Kể từ đêm bị Đại úy Thìn bắt quả tang và chịu đựng những quả đấm trời giáng của Đại úy đến nay đã tròn ba tháng, Họa sĩ Tư không một lần bước chân đến nhà Đại úy, không một lần thấy bóng thím Hoa. Họa sĩ sống ru rú trong túp lều lá mía ngày này qua tháng khác.
Luôn luôn Họa sĩ thấy không an tâm. Mỗi bận ngoảnh mặt về phía Tây thị trấn, nom thấy hai ngọn cây dừa trước cổng nhà Đại úy rung rung, anh thấy ngực mình nhói đau, có khi nhức buốt mãi.
Ngày nào anh cũng thấy cần phải làm một việc gì đó, đi một nơi nào đó hoặc nói một điều gì đó với ai đó. Chẳng khi nào thực hiện được, lại ngồi hối tiếc về một ngày vô tích sự đã trôi qua. Đã trôi qua biết bao ngày thế này rồi? Họa sĩ lẩm nhẩm đếm, càng đếm càng mù mịt, lại ngồi đừ ra mà nuối tiếc.
Tại sao mình không làm được một việc gì cho có ích, không có ích cho tất cả thì cũng có ích cho một người? Họa sĩ tự hỏi. Hỏi chỉ để ngồi ngáp dài, mệt mỏi. Anh chui vào lều lôi cái đàn ghi-ta vừa tậu được, rung lên những giai điệu nhạt nhẽo, buồn chán.
Người ta đang nghi ngờ anh là “Việt gian bán nước” hay đại khái như vậy. Nhiều đêm bất ngờ tỉnh dậy, thấy một vài bóng đen núp dưới chân, anh hắng giọng, quát: “Đứa nào đó, hả?”. Những cái bóng đen này lẳng lặng biến mất. Một đôi lần đã nghe Chủ tịch thị trấn nói bóng nói gió rằng sẽ có lúc, lúc nào thì không biết, Họa sĩ sẽ đứng trước tòa án của nhân dân.
Anh nhếch mép cười và nhớ lại, kể từ ngày cùng hai mươi chín trai tráng trong làng xắn quần móng lợn, băng qua trảng cát cứ thẳng hướng Chóp Chài mà tiến, đến nay đã hai mươi năm. Ngần ấy năm “bám váy cách mạng” (Họa sĩ hay nói vậy vì luôn nghĩ mình là kẻ ăn hại) chưa một lần nào anh nghi ngờ cách mạng và xã hội mà mình đang sống. Họa sĩ chỉ thấy ngứa ngáy, khó chịu về những kẻ bần tiện và dốt nát đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội mình tin yêu.
Những kẻ ấy mặc nhiên đang được số đông coi trọng, đang có uy tín cực kỳ. Họ bắt anh nếu đã yêu (Chủ nghĩa Xã hội) thì phải yêu đúng như họ đang yêu. Họ yêu làm sao thì anh phải yêu làm vậy. Họ không biết, hoặc cố tình không biết, tình yêu hẳn nhiên là có nhiều cung bậc, hãy để cho trái tim rung theo đúng cung bậc của chính mình thì tốt biết bao nhiêu.
Đa số trong họ không ai biết mấy nghệ thuật mà Họa sĩ ném cả đời mình vào đấy. Thế nhưng kỳ quặc thay, họ luôn tỏ ra là họ quá hiểu và ép anh phải làm theo đúng điều mà họ hiểu kia. Họ gợi ý cho anh các loại đề tài, đôi khi còn tham gia và bố cục một bức tranh. - “Anh bộ đội sao lại đứng xa thế kia?” - “Chị nông dân phải giơ cao cái liềm chứ?” - “Cái búa đâu, bỏ mẹ, công nhân mà không cầm búa à?”.
Họ còn dòm ngó vào cách pha màu của Họa sĩ, xem có dụng ý gì không, và run lên nếu bức tranh chỉ toàn màu lạnh. Run lên... nghĩa là tức run lên, thế đấy. Họ cho rằng, hơn ai hết, họ là bác sĩ tinh thần của nhân dân. Họ sợ nhân dân bị nhiễm các nọc độc tư sản. Vì quá u mê về nghệ thuật, họ loại hết những gì Họa sĩ vẽ mà họ không hiểu, loại hết, sạch sành sanh. Bây giờ Họa sĩ phải làm theo đúng yêu cầu của họ. Cần có nhiều lợn gà, hãy vẽ một đàn lợn gà to béo; cần đồng lúa tăng sản, hãy vẽ một cô gái xinh tươi gánh hai bó lúa to đứng trước một cánh đồng lúa vàng trĩu hạt; cần sinh đẻ có kế hoạch, hãy vẽ một cái vòng thật to, ở giữa là một gia đình hai con hạnh phúc...
- Ối giời đất ơi, thế thì tôi chịu! Bố tôi sống lại cũng xin hàng!
Họa sĩ kêu lên và từ chối quyết liệt. Anh công khai tuyên bố rằng đó là loại nghệ thuật thô thiển, thứ minh họa đần độn mà mình luôn luôn khinh rẻ. Thế là chạm phải vấn đề “lập trường tư tưởng”. Thế là cãi nhau, cãi nhau to. Ức quá, Họa sĩ đập bàn, đập ghế, chửi um lên, lại còn “đù mẹ đù cha” nữa. Trong khi đó họ vẫn bình thản như không, cứ “đường lối chủ trương” mà phát biểu. Họa sĩ phải sai, sai bét! Chứ không à? Nếu đã yêu chủ nghĩa xã hội sao lại chống đối chủ trương đường lối? Lại còn “đù mẹ đù cha”? “Đù mẹ đù cha” ai? Vì sao lại “đù mẹ đù cha”? Và “đù mẹ đù cha” nghĩa là thế nào?...
Họa sĩ nốc một cốc rượu đầy, ngồi tựa vào vách nứa, mắt lim dim. Lúc này đã sẩm tối, những người đánh cá đêm đã ra sông, lần lượt đỏ đèn sáng rực một dãy dài bờ bên kia. Anh ngoái cổ nhìn trừng trừng ngọn đèn măng-sông lần lượt được thắp đèn. Tiếng lóc cóc, lóc cóc của những người lùa cá.
- Mẹ kiếp mấy con cá, ngu! Đèn măng-sông lại tưởng là mặt trời. Tí ta, tí tởn... vào rọ tất!
Anh bật cười. Mới đầu cười khục khục, sau, không rõ lý do gì bỗng cười ha ha ha, vuốt mũi một cái lại cười ha ha ha...
Cũng vừa lúc Hoàng đẩy cửa bước vào. Hoàng rùng mình thấy một “bãi chiến trường” dưới chân Họa sĩ: ngổn ngang giấy má, tre nứa và vỏ chai - vô số là vỏ chai. Hoàng đứng tần ngần một lát, khẽ chào Họa sĩ, rồi rón rén bước qua đống hổ lốn đồ đạc, vật liệu lăn lóc bừa bãi giữa nền nhà đến ngồi lên cái thùng sắt rỉ úp ngược.
Chẳng thấy gì ngoài đống tranh xếp lộn xộn đầy góc lều và mấy cái nồi vứt lỏng chỏng quanh đấy. Hình như ngày hôm nay Họa sĩ không nấu ăn, không có gì để nấu ăn. Cái thùng sắt rỉ dùng để đựng gạo bây giờ đã lật ngược. Hai chai đựng nước mắm nằm lật nghiêng, trống không, kiến bò đầy đít chai. Không có gì có thể nhá được trừ hai con mực nướng bị gặm nham nhở trong cái đĩa sắt tây cạnh chân Họa sĩ.
Hẳn nhiên rượu vẫn có, nhiều là đằng khác: một chai đang uống dở, dưới gầm bàn còn nguyên xi hai chai. Tính Họa sĩ vốn vậy, hết tiền mua gạo - đó là một “chân lý”; luôn sẵn tiền mua rượu - lại là một “chân lý” khác. Không ai tin được, nhưng quả đúng như vậy. Thế mới buồn cười, Họa sĩ bao giờ cũng buồn cười.
- Hoàng đấy à? Hoàng phải không nhỉ?
Họa sĩ bỗng ngước lên, giương mắt nhìn Hoàng y như vừa bắt gặp một thiên thạch.
- Vâng, cháu... - Hoàng rụt rè trả lời.
- A ha ha... Hoàng! Té ra là Hoàng thật!
Họa sĩ bò tới ôm lấy hai đầu gối Hoàng cười ha hả.
- Đang buồn, ối giời đất ơi, buồn thê lương chú mày ạ. Nào, đem kiểm tra xem đang là “chim” hay đã thành “cu” rồi nào! ... A ha ha “cu”! “Cu”! Chú mày lớn từ lúc nào thế?
Hoàng thấy nhột, hất nhẹ tay Họa sĩ ra, nói:
- Hôm nay ngày sinh nhật của ba cháu đấy, chú Tư. Ba cháu mời chú đến chơi. Hình như lúc chiều ba cháu có nhắn với chú rồi...
- À... ờ nhỉ? Ôi thôi bỏ mẹ tôi rồi! Mười bảy tháng Bảy...
Họa sĩ lồm cồm bò dậy, vớ lấy áo trắng cáu bẩn móc ở phía trên thùng gạo:
- Đi chớ! Bí thư huyện ủy mời mà dám không đi à? Có muốn chết...
Nói vậy nhưng Họa sĩ lại ngồi bệt xuống, cầm chai rượu thong thả rót đầy hai chén.
- Uống một chén đã Hoàng. Tập làm đàn ông đi. Làm đàn ông sướng lắm chú mày ơi, sư-ướng lắm!
Hoàng đỡ chén rượu từ tay Họa sĩ. Anh không uống, chăm chăm nhìn gương mặt hốc hác của Họa sĩ. Họa sĩ tu sạch chén rượu đầy, “khà” một tiếng thật to, đưa tay áo quệt mồm, lè nhè:
- Chà, sinh nhật sinh nhiếc... hì hì... chúng nó lừa ba cậu đấy chứ ba cậu dân nhà quê biết quái gì cái trò này. Hả? Biết gì... Chúng nó muốn hà hít ba cậu để nương thân đấy... Ba cậu có biết chúng nó muốn bịa ra cái sinh nhật để hà hít không? Biết quá đi chớ. Dân nhà quê thế chứ khôn tổ bố. Tôi còn lạ gì ba cậu... Không ai lừa được ba cậu đâu nhé. Ông ấy chỉ giả vờ bị mắc lừa thì cực giỏi. Thật đấy, ba cậu ấy mà...
Họa sĩ khua khua chén rượu trước mặt mình, nói liên miên. Hoàng không giận - giận Họa sĩ thì giận cả đời - chỉ thấy buồn. Một lần, nhân chuyện gì đó Hoàng có hỏi ba anh:
- Chú Tư nói vậy có đúng không?
Ba anh tủm tỉm cười:
- Chú ấy luôn luôn nói đúng một nửa sự thật.
Hoàng lại hỏi:
- Tại sao chú Tư chỉ nói đúng một nửa sự thật?
Ba anh trả lời:
- Nửa sự thật còn lại có thể chú ấy không biết, không thấy hoặc có biết, có thấy nhưng không tin.
Hoàng gặng hỏi:
- Tại sao chú ấy có biết có thấy lại không tin?
Ba anh thở dài:
- Thì chính ba cũng đang hỏi ba câu ấy.
Nếu ba anh nói đúng, tức Họa sĩ luôn luôn nói đúng một nửa sự thật, vậy nửa sự thật còn lại sẽ nằm ở phía nào trong cái sự lè nhè của Họa sĩ về chuyện “sinh nhật, sinh nhiếc” kia?
Họa sĩ chống gối đứng dậy, lảo đảo tiến về phía cây đàn ghi-ta treo lủng lẳng trên đống soong nồi. Họa sĩ ôm đàn ghi-ta ngồi bệt xuống chiếu, khịt khịt mũi.
- Dù sao cũng phải chúc mừng ngày sinh nhật của một ông đầu têu huyện, đúng không?
Họa sĩ giương mắt nhìn Hoàng, nhấp miệng một cái rồi cao giọng:
- Nào, cậu đem chai rượu lại đây, rót đi. Tôi và cậu chúc mừng ba cậu.
Hoàng rót đầy hai chén, ngồi bệt xuống chiếu, đối diện với Họa sĩ. Họa sĩ nâng cốc, mắt long lanh.
- Nào, chúc mừng Chủ nghĩa Xã hội huyện nhà, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thanh và Đại úy Thìn ngày mỗi tươi sáng.
Cốc! Tách!
- Chúc đồng chí Thanh kính mến của chúng ta sống dai hơn và khôn vặt nhiều hơn!
Cốc! Tách!
Họa sĩ hất hàm:
- Cậu phải nói đi chớ.
Hoàng cười, lắc đầu. Anh liền nhấp một ngụm. Đấy là những giọt rượu đầu tiên trong đời anh. Những giọt rượu nóng rực chạy ngoằn ngoèo trong bụng, chạy đến đâu biết đến đó. Anh nghĩ thầm: “Gớm, rượu nóng như lửa là vậy mà chú Tư ngày nào cũng vài chai thì còn gì là ruột gan? Ghê thật”.
- Cậu phải nói đi chứ. - Họa sĩ nhắc lại.
Hoàng lắc đầu:
- Cháu chả biết chúc.
- Thì cứ nói đại một câu gì đấy!
Ngần ngừ một lát, Hoàng nâng cốc lên, vui vẻ:
- Chúc ba cháu ngày mỗi mạnh khỏe. Chúc ba cháu và chú Tư đều có vợ!
- Há hô hô hô... Thằng này làm lãnh đạo được, nói năng khôn tổ bố.
Họa sĩ Tư cười, ôi chao là cười. Vừa cười vừa “hay” “được” “khá”.
Cốc! Tách!... Cốc! Tách!... Cốc! Tách!
Họa sĩ hào hứng tung cây đàn ghi-ta lên, hát. Họa sĩ hát rất hay, giọng ấm và trong, vang xa như giọng bất kỳ ca sĩ có hạng nào trong tỉnh, không gợn một chút lè nhè nào.
“Rồi mọi sự sẽ qua đi, may mắn và cay đắng. Rồi mọi sự sẽ qua đi, kẻ ác và đứa thiện. Anh và em là cái cóc khô gì mà nuối tiếc...
Rồi mọi sự sẽ qua đi, cỏ sẽ lên xanh. Anh và em là cái cóc khô gì mà vương vấn nhau hoài...”
Hoàng há hốc mồm nghe Họa sĩ, sướng lịm sườn. - “Không biết bài hát của ai mà hay thế?”...
Toàn thân Họa sĩ rung lên theo nhịp điệu u sầu của bài hát. Họa sĩ mở to mắt, đăm đắm nhìn vào góc tối, nơi có bức tranh đang đặt úp lên cái ghế đẩu, y như Họa sĩ hát vì bức tranh, cho bức tranh.
“Không biết bài hát của ai mà hay thế?”... - Hoàng nhắm nghiền mắt, bất giác nhớ đến tấm thân nõn nà của Thùy Linh buông xuống dòng sông, như một mảnh trăng non dập dềnh...
Họa sĩ đang ngật ngưỡng với cây đàn ghi-ta của mình, không nhớ đến Hoàng nữa, toàn thân rung lên theo nhịp điệu u sầu của bài hát, mắt vẫn không rời góc tối, nơi có bức tranh đang đặt úp lên cái ghế đẩu. Hoàng đứng dậy, tiến về phía bức tranh, nhấc lên.
Tiếng hát im bặt. Họa sĩ bần thần nhìn theo Hoàng. Hoàng giơ cao bức tranh sơn dầu có cái tên: “Trăng thượng huyền” về phía Họa sĩ:
- Chú mới vẽ đấy à?
- Ờ, mới. Được không?
Hoàng cười:
- Cháu biết gì mà được với không?
Hoàng vẫn ngắm nghía bức tranh, cố tìm xem “ý nghĩa” bức tranh là như thế nào. Bức tranh đặc tả một người đàn ông đứng đối diện với một người đàn bà trên vầng trăng non được vẽ như cái thuyền treo lơ lửng giữa nền trời màu tro xám. Hai người đều trần truồng, trắng lốp. Người đàn ông thấp bé, gầy còm, vẻ mặt kiêu hãnh hơi ngẩng lên, hai tay hướng về người đàn bà. Người đàn bà thân hình cân đối thon thả, mông và ngực nở căng, gương mặt đau đớn như đang chạy từ một nơi giông gió đến. Hai tay cũng hướng về người đàn ông. Họ đang hướng về nhau, cố tiến về nhau, nhưng có một sức mạnh siêu nhiên nào đó ngăn cản họ, buộc họ phải dừng lại ở một khoảng cách rất nhỏ, nhỏ đến mức chỉ cần cố lên một chút nữa là họ có thể ôm chầm lấy nhau... Thế mà không được, không cách gì có thể được. Đôi cánh tay trần của người đàn bà đang run lên, chới với...
- Chú vẽ ai thế này?
Hoàng ngước nhìn Họa sĩ. Họa sĩ buồn rầu đáp:
- Không ai cả. Nghệ thuật là hư cấu, tôi chỉ hư cấu...
- Không đúng!
- Sao?
Họa sĩ ngơ ngác, mắt chớp chớp. Hoàng quả quyết:
- Chú vẽ chú và thím Hoa!
Họa sĩ bật dậy, lừ lừ đến chỗ Hoàng, toàn thân nghiêng ngả, tựa một cơ thể đã rệu rã, chỉ một chút xíu nữa là đổ sập xuống, văng ra từng mảnh một.
- Ai bảo cậu? Ai bảo cậu... rằng thì là... tôi là... vẽ tôi và...
Trông Họa sĩ dữ tợn hẳn: mắt trợn ngược, hai hàm răng nghiến chặt. Hoàng tủm tỉm cười, đặt bức tranh về chỗ cũ.
- Chú giả vờ làm gì, cháu biết hết! Đấy là bức tranh nói về hoàn cảnh của chú và thím Hoa.
Thế là Họa sĩ bỗng như một kẻ cuồng, nhảy nhót, khoa chân múa tay.
- Thế à? Cậu biết thật à? Hé he he... Thế mà tôi cứ nghĩ chỉ có tôi, đích thị là tôi, không ai khác hơn là tôi mới hiểu nó! Ghê gớm chưa: nghệ thuật!... Tôi vẽ tôi đấy! Tôi vẽ tôi và vợ anh tôi đấy! Cắt cổ tôi đi! Ai cắt cổ tôi thì cứ việc, xin mời!
Họa sĩ lại nâng cây đàn ghi-ta lên, đứng chạng chân tựa vào vách lều, hát. Hát như một kẻ điên khùng:
“Rồi mọi sự sẽ qua đi, may mắn và cay đắng. Rồi mọi sự sẽ qua đi, kẻ ác và đứa thiện. Anh và em là cái cóc khô gì mà nuối tiếc.
Rồi mọi sự sẽ qua đi, cỏ sẽ lên xanh. Anh và em là cái cóc khô gì mà vương vấn nhau hoài...”
Hoàng bỗng rưng rưng nước mắt.
Lát sau, Họa sĩ nhờ Hoàng bí mật trao bức tranh “Trăng thượng huyền” cho thím Hoa. Hoàng vui vẻ nhận lời.
- Cậu về trước đi. - Họa sĩ bíu vai Hoàng vừa thở vừa nói: - Nhà cậu bây giờ toàn loại tai to mặt lớn đến mừng sinh nhật ba cậu... Tớ đến sớm dễ phá đám lắm. Về đi, tớ sẽ đến sau...
Hoàng chui ra khỏi lều, ngoái lại chợt thấy Họa sĩ rủ xuống, nằm còng queo trên tấm chiếu rách. Hoàng vừa đi vừa ngoái lại mãi cho đến lúc chỉ còn thấy ngọn đèn dầu trong túp lều cháy yếu ớt, hiu hắt như mắt Họa sĩ thỉnh thoảng ngước lên, ngóng đợi một điều gì...
***
Thùy Linh chạy băng qua cánh đồng nhỏ đến nhà Hoàng.
Cô cần phải gặp Hoàng ngay. Cũng chẳng để làm gì cả, cô rất muốn gặp anh, thế thôi. Trong cô đang có một chấn động khủng khiếp mà trái tim non dại của cô chưa đủ sức chịu đựng. Cô tìm gặp Hoàng không phải để giãi bày “chấn động” này. Cô sẽ không cho ai biết, bất cứ ai, kể cả mẹ cô. Bởi vì cô thấy xấu hổ, không, bởi vì cô thấy nhục nhã, và ghê tởm...
Chuyện vừa xảy ra xong nhưng nó có mầm mống từ hai ngày trước.
Đó là buổi chiều thứ Năm. Trần Hới đột nhiên đến chơi nhà Thùy Linh. Cô đang làm cá, cảm thấy một đôi mắt đang nhìn sau gáy mình. Thùy Linh quay lại: Trần Hới đang đứng khoanh tay nhìn cô, cách chừng hai bước chân.
- Thưa thầy... thầy đến chơi.
Trần Hới mỉm cười, khẽ lắc đầu:
- Tôi bây giờ đâu còn là thầy của Thùy Linh nữa.
- Dạ, nhưng mà...
Thùy Linh cười, dẹp cá sang một góc, rửa tay.
- Cứ làm cá tiếp đi. Tôi đứng đây nói chuyện cũng vừa.
- Mời thầy vào nhà chơi.
Thùy Linh tránh cái nhìn của Trần Hới, cúi đầu đi vào nhà. Trần Hới chậm rãi bước theo sau. Thùy Linh thấy lạ, không dưng thầy lại đến chơi? Đã hai năm nay, từ ngày thầy bị kỷ luật vì tội ăn nằm với một học sinh lớn tuổi, buộc thôi dạy Toán về coi Phòng Giáo cụ Trực quan, thầy không đến chơi nhà học trò nữa. Đã hai năm, thầy ra ra vào vào quanh khu vực nhà trường. Thường là chỉ luẩn quẩn quanh Phòng Giáo cụ Trực quan. Năm nay thầy bỗng trúng Ban chấp hành đoàn trường, được bầu làm Bí thư đoàn trường, phạm vi đi lại của thầy có rộng hơn nhưng cũng chẳng vào nhà học trò. Thầy chỉ đi lại từ trường lên huyện đoàn, đôi khi rẽ qua Ủy ban Hành chính thị trấn, thế thôi.
Chuyện thầy bỗng nhiên trúng Ban chấp hành đoàn trường rỗi bỗng nhiên trúng Bí thư đoàn trường với số phiếu gần tuyệt đối làm nhiều người ngạc nhiên. Có nhiều cách giải thích khác nhau. Cách giải thích phổ biến nhất: Trần Hới là một thanh niên đa tài. Thầy hát hay, chơi ghi-ta thần tài và hoạt bát, năng nổ. Nếu không có vụ hủ hóa nghiêm trọng kia thì thầy đã được bầu làm Bí thư đoàn trường khóa trước. Cách giải thích thứ hai, chỉ phổ biến nội bộ - bằng phương pháp rỉ tai - là thầy, chính thầy đã ủng hộ thầy hiệu phó rất quyết liệt khi thầy hiệu trưởng và thầy hiệu phó xích mích nhau. Rồi không rõ vì sao bỗng dưng thầy hiệu trưởng bị cách chức vì tội tham ô. Tham ô gì thì Thùy Linh không biết (học trò không được biết chuyện thầy giáo), chỉ nghe nói là thầy hiệu trưởng lấy của nhà trường bốn tấn xi măng về xây nhà riêng. Người nói: làm gì có, thầy hiệu trưởng không bao giờ làm chuyện đó. Người nói: không có mà bị cách chức à? Người nói: Trần Hới là thằng vu cáo. Người nói: Trần Hới là người trung thực, dám đấu tranh... Linh tinh cả lên, chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả.
Khi Thùy Linh và Hoàng bước vào năm học mới, cũng là năm cuối cùng của tuổi học trò, cô và Hoàng đều được kết nạp Đoàn và lần đầu tiên được dự Đại hội Đoàn trường, thì vụ tham ô của thầy hiệu trưởng đã được kết luận. Thầy hiệu trưởng bị điều đi dạy một trường khác. Thầy hiệu phó lên làm hiệu trưởng. Trần Hới được chi bộ nhà trường đề cử vào Ban chấp hành đoàn trường. Chi bộ đã giới thiệu thì bỏ vào cối đâm cũng không trật. Người ta nói thế. Và có thế thật, Trần Hới đắc cử. Ba tháng sau, do yêu cầu nhiệm vụ, người ta không thể để một Bí thư đoàn trường ở ngoài Đảng, vô lý. Vậy là Trần Hới được kết nạp vào Đảng. Thật không ngờ.
Công việc đầu tiên của thầy là tổ chức ngay một đội văn nghệ. Thùy Linh cùng với hai bạn gái trong lớp được điều động vào đội văn nghệ. Cũng là lẽ đương nhiên, Thùy Linh hát hay và đẹp. Hát hay đã quý rồi, đằng này lại đẹp nữa, đội văn nghệ lập tức nổi tiếng. Thi huyện nhất huyện. Thi tỉnh nhất tỉnh. Đặc biệt nhất là điệu múa Đầm sen...
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng...
Thùy Linh từ từ đứng dậy giữa những “cánh sen” trắng. Cô mặc bộ đồ lụa vàng mỏng, uốn mình thực hiện những đường lượn tuyệt vời...
Nhụy vàng bông trắng lá xanh...
- Hoan hô!
- Múa lại!
- Ho-an-hô-ô!
Bao giờ cũng thế, ở đâu cũng thế, điệu múa Đầm sen đều được khán giả vỗ tay vang dội.
Cái đêm kết thúc cuộc thi văn nghệ quần chúng của 120 đội văn nghệ tại thị xã Đ. ban giám khảo quyết định trao giải nhất cho đội văn nghệ trường cấp ba huyện Linh Giang. Trần Hới đứng trước bốn ngọn đèn pha, khiêm tốn cúi chào một ngàn khán giả. Tất cả đều xuýt xoa trước vẻ đẹp mê li của thầy.
- Hoan hô!
Không biết người ta hoan hô Bí thư đoàn trường nổi danh vì xây dựng được đội văn nghệ nổi danh hay hoan hô vì “thằng cha này quá đẹp!”. Thùy Linh đứng trong cánh gà nhìn xuống hội trường thấy một ngàn cặp mắt long lanh, long lanh... Trần Hới đi vào, thầy dừng lại trước mặt Thùy Linh.
- Tôi thấy xúc động quá, Thùy Linh ạ.
- Vâng... em cũng mừng...
Trần Hới nắm hai bả vai Thùy Linh siết mạnh.
Trần Hới cúi xuống, cúi xuống nữa... Bất ngờ Thùy Linh ngước lên, bắt gặp hai tia mắt sáng xanh của thầy đang dần áp sát mặt mình. Cô giật mình lùi mau ra.
- Cám ơn Thùy Linh!
Thùy Linh vùng chạy. Cô chạy thục mạng ra phía sau hội trường. Cô run lên, đứng dựa vào tường chắn gió thở dốc. Suýt nữa, suýt nữa... cô bị một cái hôn của thầy rơi xuống...
Đấy là chuyện cũ. Từ ngày Thùy Linh thôi không tham gia đội văn nghệ nữa, cô cũng ít gặp thầy. Thỉnh thoảng có gặp, Thùy Linh đều thấy vẻ ăn năn hối lỗi qua cái nhìn dịu dàng lẫn đau khổ của thầy.
- Tôi đến để báo cho em một chuyện buồn. - Trần Hới bẻ ngón tay, thong thả nói.
- Sao ạ? - Thùy Linh ngừng rót nước, hỏi.
Trần Hới đưa tay vuốt nhẹ mái tóc ốp rất đẹp của mình, khẽ thở dài. Hai tay chống trán, ngồi im lặng rất lâu. Lát sau ngẩng lên, buồn rầu nói:
- Tôi sắp có vợ rồi!
Thùy Linh bật cười:
- Thầy nói đến hay! Sắp có vợ lại buồn.
Trần Hới nhếch mép, vẻ chán chường. Nhấp một ngụm nước chè nóng, mắt lơ đãng nhìn ra cửa sổ.
- Cuối cùng là số phận, - Thầy nói: - Số phận Thùy Linh ạ. Em có biết cô Cam không?
- Cô Cam dạy cấp một ấy à?
- Đấy. Ngày mai, đúng mười tám giờ tôi sẽ tổ chức... cưới cô ấy.
Thùy Linh tròn mắt. Không ngờ thầy lại cưới cô Cam. Thầy đẹp giai thế, nổi tiếng thế... Tất nhiên, cô Cam bản tính hiền lành, nhu mì, về hạnh kiểm chẳng có gì phải bàn cả. Có điều, quả là cô xấu quá, mặt tròn phẹt, rỗ hoa, người lùn, tròn quay như cái cối xay. Bọn con trai xấu miệng vẫn gọi cô là “Cam thị nở”... Đã xấu lại cao tuổi. Không chừng còn lớn tuổi hơn thầy. Thùy Linh bỗng chạnh lòng thương thầy. Ừ, có lẽ là số phận cũng nên. Chao ôi, cái số phận thật kinh khủng.
- Tôi đến nhờ Thùy Linh - Trần Hới chậm rãi nói, giọng đầy vẻ chán chường: - Ngày mai, đúng mười tám giờ đến giúp tôi hát mấy bài, gọi là liên hoan văn nghệ.
- Vâng... - Thùy Linh khẽ nói rồi bỗng nhiên nói to: - Nhưng thầy yêu cô Cam bao giờ thế? Lâu nay em có thấy thầy đi lại nhà cô bao giờ đâu?
Trần Hới cười dài, lấy khăn mùi soa chùi nước mắt sống.
- Yêu à? Không yêu mà cưới sao? - Thầy lắc đầu: - Thôi, nói chuyện ấy thêm buồn... Thực ra tôi đâu có yêu... Tôi đùa giỡn chút ít hóa ra thật...
Trần Hới chào Thùy Linh, lẳng lặng ra về. Thùy Linh đưa thầy ra ngõ. Hai người sóng đôi, nhưng bước đi chậm và buồn. Đến hàng rào cây dâm bụt, Trần Hới ngắt một bông hoa, để vào lòng tay xoay xoay.
- Đến bây giờ thì tôi bỗng khinh tôi, ghê tởm tôi... Và, tôi có thể... nói điều này với Thùy Linh... - Thầy ngừng nói, thở dài: - Nói bây giờ Thùy Linh có thể tin, còn trước đây thì không thể... Bởi vì, tôi đã có “dớp” rồi! Tôi yêu em, Thùy Linh ạ, tôi yêu em! Thế đấy!...
Thầy bước nhanh ra ngõ, đi như chạy, đầu cúi gầm xuống mặt đường.
Thùy Linh không ngạc nhiên. Cô đã biết điều ấy từ lâu, từ rất lâu rồi. Cô cũng chẳng muốn thầy nói ra bởi vì cô đã có Hoàng. Cô yêu Hoàng và sợ thầy. Nhưng lúc này, không hiểu sao cô lại thấy thương con người mà mình luôn luôn lẩn tránh ấy. Ừ, số phận cả thôi mà...
Tối hôm sau Thùy Linh đến đám cưới đúng giờ. Lúc đầu cô định rủ Hoàng cùng đi. Sau, nghĩ lại, biết Hoàng không thích chỗ đông người, nên thôi.
Đám cưới lớn, rất lớn, lớn và rầm rộ, vượt ra ngoài tưởng tượng của Thùy Linh. Đủ mặt tất cả quan chức trong huyện, kể cả ba Hoàng. Con gái phó Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch huyện cưới chồng, đáng ra không thể cưới được chồng lại cưới được ông chồng quá đẹp trai. Vậy là người ta xô nhau đến, ầm ào náo nhiệt, tầng tầng lớp lớp chật cứng cả hội trường lớn của huyện.
Cô dâu mặc áo dài màu tím, có thắt nơ hồng đính ở ngực, cài vòng hoa nhài trắng ở đầu. Chú rể bận com-lê xanh, thắt nơ xanh đính ở ngực. Mặt hai người rạng rỡ, tràn ngập hạnh phúc, khoác tay nhau bước vào hội trường. Pháo nổ kéo dài mười chín phút. Giới thiệu, vỗ tay. Cô dâu chú rể đứng ra chào hai họ, vỗ tay. Đại diện gia đình, Chủ tịch huyện đứng ra đọc một bài diễn văn, vỗ tay. Sau đó là chương trình văn nghệ kéo dài hai tiếng đồng hồ. Thùy Linh hát hai bài. Bài nào cũng được vỗ tay nhiệt liệt.
Cuối cùng đám cưới cũng phải tàn. Đã mười hai giờ đêm. Đội văn nghệ ở lại ăn mặn với gia đình thêm hai giờ nữa là hai giờ sáng.
- Tôi sẽ đưa Thùy Linh về.
Trần Hới thay bộ com-lê, bận đồ xanh công nhân, vui vẻ nói với Thùy Linh.
- Thưa thầy, em về một mình được.
- Thôi đi! Nhà em ở xa nhất, con gái không nên đi một mình.
Đoạn, thầy quay lại cô Cam lúc này vẫn đang bận áo dài màu tím, hình như cô không muốn thay cái áo quá đẹp này...
- Anh đưa Thùy Linh về nhà. Học trò anh... nó ở xa.
- Dạ! - Cô Cam mỉm cười gật đầu. Cô đang hạnh phúc, ai muốn làm gì mà chẳng được.
Trần Hới cùng Thùy Linh bước ra đường. Đêm rũ xuống đen đặc. Gà gáy. Những con gà trống chán đêm rướn cổ, đập cánh gáy vang động. Với gà trống, đêm tối là ngục tù của nó. Còn con người thì ngược lại, họ có hai phần: phần ánh sáng và phần bóng tối. Bóng tối cũng có nhiều việc phải làm. Nói chung, người ta dùng ánh sáng để làm phận sự của phần Người, bóng tối để làm nốt phận sự còn lại, cũng rất quan trọng - phần Con! Việc phân chia này cũng chỉ là qui ước tương đối, trong thực tế cứ lộn tùng phèo cả lên.
- Nói chung, tôi là một thằng hèn. - Trần Hới nói.
- Sao ạ? - Thùy Linh hỏi.
- Bởi vì... Lý ra tôi không nên nhảy vào đám cưới ngớ ngẩn này.
- Thầy đừng nói thế. Số phận, phải chấp nhận...
Họ đi sát bên nhau, trong cái phần bóng tối của con người. Thỉnh thoảng đưa đẩy vài câu rồi im lặng. Thùy Linh thấy lạnh, cô khoanh tay trước ngực, bước theo thầy. Trần Hới cũng khoanh tay chậm rãi bước.
Những con gà trống chán đêm rướn cổ, đập cánh gáy vang động.
Bất ngờ, Trần Hới đưa tay khoác qua vai Thùy Linh, kéo sát. Giật mình, Thùy Linh bắn người ra xa.
- Thầy!...
Trần Hới nhào tới, choàng lấy cô siết mạnh.
- Thầy-ầy!... Thầ-ầy!...
- Tôi yêu em, Thùy Linh. Tôi sẽ rũ bỏ tất cả, rũ bỏ tất cả để có em!
Trần Hới ghì chặt môi mình lên mặt Thùy Linh, hôn điên dại. Thùy Linh kêu to:
- Buông ra! Buông ra!
Và toàn bộ sức mạnh trinh nữ đã đánh bật Trần Hới ra xa, Thùy Linh vùng chạy.
- Hoàng ơi! Cứu!...
Cô hét lên, hét rất to. Thị trấn Linh Giang đã ngủ say. Người nào không ngủ thì đang cạy cục thực hiện cái phần Con, không còn ai nghe thấy. Thùy Linh chạy một mạch về nhà. Cô lao vào, đập cửa dữ dội:
- Mẹ! Mẹ! Mẹ!
Và cô ngã vào lòng thím Hoa, òa khóc.
***
Hoàng bước vào nhà, các vị tai to mặt lớn (theo cách nói của Họa sĩ Tư) trong huyện đã có mặt đầy đủ, trừ Đại úy Thìn do phải trực chỉ huy không đến được. Bốn dãy bàn, sáu mươi người đang ôm bụng cười ha hả vì một câu nói đùa của ba Hoàng vừa dứt. Rượu và rượu và rượu... giăng đầy và những cặp mắt lờ đờ vì hơi men. Chỉ Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh là vẫn tỉnh như sáo. Ông mặc bộ com-lê đen, đi lại nhẹ nhàng giữa các dãy bàn, chạm cốc với một người, vỗ vai với một người, rỉ tai với một người... cứ thế, cứ thế... cười. Cười nghiêng ngả.
Lần đầu tiên ông Thanh tổ chức sinh nhật. Lần đầu tiên thị trấn Linh Giang có người tổ chức sinh nhật. Xưa nay chẳng ai nghĩ đến cái “trò nhảm nhí” này bao giờ. Nhiều người biết, nhiều người muốn tổ chức, nhưng chưa ai dám, sợ bị qui là phú quý sinh lễ nghĩa. Nhất là trong những năm đầu của “thời kỳ quá độ”, nhân dân lao động đang đổ mồ hôi sôi nước mắt xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, cái “trò nhảm nhí” này lại được coi là rất nhảm nhí, sặc mùi tư sản thực dân.
Ông Thanh không nghĩ vậy, có điều ông cũng chẳng thú gì lắm trò này. Ông cho rằng, cuộc đời đã quá bận rộn với các sinh nhật lớn, các ngày kỷ niệm lớn... Bây giờ không dưng lại bắt mọi người phải nhớ đến cái ngày “lòi mắt chuột” của bí thư Huyện ủy quèn, là ông. Lại thêm xung quanh ông chẳng ai kỷ niệm ngày sinh tháng đẻ của mình, người ta chỉ cố hoàn thành việc phụng thờ người chết đã mệt mỏi lắm rồi, bây giờ lại phụng thờ chính mình, chính những người đang sống nhăn răng quanh mình... Hà, nghe buồn cười chết đi được!
Vậy nên ông chẳng thiết đến cái trò này, thậm chí nhớ đến ngày mình sinh ra ông cũng cảm thấy vô duyên. Công việc này chỉ dành cho khi ngồi ghi lý lịch, làm hộ khẩu... Thế thôi. Còn lại, phải quên ngay, nếu không, có người sẽ qui cho ông là cá nhân chủ nghĩa.
Hôm hai vợ chồng Trần Hới đến chơi nhà, mời ông dự lễ cưới. Nói chuyện tào lao một lát, Trần Hới hỏi:
- Năm nay chú có tổ chức sinh nhật không?
- Sinh nhật nào? - Ông ngớ ra.
Trần Hới bình thản nói:
- Chú sinh ngày mười bảy tháng Bảy năm 1909, tức là ngày mồng một tháng Sáu năm Kỷ Dậu. Năm nay là năm Giáp Thìn, tức chú chẵn 55 tuổi.
- Ờ nhỉ! - Ông Thanh ngửa người ra thành ghế vui vẻ: - Gớm, anh mới quen con gái ông bạn tôi có vài tháng mà đã nhớ ngày sinh tháng đẻ của tôi.
Cô giáo Cam nói, giọng tươi rói:
- Thế là chỉ còn hai ngày nữa, sau đám cưới bọn cháu là đến lượt chú... Bọn cháu được ăn kẹo...
Ông Thanh xua tay, cười:
- Nói vậy là... nói vậy chứ tổ chức làm cái gì, nhiêu khê lắm.
- Ấy! Bọn cháu lo hết! - Trần Hới kêu to: - Bọn cháu biết hoàn cảnh của chú. Nhà chỉ có em Hoàng, không lo được. Bọn cháu sẽ lo chu tất. Chú cứ coi bọn cháu như con cái của chú.
Ông Thanh lắc đầu:
- Không, nhiêu khê đằng khác kia...
Trần Hới hiểu ngay ý ông nói:
- Trước khi đến đây, ba cháu có nói: “Bọn con thử gợi ý xem bác Thanh có nên tổ chức sinh nhật không?”. Cháu nghĩ: sao lại không nhỉ? Chúng ta đang xây dựng nếp sống mới trên toàn xã hội, tổ chức sinh nhật là một công việc của nếp sống đó. Lâu nay chúng ta cứ điếu phúng người chết, giỗ chạp ma chay... đấy là mê tín, đấy là nếp sống cũ cần phải loại bỏ. Chú phải làm, làm đầu tiên, cũng là cách biểu hiện tư tưởng mới của chú, con chim đầu đàn của huyện.
- Làm thì làm! - Ông Thanh đập khẽ tay xuống bàn, cười to: - Thử làm con chim đầu đàn cái xem sao! Kha kha!...
Nói thế, cười thế cho vui chứ ông không định thế. Sáng sau ông quên mất. Mãi đến chiều hôm nay, khi tan cuộc họp thường vụ, ông Lanh (Phó bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch huyện) đứng lên:
- Tối nay mời anh em ta đến nhà anh Thanh nhé. Hôm nay là ngày sinh nhật của anh Thanh.
- Ủa! - Ông Thanh tròn mắt: - Ai bảo anh thế? Tôi có tổ chức đâu...
Ông Lanh cười:
- Xong hết rồi, cứ yên tâm. Thằng Hới nhà tôi đã lo chu tất.
Quả thế thật. Bây giờ ông chỉ việc bận bộ com-lê đen vào, thế là xong. Vợ chồng Trần Hới đã lo đủ: đủ rượu, đủ thức ăn ngon và đủ khách. Ông chỉ việc mời thêm Họa sĩ Tư nữa là được, nhưng giờ này Họa sĩ Tư vẫn chưa đến. Tất cả đang vào cuộc. Rượu và rượu và rượu... giăng đầy và những cặp mắt lờ đờ vì hơi men.
Bỉ ngồi ở dãy bàn thứ hai, chùi mép đứng dậy:
- Thưa anh Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy...
Ông Thanh vui vẻ cắt ngang:
- Này, ở đây có ai không biết tôi là Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy không nhỉ? Vậy thì giới thiệu làm gì ông Bỉ ơi!
Bỉ cười:
- Vâng! Vâng! Là em... tức là em... nó quen mồm. Có nghĩa là em muốn nói thế này anh Thanh ạ. Em muốn nói thế này, e hèm, thưa các anh trong thường vụ... Chết, em lại quen mồm...
Tất cả cười ra. Trần Hới ngồi cạnh ông Lanh, rỉ tai bố vợ:
- Thằng ấy nói “kháy” đấy, ba!
Ông Lanh gật gù:
- Nói “kháy” là bản chất của bọn văn nghệ.
- Phải trị ba ạ! - Trần Hới thì thầm.
- Ờ, cũng phải từ từ. Trị bọn này phức tạp lắm...
Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy nuốt vội miếng thịt bò chấm nước mắm, không kịp chùi mép, vùng đứng dậy nói chen ngang Bỉ, giọng đã lè nhè:
- Thưa anh Thanh, anh Lanh... Thưa các anh chị. Được sự giáo dục của anh Thanh và anh Lanh cùng bác Thìn kính mến, tụi em ở dưới cơ sở là cứ sáng mắt ra. Trước đây nghe nói: “ai thắng ai” cứ lơ mơ. “Ai thắng ai” là cái quái gì nhỉ. “Ai” rồi lại thắng “ai”, hơ, nghe buồn cười quá! Thưa anh Thanh, anh Lanh cùng các anh chị! Em bây giờ rõ lắm! Em là em cùng với các đồng chí trong thường vụ Đảng ủy thị trấn quyết ra tay. Chẳng nhẽ mỗi chuyện “ai thắng ai” mà lâu thế. Ở đâu không biết, chứ thị trấn này chỉ một năm nữa là biết rõ “ai thắng ai” cho mà xem!
- Hoan hô!
Tiếng hoan hô ầm ầm.
Cốc! Tách!... Cốc! Tách!... Cốc! Tách!... Cho tới khuya. Đang vui, đang tranh nhau nói, phì cả nước bọt vào nhau, về vấn đề “ai thắng ai” bỗng mọi người giật mình: Có tiếng đá rơi xuống mái ngói, mỗi lúc một nhiều, tới tấp.
- Thằng nào ném đá! - Chủ tịch thị trấn xắn tay áo xăm xăm bước ra.
- Thằng nào ném đá vào nhà Bí thư huyện ủy! Ông là ông gô cổ! - Chủ tịch thị trấn bước nhanh ra ngõ.
- Anh Thanh ơi là anh Thanh ơi! Em yêu chủ nghĩa xã hội lắm anh Thanh ạ. Đứa nào chống lại chủ nghĩa xã hội là em ném đá bỏ mẹ nó đi!
Họa sĩ đứng trước ngõ nhà ông Thanh gào to. Vừa gào, Họa sĩ vừa nhặt những hòn đá bằng nắm tay ném lia lịa vào nhà.
- Này, anh kia! Làm cái trò gì thế hả? - Chủ tịch thị trấn gầm lên.
Họa sĩ Tư dừng lại, đột nhiên cười to, chạy đến ôm chầm lấy ông Huy.
- Ối giời ơi, bác Huy! Em tưởng là ai... Bác Huy ơi bác Huy, em yêu Chủ nghĩa Xã hội lắm. Trong nhà có đứa nào chống lại Chủ nghĩa Xã hội thì bác cứ để đấy cho em. Em là em... ném đá vỡ mặt! Bác Huy ơi, bác Huy... cuộc đấu tranh “ai thắng ai” gay go lắm bác Huy ạ. Em hiểu rồi, không ném đá không thắng nổi đâu.
Ông Huy đứng trơ ra, không biết làm gì. Đang ở thế tiến công bỗng chốc bị tiến công, ông lúng túng như gà mắc tóc. Ông chỉ còn biết cố giẫy hai chân mình ra khỏi “vòng ôm tha thiết” của Họa sĩ.
Đám đông trong nhà Bí thư huyện ủy đã giải tán. Họ xô cả ra ngõ.
- Gô cổ nó lại! - Một người nói.
- Tôi sợ mấy thằng văn nghệ sĩ lắm, chúng nó nói một lời mà lắm nghĩa, nguy hiểm lắm. - Một người khác nói.
Bỉ lách đám đông đi ra, nom thấy Họa sĩ Tư đang ôm đầu gối ông Huy, chậc lưỡi: “Mẹ, thằng này táo gan thật!”, rồi vội vàng lật cánh chuồn thẳng.
Đám đông không ai chịu rời Họa sĩ, mỗi người một câu đòi “dứt điểm” ngay với Họa sĩ.
- Còn để nó ở huyện nhà, nhất định có ngày nó làm xấu uy tín của Đảng cho mà xem!
Đám đông lao xao.
Bí thư huyện ủy đi ra, ông nhìn vào đám đông một lượt, từ tốn nói:
- Các anh về đi, để Họa sĩ đó cho tôi.
Ông quay lại, gọi to:
- Hoàng! Đem chú Tư vào nhà.
Mọi người lẳng lặng giải tán.
Vợ chồng Trần Hới đi cạnh ông Lanh.
Trần Hới hỏi ông Lanh:
- Hắn là ai, ba?
- Một họa sĩ ở tỉnh về nghỉ hưu ở thị trấn.
- Hắn ăn nói như một thằng phản động. - Trần Hới bình luận.
Ông Lanh gật gù:
- Ờ, phản động quá còn gì!
- Không ai làm gì hắn cả, ba?
- Ờ, cũng phải từ từ.
Trần Hới thở dài:
- Việc gì cũng từ từ, con sợ...
Ông Lanh vỗ vai Trần Hới:
- Đấy là vấn đề tế nhị. Với thằng ấy thì chỉ nửa giờ là xong. Có điều, hắn lại thân ông Thanh.
- Thế à? - Trần Hới kêu lên.
- Đấy! Phức tạp lắm! Phức tạp lắm! Mai mốt lên huyện làm việc con sẽ thấy.
Trần Hới quay lại phía vợ:
- Đấy! Ba cho anh lên huyện đoàn rồi đấy!
Cam dài giọng:
- Ba đã hứa với em từ lâu rồi!
Trần Hới cầm tay Cam “bấm” một cái. Hai người dừng lại. Anh ôm ghì Cam hôn dài lên cái mặt tròn phẹt của vợ, thầm thì “Cám ơn em. Bao giờ em cũng là vợ quý của anh”. Cam ứa nước mắt, bao giờ gặp cái hôn của Trần Hới cô cũng ứa nước mắt.
Ông Lanh đi trước, nghĩ thầm: “Mẹ, thanh niên bây giờ sướng thật, hôn hít khắp nơi. Chẳng bù cho cái thời mình còn trẻ, cứ động phải cái lông tơ của đàn bà là bị “cạo” đến trắng xương!”.
Lúc này đã một giờ sáng.
***
Lúc này đã một giờ sáng.
Họa sĩ được Hoàng dắt vào nhà đang ôm cột nhà thở dốc, tóc rũ xuống, mặt xanh tái như người vừa qua cơn sốt rét.
- Vào uống nước đã!
Ông Thanh ra hiệu với Họa sĩ, vui vẻ lấy ấm xốc bã chè, pha chè mới. Họa sĩ không tiến thêm bước nào, cứ thế nói, giọng như kẻ sắp chết.
- Anh Thanh này, anh hãy nói cho tôi rằng thì là... Tôi sẽ sống như thế nào. Ví dụ như là...
- Ô kìa, vào uống nước đã. Gì mà cứ lầm rầm ngoài hiên thế.
Ông đến, gỡ tay Họa sĩ ra khỏi cột nhà, dìu đến bên bàn nước.
- Khỏi cần, anh Thanh. Anh cứ ngồi, tôi cứ đứng. Nhiệm vụ của anh là ngồi, ngồi cho đúng ghế...
- Lảm nhảm cái gì thế? Vào uống nước đã! - Ông cười hề hề, lôi đại Họa sĩ vào bàn trà, ấn xuống ghế. - Đấy, bây giờ muốn nói gì thì nói. Tửu lượng hơi nhiều phải không?
- Hơi nhiều nhưng không say đâu, anh Thanh. Tôi không lảm nhảm đâu, anh Thanh. Tôi hỏi nghiêm túc đấy, anh Thanh. Ví dụ như, tôi sẽ sống như ai, anh Thanh. Như anh, như anh của tôi hay như tôi, anh Thanh?
- Hà, gay đấy. Quá nửa đời người rồi mới đi hỏi mình sẽ sống ra sao. Thằng Hoàng của tôi nó cũng không hỏi tôi như thế đâu nhé!
- Nó không hỏi thì tôi hỏi, anh Thanh. Cái số mạng của tôi nó khốn nạn hay nghề của tôi nó khốn nạn? Anh trả lời đi, anh Thanh. Bí thư huyện ủy thì cái mả mẹ gì mà chẳng biết, anh Thanh...
Ông Thanh phì cười, biết Họa sĩ quá say, ông không nói thêm gì nữa, rót nước uống một mình. Họa sĩ hỏi đi hỏi lại câu hỏi ấy. Cứ “anh Thanh”, “anh Thanh”... cho đến lúc nghẹo cổ lịm đi trên ghế tựa dài nhà Hoàng.
Hoàng đứng tựa vào cái tủ lớn theo dõi thái độ của ba mình. Có cái gì như là sự khờ khạo và ngớ ngẩn khi ba anh đối diện với Họa sĩ Tư. Không phải lần này, nhiều lần trước đó cũng vậy. Mỗi bận Họa sĩ bắt ông phải trả lời một câu hỏi nào đó là ông lại xoa xoa tay, nói nói cười cười, đánh trống lảng, cố gắng rút lui trong thế ôn hòa nhất.
Ba Hoàng, Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, không phải là bí thư mít đặc (theo cách nói của Họa sĩ Tư). Ông là người có học, thậm chí là người có học nhất trong đội ngũ những cán bộ ngang cấp với ông trong tỉnh. Khắp huyện này không ai có bằng tú tài như ông. Bởi vì ông không phải loại cán bộ mã tấu, gậy tầm vông tham gia cách mạng từ thuở một chữ bẻ đôi không biết.
Dân Phan Long (một xã ven thị trấn) còn nhớ như in ông tú tài hai mươi bốn tuổi vừa được dân làng rước về, cờ đèn kèn trống suốt ba mươi chín cây số từ tỉnh lị về quê, được mười tám ngày thì Tổng khởi nghĩa tháng Tám bùng nổ, ông rũ sạch vinh quang mà bao nhiêu tráng đinh trong làng, cả những thư sinh con nhà loại giàu có nhất huyện này nằm mơ cũng không thấy, để xắn quần móng lợn hướng đỉnh Chóp Chài theo cách mạng.
Hoàng hiểu ba anh được liệt vào loại người vừa danh lại vừa giá, chứ không phải thuộc loại chỉ có “tấm lòng cộng sản” còn lại tất cả chỉ là một con số không rỗng tuếch. Ông có khả năng phân tích rành mạch và chính xác các sự kiện lịch sử trong nước và thế giới. Napoléon là kẻ như thế nào, Xtalin là người ra sao, cả Spartacus cũng vậy... rành mạch và rõ ràng như họ là bạn bè thân quen của ông vậy.
Nhiều lần ông giảng giải cho Hoàng nghe các giai đoạn của văn học Pháp, Anh, Nga và các trường phái nghệ thuật đang diễn ra trên thế giới. Đôi khi vui miệng, ông còn kể cho Hoàng nhiều giai thoại, chuyện đời tư của các nhà văn, các nghệ sĩ và các nhà khoa học tài ba trên thế giới. Không biết học từ lúc nào mà đầu ông như một thư viện lớn, cần “ô ngăn” nào là ông kéo ra ngay: chính xác và rành mạch. Nhìn vào “thư viện” của ông là Hoàng ngao ngán. Biết bao giờ, có lẽ cần phải hai cuộc đời của Hoàng chập lại mới có được những hiểu biết như ông.
Một lần Hoàng hỏi ông:
- Làm thế nào ba biết nhiều như vậy?
Ông cười:
- Học.
Và nói thêm:
- Biết nhiều chỉ thêm đau khổ.
Rồi cười to, cố tình khuất lấp điều ông vừa phát thành tiếng. Ông thực sự có năng khiếu về sự cười. Bất kỳ lúc nào cũng có thể cất tiếng cười “ha ha ha” đầy sảng khoái.
Có một điều gì đè nặng trong lòng, nó làm cho ông hoặc khó chịu hoặc sợ hãi, khiến ít khi ông được thoải mái. Ông có hai đời sống. Một đời sống giả tạo với mọi người: luôn luôn nói cười vui vẻ và yêu đời như mọi kẻ thành đạt vẫn yêu đời. Một đời sống thực, đầy chán nản, buồn bực, ưu tư và lạnh lẽo khi một mình ông với cái bóng của mình.
Như lúc này chẳng hạn, ông đi lại giữa những khoảng trống của ngôi nhà năm gian, tay bóp trán, mặt nhăn nhó như người mắc bệnh loét dạ dày. Thỉnh thoảng ông ngước nhìn Họa sĩ Tư đang nằm còng queo trên chiếc ghế dài, khẽ thở dài.
Hoàng chỉ nhìn thấy vẻ chán chường biểu lộ trên gương mặt của ông chứ chưa đủ mẫn cảm để nhận biết trên đó còn ẩn náu nỗi đau của một người muốn sám hối nhưng không dám.
Tuổi trẻ chưa nhiều khả năng lưu trữ các nỗi đau, một lát sau Hoàng lịm đi trong tư thế nửa nằm nửa ngồi bên chiếc tủ lớn. Chỉ còn lại ông Thanh với đống chai lọ, chén bát ngổn ngang, mấy cái đèn măng-sông chói sáng, mấy chục lọ hoa hồng chỏng chơ, vô duyên giữa đống giò, chả, bún bánh...
Cuộc vui đã chấm dứt. Cuộc vui vô nghĩa đã chấm dứt, chỉ mùi của nó hãy còn, mỗi lúc một ngậy lên đến buồn nôn. “Đời là tiệc, tiệc là tàn ly cốc đổ”. Họa sĩ Tư vẫn thường hát thế, và bây giờ ông Thanh vừa đi vừa lẩm nhẩm lại. Ông xoa xoa hai bàn tay, lắc đầu chán ngán... Lại xoa xoa hai bàn tay, lắc đầu chán ngán.
Trên kia, trên bàn thờ thâm nghiêm, đôi mắt dịu dàng của vợ ông đang nhìn xuống. Không biết vợ ông đang nhìn xuống ông hay nhìn xuống Họa sĩ Tư. Ông mỉm cười: “Ờ nhỉ, không biết nhìn xuống ai...”
“Thời ấy đã qua rồi... Bây giờ nhìn xuống ai mà chẳng được...”
“Cái thời khốn kiếp của mình. Tại sao thời ấy mình lại bẩn thỉu như vậy nhỉ?...”
Có một tiếng cười bỗng vang lên trong ký ức xa vời của ông. Rõ ràng thời đó ông đã chơi một trò đểu với Họa sĩ. Chính ông đã vu cáo Họa sĩ, qua miệng một người khác, về các hành động được quy là “dâm ô trụy lạc” của hai người (vợ ông và Họa sĩ), buộc Họa sĩ phải di chuyển công tác, tạo một khoảng hở cần thiết cho ông tấn công quyết liệt vào người đàn bà đẹp nhất chiến khu Chóp Chài, đấy là vợ ông - mẹ Hoàng về sau.
Đó cũng chỉ là trò đểu cổ điển mà những thằng khốn nạn vẫn hay sử dụng để chiếm đoạt tình yêu từ kẻ khác. Cũng như sau này, khi vợ ông ăn nhầm nấm độc mà chết để lại đứa con trai một tuổi giữa rừng già trong lúc ông đi xa, thì người đàn ông bị ông giáng một cú nốc ao bằng trò đê tiện để giành phần thắng về mình trong cuộc ganh đua vì tình, đã bồng ẵm, nuôi nấng đứa bé suốt thời gian khổ nhất cho đến khi được gặp ông, thì cũng là một hành động nghĩa hiệp cổ điển mà những người nhân đức vẫn thường làm.
“Tất cả vẫn xưa cũ như quả đất, Ha ha ha!...”
Vẫn tiếng cười quái ác vang lên khiến ông giật mình.
“Ờ nhỉ, tất cả chỉ là những trò cổ điển!...”
Ông xoa xoa hai bàn tay, đầu gật gật... lại xoa xoa hai bàn tay, đầu gật gật...
“Chỉ riêng việc thẩm định giá trị các trò này, hình như mỗi ngày một mới hơn, lạ lùng hơn, quái ác hơn...”
Suy từ đời ông và đời Họa sĩ Tư thì biết.
Ông, mỗi ngày mỗi “giá trị” hơn. Ngày mỗi ngày ông bình thản bước từ nấc thang giá trị này lên nấc thang giá trị khác, thoải mái nhẹ nhàng cho đến tận bây giờ. Họa sĩ cứ tụt dần, tụt dần... cho đến lúc trước mắt người đời Họa sĩ chẳng có một không phẩy giá trị nào hết, chỉ là một “thằng hâm”, “thằng gàn”, “thằng phá hoại”...
Vẫn đôi mắt dịu dàng của vợ ông từ trên bàn thờ thâm nghiêm đang nhìn xuống. Ông thấy lúng túng và xấu hổ, giống một đứa trẻ nhiều tội đang đứng trước đôi mắt dịu hiền của mẹ mình. Thốt nhiên ông muốn khóc, muốn òa khóc nức nở như trẻ nhỏ. Thốt nhiên ông lại giận run lên. Ông muốn đập một cái gì đó cho nó vỡ tan, một cái gì đó thuộc về phần quá khứ nhơ bẩn của ông nhưng không được, chịu! Tất cả đã rắn lại, vì thời gian làm tất cả đã rắn lại, trơ như đá.
Đã bốn giờ sáng. Bỉ chạy xộc vào, tóc tai bù xù, hổn hển nói:
- Mời anh về văn phòng huyện ủy...
- Có chuyện gì thế?
- Điện khẩn của tỉnh ủy: có khả năng địch sẽ đem máy bay oanh tạc vùng chúng ta.
- Thế à?
Ông sững lại chút ít, nhanh chóng chuyển từ một kẻ cô độc, già nua thành một Bí thư huyện ủy giàu kinh nghiệm, một thủ lĩnh tài giỏi của xã hội mười vạn dân, chuẩn bị bước sang cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù ghê gớm nhất hoàn cầu. Ông lạnh lùng nhìn Bỉ, hất hàm hỏi:
- Tỉnh ủy điện lúc mấy giờ?
- Thưa anh, hai giờ ba mươi lăm... Vụ “Vịnh Bắc bộ” đã nổ ra, đài vừa thông báo.
- Tôi có biết. Đi.
Họ đi. Kẻ đi trước người chạy sau, ngụp lặn giữa lớp sương dày tháng Tám năm 1964.