn là nhân vật lớn tới đâu, yếu kém thế nào thì anh ta cũng có thể tâng bốc khiến bạn tươi cười rạng rỡ.
Bình Minh là cao thủ tâng bốc, một hôm anh mời các lãnh đạo đi ăn, anh đứng đón ở cửa nhà hàng. Thư ký Dũng đi chiếc Audi A6 của mình đến đầu tiên, Bình Minh vội đi tới tâng bốc: “Chiếc xe đẹp như thế này chỗ chúng ta thật hiếm thấy, anh đúng là thời thượng!” Một lúc sau, trưởng phòng Ngọc bước ra từ taxi, Bình Minh lại vội tâng bốc: “Trưởng phòng Ngọc ra ngoài chơi cho lái xe được nghỉ ngơi, anh thật tốt bụng!” Vừa nói dứt lời thì phó giám đốc Sơn đi xe đạp tới, Bình Minh lại chào hỏi: “Hôm nay thời tiết thật đẹp, đi xe đạp vừa hay có thể rèn luyện sức khỏe, hơn nữa, một lãnh đạo như anh mà lại chịu đi xe đạp đúng là hiếm thấy. Quả thực là liêm khiết!” Đang nói chuyện thì phó cục trưởng Trung cũng tới, vì nhà gần nên đi bộ tới, dĩ nhiên Bình Minh cũng phải tâng bốc một phen, anh ta nói: “Tôi cứ thắc mắc vì sao sức khỏe của ngài lại tốt như vậy, thì ra là vì thường xuyên đi bộ!”
Cao thủ tâng bốc chính là những người giống như Bình Minh, gặp người nào nói lời ấy, khiến ai ai cũng thấy thật dễ chịu, mặc dù mọi người đều biết anh ta đang tâng bốc nhưng sau khi mỉm cười hiểu ý đã vui vẻ tiếp nhận, đồng thời muốn tiếp tục giao tiếp với anh ta. Có thể thấy, những lời tâng bốc tới mức độ nhất định đồng thời còn có tác dụng khen ngợi và giải trí, quan hệ giao tiếp nhờ vậy mà cũng được nâng cao.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Có câu rằng “Một lời nói hay ấm cả ba đông”, tâng bốc người khác, nói những lời khiến người khác vui vẻ, bản thân cũng có được mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp, vậy thì tại sao chúng ta lại không tiếp tục phát huy. Có điều, chúng ta muốn trở thành một người tâng bốc cao siêu, cần chú ý mấy điểm dưới đây:
(1) Tâng bốc phải bắt nguồn từ sự thật
Khi chúng ta tâng bốc người khác, nhất định không được tìm ưu điểm mà đối phương không có để tâng bốc, nếu không sẽ trở thành bợ đỡ, thậm chí châm biếm. Tâng bốc nên là nâng cao ưu điểm của đối phương, vì thế trước khi tâng bốc một người nào đó, nếu thời gian cho phép, tốt nhất là đi sâu tìm hiểu họ.
(2) Tâng bốc người khác phải đúng mực
Tâng bốc có đặc điểm là khoa trương ưu điểm của người khác một cách thích hợp, nhưng nhất định không được khoa trương quá mức, nếu không đối phương sẽ cho rằng chúng ta đang tâng bốc người khác chứ không phải anh ta.
Bài 3: Đưa ra vấn đề khiến người khác trả lời khẳng định
Vương Minh nghe nói đơn vị chuẩn bị giải quyết vấn đề hộ khẩu thành phố cho một bộ phận nhân viên, còn anh ta thì lại đang chuẩn bị kết hôn trong năm nay. Anh ta luôn tính toán để mình có được hộ khẩu thành phố, để con cái sau này đi học được thuận tiện hơn. Thế là anh đến thăm nhà lãnh đạo phòng nhân sự. Vương Minh nói với lãnh đạo: “Thưa anh, nghe nói đơn vị chuẩn bị giải quyết vấn đề hộ khẩu cho một số nhân viên, anh thấy em có hy vọng không?” Lãnh đạo ngại thẳng thắn từ chối Vương Minh, liền nói úp mở: “Vấn đề này còn phải thông qua nhóm thảo luận, một mình tôi cũng không quyết định được.” Cho dù Vương Minh nói thế nào, lãnh đạo cũng nói mình không thể quyết định được, cuối cùng anh ta đành phải lẳng lặng ra về.
Lần khác đến thăm lãnh đạo, Vương Minh đã thay đổi sách lược. Anh ta không hỏi vấn đề lãnh đạo không thể trả lời khẳng định mà lựa chọn một số vấn đề liên quan. Vương Minh nói: “Thưa anh, chuyện hộ khẩu lần này có tiêu chuẩn gì không ạ?” Lãnh đạo nói: “Quả là có một vài tiêu chuẩn, phải làm việc ở đơn vị năm năm trở lên.” Vương Minh chỉ mới làm việc bốn năm, rõ ràng không phù hợp với tiêu chuẩn này, vậy là anh ta hỏi tiếp: “Còn có yêu cầu gì khác không ạ?” Lãnh đạo nói: “Cũng có một vài yêu cầu khác, ví dụ có cống hiến quan trọng với đơn vị, thành tích đánh giá cuối năm đứng đầu...”Vương Minh đã hiểu được ý của lãnh đạo, anh ta không phù hợp tiêu chuẩn làm việc năm năm nhưng lại là nhân viên ưu tú có thành tích nổi bật, anh ta có thể giành được cơ hội lần này. Thế là Vương Minh tìm lãnh đạo của mình, lần lượt đến thăm các lãnh đạo nhóm quản lý nhân sự. Cuối cùng, nhờ vào sự chỉ dẫn của lãnh đạo phòng nhân sự, anh đã tạo dựng được cho mình một tiền đề vững chắc trước khi chính sách của đơn vị chưa công bố và đã giải quyết được vấn đề hộ khẩu như mong đợi.
Vì sao hai lần Vương Minh đến nhà lãnh đạo lại có hiệu quả khác nhau? Đó là bởi vì lần đầu tiên đến, vấn đề mà anh ta đưa ra quá trực tiếp và chung chung, lãnh đạo không thể cho anh ta câu trả lời khẳng định. Nếu cho anh ta câu trả lời khẳng định, chẳng may việc không thành lại trở thành đắc tội người khác. Còn lần thứ hai, vấn đề mà Vương Minh hỏi khá cụ thể, lãnh đạo cũng dễ dàng trả lời. Vương Minh nhờ vào cách đặt câu hỏi có kỹ xảo mà đã có được kết quả mong muốn.
Trong cuộc sống, có một hiện tượng như sau, trước câu hỏi mơ hồ của người khác, người ta sẽ không đưa ra câu trả lời xác định mà sẽ nói úp mở. Giống như lãnh đạo trong câu chuyện sẽ không tiện trả lời câu hỏi của Vương Minh. Ngược lại, nếu khi đặt câu hỏi, chúng ta suy nghĩ tới lập trường của đối phương thì sẽ đưa ra một số câu hỏi cụ thể, từ đó hiểu được ý đồ của đối phương.
Một công ty nọ điều động nhân sự cấp cao, vị trí tổng giám đốc có ba ứng cử viên, lần lượt là A, B, C. Tuổi tác của họ lần lượt là 7X, 6X, 5X. Khi nhân viên hỏi hội đồng quản trị rốt cuộc chọn người nào, họ đều đối phó bằng câu trả lời là chưa có quyết định cuối cùng. Một người thông minh biết, nếu hỏi trực tiếp ban quản trị thì nhất định họ sẽ tạm thời bảo mật, như vậy sẽ không hỏi được nội dung có giá trị. Thế là anh ta hỏi một vài câu hỏi mà ban quản trị có thể đưa ra câu trả lời khẳng định. Ví dụ, anh ta hỏi: “Điều động nhân sự cấp cao có phải để chứng tỏ sách lược của công ty có sự điều chỉnh hay không?”“Khi nào công ty công bố thông tin?” Ban quản trị vì sự ổn định của công ty đều vui vẻ trả lời những câu hỏi này. Khi họ lơ là cảnh giác, anh ta hỏi một câu hỏi: “Tổng giám đốc tương lai là 7X, 6X hay 5X?” Một người trong đó trả lời không chút do dự: “6X”. Và nhân viên này đã có được câu trả lời chính xác.
Trong tâm lý học, khi đặt câu hỏi cho người khác, nếu biết đưa ra một vài câu hỏi mà đối phương có thể trả lời khẳng định, đối phương sẽ bày tỏ sự ủng hộ và khẳng định vấn đề của bạn trong tâm lý, từ đó bất giác bỏ qua một số vấn đề phụ, cho dù có vấn đề không tiện trả lời, đối phương cũng sẽ đưa ra câu trả lời khẳng định. Ví dụ một nhân viên muốn đề nghị tăng lương với giám đốc, chắc chắn giám đốc sẽ lập tức từ chối. Nhưng nếu nhân viên này bắt đầu từ vật giá, khối lượng công việc, cường độ công việc cùng với mức tiền lương trong ngành, cuối cùng mới đề cập tăng lương, thì giám đốc sẽ cảm thấy yêu cầu của nhân viên hợp lý, cuối cùng cũng đồng ý tăng lương cho anh ta.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Trong giao tiếp, khi chúng ta đưa ra yêu cầu và vấn đề với người khác, lúc bắt đầu tốt nhất đừng đưa ra câu hỏi khiến đối phương khó trả lời, mà trước tiên có thể bắt đầu từ những vấn đề có liên quan, giành được sự tín nhiệm của đối phương, khiến đối phương nới lỏng phòng bị, khiến đối phương trả lời thuận theo tự nhiên. Dĩ nhiên, khi đưa ra yêu cầu và câu hỏi với người khác, chúng ta cũng cần một số kỹ năng:
(1) Câu hỏi quá khó trả lời để cuối cùng
Trước tiên chúng ta hãy nói từ những vấn đề đơn giản, như thế tâm lý đối phương sẽ tiếp nhận, cuối cùng chúng ta mới nêu ra vấn đề khó hơn, đối phương một mặt vì giữ thể diện nên không tiện từ chối, mặt khác về tâm lý anh ta cũng đã thừa nhận chúng ta, nên sẽ dễ dàng cho chúng ta một câu khẳng định.
(2) Sau khi nêu ra vấn đề, phải chú ý quan sát vẻ mặt của đối phương
Ánh mắt, sắc mặt của đối phương đều có thể phản ánh vấn đề mà chúng ta nêu ra đã tạo ảnh hưởng tâm lý với anh ta như thế nào, khi chúng ta phát hiện đối phương trở nên khó coi thì hãy thử đổi câu hỏi khác hoặc thay đổi góc độ đặt câu hỏi.
Bài 4: Bày tỏ suy nghĩ hay kiến nghị phải đảm bảo rõ ràng, chuẩn xác
Trong cuộc họp của công ty, giám đốc đưa ra phương án tiêu thụ sản phẩm mới để mọi người cùng thảo luận. Việt Anh sau khi phân tích rất kỹ phương án tiêu thụ sản phẩm của giám đốc, cảm thấy có điểm không ổn, nhưng lại không nhìn ra bất ổn ở chỗ nào. Nhất thời kích động, anh ta đứng dậy và nói: “Thưa sếp, em cảm thấy phương án này có chút bất ổn.” Giám đốc nhìn Việt Anh, trong lòng có chút bất mãn, nhưng vẫn tươi cười hỏi: “Thế cậu nói cho mọi người cùng biết không ổn chỗ nào?” Việt Anh nói: “Em cảm thấy chúng ta nên tập trung vào đối tượng công chức thì thích hợp hơn, đối tượng làm thuê không có sức mua lớn như vậy.” Giám đốc nghe vậy, trong lòng càng thấy khó chịu hơn, phương án này đặt ra là nhằm vào tầng lớp nhân viên công chức, đây là một ngoại lệ. Giám đốc xua tay bảo Việt Anh ngồi xuống, cuộc họp đã không thảo luận vấn đề này nữa mà bỏ qua.
Xét từ góc độ tâm lý, giám đốc không tán đồng với quan điểm của Việt Anh có lẽ do anh ta biểu đạt chưa rõ ràng, nhưng anh ta đã không có cơ hội nói tiếp nữa. Còn giám đốc thì nghĩ thế nào? Cậu ta đã không chú ý tới bài phát biểu của mình, đang họp mà còn lơ đãng, khó mà làm nên việc lớn; hoặc giám đốc nghĩ rằng cậu ta chí lớn tài mọn, khó tiến xa được, không thích hợp làm quản lý. Như thế con đường thăng tiến của Việt Anh, chỉ vì sự biểu đạt không rõ ràng của mình mà gây ra trở ngại.
Không ai muốn nghe suy nghĩ hoặc kiến nghị không có ý nghĩa thực tế, những lời nói rỗng tuếch ấy khi giao tiếp với người khác, trong cuộc họp, hoặc trong rất nhiều trường hợp khác đều bị những người xung quanh lọc bỏ một cách tự nhiên. Còn bạn, một khi phát biểu những suy nghĩ hay kiến nghị rỗng tuếch, hình tượng của bạn sẽ giảm đi trong lòng người khác, thậm chí có người sẽ cho rằng bạn là người không hiểu biết, chỉ biết nịnh nọt ton hót, không hiểu thực tế, nếu cấp trên của bạn, giám đốc của bạn cũng nghĩ như vậy thì sẽ rất bất lợi cho bạn.
Tâm lý học cho rằng, một người nếu có thể bày tỏ suy nghĩ và kiến nghị của mình một cách rõ ràng, chính xác thì sẽ được đánh giá là thấu đáo, sẽ dễ dàng nhận được sự khẳng định và tin tưởng của người khác. Ngược lại, nếu suy nghĩ và kiến nghị của bạn không rõ ràng và chuẩn xác, người khác sẽ cho rằng bạn thiếu năng lực, không đủ để gánh vác trọng trách quan trọng, hoặc cho rằng bạn không thiết thực, và từ đó ấn tượng tốt về bạn cũng giảm đi rất nhiều. Sau khi bạn đưa ra suy nghĩ hoặc kiến nghị rõ ràng, chuẩn xác với người khác, đầu tiên anh ta sẽ bày tỏ sự khẳng định với bạn, tiếp đó sẽ nảy sinh sự liên tưởng tích cực về khả năng của bạn.
Ngoài ra, nếu suy nghĩ và kiến nghị mà bạn đưa ra rõ ràng, chính xác, bạn có thể nhìn thấy lời khen và sự quý mến ngay trong ánh mắt của đối phương, điều này cũng sẽ khiến bạn càng tự tin hơn, sự tự tin của bạn cũng sẽ trở thành điểm sáng thu hút người khác, người khác sẽ càng cảm thấy tin tưởng bạn.
Có một bệnh nhân trầm cảm đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ tâm lý này vừa mới hành nghề, khi nhìn thấy bệnh nhân, trong lòng bỗng có chút căng thẳng. Sau khi hỏi han tình hình của bệnh nhân, bác sĩ tâm lý này kiến nghị: “Anh có thể thử đi dạo trong công viên hàng ngày, cách vài ngày lại đi leo núi hoặc đi du lịch. Một người bạn của tôi đã nhờ vào phương pháp này mà thoát khỏi bệnh trầm cảm.” Bệnh nhân này nghe vậy, ánh mắt tràn ngập niềm tin. Bác sĩ tâm lý cũng tự tin hơn, tiếp tục nói về hiệu quả chữa trị của việc đi dạo, du lịch với bệnh trầm cảm. Cuối cùng bệnh nhân này đồng ý với cách nghĩ của bác sĩ, quyết định thử xem sao. Như vậy, có thể thấy, cuộc nói chuyện này đã có hiệu quả rất lớn đối với bệnh nhân và bác sĩ tâm lý, bệnh nhân tìm thấy phương pháp chữa trị khả thi, còn bác sĩ tâm lý cũng được tiếp thêm sức mạnh tự tin đối với công việc của mình.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Cho dù trong giao tiếp hay trong thảo luận, chỉ có nêu ra suy nghĩ và kiến nghị rõ ràng thì mới có thể nhận được sự khẳng định và niềm tin của người khác, suy nghĩ và kiến nghị có tính khả thi sẽ khiến người khác phát hiện được tố chất trong con người bạn. Vậy thì bày tỏ như thế nào mới có thể khiến suy nghĩ và kiến nghị của bạn trở nên rõ ràng, chuẩn xác?
(1) Phân tích cụ thể vấn đề
Muốn làm được điểm này, trước tiên chúng ta phải chấm dứt những lời nói rỗng tuếch, những lời nói không có giá trị khi nói ra chỉ khiến người
khác phản cảm. Khi đưa ra kiến nghị cụ thể, chúng ta hãy thử suy nghĩ từ mặt khác của vấn đề, luận chứng nhiều khía cạnh, không được phán đoán chủ quan.
(2) Không được vội vàng nói
Rất nhiều người khi thảo luận vấn đề trong buổi họp, nóng vội thể hiện bản thân, kết quả là những suy nghĩ hay kiến nghị nói ra khiến người ta không hài lòng, có ý kiến chưa khách quan, có ý kiến chưa toàn diện. Bởi vậy, chúng ta hãy thử lắng nghe xem những người khác nói thế nào, sau khi tổng hợp ý kiến của người khác, mới nêu ra suy nghĩ hoặc kiến nghị có tính thiết thực.
Bài 5: Chủ động yêu cầu người khác “nói tiếp”, nói ra chủ đề khiến đối phương phấn khích
Minh Giang là nhân viên nghiệp vụ của một công ty. Một hôm, khi anh ta tới chỗ khách hàng giới thiệu sản phẩm thì đúng lúc khách hàng đang xem World Cup. Minh Giang không làm phiền khách hàng mà cùng khách hàng xem đá bóng, đồng thời thỉnh thoảng lại hô cổ vũ đội bóng cùng khách hàng. Sau khi trận đấu kết thúc, Minh Giang hỏi: “Anh thích đội nào?” Khách hàng nói: “Đội Brazil.” Minh Giang không hiểu nhiều về đội Brazil, nhưng khi nhìn thấy trên tường trong phòng làm việc của khách hàng có treo một bức ảnh của đội Brazil và bức ảnh của Ronaldinho, anh liền nói: “Đáng tiếc, kỳ World Cup lần này không có Ronaldinho.” Khách hàng cũng nói với vẻ nuối tiếc: “Không biết Dunga nghĩ thế nào, một cầu thủ xuất sắc như Ronaldinho mà lại không được chọn vào danh sách, làm cầu thủ dự bị cũng được mà!” Minh Giang lại nói: “Bình thường anh cũng đá bóng chứ ạ, vậy thì chắc chắn là anh biết một vài tuyệt kỹ của Ronaldinho chứ?” Khách hàng nghe vậy cười ha ha: “Tôi đâu thể thành thục như thế, tuyệt kỹ của Ronaldinho được xây dựng trên cơ sở rất tốt...”
Chúng ta giao tiếp với người khác, nếu có thể quan tâm tới hứng thú và sở thích của người khác, lựa theo sở thích của họ, thì khi giao tiếp với họ, chúng ta sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Minh Giang trong câu chuyện đã nắm được điểm này, mặc dù anh ta không hiểu nhiều về đội Brazil, nhưng anh ta có thể nắm được thông tin quan trọng, dẫn dắt khách hàng chủ động nói chuyện, điều này đã đạt được mục đích giao tiếp ban đầu.
Mỗi người đều có hứng thú sở thích khác nhau, trong giao tiếp, nếu chúng ta có thể nắm được sở thích của người khác một cách chuẩn xác, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng, cảm thấy hứng thú với điều này, từ đó mở rộng chủ đề giữa hai bên thì sẽ rất có lợi cho việc xây dựng quan hệ giao tiếp tốt đẹp của chúng ta. Đây chính là ứng dụng của định luật lựa theo sở thích của người khác.
Định luật lựa theo sở thích của người khác: Mỗi người đều có hứng thú và sở thích khác nhau, nếu chúng ta có thể nắm được sở thích của người khác một cách chuẩn xác trong giao tiếp thì có thể lợi dụng sở thích của họ để triển khai chủ đề nói chuyện, đạt được mục đích giao tiếp, xây dựng quan hệ giao tiếp tốt đẹp.
Nếu chúng ta muốn để người khác tiếp nhận mình, nảy sinh hứng thú với mình thì nhất định phải chú ý tìm ra chủ đề và sở thích mà đối phương cảm thấy hứng thú. Nếu chúng ta chỉ nói về chủ đề mà bản thân cảm thấy hứng thú thì chưa chắc đối phương sẽ cảm thấy hứng thú, thậm chí sẽ phản cảm, như thế rất dễ gây trở ngại cho sự giao tiếp, ảnh hưởng tới việc giao lưu tình cảm của hai bên.
William Phelps, giáo sư của trường đại học Yale năm tám tuổi đến nhà dì nghỉ cuối tuần. Buổi tối, có một người đàn ông trung niên đến chơi, sau khi hàn huyên với dì, liền nói chuyện với cậu bé Phelps tám tuổi. Phelps khi ấy vô cùng hứng thú với thuyền buồm, còn người này dường như cũng rất hứng thú với thuyền buồm. Hai người cứ nói về chủ đề này, nói rất lâu và nhanh chóng trở thành bạn thân.
Sau khi khách về, Phelps hết lời khen ngợi người này: “Chú ấy thật thông minh, chú ấy hiểu rất nhiều về thuyền buồm!” Nhưng dì lại nói với Phelps: “Chú ấy là một luật sư ở thành phố New York, không có một chút hứng thú nào với thuyền buồm.” Phelps tỏ vẻ nghi ngờ nói: “Thế sao chú ấy lại nói về thuyền buồm với cháu?” Dì trả lời: “Bởi vì chú ấy cho rằng cháu thấy hứng thú với thuyền buồm nên nói một số chuyện khiến cháu cảm thấy vui.” Lúc ấy, Phelps mới hiểu đối phương có ý lựa theo mình. Tới tận sau khi trưởng thành, ông vẫn không quên chú luật sư thân thiện ấy.
Carnegie đã từng nói: “Cho dù là đồ tể hay là thợ làm bánh, thậm chí là hoàng đế ở trên cao thì đều muốn nhìn thấy người khác bày tỏ ý tốt với mình.” Cho dù là giao tiếp bình thường trong cuộc sống hàng ngày hay là đàm phán kinh doanh trong thương mại, chỉ cần chúng ta có thể tìm thấy sở thích của đối phương thì có thể sẽ kéo dài chủ đề, khiến đối phương cảm thấy vui vẻ, từ đó cũng khiến chúng ta nhận được sự báo đáp vui vẻ.
CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC
Phương pháp giao tiếp lựa theo sở thích của người khác được ứng dụng rất rộng rãi trong cuộc sống, trở thành bí quyết để rất nhiều người xây dựng quan hệ giao tiếp tốt đẹp. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để có thể lựa theo sở thích của người khác, kéo dài chủ đề nói chuyện của hai bên?
(1) Học cách thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt
Lựa theo sở thích của người khác, khiến đối phương cảm nhận được ý tốt của chúng ta, tuyệt đối không phải là xu nịnh bợ đỡ mà phải chú trọng kỹ năng nói chuyện. Điều này yêu cầu chúng ta phải học cách thăm dò ý tứ qua lời nói sắc mặt, phân tích một cách chính xác, tìm hiểu những chuyện đối phương cảm thấy hứng thú thực sự. Ví dụ nói về đồ trang sức, trang trí trong phòng, màn hình máy tính và bài trí trong nhà.
(2) Bắt đầu từ chủ đề công cộng
Khi chúng ta giao lưu với người lạ thường có tâm lý đề phòng nhất định, điều đó khiến đôi lúc chúng ta cảm thấy không biết bắt đầu từ đâu. Lúc này, chúng ta hãy thử bắt đầu từ một vài chủ đề công cộng, ví dụ nói về thời tiết, môi trường… Như thế vô hình chung sẽ xua đi tâm lý đề phòng của đối phương, tạo cơ sở cho sự giao lưu thêm bước nữa.
(3) Bắt đầu từ chủ đề đang được quan tâm
Con người đều có hứng thú nhất định với sự vật mới lạ, ví dụ những bộ phim gần đây, những bản nhạc thịnh hành, tình hình cổ phiếu mới nhất, giá nhà mới nhất... từ những sự kiện mang tính trọng đại đến những việc nhỏ bé như ăn uống, đi lại, chúng ta đều có thể tìm thấy chủ đề khiến đối phương cảm thấy hứng thú, như thế chủ đề nói chuyện giữa hai bên sẽ nhiều lên, khi giao lưu cũng dễ dàng hơn rất nhiều.