Sĩ quan chỉ có bốn loại. Loại thứ nhất là những sĩ quan ngu ngốc, biếng nhác. Loại này vô hại, nên cứ để mặc họ... Loại thứ hai là những sĩ quan thông minh, cần mẫn. Họ là những sĩ quan tham mưu tuyệt vời, đảm bảo mọi chi tiết được xem xét một cách đúng mực. Loại thứ ba là những sĩ quan ngu ngốc, cần mẫn. Những người này là cả một mối hiểm họa và cần phải sa thải ngay lập tức. Họ gây ra những công việc “trật chìa” cho mọi người. Loại cuối cùng là những sĩ quan lười nhác, thông minh. Sĩ quan loại này phù hợp cho những chức vụ cao nhất.
Tướng Von Manstein bàn về Lực lượng Sĩ quan Đức
Đây là chương dành cho những ai có tham vọng thực sự. Nếu bạn không bị đau khổ bởi cảm giác bất an làm nhóm lên ngọn lửa khát khao muốn được giàu có và nổi tiếng, hãy đi tiếp đến Chương 15. Nhưng nếu bạn muốn nắm phần thắng trong cuộc tranh giành khốc liệt, chương này đưa ra một số lời khuyên có thể làm bạn phải ngạc nhiên.
Tướng Von Manstein nắm bắt được phần tinh hoa của chương này, đó là sự chỉ dẫn của Nguyên lý 80/20 về việc làm thế nào để có một nghề nghiệp thành đạt. Nếu vị tướng ấy là nhà tư vấn quản lý, ông ta hẳn đã có thể kiếm được cả một gia tài từ ma trận trong Hình 41.
Lời khuyên này là để xử lý như thế nào đối với người khác. Còn với chính bản thân mình thì sao? Có thể cho rằng trí thông minh và khuynh hướng thích làm việc là những tính cách bất di bất dịch, trong trường hợp ấy ma trận Von Manstein, dù hấp dẫn, tỏ ra vô ích. Tuy nhiên quan điểm đưa ra trong chương này có khác đôi chút. Cho dù bạn chăm chỉ, bạn có thể học cách để trở nên lười nhác. Và cho dù bạn và người khác cho rằng bạn ngu dốt, bạn vẫn thông minh ở một phương diện nào đó. Chìa khóa để trở thành một ngôi sao là biết kích thích, tạo ra và triển khai trí thông minh lười biếng. Như chúng ta sẽ thấy, trí thông minh lười biếng có thể luyện được. Chìa khóa của việc làm ít hơn và kiếm được nhiều tiền hơn là chọn đúng việc để làm và chỉ làm những việc tạo ra giá trị cao nhất.
Tuy nhiên, trước hết, chúng ta nên xem Nguyên lý 80/20 phân phối những phần thưởng như thế nào cho những người làm việc. Sự phân phối phần thưởng không những không cân đối mà còn không công bằng. Chúng ta có thể hoặc ngồi than phiền về thực tế này hoặc tìm cách lợi dụng ma trận Von Manstein.
Hiện tượng thiếu cân đối có đầy rẫy trong sự thành đạt và thu nhập
Nguyên lý 80/20 biểu hiện không đâu rõ bằng tình trạng thu nhập cao ngất và tiếp tục tăng cao của một số rất ít những tay chuyên nghiệp trong giới tinh hoa.
Chúng ta sống trong một thế giới mà thu nhập của những tài năng hàng đầu, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chưa từng bao giờ cao hơn. Một phần trăm nhỏ những người chuyên nghiệp có được sự công nhận và tiếng tăm quá mức và thường cũng nhận được phần trăm bổng lộc cao.
Hãy xét bất kỳ hoạt động nào của con người hiện nay, ở một quốc gia bất kỳ hay cả thế giới. Cho dù đó là điền kinh, bóng chày, bóng rổ, bóng đá, bóng bầu dục, quần vợt hay bất kỳ môn thể thao phổ biến nào; hay kiến trúc, điêu khắc, hội họa hay bất kỳ nghệ thuật hình ảnh nào; hay âm nhạc bất kể thuộc loại hình nào; phim ảnh hay kịch nghệ; tiểu thuyết, sách dạy nấu ăn hay tự truyện; hay thậm chí công việc dẫn các chương trình giao lưu trên truyền hình, đọc bản tin, chính trị hay bất kỳ một lĩnh vực rạch ròi nào khác, vẫn có một số nhỏ những người chuyên nghiệp xuất chúng mà ta nghĩ ngay đến.
Xét theo số lượng người dân ở từng quốc gia thì đấy quả là một con số rất nhỏ những tên tuổi, và thường là một phần trăm nhỏ – thường là dưới xa 5% - trong số những nhà chuyên nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực có liên quan. Trong bất kỳ nghề nào, số người được công nhận tên tuổi thật rất ít nhưng lại giành hết sự chú ý của mọi người. Họ luôn được săn đón và luôn xuất hiện trên báo đài. Họ cũng tương tự như những thương hiệu sản phẩm tiêu dùng, được mọi người nhận ra ngay tức thì như những thương hiệu nổi tiếng.
Đối với sự mến mộ và phần thưởng về tài chính thì có xảy ra tình trạng mất cân đối như vậy. Hơn 80% tổng số tiểu thuyết được bán ra là từ ít hơn 20% đầu sách được phát hành. Điều này cũng đúng với đối với bất kỳ hình thức xuất bản nào: CD nhạc pop và hòa nhạc, phim ảnh, thậm chí sách viết về kinh doanh. Điều này cũng áp dụng đối với diễn viên, những nhân vật nổi tiếng trên truyền hình hay bất kỳ một môn thể thao nào. 80% tiền thưởng trong môn golf vào tay của dưới 20% các tay chơi golf chuyên nghiệp; trong môn quần vợt cũng thế; và trong môn đua ngựa trên 80% tiền thắng giải vào túi 20% các chủ ngựa, nài ngựa và người huấn luyện.
Có một khoảng cách lớn giữa những tên tuổi hàng đầu và tất cả những người còn lại
Chúng ta sống trong một thế giới ngày càng thị trường hóa hơn. Những tên tuổi hàng đầu có thể đòi những mức thù lao khổng lồ, nhưng những ai không được giỏi hay nổi tiếng như vậy thì thu nhập tương đối thấp.
Ví dụ, hồi ký của bà Thatcher đến nay đã bán ra trên 2 triệu bản và một số lượng lớn băng từ và video: cá nhân bà nhận được 5,4 triệu đô-la. Một hồi ký điển hình của một trong những bộ trưởng thú vị nhất, ngài Nicholas Ridley, đã bán ra 5.000 bản, chỉ bằng 1/4 của 1% tổng số bản của bà Thatcher. Nhiều thành viên trong nội các chính phủ của bà Thatcher cũng đã viết hồi ký và một số có được thành công nho nhỏ, tuy nhiên ước tính tốt nhất là, mặc dù bà Thatcher chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2% tất cả những người phục vụ trong nội các của bà và chỉ 5% tổng số những người có xuất bản hồi ký, doanh thu của bà chiếm đến trên 95% tổng số.
Tại sao kẻ thắng gom tất?
Sự phân bố thu thập trong giới siêu sao thậm chí còn mất cân đối hơn cả trong toàn bộ dân số nói chung và cho chúng ta những minh họa tuyệt vời về Nguyên lý 80/20 (hay trong hầu hết các trường hợp, 90/10 hoặc 95/5). Nhiều tác giả1 đã đưa ra những giải thích từ góc độ kinh tế hay xã hội học cho hiện tượng siêu thu thập trong giới siêu sao.
Lời giải thích thuyết phục nhất là thu nhập khổng lồ của các siêu sao là nhờ có hai điều kiện. Một là siêu sao có thể tiếp cận được đối với nhiều người cùng một lúc. Các phương tiện thong tin hiện đại giúp cho điều ấy có thể xảy ra. Chi phí phụ thêm để ‘phân phối’ Michael Jackson, Steven Spielberg, Stephen King, Luciano Pavarotti hay Andre Agassi đến với nhiều người tiêu thụ hơn hầu như là số không, vì chi phí phát sinh thêm để phát sóng, làm CD hay in sách chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng cơ cấu chi phí.
Chi phí phát sinh thêm để đưa các siêu sao đến với người tiêu dùng chắc chắn không cao hơn những người thay thế hạng hai, chỉ có điều là bản thân các siêu sao nhận được thù lao cao hơn. Cho dù thù lao có thể là hàng triệu hay hàng chục triệu, chi phí phát sinh thêm tính trên mỗi đầu người tiêu thụ quả thật rất thấp, thông thường chỉ tính bằng xu hay một phần nhỏ tiền xu.
Điều kiện thứ hai cho thu nhập của các siêu sao là khả năng tầm thường nhất thiết không thể thay thế cho tài năng. Điều quan trọng là phải tìm cho được cái tốt nhất. Nếu một người quét dọn nhà cửa làm việc chỉ nhanh bằng nửa một người khác, thị trường sẽ bù trừ bằng cách trả cho người ấy chỉ nửa mức lương. Thế nhưng ai lại muốn một người nào đó tài năng chỉ bằng nửa Michael Jackson hay Pavarotti? Trong trường hợp này, một người không thuộc hàng siêu sao, dù có làm không công đi nữa, cũng mang lại hiệu quả kinh tế kém xa một siêu sao. Người ấy chỉ thu hút được một lượng khán giả ít ỏi và do đó, dù có tiết kiệm được chút ít về tổng chi phí, mang về mức doanh thu thấp hơn rất nhiều.
“Kẻ thắng gom tất” là một hiện tượng của thời hiện đại
Điều thú vị là mức độ chênh lệch về thu nhập giữa những siêu sao hàng đầu và tất cả những người còn lại trước đây chưa từng có bao giờ. Ví dụ, những nhà vô địch bóng rổ hoặc bóng chày của những năm 1940 và 1950 không kiếm được nhiều tiền. Trước kia có thể thấy trường hợp một nhà chính trị lỗi lạc chết đi trong cảnh bần hàn. Và chúng ta càng trở ngược về quá khứ, chúng ta càng thấy rằng hiện tượng người thắng được tất càng không đúng.
Ví dụ, William Shakespeare vượt hơn hẳn những người đương thời của ông về phương diện tài năng. Leonardo da Vinci cũng thế. Theo lẽ phải, hay đúng hơn là theo chuẩn mực ngày nay, lẽ ra họ đã có thể tận dụng tài năng, sự sáng tạo và danh tiếng của mình để trở nên những người giàu có nhất trong thời đại của mình. Thế mà, họ đành phải xoay xở với một khoản thu nhập tương đương với mức thu nhập ngày nay của những người chuyên nghiệp có tài năng chỉ ở mức tương đối.
Sự mất cân đối về phần thưởng tài chính dành cho tài năng đang ngày càng trở nên rõ nét hơn theo thời gian. Ngày nay, thu nhập liên quan chặt chẽ hơn với năng lực và khả năng tiếp thị, do đó mối liên hệ với Nguyên lý 80/20, vì có thể chứng minh được một cách rõ ràng về phương diện tiền bạc, trở nên dễ dàng nhận thấy hơn. Xã hội chúng ta ngày nay rõ ràng trọng nhân tài hơn là xã hội cách đây một thế kỷ hay thậm chí một thế hệ. Điều này đặc biệt đúng tại châu Âu nói chung và tại Vương quốc Anh nói riêng.
Nếu vào những năm 1940 hay 1950 những cầu thủ bóng đá hàng đầu như Bobby Moore kiếm được khoản tiền khổng lồ thì điều đó sẽ gây ra sự phẫn nộ trong giới bảo thủ Anh: Điều đó với họ hẳn là không thích đáng. Khi các cây bút hàng đầu của những năm 1960 phát hiện rằng nhóm nhạc the Beatles là triệu phú, phát hiện ấy đã gây ra cả một sự kinh ngạc. Ngày nay, việc George Michael hay Michael Jackson được liệt vào nhóm những người giàu nhất thế giới chẳng gây ra chút gì ngạc nhiên. Ngày nay, chúng ta ít xem trọng cấp bậc/ địa vị hơn và xem trọng yếu tố thị trường hơn.
Yếu tố mới khác, như đã đề cập ở trên, là cách mạng công nghệ trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, viễn thông và các sản phẩm tiêu dùng như đĩa CD và CD-ROM. Ngày nay, cái cần phải cân nhắc là làm sao tăng tối đa doanh thu, điều mà các siêu sao có thể làm được. Chi phí phụ thêm để thuê họ có thể là một khoản tiền quá lớn đối với một cá nhân, song chi phí tính trên đầu mỗi người tiêu thụ thì quá nhỏ nhoi.
Thành tựu xưa nay luôn tuân theo Nguyên lý 80/20
Tuy nhiên nếu gạt chuyện tiền bạc sang một bên và giải quyết những vấn đề quan trọng hơn và có giá trị lâu dài hơn (ít ra là đối với tất cả mọi người trừ chính các siêu sao), chúng ta có thể thấy rằng sự tập trung thành tựu và danh tiếng vào một số ít người, dù ở bất kỳ ngành nghề nào, là một thực tế đã có xưa nay. Những giới hạn mà dưới con mắt của chúng ta có vẻ kỳ quặc – như giai cấp hay tình trạng chưa có phương tiện viễn thông – đã ngăn cản Shakespeare và Leonardo da Vinci trở thành những triệu phú. Thế nhưng chuyện họ không giàu có đã không làm giảm đi những thành tựu của họ hoặc thực tế rằng phần lớn ảnh hưởng là do ở một số lượng ít ỏi những người sáng tạo.
Sự chênh lệch 80/20 trong phân phối thu nhập cũng áp dụng được cho những người chuyên nghiệp không thuộc ngành truyền thông
Mặc dù trong nhóm siêu sao của giới truyền thông sự mất cân đối dễ dàng nhìn thấy nhất và hơi cường điệu, điều quan trọng là sự chênh lệch 80/20 này không chỉ giới hạn trong giới công nghệ tiêu khiển. Những tay chuyên nghiệp hàng đầu trong bất kỳ nghề nghiệp được công nhận nào ngày càng nhận được phần lớn của cải tạo ra. Lưu ý rằng ở Hình 42 người được xếp thứ hai trong danh sách những người có thu nhập cao nhất là Joseph Jamail, một cái tên hoàn toàn xa lạ bên cạnh Andre Agassi. Jamail là một luật sư tố tụng và cho đến thời điểm này vẫn chưa từng xuất hiện trên các chương trình truyền hình hay thực hiện một bộ phim bom tấn nào. Vậy mà ông đã kiếm được 90 triệu đô-la trong năm 1994, trên gấp bốn lần thu nhập của Agassi.
Rà xuống bảng liệt kê những người có thu nhập cao nhất ta thấy các luật sư công ty, nhà phẫu thuật đầu ngành, giám đốc công ty được săn đón, chủ ngân hàng đầu tư, các chuyên gia về thuế và một loạt các ngành nghề khác. Trong từng lĩnh vực này, triết lý “kẻ thắng gom tất” đang ngày càng lan rộng hơn. Các cá nhân hay công ty chuyên về một lĩnh vực hàng đầu có thể đòi thù lao cao gấp nhiều lần so với những người kém tay nghề hơn một chút. Ví dụ, nếu có xảy ra trường hợp tranh giành mua đứt lại một công ty, một trong hai nhân vật chính có thể tranh nhau giành quyền phục vụ cho những cá nhân hay công ty đứng đầu bằng cách đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với mức giá bình thường. Bất cứ khi nào có những khoản tiền đầu tư lớn và những cá nhân chóp bu có thể (hoặc được xem là có thể) ảnh hưởng tỷ lệ thì lợi nhuận thu về cho những cá nhân có thể đạt đến mức khổng lồ.
Có lẽ tài năng luôn tuân theo mô hình 80/20. Nói một cách đại khái, ảnh hưởng của công nghệ có lẽ sẽ đẩy tài năng lên mức tỷ lệ xấp xỉ 90/10 hoặc 95/5. Phần thưởng trước kia có lẽ phân phối theo tỷ lệ 70/30, nhưng đối với những người nổi tiếng nhất chắc chắn bây giờ tỷ lệ tăng gần đến mức 95/5 hoặc thậm chí còn chênh lệch hơn thế nữa.
Tất cả những điều này có nghĩa gì đối với những người có tham vọng?
Những quy tắc để thành công trong thế giới 80/20 này là gì? Có lẽ bạn muốn bỏ cuộc và từ chối tranh đua trong một thế giới mà cơ may để thành công lớn là quá bé. Nhưng tôi cho rằng đó là một kết luận sai lầm. Cho dù bạn không có ý định muốn trở thành triệu phú số một có khả năng làm khuynh đảo cả thế giới (nhưng đặc biệt là bạn có ý định như vậy), có 10 quy tắc vàng để có được một nghề thành công trong một thế giới ngày càng méo lệch kiểu 80/20 (xem Hình 43).
Mặc dù các nguyên tắc này càng quý giá hơn nếu bạn có tham vọng to lớn hơn, chúng áp dụng được cho bất kỳ trình độ nghề nghiệp hay mức độ tham vọng nào. Khi chúng ta bàn chi tiết về việc này, các bạn hãy sử dụng kiểu tư duy 80/20 để biên tập lại nội dung cho phù hợp với ngành nghề của bạn. Hãy nhớ lại ma trận Von Manstein: tìm một lĩnh vực mà bạn đã lập nên tên tuổi, mà bạn có thể thông minh, lười nhác và nhận được phần thưởng cao hơn.
_____________________________________
1. Đi chuyên vào một lĩnh vực thật hẹp; phát triển một kỹ năng cốt lõi
2. Chọn một lĩnh vực mà bạn thích thú, mà bạn có khả năng hơn người khác và có cơ may trở thành người lãnh tụ được công nhận
3. Hãy nhận thức rằng tri thức là sức mạnh
4. Xác định thị trường và nhóm khách hàng chủ chốt của mình và phục vụ họ đến mức tối đa
5. Xác định những mảng mà 20% công sức bỏ ra đem lại 80% kết quả
6. Hãy học hỏi từ những người giỏi nhất
7. Hãy chuyển sang hình thức tự doanh sớm trên con đường sự nghiệp
8. Hãy thuê càng nhiều càng tốt những người tạo ra giá trị thực
9. Sử dụng nhà thầu bên ngoài trong mọi việc trừ kỹ năng cốt lõi của bạn
10. Tận dụng đòn bẩy vốn
_______________________________________
Hình 43: 10 quy tắc vàng để thành công trong nghề
Đi chuyên vào một lĩnh vực thật hẹp
Chuyên môn hóa là một trong những quy luật lớn, phổ quát trong cuộc sống. Đấy là cách mà bản thân cuộc sống tiến hóa, trong đó mỗi loài tìm cho mình những vùng sinh thái mới và phát triển những đặc tính riêng của mình. Một công ty nhỏ không đi chuyên một lĩnh vực nào sẽ sụp đổ. Một cá nhân chẳng có chuyên môn hóa sẽ suốt đời làm công cho người khác mà thôi.
Trong thế giới tự nhiên, không ai biết được số lượng loài vật là bao nhiêu, song hầu như chắc chắn rằng số lượng này lớn đến kinh ngạc. Số lượng các lĩnh vực trong giới kinh doanh còn lớn hơn rất nhiều so với người ta thường nghĩ; do vậy nhiều công ty nhỏ, trên bề mặt đang phải cạnh tranh trong một thị trường lớn, thực tế có thể trở thành những công ty đứng đầu trong lĩnh vực riêng của họ và tránh được sự đối đầu trực diện.2
Đối với cá nhân cũng vậy, biết thấu đáo một vài việc, hoặc tốt hơn là biết một việc nào đó cực kỳ thấu đáo, thì tốt hơn là biết nhiều thứ một cách hời hợt.
Sự chuyên môn hóa nằm ngay trong Nguyên lý 80/20. Lý do vì sao nó diễn ra như vậy – tức 20% lượng công sức đầu tư vào có thể tạo ra 80% kết quả – là ở chỗ cái 1/5 có năng suất cao ấy được chuyên môn hóa và thích hợp với nhiệm vụ hơn nhiều so với cái 4/5 có năng suất kém kia.
Bất kỳ khi nào chúng ta quan sát thấy Nguyên lý 80/20 đang ứng nghiệm, đấy chính là bằng chứng cho thấy có một sự lãng phí các nguồn tài nguyên (do cái 4/5 có hiệu suất kém gây ra) và nhu cầu cần phải chuyên môn hóa cao hơn nữa.
Nếu cái 80% có hiệu suất kém ấy được tập trung vào những việc mà chúng thực hiện được tốt thì chúng có thể trở thành cái 20% có hiệu suất cao ở một lĩnh vực khác. Và điều này đến lượt nó sẽ tạo ra một quan hệ 80/20 khác nhưng ở tầm mức cao hơn. Cái trước đây là 80% có năng suất kém, hay một phần của nó, giờ đây sẽ là cái 20% có hiệu suất cao trong một phân bố khác.
Quá trình này, cái mà triết gia người Đức thế kỷ XIX G. W. F. Hegel gọi là ‘biện chứng’,3có thể tiếp tục diễn ra mãi, tạo thành động cơ thúc đẩy sự tiến bộ. Thực vậy, có bằng chứng cho thấy đấy chính là cái đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử, cả trong thế giới tự nhiên và trong xã hội. Mức sống cao hơn có được là nhờ sự chuyên môn hóa ngày càng sâu hơn.
Máy vi tính tiến hóa từ sự chuyên môn hóa mới trong ngành điện tử; máy vi tính cá nhân từ sự chuyên hóa sâu hơn nữa; các phần mềm chương trình hiện đại, dễ sử dụng từ sự chuyên môn hóa thêm một bước nữa; và đĩa CD-ROM từ một giai đoạn khác nữa của cùng một quá trình. Kỹ nghệ sinh học, trong tương lai sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong việc sản xuất thực phẩm, cũng đã tiến hóa theo cách tương tự, cứ ở mỗi giai đoạn phát triển mới đòi hỏi và nhờ vào quá trình chuyên môn hóa ngày càng sâu hơn.
Sự nghiệp của bạn cũng phải tiến triển theo cách tương tự. Tri thức chính là chìa khóa. Một trong những xu hướng rõ rệt nhất trong giới làm việc trong thế hệ vừa qua chính là sự tăng lên không ngừng về quyền lực và vị thế của các kỹ thuật viên, trước kia thường là những công nhân cổ xanh nhưng nay có được quyền nhờ tri thức chuyên môn cùng với công nghệ thông tin ngày càng được chuyên môn hóa cao hơn.4 Những chuyên gia này hiện nay thường có nhiều quyền lực và được trả lương cao hơn những nhà quản lý nguyên thủy xét về phương diện công nghệ, chỉ nhắm đến việc làm tăng giá trị bằng việc tổ chức các kỹ thuật viên.5
Ở mức cơ bản nhất, sự chuyên môn hóa đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên môn. Trên 80% số bằng cấp trong hầu hết tất cả các xã hội nằm trong tay của 20% lực lượng lao động. Ngày càng rõ nét hơn, sự phân biệt giai cấp quan trọng nhất trong những xã hội tiên tiến không phải là việc sở hữu đất đai hay thậm chí của cải, mà là việc sở hữu thông tin. 80% lượng thông tin thuộc quyền sở hữu của 20% dân số.
Nhà kinh tế và chính khách Mỹ Robert Reich đã phân chia lực lượng lao động Mỹ thành bốn nhóm. Nhóm đứng đầu được ông gọi là nhóm ‘những nhà phân tích biểu trưng’, là những người chuyên xử lý những con số, ý tưởng, các vấn đề và từ ngữ. Nhóm này gồm các nhà phân tích tài chính, các nhà tư vấn, kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ và phóng viên, thực chất là tất cả người làm việc mà trí thông minh và tri thức của họ là một nguồn tạo ra quyền lực và ảnh hưởng. Điều thú vị là ông đặt cho nhóm này cái tên ‘nhóm 1/5 may mắn’ – theo thuật ngữ của chúng ta là nhóm 20% chóp bu – mà ông cho rằng nắm giữ 80% lượng thông tin và 80% của cải.
Bất kỳ ai gần đây có kinh qua những ngành chuyên môn đều biết rằng tri thức hiện đang trải qua một quá trình phân hóa sâu sắc và triệt để. Ở một vài phương diện, điều này đáng lo ngại vì hầu như chẳng có ai trong giới trí thức hay trong xã hội nói chung có thể tổng hợp tất cả những tiến bộ khác nhau trong tri thức nhân loại và có thể bảo chúng ta biết tất cả những tiến bộ ấy mang ý nghĩa gì. Nhưng ở những phương diện khác, sự phân hóa là bằng chứng thêm cho nhu cầu và giá trị của việc chuyên môn hóa.
Và đối với mỗi cá nhân, quan sát được xu hướng ngày càng rõ là phần thưởng luôn về tay những kẻ chóp bu, đấy là một quá trình đầy hy vọng. Có lẽ bạn chẳng có hy vọng gì trở thành Albert Einstein hay thậm chí Bill Gates, song thực sự là có hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu, lĩnh vực để bạn có thể chọn để đi sâu về chuyên môn. Thậm chí, cũng giống như Bill Gates, bạn có thể tạo ra lĩnh vực của riêng mình.
Hãy tìm cho ra lĩnh vực của mình. Có thể bạn phải mất nhiều thời gian, nhưng đó là cách duy nhất để bạn có thể kiếm được những khoản tiền khổng lồ.
Chọn một lĩnh vực mà bạn thích thú, mà ở đó bạn có khả năng nổi trội
Chuyên môn hóa đòi hỏi phải suy nghĩ thật cẩn thận. Lĩnh vực càng hẹp bao nhiêu thì việc chọn lựa kỹ càng lại càng quan trọng hơn.
Hãy đi chuyên sâu vào một lĩnh vực mà bạn đã tỏ ra quan tâm và thích thú. Bạn sẽ không thể trở thành người lãnh đạo được công nhận trong bất kỳ việc gì mà bạn không cảm thấy thích thú hay say mê.
Yêu cầu này không đến nỗi quá khắt khe như bạn nghĩ. Mọi người ai cũng cảm thấy hứng thú với một việc nào đó; nếu không, họ đã chết hoặc sắp chết đến nơi rồi. Và hầu hết mọi sở thích cá nhân, sự nhiệt tình, và mọi thiên hướng ngày nay đều có thể biến thành hoạt động làm ăn.
Bạn cũng có thể nhìn vấn đề này theo hướng ngược lại. Hầu hết những ai đã vươn lên được hàng chóp bu là nhờ có nhiệt tình say mê đối với những gì họ đang làm. Sự nhiệt tình tạo động lực cho người ta đạt thành tựu và làm cho người khác cũng nhiệt tình theo, tạo nên hiệu ứng cấp số nhân. Lòng nhiệt tình không thể nào giả vờ hay phịa ra được.
Nếu bạn cảm thấy mình không có nhiệt tình cho nghề hiện tại của mình và bạn có tham vọng, bạn nên thôi làm công việc ấy. Thế nhưng trước khi thực hiện bước này, hãy suy nghĩ và tìm cho ra một nghề tốt hơn. Hãy viết ra những việc làm mà bạn cảm thấy đam mê. Kế đó hãy nghĩ xem việc nào có thể biến thành nghề của mình. Sau đó hãy chọn việc mà bạn cảm thấy có nhiều nhiệt tình nhất.
Hãy nhận thức rằng tri thức là quyền lực
Chìa khóa để biến sự đam mê, nhiệt tình của mình thành một nghề là tri thức. Hãy nắm chắc một lĩnh vực nào đó hơn bấy kỳ ai khác. Sau đó tìm ra cách tung nó ra thị trường nhằm tạo ra một thị trường và một nhóm khách hàng trung thành.
Biết nhiều về một số lĩnh vực hẹp thôi thì chưa đủ. Bạn phải biết nhiều hơn bất kỳ ai, ít nhất là ở một lĩnh vực nào đó. Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn cho đến khi bạn chắc chắn rằng bạn biết nhiều hơn và giỏi hơn mọi người ở một lĩnh vực nào đó. Sau đó củng cố vị trí dẫn đầu của mình bằng cách thường xuyên luyện tập và luôn hiếu kỳ muốn tìm hiểu thêm. Đừng mong mình là người đứng đầu trừ phi bạn thực sự hiểu biết nhiều hơn bất kỳ ai khác.
Việc đưa sản phẩm ra thị trường là một quá trình đầy sáng tạo: bạn cần phải tự mình tìm hiểu xem phải làm như thế nào. Bạn có thể bắt chước cách mà những người khác đã tung tri thức của họ ra thị trường trong một lĩnh vực gần kề. Nhưng nếu không có lựa chọn này, hãy đi theo những chỉ dẫn dưới đây.
Xác định thị trường và nhóm khách hàng chủ chốt của mình và phục vụ họ đến mức tối đa
Thị trường của bạn là những người chịu bỏ tiền ra mua tri thức của bạn. Những khách hàng cốt lõi là những người đánh giá cao nhất những dịch vụ bạn cung cấp.
Thị trường là khu vực mà trong đó bạn sẽ hoạt động. Điều này đòi hỏi bạn phải xác định xem tri thức mình có có thể đem bán như thế nào. Bạn có dự định làm việc cho một công ty sẵn có hay cho một cá nhân với tư cách là một nhân viên, hay làm cho một số tập đoàn và cá nhân cùng lúc với tư cách là người hoạt động tự do, hay thành lập một công ty tiếp thị những dịch vụ (từ sức lao động của bạn hoặc của những người khác) đến các cá nhân hay công ty?
Bạn dự định cung ứng tri thức thô, xử lý tri thức thô để dùng vào những tình huống cụ thể, hay dùng tri thức để tạo ra một sản phẩm? Bạn dự định phát minh ra một sản phẩm mới, tạo thêm giá trị cho bán thành phẩm của người khác, hay làm người bán lẻ thành phẩm?
(Những) khách hàng cốt lõi của bạn là những cá nhân hay công ty cụ thể đánh giá cao nhất hoạt động của bạn và có thể cung cấp cho bạn một công việc thường xuyên và trả lương cao.
Cho dù làm thuê cho người khác, làm tư, làm chủ một công ty nhỏ hoặc lớn, hay thậm chí là lãnh tụ một quốc gia, bạn vẫn có những khách hàng chủ chốt mà nhờ họ bạn có thể tiếp tục gặt hái thêm thành công. Điều này đúng cho dù thành tích của bạn trong quá khứ có ở mức nào đi nữa.
Thật đáng ngạc nhiên là những người đứng đầu rất thường xuyên làm mất vị trí của mình bằng cách xao nhãng hoặc thậm chí lạm dụng nhóm khách hàng chủ chốt của mình. Ngôi sao quần vợt John McEnroe quên rằng khách hàng chính của anh chính là khán giả và thậm chí là những người tổ chức giải quần vợt nhà nghề. Bà Thatcher (như hồi ấy người ta vẫn gọi như vậy) quên mất rằng những khách hàng quan trọng nhất của bà là những nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của chính bà. Tổng thống Richard Nixon quên rằng nhóm khách hàng chính của ông là người dân Mỹ thuộc giới trung lưu, yêu cầu nghiêm ngặt về sự liêm chính.
Phục vụ khách hàng là bí quyết, nhưng họ phải là những khách hàng phù hợp đối với bạn, những người có thể làm cho bạn cực kỳ hạnh phúc mà không phải tốn công sức gì nhiều.
Xác định những mảng mà 20% công sức bỏ ra đem lại 80% kết quả
Làm việc thì chẳng có gì thú vị trừ phi bạn có thể đạt được nhiều mà chỉ tốn một ít công sức. Nếu bạn phải làm việc 60 hay 70 giờ một tuần để theo kịp công việc, nếu bạn cảm thấy mình luôn bị tụt lại phía sau, nếu bạn đang phải vất vả để đáp ứng những yêu cầu của công việc, thì bạn đang làm một nghề không phù hợp hoặc cách làm việc của bạn là hoàn toàn không phù hợp! Chắc chắn bạn không thu được lợi ích gì từ Nguyên lý 80/20 hay từ ma trận Von Manstein.
Hãy luôn tự nhắc nhở mình về một số ý tưởng của Nguyên lý vàng 80/20: trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, 80% số người chỉ đạt được 20% kết quả; và 20% số người đạt được đến 80% kết quả. Nhóm người đa số ấy đang làm điều gì không đúng, và số người thiểu số đang làm điều gì đúng? Hơn nữa, những ai thuộc về nhóm thiểu số ấy? Bạn có thể làm được như họ không? Bạn có thể đảm nhiệm những việc họ đang làm không, và làm theo một cách thậm chí còn cực đoan hơn? Bạn có thể nghĩ ra một cách làm nào khác thông minh hơn và hiệu quả hơn không?
Bạn và những ‘khách hàng’ của mình như thế đã phù hợp chưa? Công ty bạn đang làm việc có phù hợp chưa? Bộ phận làm việc thích hợp chưa? Công việc phù hợp chưa? Ở những điểm nào bạn có thể gây ấn tượng với ‘khách hàng’ của mình mà không phải tốn nhiều công sức? Bạn có thích thú với những gì mình đang làm và cảm thấy say mê công việc ấy? Nếu câu trả lời là không, hãy bắt đầu lên kế hoạch thay đổi sang một công việc mà bạn cảm thấy thích thú ngay hôm nay.
Nếu bạn thích công việc và ‘khách hàng’ của mình nhưng thấy mình không đang trên đà đi đến vinh quang thì có lẽ bạn đang sử dụng thời gian của mình không đúng cách. 20% thời gian mà trong đó bạn đạt được 80% kết quả là thời gian nào? Hãy tập trung làm thêm khoảng thời gian này! 80% thời gian mà trong đó bạn chỉ đạt được 20% kết quả là thời gian nào? Hãy giảm bớt khoảng thời gian này! Câu trả lời có thể đơn giản như thế, dù thực hiện thay đổi bắt buộc bạn phải phá vỡ hết những quy ước và thói quen thông thường của mình.
Trong mọi thị trường, mọi công ty, mọi ngành nghề và đối với mọi khách hàng, luôn có một cách làm việc hiệu quả hơn, có hiệu năng cao hơn: không chỉ là hơn đôi chút mà vượt trội hẳn kìa. Hãy nhìn sâu bên dưới bề mặt của sự việc để tìm ra những chân lý 80/20 trong ngành nghề của bạn.
Trong nghề của tôi, nghề tư vấn quản lý, những câu trả lời thấy rất rõ. Những thân chủ lớn ư? Tốt. Những đội ngũ tư vấn lớn với nhiều thành viên cấp dưới ít tốn kém ư? Tốt. Quan hệ gần gũi với thân chủ – giữa các cá nhân – ư? Tốt. Quan hệ với nhân vật chóp bu, CEO ư? Rất tốt. Quan hệ lâu dài với thân chủ ư? Rất tốt. Quan hệ gần gũi và lâu dài với thân chủ là những nhân vật chóp bu trong những tập đoàn lớn có ngân sách dồi dào và sử dụng nhiều nhà tư vấn cấp dưới ư? Bạn tung tăng cười vui suốt con đường đến ngân hàng gửi tiền!
Những chân lý 80/20 trong ngành nghề của bạn là gì? Ở lĩnh vực nào thì các tập đoàn kiếm được lợi nhuận kếch xù, thậm chí bẩn thỉu? Người đồng nghiệp nào của bạn đang thành đạt mà lúc nào cũng thấy có vẻ thoải mái và có thời gian để hưởng thụ những thú vui riêng của mình? Cái họ làm được thật tốt là cái gì? Hãy suy nghĩ và suy nghĩ. Câu trả lời nằm ở đâu đó. Cái bạn cần làm là phải tìm cho ra câu trả lời. Tuy nhiên, đừng hỏi giới nắm quyền trong ngành câu trả lời là gì; đừng thực hiện khảo sát thăm dò đồng nghiệp; và đừng cố tìm câu trả lời trong các ấn phẩm. Tất cả những gì bạn tìm thấy chỉ là túi khôn thông thường của người đời, được lặp đi lặp lại đến sáo mòn bằng cách này hay cách khác. Câu trả lời nằm ở những người lập dị trong ngành, những nhà chuyên môn gàn bướng và những cá nhân không giống ai.
Hãy học hỏi từ những người giỏi nhất
Những người thắng cuộc trong bất kỳ lĩnh vực nào, theo định nghĩa, đã tìm ra những cách làm cho 20% công sức tạo ra được 80% kết quả. Điều này không có nghĩa là những người đứng đầu lười biếng hay không có tâm huyết. Những người đứng đầu thường làm việc chăm chỉ. Thế nhưng kết quả của họ, đạt được trong khoảng thời gian không nhiều hơn những người có năng lực đơn thuần trong lĩnh vực của họ, lại có giá trị cao hơn kết quả của những người có năng lực đơn thuần gấp nhiều lần. Những người đứng đầu tạo ra kết quả trội hơn hẳn cả về chất lẫn lượng.
Nói cách khác, những người đứng đầu làm việc khác người. Họ thường là những người ‘ngoại đạo’: Họ có suy nghĩ và cảm nhận khác người. Những người giỏi nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có suy nghĩ và hành động không giống với người bình thường. Những người đứng đầu có thể không ý thức được những việc họ làm khác người. Hiếm khi họ suy nghĩ về điều đó và phát biểu ra điều đó. Tuy nhiên, nếu những người đứng đầu thông thường không giải thích những bí quyết thành công của họ, chúng ta có thể quan sát và suy ra những bí quyết ấy.
Các thế hệ đi trước biết rất rõ điều này. Đồ đệ ngồi dưới chân sư phụ, người mới vào nghề học việc từ một thợ lành nghề, sinh viên học tập bằng cách phụ giáo sư trong nghiên cứu, họa sĩ bỏ ra thời gian học tập với một họa sĩ đã thành danh: tất cả đều học hỏi bằng cách quan sát cách thức làm việc của những người giỏi nhất trong ngành nghề của họ, bằng cách giúp sức hoặc bắt chước người thầy.
Hãy chấp nhận trả một giá đắt khi làm việc với những người giỏi nhất. Hãy tìm ra một cái cớ để ở bên cạnh họ. Hãy tìm ra những cách thức làm việc đặc trưng của họ. Rồi bạn sẽ thấy họ nhìn sự vật một cách khác người, sử dụng thời gian khác người, và giao tiếp với người khác cũng khác người. Trừ phi bạn có thể làm được những gì họ làm hay một cái gì đó khác với cách thức thông thường trong ngành nghề của mình, bạn sẽ chẳng bao giờ ngôi lên được vị trí hàng đầu.
Đôi khi, vấn đề không chỉ là làm việc cho những cá nhân giỏi nhất. Bí quyết chủ chốt nhất có thể nằm trong văn hóa tập thể của những công ty tốt nhất. Chìa khóa nằm trong những sự khác biệt. Có thể nói rằng bạn nên làm việc cho một công ty bình thường, sau đó làm việc cho một trong những công ty tốt nhất và quan sát những sự khác biệt. Ví dụ, trước kia tôi làm việc cho hãng Shell và phải viết nhiều bản ghi nhớ. Sau đó tôi đi làm cho một trong những công ty Mars và tôi học được cách giao tiếp trực diện với mọi người cho đến khi tôi đạt được kết quả mong muốn. Công ty Mars hoạt động theo tập quán 20/80: 20% công sức dẫn đến 80% kết quả. Những người đứng đầu có nhiều tập quán làm việc kiểu 20/80 như vậy.
Hãy quan sát, học hỏi và thực hành
Hãy chuyển sang hình thức tự doanh sớm trên con đường sự nghiệp
Hãy dùng đòn bẩy thời gian của mình sao cho bạn tập trung vào những việc tạo ra giá trị cao gấp năm lần những việc khác. Bước thứ hai là phải đảm bảo bạn giành được phần lớn giá trị tạo ra về cho mình. Vị trí lý tưởng, vị trí mà bạn nên nhắm tới sớm trên con đường sự nghiệp của mình, là giành được toàn bộ giá trị mình tạo ra về cho mình.
Lý thuyết giá trị thặng dư của Các-Mác cho rằng công nhân tạo ra toàn bộ giá trị và các chủ tư bản giành lấy hết giá trị thặng dư. Nói một cách thô thiển, lợi nhuận là giá trị thặng dư bị cướp lấy từ tay công nhân.
Những nhân viên bình thường tạo ra kết quả đạt mức trung bình thực ra có thể bóc lột công ty nhiều hơn là công ty bóc lột họ: các công ty thường có quá nhiều người quản lý và giá trị ròng mà đa số những người quản lý này góp vào thực tế là mang giá trị âm. Thế nhưng người nhân viên biết sử dụng đúng Nguyên lý 80/20 có lẽ sẽ làm việc hiệu quả hơn nhân viên bình thường gấp nhiều lần. Người nhân viên 80/20 hầu như không được trả lương cao hơn những nhân viên cùng cấp một cách tương ứng. Do đó người nhân viên 80/20 có lẽ sẽ có lợi hơn nhiều bằng cách đứng ra làm ăn tự doanh.
Khi bạn đứng ra tự doanh, bạn được trả lương theo kết quả. Đối với những ai sử dụng Nguyên lý 80/20, đây chính là tin mừng cho họ.
Trường hợp duy nhất có lẽ không phù hợp cho việc đứng ra tự doanh là khi bạn đang còn trong giai đoạn học việc nhanh chóng. Nếu như một tập đoàn hay một công ty chuyên nghiệp đang dạy cho bạn nhiều kỹ năng/tri thức, giá trị của việc học này có thể vượt xa mức chênh lệch giữa giá trị bạn tạo ra và số tiền bạn được trả. Trường hợp này thường xảy ra trong hai ba năm đầu của một nghề chuyên môn. Trường hợp này cũng xảy ra khi các chuyên viên dày dặn kinh nghiệm chuyển sang làm cho một công ty khác có mức chuẩn cao hơn nơi họ làm trước kia. Trong trường hợp này, thời gian học tập siêu tốc này thường chỉ kéo dài vài ba tháng, hay nhiều nhất cũng chỉ là một năm.
Khi những khoảng thời gian này kết thúc, hãy đứng ra lập công ty tự doanh. Đừng lo nghĩ nhiều về mức độ an toàn. Trình độ chuyên môn của bạn cộng với việc áp dụng những quy tắc của Nguyên lý 80/20 chính là sự đảm bảo an toàn cho bạn. Dẫu gì đi nữa, các công ty không còn có khả năng tạo sự đảm bảo cho bạn.
Hãy thuê càng nhiều càng tốt những người tạo ra giá trị thực
Nếu giai đoạn đòn bẩy đầu tiên là việc sử dụng tốt nhất thời gian của bạn, giai đoạn hai là đảm bảo bạn giành được hết giá trị mình tạo ra về phần mình thì giai đoạn ba là dùng đòn bẩy nâng cao năng lực của những người khác.
Bạn chỉ có một người, nhưng còn có một số rất lớn những người bạn có thể thuê về làm cho mình. Một phần nhỏ của nhóm người này – nhưng lại là phần nhỏ từ đó những ông chủ 80/20 tìm nhân viên về làm việc cho mình – tạo ra nhiều giá trị hơn là chi phí bỏ ra để thuê họ.
Hệ quả kéo theo là đòn bẩy lớn nhất chính là những người khác. Ở một chừng mức nào đó, bạn có thể và nên tạo lực bẩy từ những người bạn không thuê làm cho mình: những người liên minh của bạn. Nhưng bạn có thể có được đòn bẩy trực tiếp nhất, hoàn chỉnh nhất từ những người làm thuê cho bạn.
Một ví dụ đơn giản bằng con số có thể giúp bạn tập trung suy nghĩ vào giá trị to lớn của đòn bẩy lao động. Chúng ta hãy giả định rằng bằng cách áp dụng Nguyên lý 80/20 bạn trở nên hiệu quả gấp năm lần so với một chuyên viên bình thường trong ngành nghề của bạn. Chúng ta cũng giả định rằng bạn là người chủ tự doanh và vì thế nắm hết toàn bộ giá trị tạo ra. Do đó, điều tốt nhất mà bạn có thể làm được là nhận được kết quả bằng 500% mức trung bình. Mức ‘thặng dư’ của bạn so với mức quân bình là 400 đơn vị.
Thế nhưng bây giờ chúng ta hãy giả định là bạn tìm được 10 chuyên viên khác, mỗi người đều được hoặc có thể được đào tạo để có năng suất lớn gấp ba lần so với mức trung bình. Họ làm việc không được tốt như bạn, song họ vẫn tạo ra giá trị cao hơn chi phí thuê họ. Chúng ta cũng giả định rằng để thu hút và giữ chân những người này, bạn trả lương họ gấp rưỡi so với mức lương hiện hành. Mỗi người trong nhóm này sẽ tạo ra 300 đơn vị giá trị và chi phí trả cho họ là 150 đơn vị. Vậy là bạn kiếm được một khoản lãi, hay thặng dư tư bản, là 150 đơn vị trên mỗi đầu nhân viên. Nếu thuê 10 người, bạn sẽ có được 1500 đơn vị thặng dư cộng vào 400 đơn vị mà chính bạn đang tạo ra. Tổng giá trị thặng dư của bạn giờ đây 1900 đơn vị, gần gấp năm lần so với trước khi thuê nhân viên làm cho mình.
Tất nhiên, bạn không phải dừng lại ở số 10 nhân viên. Hai giới hạn duy nhất là khả năng của bạn trong việc tìm ra những nhân viên có thể làm tăng giá trị thặng dư và khả năng của bạn (và của họ) trong việc tìm ra khách hàng. Giới hạn thứ hai thường không thể có nếu như không có giới hạn thứ nhất, vì những chuyên viên có khả năng làm tăng giá trị thông thường có sẵn thị trường cho những dịch vụ của họ.
Rõ ràng, điều thiết yếu là chỉ thuê những người tạo ra được giá trị ròng: những người mà giá trị họ tạo ra vượt xa chi phí thuê mướn họ. Nhưng sẽ sai lầm khi cho rằng bạn chỉ nên thuê những người giỏi nhất. Giá trị thặng dư cao nhất được tạo ra bằng cách thuê càng nhiều người tạo giá trị thặng dư càng tốt, cho dù một số người chỉ hơn mức trung bình gấp hai lần trong khi những người khác có thể hiệu quả hơn mức trung bình đến năm lần (hoặc thậm chí còn hơn). Trong nội bộ lực lượng lao động của bạn, có lẽ vẫn còn đó tỷ lệ 80/20 hoặc 70/30 ở phương diện hiệu quả công việc. Giá trị thặng dư tuyệt đối lớn nhất có thể tồn tại song song với sự chênh lệch về tài năng. Yêu cầu duy nhất là nhân viên kém hiệu quả nhất của bạn cũng có thể tạo ra giá trị cao hơn chi phí thuê mướn nhân viên ấy.
Sử dụng nhà thầu bên ngoài trong mọi việc trừ kỹ năng cốt lõi của bạn
Nguyên lý 80/20 là một nguyên tắc chọn lọc. Bạn đạt được mức hiệu quả tối đa bằng cách tập trung vào 1/5 hoạt động mà bạn làm tốt nhất. Nguyên tắc này áp dụng không chỉ cho cá nhân thôi mà còn cho cả các công ty.
Những công ty và tập đoàn thành công nhất là những công ty khoán hết mọi việc cho người ngoài ngoại trừ công việc mà họ có thể làm tốt nhất. Nếu như họ giỏi về tiếp thị thì họ không hoạt động sản xuất. Nếu ưu điểm thực của họ là nghiên cứu và phát triển, họ sử dụng bên thứ ba không chỉ cho việc sản xuất hàng hóa, mà còn cả việc tiếp thị và bán sản phẩm. Nếu họ mạnh nhất về việc sản xuất các sản phẩm chuẩn hóa với khối lượng lớn thì họ không làm ra những sản phẩm ‘đặc biệt’ hay các dạng sản phẩm cao cấp. Nếu họ giỏi nhất về các sản phẩm ‘đặc biệt’ có biên lợi nhuận cao, họ không thử tay vào thị trường giới bình dân. Vân vân và vân vân.
Giai đoạn đòn bẩy thứ tư là sử dụng nhà thầu bên ngoài càng nhiều càng tốt. Hãy giữ cho công ty của bạn càng đơn giản càng tốt và chỉ đơn thuần tập trung vào những mảng mà công ty mình làm tốt hơn những đối thủ cạnh tranh gấp nhiều lần.
Tận dụng đòn bẩy vốn
Cho đến bây giờ chúng ta đã kêu gọi sử dụng đòn bẩy lao động, nhưng bạn cũng có thể được lợi từ đòn bẩy vốn.
Đòn bẩy vốn là việc sử dụng tiền để tạo ra thêm giá trị thặng dư. Ở hình thức cơ bản nhất của nó, đòn bẩy vốn có nghĩa là mua máy móc về thay thế lao động ở những mảng mà máy móc có hiệu quả chi phí cao hơn. Ngày nay, những ví dụ thú vị nhất của đòn bẩy vốn là việc sử dụng tiền để ‘cán ra’ những ý tưởng hay đã được chứng minh trong những tình huống cụ thể. Thực tế, vốn được dùng để làm tăng lên những bí quyết đã đông kết nằm trong một công thức cụ thể nào đó. Các ví dụ gồm có tất cả mọi hình thức phân phối phần mềm, việc tạo ra những công thức nhà hàng thức ăn nhanh (và những loại thức ăn ngày càng ít nhanh hơn) như McDonald’s và toàn cầu hóa việc cung ứng nước giải khát.
Tóm tắt
Phần thưởng ngày càng chứng minh rõ Nguyên lý 80/20: đó là kẻ thắng gom tất. Những ai thực sự có tham vọng cần phải nhắm đến mục tiêu ngoi lên hàng đầu trong lĩnh vực của mình.
Hãy chọn cho mình một lĩnh vực hẹp. Hãy chuyên môn hóa. Hãy chọn một mảng mà cuộc sống đã dành riêng cho bạn. Bạn không thể nào trội hơn người khác trừ phi bạn cũng thích những gì bạn đang làm.
Thành công đòi hỏi phải có tri thức. Song thành công còn đòi hỏi phải có sự hiểu biết thấu đáo cái gì mang lại cho khách hàng sự thỏa mãn lớn nhất mà chỉ sử dụng nguồn lực ở mức thấp nhất. Hãy xác định cho được tại đâu thì ta có thể làm cho 20% nguồn lực sản sinh ra 80% kết quả.
Ngay từ lúc bước vào nghề, hãy học tất cả những gì có thể học được. Bạn chỉ có thể làm được như vậy bằng cách làm việc cho những công ty tốt nhất và cho những cá nhân tốt nhất trong công ty đó. ‘Tốt nhất’ ở đây được xác định chiếu theo lĩnh vực hẹp của riêng bạn.
Hãy làm sao có được bốn dạng đòn bẩy lao động. Thứ nhất, hãy dùng đòn bẩy thời gian của mình. Thứ hai, nắm hết 100% giá trị tạo ra bằng cách chuyển sang hình thức tự doanh. Thứ ba, hãy thuê càng nhiều càng tốt những người tạo ra giá trị ròng. Thứ tư, khoán hết mọi công việc mà bạn và những người đồng nghiệp không thể thực hiện giỏi hơn người khác gấp nhiều lần.
Nếu bạn làm được tất cả những việc trên thì coi như bạn đã xây dựng nghề của mình thành một công ty, công ty của riêng bạn. Tại giai đoạn này, hãy sử dụng đòn bẩy vốn để đẻ ra thêm nhiều tiền hơn.
Đẻ ra tiền
Nếu bạn quan tâm muốn có một sự nghiệp thành đạt, có lẽ bạn cũng quan tâm đến việc làm giàu thêm. Như chúng ta sẽ thấy lần lượt ở Chương 14 và 15, điều này không những dễ dàng hơn mà còn đáng làm hơn người ta vẫn thường nghĩ.