Trong thời kỳ túng thiếu nhất, chàng thấy mỗi khi chàng đi qua, con gái ngoảnh lại nhìn, thế là chàng rảo bước đi nhanh hay trốn tránh, lòng tê tái; chàng cho rằng họ cười bộ quần áo cũ của chàng; sự thực thì những cô gái ấy nhìn chàng vì thấy chàng xinh trai và mơ ước thầm trong lòng.
Sự hiểu lầm thầm lặng về những cô qua đường xinh xắn ấy làm cho chàng lạnh lùng, khó tính; chàng không để ý đến một phụ nữ nào vì lẽ rất dễ hiểu là chàng lẩn tránh tất cả. Cuộc sống ấy cứ kéo dài mãi, Cuốcphêrắc cho chàng là ngu độn.
Cuốcphêrắc còn bảo chàng: - Thôi mày đừng làm ra vẻ mô phạm nữa (họ đã bắt đầu gọi nhau mày tao biểu hiện của tình bạn trẻ trung). Tao khuyên mày bớt vùi đầu vào sách vở, hãy ngẩng nhìn bọn con gái một chút, họ cũng có lắm cái hay, Mariuyt ạ. Cứ đỏ mặt và lẩn trốn hoài rồi mày đến thành đần độn mất.
Nhiều khi Cuốcphêrắc gặp chàng chào:
Kính chào ông tu viện trưởng.
Mỗi khi Cuốcphêrắc nói với Mariuyt tương tự như thế thì Mariuyt tám ngày liền tránh không gặp một người đàn bà nào, trẻ hay già cũng vậy và càng tránh Cuốcphêrắc.
Nhưng dưới gầm trời mênh mông, có hai người đàn bà mà Mariuyt không tránh mặt và cũng không để ý tới. Đáng ra nếu ai bảo đó là đàn bà thì chắc Mariuyt rất ngạc nhiên. Một người là mụ già có râu vẫn quét dọn buồng chàng - Cuốcphêrắc thường nói đùa: thấy mụ người ở mang râu rồi, Mariuyt không mang nữa – Người kia là một cô gái nhỏ mà Mariuyt gặp luôn nhưng không nhìn bao giờ.
Từ hơn một năm nay, Mariuyt thấy trong vườn Luychxămbua, ở cái lối đi vắng vẻ nhất, dọc theo bờ tường khu Ươm cây, một người đàn ông và một cô gái nhỏ, lúc nào cũng ngồi với nhau trên một chiếc ghế dài ở đầu đường ít người qua lại, về phía phố Uét. Mỗi lẫn đi chơi ở vườn Luychxămbua, ngẫu nhiên – sự ngẫu nhiên của những người đi dạo để trầm tư – mà Mariuyt bước chân vào cái lối đi ấy, bao giờ chàng cũng gặp hai người đó. Người đàn ông trạc độ sáu mươi tuổi, có vẻ buồn rầu và nghiêm nghị, với cái vóc dáng khỏe mạnh và mệt mỏi của con nhà lính đã giải ngũ; giá có đeo một cái huy chương thì Mariuyt tin chắc là một sĩ quan về hưu. Trông ông ra vẻ hiền lành, nhưng khó đến gần, ông không để mắt nhìn một ai cả. Ông mặc một cái quần xanh, một áo dài xanh, đội một cái mũ rộng vành, lúc nào cũng như mới cả, một cái cà vạt đen và một cái sơ mi của người quê-cơ (giáo sĩ của một giáo phái đạo Tin lành thịnh hành ở Mỹ, Anh) nghĩa là trắng toát nhưng bằng vải thô. Một cô ả lẳng lơ một hôm qua đấy nói: ông lão góa này trông cũng sạch mắt đấy. Tóc ông đã bạc cả.
Lần đầu tiên Mariuyt gặp cô gái đến cùng ông già ngồi trên chiếc ghế quen thuộc của họ thì cô bé mới trạc độ mười ba, mười bốn tuổi, gầy gầy đến nỗi trông ra xấu, vụng về, chẳng có ý vị gì, chỉ có đôi mắt hứa hẹn sẽ khá đẹp. Nhưng đôi mắt đó lúc nào cũng mở to nhìn không chút e lệ cho nên khó chịu. Quần áo thì nửa là bà già, nửa là trẻ con, kiểu quần áo của con gái ở nhà tu, cái áo dài len thô màu đen, may cắt vụng. Hai người có vẻ là hai bố con.
Hai ba hôm Mariuyt để ý nhìn hai bố con người ấy, người bố tuy già nhưng chưa ra vẻ ông lão, cô con gái thì chưa ra vẻ người lớn. Về sau chàng không để ý đến họ nữa. Còn hai người đó thì hình như không trông thấy Mariuyt, họ nói chuyện với nhau bình tĩnh, thản nhiên. Cô bé thì cười nói luôn mồm, ông già ít nói, thỉnh thoảng đăm đăm nhìn cô bé với tất cả lòng trìu mến khó tả của một người cha.
Theo thói quen, Mariuyt luôn luôn dạo chơi ở lối đi ấy. Không lần nào chàng không gặp hai cha con ông già.
Sự việc diễn ra thế này.
Mariuyt thường hay đi từ đầu cái lối đi mà ở cuối lối có ghế họ vẫn ngồi. Anh đi suốt dọc lối đó, qua mặt họ rồi lại quay trở lại cho đến nơi xuất phát và cứ thế làm lại. Trong mỗi cuộc đi dạo chơi, anh đi đi lại lại như vậy năm sáu lần và mỗi tuần anh đi dạo năm sáu bận. Nhưng chưa bao giờ anh với họ trao đổi một lời chào hỏi. Nhân vật ấy và người con gái, mặc dù có vẻ tránh con mắt mọi người, hoặc giả chính vì thế cũng nên, vẫn được năm sáu sinh viên tự nhiên chú ý, những sinh viên thỉnh thoảng đi dạo chơi dọc lối khu Ươm, bọn chăm học thì sau buổi lên lớp, bọn khác thì sau cuộc bi-a. Cuốcphêrắc ở trong số những anh ham chơi, có quan sát họ một độ, sau thấy cô bé xấu xí, thì vội vàng và cẩn thận lảng đi. Anh chạy trốn như người kỵ sĩ, dừng trước đà đao, phóng lại một cái tên chế giễu. Cuốcphêrắc chú ý cái áo dài đen của cô bé và mái tóc bạc của ông già, nên gọi cô gái là cô La Noa và ông già là ông Lơ Blăng (cô Đen; ông Trắng); không ai biết tên họ hai cha con người ấy, cái tên biếm La Noa và Lơ Blăng thành ra tên của họ. Bọn sinh viên bảo nhau: - Ồ! Ông Lơ Blăng đã đến ngồi ghế rồi – Mariuyt cũng thuận mồm gọi ông già không quen ấy là ông Lơ Blăng.
Chúng tôi cũng theo họ gọi ông Lơ Blăng cho tiện kể.
Hầu như hôm nào cũng vậy, Mariuyt gặp họ vào một giờ bất di dịch ở cái ghế ấy, suốt năm đầu. Chàng thấy ông già người cũng dễ ưa, nhưng cô bé mặt mày khó mến.
ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN
(Nguyên văn Latinh: Lux jacta est)
Năm thứ hai, là lúc câu chuyện của chúng ta đến quãng này, tự nhiên Mariuyt không đi dạo chơi ở vườn Luychxămbua nữa. Chàng cũng chẳng biết vì lẽ gì có sự thay đổi ấy. Sáu tháng liền chàng không để chân trên cái lối đi cũ trong vườn. Nhưng một hôm, một buổi sáng hè tươi đẹp chàng lại tới đó. Mariuyt thấy lòng vui vẻ trước cảnh trời tươi đẹp. Lòng chàng rộn rã những tiếng chim hót trên cành và tươi sáng như những mảnh trời xanh sau kẽ lá.
Chàng tiến thẳng đến lối cũ của mình, đến cuối đường chàng lại thấy, cũng trên cái ghế cũ, hai người quen thuộc. Đi gần đến nơi chàng nhận rõ vẫn ông già ấy, không thay đổi gì, nhưng cô gái thì hình như không phải cô bé năm trước. Cô gái bây giờ là một cô gái lớn và đẹp, có cái hình dáng xinh xắn của người đàn bà mà vẫn còn vẻ thơ ngây của tuổi nhỏ, nàng đang ở cái tuổi dậy thì thoáng qua, trong sáng: cái tuổi mười lăm. Mái tóc nàng hung nâu đẹp vô cùng với những đường vân vàng óng ả, trán nàng trắng như cẩm thạch, má mơn mởn như cánh hồng, thắm nhạt và trắng mượt mà, miệng xinh nở nụ cười trong sáng, giọng nói êm như tiếng đàn, cái đầu đáng làm mẫu cho Raphanen vẽ Maria đặt trên cái cổ mà Giăng Gugiông ưng tạc cho Vênuytx. Để tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bộ mặt xinh tươi ấy, cái mũi không đẹp nhưng mà xinh, cái mũi không thẳng, không cong, không giống mũi người Ý cũng chẳng giống mũi người Hy, cái mũi của người thiếu nữ thủ đô thông minh, thanh tao, trong trẻo và không mẫu mực làm cho họa sĩ thất vọng và nhà thơ say mê.
Khi Mariuyt đi qua gần nàng, chàng không nhìn thấy mắt nàng, vì mắt nàng luôn luôn nhìn xuống. Chàng chỉ trông thấy hàng mi hung nâu kín đáo và e lệ.
Nhưng người thiếu nữ vẫn mỉm cười nghe ông già tóc bạc nói chuyện; không gì đẹp bằng nụ cười khi đôi mắt e lệ nhìn xuống.
Lúc đầu Mariuyt cho rằng thiếu nữ là một cô con gái khác của ông già, chắc hẳn là chị cô bé năm trước. Nhưng theo thói quen đi dạo, Mariuyt lần sau lại đến gần chiếc ghế, chàng nhận rõ vẫn là cô bé năm trước. Sáu tháng qua, cô gái nhỏ đã thành một thiếu nữ, thế thôi. Chuyện cũng rất thường. Có lúc những cô gái nhỏ nở bừng ra như những đóa hồng. Hôm qua còn là trẻ con, hôm nay đã làm cho người ta bối rối. Cô gái không những lớn lên, còn duyên dáng xinh đẹp lên nữa. Tiết tháng tư, chỉ cần ba hôm là một cái cây phủ đầy hoa, sáu tháng đủ cho cô kia khoác một lốt đẹp.
Một đôi khi có những người nghèo khổ, hèn mọn bỗng nhiên như bừng tỉnh, từ nghèo hèn trở thành sang trọng, tiêu tiền như nước, rộng rãi, huy hoàng. Đó là vì họ đã lĩnh được lợi tức. Kỳ lĩnh đến hôm qua. Cô thiếu nữ này cũng vậy. Cô đã lĩnh được khoản lục cá nguyệt bổng.
Không phải là cô nữ sinh ký túc với cái mũ nhung xù, cái áo len thô, đôi giầy học trò và bàn tay đỏ nữa. Nàng đẹp ra và lại thêm ý nhị, ăn mặc thanh nhã, sang mà giản dị, không kiểu cách, nàng mặc một cái áo nhiễu đen, một cái áo khoác cùng một thứ hàng, mũ trắng cũng bằng nhiễu. Đôi găng trắng để lộ rõ bàn tay búp măng, đang mân mê một cái cán dù bằng ngà Trung Hoa, đôi giày lụa nhỏ che đôi chân xinh xắn. Người nàng tỏa một mùi hương trẻ trung và thấm thía.
Lần thứ hai, Mariuyt đến gần nàng, người thiếu nữ ngẩng mặt lên; mắt nàng xanh thăm thẳm như da trời, nhưng trong cái màu trời xanh che đậy đó vẫn còn ánh của tuổi thơ. Nàng thản nhiên nhìn Mariuyt cũng như nhìn đứa bé đang chạy chơi dưới hàng cây sung hay chiếc bình cẩm thạch in bóng trên ghế nàng ngồi; còn Mariuyt thì vẫn bước đi thơ thẩn nghĩ đến chuyện khác.
Chàng đi qua như vậy bốn năm lần nữa trước ghế của nàng, nhưng chẳng hề quay đầu nhìn.
Những ngày sau, chàng vẫn dạo chơi ở vườn Luychxămbua, vẫn gặp “ông bố và cô gái” nhưng không để ý đến nữa. Chàng không để ý đến người thiếu nữ đẹp bây giờ cũng như không để ý đến cô gái nhỏ xấu trước kia. Chàng vẫn theo thói quen đi gần sát chiếc ghế.