Những kẻ phiêu lưu

Chương 19 & 20

Ngày thành đêm và đêm thành ngày làm cho chúng tôi mất hẳn dòng thời gian khi ra khỏi triền đồi cuối cùng để bước vào sa mạc. Tôi láng máng cho rằng phải đến ba tuần lễ kể từ khi chúng tôi rời trại, nhưng tôi cũng không chắc lắm.

Lúc ấy khoảng hai giờ chiều, khi chúng tôi nhìn qua sa mạc tới triền đồi mà phía bên kia là thảm xanh và thung lũng mầu mỡ của Estanza. Tôi thấy vài chiếc xe thổ mộ trên đường và hiểu rằng chúng tôi không thể vượt sa mạc vào ban ngày. Quá dễ lộ vì chẳng có chỗ để ẩn náu trong cái biển cát nóng bỏng và phẳng lì này.

Tôi cố tính khoảng cách bằng mắt. Mèo Bự và tôi phải mất ba giờ đồng hồ để vượt qua trên một chiếc xe ngựa. Có nghĩa là vào khoảng hai mươi dặm. Nếu đi cả đêm, chúng tôi có thể qua được.

Tôi quay sang Amparo. Mặt nó đen xạm vì nắng và mớ tóc vàng óng ả của nó như được hồ bột trắng, lông mày lông mi xám ngoét v gần như mất dạng trên nền da đen. Hai má nó mỏng quẹt, tóp lại và tôi có thể thấy những đầu xương mảnh dẻ của nó trồi ra cũng như nỗi sầu muộn đã kéo xệ hai bên mép nó xuống. Tôi lấy một cái xương gà trong túi ra. Nó bỏ vào mồm, chậm rãi mút mát, để cho nước miếng làm mềm xương trước khi nhai. Cả Amparo cũng đã học được rất nhiều trong mấy tuần vừa qua.

Bao nhiêu lần trong ngày chúng tôi phải rời đường mà ẩn nấp. Hơn một lần, suýt chạm trán với bọn lính tuần tiễu, nhưng giác quan thứ sáu của chúng tôi đã phát triển để báo cho biết khi hiểm nguy đến gần. Tôi lại nhìn sa mạc. "Chúng ta phải vượt trong đêm. Chúng ta phải tìm một chỗ để nghỉ cho đến tối".

Amparo gật đầu. Nó hiểu mà chẳng cần tôi phải giải thích. "Chúng mình còn gì để ăn không?" Nó vừa mút xương vừa hỏi.

Tôi nhìn quanh. Đây không phải xứ sở để săn bắt. Cây cối thưa thớt, chỉ có những bụi lúp xúp hình như chỉ mọc trong sa mạc. Thế có nghĩa là nước cũng chẳng nhiều nhặn gì. "Nhưng gần đến Estanza rồi", tôi nói. "Ở đấy sẽ có ối đồ ăn thức uống".

Nó lặng lẽ gật đầu. Tôi thấy nó nhìn xuống những chiếc xe chuyển động trên đường." Tất cả bọn họ có ghét chúng mình không? Tất cả bọn họ có giết chúng mình không?"

Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi của nó. "Mình không biết".

"Thế thì tại sao chúng mình cứ phải ẩn náu mãi?"

"Vì không biết họ nghĩ gì về chúng ta".

"Mẹ chết rồi", nó chợt nói, "cả những người khác nữa. Cả Roberto và Eduardo. Vì thế mà chúng mình không trở lại được, phải không?" Tôi không trả lời. "Cậu có thể nói cho mình nghe", nó lặng lẽ nói. "Mình sẽ không khóc đâu".

Tôi gật đầu.

Nó nhìn chằm chằm vào mắt tôi. "Cả ba cũng chết à?"

"Không".

Nó nhìn xuống sa mạc. Rồi quay lại nhìn tôi. "Nếu ba chết", nó hỏi, "cậu có lấy mình và chăm lo cho mình không?"

Tôi nhìn nó chằm chằm. Nó đứng đấy, gầy guộc và vô vọng làm sao. Hệt như con cún khi nó không chắc tôi có cho nó khúc xương hay không. Tôi nắm tay nó. Tôi cảm nhận sự ấm áp và niềm tin đặt trong tay tôi. "Em biết là anh sẽ lấy em mà. Chúng ta đã thoả thuận điều này từ lâu rồi còn gì".

Nó mỉm cười. "Anh còn mẩu xương nào không?"

Tôi lấy đưa mẩu cuối cùng cho nó. "Đi thôi", tôi nói. "Tìm một bóng râm rồi cố mà ngủ".

Đêm đó gió nổi muộn, vào lúc chúng tôi xuống đường để vượt sa mạc. Cả hai đều run cầm cập vì những đợt gió lạnh quất vào. Tôi nhìn Amparo. "Em không sao chứ?"

Nó gật đầu, quấn chặt áo quanh người và cúi thấp đầu xuống.

"Đợi đã" tôi nói, trải chiếc chăn dạ ra, lấy dao rạch đôi. Sau đêm nay, chúng tôi chẳng cần đến nó nữa, bởi sẽ ở trang trại của ông Moncada. "Đây, dùng nó như khăn choàng, quấn chặt vào".

Gió càng dữ dội hơn, thảng hoặc, như bốc cát ném vào mặt. Nhiều lần chúng tôi loạng choạng ra khỏi con đường và lún sâu trong cát, thậm chí không còn biết là mình đi về hướng nào nữa. Tôi cố nhìn các vì sao để định hướng, nhưng chúng cũng đã bị che khuất. "Không nhìn thấy gì cả", Amparo kêu lên. "Cát cứ đổ vào mắt em".

Tôi kéo tấm choàng lên trùm kín đầu nó, chỉ để một khe hở nhỏ ở phía trước đủ để nhìn. "Ổn chứ?"

"Vâng".

Tôi cũng làm tương tự và ổn thật. Chúng tôi lại lao đi. Cổ tôi khô cứng. Ngực tôi nổ lép bép hệt muối rang. Bỗng bầu trời như sáng lên. Thoạt tiên mà một màu xám nhạt, rồi mặt trời nhô lên khỏi dãy núi phía sau. Nghĩa là từ phía tây. Nghĩa là vào một lúc nào đó tron đêm, chúng tôi đã rẽ quanh và đi lộn lại. Bây giờ thì chúng tôi đang ở giữa sa mạc, và giữa thanh thiên bạch nhật. Xa xa, một xe thổ mộ đang đi tới.

Tôi nắm tay Amparo, chạy vội ra khỏi con đường. Song bốn xung quanh phẳng lì, chẳng có chỗ nào để ẩn náu cả. Tôi bảo Amapro nằm xuống và mình cũng dán người trên cát cạnh nó. Tôi kéo hai tấm khăn choàng, trùm lên đầu cả hai. Có lẽ trông nó cũng giống như cát và có thể lừa được người qua lại.

Tôi nghe tiếng lọc cọc của bánh xe. Nó đã đi qua. Song một chiếc khác lại xuống và tôi lại phủ phục như cũ.

"Em khát quá!" Amparo nói.

"Nằm im, đừng nghĩ đến nước".

Tôi cảm nhận mồ hôi đang chảy ròng ròng trên lưng và háng. Tôi liếm môi. Môi vừa khô vừa mặn. Tôi bỏ tấm khăn choàng ra. Bằng vào tầm nhìn của tôi thì con đường trống trơn ở cả hai phía.

"Ổn rồi, ta đi thôi. Phủ tấm khăn choàng lên, đỡ nóng đấy".

Hơi nóng  bốc lên từ con đường làm thành những vân sóng kỳ lạ trước mắt chúng tôi. Hai chân tôi bắt đầu phồng giộp.

"Em khát quá, Dax".

"Chúng ta đi một quãng nữa rồi nghỉ".

Tôi có đi thêm nửa giờ. Cát nóng đến nỗi không dám thò chân bước tiếp nữa. Lưỡi tôi khô cong và sưng tấy. Tôi cố giữ nước miếng trong miệng, nhưng nó khô luôn.

"Đau quá, Dax ơi", Amparo bắt đầu khóc. "Mồm em đau quá".

Nó âm thầm thút thít. Đôi môi nó hẳn đang cần nước. Tôi rút dao, khứa trên một đầu ngón tay. Máu trào ra.

"Khỉ thật!"

"Anh làm gì thế?" nó hỏi.

"Đứt tay". Tôi đẩy ngón tay về phía nó. "Mút đi".

Nó đưa ngón tay tôi vào mồm và mút. Một lát sau, nó nhìn lên. "Ổn chứ?"

Tôi nặn ngón tay, cố làm cho máu ứa ra. "Lần nữa cho chắc".

Nó lại mút. Lần này, khi tôi nhìn ngón tay mình, hai bờ vết thương trắng bệch. "Ổn rồi".

"Tốt", nó nhấc mảnh chăn lên, nhìn ra. "Sắp tối rồi".

Ngày đã tàn và sức nóng đang từ giã thảm cát. Tôi vục dậy, quỳ trên hai đầu gối, nhìn xuống con đường cắt qua các dãy núi. Ở bên kia là Estanza. "Nếu đi suốt đêm thì sáng mai ta sẽ đến đó".

Amparo nhìn tôi. "Chúng ta không kiếm được nước uống à?"

"Từ đây đến Estanza chẳng có gì sất".

Nó đi vào vệ đường, ngồi xuống. "Em mệt lả rồi".

"Anh biết, Amparo". Tôi choàng tấm khăn choàng của tôi lên nó. "Cố ngủ một chút đi. Mai mọi thứ sẽ ổn cả".

Nó nằm xuống, nhắm mắt, chẳng mấy chốc đã thiếp đi. Tôi cũng muốn ngủ, nhưng một nỗi đau kỳ lạ bên trong làm tôi không ngủ nổi. Dù tôi nằm quay phía nào nó vẫn đau. Tôi để Amparo ngủ khoảng hai giờ.

Cuối cùng, chúng tôi đến được trang trại của ông Moncada, khoảng một giờ trước bình minh. Nhiều ngựa đã buộc trước sân, nhưng chẳng thấy ai cả. Tôi ra hiệu cho Amparo yên lặng khi chúng tôi đi vòng ra phía sau.

Có khói bốc lên từ ống khói nhà bếp. Khói xộc mạnh vào mũi đến nỗi tôi thấy mình muốn té xỉu vì đói. Chúng tôi qua sân sau, đến cửa nhà bếp. Nắm tay Amparo, tôi mở cửa.

Trời vẫn tối, tôi chẳng nhìn thấy gì cho đến khi điều chỉnh được mắt. Tôi nghe tiếng ré của một người đàn bà rồi toàn cảnh bỗng hiện rõ mồn một trước mắt. Người đầu bếp đứng cạnh lò, ba người đàn ông đang ngồi bên bàn ăn, hai người trực diện, người thứ ba quay lưng về phía tôi. Tôi bỗng nhận ra đồng phục xanh, đỏ của họ.

Tôi quay lại, đẩy Amparo về phía cửa. "Chạy!"

Nó vụt qua sân như một con thỏ. Tôi lao theo, tai nghe một tiếng hét phía sau, ngoái lại và vấp phải một khúc gỗ rồi ngã lăn ra. Khi tôi lồm cồm  bò dậy thì một tên lính đã chạy vượt qua tôi.

"Chạy đi, Amparo, chạy đi!" tôi thét lên. "Chạy đi!"

Một tên lính khác đến chỗ tôi. Tôi quay nhìn hắn, rút dao ra, song đầu óc choáng váng. Kiệt quệ sau nhiều đêm dài không ngủ đã thắng tôi. Tôi thấy rõ mặt hắn rồi bỗng chẳng còn gì trong tôi ngoài điên dại và căm thù. Nỗi uất hận muốn được giết cứ ứ lên trong cổ. "Mèo Bự!" Tôi lao vào hắn, chĩa thẳng mũi dao.

Hắn đã bán đứng  chúng tôi. Vì vậy mà bọn lính có thể càn tận nơi ẩn náu, mà bao người đã bị giết, và tất cả chỉ vì con hắc mã khốn kiếp.

Khi lao lên với co ndao trong tay, tôi nghe tiếng thét của Amparo. Quay lại thì thấy một tên lính đã bắt được nó, đang lôi về. Amparo vừa la vừa đá chân tứ tung. Tôi lại thấy choáng váng.

Tôi quay lại phía Mèo Bự. Hắn chằm chằm nhìn tôi, mặt trắng như tờ giấy. "Dax!"

Tôi thét lên điên dại. "Mèo Bự! Tao không chết như những người khác. Tao sẽ giết mày! Tao sẽ cắt dái mày và nhét vào cái mồm dối trá của mày!"

"Không! Dax! Không!"

"Đồ phản bội!" tôi  bước thêm một bước về phía hắn, nhưng có điều gì đó không ổn với sàn nhà. Nó cứ bồng bềnh như biển ở Curatu vậy, nơi mà tôi đã có lần đến cùng với bố. "Đồ phản bội!"

"Dax!"

Nhưng đây là một giọng khác. Giọng mà tôi không thể nào quên, mặc dù đã hơn hai năm nay tôi chẳng được nghe. Tôi nhìn qua Mèo Bự đến cửa bếp, nơi bố tôi đang đứng. Nhưng rõ ràng là có điều gì đó không ổn. Tôi cho là mình đã mất trí. Bố tôi cũng mặc đồng phục quân đội.

"Bố!" tôi kêu lên, bước một bước về phía ông, nhưng bỗng nhớ đến Mèo Bự, cơn giận dữ một lần nữa trào lên trong tôi. Tôi thét lên. "Tao sẽ giết mày! Tao sẽ giết mày!"

Tôi vung tay để phóng dao vào cổ hắn, nhưng mặt trời làm loá mắt tôi. Tôi chớp mắt rồi bỗng mọi thứ đều nhạt nhoà. Con dao tuột khỏi tay, và tôi gục xuống và hai cánh tay đỡ lấy tôi…

Tôi thấy tối sầm, nhưng lại nghĩ: làm sao có thể là đêm được khi mà bình minh vừa mới bắt đầu?

Rồi từ vùng tối này, tôi nghe giọng bố tôi. Giọng nói ẩn chứa yêu thương. Đau đớn. Và cả sầu muộn nữa. "Con, con trai, ta đã làm gì để con đến nông nỗi này?"

Bóng đêm mới nhân từ làm so khi nó buông phủ xuống tôi.

Chương 20

Ông già vận chiếc áo choàng đen ngả người trên ghế bành, đan những ngón tay vào nhau một cách vô tư trong khi đợi câu trả lời của tôi. Cặp mắt đen của ông long lanh sau cặp kính.

"Thưa thầy, con sẽ cố gắng hơn nữa ạ", tôi nói.

"Ta hy vọng như vậy, Diogenes", nhưng giọng ông thiếu hẳn sự tin tưởng như giọng tôi.

Trường học chỉ giản dị không phải là chỗ của tôi. Cái đều đặn và buồn tẻ của lớp học quả là một sự giam cầm. Chỉ những môn tôi ưng là tôi học tốt. Ngôn ngữ. Anh văn, Pháp văn. Thậm chí cả Đức văn. Latin là một ngôn ngữ chết, chỉ có cánh tu sĩ thuộc  các giáo phái lố lăng mới sử dụng. Trong suốt hai năm ở trường, tôi không qua nổi môn Latin. Đấy là lý do tôi đang đứng trước mặt ông hiệu trưởng của học viện.

"Người cha đáng kính của anh từng là một trong những học sinh chói sáng nhất của chúng tôi", ông hiệu trưởng nói, đầy nghi thức. "Ông ấy không đứng sau bất cứ ai trong môn Latin. Nếu anh muốn theo chân ông trong ngành luật thì anh cũng phải như vậy".

Dường như ông chờ đợi câu trả lời. "Thưa thầy, vâng ạ".

"Anh cũng phải xếp hạng cao hơn trong những môn khác", ông liếc xuống tờ báo cáo trên bàn. "Rất nhiều môn anh chỉ vừa đủ điểm để qua. Ngữ pháp, văn chương, lịch sử, địa lý…"

Tôi nhìn quacs khi giọng ông cứ đều đều trôi đi. Tôi thấy Mèo Bự đang cả cười bên ngoài cổng trường, đợi tôi. Trong bộ đồng phục xanh đỏ, hắn trở thành một nhân vật đầy ấn tượng, và như thường lệ, là  trung tâm của nhóm người ngưỡng mộ, là các cô hầu, các mệnh phụ cũng đang đợi người nhà như hắn. Tôi không thể quen nổi hình ảnh hắn trong bộ đồng phụ. Nhất là bộ quân phục ấy. Mặc dù quân đội giờ đây là của chúng tôi và tướng quân đã là ngài tổng thống.

Khi tôi và Amparo đến Estanza thì cuộc cách mạng đã chấm dứt trước đó cỡ ba tuần. Chúng tôi phải mất đến năm tuần để đến được đấy, mà trong suốt thời gian đó, chúng tôi lại chẳng dám chuyện trò với bất cứ ai.

Tôi vẫn còn nhớ, ít lâu sau, tướng quân vào phòng tôi ở trang trại ông Moncada. Tôi phờ phạc nằm trên giường, vẫn còn run rẩy vì hậu quả cơn sốt. Tôi nghe tiếng chân đi ủng phía ngoài cửa phòng và quay ra chào. Ông không phải là người cao lớn nhưng trong bộ quân phục của tổng quân uỷ, trông ông như cao hơn.

Khuôn mặt ông vẫn gầy và sắc sảo, cặp môi ông mỏng, tàn bạo và cặp mắt xám nhạt đến kỳ lạ vẫn mở thao láo như thường lệ. Bàn tay ông êm ái khác thường khi đặt nó lên tấm mền trắng tôi đang đắp. "Người lính".

"Tướng quân".

"Bác đến để cảm ơn cháu vì đã đưa con gái bác về với  bác", ông lặng lẽ nói. Tôi không trả lời. Tôi không hiểu ông ta phải cảm ơn tôi làm gì. Tôi có thể làm hơn thế. "Cháu đã thấy…" giọng ông lưỡng lự thật khác thường. "Cháu đã thấy điều gì đã xảy ra đối với những người khác?" Tôi gật đầu. "Roberto và Eduardo. Chúng nó còn trong núi không? Chúng tôi không tìm thấy xác hai đứa. Tất cả đều bị ném vào lửa".

"Thưa ông, họ đã chết". Tôi phải quay mặt đi trước cơn đau bỗng dâng trong mắt ông. "Cháu thấy họ chết".

"Có…" giọng ông lại ngập ngừng. "Có lẹ không?"

"Vâng, như những người đàn ông ngoài mặt trận, thưa ông, cứ không phải là trẻ nít. Chính mắt cháu thấy Roberto giết hai đứa".

Bỗng ông gào lên. "Thằng chó đẻ Guiterrez".

Tôi băn khoăn nhìn ông. "Ông đại tá?"

Cặp mắt xám nhạt của ông ánh lên. "Guiterrez, tên đồ tể vùng Bandaya! Nó đã biết lệnh hưu chiến trước khi nó lên núi mà".

"Hưu chiến, thưa ông?"

"Ngừng bắn, người lính ạ. Không có đánh nhau trong khi cuộc đầu hàng đang được thu xếp".

Ông bước đến bên cửa sổ trong khi vẫn quay lưng về phía tôi. "Chiến cuộc đã hoàn toàn chấm dứt khi hắn tấn công nơi ẩn náu".

Tôi nhắm mắt lại. Tất cả đều vô nghĩa. Mọi người chết đều vô nghĩa. Tất cả mọi người. Ông ngoại tôi, cả ông ngoại tôi nữa. Tất cả chỉ vì viên đại tá. Một mối căm thù sâu thẳm dội lên trong tôi.

Có tiếng chân người đi ngoài cửa, tôi mở mắt. Mèo Bự bưng cơm trưa cho tôi. Cuốn băng trắng trên cánh tay hắn, nơi mũi dao của tôi đã đâm vào, lộ hẳn trong căn phòng mờ tối.

"Nào con trống tơ bé nhỏ của tôi. Cậu tỉnh rồi mà".

Giọng tướng quân như nổ tung. "Chuyện gì đã xảy ra đối với bốt tiền tiêu? Tại sao chúng ta không được báo để chạy trốn?" ông bước lại bên giường. "Chuyện gì đã xảy ra?"

Mặt Mèo Bự bỗng trắng bệch như tờ giấy, tôi thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán hắn. Còn ánh mắt hắn thì tôi chưa thấy thế bao giờ. Kể cả khi hắn đối mặt với cái chết.

Tôi lại nhắm mắt. Tôi biết điều gì đã xảy ra và tại sao Mèo Bự đã bỏ bốt. Nhưng tôi không còn là trẻ nít. Tôi biết, có thêm cái chết nữa cũng chẳng lấy lại được cuộc sống của những người đã chết. Vả lại nếu như Mèo Bự có ở đấy thì hắn cũng chỉ cộng thêm một xác chết mà thôi.

Tôi nhìn lên tướng quân "Cháu không biết, thưa ngài. Cháu tỉnh dậy khi nghe loạt đạn đầu tiên. Khi cháu biết là nhà đang cháy thì cháu chạy xuống lòng mương. Rồi cháu thấy Amparo, cháu tóm tay nó, cùng chạy".

Tướng quân chằm chằm nhìn tôi. "Cháu đã làm tốt". Ông lại nắm tay tôi, tay ông mềm mại lạ thường. "Các con trai ta đã chết nhưng tinh thần và lòng dũng cảm của chúng nó vẫn sống – trong các cháu. Ta sẽ mãi mãi xem cháu là con trai ta".

Tôi ngạc nhiên thấy nước mắt dâng lên trong cặp mắt xám nhạt. Tướng không khóc. Đàn ông không khóc. Chính ông đã bảo tôi thế. "Xin cảm ơn ngài".

Ông gật đầu, vươn thẳng người, bước ra phía cửa. Đến cửa, ông quay lại. "Cháu ăn trưa đi".

Tôi bỗng chợt nhớ. "Amparo có khoẻ không ạ?"

Ông mỉm cười. 'Nó khá rồi. Bác sẽ đưa nó đi Curatu cùng. Mong cháu chóng khoẻ rồi cùng đến chỗ bác".

Tôi nghe tiếng ủng của ông ngoài sảnh khi quay nhìn Mèo Bự. Mặt còn tái dại, nhưng hắn đã nở nụ cười. "Cậu đã trả lại cho tôi chiếc áo", hắn nói.

Tôi không hiểu, nhưng bỗng nổi cáu. "Tôi đã trả lại cho cái đầu của cậu!" Tôi đẩy khay cơm về phía hắn. "Đem đi. Tôi không đói".

Hắn lặng lẽ rời phòng và tôi quay nhìn ra cửa sổ. Nhưng tôi không thấy trời xanh và nắng vàng, cũng không nghe tiếng véo vườn của bầy chim trên cành. Tôi chỉ thấy viên đại tá, và tôi chỉ nghe cái giọng ghê tởm ấy. Lòng căm thù lại dội lên, làm cho mồm tôi đầy vị đắng. Nếu hắn còn sống thì thế nào tôi cũng lùng giết hắn cho bằng được!

Vài tuần sau, tôi đến Curatu. Bố tôi tìm được một ngôi nhà ngay dưới chân đồi, nhìn ra biển, không xa nhà ông bà nội trước đây là mấy. Ngay sau đó, tôi ghi tên vào trường dòng mà bố tôi đã từng học khi còn nhỏ, và vẫn ông hiệu trưởng từng ghi tên bố tôi vào trường, giờ đang giảng giải cho tôi về một người học sinh mà học hành chẳng ra gì thì sẽ ra sao.

Một cách miễn cưỡng, tôi cố chú ý đến giọng đều đều của ông. "Anh đầy triển vọng đấy", ông kết luận. "Nhưng anh phải khổ luyện hơn nữa để đạt được vị trí mà cha anh có thể tự hào".

"Tôi xin cố gắng, thưa ông. Tôi sẽ khổ luyện".

Ông mỉm cười. "Tốt. Đi đi con".

"Xin cảm ơn ông".

Tôi rời căn buồng được dùng làm văn phòng của ông, chạy ra hành lang. Tôi phải nheo mắt vì nắng chói chang đột ngột khi Mèo Bự len ra khỏi đám đông đầy sùng bái. "Xe đang đợi, tiểu công tử".

Từ khi trở lại Estanza, hắn không gọi tôi bằng tên hay cậu cậu tớ tớ nữa. Tôi trở thành "tiểu công tử", một "ngài" tí hon. Tôi không thể đi đâu hoặc làm gì mà không có hắn loanh quanh. Tôi cười khi nghe hắn bảo tướng quân và bố tôi đã cử hắn làm bảo vệ riêng của tôi. Họ đâu biết tôi cần gì bảo vệ riêng. Tôi đủ sức tự bảo vệ mình. Nhưng không ăn thua. Mèo Bự luôn quanh quất đâu đó.

Tôi nhìn chiếc limousine đen với tài xế vận đồng phuc ngồi sau tay lái rồi đưa sách vở cho Mèo Bự. "Tôi không thích xe cộ gì cả. Tôi thích đi bộ".

Tôi vào thành phố. Một lát sau, tôi nghe tiếng động cơ nổ nhẹ phía sau. Tôi liếc lại. Chiếc xe đang bò từ từ xuống đồi, tài xế và Mèo Bự ngồi ở hàng ghế trước. Tôi cười thầm. Ít nhất thì đây còn là điều không thay đổi của Mèo Bự. Hắn vẫn thích đi xe hay cưỡi ngựa hơn là đi bộ.

Sau đó, tôi ngồi trên một cột mốc ở cuối bến cảng, nhìn một con tàu đang xuống hàng, nghe đám thuỷ thủ chửi rủa đám phu khuân vác dưới cầu cảng bằng tiếng Pháp, và những lời đốp lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Thầy giáo Pháp văn của tôi chắc phải kinh ngạc trước kiến thức của tôi về thứ ngôn ngữ ấy nếu như ông nghe tôi nhắc lại một vài câu chửi thề của họ.

Tôi nhìn lên lá cờ tam tài xanh, đỏ trắng đang bay trên cột buồm. Luồng gió từ biển thổi vào làm nó phần phật một cách ngạo nghễ. Tôi nhìn suốt dọc bến cảng. Có hai tàu khác cũng đang xuống hàng. Một treo cờ Panama và một treo cờ Hy Lạp.

Trước cách mạng, người ta bảo bên cầu cảng không thể ít hơn hai mươi chiếc tàu. Phần lớn từ Bắc Mỹ và Anh. Giờ thì cả Anh lẫn  Mỹ đều cấm tàu của họ đến bến cảng này. Bố tôi bảo rằng vì họ từng liên minh với chính phủ cũ mà lại chưa công nhận chính phủ mới của chúng tôi. Còn tôi thì chẳng hiểu điều đó có liên can gì đến tàu  bè. Nhất là khi chuối rụng thối bên cầu cảng, cà phê hạt nằm trong kho cảng cho mọt ăn và người ta phải đốt cả những cánh đồng mía.

Tôi nghe tiếng chân phía sau và quay lại. Hai đứa trẻ đang đi đến. Chúng mặc những bộ quần áo bẩn thỉu, tã tượi mà hình như là trang phục phổ biến trong vùng này của thành phố. Hai đứa dừng trước mặt tôi và một đứa ngả mũ ra, nói với tôi thật cung kính. "Chúng cháu đói quá, xin ngài vài xu".

Tôi không có tiền. Tôi không cần tiền. Tôi muốn gì thì Mèo Bự đưa cho. "Không có", tôi nói sẵng để che giấu sự ngượng nghịu.

"Chỉ một xu thôi thưa ông. Xin hãy vì Chúa lòng lành".

Tôi nhảy khỏi mố cọc. "Xin lỗi. Tôi không có đồng nào cả".

Tôi thấy chúng trao nhau cái nhìn đầy nghi hoặc, rồi đứng ngay trước mặt tôi, chặn lối đi dẫn về trung tâm cảng.

"Xin lỗi", tôi nói.

Tôi thấy hai bộ mặt sưng sỉa. Chúng bất động. "Chúng mày muốn gì?" tôi hỏi. "Tao đã bảo là tao không có tiền".

Chúng không trả lời.

"Tránh ra!" tôi bắt đầu cáu. Chẳng lẽ bọn ngu này cho là tôi tiếc một vài xu?

"Nó muốn đi qua", đứa lớn nói một cách giễu cợt. Đứa nhỏ cười thật ranh mãnh rồi gằn giọng nhắc lại lời đứa lớn.

Cơn giận bị dồn nén trào lên trong tôi. Trong một loáng, đứa nhỏ bay khỏi lối đi, rơi xuống nước và đứa lớn ré lên khi mũi giầy của tôi đá trúng ngay dái nó. Tôi  bồi thêm một cú vào sườn và nó cũng rơi  xuống nước luôn.

Tôi đang nhìn chúng cố nhoai tới một cái cọc thì nghe tiếng chân phía sau. "Có chuyện gì thế?" Mèo Bự hỏi.

"Chúng không để tôi đi".

"Bọn nhà quê!" Mèo Bự nhổ xuống nước.

Chiếc xe đang đợi bên cầu cảng. Tôi hỏi Mèo Bự trước khi bước vào xe. "Tại sao chúng lại đi xin tiền?"

"Ai cơ?"

"Bọn nó". Tôi chỉ hai đứa đang lồm cồm trèo lên cầu cảng.

Mèo Bự nhún vai. "Chúng bao giờ chả là bọn ăn mày".

"Chúng nó bảo bị đói".

"Chúng nó bao giờ chả đói".

"Nhưng không ai bị đói thì mới đúng chứ. Cuộc cách mạng chỉ vì có thế".

Mèo Bự nhìn tôi, một cái nhìn kỳ lạ. "Tôi, bản thân tôi đã từng qua ba cuộc cách mạng. Nhưng tôi chưa từng thấy cuộc nào đem thức ăn mà nhét vào bao tử bọn nhà quê cả. Bọn chúng sinh ra để đói".

"Thế thì họ chiến đấu để làm gì?"

Mèo Bự cười. "Để chúng ta không phải như họ, không phải đi xin ăn".

Tôi nhìn hắn một thoáng, bước ra khỏi xe. "Anh có xu lẻ nào không?"

Hắn gật đầu.

Tôi đưa tay ra. Hắn  bỏ mấy đồng xu vào. Tôi đi trở lại phía cuối cầu cảng. Hai đứa nhìn tôi nghi ngại, nỗi sợ hãi làm tối cặp mắt chúng. Đứa lớn vẫn ôm bụng. Đứa nhỏ nhổ xuống chân tôi.

"Bọn nhà quê!" tôi ném nắm xu vào chúng rồi quay đi.