Những Người Khốn Khổ

QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II

Cuộc đời hóa nên khắc nghiệt đối với Mariuyt. Gặm quần áo và cái đồng hồ chưa thấm vào đâu, Mariuyt còn phải nuốt bao nhiêu những thức cay đắng của đời anh. Thật là ghê rợn: ngày không có cái ăn, đêm không nhắm mắt, tối không đèn, lò không lửa, hàng tuần không có việc làm, tương lai không hy vọng, áo rách khuỷu, cái mũ nát làm bọn con gái chê cười; buổi chiều về nhà thì cửa đóng vì thiếu tiền nhà, người gác cổng láo xược, anh chủ quán vô lễ, láng giềng khinh rẻ, mọi thứ nhục nhã, phẩm giá tiêu ma, bất cứ việc gì cũng phải nhận làm, chán ngán, chua cay, ê chề. Mariuyt hiểu ngậm đắng nuốt cay là thế nào, mà ngoài những cái cay đắng ấy thì nhiều khi cũng chẳng có cơm cháo gì mà nuốt nữa. Giữa cái tuổi mà người thanh niên cần tự trọng, vì cần được yêu, Mariuyt thấy mình bị chế giễu vì rách rưới, thấy mình bị khinh rẻ vì nghèo túng. Giữa tuổi thanh niên đầy kiêu hãnh nhiều khi anh cúi mặt nhìn đôi giầy thủng và anh phải chịu những hổ thẹn, bất công, những tủi nhục thấm thía của nghèo khổ. Thật là những thử thách tốt và đáng sợ qua đó người hèn yếu trở thành xấu xa, nhưng người cương nghị trở nên cao cả. Số mệnh ném con người vào cái lò đun ấy mỗi khi muốn có một thằng đểu cáng hay muốn tạo nên một bậc vĩ nhân.

Trong những cuộc vật lộn nhỏ bé thường nảy ra những hành động lớn lao. Có những thứ dũng cảm bền bỉ và âm thầm bảo vệ từng tấc đất trong bóng tối chống với sự đe dọa khắc nghiệt của túng thiếu và tai họa. Thắng lợi cao cả và huyền bí, không ai hay, không tên tuổi, không kèn trống. Cuộc sống, đau khổ, cô đơn, lạc lõng, nghèo đói là những chiến trường sản sinh ra anh hùng, những anh hùng vô danh có khi vĩ đại hơn những anh hùng lừng lẫy.

Những con người cương nghị và cao quí đã được đào tạo như vậy. Cảnh bần cùng thường như mẹ ghẻ, nhưng đôi khi cũng là mẹ thật. Tâm trí con người trở nên dũng mãnh trong túng thiếu, cảnh bi đát làm người ta kiêu hãnh, đau khổ như dòng sữa mạnh nuôi dưỡng những tâm hồn lớn lao.

Trong cuộc đời của Mariuyt, có một lúc anh phải tự quét lấy cửa phòng, phải mua một xu pho mát Bơri của cô hàng hoa quả, đợi sẩm tối lẩn vào hàng bánh mua một chiếc bánh mì, lén lét mang về cái gác xép như một thằng ăn cắp. Đôi khi ta thấy một anh thanh niên vụng về, rụt rè, bực tức cắp mấy quyển sách lách vào cửa hàng thịt ở góc phố, giữa đám chị bếp giễu cợt chen lấn; anh bước vào cửa hàng, nhấc mũ để lộ cái trán đẫm mồ hôi, kính cẩn chào các chị hàng thịt ngơ ngác, chào anh pha thịt, hỏi mua một miếng sườn cừu sáu bảy xu, lấy giấy bọc và cắp vào nách giữa hai quyển sách rồi bước ra. Chính anh thanh niên ấy là Mariuyt.

Anh mang miếng sườn cừu ấy về tự nấu và ăn được ba ngày: ngày đầu ăn thịt, ngày thứ hai ăn mỡ, ngày thứ ba gặm xương.

Bà dì Gilơnormăng mấy bận mò gửi đến cho anh món tiền sáu chục đồng pistôn, lần nào anh cũng gửi trả lại và bảo rằng anh không thiếu gì.

Anh hãy còn để tang cha anh khi sự chuyển biến cách mạng mà chúng ta vừa kể xảy ra trong tư tưởng anh. Từ lúc ấy anh không rời bộ quần áo đen. Nhưng quần áo lại bỏ anh mà đi. Đến lúc, anh không có áo ngoài. Cái quần còn mặc tạm được. Làm thế nào? Có lần anh cũng giúp được Cuốcphêrắc đôi việc. Cuốcphêrắc cho anh một cái áo ngoài cũ. Mariuyt nhờ người gác cổng lộn lại, mất ba mươi xu, thế là được một cái áo mới. Nhưng áo lại màu xanh, từ đấy Mariuyt đợi trời tối mới ra phố cho áo thành ra đen. Muốn để tang mãi, anh dùng đêm tối làm màu tang.

Trong lúc ấy, anh được nhận làm luật sư. Anh lấy địa chỉ ở phòng Cuốcphêrắc cho ra vẻ. Cuốcphêrắc có một cái tủ sách đựng một số sách luật; tủ sách có vẻ đầy đủ vì được bổ sung với một số cuốn tiểu thuyết đã nát. Quy chế của nghề luật sư bắt buộc phải có một tủ sách. Thư từ của anh đều gửi đến chỗ Cuốcphêrắc.

Khi anh làm luật sư, anh gửi một bức thư lạnh lùng nhưng kính cẩn cho ông. Lão Gilơnormăng tay run run cầm thư mở đọc rồi xé làm tư, vứt vào sọt. Hai ba hôm sau bà dì Gilơnormăng nghe thấy ông bố nói một mình ở trong phòng, lão thỉnh thoảng cũng nói một mình như vậy khi có việc gì xúc động. bà Gilơnormăng lắng tai, nghe thấy lão đang nói:

- Nếu mày không là một thằng ngốc thì mày phải biết là một nam tước không thể đồng thời là một luật sư.

II

MARIUYTX NGHÈO

 

Nghèo túng cũng như mọi cái khác, lâu dần rồi cũng chịu được và cũng quen. Cuối cùng rồi cảnh nghèo túng cũng ổn định. Sống lay lắt, nghĩa là heo hắt, cằn cỗi nhưng vẫn là sống. Cuộc sống của Mariuyt đã được xếp đặt như thế này: Mariuyt đã qua được một chút. Cần cù, can đảm, nhẫn nại, cương quyết, anh đã kiếm được vào khoảng bảy trăm phơrăng một năm. Anh đã học được tiếng Anh và tiếng Đức. Nhờ Cuốcphêrắc giới thiệu với người bán sách, Mariuyt có vai trò khiêm tốn là người hữu ích trong ngành văn học – thư – quán ấy. Việc làm cũng tạp nham: viết quảng cáo, dịch báo, chú thích những tác phẩm xuất bản, sưu tầm tiểu sử… Khi hơn khi kém đổ đồng bảy trăm phơrăng một năm. Sống tạm đủ. Như thế nào?

Chúng tôi xin nói: Mariuyt ở trong cái nhà nát Gorbô, một gian buồng tồi tàn, không lò sưởi, chỉ có một vài thứ đồ gỗ cần thiết mệnh danh là phòng luật sư, một năm thuê ba mươi phơrăng. Những đồ gỗ ấy là của anh. Anh thuê ba mươi phơrăng mụ trông nhà để mụ quét dọn buồng và sáng sáng cho anh một ít nước nóng, một quả trứng tươi và một xu bánh. Trứng với bánh ấy là bữa sáng của anh. Mỗi bữa mất từ hai đến bốn xu tùy trứng đắt hay rẻ. Sáu giờ chiều anh xuống phố Xanh Giắc ăn cơm chiều ở hàng cơm Rutxô, đối diện cửa hàng bán tranh Bátxê phố Matuyranh. Anh không ăn xúp. Anh lấy một đĩa thịt sáu xu, nửa đĩa rau ba xu và một món tráng miệng ba xu. Thêm ba xu nữa thì có bánh ăn tùy thích. Nước lọc thay rượu. Khi trả tiền ở quầy của bà Rutxô, hồi đó bà ta vẫn béo tốt và còn có vẻ tươi tắn, anh cho người hầu bàn một xu, bà Rutxô bệ vệ đằng sau quầy cho anh một nụ cười. Mất mười sáu xu anh được một nụ cười và một bữa ăn.

Ở cái hàng ăn Rutxô ấy người ta dốc nhiều nước mà ít rượu, cái hàng ấy làm cho đỡ dạ hơn là no lòng. Ngày nay, cái hàng cơm ấy không còn nữa. Chủ hàng lúc bấy giờ được tặng một cái danh hiệu khá đẹp: Lão Rutxô ở nước.

Sáng ăn bốn xu, chiều ăn mười sáu xu, mỗi ngày Mariuyt ăn mất hai mươi xu, một năm là ba trăm sáu mươi nhăm phơrăng. Cộng với ba mươi phơrăng tiền nhà, ba mươi phơrăng cho mụ già trương nhà và vài món đồ chi tiêu lặt vặt thành bốn trăm năm mươi phơrăng, thì Mariuyt có chỗ ở, ăn và người quét dọn. Quần áo ngoài mỗi năm may độ một trăm phơrăng, quần áo lót năm mươi phơrăng, tiền giặt năm mươi phơrăng, tất cả không quá sáu trăm năm mươi phơrăng. Còn thừa năm mươi phơrăng. Thế là Mariuyt giàu rồi. Khi bạn cần, anh có thể cho mượn mười phơrăng. Cuốcphêrắc, có lần vay được của anh sáu mươi phơrăng. Còn củi sưởi, vì buồng không có lò sưởi nên Mariuyt giảm được món tiêu ấy.

Mariuyt có hai bộ quần áo: một bộ cũ mặc thường ngày, một bộ mới tinh dành cho những buổi long trọng. Cả hai bộ đều đen. Anh chỉ có ba cái sơ mi: một chiếc mặc, một chiếc để trong tủ, một chiếc ở nhà thợ giặt. Khi rách nát thì lại may. Sơ mi của anh thường rách, nên bao giờ anh cũng cài khuy áo ngoài lên đến tận cổ.

Muốn sống tươi như vậy, Mariuyt đã phải trải qua những năm dài gay go, khó nhọc, có khi vất vả lắm mới vượt nổi. Nhưng không bao giờ anh chùn bước. Anh đã chịu đựng mọi thiếu thốn, khổ cực. Anh đã làm tất cả, trừ có vay nợ. Anh có thể tự hào là không bao giờ thiếu ai một xu. Anh cho rằng mang nợ là bắt đầu làm nô lệ, anh tự bảo là chủ nợ còn ghê hơn là chủ nô, chủ nô chỉ là chủ cái thân thể của mình, chủ nợ có trong tay cả cái phẩm giá con người của mình và có thể xúc phạm nó. Thà anh nhịn đói chứ không vay nợ. Anh đã nhiều ngày nhịn đói. Hiểu rằng cùng cực này liền với cùng cực khác, rằng nếu người ta không cẩn thận thì sự sa sút tiền tài sẽ đưa đến sự sa đọa về tâm hồn, nên Mariuyt hết sức giữ gìn phẩm giá của mình. Một lời nói, một cử chỉ lúc khác thì biểu lộ sự kính thì những lúc này anh cho là hèn hạ, anh hết sức tránh, anh ngẩng cao đầu lên. Anh không làm gì phiêu lưu vì không muốn lùi. Sắc mặt anh lúc nào cũng ửng một màu đỏ nghiêm lạnh. Anh rụt rè đến mức thành ra nghiêm khắc.

Trong tất cả những thử thách ấy, anh thấy như có một lực lượng bí mật, thầm kín nào đó trong lòng anh, khuyến khích, nâng đỡ anh. Tâm hồn nâng đỡ xác thịt, có lúc như nhấc bổng nó lên. Chỉ có thứ chim ấy là nâng được cái lồng nhốt mình.

Trong tâm khảm của Mariuyt, bên cạnh tên cha anh, có ghi tên một người nữa: Tênácđiê. Bản chất nồng nhiệt và nghiêm túc, Mariuyt coi cái tên Tênácđiê, tên người đội trưởng dũng cảm đã cứu sống đại tá cha anh giữa chiến trường Oateclô, trong khói đạn, như một cái tên rực rỡ hào quang. Anh không bao giờ quên tên người đó mỗi khi tưởng nhớ đến cha anh, anh kết hợp hai cái tên đó trong sự ngưỡng mộ của anh. Một tín ngưỡng, hai bàn thờ: bàn thờ lớn cho đại tá Pôngmecxi, bàn thờ nhỏ cho Tênácđiê. Biết Tênácđiê đang lâm vào cảnh cùng khổ, lòng nhớ ơn của anh càng thấm thía. Mariuyt đến Môngphecmây đã biết người chủ hàng ăn sa sút, vỡ nợ như thế nào. Từ ngày ấy, anh lặn lội khắp nơi để tìm dấu vết của Tênácđiê, cố tìm đến chỗ cùng cực tối tăm mà hắn đang chìm đắm. Anh đã lùng khắp vùng ấy: nào Senlơ, nào Bôngđê, nào Guốcnay, nào Nôgiăng, nào Lanhi. Ba năm ròng anh tìm kiếm mài miệt, dành dụm được ít tiền là tiêu vào việc đó hết. Chẳng ai cho anh biết được tung tích của Tênácđiê. Người ta ngờ hắn đã đi ra nước ngoài. Chủ nợ của hắn cũng lùng hắn chẳng kém gì Mariuyt tuy không thương mến bằng, nhưng cũng không nắm được hắn, Mariuyt cho là anh có lỗi và hầu như tự trách mình sao không thành công trong cuộc tìm kiếm đó. Cha anh chỉ để lại cho anh có một món nợ duy nhất ấy, anh quyết trả cho xong, đó là món nợ danh dự. Anh nghĩ: Vô lý! Khi cha ta nằm hấp hối giữa bãi chiến trường, Tênácđiê đã tìm được cha ta trong khói đạn mịt mù và xốc cha ta lên vai, cứu sống cha ta, mà Tênácđiê có mang ơn gì cha ta đâu! Còn bây giờ chịu ơn nặng với Tênácđiê như vậy mà sao ta lại không tìm được ra Tênácđiê trong chỗ nghèo khổ tối tăm mà ông ta cũng đang chới với, tìm được và cứu ông ta thoát khỏi cái chết như ông ta đã cứu cha ta. Không thể thế được, nhất định phải tìm cho ra – Mariuyt, có thể hy sinh đứt một cánh tay để tìm thấy Tênácđiê, đổ cả máu anh để cứu Tênácđiê khỏi chỗ cùng khổ. Tìm thấy Tênácđiê, giúp đỡ Tênácđiê, nói với Tênácđiê: ông không biết tôi nhưng tôi, tôi biết ông. Tôi đây, ông muốn gì tôi cũng xin tuân theo – đó là cái ước mơ êm ái nhất mà cũng huy hoàng nhất của Mariuyt.