NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

THỊT BĂM VIÊN

Tôi nghe lời người lớn, luôn luôn nghe lời người lớn. Cuối mỗi năm học, tôi được long trọng trao bằng khen vì “thành tích học tập xuất sắc và hành vi mẫu mực”. Quả là tôi học rất giỏi, còn khái niệm “hành vi mẫu mực” có nghĩa là tôi không cãi lại thầy cô. Giao tiếp với thầy cô thật đơn giản; họ luôn luôn nói dối. Họ kể cho chúng tôi nghe hàng giờ về những chuyện hoàn toàn không cần thiết và vô bổ. Họ yêu cầu chúng tôi kể lại tất cả những điều đó trên lớp. Tôi có trí nhớ tốt, tôi có thể nhắc lại dễ dàng bài giảng. Các thầy cô nghĩ rằng tôi đã rất cố gắng. Những con người lạ lùng. Tôi thích việc học ở trường, ở đó tất cả đều là trò đùa. Chúng tôi được phát những cuốn sách nhỏ vẽ tranh đẹp đẽ, vở có dòng và vở kẻ ô ly. Trường học là một trò chơi. Tôi chơi trò chơi đó một cách đầy hứng thú.

Nhưng cần phải nghe theo lời mọi người lớn. Khó nhất là nghe theo lời các bảo mẫu. Những điều viết trong những cuốn sách thông thái với những bức tranh đẹp không làm họ quan tâm. Có học thuộc lòng bài thơ của Puskin hay các công thức toán học cũng chẳng thay đổi được gì. Người ta chỉ đòi hỏi tôi một điều: càng ít nhờ giúp đỡ càng tốt. Từ khoảng lên năm tuổi, tôi đã được bảo rằng “Mày lúc nào cũng chỉ có ăn thôi, còn chúng tao thì lại phải bê mày. Mày chẳng có tí tự trọng nào hết. Cái bọn mọi đen đó đẻ con, giờ chúng ta phải bế nó suốt đời. Và chúng ta, những mụ đàn bà Nga ngu ngốc, tốt bụng, thế cho nên cứ phải chịu đựng chúng, chăm sóc chúng. Còn cha mẹ chúng, những kẻ khôn ngoan, đã tếch về Châu Phi rồi. ” Và ngày lại ngày, tôi nghe mãi cái điệp khúc của họ về lòng tốt và sự thương hại, về cha mẹ da đen của tôi. Hơi nực cười, nhưng những lời đó tôi đã phải nghe khắp trên đất nước Liên Xô – trong các cô nhi viện, trong các bệnh viện, trong các nhà dưỡng lão. Như thể họ nói theo một sự mách bảo bí ẩn vô hình, như một bài học trẻ con, như một lời nguyền rủa.

Tôi đã cố gắng đến mức tối đa. Nhưng tất cả những gì mà tôi có thể, đó là ăn và uống ít hơn. Làm sao sống mà không ăn, tôi không biết. Chẳng có ai để hỏi cả, hỏi thầy cô cũng vô ích, họ không phải là những người thầy đích thực, họ không phải đổ bô cho chúng tôi. Qua các bảo mẫu, tôi được biết công việc của giáo viên nhẹ nhàng hơn nhiều, mà lương lại cao hơn. Theo quan điểm của các bảo mẫu, các giáo viên được trả lương chẳng vì cái gì cả. Tôi hoàn toàn đồng ý với các bảo mẫu về chuyện này. Kể chuyện cổ tích từ những cuốn sách đẹp chẳng khó khăn gì, đổ bô mới khó. Điều này thì tôi hiểu rất rõ.

Nhưng đôi khi thầy cô cũng có những tác dụng nhất định. Những cô giáo tốt bụng mang từ nhà đến cho tôi sách báo và tạp chí. Trong một cuốn tạp chí phụ nữ, tôi đọc được phương pháp ăn kiêng. Để không tăng cân, phải loại khỏi khẩu phần ăn hàng ngày các chất từ thịt và bột. Tôi ngừng ăn bánh mì và mì ống. Thịt thì chẳng mấy khi chúng tôi được ăn, nhưng cũng được ăn thịt băm viên. Thật khó để từ bỏ thịt băm viên, nhưng tôi đã làm được. Một cuốn sách thông thái về tình báo đã giúp tôi. Cuốn sách đó nói người đàn ông chân chính cần phải rèn luyện ý chí hàng ngày. Và tôi đã rèn luyện. Đầu tiên, tôi thấy rất thèm ăn, sau đó tôi quen dần. Khi người ta mang bữa ăn đến, tôi chọn lựa một cách vô thức  những gì có thể được ăn, và ăn nếu có thể ăn. Thường thì tôi phải giới hạn ở nước quả và một vài thìa cháo. Tinh thần tôi có khá hơn. Giờ thì tôi đã làm mọi chuyện một cách đúng đắn, chỉ có điều lúc nào cũng thấy buồn ngủ, còn ở trường đến tiết thứ ba là tôi không còn suy nghĩ được gì nữa, đầu óc quay cuồng. Một vài lần tôi đã ngất ngay trong lớp.

Một hôm tôi bị đau bụng và không kịp bò tới nhà vệ sinh. Bà bảo mẫu đem tôi vào nhà vệ sinh, đặt xuống sàn và bắt đầu dạy dỗ tôi. Bà ta hét lên rằng tôi là đứa tồi tệ, nói về “con đĩ nhọ”, về việc tất cả bọn họ đã quan tâm đến tôi như thế nào, tôi là kẻ vô ơn ra sao. Tôi câm lặng. Nói gì cũng vô nghĩa. Tình huống tương tự đã từng xảy ra không chỉ một lần. Khóc và van xin thương hại cũng vô ích, mọi từ ngữ đều vô nghĩa bởi một lý do duy nhất – cái quần bẩn của tôi. Bà ta la mắng tôi mỗi lúc một to, cúi xuống bên tôi, rung rinh đôi má xệ, bắn nước bọt vào mặt tôi. Tôi câm lặng. Tôi có thể nói gì được đây? Quả tình bà ta có lý. Tôi quá mập và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn. Với cái tuổi 11, tôi nặng đã gần đến 17 ký. Tôi không thể thanh minh. Tự tôi cũng lên án bản thân vì sự mềm yếu. Hai ngày trước tôi đã trót ăn một miếng thịt băm viên. Tôi không muốn ăn nó, quả tình không muốn ăn. Tôi nghĩ rằng chỉ ngửi một tí thôi, sau đó cắn một miếng nhỏ. Và không để ý là đã ăn hết một miếng thịt.

Tôi câm lặng. Khi đó bà ta dùng những ngón tay múp míp của mình bóp đầu tôi, ấn vào cái quần bẩn.

Mày cứ câm như hến thế. Phải nói cái gì đi chứ.  Hãy xin lỗi, hãy hứa rằng mày sẽ không như thế nữa. Hãy nói gì đi chứ.

Bà ta dí mũi tôi vào chỗ phân và nhắc lại, hạ giọng “Nói đi, nói đi, nói đi”. Tôi có thể nói được gì? Tôi hiểu rất rõ người ta muốn ở tôi không phải là những lời nói suông – điều gì tôi cũng đã thử nói rồi. Bà bảo mẫu mong muốn, thực sự mong muốn duy nhất một điều: tự tôi có thể đi vệ sinh một mình được. Tôi không thể hứa được điều đó. Vì thế tôi câm lặng.

Hãy nói đi, nói đi, nói đi. Mày có nói không hả? – Bà ta đơn điệu nhắc đi nhắc lại – hãy nói đi, nói đi. – Giống như trong một bộ phim chiến tranh có cảnh viên sĩ quan người Đức hỏi cung một chiến sĩ tình báo dũng cảm người Nga. Sĩ quan Đức. Người Đức.

Bỗng nhiên tôi bật ra một câu tiếng Đức đơn giản “Rusish schwein”.

Du bist rusish schwein! -  tôi kêu lên điên cuồng tuyệt vọng – du bist rusish schwein. Rusish schwein. Rusish schwein. Rusish schwein. Bọn Đức bắn bố mẹ bà là phải quá rồi. Lẽ ra họ nên bắn cả bà nữa mới phải!

Đó chỉ là những lời nói. Chỉ là những lời nói mà thôi. Nhưng nó có hiệu quả. Người phụ nữ bối rối. Khi còn là đứa trẻ bà ta đã sống dưới sự chiếm đóng của quân Đức, đã trải qua nạn đói sau chiến tranh. Tôi biết tôi đã chạm vào nỗi đau của bà.

Tôi đã quen với sự tàn phế của mình. Chỉ đôi khi trong tôi thoáng nổi lên khát vọng có thể đứng được trên đôi chân. Khát vọng đó thường xuất hiện một cách ngầu nhiên, từ đâu đó trong sâu thẳm phần “con” của tôi. Trong giây phút ấy tôi khát khao được cầm trong tay phải con dao nhọn và thọc vào cái bụng mỡ của bà ta. Đâm liên tiếp. Đâm nát ổ bụng của bà ta để trả hận. Tôi bật khóc. Khóc và gào lên. Ném vào mặt mụ đàn bà ngu ngốc những lời xấu xa và bất công. Gào những câu chửi tục, cố gắng để làm cho bà ta đau đớn hơn nữa.

Cô giáo đi ngang qua. Cô nghe tiếng kêu, ghé vào, nhìn thấy tôi nằm trần truồng trên sàn xi măng, ngập trong phân và nước mắt. Cô hiểu ra tất cả, làm ầm lên. Những người tốt bụng rửa ráy cho tôi, đem tôi vào giường. Cô y tá tới, mang theo kim chích.

Yên nào cậu bé, rồi sẽ ổn cả thôi. Cô sẽ chích cho cháu một mũi thuốc và cháu sẽ ngủ ngay.

Tránh ra xa, đồ chó, đồ bẩn thỉu. Mày là người Nga. Tao căm thù mày. Tao căm thù tất cả những người Nga. Đồ phát xít. Đồ khốn nạn. Chích à? Chích đi. Nhưng không phải loại này mà là loại thực sự kia, để chết đi. Tôi là thằng bé nhọ, còn các người là người Nga. Vậy thì hãy giết tôi đi và đừng có hành hạ tôi thêm nữa. Các người thậm chí tiếc tôi cả đến thuốc độc. Các người còn tồi tệ hơn bọn phát xít. Bọn phát xít luôn giết người tàn tật. Còn các người lăng nhục họ.

Người ta chích cho tôi một mũi. Tôi vẫn luôn gào thét. Tôi kể lể mọi chuyện, chuyện ăn kiêng,chuyện tôi sợ mập. Tôi hứa với họ rằng sẽ không ăn gì hết nữa. Cô giáo và cô y tá lắng nghe tôi mà không hiểu gì cả. Họ cố gắng làm cho tôi bình tĩnh lại. Mũi thuốc đã có tác dụng. Tôi nhanh chóng thiếp đi và tỉnh dậy vào trưa ngày hôm sau. Lòng thấy thanh thản và yên ổn. Bữa trưa có thịt băm viên. Tôi quyết định ăn hết. Tôi ăn thịt băm viên, ăn súp và bánh mì. Cứ để cho tăng ký, mặc kệ. Tôi chả thiết gì nữa.