Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương Tám

Đại úy Thìn bước vào nhà đúng lúc Hoàng và Thùy Linh đang nằm ngủ say sưa trong buồng riêng của vợ chồng ông. Họ đã trải qua một tháng đợi chờ căng thẳng, đến lúc đã kiệt sức và tuyệt vọng, họ mới nhận ra họ đang cô độc trong cái xã hội mười lăm ngàn dân cư ngụ trong thị trấn.

Ai sẽ là người an ủi họ? Chẳng có ai cả. Đám bạn bè hết thảy đã xa lánh họ từ lâu, bây giờ được dịp chế nhạo, bôi bác họ. Té ra Hoàng là con trai của một kẻ chống Đảng, chưa ai công bố nhưng dư luận đã xôn xao khá lâu. Bây giờ đã có người gọi ba Hoàng là hắn, thằng ấy, tên ấy... dù vẫn gọi thầm nhưng đã gọi. Té ra Thùy Linh là con của con mẹ ngoại tình, yêu cả em chồng, dắt nhau chạy tít mù lên rừng để tiếp tục làm nốt cái việc loạn luân ghê tởm kia. Lại còn có “nhiều hoạt động chống lại công cuộc xã hội Chủ nghĩa Xã hội”... như đài truyền thanh huyện đã thông báo.

Bậc thang giá trị của họ đã bị đánh lộn nhào, từ chỗ được coi là con nhà tử tế hạng một trong thị trấn, đến chỗ toàn dân nhất trí coi họ là con nhà gớm guốc nhất, độc hại nhất. Không có ai công bố việc này, nhưng tất cả đều nhìn họ với cái nhìn lạnh lùng khinh khỉnh. Họ tự thu mình trong góc nhà của Thùy Linh, ngại gặp với tất cả, đến nỗi cả hai không còn thiết tha gì việc phải cắp sách đến trường học nốt năm cuối cùng phổ thông, giật lấy cái bằng tốt nghiệp lớp mười lúc này hãy còn rất quý hóa. Họ vùi trong chăn, trong góc vườn, trong bóng tối, vật lộn với nhiều nỗi đau khổ mà tuổi họ không thể phân tích được.

Họ tự tìm kiếm hạnh phúc bằng cách tự đánh lừa mình bằng vô số những cái hôn tràn ngập cơ thể của hai người. Cuối cùng họ đã liều mạng bước qua giới hạn tình yêu non tơ trong sáng như bao nhiêu mối tình đầu khác để ngập vào những thèm khát xác thịt bốc cháy.

Họ đang ngủ, sau cuộc giao hoan điên dại để chống trả nỗi cô đơn, họ đang vùi trong nhau ngủ say sưa.

Đại úy Thìn đứng chết giấc trước cái giường cưới của vợ chồng ông. Đại úy không còn tin vào mắt mình nữa. Hai đứa bé hỉ chưa sạch mũi đang trần truồng trước mắt ông. Cái gì thế? Cái gì thế? Vú và đùi, mông và mông trắng đầy trên cái giường cưới của vợ chồng ông. Môi đứa này áp vào má đứa kia, bốn cánh tay trần cuốn lấy nhau chặt khư. Trên mặt của chúng còn đọng những giọt nước mắt không biết vì vui sướng hay tủi hờn. Chúng nó hoặc ngủ hoặc chết hoặc đang dính vào nhau trong cuộc giao hoan dang dở, không thể phân tích được.

Trắng trắng trắng trắng... đang dềnh lên trước mặt Đại úy.

Đại úy dựa vào tường thở dốc, mắt trợn ngược. Ông lao đến, giật mạnh tay Hoàng, gầm lên:

- Lũ chó chết! Dậy!

Hoàng và Thùy Linh bật dậy, cả hai nom thấy bộ mặt đẫm mồ hôi của Đại úy dí sát vào mặt họ, lập tức họ co rúm người lại, nhớn nhác tìm đường tẩu thoát. Không kịp, Đại úy đã túm được tay họ. Nhanh như cắt, Hoàng dồn sức húc đầu vào bụng Đại úy. Đại úy kêu lên một tiếng, ngã nhào.

Thùy Linh vơ vội quần áo lao vào buồng riêng của mình. Hoàng túm lấy bộ quần áo dài chạy vọt ra ngõ, biến thẳng.

Đại úy chực lao đuổi theo, chợt nom thấy cái quần lót của Hoàng, ông túm lấy chạy ra cửa. Ông tung cái quần lót lên cao, hét vang:

- Quân tư sản! Quân phản động! Bằng chứng đây rồi, tao đố mày thoát được. Hoàng!

Đại úy xộc vào buồng riêng Thùy Linh. Ông xô cửa, cửa bị khóa trái.

- Mở cửa ra! Có mở ra hay không?

- Con đang thay áo quần, ba đợi cho mấy phút.

Thùy Linh trả lời, giọng nhẹ nhàng như không. Nghe giọng khá bình tĩnh của Thùy Linh, Đại úy càng điên tiết. Ông nuốt nước bọt, dằn giọng:

- Được rồi! Thế thì nhanh lên!

Đại úy ra bàn uống nước ngồi chờ. Sẽ nói gì với nó đây, cái đứa con gái mất dạy của ông? Tất cả những gì cần nói với Thùy Linh, ông đã nói ròng rã sáu bảy năm nay vào giờ “đạo đức học” tối thứ Bảy hàng tuần. Mỗi tối thứ Bảy ông đều dành hẳn một giờ để hỏi chuyện học tập, lao động, tu dưỡng của Thùy Linh. Kết thúc việc hỏi chuyện bao giờ cũng có mười lăm phút Đại úy nhắc lại, có mở rộng và đào sâu hơn, với Thùy Linh thế nào là con người mới Xã hội Chủ nghĩa. Sáu bảy năm trời ông nói hết mọi nhẽ với Thùy Linh, thế vẫn không đủ hay sao? Nếu không đủ thì thiếu cái gì? Mẹ kiếp, thiếu cái gì nhỉ?

Đại úy thấy đầu mình rỗng không, ngực ông sôi lên sùng sục còn đầu thì rỗng không.

Thùy Linh chậm chạp bước ra, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, mở to mắt chờ đợi. Bất chợt Đại úy nhớ đến vợ mình, cô ấy cũng có đôi mắt như thế. Đôi mắt đẹp mê hồn khiến Đại úy đã say mê ngay từ phút đầu gặp gỡ.

- Bây giờ thì ba nói đi. - Thùy Linh nói nhỏ, gần như thì thầm. Đại úy lấy ngón tay trỏ gõ gõ xuống bàn:

- Tao nói... tức là tao nói...

Đại úy gầm gừ. Sau mấy tiếng gầm gừ đó, Đại úy không tìm được điều gì để nói thêm. Thùy Linh vẫn ngồi yên chờ đợi. Gương mặt buồn nhưng bình thản kỳ lạ. Dường như cô đã đoán trước kết cục số phận mình. Mọi nỗi run sợ đã qua đi, bây giờ là nỗi chán chường trước số phận. Khi người ta đã biết trước đời mình sẽ không được một cái gì, người ta cũng chẳng sợ mất một cái gì...

- Mày... mày làm trò gì? Trò gì? - Đại úy tiếp tục gầm gừ.

- Ba hỏi con phải không? - Thùy Linh vẫn dịu dàng.

- Tao hỏi mày đấy, con mất dạy! - Đại úy quát.

- Vậy con trả lời: đấy là trò của tình yêu.

Đại úy đập bàn đánh “rầm”.

- A, con này láo! Bẩn thỉu, nhơ nhuốc thế mà mày bảo trò của tình yêu.

- Thế ba bảo đấy là trò của cái gì?

Đại úy đứng bật dậy mặt mày đỏ bừng:

- Đấy là trò của quân tư sản, quân phản động, nghe rõ chưa! Mày đã ăn phải “dớp” của mẹ mày, nọc độc của thằng Tư. Tâm hồn mày đã thối rữa ra như... như cứt! Đồ khốn kiếp.

Đại úy nói to, văng cả bọt mép. Ông cố gồng người lên để chống trả nỗi run sợ vì thua cuộc trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa con ông và ông. Trực giác của người lính đánh giặc hai mươi năm báo hiệu cho ông biết ông sẽ thua cuộc. Ông không thể thua, không bao giờ chịu thua, đời ông chưa bao giờ chịu thất bại.

- Tao nhắc lại: đó không phải trò của tình yêu, con mất dạy. Đấy là trò của quân tư sản, quân phản động!

- Đấy là quan niệm của ba.

Đại úy trợn mắt hỏi:

- Cái gì?

Thùy Linh ngước lên, bình thản nói:

- Mỗi người có một quan niệm dành cho hạnh phúc của mình. Ba không thể đổ tất cả quan niệm của ba vào đầu con được.

- A! Thế nghĩa là mày nói tao không dạy được mày chứ gì?

Thùy Linh đứng bật dậy, mặt rắn lại:

- Đúng vậy. Ba không thể dạy ai được hết. Tất cả những gì ba định dạy cho mẹ con và con đều lạc hậu hết rồi.

“Bốp” một tát giáng xuống mặt Thùy Linh. Cô gục xuống một lát, nhổ nước bọt. Vài chục giây sau, cô lại ngẩng phắt lên:

- Bây giờ ba muốn gì ở con thì ba nói đi. Con lớn rồi, không ngu ngốc như ba tưởng.

- Tức là thế nào, cái con mất dạy kia? - Đại úy nói không ra hơi.

Thùy Linh im lặng. Đại úy túm lấy áo ngực Thùy Linh xốc ngược lên:

- Mày hãy nói đi, mày có còn coi tao là ba mày nữa không?

Thùy Linh vẫn im lặng. Cô nhìn thẳng vào mắt Đại úy.

- Nói đi chứ!

“Bốp”

- Nói đi!

“Bốp”

Thùy Linh đổ sụp xuống nền nhà. Cô không khóc. Không cựa quậy. Cô nằm im như thế gần nửa giờ thì ngồi dậy bới tóc, bình thản chuốt từng sợi một. Đại úy hằm hằm nhìn Thùy Linh. Ông thấy bất lực, đã hết cách cứu vãn trước một thực tế ghê gớm đang diễn ra trước mắt mình. Thùy Linh đã bới tóc xong, cô vào buồng xách một gói nhỏ đựng quần áo và vài ba đồ tư trang cần thiết. Dừng lại trước mặt Đại úy chừng vài bước, cô nói, vẫn dịu dàng: 

- Lúc nãy ba hỏi con có coi ba là cha đẻ của con nữa hay không? Con chưa kịp trả lời, ba đã đánh. Bây giờ con xin thưa với ba: Có. Bao giờ ba cũng là cha đẻ của con. Nhưng bây giờ con kinh tởm ba. Mẹ con đã kinh tởm ba mà bỏ trốn. Con không bỏ trốn như mẹ con, con đi, ra đi trước mặt ba. Ba không cấm con được đâu trừ phi ba giết con tại chỗ. Con đi đây. Ba bán nhà rồi về đơn vị mà ở.

Dứt lời, Thùy Linh bước thẳng ra cửa. Đại úy ngẩn người. Ông nhìn theo bóng đứa con gái vừa ra khỏi ngõ đã ù té chạy. Đại úy không đuổi bắt, không gọi trở lại, ông lừ lừ nhìn theo Thùy Linh cho đến khi cô khuất hẳn sau đám rưới. Đại úy rút súng lục, tra đạn, bất thần chĩa thẳng lên trời bóp cò.

Một tiếng súng nổ vang cùng với tiếng thét đến lạc giọng:

- Thế là chấm dứt hai tên tiểu tư sản!

Đại úy để rơi súng, đổ sụp xuống nền nhà. Dân trong xóm nghe tiếng súng kéo đến, thấy Đại úy nằm bất tỉnh, mắt trợn ngược, sùi bọt mép.

***

Thoáng thấy Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy rẽ vào quán của mình, Cule đã chạy ra, giơ hai tay lên trời:

- Ối giời ơi, anh Huy. Từ bữa “mùng năm tháng Tám”[1] đến giờ không thấy bóng bác đâu.

[1] Ngày không quân Mỹ tấn công ồ ạt miền Bắc Việt Nam.

Ông Huy cười hề hề:

- Công việc như núi, bận quá! Bận quá! Với lại thịt chó phải thỉnh thoảng nhậu một bữa mới ngon.

- Chí phải! - Cule rụp hai tay xuống mông. Đoạn, thoăn thoắt vào bếp, nói với ra:

- Bác đợi em một tý, xong ngay đây. Không biết dạo này bác có hay rượu nữa không?

Ông Huy nói chõ vào:

- Cứ làm đàng hoàng vào, cấm hỏi. Thịt chó mà không rượu khác gì nhai khoai sống.

- Chí phải!.. Bác Huy ơi, nghe nói tình hình chính trị, quân sự dạo này phức tạp lắm phải không ạ?

- Không phức tạp mà tôi phải đến nhậu thịt chó à?

- Em hiểu! Em hiểu! “Ai thắng ai” là kinh lắm!

- Kinh quá chứ còn gì nữa.

Ông Huy gật gù. Ông nghĩ là Cule muốn hỏi tình hình chiến sự đang căng thẳng lên bội phần sau ngày mồng năm tháng Tám. Ngày đó là ngày ông sợ nhất trong năm nay. Đương nhiên là ông đã được phổ biến trước, sau đó ông đã xách đèn bão đến từng cuộc họp khác nhau để phổ biến lại cho dân chúng của ông nghe. Nhưng khi “cuộc chiến tranh hai mươi phút” xảy ra đã làm ông hoang mang thật sự.

Không ngờ tiếng máy bay rít mới ghê. Mỗi lần chúng bay lướt qua nóc nhà Ủy ban, tiếng rít làm rung chuyển cả một vùng, khiến ông dựng tóc gáy. Khi chiếc AD6 lật cánh từ phía sau xóm Cau bất ngờ lao vút xuống cầu Vĩnh Tét, nhả ra hai quả bom đen chũi, cũng lao vút xuống cầu thì ông đã tính chui xuống gầm bàn.

Tất nhiên ông không chui, mấy đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy thị trấn đang đứng chạng chân trước sân nhà Ủy ban bắn tới tấp, cứ gì ông chui xuống gầm bàn? Họa là có đeo mo mới làm thế. Ông liều chạy ra sân, chỉ trỏ lung tung: “Bắn! Bắn! Bắn bỏ mẹ nó đi!”. Ấy là là ông hô thế chứ mắt ông nhắm tịt, may tất cả đều ngẩng lên trời không ai trông thấy.

Máy bay đã chuồn ra biển, “cuộc chiến tranh hai mươi phút” kết thúc thật vui vẻ: ta không sao, địch cũng không chẳng việc gì. Chủ tịch thị trấn thở phào nhẹ nhõm, bụng hãy còn run. Mấy ngày sau, ấn tượng về tiếng rít máy bay vẫn còn ám ảnh ông. Có đêm đang ngủ, ông bỗng chặt mạnh chân xuống chiếu, bất thần ngồi dậy, ngơ ngác một lúc lâu mới từ từ nằm xuống ngủ tiếp. Liên tiếp mấy tháng nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin máy bay Mỹ oanh tạc nhiều nơi trên miền Bắc, gây ra nhiều đau thương mất mát cho đồng bào ta. Ông nghe rất chăm chú, không quên ghi chép số máy bay ta bắn rơi, bụng bảo dạ: “Mẹ... nói thì mất lập trường, chớ nó ở trên trời, nó ụp xuống khi nào đếch biết được. Đời thủa nhà ai, máy bay lại bay nhanh hơn đạn súng trường thì kinh quá!”

Sau “cuộc chiến tranh hai mươi phút” vừa dứt, người ta thông báo cho nhau tốc độ máy bay của Đế quốc Mỹ lớn gấp nhiều lần tốc độ máy bay Đế quốc Pháp, gọi là tốc độ siêu âm. Chúng ở độ cao lớn, đôi khi rất lớn, súng bộ binh không “với” tới được, trừ hai trường hợp: bổ nhào và hạ thấp độ cao để tránh pháo cao xạ. Do đó, việc chạy đuổi theo đít máy bay để bắn, hoặc leo lên các ngọn cây, các mái nhà để bắn đặng hy vọng tiếp cận máy bay được gần hơn trở nên vô lý và ngô nghê.

Các bài học cơ bản về việc sử dụng các loại súng bộ binh để bắn máy bay địch được phổ biến rộng rãi. Dân quân tập luyện suốt ngày đêm, dần dà đã nhận ra cái lần họ tham chiến trong “cuộc chiến tranh hai mươi phút” thật là đần độn. May là nó cũng chỉ xảy ra như một vụ khiêu khích và đám phi công tập kích hôm ấy cũng đần độn như đám dân quân dưới đất, thế mới “hòa cả làng”.

Bây giờ, cuộc chiến tranh ấy đang trở lại, nó đã được chuẩn bị kỹ càng, chẳng còn đần độn ngây ngô như trước nữa. Nghĩ là nó không còn là trò đùa hay trò giễu cợt nhau như một số người nhầm tưởng. Nó đến để chiếm đoạt, cố sống, cố chết để chiếm đoạt, dùng mọi thủ đoạn xảo trá, tàn ác, bẩn thỉu nhất để chiếm đoạt bầu trời và mặt đất thị trấn Linh Giang.

Không ai, kể cả ta lẫn địch còn ngây thơ như trước nữa. Một cuộc độ sức bằng máu sẽ xảy ra quyết liệt, dai dẳng. Chỉ còn chút nhầm lẫn cả hai phía ở thời kỳ đầu này thôi: ai cũng nghĩ, nó chỉ xảy ra hoặc vài ngày hoặc vài tháng là cùng.

Đám phi công tin rằng họ sẽ biến cái đám dân quân với các loại súng bộ binh cổ lỗ sĩ thành những bầy vượn người trong chốc lát. Rồi họ giải nhiệm. Để mặt đất có những bầy vượn người kia cho các công ty khai thác thuộc địa của nước Mỹ tha hồ tranh nhau đào xới, họ sẽ bay về nước nhẩy bổ vào đám đàn bà tràn trề mông vú để quấy đảo cho đến “phút cuối cùng của ý chí”. Sau đó họ sẽ gác đầu mình trên một cái mông nào đó, ngủ một giấc dài đợi đến lượt tái sinh sau.

Đám dân quân tin rằng quá lắm họ cũng chỉ mất vài tháng là có thể vặn cổ hết ráo đám phi công láo xược kia, vì họ thuộc về phe chính nghĩa, lại có đủ các loại sức mạnh cùng với lòng dũng cảm, chí kiên cường mà đám phi công, do lý tưởng của họ mịt mù như khói, không cách gì có được.

Đấy là những nhầm lẫn của cả hai phía. Về sau, khi đã thực sự vào trận tuyến, cả hai đều nhanh chóng nhận ra: có một sức mạnh tiềm tàng phía sau mỗi bên khiến họ không thể giải quyết cuộc chiến theo mong muốn của họ...

Lúc này, Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy không nghĩ như thế, phải đến tám năm sau ông mới nghĩ đến điều này. Ông ngồi rung đùi đợi thịt chó. Bụng bảo dạ: “Đánh nhau với thằng có cánh khó lắm! Khó lắm!”.

Người bưng mâm thịt chó cùng với “cút” rượu ra cho ông không phải là Cule, đấy là Thùy Linh. Ông ngơ ngác nhìn Thùy Linh, mắt không chớp. Thùy Linh mỉm cười, khẽ khàng:

- Mời bác.

- Ấy... - Ông mở to mắt, không biết nói thế nào.

“Tại sao con gái Đại úy Thìn lại có mặt ở đây? Có mặt từ bao giờ? Lý do gì bỏ học chui vào quán thịt chó Cule?”

- Bác Cule ơi! - Ông gọi.

Cule hớn hở chạy ra, bao giờ Cule cũng hớn hở khi được khách gọi. Chủ tịch thị trấn chỉ vào Thùy Linh, nghiêm mặt hỏi Cule:

- Tức là sao?

Cule gãi đầu, giọng phân bua:

- Hoàn cảnh cháu rất cô đơn, mẹ cháu bỏ đi, ba cháu theo đánh Mỹ. Hoàn cảnh em cũng khó khăn, một mình em ôm quán thịt chó không xuể. Em có nhờ cháu đến giúp đỡ, bác cháu có nhau cho vui cửa vui nhà.

Ông Huy xua tay:

- Không được! Không được!... Việc này bác đã báo cáo với chính quyền chưa? Chưa chứ gì? Ắt thế. Vậy mà bác dám thuê đứa ở, lại dám thuê con một đồng chí cán bộ cốt cán. Bậy! Tôi nói là bậy!

Thùy Linh nhíu mày, cô thấy bực. Tuy vậy cô vẫn dịu dàng:

- Cháu không đi làm thuê! Cháu buồn, xin đến ở với bác Cule cho vui.

Ông Huy trợn mắt:

- Vui hay không tôi bất biết! Chế độ ta ưu việt, cháu biết quá đi rồi, thế mà cháu lại chịu đi làm thuê cho người khác.

Cule hoảng quá, vội vàng bưng ngay một đĩa dồi chó ra, xun xoe:

- Ấy! Mời bác! Mời bác! Quả tình là em cũng đơn giản vấn đề! Bác thứ cho...

Ông Huy liếc đĩa dồi chó bổ sung, nói:

- Bác cho tôi ăn thì tôi ăn, còn vấn đề là vấn đề đấy nha! Chiều mai bác đến Ủy ban làm việc.

- Dạ! Dạ!

Cule gập người dạ to hai tiếng. Ông Huy gật đầu ra chiều ưng ý.

Ăn uống xong, ông phủi đít quần đứng dậy, hất hàm hỏi:

- Tiền nong ra sao?

- Ối giời ơi! Bác đến quán em là phúc cho em lắm, lại còn tiền nong gì nữa! - Cule ôm quàng lấy lưng Chủ tịch thị trấn, xoa xoa tấm lưng nóng rực vì rượu của ông, nói cười hớn hở.

Chủ tịch thị trấn mặt mày tươi tỉnh hẳn lên, về đến nhà hãy còn tươi tỉnh.

Cule bảo Thùy Linh:

- Cháu đừng lo, không việc gì đâu.

- Ngộ nhỡ họ đuổi cháu đi thì sao?

- Không. Bác sẽ xin, chính quyền ta ưu việt lắm, xin cái gì cũng dễ. Vấn đề là có cái gì để mà xin...

Nói xong, Cule nháy mắt Thùy Linh, ngửa cổ cười.

Thùy Linh không hiểu, dù đã vào đời, cô hãy còn ngơ ngác trước bao nhiêu chuyện ở đời.

Sau khi rời khỏi nhà, Thùy Linh đi thẳng tới quán thịt chó Cule, Thùy Linh bước vào quán, đặt gói nhỏ áo quần xuống ghế, nhỏ nhẹ hỏi:

- Cháu muốn xin làm việc ở quán bác.

Cule đứng ngớ ra, không biết trả lời ra sao. Thùy Linh nhắc lại, nói rõ hoàn cảnh của mình rồi ngồi chờ đợi. Cule cầm con dao phay gõ gõ xuống thớt:

- Thú thực, bác cũng muốn cháu ở đây, đỡ chân tay cho bác, nhưng bác sợ. Thiệt tình bác sợ. Cháu không biết chứ bác nhân chi sơ tính bổn nhát...

Cule vừa dứt lời, Thùy Linh đã đứng lên. Vẫn giọng nhỏ nhẹ, cô thưa:

- Vậy xin bác, cháu đi.

Cô bước nhanh ra khỏi nhà, lao thẳng ra bờ sông. Cô vừa chạy vừa khóc. “Mẹ ơi, mẹ làm con khổ quá!”, cô nấc lên đau đớn.

Gió ù ù thổi. Bờ sông dập dềnh những con sóng lăn tăn, Thùy Linh đứng dậm chân mép bờ sông Linh, đau đáu nhìn sang bờ bên kia, nhìn xa nơi thượng nguồn, nơi có chín mươi chín ngọn núi xanh mờ. Có lẽ cô sẽ sang sông, sẽ đến trú ẩn trong dãy núi xanh mờ kia, cho đến khi hóa vượn. Đến khi đó Hoàng sẽ tìm ra Thùy Linh. Một anh chàng đẹp trai với một con vượn cái, nhảy múa, nhảy múa...

- Thùy Linh!

Thùy Linh quay ngoắt lại. Cule đứng sau lưng Thùy Linh từ bao giờ, miệng mếu máo, nước mắt lưng tròng. Con người luôn luôn hài hước thế kia cũng có khi phải khóc.

- Về với bác. - Cule nói run run: - Đừng đi đâu, cứ về ở với bác.

- Bác không sợ nữa à? - Thùy Linh làm mặt giận.

- Bác sẽ thu xếp ổn thỏa cả thôi.

Cule cười nhăn nhó. Thùy Linh mỉm cười, cô cúi đầu lẽo đẽo theo chân Cule về quán.

Được bốn ngày, cô nhận được thông báo của nhà trường đuổi học vì tội hủ hóa. Cô cười. Ắt là có thư tố cáo của ba cô. Cô cầm lấy tờ thông báo khóc cười suốt cả buổi chiều.

Đến giờ đã một tháng, cô sống yên ổn trong quán thịt chó Cule. Hoàng cũng bỏ học, anh không thể đến trường nếu không có Thùy Linh. Thêm nữa, bây giờ tiếng ồn ào dị nghị về tội hủ hóa của anh và Thùy Linh đã lây lan khắp trường, làm sao anh ngước mặt lên nổi để mà học. Tuổi của Hoàng và Thùy Linh chưa phải tuổi có đủ khả năng “đạp qua dư luận để mà sống” như nhiều cặp tình nhân khác. Họ vẫn còn run sợ dư luận, sợ kinh khủng. Ngày ngày Hoàng vẫn đến thăm Thùy Linh, những khi vắng khách, họ cùng nhau chạy ù ra bờ sông Linh, hoặc ra sau rừng phi lao sau thị trấn. Họ vùi trong cát, vùi trong nước... rối rít trong cuộc tìm kiếm đực cái muôn năm của người đời.

Vào khoảng chín giờ tối, Hoàng lao vào quán thịt chó. Anh đứng sững trước mặt Cule thở dốc, hỏi:

- Thùy Linh đâu bác?

- Nó ngủ rồi. Tối nay nó kêu nhức đầu.

Hoàng ngồi xuống ghế, hai tay bóp trán. Thoáng thấy mặt Hoàng biến sắc, Cule hỏi nhỏ:

- Có việc gì quan trọng không?

Hoàng không trả lời, anh rút trong ngực ra tờ giấy gấp tám đưa cho Cule. Đó là thư Họa sĩ Tư gửi cho Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh. Đọc xong, Cule la lớn:

- Nguy to rồi!

Ông chạy xộc vào buồng lôi Thùy Linh dậy. Thùy Linh bước ra, Hoàng chạy đến hỏi:

- Em đã biết chuyện gì chưa?

Cule nháy Hoàng, ra hiệu cho anh đừng nói với Thùy Linh vội. Hoàng không hiểu, anh kéo Thùy Linh sát mình, nói:

- Chú Tư và thím Hoa đã tự vẫn!

- Cái gì? - Thùy Linh đẩy Hoàng ra, mặt tái mét. Cô bước lùi từng bước. - Anh vừa nói cái gì? Anh vừa đưa tin cái gì? Ai tự vẫn? Ai...

Hoàng đưa thư cho Thùy Linh. Cô cầm lấy run run mấy đầu ngón tay, rồi hai đầu môi run, rồi toàn thân run lên. Cuối cùng cô đổ ụp xuống ngất xỉu.

“Anh Thanh kính mến!

Chúng tôi ra đi không kịp chào anh, thật là vô lễ. Một cuộc bỏ trốn ngu xuẩn của hai kẻ khốn nạn đã thành công. Chúng tôi tính sẽ tìm đến một thung lũng nào đó cắm lều kiếm kế sinh nhai. Đáng ra anh phải hiểu rằng chúng tôi chỉ từ giã cái xã hội mười vạn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của anh mà thôi, không bao giờ chúng tôi trốn chạy loài người. Nhưng anh không tin hoặc không dám tin rằng cuối cùng chúng tôi vẫn là những người tốt, có thể có ích cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Vậy là anh đã ra lệnh truy nã chúng tôi. Lính tráng các anh giỏi lắm, chúng tôi chạy về đâu cũng bị truy nã. Tại thời điểm viết thư cho anh, xin báo để anh mừng, chúng tôi đang bị dồn đến chân tường.

Chúng tôi viết thư này để báo cho anh biết anh đã chứng minh thành công chúng tôi là những kẻ khốn kiếp, không thể tồn tại trong xã hội tươi đẹp của chúng ta được. Đúng mười hai giờ trưa nay chúng tôi sẽ xuống ở nhờ vua Thủy Tề vài thế kỷ. Giá anh có mặt ở đây, cao điểm 405 ở B.R. (anh nhớ không?), anh sẽ trông thấy một cuộc nhảy đôi tuyệt đẹp xuống thượng nguồn sông Linh...

Gởi tới anh lời chào cao cả. Xin anh bí mật cho lá thư này, đến khi Thùy Linh cưới chồng thì nhờ anh báo lại...”

Thùy Linh từ từ mở mắt. Cô trân trối nhìn Hoàng, nhìn mãi. Mặt cô đang tái xanh dần ửng đỏ. Cô chỉ tay vào mặt Hoàng, nghiến răng quát:

- Anh là kẻ độc ác! Độc a-ác!

Hoàng giật mình, bước lùi một bước.

- Em nói gì thế... Thùy Linh!

- Cút ngay! Đồ... độc ác? Cút đi! Tôi bảo là cút đi mà. Tôi ghê tởm lũ các người! Tôi ghê tởm...

Thùy Linh hét vang nhà và òa khóc nức nở trong căn nhà ngậy mùi thịt chó.

***

Bỉ nói:

- Đòn thứ tư của Trần Hới đã thành công. Trận đấu kết thúc tốt đẹp: 4 - 0 nghiêng về phía Trần Hới.

Bỉ nói một mình, với không khí. Xưa nay, anh chưa từng nói điều mình nghĩ với ai. Tự anh thấy mình là kẻ hèn nhát. Anh chế giễu anh, khinh thị anh và tiếp tục dạ ran mỗi khi có người bất cứ cấp chức gì, ra lệnh.

Mười năm sắm vai một thằng hèn nhát đã quá mệt mỏi. Mặc dù càng ngày anh càng đạt đến độ “chín” trong vai diễn của mình, nhưng nếu tiếp tục thì ớn quá. Anh đã ớn đến tận cổ. Cần phải làm một cái gì, một cái gì đó anh chưa hình dung ra nhưng phải làm, để người đời có thể vén được cái màn giả dối mà anh sắm khá đạt, nhận được chân dung của anh.

Bỉ nhẩm tính, cả bốn quả sút vào lưới Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh đều rất “đẹp”. Trần Hới xuất hiện trên sân với tư cách không phải là người làm bàn. Y là người tổ chức tấn công, đẩy bóng cho bố vợ y là ông Lanh và Đại úy Thìn lần lượt sút bóng vào lưới.

Quả thứ nhất là một quả phạt góc, do Trần Hới đá bóng vào chân Bí thư huyện ủy. Ấy là việc Trần Hới tự tổ chức ngày sinh nhật ông Thanh với qui mô lớn chưa từng có so với bất kỳ lễ sinh nhật nào trong tỉnh. Vậy là Bí thư phạm qui, chịu phạt góc. Đại úy Thìn nhận đá quả này. Đại úy đá rất đẹp. Một bức thư gửi thẳng tới Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy mô tả lễ sinh nhật rầm rộ như thế nào khiến Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy tái mặt. Ông đệ thư này lên Bí thư tỉnh ủy. Bí thư tỉnh ủy đập bàn nói lớn: “Hắn (tức chỉ Bí thư huyện ủy) làm trò gì thế này? Cán bộ cách mạng mà thế này à? Hỏng!”. Vậy là quả thứ nhất đã vào lưới.

Quả thứ hai do Trần Hới chuyền một đường bóng rất đẹp cho Đại úy Thìn, Đại úy nhận được bóng sút mạnh, quả bóng bay rất căng. Ông Lanh ở góc trái, đá tiếp sức, quả bóng lật cánh một góc hẹp bay thẳng vào lưới. Ấy là việc Trần Hới phát hiện ông Thanh tự động thả Họa sĩ Tư - một tên họa sĩ có tư tưởng chống đối cách mạng - liền rỉ tai Đại úy Thìn. Đại úy trực tiếp kiến nghị với ông Lanh. Ông Lanh điện thẳng vào Tỉnh ủy. Tỉnh ủy trả lời: “Việc lấy quyền của mình để ngăn cản các cơ quan chức năng làm việc là sai. Nghiêm trọng hơn, đây là dấu hiệu bao che một văn nghệ sĩ có tư tưởng chống đối chủ nghĩa xã hội”. Quả thứ hai thành công chứng tỏ Trần Hới rất có khả năng tổ chức tấn công.

Quả thứ ba do chính Bí thư huyện ủy chạm tay vào bóng ở ngoài vạch 16m50. Đáng lẽ chỉ đá phạt gián tiếp nhưng Trần Hới đã khéo cãi trọng tài, buộc trọng tài phải công nhận việc chạm tay vào bóng xảy ra trong vòng cấm địa. Ấy là việc Bí thư huyện ủy tự thú trong bản kiểm điểm gửi lên Tỉnh ủy là có một khoảng thời gian hơn một ngày ông bị Pháp bắt giữ trong khi đi công tác. Sau đó ông đã trốn thoát được. Ông không kể việc này trong lý lịch vì cho rằng đây là chuyện nhỏ, không đáng kể. Trần Hới đã lập luận cho ông Lanh rằng thời gian một ngày hay một tháng ai đảm bảo? Và trong khi bị giam giữ, ông Thanh có khai báo gì không, liệu có ai hay? Và việc không đưa vào lý lịch vì “cho rằng đây là chuyện nhỏ, không đáng kể” thì thật là ngây thơ, chỉ đánh lừa được lũ trẻ. Ông Lanh lập luận lại với Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy và được công nhận đây đúng là việc nghiêm trọng, không thể đùa được. Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy nói: “Chúng ta không thể chủ quan cho rằng trong tổ chức Đảng không có những phần từ phản bội đang ẩn nấp được. Cần phải cảnh giác cao độ!”. Quả 11m được thực hiện. Ông Lanh là người trực tiếp đá quả phạt này, cú đá rất căng, tung lưới!

Quả thứ tư là kết quả sự phối hợp tài tình giữa Trần Hới, ông Lanh và Đại úy Thìn. Đầu tiên quả bóng xuất hiện rất vu vơ. Ông Lanh đá hờ vào khung thành Bí thư huyện ủy và bị đá bật ra ngay lập tức. Bóng chạm chân Đại úy Thìn. Đại úy gạt sang cho Trần Hới. Trần Hới đưa bóng cho ông Lanh. Ông Lanh đá trượt, quả bóng rơi vào chân Bí thư huyện ủy. Tình thế lập tức có lợi cho Bí thư huyện ủy. Ông dắt bóng băng băng lao đi. Trần Hới đã khôn khéo “nháy” ông Lanh và Đại úy Thìn phối hợp bắt việt vị. Bí thư huyện ủy bị trọng tài thổi còi. Quả phạt việt vị được thực hiện. Người đá quả này là Đại úy Thìn. Vì đã rời khung thành quá xa, Bí thư huyện ủy không kịp trở lui. Vậy là quả thứ tư lọt lưới. Ấy là việc ông Thanh nhất trí bằng mồm với Đại úy Thìn sẽ làm lệnh truy nã. Sau khi về đơn vị, tối hôm đó Đại úy điện cho ông Lanh “ý kiến của đồng chí Bí thư huyện ủy”. Ông Lanh điện sang công an huyện. Lệnh truy nã được thực hiện. Sau đó ông Thanh phê bình ông Lanh tự động quyết một vấn đề quan trọng không thông qua thường vụ. Ngỡ là ông Lanh bị cảnh cáo đến nơi, chẳng dè sau cái rỉ tai của Trần Hới, ông Lanh đã thay đổi được tình thế. Trước khi họp Thường vụ huyện ủy, ông điện thẳng cho Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy về sự trốn thoát của Họa sĩ Tư và lần thứ hai Bí thư huyện ủy ngăn cản các cơ quan chức năng, không cho họ hành động. Đồng thời lúc đó, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy nhận được thư khiếu nại của Đại úy Thìn về việc Bí thư huyện ủy bao che Họa sĩ Tư. Trần Hới viết bài phê bình sáu mươi tư bức tranh đồi trụy, chống Chủ nghĩa Xã hội của Họa sĩ Tư, gửi cho đài tỉnh đọc ra rả suốt ngày. Thường vụ Tỉnh ủy họp đột xuất, một ngày sau điện gọi Bí thư huyện ủy vào Tỉnh ủy “làm việc” ngay. Tuần sau, một đoàn kiểm tra Đảng được điều ra huyện Linh Giang. Bí thư huyện ủy buộc phải công nhận là mình sai lầm.

Quả thứ tư đã kết thúc trận đấu... Bây giờ chỉ còn đợi kết luận cuối cùng của Tỉnh ủy về Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh nhưng hầu như mọi người đều đã nhận thấy kết cục của nó.

Trong cuộc họp xét kỷ luật Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, có sự hiện diện của Bí thư tỉnh ủy, không ai ủng hộ ông Thanh. Ông Thanh cũng chẳng phân bua gì, ngồi bóp trán ròng rã bốn tiếng đồng hồ rồi đứng dậy mệt mỏi nói:

- Tôi nhận tất cả...

Một tuần sau, ông nhận quyết định cảnh cáo, thông báo kỷ luật này đến tận chi bộ, cũng là lúc ông viết đơn xin nghỉ hưu và được chấp thuận nhanh chóng. Ông chào một lượt tất cả cán bộ trong huyện ủy và ủy ban, một cái bắt tay, một nụ cười gượng, và đi. Có người muốn níu ông lại nói vài lời cảm thông nhưng ông không nghe, trừ ông Lanh Chủ tịch huyện.

- Tôi cũng không ngờ anh bị kỷ luật nặng thế? - Ông Lanh thật thà nói.

Quả thật là ông không ngờ, nếu biết trước tỉnh ủy sẽ xử lý ông Thanh như vậy hẳn là ông sẽ không hăng hái đấu tranh với ông Thanh dữ vậy. Làm việc với nhau gần hai nhiệm kỳ, quan hệ của ông và ông Thanh nào có sứt mẻ gì, bởi ông luôn luôn coi ông Thanh là ông thầy của mình về mọi mặt, bởi vì ông không bao giờ có ý định lật đổ ông Thanh để ngồi vào cái ghế quan trọng nhất huyện này mặc dù được làm bí thư huyện ủy cố nhiên vẫn thú hơn làm Chủ tịch huyện.

“Phê và tự phê” là yêu cầu của Đảng. Ông thực hiện điều này với một nhiệt tình cháy bỏng và sự kém cỏi của trí tuệ. Phê bình mình và phê bình người khác ông đều thực hiện hồn nhiên không một tính toán vụ lợi với khao khát tất cả phải tốt nhanh lên, càng nhanh càng tốt, nếu không ông chết rồi mà vẫn không biết Chủ nghĩa Xã hội ra làm sao.

- Tôi biết anh giận tôi lắm. Thú thực tôi đau đầu quá, không hiểu ra làm sao nữa. Nào tôi có muốn hại ai bao giờ...

Ông Lanh ngồi đối diện với ông Thanh trong phòng làm việc. Ông Thanh nhếch mép cười, cầm chén nước soi nghiêng, thấy mắt mình đục ngầu màu bã chè.

- Tôi không giận anh đâu. - Ông Thanh lắc đầu, nói nhỏ: - Anh làm gì mà tôi giận. Kể cả anh Thìn tôi cũng không giận chút nào. Tôi biết các anh là người tốt, rất tốt, có điều... - Ông Thanh ngừng nói, buồn rầu nhìn ông Lanh. Ông định nói: “Có điều các anh còn hạn chế quá nhiều về nhận thức. Người ta không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng mo cơm và tấm lòng cộng sản, còn trí tuệ chỉ là một cục đá vôi...”

- Anh nói tiếp đi. - Ông Lanh cũng buồn, nhìn vào mặt Bí thư huyện ủy, thốt nhiên ông thấy buồn rười rượi.

Ông Thanh gật gật, thủng thẳng nói:

- Cuộc chiến đang hình thành. Tôi về nghỉ, còn các anh phải đương đầu với không lực Hoa Kỳ. Tôi biết rồi đây cuộc chiến sẽ đẫm máu nhưng cuối cùng chúng ta sẽ thắng. Chúng ta thắng vì chúng ta chính nghĩa, vì chúng ta có Đảng, có Bác Hồ, vì dân tộc ta đương nhiên là dân tộc anh hùng. Còn một lý do nữa, ấy là chúng ta có cái liều mạng của một anh nông dân cùng khổ. Đánh Mỹ thì liều mạng nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội thì xin các anh miễn cho cái đức tính này, sẽ hỏng bét hết... - Ông Thanh dựa hẳn vào thành ghế, ngửa mặt lên trần nhà: - “Dân có ruộng dập dìu hợp tác, lúa mượt đồng ấm áp làng quê. Chiêm mùa cờ đỏ ven đê, sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”. Ta có ruộng rồi, có cờ đỏ cắm trên đê rồi, có tiếng trống đi về rồi... nhưng lúa mượt đồng ấm áp làng quê thì chưa có, còn lâu mới có được, đừng vội tin là có rồi mà chủ quan... Thôi, chào anh tôi về.

- Ấy khoan, anh nói tiếp đi. Bây giờ tôi rất cần nghe anh nói.

Ông Lanh luống cuống ấn vai ông Thanh, như sợ ông biến mất.

Đến lúc này, ông Lanh mới cảm thấy lẻ loi, đơn độc giữa bốn tòa nhà uy nghiêm lừ lừ nhìn ra đường cái. Xưa nay ông vẫn dựa vào ông Thanh để hành động: Ông Thanh nghiễm nhiên trở thành cái cẩm nang vạn năng của ông. Cái cẩm nang đang cháy, tự ông châm lửa đốt, đúng hơn, con rể ông đã trao lửa cho Đại úy Thìn, Đại úy đốt còn ông thì thò mồm vào thổi và hồn nhiên tin rằng thế là một nọc độc đã tiêu ma, xã hội chúng ta tươi sáng thêm một chút. Giờ đây mọi ý nghĩa còn nháo nhào, chưa hẳn đã rành mạch như trên. Phải đến hai mươi năm sau, khi chống gậy lập cập đưa tang người bạn già, cũng là bạn chiến đấu lâu năm của ông, ông mới ngẫm ngợi ra mọi nhẽ...

- Thôi, tôi về đây. - Ông Thanh vẫn cương quyết đứng dậy ra về.

Ông Lanh tiễn “đồng chí hưu trí” ra đến cổng, xúc động siết chặt tay, giữ mãi bàn tay ông Thanh trong tay mình. Ông Thanh ngước lên trời, cố giữ cái giây phút cuối cùng từ giã cái nơi ông đã gắn bó bao nhiêu năm, với bao nhiêu tâm huyết. Trời vẫn xanh, xanh thẫm những hàng dương xanh chạy dọc lối vào bốn tòa nhà lớn, lất phất những lá cờ đỏ. Ông Thanh cười chua chát:

- Nước ta có đến 90% là nông dân. 10% còn lại là công nhân, tư sản, tiểu tư sản và các tầng lớp khác. Vậy mà chúng ta luôn luôn lo sợ bọn tư sản sẽ phá hoại xã hội ta. Nghĩ cũng buồn cười. Chính tư tưởng nông dân đang là căn bệnh nguy hiểm tràn lan trong toàn xã hội, xin anh nhớ cho điều đó. Nếu anh có tâm huyết làm một cái gì đó có ích cho đời sau, thì anh phải biết rõ căn bệnh này... Thôi, tạm biệt nhé. Nói dài đâm nói dại...

Siết chặt tay ông Lanh thêm một lần nữa, ông bước thẳng.

Được mươi bước, ông ngoái lại nhìn bốn tòa nhà kia, cay đắng nghĩ thầm: “Kể cả anh nữa, anh Lanh ạ. Tư tưởng nông dân đã nhiễm thành máu rồi”. Ở trong bốn tòa nhà kia, nơi mỗi người dân đi qua đều tỏ thái độ kính trọng vì tin rằng ở đó đều tập hợp những thành phần ưu tú nhất của xã hội mười vạn dân, nơi đẻ ra những chuẩn mực cho đời sau, nơi giữ cán cân công lý, nơi thông minh nhất, trong sáng nhất... Rất nhiều lần ông thấy nhiều người đứng thập thò ở cổng, hồi hộp tính toán không biết nên vào hay không. Khi được vào, họ đi rón rén, sắc mặt biến đổi lạ lùng! Sợ và hồi hộp và ngơ ngác... Họ đang đến nơi ưu tú nhất, quyền lực nhất, thông minh nhất. Họ bỗng thấy mình nhỏ bé trước bốn tòa nhà hùng vĩ kia.

Còn trong bốn tòa nhà đấy, ông biết lắm, chỉ có ông là biết rõ nhất, còn đầy rẫy những kẻ ngu dốt, những thằng vô tích sự suốt ngày phán bậy, những tên quan liêu ngậy mùi, và gần đây đã mọc lên những thằng cơ hội bẩn thỉu... Những người tốt cũng có, dù ít nhưng vẫn có, sau nhiều cuộc đấu tranh đã rơi rụng dần, hoặc chán nản nuốt nước bọt ngậm thinh, lặng lẽ quan sát đám người nhố nhăng kia làm việc, đôi khi uất quá họ gồng lên cố sức chống trả thì lập tức bị tóm cổ.

Ví như ông đây, suýt nữa thì bị tóm cổ... Có lần ông tâm sự điều này với một cán bộ có tâm huyết, người này nói: “Anh bi quan vậy chớ nếu lãnh đạo huyện chẳng ra gì, thế tại sao các phong trào các anh đều hoàn thành tốt?”. Ông thở dài, khẽ lắc đầu, hỏi lại: “Thế còn nhân dân thì sao?” - “Ờ nhỉ! Còn nhân dân nữa các ông ạ. Lâu nay ta cứ làm việc, làm việc, làm việc... mà quên mất vì ai mà làm việc. Nhân dân to lớn thế mà quên bố nó mất! Hỏng! Hỏng!” - Bạn ông vỗ đùi đen đét.

Ông mỉm cười. Ờ nhỉ, đôi khi ông cũng quên bố nó mất. Hình như ông làm việc vì các chỉ thị của cấp trên dội xuống, làm để được khen, để được nâng lương tiến chức, còn nhân dân to lớn thế mà quên bố nó mất...

- Một nghìn bảy trăm tám mươi tư bước! - Bỉ kêu to. Ông quay lại đã nhìn thấy Bỉ đứng sau lưng mình, nhăn răng cười:

- Chào anh! Anh đi theo tôi từ lúc nào thế? - Ông bắt tay Bỉ và chợt thấy mình đang đứng trước cổng nhà.

- Em đi theo anh và đếm các bước chân của anh. Từ cổng huyện ủy đến cổng nhà anh. Một nghìn bảy trăm tám mươi tư bước.

- Ha ha... Đếm làm gì? Anh đếm để làm gì? - Ông thấy vui, lòng nhẹ bớt đi một chút.

Bỉ không nói, sờ mép tủm tỉm cười. Ông Thanh mời Bỉ vào nhà chơi, Bỉ lắc đầu:

- Thôi em về, khi khác em đến chơi, nói chuyện tào lao với anh cho vui. Và để chứng minh cho anh là, em tất nhiên không phải thằng hèn đâu nhé!

- Thì đã có ai nói anh hèn đâu?

- Anh không nói nhưng anh biết. Anh biết rõ tận chân tơ kẽ tóc của từng người dưới quyền anh nhưng anh không nói. Hì hì. Anh khôn lắm. Anh không hèn như em nhưng anh khôn lắm, khôn quá hóa hèn.

Bỉ vừa nói vừa kéo ông Thanh vào nhà. Anh láu táu pha ấm chè đặc, đổ nước sôi tung tóe, làm vỡ mất một cái cốc.

- Gì mà vội vàng thế?

- Ấy! Sắp họp Ủy ban. Em về không đúng giờ người ta trị em bỏ mẹ. Thời buổi này vui lắm, chỉ cần đi đúng giờ, chỉ cần có mặt, rồi phát biểu vài ba câu vô thưởng vô phạt là xong. Vậy là em đạt lao động tiên tiến, hì hì!

Ông Thanh thở dài:

- Xưa nay chưa nghe anh nói giọng này bao giờ.

- Chứ sao! Nói mà chết. Có họa là thằng ngu. Bây giờ anh hưu trí rồi em mới thưa, chứ cách đây hăm bốn tiếng đồng hồ, em còn sợ anh xanh mặt! Anh uống nước đi... Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân. Chơi với mấy anh bần cố nông, em khiếp lắm! Vậy là em co vòi lại cười cười, một dạ, hai dạ, chịu khó nghe người ta giải thích cái điều mà đáng ra mình làm thầy người ta, rồi nói giọng thật thà: “Dạ em hiểu. Có anh nói em mới sáng mắt ra.” Hà hà! Anh thấy em có tài không? Anh uống nước đi.

- Đó cũng là cơ hội. Im lặng cũng là thái độ cơ hội. - Ông Thanh lắc đầu, nhấp một ngụm nước, nói tiếp: - Tôi cũng là thằng cơ hội vì tôi im lặng.

- Dạ! Hoan hô anh! Nghe anh nói em sướng quá! Thôi thôi... em về họp đây.

Bỉ phủi đít quần “dọt” về, nhanh hơn chớp. Dọc đường về anh lẩm bẩm: “Mẹ, cú này phải đấu với Trần Hới. Nếu không, nó tiêu diệt hết người tốt cho mà xem! Phải đấu chứ, sợ gì mà không đấu! Cùng lắm thì bố mày về hưu, sợ đếch gì...”

Bỉ lao vào cổng ủy ban, ngực nóng ran với ý chí chiến đấu cho lẽ công bằng. Anh dựng xe đạp, đi thẳng vào cuộc họp. Đám đông những người dự họp đã đến đủ, mặt ai nấy đều nghiêm trang. Trần Hới cầm điếu thuốc lơ đễnh nhả khói bất chợt liếc sang Bỉ. Bỉ chột dạ: “Nó nghi mình rồi” và rụt cổ chui vào góc trong phòng, ngồi thu lu như thế từ đầu đến cuối cuộc họp.