Những người trẻ lạ lùng

Lời ngỏ

Mục lục

Những người trẻ lạ lùng

“Con tinh yêu thương”

“… Chiều chiều dắt ra bờ sông …”

Làm mới thơ

Nhớ Tiếng Thu giữa Boston

Kể thơ trên xe lửa

Sách và Người

“Sài Gòn đẹp lắm”

Cứu lấy… cầu khỉ!

Real Romantic!

Tản mạn Paris

Trang của một thời…

Chuyện kể về một bài thơ…

Đọc thơ Phan Như

Đời thường Giáo sư Trần Văn Khê

Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn

Một và kỷ niệm về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Võ Hồng vào tuổi 80

Cậu tôi, ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư

Nghe GS. Trần Văn Khê kể chuyện tình

Mối tình chung thuỷ, nhân hậu của “Ông Làm Biếng”

Thư gửi người bạn Nhật chưa quen biết

Xin cám ơn, cám ơn

 

 

Lời ngỏ

 

Bạn thân mến,

 

Tôi xin phép được trích một phần bức thư tôi viết gởi người bạn chưa quen ở Nhật nhân dịp cuốn “Già ơi… chào bạn!” của tôi được dịch sang tiếng Nhật, do nhà xuất bản Soshisha, Tokyo ấn hành để bạn chia sẻ cùng tôi những niềm vui nhỏ của ngày đầu năm; bức thư cũng được in trong tập sách này:

 

“… Tôi mới 60 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ đối với một người 80 tuổi và đã quá già với một người 20 tuổi. Nhưng với tôi, tôi không biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ. Tôi là một thầy thuốc, một bác sĩ Nhi khoa, đã hành nghề trên 30 năm. Tôi nhớ mình mới khám chữa bệnh cho một chú bé sơ sinh thì chẳng bao lâu đã thấy chú bé đó mang trên tay một chú bé sơ sinh khác là con của chú để nhờ tôi khám chữa bệnh. Thời gian trôi qua lúc nào đó vậy?... Trong nhiều chục năm trời tôi đã làm việc như điên, cả ngày lẫn đêm, quên cả bản thân mình, quên cả thời gian, và mọi thứ cứ trôi lăn đi như thế cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Người ta cạo trọc đầu tôi, đục hai lỗ ở sọ để đặt ống dẫn lưu. Tỉnh dậy, tôi nghĩ thế là xong! Đột nhiên tôi nghe tiếng chim hót trên cành cây ngoài cửa sổ, ánh sáng ban mai chiếu rọi trên giường bệnh tôi nằm. Tiếng chim, ánh nắng, trời ơi, như đã từ lâu tôi không hề biết có nó. Một cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi thấy mình thở. Tôi thấy những người thân và bạn bè vây quanh, người nào cũng không giống như trước kia như tôi đã từng thấy. Rồi tôi đứng lên được, đi lại được với những bước chập chững… Nỗi hạnh phúc kỳ lạ ùa vào tôi… Hãy yêu cuộc sống quanh ta và yêu ta nữa. Hãy biết ơn mình.”

 

Tôi viết “Già ơi… chào bạn!” để tặng mình như vậy đó. Nhưng một người bạn lớn tuổi đã bảo tôi, đại ý: Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 – 40 đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn!

Vì thế mà bạn cầm trên tay cuốn “Những người trẻ lạ lùng” như một lời tâm sự, chia sẻ những cảm xúc, những nghĩ suy của những người… trẻ, nhân dịp đầu năm, cũng là bắt đầu của một thế kỷ mới.

 

Tôi rất cám ơn Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh đã chọn “Những người trẻ lạ lùng” để làm món quà Xuân cho chúng ta.

 

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc

Sài Gòn, năm Canh Thìn 2000