Những người trẻ lạ lùng

Phần I

Những người trẻ lạ lùng

 

Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia, năm nay 73 tuổi, viết cho tôi một bức thư đại ý: Ông đã nhiều lần đọc cuốn Gió heo may đã về của tôi, rất thích thú, lần đọc sau thấy hay hơn lần đọc trước, nhưng cuốn sách đó đã làm hại ông vì nó làm ông nhớ đến tuổi của mình, mà từ lâu ông đã quên, nhờ sống theo một triết lý sống khác: không có cái gọi là tuổi già, bởi vì hồi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 – 40 thì còn đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn. Hiện nay mỗi sáng ông đều đi bộ đến hồ bơi, bơi một chập rồi đi bộ về, bày thức ăn ra cho chim chóc trên các cành cao quanh cửa sổ phòng ông đến ăn, rồi đọc báo, nghe đài… Ông vẫn ấp ủ giấc mộng mở một nhà sách mới, có phòng riêng dành cho thiếu nhi vừa vui chơi vừa đọc sách, có chỗ dành cho các văn nghệ sĩ, tác giả đến trao đổi, tâm tình, toạ đàm, trong một không khí thư giãn… Do vậy, tuy ông đã ở vào lứa tuổi trẻ vĩnh viễn, tôi thấy nên xếp ông vào lứa tuổi trẻ lạ lùng thì đúng hơn. Trong thư ông cũng trách tôi vì sao gọi Giáo sư Trần Văn Khê là “một ông già dễ thương” trong bài viết “Đời thường GS Trần Văn Khê” đăng trên báo Kiến thức ngày nay. Ông nói ông Trần Văn Khê mới 78 tuổi, không thể gọi là ông già được dù là “ông già dễ thương”. Mà thiệt! Thấy sức làm việc của GS Trần Văn Khê thì các bạn trẻ khó có ai bì kịp. Ông làm việc mỗi ngày 12 – 16 tiếng đồng hồ không mệt mỏi, liên tục di chuyển từ nước này sang nước khác, hết thuyết trình tới thu băng, làm thơ, viết báo. Đọc những “chuyện tình” của ông trong cuốn Tiểu phẩm (TVK) mới thấy ông trẻ lạ lùng. Ông có khả năng làm chủ được nhịp điệu sinh học của mình. Các buổi diễn thuyết của ông rất chính xác về giờ giấc. Giữ hai chuyến đi, ngồi đợi chuyển máy bay ở phi trường 30 phút thì ông “lim dim” đúng 30 phút, tỉnh dậy hoàn toàn sảng khoái, thảnh thơi để bước vào cuộc hành trình mới. Ông ôm ấp một tâm nguyện là hết lòng xiển dương nhạc Việt ở xứ người và truyền đạt cho thế hệ sau lòng tự hào về nhạc cổ Việt Nam.

 

Nói đến chuyện tình của những người trẻ lạ lùng, tôi nhớ có lần được gặp hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn ở nhà hoạ sĩ Phạm Văn Hạng. Lúc đó ông đã 88 tuổi. Ông hào hứng giới thiệu với chúng tôi về “người yêu” bằng nữa số tuổi của ông. Ông kể từ lúc còn trẻ ông đã sắm một chiếc xe ngựa triển lãm tranh lưu động đặt tên là “Mê ly” để đi từ Bắc chí Nam. Đến Huế ông gặp nhạc sĩ Văn Phụng, nhạc sĩ đã cảm hứng viết bài: “Ô mê ly, mê ly đời ta…!”. Hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn có cách nhiếp sinh rất lạ. Ông luôn để cho “trái tim xao động” vì… yêu, ông lại có khả năng thở rất chậm, mỗi nhịp thở kéo dài hai phút. Ông nói ông đã tập thở như vậy từ nhỏ, bây giờ mỗi lần đi máy bay từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh ông chỉ cần thở 60 cái là đến nơi (!). Thật là một người trẻ lạ lùng, rất thong dong và khoáng đạt.

 

Tôi lại nhớ GS Ngô Gia Hy, một vị thầy của nhiều thế hệ bác sĩ. Năm nay ông đã 84 tuổi, hoạt động năng nổ mà bọn chúng tôi khó lòng bì kịp. Ông vừa quản lý một trường Đại học dân lập, lại vừa giảng dạy ở trường Y, phụ trách hai tờ báo, Phó chủ tịch thường trực Hội y dược thành phố… mà sức khoẻ vẫn dồi dào. Ông viết nhiều bài báo vế Khí công, về Thiền trên báo Giác Ngộ.

Ôi, những người trẻ lạ lùng mới dễ thương làm sao!

 

1998

 

 

 

“Con tinh yêu thương…”

 

Ở Paris, dưới chân ngọn đồi tuyệt đẹp nổi tiếng với nhà thờ uy nghiêm Sacré Coeur không xa là khu Pigale cũng nổi tiếng không kém với những nhà hàng ăn chơi và các rạp chiếu phim sex, những sex-shop bán sách báo, phim ảnh khiêu dâm cùng với những vật dụng… phục vụ cho chuyện tình dục của con người. Người bạn cùng đi khuyên tôi đừng vào rạp phim sex, bởi vì sau khi xem xong ra đường sẽ thấy chán đời không thể tả! Âu Mỹ có cái lạ là chuyện yêu đương thường gọi là “làm” (make love, faire d’amour), chẳng trách người ta phải hùng hục, phải… đổ mồ hôi sôi nước mắt, thật khác với Đông phương gọi là “thương”, là “cưng”, là “chìu”, là “ăn nằm”, là “gần gũi”… Trong một sex-shop, tôi lật lật mấy tờ báo coi chơi. Mới đầu cũng thấy hay hay, sau thì chán ngắt. Tôi thích hình ảnh “cô sơn nữ miệng cười khúc khích…” hoặc “ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đóm lửa hồng…” hơn. Người chủ tiệm đon đả mời chào: “Hay ông chọn một người nhé! Da trắng, da vàng, da đen… đều có cả!”. Rồi ông đưa cho tôi máy cái hộp carton. Thì ra đó là những búp bê, khi cần thì thổi phình to lên như người thật, có thể “ăn nằm” với nhau được. Toàn là những người mẫu xinh đẹp, những diễn viên nổi tiếng trên thế giới! Thật tội nghiệp cho Đoàn Dự, nhân vật của Kim Dung, say mê Vương Ngọc Yến như điếu đổ mà cô chỉ yêu biểu ca của mình! Giá mà Đoàn Dự có ở đây, hẳn chàng có thể đặt làm riêng cho mình một “con” giống hệt Vương Ngọc Yến để luôn tôn thờ, gần gũi, kề cận bên mình khi hành tẩu giang hồ. Còn có nhiều dụng cụ khác nữa khiến người ta nghĩ rằng có thể “yêu thương” mà chẳng cần có con người!

 

Thật ra, vào thế kỷ 21 người ta cũng chẳng cần như vậy nữa! Với tiếng bộ vượt bậc của khoa học, đặc biệt sinh học gần đây, người ta có thể cho “sinh sản vô tính” một con người giống y chang bằng cách lấy một tế bào bình thường của người đó, kích điện một cái, rồi cấy vào một cái noãn để phát triển thành một con người – như người ta đã làm với cừu Dolly và nhiều sinh vật khác dễ dàng. Những chàng Đoàn Dư si tình tương lại chỉ cần cầu xin nàng một chút tế bào! Chẳng lẽ tiếc gì mà không cho! Hiện người ta cũng chế tạo ra nhiều robot ngày càng tinh xảo, càng có trí thông minh, có cả “tình cảm” nữa, như gặp ta thì mĩm cười (!) “Chào buổi sáng!” (Có thể nói tiếng Việt lơ lớ vì chưa có dấu, nhưng chẳng hề chi!). Ờ Nhật hiện nay đã bắt đầu có dịch robomania, tức là điên vì mê robot! Cứ tưởng tượng đi, mỗi người chúng ta sau này đi đâu đều có vài robot xinh đẹp đi theo, chẳng thua gì Nguyễn Công Trứ “Gót tiên đeo đủng đỉnh một đôi dì. Bụt cũng nực cười ông ngật ngưỡng…”!

 

Tháng 8 năm 2000 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố bản đồ “gen” của con người. Vậy là từ nay người ta có thể tìm hiểu người yêu cặn kẻ hơn bằng cách nghiên cứu bản đồ gen của nàng (hay chàng). Người ta có thể biết được người kia nói dối mấy chục phần trăm khi tỏ tình bằng máy dò nói dối. Muốn có một đứa con hủ hỉ mà không phải bận bịu chuyện hôn nhân, nàng có thể đến ngân hàng tinh trùng mua một nhúm tinh trùng (của một “danh nhân” nào đó mà nàng yêu mến và ngưỡng mộ); còn chàng thì đến một cửa hàng mua một cái “tử cung nhân tạo”, rồi mua thêm một cái trứng để thụ tinh nữa là xong! Rồi cứ lủng lẳng mang cái “tử cung nhân tạo” đi đây đi đó chẳng khác gì người xưa mang túi thơ bầu rượu!

 

Nhưng có lẽ mọi sự sẽ không xảy ra như vậy! Bởi vì con người mãi mãi vẫn còn muốn được “quấy nhiểu” bởi con người, bởi những nồng cháy, những đam mê, những hỉ nộ ái ố… những lời tán tỉnh, những nỗi giổi hờn, những niềm tiếc nhớ… chứ không muốn mọi thứ cứ được chương trình hoá bởi robot hay đơn giản hoá bởi chiếc hộp đựng búp bê hay sinh sản vô tính. Con người vẫn cần có con người. Bởi vì trước sau vì rồi cũng có một hôm “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người!”, như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn. Và tôi đồng ý với anh, dù chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ mới.

 

“… Chiều chiều dắt ra bờ sông …”

 

Hồi còn nhỏ, tôi đã nghe người ta hát: “… Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nó chuyện tâm tình …” [1] Đó là bài hát nhại của một khúc hát quen thuộc thời đó, nhưng càng lớn tuổi thì tôi càng nghiệm thấy điều này hình như rất… đúng. Lấy le, “prendre des aires” (tiếng Pháp) được Việt hoá thành một từ rất dân gian là làm điệu, làm bộ, ve vãn… Thường người ta nói cậu thanh niên này lấy le trước mấy cô con gái, còn ờ đây bà già lại lấy le ông già mới là kỳ!

 

Các nghiên cứu về “Già học” đều cho thấy một điều là càng lớn tuổi thì ông già càng có vẻ chậm chạp, lừ đừ, có vẻ “hết pin” sớm hơn bà già. Không biết có phải tại vì hồi trẻ đã hoạt động quá độ không, kể cả trong thể dục thể thao, rồi lại rượu bia, thuốc lá làm cho các tế bào mau già cỗi đi, mau teo tóp lại, còn bà già thì càng lớn tuổi càng có vẻ năng động, hoạt bát, đầy sức sống… Nói chung, tuổi thọ ở nam giới ngắn hơn nữ giới. Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình của nam là 63, trong khi ở nữ là 67. Còn ở Nhật, nam 75, nữ 80. Nam giới về già càng xuề xoà, đôi khi lôi thôi, lếch thếch, còn nữ giới thì quan tâm đến hình thức hơn, biết trang phục hơn, và biết cách làm cho người ta không thể nào đoán được tuổi của mình. Gần đây, trên các báo, có mục Tìm bạn bốn phương, Nhịp cầu bạn bè, Câu lạc bộ làm quen… ta thấy những lời nhắn gởi: “Nữ ngoài 60, cao …, nặng …, kinh tế vững vàng, ngoại hình dễ coi, sống nội tâm, muốn tìm bạn nam, hưu trí càng tốt”… “Nữ, ngoài 50, hết thanh xuân đến bạc đầu, hành trang vẫn là trái tim cô độc, kinh tế phong phú không san lấp nổi vực sâu một tâm hồn đơn lẻ”. “Nữ gần 70, con cái đã lớn, thích văn nghệ, biết nhảy, cần tìm bạn nam tuổi ngoài 70 để đi đó đi đây …”. Rõ ràng là các nhà tâm lý xã hội phải quan tâm đến hiện tượng mới mẻ này.

 

Giáo sư Toshihito Katsumura, một chuyên gia về người già ở Nhật nói để người già sống lâu và sống khoẻ thì cần giúp họ có một chương trình vận động thể lực phù hợp. Vận động thể lực cải thiện được sức khoẻ và nâng cao được cuộc sống, tránh tình trạng “liệt giường liệt chiếu” lệ thuộc vào xe lăn, gậy chống… thường thấy ở người lớn tuổi. Vận động thể lực mới giữ được sự dẻo dai của xương khớp, tăng cường cơ bắp, giữ cảm giác thăng bằng linh hoạt cần thiết, giữ cho xương lâu bị loãng, giảm xơ vữa động mạch. Dĩ nhiên là người già phải rèn luyện theo một chế độ phù hợp với tuồi tác, nhiều khi phải có một giáo án riêng, như các cầu thủ phải được tập riêng một giáo án theo tình trạng “chấn thương” của mình vậy. Rèn luyện thể lực còn giúp người cao tuổi luôn giữ sự lạc quan, tính dí dỏm, hài hước, nhờ đó họ sống tích cực hơn, hoạt bát hơn, độc lập hơn. Tập luyện chung với nhau còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tương tác. Rõ ràng, rất nên khuyến khích “bà già lấy le ông già” để “chiều chiều dắt ra bờ sông”. Không chỉ chiều chiều mà cả sáng sáng cũng nên nữa. Vài ba bạn già có dịp gặp gỡ, tâm tình, nói chuyện trên trời dưới biển thì cuộc sống nhộn nhịp hơn, cũng là dịp để bàn bạc những chương trình phục vụ xã hội phù hợp, như người có kinh tế khá có thể giúp trẻ mồ côi, người có kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ thì khám bệnh, người có kỷ năng nghệ thuật thì trình diễn, kẻ làm thơ người xướng hoạ, kẻ vẽ tranh người đánh đàn… cũng chẳng khoái ru?

 

“Bà già lấy le ông già, chiều dắt ra bờ sông”… Không nói ai dắt, nhưng chắc phải bà già dắt, vì như đã nói, bà già thường nhanh nhẹn tháo dát hơn, sáng suốt hơn nên sẽ dắt ông già ra bờ sông. Tại sao bờ sông? Bởi vì chỉ có ở bờ sông người ta mới hưởng được không khí trong lành. Ở bờ sông, người ta mới có được sự yên tĩnh nghỉ ngơi, tránh ồn ào phố thị, có dịp thấy dòng sông trôi đi, lắng nghe dòng sông nhiều điều mách mách bảo. Dĩ nhiên là họ sẽ “nói chuyện tâm tình”. Cái thú vị ở đây là họ không cần cãi nhau nữa làm gì, họ chỉ cần tâm tình thôi cũng đủ thấy sảng khoái rồi. Điếc lác một chút cũng hay. Ông nói gà bà nói vịt vẫn vui vẻ cả làng, thay vì như hồi xưa luôn đấu lý, tranh luận, căng thẳng thần kinh. Bây giờ thì bà nói gì cũng đúng mà ông nói gì cũng hay.

 

Các nhà nghiên cứu phương Tây thấy tuổi thọ ngày càng cao, thì người già càng có khuynh hướng sống chung hoặc kết hôn với nhau nữa. Ở tuổi này, người ta biết rõ nên chọn một người “bạn đời” như thế nào, “mẫu người lý tưởng” ra sao, vì họ không còn bị cái tình nồng nàn của tuổi trẻ làm cho “mù quáng”; họ cũng “lấy nhau vì tình”, vì nhu cầu có bạn chớ không phải vì tiền, vì… nhan sắc (vì lúc đó, nhan sắc ai cũng… giống ai!). Họ cũng chọn người “môn đăng hộ đối” hơn. Nói chung những người này thường có đời sống kinh tế tương đối ổn, không bị ảnh hưởng bởi con cháu và sống độc lập, ít sợ “dư luận”. Đó là chuyện bên Tây, nhưng rồi đây, các nước đang phát triển có tuổi thọ ngày càng cải thiện thì tình trạng này cũng sẽ nảy sinh như ta thấy gần đây trang mục “Tìm bạn”… ngày càng mở rộng trên báo chí, đáp ứng nhu cầu mới.

 

Lâm Ngữ Đường viết: “Ai cũng muốn sống lâu và nếu trời cho sống lâu thì tới một thời phải già. Phải tổ chức đời sống của ta sao cho thời kỳ vui vẻ nhất trong đời thuộc về tuổi già đó…Tuổi già, đó là tuổi của hoà bình, êm đềm, thơ sướng, mãn túc …”.

 

Tóm lại, “chiều chiều dắt ra bờ sông”… là một điều rất thú vị, rất đáng khuyến khích ở những người cao tuổi để có một cuộc sống có chất lượng cao hơn!

------------

[1] Câu tiếp theo của bài hát nhại “Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nó chuyện tâm tình…”,  theo như Goldfish tôi nhớ, là “ôm nhau nhảy đùng xuống sình!”

 

(Các ghi chú đánh dấu ° là của tác giả và các ghi chú đánh số thứ tự là của Goldfish)

 

Làm mới thơ

 

Hơn 30 năm trước, anh bạn tôi, một nhà thơ có nhiều thơ đăng báo, có lần thử gửi thơ mình đến một vài toà báo có tiếng là đang “làm mới thơ” thì điều bị từ chối không đăng. Một hôm, anh hí hửng khoe: “Rồi, họ đăng thơ moa rồi”. “Thiệt hả! Sao họ chịu đăng”? - Tôi hỏi. Anh cười: “Có gì đâu, moa thấy bài thơ hay mà họ không chịu đăng, tức quá, cắt ra từng mảnh, bỏ vào cái nón nỉ, xóc xóc mấy cái, lượm ra, ghép lại, thành một bài thơ kỳ dị, ký cái tên lạ hoắc, gửi, họ đăng ngay. Có lẽ toà soạn đọc thấy lạ, không hiểu gì cả nên đăng”. Còn một anh bạn khác, để thơ được sớm đăng, ký một bút danh có thêm chữ Thị, một cái tên con gái. Ông chủ bút vốn ga-lăng. Thời đó có ít nhà thơ nữ.

 

 Gần đây, đọc mấy bức thư Phan Triều Hải – đang dự hội thảo văn học ở Iowa (Mỹ) gửi về - đăng trên báo, thấy anh ghi nhận có những nhà thơ làm thơ như sau :

 

a

ab

abc

abcd

.....

 

và cứ như thế ghép cho đủ 26 chữ cái. Dĩ nhiên thơ này không để ngâm, không để đọc, mà chỉ để nhìn. Rồi có thơ sử dụng vi tính, có lập trình sẳn để đảo câu đảo chữ tạo ra những từ mới, tứ mới, rất công nghiệp. Chẳng khác gì 30 mươi năm trước anh bạn tôi cắt nhỏ bài thơ rồi xóc xóc trong cái nón nỉ một cách thủ công.

 

Tôi có được đọc một tạp chí thơ của một nhóm bạn Việt kiều, có bài thơ không có chữ nào cả mà toàn là ký hiệu như ký hiệu giao thông, các đường vẽ ngoằn ngoèo dẫn ta đi từ nơi này sang nơi khác. Dĩ nhiên, thơ này cũng để nhìn, không để đọc. Họ cũng giới thiệu một thứ thơ gọi là thơ “thơ tương tác”. Trong thơ có các gạch dọc (/) để người đọc tuỳ nghi đảo chữ, sắp chữ, đọc ngược xuôi theo ý mình. Một bài thơ như vậy sẽ trở thành vô số bài. Cũng trong tạp chí đó, một nhà phê bình đã nhận xét khá lý thú bằng cách cho một thí dụ với hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương :

 

Em ơi lữa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai

 

Có thể đọc theo lối “tương tác” là:

 

Bình rượu

Khô

Em ơi

Lửa tắt

Vắng em

Say với ai

Rồi đời! 

 

Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng không sao, thơ “tương tác” mà, ta có thể “chập” đủ kiểu!

 

Ngàn năm trước, Kinh Thi nói thơ là cõi lòng, là tiếng lòng, “thốn tâm thiên cổ”, mà nay tiếng lòng nỗi lòng bây giờ thật đã trở nên phức tạp hơn nhiều! Bổng nhiên thèm nghe một câu thơ đơn giản như:

 

Thò tay ngắt một cọng ngò

Thương anh đứt ruột giả đò  ngó lơ…

 

1998

 

Nhớ Tiếng Thu giữa Boston

 

Tôi đi giữa Boston. Cả một mùa thu. Trọn một mùa thu. Nhớ tới Xuân Diệu với “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ…”. Thực ra, lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà thôi. Bởi vì rất nhanh, là bổng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… Và bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục. Mới mấy ngày thôi mà cây cứ tô dần tô dần cái màu vàng buốt, óng ả, rực rỡ chen lẫn với xanh đậm, xanh lợt mong manh đó… và sáng hôm sau, rơi từng lá từng lá tràn ngập các lối đi. Thu ở Boston hình lạ hơn thu ở những nơi khác trên nước Mỹ, nên hàng năm cả nước Mỹ hành hương về Boston giữa mùa thu vàng. Họ không gọi Autumn - mùa Thu, mà gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết nỗi vui mừng, nỗi xót xa, nỗi buốt nhớ… không rõ vì đâu. Và vì Fall, người ta dễ “Fall in love”, có phải vì vậy mà người qua đường như cũng đẹp thêm ra, luộm thuộm hơn ra với lụa là gấm vóc, không còn nhếch nhác mùa hè mà cũng chưa cục mịch mùa đông. Tôi chưa được lần nào sống thu như vậy, hoặc chỉ là sống với mùa thu trong sách vở, tưởng tượng cái mùa thu không có thật giữa miền Nam mưa nắng hai mùa nên cứ lang thang, lang thang mà dòm cho hết cái thu của Boston. Và tôi bổng nghe, không phải là tiếng quạ kêu quang quác thoảng thốt, cũng không phải tiếng chim cu gù rúc rúc quyến rũ mà là một thứ tiếng lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ, tiếng thu. Và tôi giật mình nhớ Lưu Trọng Lư. Chính Lưu Trọng Lư chứ không phải ai khác. Em không nghe mùa thu. Rõ ràng thu không phải để dòm, để ngó, để ngắm, để nghía… mà chỉ có thể để nghe. Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ, một thứ “tiếng nào gõ nhịp không hay” đó chăng. Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân mình là từng lớp lá rụng, bước chân như bổng hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác. Thấy mình như không còn là mình nữa. Hay mình là nai? Có thể chứ? Con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư? Và… Ơ hay… Có lẽ nào… Hay cũng chính là… Cũng có thể là… không hề có một con nai nào cả, mà nhà thơ, chính nhà thơ là nai. Thôi rồi, đừng có hòng mà giấu giếm gì nữa nhà thơ ơi! Chính nhà thơ là con nai vàng đang bước đi từng bước huyễn hoặc ngơ ngác đó thôi, sau lâu nay cứ làm cho người ta tưởng là có một con nai thiệt, đến nỗi có một bài dịch thơ sang tiếng Mỹ, người ta cứ dịch con nai là con nai, có tội nghiệp không chứ! Phải rồi chính nhà thơ là con nai, một con nai ngơ ngác, nghe tiếng mùa yêu và fall in love. Với ai, vì sao nên nỗi? Có phải cái tiếng thổn thức, cái tiếng rạo rực của ai kia đã một hôm thu làm cho chàng trai thi sĩ trẻ tuổi trở thành một con nai, lang thang dẫm ngập lá vàng, hẫng bước đi mà chẳng biết về đâu, vì sao...  

 

Thu 1993, Massachusetts

 

Kể thơ trên xe lửa

 

Buổi tối, chúng tôi ngồi xe lửa từ Baltimore về Washington D.C. Có một cô bạn Mỹ Susan Barnes nhỏ nhắn và lanh lẹ hướng dẫn tôi cứ coi như tôi như một em bé, sợ tôi lạc giữa đám đông. Tôi bổng lo sợ vẫn vơ. Đọc báo cứ thấy lâu lâu ở Mỹ có người nổi hứng leo lên xe lửa ria một loạt đạn vào mọi người rồi… lạnh lùng bước đi. Tôi nhìn quanh quất hỏi có chắc xe này về D.C không, cô cũng không biết rõ nữa, phải hỏi lại người soát vé mới sure. Cả buổi chiều đi thăm bệnh viện Johns Hopkins, phòng xét nghiệm, khoa điều trị, tiếp xúc với bác sĩ, bệnh nhân, tôi đã thấy thấm mệt, muốn mau mau về nghỉ. Xe lửa lắc lư chậm chạp đi trong đêm. Những hành khách trễ tàu. Vội vã. Nhăn nhó. Có người thấy như muốn rút súng thì phải. Bỗng Susan lên tiếng: “Thơ cổ điển Việt Nam, ngoài Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... Hồ Xuân Hương còn ai nữa không?”. Tôi giật mình, sững sốt. Dĩ nhiên cô nói tiếng Mỹ và phát âm tên riêng còn khó nghe nhưng tôi nghe rất rõ những tên người đó. Cô hỏi cả Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương! Suốt buổi sáng làm việc trong hội thảo và cả buổi chiều đưa tôi đi thăm Johns Hopkins đâu thấy cô có “triệu chứng” gì để biết cô rành văn chương Việt Nam đến thế. Cô giải thích rằng từ ba năm nay cô theo học khoa Đông Nam Á và chọn văn hoá Việt Nam. Ra thế. Cô lại hỏi về những người làm thơ tình đương đại. Tôi lục trong trí nhớ. Nhiều quá! Những nhà thơ tình Việt Nam đương đại! Tôi nhắc tên nhiều người cả trong và ngoài nước – và bổng đọng lại ở Đỗ Trung Quân. Dĩ nhiên có nhiều người làm thơ tình hay hơn Đỗ, bay bướm hơn, ướt át hơn, lâm ly hơn… nhưng tôi không biết giải thích cách nào để cho cô bạn Mỹ không rành tiếng Việt kia hiểu, cũng không thể đọc cho cô nghe âm điệu để cô có thể thấm được cái hay. Vả lại, tôi cũng chẳng thuộc được mấy chút thơ. Đỗ thì từ lâu đã khá nỗi tiếng với bài Quê hương, anh cũng có những bài thơ tình cho mẹ, cho con và cho vợ… cho cả tình đầu, tình cuối gì đó nữa… Nhưng ngay với bài Quê hương, tôi cũng không sao giải thích cho cô bạn cái hay của “Quê hương là đêm trăng tỏ, Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”. Bởi vì ở Mỹ, đèn điện thì cứ sáng choang hoặc sương mù che lấp cả trăng đi, mà có nói đến trăng người ta cũng chỉ nói đến Apollo, đến Amstrong mà thôi. Còn hương cau, biết nói sao đây? Làm sao cho cô nghe được mùi hương cao của những đêm trăng tỏ, làm sao cho biết được cái mo cau, để từ đó có cái quạt của thằng bờm và làm cho cô hiểu rằng cau không phải là cau mà gắn với trầu để thành cái “Ngày xưa có hai anh em nhà kia…”, rồi làm sao cho cô hiểu cái cau qua cái trầu của “Ba đồng một mớ trầu cay…”. Tôi cũng không thể nói cho cô hiểu về cái anh chàng có “Bài thơ cứ còn hoài trong cặp… Giữa giờ chơi mang đến lại mang về” bởi vì ở Mỹ thường những mối tình đầu như vậy sẽ là chuyện giả tưởng… ở một hành tinh nào khác. Cho nên tôi đành kể cho Susan nghe bài thơ “Thầy còn nhớ em không” [1] của Đổ. Hình như tựa bài thơ không phải vậy, nhưng chẳng cần! Cái cậu học trò ăn mặc bảnh bao đến mua thuốc lá và nhận ra người bán thuốc ở góc đường kia là thầy học cũ của mình. Cậu học trò nhớ những bài học tôn sư được thầy dạy ngày xưa ở trường nên đã reo lên mừng rỡ “Thầy còn nhớ em không?”, nhưng người thầy kia đã lạnh lùng từ chối, không dám nhận mình là thầy nữa rồi. Vì đâu nên nổi? Không cần sống trong bối cảnh Việt Nam vào thời điểm đó, tôi thấy cô bạn tôi đã hiểu và im lặng hồi lâu. Tôi lại kể cho cô nghe bài thơ khác của Đỗ, tôi cũng chẳng nhớ nỗi cái tựa, đó là bài thơ viết về mấy đứa nhỏ học trò ngây thơ được người lớn dẫn đi coi… máy chém, và nhà thơ hỏi có khi nào bạn mua món quà là máy chém về tặng sinh nhật con mình không? Đại khái ý thơ là vậy còn câu cú lời lẽ thì tôi quên tuốt. Cô bạn Susan không nói năng gì, im lặng hồi lâu để tôi nghe rõ tiếng sắt sình sịch trên đường ray. Tôi không dám nhìn cô. Nhưng tôi biết cô đang nghĩ đến một điều gì khác, như nghĩ đến bức tường ghi tên dài ngoằng ở quê hương cô chẳng hạn. Đột nhiên cô reo lên: “Tới rồi!”. Và cô vội vã thu xếp hành lý. Cô lí nhí cảm ơn tôi đã cho cô biết thêm về thơ Việt Nam và tôi cũng cảm ơn cô vì nhờ cô mà tôi quên tuốt đoạn đường đi và cả những bản tin khủng khiếp về những người leo lên xe lửa ria một loạt đạn… Tôi cũng cám ơn anh bạn Đỗ đã có những bài thơ mà tôi không nhớ nổi cái tựa để tôi được làm một việc là kể thơ trên đoạn đường xe lửa từ Baltimore về Washington D.C của một buổi tối mùa thu 1993.

------------

[1] Đó là bài thơ  Có một chiều Tháng Năm của Đỗ Trung Quân:

 

“Thầy có nhớ con không...?”

tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác

người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường

”thầy còn nhớ con không...?”

câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng

hoa phượng tháng Năm rơi đầy vỉa hè

rụng xuống trên vai người thầy học cũ

“không... xin lỗị.. ông lầm...

tôi chưa từng dạy học

xin thối lại ông tiền thuốc...

...cám ơn...”

cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buổn

thầy học cũ mười năm không lầm được

thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc

giấu mình sau hoa phượng rụng buồn tênh

con biết nói gì hơn

đứa học trò tôn sư

người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm

chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng

biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng

đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão

bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên

bên hè phố im lìm

vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt

câu phủ nhận phải vì câu áo rách

trước đứa học trò quần áo bảnh bao?

tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào

những đưá trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố

mười năm nữa đứa nào trong số đó

sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?

 

Sách và Người

 

Hơn 40 năm trước, một chú nhóc vào tuổi 15, thất học, phụ mẹ bán hàng xén tại một thị trấn nhỏ xa thành phố, một hôm, trong dịp đi Sài gòn bổ hàng cho mẹ đã tình cờ mua được một cuốn sách “xôn” trên vỉa hè, đó là cuốn Kim chỉ nam cho học sinh, tác giả Nguyễn Hiến Lê. Cuốn sách nhỏ đó làm thay đổi đời chú. Chú thực hành theo hướng dẫn của sách, lập chương trình học ôn, “học nhảy” để đuổi kịp bạn bè mà do hoàn cảnh mà chú phải bỏ học nhiều năm. Về sau, khi trở thành một bác sĩ, và cũng là người học trò gần gũi với tác giả, chú đã viết một cuốn sách “bổ sung” cho Kim chỉ nam của học sinh, đó là cuốn “Những bệnh tật thông thường trong lứa tuổi học trò” (1972) do chính Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Chú nhóc đó – nói ra hơi mắc cở một chút – chính là tôi, đang cần trong tay cuốn Kim chỉ nam của học sinh vừa tái bản sau gần nữa thế kỷ (in lần đầu năm 1951) mà không khỏi có chút bùi ngùi, cái cảm xúc có lẽ gần giống như Anatole France ngồi ở vườn Luxemboug nhìn những chú nhỏ tung tăng trong buổi tựu trường với cập vở trên vai mà thấy lại hình ảnh chính mình ngày xưa.

 

Quả thật trong đời có những cuốn sách là bạn ta, là thầy ta. Ta như bắt được cái tần số của nó, như chia sẻ cùng tác giả những nghỉ suy, những cảm xúc. Học là một việc nặng nhọc, vất vả, nhưng không ai chỉ cho ta một phương pháp học sao cho nhẹ nhàng, cho sảng khoái, cho thấy sự học là vui, là hạnh phúc, giúp ta “enjoy” cái sự học đó ngay trong lúc đang học chứ không phải đợi lúc thành đạt. Kim chỉ nam của học sinh đã giúp ta điều đó. Tuy sách đã ra đời từ nữa thế kỷ trước, nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó. Như muốn học được lâu dài, học tốt, thì không thể không chăm sóc đến cơ thể, không thể không biết cách ăn, cách ngủ, cách nghỉ ngơi sao cho có sức bền. Ngay từ thời đó, tác giả đã khuyên raằng “phải theo nổi chương trình” mới nên học, không nên vì danh hão mà học quá sức mình, rằng “Việt Nam cần rất nhiều thợ lành nghề”, rằng “Đừng qúa chú trọng bằng cấp. Phải ngay thẳng trong kỳ thi”, thì vẫn còn giá trị trong thời buổi thừa thầy thiếu thợ, bằng giả, bằng dỏm… hiện nay. Vai trò của người thầy cũng được nhắc đến, rằng thầy không phải là người nhồi nhét kiến thức cho trò mà là người chỉ dẫn, đưa cho trò cái chìa khoá để mở kho tàng “tự học”. Những chương như “Làm sao giỏi” vẫn là chương có ích, chỉ cho ta cách học một bài sử, bài địa, bài toán, bài văn… như thế nào một cách cụ thể vì được viết từ những kinh nghiệm sống của tác giả chứ không phải từ những lý thuyết viễn vông…

 

Điều đáng quý hơn hết với tôi là Kim chỉ nam của học sinh đã tạo được trong tôi một niềm tin – niềm tin vào chính mình – khi bắt tay tổ chức việc học sao cho dễ thành công. Tôi mong cuốn sách nhỏ này cũng sẽ tiếp tục giúp các bạn trẻ bây giờ cũng như đã giúp cho chú nhóc là tôi hơn 40 năm về trước.

 

 

 “Sài Gòn đẹp lắm…”

 

 

 Sống và lớn lên ở Sài Gòn, ta ít có dịp “nhớ về”, “hướng về” Sài Gòn, trái lại ta thường dễ “bực bội” với Sài gòn về đủ thứ mọi chuyện trên đời, cho đến một hôm…

 

Lần đó tôi có dịp đi công tác ở Chang Mai, Thái Lan cùng với một anh bác sĩ bạn. Chúng tôi trọ trong một khách sạn trung bình, sạch sẽ và yên tĩnh. Buổi tối rảnh rỗi, không biết làm gì, chúng tôi xuống tầng trệt, vào cái bar trần ở đó, gọi hai ly cam vắt và nghe hát. Khách lưa thưa, chủ yếu là người Âu, Mỹ. Một chiếc dương cầm. Một cô ca sĩ. Cô ca sĩ gầy nhom, khoát chiếc áo veste đen cũ kỹ. Người đệm đàn cho cô hát râu ria xồm xoàm, cũng ăn mặt rất giản dị, dáng vẻ nghệ sĩ. Cô hát, hết bài này đến bài khác từ bài Thái, đến Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu, các bài hát nỗi tiếng…Đột nhiên nhạc trỗi lên một điệu quen thuộc và cô ca sĩ cất tiếng hát bằng tiếng Việt, nghe rất rõ ràng dù phát âm còn chưa chuẩn: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai… Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay… Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này… Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!...”. Tôi giật mình, nghe như có cái gì đó xao xuyến trong lòng, một cảm giác rưng khó tả. Tôi bỗng “nhớ” Sài Gòn, một nỗi nhớ da diết lạ lùng như đã xa Sài Gòn từ lâu lắm! Bạn tôi cũng vậy, gõ nhịp hoan hĩ trên ly cam vắt và khe khẽ hát theo. Cô ca sĩ bổng nhiên đẹp hẳn lên, rực rỡ dưới ánh đèn, chiếc áo veste như có gió bay lên và người nghệ sĩ đệm piano lắc lư say đắm trên các phím đàn. Bài hát dứt lúc nào không hay. Tôi lên cám ơn cô, nói tôi vừa ở Sài Gòn đến. Tôi như muốn nói thêm rằng nhờ cô mà tôi phát hiện được một Sài Gòn rất thực của mình. Cô nói cô không ngờ chúng tôi ở Sài Gòn đến và sẳn sàng hát lại bài hát lần nữa tặng chúng tôi… Chúng tôi cũng không quên giúp cô phát âm chuẩn vài từ trong bài hát để đêm đêm cô hát “Sài Gòn đẹp lắm…” cho du khách thập phương nghe.