Nhân Tố Enzyme - Phương Thức Sống Lành Mạnh

Rượu Và Thuốc Lá Chính Là Thói Quen Sinh Hoạt Tồi Tệ Nhất

Phần đông các bác sĩ ở Nhật đều dựa vào thuốc và phẫu thuật để trị bệnh, ít ai chú ý đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện trên thế giới người ta đã bắt đầu ý thức về mối quan hệ sâu sắc giữa chế độ ăn uống và bệnh ung thư.

Tuy nhiên, dù có cải thiện chế độ ăn uống toàn diện đến mức nào thì chỉ với việc thay đổi thói quen ăn uống cũng không thể phòng bệnh 100%. Bởi ngoài chế độ ăn uống, có nhiều nguyên nhân gây tiêu hao enzyme diệu kỳ trong cơ thể đến từ chế độ sinh hoạt của con người hiện đại. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, ngoài chế độ ăn uống, chúng ta phải ý thức loại bỏ tất cả các "thói quen có hại cho cơ thể".

Tiêu biểu cho những thói quen tai hại đó chính là "rượu" và "thuốc lá". Nguyên nhân khiến hai thứ này trở thành hai yếu tố độc hại nhất là chúng có tính gây nghiện rất mạnh, khiến chúng ta phải uống (phải hút) mỗi ngày.

Tôi chỉ cần nhìn mặt một người là có thể biết người đó có hút thuốc hay không. Bởi nếu hút thuốc, da họ sẽ có màu "sạm đen" đặc trưng của thuốc lá. Vậy tại sao hút thuốc lá lại khiến da bị sạm đen như vậy? Khi hút thuốc, các mao mạch sẽ co lại, làm oxy và các chất dinh dưỡng không được bổ sung kịp thời khiến các tế bào lão hóa, các chất cặn bã không được đào thải. Nói cách khác, màu "sạm đen" này chính là các chất bẩn, các độc tố bị tích tụ trong tế bào da.

Khi nói đến tác hại của thuốc lá, người ta thường chỉ chú ý đến lượng hắc ín tích tụ trong phổi. Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa cũng nghiêm trọng không kém, đó là các mao mạch toàn thân sẽ co lại. Khi mao mạch co lại, nước không được vận chuyển đến các cơ quan, đồng nghĩa với các chất dinh dưỡng trong đó cũng không được vận chuyển đi. Thêm vào đó, những chất thải cần được đào thải ra ngoài cũng không thể xử lý được. Hệ quả là các chất cặn bã này tích tụ lại trong cơ thể, phân hủy và sinh ra độc tố.

Các vết "sạm đen" trên da chỉ là một biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Trong thực tế, tất cả các cơ quan kết nối với mao mạch đều đang phát sinh vấn đề tương tự.

Người uống rượu hằng ngày cũng bị co mạch máu giống người hút thuốc lá. Cũng có người cho rằng uống một chút rượu có thể làm giãn huyết quản, giúp máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, việc giãn mao mạch nhờ rượu chỉ kéo dài khoảng hai, ba tiếng. Thực tế, việc "giãn huyết quản" này chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng co thắt mạch máu. Bởi khi mạch máu bị giãn rộng đột ngột do rượu bia, cơ thể sẽ chịu một tác động phản lại là các mạch máu sẽ co thắt lại. Khi mạch máu bị co thắt lại, tình trạng xảy ra sẽ tương tự với người hút thuốc, đó là quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng và bài tiết chất thải không hoạt động hiệu quả.

Cả rượu và thuốc lá đều sản sinh ra trong cơ thể lượng lớn các gốc tự do (đặc biệt là gốc tự do oxy hóa). Để trung hòa các gốc tự do này, ta cần đến các enzyme chống oxy hóa như SOD, catalase, glutathione, peroxidase... Người thường xuyên hút thuốc hay bị thiếu vitamin C là do vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa.

Để trung hòa các gốc tự do cần tiêu tốn rất nhiều enzyme chống oxy hóa. Xã hội hiện đại ngày nay ẩn chứa rất nhiều nguyên nhân sản sinh các gốc tự do như sóng điện từ, ô nhiễm môi trường... Nếu có thêm các yếu tố mà vốn dĩ bản thân chúng ta có thể kiểm soát được như rượu, thuốc lá, thì khi các gốc tự do bùng phát với số lượng lớn, chúng ta buộc phải tiêu tốn rất nhiều các enzyme diệu kỳ trong cơ thể.

Enzyme là chất có thể tiêu hao khi sử dụng. Nói cách khác, nó cũng giống như tiền tiết kiệm, nếu ta chi tiêu vô tội vạ thì khoản tiền sẽ sớm cạn kiệt. Việc ăn uống hợp lý, sinh hoạt điều độ cũng giống như việc tích thêm tiền tiết kiệm mỗi ngày. Bình thường, thay vì tiêu xài hoang phí, nếu chúng ta biết tích góp từng chút một thì đến lúc cần thiết chúng ta có thể tiêu xài một chút cũng không sao. Nhưng nếu bạn cứ ném tiền ra ngoài mỗi ngày thì sẽ có lúc bạn phải gánh chịu món nợ khổng lồ.

Xét với trường hợp của enzyme món nợ này chính là "bệnh tật". Với tiền bạc, nếu bạn không lo trả nợ mà cứ vung tay quá trán, sẽ có lúc bạn bị phá sản. Trong vấn đề sức khỏe, phá sản tương đương với "cái chết" dành cho bạn. Đích đến cuối cùng cho những người thường xuyên uống rượu và hút thuốc lá đã được định sẵn ngay tại thời điểm họ có thói quen này.