Nhân Tố Enzyme - Phương Thức Sống Lành Mạnh

Hội Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ Có Thể Chữa Khỏi Bằng Thói Quen Này

Trong khi các thói quen xấu hàng ngày chính là nguyên nhân gây ra bệnh tật thì cũng có trường hợp bệnh tật được cải thiện nhờ thay đổi thói quen. Một trong các vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm hiện nay chính là "hội chứng ngưng thở khi ngủ".

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở từng lúc trong khi con người đang ngủ. Trong khi ngủ, các cơ trong cơ thể ở trạng thái nghỉ, bất cứ ai nếu nằm ngủ trong tư thế nằm ngửa, lưỡi và gốc lưỡi sẽ rụt lại khiên đường hô hấp bị co hẹp. Ở những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, tình trạng "co thắt đường hô hấp" diễn ra nghiêm trọng hơn, đường hô hấp bị đóng lại tạm thời dẫn đền tình trạng ngưng thở. Khi ngừng thở, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu và người bệnh sẽ tỉnh lại. Tuy nhiên người đó thường không ý thức được và sẽ tỉnh giấc vài lần trong đêm. Kết quả là người mắc hội chứng này không có giấc ngủ sâu, dẫn đến buồn ngủ vào ban ngày và giảm khả năng tập trung.

Mặc dù chưa có trường hợp tử vong nào do hội chứng này gây ra nhưng đây vẫn là một căn bệnh đáng sợ. Thiếu ngủ khiến các chức năng duy trì sự sống của con người như khả năng miễn dịch, khả năng trao đổi chất... suy giảm, hơn nữa, nó còn gây ảnh hưởng lên hệ thống tuần hoàn, làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, đột quỵ lên ba, bốn lần.

Trong số các bệnh nhân bị mắc bệnh này, có 70 ~ 80% số người bị béo phì nên ban đầu người ta cho rằng béo phì là nguyên nhân gây tắc nghẽn đường hô hấp. Tuy nhiên, hiện nay, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh béo phì và chứng ngưng thở khi ngủ không có liên quan trực tiếp đến nhau.

Có ba loại ngưng thở khi ngủ. Một loại là "ngưng thở tắc nghẽn", xảy ra do đường hô hấp bị tắc nghẽn, một loại là "ngưng thở trung ương", xảy ra do hoạt động trung ương hô hấp của não bị suy giảm và một loại "ngưng thở hỗn hợp" bao gồm cả hai loại triệu chứng trên.

Thực tế, phần lớn người bệnh đều mắc hội chứng "ngưng thở tắc nghẽn", hội chứng này có cách chữa trị hết sức đơn giản. Trước khi đi ngủ bốn, năm tiếng, tuyệt đối không được ăn gì. Nói một cách dễ hiểu chính là để bụng rỗng đi ngủ.

Khí quản của con người hoạt động theo cơ chế không để thứ gì ngoài không khí đi qua. Tuy nhiên, khi ngủ, nếu trong dạ dày còn thức ăn, thì khi nằm ngửa thức ăn có thể trào lên họng. Khi đó, để các thức ăn này không đi vào khí quản, cơ thể sẽ co hẹp đường hô hấp dẫn đến ngưng thở. Theo tôi, đường hô hấp bị tắc nghẽn nghiêm trọng chính là nguyên nhân gây ra hội chứng "ngưng thở tắc nghẽn". Giả thuyết của tôi cũng phù hợp với cả các bệnh nhân bị béo phì.

Nếu ăn trước khi đi ngủ vào buổi tối cơ thể bạn sẽ tiết một lượng lớn insulin. Insulin sẽ chuyển hóa tất cả thành chất béo nên dù bạn ăn cùng một loại thức ăn, nhưng nếu ăn vào đêm muộn bạn sẽ dễ bị béo hơn. Hay nói cách khác, không phải do bệnh béo phì dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, mà thói quen ăn đêm trước khi đi ngủ là nguyên nhân gây ra đồng thời cả hội chứng ngưng thở và bệnh béo phì.

Việc ăn uống tùy tiện, để dạ dày vẫn còn làm việc trước khi đi ngủ là một "thói quen xấu".

Nhiều người có thói quen "uống rượu trước khi ngủ" vì cho rằng nó có tác dụng hơn uống thuốc ngủ, nhưng đây cũng là một thói quen nguy hiểm. Có thể bản thân người đó thấy ngủ ngon hơn nhưng trong lúc ngủ, dễ xảy ra tình trạng ngưng thở khiến nồng độ oxy trong máu (PO2) giảm xuống. Với những người bị xơ cứng động mạch hoặc hẹp động mạch vành, nồng độ oxy giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim dẫn đến tử vong. Nhiều người tử vong do lên cơn đau tim hay bị nhồi máu cơ tim lúc gần sáng là do thói quen ăn muộn lúc đêm khuya, dẫn đến tình trạng thức ăn trào ngược làm chặn đường hô hấp dẫn đến tình trạng không thở, kéo theo nồng độ oxy trong máu giảm, cuối cùng dẫn đến cái chết do thiếu máu cơ tim. Nếu trước khi đi ngủ, chúng ta không chỉ ăn mà còn uống rượu thì nguy cơ này còn cao hơn nữa. Lý do là khi uống đồ có cồn sẽ gây ức chế hô hấp trung ương và làm nồng độ oxy trong máu giảm mạnh. Với những người có ít enzyme phân giải rượu, lượng rượu uống vào sẽ tích tụ trong máu lâu hơn người khác nên cần chú ý cẩn thận.

Ngoài ra, cũng có người cho rằng sữa giúp ngủ ngon hơn nên cho trẻ uống sữa nóng để dễ ngủ. Nhưng đây cũng là một "thói quen xấu" cần được loại bỏ. Trẻ em thường đi ngủ sớm nên dù có ăn bữa tối lúc sáu giờ chiều thì nhiều trường hợp khi đi ngủ, dạ dày trẻ vẫn còn thức ăn. Do đó, nếu cho trẻ uống sữa sẽ dễ dẫn đến tình trạng trào ngược. Và khi trẻ hít mạnh do bị ngưng thở, trẻ sẽ dễ hít phải sữa, chất dễ gây dị ứng. Thực tế, tôi cho rằng đây là một trong các nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ em. Mặc dù giả thuyết của tôi chưa được chứng minh nhưng dựa theo các số liệu điều tra với các bệnh nhân của mình, tôi nhận ra rằng nhiều người trong số những người bị bệnh hen suyễn lúc nhỏ, thường có thói quen ngủ ngay sau khi ăn hoặc uống sữa để dễ ngủ.

Để phòng tránh các bệnh như hen suyễn ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ, lên cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim, bạn cần tạo cho mình thói quen để bụng rỗng khi đi ngủ. Với những người không thể chịu được đói bụng vào ban đêm thì có thể ăn một chút trái cầy tươi chứa nhiều enzyme. Những loại trái cây này rất dễ tiêu hóa, và chỉ mất khoảng 30, 40 phút để di chuyển từ dạ dày đến ruột. Vì vậy, với trái cây, nếu bạn ăn trước một tiếng rồi mới nằm thì cũng không cần lo lắng bị trào ngược thức ăn.