Tiếng thời gian phi nước kiệu đến gần;
Và phía trước muôn trùng tôi thấy
Những cõi miền bất tận bao la.
Andrew Marvell
Hầu hết mọi người, dù cực kỳ bận rộn hay cực kỳ nhàn rỗi, đều cần một cuộc cách mạng thời gian. Vấn đề không phải là chúng ta thiếu thốn thời gian hay thậm chí có quá thừa thời gian. Chính cách chúng ta sử dụng thời gian, và thậm chí là cách chúng ta nghĩ về thời gian, mới là vấn đề – và là cơ hội của chúng ta. Đối với những ai chưa từng kinh qua một cuộc cách mạng thời gian thì đó chính là cách nhanh nhất để tạo ra một bước nhảy vọt trong hạnh phúc của cuộc sống và mức độ hiệu quả trong công việc của mình.
Nguyên lý 80/20 và cách mạng thời gian
Nguyên lý 80/20, khi áp dụng vào việc sử dụng thời gian, đưa ra những giả thiết sau:
„Hầu hết những thành tựu lớn của bất kỳ một cá nhân nào – tức là hầu hết những giá trị mà ai đó làm tăng thêm về phương diện cá nhân, nghề nghiệp, trí tuệ, nghệ thuật, văn hóa hay thể dục thể thao – đều đạt được trong một khoảng thời gian nhỏ nhoi trong cuộc đời của người ấy. Luôn có một sự thiếu cân đối giữa cái được tạo ra và lượng thời gian bỏ ra để thực hiện, cho dù thời gian được tính theo ngày, tuần, tháng, năm hay cả một đời người.
„Tương tự như vậy, phần lớn hạnh phúc một cá nhân có được chỉ xảy ra trong những khoảng thời gian giới hạn. Nếu hạnh phúc có thể đo đạc một cách chính xác thì phần lớn hạnh phúc có được chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian khá nhỏ trong đời người, và điều này đúng với hầu hết mọi thời kỳ dù thời kỳ đó được tính theo ngày, tuần, tháng, năm hay cả một đời người.
Chúng ta có thể diễn đạt lại hai phát biểu trên một cách không chính xác lắm nhưng gọn hơn, áp dụng công thức 80/ 20 như sau:
„80% thành tựu đạt được trong 20% thời gian bỏ ra; nói ngược lại, 80% lượng thời gian bỏ ra chỉ dẫn đến 20% giá trị được tạo ra.
„80% hạnh phúc có được chỉ trong 20% thời gian của cả một đời người; và 80% thời gian tạo ra chỉ 20% hạnh phúc.
Nên nhớ những phát biểu trên chỉ là giả thiết cần phải kiểm chứng bằng kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là những chân lý hiển nhiên hay kết quả của một công trình nghiên cứu toàn diện, thấu đáo.
Ở những trường hợp mà các giả thiết trên đúng (như chúng vẫn đúng ở đa số các trường hợp), chúng mang bốn hàm ý đầy ngạc nhiên sau đây:
Hãy bỏ ra một vài phút hoặc vài giờ suy gẫm xem Nguyên lý 80/20 có ứng với trường hợp của bạn ở những phương diện trên hay không. Số phần trăm chính xác không quan trọng vì dẫu sao đi nữa chúng ta cũng không thể nào đo đếm được chúng một cách chính xác. Câu hỏi chính yếu là liệu có hay không một sự mất cân đối lớn giữa lượng thời gian bỏ ra và thành tựu hay hạnh phúc mà chúng ta có được. Liệu 1/5 thời gian làm việc có hiệu quả nhất của bạn có tạo ra được 4/5 kết quả có giá trị không? Liệu 4/5 khoảng thời gian hạnh phúc của bạn có tập trung vào 1/5 khoảng thời gian của đời mình không?
Đây là những câu hỏi quan trọng và do đó không nên trả lời qua loa. Có lẽ tốt hơn là bạn nên xếp quyển sách này qua một bên và đi dạo một vòng. Đừng quay trở lại cho đến khi bạn chắc chắn rằng việc sử dụng thời gian của bạn có cân đối hay không.
Vấn đề không phải là quản lý thời gian của bạn tốt hơn
Nếu việc sử dụng thời gian của bạn là mất cân đối thì bạn cần phải có một cuộc cách mạng thời gian. Bạn không cần phải tổ chức thời gian lại cho tốt hơn hay thay đổi cách phân bố thời gian cho những công việc của mình. Bạn cần phải thay đổi hoàn toàn cách sử dụng thời gian của mình và có lẽ bạn cũng cần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình về thời gian.
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn cái bạn cần với việc quản lý thời gian. Quản lý thời gian xuất phát từ nước Đan Mạch như một công cụ huấn luyện nhằm giúp những nhà điều hành bận rộn tổ chức lại thời gian cho hiệu quả hơn. Hiện nay nó đã trở thành một ngành công nghiệp lên đến 1 tỉ đô-la hoạt động khắp mọi nơi trên thế giới.
Đặc trưng của ngành quản lý thời gian hiện nay không phải là vấn đề đào tạo mà là sản xuất để bán ra những “người quản lý thời gian”, những trợ lý riêng cho giám đốc, cả trong môi trường làm việc truyền thống bằng giấy tờ và môi trường mới ngày càng mang tính điện tử hơn. Quản lý thời gian cũng thường đi cùng với một luận điệu truyền giáo: Franklin, tập đoàn phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp này, có nguồn gốc sâu xa từ giáo phái Mormon.
Quản lý thời gian không phải là một trào lưu thời thượng vì những người sử dụng nó thường tỏ ra đánh giá rất cao về nó và họ thường nói rằng năng suất làm việc của họ nhờ đó đã tăng lên 15-25%. Thế nhưng mục đích của việc quản lý thời gian là nhằm ép dung lượng một lít vào một lọ dung tích chỉ bằng 1/4. Quản lý thời gian là nhằm tăng tốc. Nó đặc biệt nhắm vào những nhà kinh doanh bận rộn chịu quá nhiều áp lực về thời gian. Ý tưởng là việc sắp xếp kế hoạch tốt hơn cho từng khoảng thời gian nhỏ trong ngày sẽ giúp những người điều hành làm việc hiệu quả hơn. Quản lý thời gian còn ủng hộ việc lập ra một trật tự ưu tiên rõ ràng nhằm thoát khỏi sự trói buộc của những sự kiện thường nhật mà, dù rất cấp bách, có thể chẳng quan trọng đến thế.
Quản lý thời gian ngầm giả định rằng chúng ta biết rõ sử dụng thời gian thế nào thì có hiệu quả, thế nào thì không hiệu quả. Nếu Nguyên lý 80/20 là đúng thì đấy không phải là một giả định an toàn. Dù sao đi nữa, nếu chúng ta biết cái gì là quan trọng thì chúng ta đã thực hiện rồi.
Quản lý thời gian thường khuyên con người nên phân loại các việc cần làm theo trình tự ưu tiên A, B, C và D. Trên thực tế, cuối cùng rồi hầu hết mọi người phân 60-70% những hoạt động của mình vào nhóm A hoặc B. Thế là họ kết luận rằng cái họ thực sự đang thiếu là thời gian. Đó là lý do vì sao ngay từ lúc đầu họ lại quan tâm đến việc quản lý thời gian. Thế là cuối cùng họ lập ra kế hoạch tốt hơn, làm việc nhiều giờ hơn, nghiêm chỉnh hơn và thường gặp phải thất vọng não nề hơn. Họ trở nên “nghiện” quản lý thời gian, song điều đó lại không thay đổi tận gốc những gì họ làm hoặc chẳng làm giảm đi đáng kể mức độ mặc cảm tội lỗi là mình vẫn chưa bỏ ra đủ công sức cho công việc.
Chính cái tên gọi quản lý thời gian đã nói lên bản chất của nó. Nó hàm ý rằng thời gian có thể quản lý sao cho có hiệu quả hơn, rằng thời gian là một tài nguyên quý báo và khan hiếm, và rằng chúng ta phải chạy theo thời gian. Chúng ta phải biết tiết kiệm thời gian. Chỉ cần cho nó một chút cơ hội là nó vụt bỏ chúng ta mà ra đi. Thời gian mất đi rồi, theo lời những kẻ rêu rao quản lý thời gian, không bao giờ có lại được.
Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại bận rộn. Cái thời kỳ nhàn rỗi mà từ lâu người ta đã tiên đoán còn lâu mới có được, ngoại trừ đối với những người thất nghiệp. Hiện chúng ta đang gặp phải một tình huống lố bịch mà Charles Handy nêu ra là lượng thời gian làm việc của những nhà điều hành đang tăng lên – mỗi tuần 60 giờ là chuyện chẳng có gì lạ – nhưng đồng thời tình trạng thiếu việc làm thì lại ngày càng thêm trầm trọng.
Xã hội được phân ra thành hai nhóm: nhóm những người có tiền nhưng không có thời gian để hưởng thụ, và nhóm người có thời gian nhưng lại không có tiền. Sự ưa chuộng quản lý thời gian luôn song tồn với một nỗi lo chưa từng có xưa nay về việc sử dụng thời gian một cách đúng đắn và việc có đủ thời gian để làm việc đạt yêu cầu như mong đợi.
Quan niệm khác thường về thời gian Kiểu 80/20
Nguyên lý 80/20 làm đảo lộn quan niệm thông thường của người đời về thời gian. Những ý gợi mở từ việc phân tích thời gian theo Nguyên lý 80/20 khác hẳn, và đối với những ai còn chịu cách suy nghĩ truyền thống về thời gian, có thể giải phóng cho họ một cách đáng kinh ngạc. Nguyên lý 80/20 đưa ra những nhận định sau:
„Cách sử dụng thời gian hiện nay của chúng ta chưa hợp lý. Chẳng được gì nếu chúng ta chỉ tìm cách cải thiện đôi chút về cách chúng ta sử dụng thời gian. Chúng ta cần phải quay lại từ đầu và đập tan hết mọi giả định của chúng ta về thời gian.
„Thời gian không hề thiếu. Thực chất, chúng ta có quá ư là nhiều, song chúng ta chỉ biết tận dụng 20% lượng thời gian của mình. Và đối với những người tài giỏi thông thường chính những khoảng thời gian nhỏ nhoi mới tạo nên sự khác biệt. Nguyên lý 80/20 cho rằng nếu chúng ta bỏ ra gấp đôi thời gian vào 20% những hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất thì chúng ta có thể làm việc mỗi tuần hai ngày và kết quả đạt được cao hơn 60% so với hiện nay. Rõ ràng như thế là vượt xa, vô cùng xa so với biện pháp quản lý thời gian điên cuồng.
„Nguyên lý 80/20 xem thời gian như một người bạn chứ không phải như một kẻ thù. Thời gian qua đi không phải là thời gian đã đánh mất. Thời gian luôn quay trở về với chúng ta. Đó là lý do vì sao có bảy ngày trong một tuần, mười hai tháng trong một năm, và vì sao các mùa cứ lặp lại. Ý tưởng và giá trị đến với chúng ta khi chúng ta biết đặt mình vào thái độ hợp tác, thoải mái và thân thiện với thời gian. Chính việc sử dụng thời gian của chúng ta, chứ không phải bản thân thời gian, mới là kẻ thù.
„Nguyên lý 80/20 cho rằng chúng ta nên hành động ít hơn. Hành động đẩy lùi tư duy. Chính do chúng ta có quá thừa thời gian nên chúng ta mới phung phí nó. Khoảng thời gian hiệu quả nhất trong một dự án thường là 20% lượng thời gian cuối cùng, đơn giản chỉ vì chúng ta phải hoàn tất công việc trước thời hạn. Hiệu quả của hầu hết những công trình có thể tăng lên gấp đôi đơn giản chỉ bằng cách giảm đi phân nửa thời hạn hoàn tất. Điều này không phải là bằng chứng cho sự thiếu thốn thời gian.
Thời gian là mắt xích “lành tính” giữa quá khứ, hiện tại và tương lai
Cái đáng lo không phải là sự thiếu hụt thời gian mà là việc chúng ta sử dụng phần lớn thời gian của mình vào những hoạt động có giá trị thấp. Tăng tốc hoặc sử dụng “hiệu quả” hơn thời gian của mình không giúp gì được cho chúng ta. Thực vậy, những cách suy nghĩ như thế thường gây ra vấn đề hơn là một cách giải quyết.
Kiểu Tư duy 80/20 hướng chúng ta đến một cách nhìn mang tính “đông phương” hơn về thời gian. Không nên xem thời gian như một chuỗi tuyến tính đi từ trái sang phải như hầu hết tất cả những biểu thị bằng sơ đồ mà văn hóa kinh doanh đã áp đặt. Tốt hơn là nên xem thời gian như một công cụ đồng bộ, chuyển động tuần hoàn, đúng theo ý định những người phát minh ra đồng hồ. Thời gian luôn quay trở lại, tạo điều kiện cho chúng ta có dịp học hỏi thêm, củng cố thêm một vài quan hệ thâm giao, tạo ra những sản phẩm hay kết quả tốt hơn, và làm tăng thêm giá trị cho cuộc sống. Chúng ta không chỉ tồn tại tại thời điểm hiện tại này; chúng ta thoát thai từ quá khứ và luôn có những kỷ niệm đẹp về quá khứ. Và tương lai, cũng như quá khứ, đã hiện hữu ngay trong hiện tại. Sơ đồ biểu thị thời gian trong cuộc sống chúng ta hợp lý hơn so với sơ đồ tuyến tính từ trái sang phải là một chuỗi hình tam giác lồng vào nhau mỗi lúc một lớn dần như Hình 37.
Tác dụng của cách suy nghĩ về thời gian như thế làm nổi bật nhu cầu cần phải luôn mang theo bên người cái 20% quý giá nhất mà mình có được – tính cách, năng lực, bạn bè và thậm chí là những ưu điểm về hình thể – và đảm bảo rằng những cái quý báu ấy luôn được vun đắp, phát triển, mở rộng và củng cố thêm, nhằm làm tăng hiệu quả, giá trị và hạnh phúc. Chúng ta có thể thực hiện được điều đó bằng cách tạo ra những mối quan hệ thường xuyên, bền vững dựa trên suy nghĩ lạc quan rằng tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn hôm nay bởi vì chúng ta có thể mang theo và khuếch đại cái 20% tối ưu củaquá khứ và hiện tại để tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhìn theo cách ấy, tương lai không phải là một cuốn phim ngẫu nhiên mà chúng ta đã xem qua một nửa và ý thức (và cả cảm thấy sợ hãi) về thời gian đang vụt qua. Thay vào đó, tương lai là một phương diện của hiện tại và quá khứ, tạo điều kiện cho chúng ta làm ra một cái gì đó tốt đẹp hơn. Tư duy Kiểu 80/20 quả quyết rằng điều đó là hoàn toàn có thể. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tạo điều kiện và vạch dung hướng cho cái 20% tích cực đó phát huy.
Những chỉ dẫn căn bản cho người làm cách mạng thời gian
Phần này trình bày bảy bước thực hiện để châm ngòi cho cuộc cách mạng thời gian.
Thực hiện bước nhảy khó khăn về tâm lý: gạt bỏ tâm lý gắn chặt công sức với kết quả
Cái khó là chúng ta thích sự cần mẫn, hay ít nhất là thích cái cảm giác mình là người có đức hạnh vì đã làm việc cần mẫn. Cái chúng ta cần phải làm là gieo vào đầu chúng ta ý nghĩ rằng sự làm việc cần mẫn, không phải là cách hiệu quả để đạt được những gì chúng ta muốn. Sự cần mẫn tạo ra kết quả kém. Có ý tưởng và biết làm những gì mình muốn sẽ cho chúng ta kết quả rất cao.
Hãy chọn cho mình những vị thánh bổn mạng lười nhác nhưng có năng suất cao. Với tôi đó là Ronald Reagan và Warren Buffett. Reagan đã tiến thân một cách dễ dàng từ một diễn viên hạng B lên thành con cưng của Đảng Cộng hòa Cánh hữu, Thống đốc bang California và Tổng thống thành công của Hoa Kỳ.
Thế Reagan đã có những gì để thành công như thế chứ? Một vẻ điển trai, một chất giọng ngọt ngào ngất ngây mà ông biết tận dụng trong mọi tình huống phù hợp (mà đỉnh điểm chắc chắn là câu ông nói với bà Nancy khi ông bị trúng đạn, “Em ơi, anh đã quên hụp đầu xuống né”), một vài cộng sự cực kỳ sắc sảo chuyên trách việc vận động, một nét duyên dáng kiểu xưa, và một cách nhìn về nước Mỹ và thế giới như trong phim Disney. Sự chuyên tâm làm việc của ông Reagan tốt lắm thì cũng rất là giới hạn, khả năng nắm bắt tình hình của ông còn kém hơn nữa, và khả năng truyền cảm hứng cho nước Mỹ thậm chí lại còn tệ hại hơn. Nói theo cách của Churchill là, xưa nay chẳng có mấy ai đạt được nhiều thành tựu như thế với một lượng công sức ít ỏi đến thế.
Warren Buffett (một thời) trở thành người giàu nhất nước Mỹ bằng cách đầu tư. Khởi nghiệp với số vốn rất nhỏ, ông đã làm tăng số vốn của mình ở mức cao hơn nhiều so với mức tăng giá trung bình ở thị trường chứng khoán. Ông ta đã làm được điều đó mà không cần phải thực hiện phân tích gì nhiều (ông ta khởi nghiệp trước khi người ta phát minh ra loại thước trượt lô-ga) mà cơ bản chỉ là nhờ vào một số ý tưởng mà ông áp dụng một cách nhất quán.
Buffett bắt đầu cuộc hành trình làm giàu mau lẹ của mình với một Ý tưởng Lớn: các tờ báo địa phương Mỹ được độc quyền tại địa phương, và điều đó tạo ra môi trường lý tưởng cho sự nhượng quyền kinh doanh. Ý tưởng đơn giản này đã mang về cho ông một khoản tiền khổng lồ, và phần lớn những khoản tiền ông kiếm được sau đó là từ những cổ phần trong ngành truyền thông, một ngành công nghiệp mà ông rất am tường.
Buffett sử dụng công sức của mình một cách rất ư là tiết kiệm, nếu không muốn nói là ông ta lười nhác. Trong khi hầu hết những người quản lý quỹ mua nhiều cổ phiếu vào và thường xuyên khuấy động cổ phiếu, Buffett chỉ mua một vài cổ phần và giữ suốt năm này qua năm khác. Ông khinh thường quan niệm về việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, mà ông đặt cho cái tên là phương pháp thuyền Noah: “Cứ mỗi thứ mua vài ba cái thì cuối cùng ta sẽ có một sở thú”. Triết lý đầu tư của ông “gần như là triết lý ù lì”.
Cứ lúc nào tôi bị cám dỗ muốn làm nhiều, tôi nhớ đến Ronald Reagan và Warren Buffett. Các bạn nên nghĩ ra cho riêng mình những tấm gương, những người bạn quen biết hay những người nổi tiếng mà công chúng ai cũng biết, đại diện cho tính ì có hiệu quả. Hãy thường xuyên nghĩ đến họ hơn.
Hãy trút bỏ mặc cảm tội lỗi
Trút bỏ mặc cảm tội lỗi rõ ràng có liên quan đến những nguy hại của việc làm việc quá sức. Nhưng nó cũng có liên quan đến việc làm những gì mình thích. Chuyện đó không có gì là sai trái cả. Có giá trị gì đâu khi bạn làm những việc mà mình không thích.
Hãy làm những việc mà bạn muốn làm. Hãy biến chúng thành công việc của mình; hãy biến việc làm của mình thành những việc ấy. Gần như tất cả những ai trở nên giàu có đều có thêm một phần thưởng là họ trở nên giàu bằng cách làm những gì họ thích. Điều này có thể xem là một ví dụ nữa cho tính mất cân đối kiểu 80/20 trong vũ trụ này.
20% dân số không những được hưởng 80% của cải mà còn độc chiếm 80% niềm vui từ công việc của họ. Và họ vẫn lại là số 20% nhóm người ấy!
John Kenneth Galbraith, cái lão thô lỗ tín đồ thanh giáo ấy, đã hướng sự chú ý của con người vào sự bất công căn bản trong thế giới việc làm. Giới trung lưu không những được trả lương cao hơn mà còn tìm được những việc làm thú vị hơn và thích những công việc đó hơn. Họ có nào thư ký, trợ lý, được đi đây đi đó theo tiêu chuẩn hạng nhất, ở những khách sạn sang trọng, và có cuộc sống làm việc thú vị hơn. Quả thực, bạn phải có một tài sản riêng kếch xù mà có thể hưởng được những bổng lộc mà các nhà công nghiệp ngày nay thường xuyên tự thưởng cho mình.
Galbraith đưa ra quan điểm cách mạng là những người làm những công việc ít thú vị hơn cần phải được trả lương cao hơn những người được giao những công việc thú vị hơn. Thật là một kẻ phá đám! Những quan điểm như thế bị xem là khiêu khích, nhưng chúng chẳng mang đến kết quả gì cả. Cũng như với tất cả những hiện tượng 80/20, nếu bạn nhìn sâu bên dưới sự việc, bạn sẽ có thể tìm thấy một lô-gích sâu xa đằng sau sự bất công này.
Đối với trường hợp trên thì lô-gích rất đơn giản. Những người gặt hái nhiều thành tựu nhất bắt buộc phải thích những gì mình làm. Chỉ khi nào chúng ta cảm thấy thỏa mãn chúng ta mới có thể tạo ra một cái gì đó có giá trị khác thường. Các bạn thử nghĩ về bất kỳ một nghệ nhân ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chất lượng và số lượng công trình tạo ra quả đáng kinh ngạc. Van Gogh chưa bao giờ ngừng sáng tác. Picasso điều hành một xưởng vẽ trước xa Andy Warhol vì ông ta yêu thích những gì mình làm.
Hãy chiêm ngưỡng những tác phẩm đồ sộ, đậm đầy tính dục, và thăng hoa của Michelangelo. Ngay cả những tác phẩm còn dở dang mà tôi còn nhớ – David, kẻ nô lệ hấp hối, Thư viện Lô-ren-xô, Phòng thánh mới, trần nhà Nguyện đường Sích-tin, Đức Mẹ Sầu Bi trong Nhà thờ Thánh Phê-rô – cũng đã quá phi thường đối với một cá nhân. Một mình Michelangelo làm tất, không phải vì đó là công việc của ông, hay vì ông sợ Đức giáo hoàng Julius Đệ nhị tính tình cáu kỉnh, càng không phải vì tiền, mà bởi vì ông yêu những tác phẩm của mình và những chàng trai của mình.
Có lẽ các bạn không có những động lực thúc đẩy như vậy, song các bạn sẽ không thể nào tạo ra bất kỳ cái gì có giá trị lâu dài trừ phi các bạn muốn tạo ra nó. Điều này cũng áp dụng được cho những vấn đề mang tính thuần túy cá nhân cũng như cho các vấn đề thuộc về công việc.
Không phải là tôi đang kêu gọi mọi người cứ suốt đời lười nhác. Làm việc là một hoạt động tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu bên trong con người chúng ta, như những người thất nghiệp, hưu trí và những ai đột ngột giàu lên sớm nhận ra điều đó. Mỗi người có một nhịp sống riêng, một sự cân đối tối ưu giữa công việc và vui chơi, và hầu hết con người có thể nhận biết một cách trực giác khi nào họ quá lười hoặc quá siêng năng. Cái hay nhất của Kiểu Tư duy 80/20 là nó khuyến khích người ta theo đuổi những hoạt động mang lại giá trị hoặc sự thỏa mãn cao trong những lúc làm việc hoặc vui chơi, chứ không phải vứt bỏ công việc để vui chơi. Nhưng tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta cố gắng quá sức vào những việc sai lầm. Thế giới ngày nay sẽ hưởng được nhiều lợi ích hơn nếu một lượng công việc ít hơn có thể dẫn đến việc tạo ra nhiều hơn lượng sản phẩm trí tuệ và sáng tạo. Nếu việc tăng khối lượng công việc lên nhiều là có lợi cho số 20% người nhàn rỗi trong chúng ta thì việc giảm mạnh khối lượng công việc sẽ có lợi cho số 20% những người làm việc cật lực. Và hành động ácbít như thế sẽ có lợi cho xã hội ở cả hai phương diện. Khối lượng công việc kém quan trọng hơn nhiều so với chất lượng của công việc, và chất lượng công việc phụ thuộc vào sự tự định hướng.
Hãy giải thoát mình khỏi những nghĩa vụ do người khác áp đặt
Có thể dự đoán một cách khá chắc chắn rằng 80% lượng thời gian bỏ ra mang lại cho chúng ta 20% kết quả, và 80% khối lượng công việc là do người khác ép buộc chúng ta làm.
Chúng ta ngày càng thấy rõ rằng ý tưởng làm việc trực tiếp cho người khác, có một việc làm ổn định nhưng lại chẳng có bao nhiêu quyền tự chủ chỉ là một giai đoạn tạm thời (dẫu rằng có thể kéo dài đến hai thế kỷ) trong lịch sử của việc làm. Cho dù bạn làm việc cho một tập đoàn lớn, bạn vẫn nên nghĩ rằng đang làm việc độc lập, cho chính mình dù bạn nằm trong sổ lương của Tổng công ty Monolith.
Nguyên lý 80/20 thường xuyên cho thấy rằng số 20% người gặt hái nhiều thành công nhất hoặc là làm việc cho chính bản thân họ hoặc làm việc cứ như là một cá nhân độc lập.
Ý tưởng này có thể áp dụng vào những lĩnh vực ngoài công việc. Rất khó mà tận dụng thời gian của mình cho tốt nếu như bạn không kiểm soát được thời gian. (Thực tế thì cho dù bạn có kiểm soát được thời gian đi nữa thì cũng khó mà tận dụng nó một cách hữu hiệu vì khối óc của bạn bị giam hãm bởi mặc cảm tội lỗi, bởi quy ước và những ý kiến về những việc bạn cần phải làm từ bên ngoài áp đặt vào – song ít ra thì bạn có được cơ hội giảm những rào cản này đến mức đáng kể.)
Bạn không thể, và thậm chí không nên, làm theo lời khuyên của tôi một cách quá đà. Bạn luôn có những nghĩa vụ đối với người khác và những nghĩa vụ ấy có thể cực kỳ có ích cho phía bạn. Ngay cả nhà doanh nghiệp cũng thực sự không phải là độc lập hoàn toàn, không có trách nhiệm nào đối với ai. Nhà doanh nghiệp luôn có đối tác, nhân viên, những người liên minh và một mạng lưới quan hệ. Nhà doanh nghiệp không thể mong đợi gì từ họ nếu nhà doanh nghiệp không làm cái gì đó cho họ. Mấu chốt là phải biết chọn đối tác và nghĩa vụ của mình một cách có chọn lọc và cẩn trọng.
Hãy sử dụng thời gian của mình một cách lập dị, khác người
Bạn khó có thể sử dụng cái 20% quý giá nhất của thời gian mình có để trở thành một người lính giỏi, để làm những cái mà người khác mong đợi ở bạn, để tham dự những cuộc họp mà mọi người giả định bạn phải có mặt, để làm những việc mà những người cùng trang lứa làm hoặc làm đúng theo những quy ước của xã hội đối với vai trò mà bạn đang có. Thực chất, bạn nên đặt vấn đề liệu những điều trên có cần thiết hay không.
Bạn sẽ không thể nào thoát ra khỏi cái vòng 80/20 – cái tình trạng là 80% lượng thời gian được dùng vào những hoạt động không quan trọng – bằng cách áp dụng những giải pháp và cách hành xử theo quy ước.
Một bài tập tốt là hãy tìm ra những cách lập dị hay khác thường mà bạn có thể sử dụng thời gian của mình: Bạn có thể đi lệch cái chuẩn đến mức nào mà không bị loại ra khỏi giới của mình. Không phải tất cả những cách sử dụng thời gian khác người đều làm tăng hiệu quả làm việc của bạn, nhưng có một vài cách hoặc chí ít là cũng có một cách có thể giúp bạn làm được điều đó. Hãy hình dung ra nhiều kịch bản và chọn cái kịch bản có thể cho bạn nhiều thời gian nhất để dùng vào những hoạt động có giá trị cao mà bạn thích.
Trong số những người bạn quen biết, ai là người vừa lập dị vừa làm việc có hiệu quả? Hãy tìm xem họ sử dụng thời gian như thế nào và cách sử dụng thời gian của họ khác với cách chuẩn như thế nào. Có thể bạn cũng muốn bắt chước một số việc mà họ làm và tránh làm.
Hãy nhận diện cái 20% có thể cho bạn 80% giá trị
Có thể 1/5 lượng thời gian của bạn mang đến cho bạn 4/5 kết quả hay thành tựu và 4/5 niềm hạnh phúc có được. Vì đó có thể không phải là cùng 1/5 nguyên nhân (mặc dù thông thường có sự trùng khớp lớn), vấn đề đầu tiên cần làm là hãy xác định rõ xem mục tiêu của bạn là nhằm đạt được thành tựu hay hạnh phúc. Tôi đề nghị các bạn nên nhìn hai mục tiêu này một cách riêng biệt.
Đối với hạnh phúc, hãy nhận diện những khoảng thời gian hạnh phúc, những khoảng thời gian ngắn, hoặc vài ba năm, đã góp phần tạo ra phần lớn niềm hạnh phúc mà bạn có được. Hãy lấy một tờ giấy trắng và viết lên đầu trang dòng chữ “Những khoảng thời gian hạnh phúc” và cố liệt kê ra hết những khoảng thời gian mà bạn có thể nhớ được. Và sau đó cố suy ra xem giữa tất cả những khoảng thời gian ấy hoặc giữa một số khoảng thời gian ấy có điểm gì giống nhau.
Lặp lại cách làm trên cho những khoảng thời gian không hạnh phúc. Những khoảng thời gian này thông thường không chiếm đến 80% thời gian của bạn vì (đối với hầu hết mọi người) luôn có một khoảng thời gian lớn không hẳn là hạnh phúc, cũng không hẳn là không hạnh phúc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận diện cho được những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tình trạng không hạnh phúc và những điểm chung giữa những nguyên nhân ấy.
Lặp lại toàn bộ cách làm trên cho sự thành đạt. Nhận diện những khoảng thời gian thành đạt: những khoảng thời gian ngắn mà bạn đạt được cao hơn nhiều so với những khoảng thời gian còn lại trong tuần, tháng, năm hay cả đời mình. Ghi trên đầu trang giấy dòng chữ “Những khoảng thời gian thành đạt” và cố liệt kê ra hết những khoảng thời gian thành đạt mà mình có thể nhớ được, và nếu được duyệt qua cả đời mình.
Hãy cố xác định những đặc điểm chung của những khoảng thời gian thành đạt. Trước khi kết thúc việc phân tích, có lẽ bạn cũng nên xem qua bảng liệt kê 10 cách sử dụng thời gian cho giá trị cao nhất ở trang 263. Đây là bảng liệt kê đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều người và có thể gợi nhớ cho bạn chút gì đó.
Liệt kê riêng ra những khoảng thời gian không thành đạt của bạn. Đó là những khoảng thời gian tê liệt nhất, tạo ra giá trị thấp nhất. Bảng liệt kê mười cách sử dụng thời gian tạo ra giá trị thấp nhất ở trang 263 có thể giúp ích cho bạn. Cũng như vậy, giữa chúng có đặc điểm gì chung?
Bây giờ hãy cứ theo thế mà hành động.
Hãy tăng lượng 20% thời gian tạo ra cho bạn 80% giá trị
Khi bạn đã xác định được những khoảng thời gian hạnh phúc và thành đạt, có lẽ bạn muốn bỏ thêm thời gian vào những hoạt động đó hay những hoạt động tương tự.
Khi tôi giải thích ý tưởng này, một số người cho rằng trong lập luận của tôi có một nhược điểm vì bỏ thêm thời gian vào những hoạt động ở 20% đầu danh sách có giá trị cao có thể làm giảm đi kết quả thu được. Bỏ ra lượng thời gian gấp đôi vào 20% hoạt động có giá trị cao có thể không đưa đến 80% kết quả, có lẽ chỉ là 40, 50, 60 và 70% mà thôi.
Tôi có hai câu trả lời cho điểm này. Thứ nhất, vì chúng ta không thể (tại bất kỳ thời điểm nào) đo đếm hạnh phúc và mức độ hiệu quả bằng một phương cách tiệm chính xác, rất có thể những người phê bình đã nói đúng trong một số trường hợp. Nhưng thế thì đã sao? Vẫn sẽ có một sự gia tăng đáng kể về những cái rất tốt đẹp cơ mà.
Nhưng câu trả lời thứ hai của tôi là tôi cho rằng nói chung những người phê bình đã không đúng. Đề nghị của tôi không phải là bạn lặp lại rập khuôn những gì mà hôm nay bạn đang làm trong cái 20% tạo ra 80% kết quả. Mục đích của việc xác định những đặc điểm chung của những khoảng thời gian hạnh phúc và những khoảng thời gian thành đạt là nhằm tách biệt ra một cái gì đó cơ bản hơn là cái đã thực sự xảy ra: Đó chính là tách biệt ra cái mà bạn được trời phú cho năng khiếu để làm tốt nhất.
Rất có thể có những việc bạn cần phải làm (để biến thành hiện thực những hạnh phúc, thành công tiềm tàng của mình) mà bạn chỉ mới bắt tay vào làm, và ở chừng mức nào đó, chưa được hoàn hảo, hoặc thậm chí bạn chưa hề bắt tay vào làm. Ví dụ, Dick Francis trước đây là một tay đua ngựa vượt rào tuyệt vời nhưng không hề viết về bí quyết của lần đua đầu tiên cho đến khi ông ta đã gần 40 tuổi. Giờ đây, thành công, tiền tài, và có lẽ cả sự thỏa mãn cá nhân có được từ việc viết sách còn vượt xa hơn cả những cái mà ông có được từ việc đua ngựa. Richard Adams là một công chức nhà nước bậc trung, ở độ tuổi trung niên, không mãn nguyện với cuộc sống trước khi ông viết quyển sách bán chạy nhất mang tựa đề Watership Down.
Chẳng có gì lạ khi việc phân tích những khoảng thời gian hạnh phúc và thành đạt mang đến cho chúng ta cái nhìn thấu đáo về những việc mà cá nhân có thể thực hiện tốt nhất, và về những gì tốt nhất cho cá nhân, giúp cho cá nhân có thể bỏ thời gian vào việc thực hiện những hoạt động hoàn toàn mới mẻ có tỷ lệ thành quả/thời gian cao hơn so với bất kỳ việc gì mà họ làm trước đây. Do đó, có thể có khả năng kết quả sẽ tăng lên, cũng có thể giảm xuống. Thực chất, một điều mà bạn nên suy xét cho thật cặn kẽ là thay đổi nghề nghiệp và/hoặc lối sống của mình.
Mục tiêu cơ bản của bạn, sau khi đã xác định được những hoạt động cụ thể và chung chung chỉ chiếm 20% thời gian nhưng lại tạo ra 80% hạnh phúc và thành quả, là phải tăng lượng 20% thời gian và những hoạt động ấy hoặc những hoạt động tương tự đến mức có thể.
Một mục tiêu ngắn hạn, thường có thể đạt tới, là quyết tâm đẩy 20% thời gian dùng vào các hoạt động cho giá trị cao lên 40% trong vòng một năm. Chỉ riêng hành động này có thể tăng “năng suất” của bạn lên từ 60 đến 80%. (Giờ đây bạn có hai mảng 80% sản lượng từ hai mảng 20% thời gian, do đó tổng sản lượng sẽ là 100 đến 160 cho dù bạn gọt bỏ hết tất cả 20% thời gian từ những hoạt động tạo giá trị thấp trong việc dành ra thêm một phần thời gian cho những hoạt động có giá trị cao!)
Lý tưởng nhất là tăng lượng thời gian dùng vào các hoạt động tạo giá trị cao lên 20-100%. Điều này chỉ có thể xảy ra bằng cách đổi nghề và lối sống của mình. Nếu là như vậy, hãy lên một kế hoạch, có thời hạn rõ ràng, cho việc thực hiện những thay đổi này.
Loại bỏ hoặc giảm bớt những hoạt động tạo giá trị thấp
Đối với 80% hoạt động chỉ mang đến cho bạn 20% kết quả, lý tưởng nhất là loại bỏ chúng ra. Có thể bạn cần phải thực hiện điều đó trước khi phân bố nhiều thời gian hơn cho những hoạt động tạo giá trị cao (mặc dù người ta thường nhận thấy rằng dồn thêm thời gian vào những hoạt động tạo giá trị cao là cách hiệu quả nhất để buộc họ dẹp bỏ những hoạt động tạo giá trị thấp, mất thời gian).
Phản ứng đầu tiên khi nghe phát biểu trên thường là cho rằng chẳng có mấy cơ hội để có thể trốn khỏi những hoạt động có giá trị thấp. Những hoạt động ấy được xem là một phần không thể tránh khỏi của những bổn phận trong công việc, trong xã hội và trong gia đình. Nếu bạn nhận thấy mình có suy nghĩ như thế thì hãy suy nghĩ lại.
Thông thường trong tình huống hiện tại của các bạn luôn có nhiều cơ hội cho các bạn thực hiện những việc làm của mình theo một cách hoàn toàn khác. Hãy nhớ lời khuyên nêu trên: hãy khác người và lập dị trong việc sử dụng thời gian. Đừng có “ai sao tui dzậy”.
Hãy thử đường lối hành động mới và xem điều gì xảy ra. Do những hoạt động mà bạn muốn loại bỏ ra chẳng có giá trị gì nhiều, có thể người ta sẽ không phát hiện được khi bạn ngưng những hoạt động đó. Cho dù họ có phát hiện được đi nữa, họ cũng chẳng màng buộc bạn làm những hoạt động đó nếu họ có thể thấy rằng điều đó làm họ phải tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên nếu việc loại bỏ những hoạt động giá trị thấp thật sự đòi hỏi một sự thay đổi tình huống một cách triệt để – một việc làm mới, những người bạn mới, thậm chí một lối sống mới hay một bạn đời mới – hãy vạch ra một kế hoạch để thực hiện những thay đổi mong muốn. Bằng không, bạn sẽ chẳng bao giờ có được khả năng đạt được thành công và hạnh phúc.
Bốn ví dụ về cách sử dụng thời gian một cách lập dị, có hiệu quả
Ví dụ đầu tiên là ông William Ewart Gladstone, một chính khách thuộc Đảng Tư do ở Anh thời kỳ Victoria, người bốn lần được bầu làm thủ tướng. Ông Gladstone lập dị ở nhiều phương diện, đặc biệt là những nỗ lực bất thành của ông nhằm cứu vớt những “phụ nữ sa ngã” khỏi nạn mại dâm và những cơn tự hành xác không phải hoàn toàn không có liên quan, nhưng ở đây chúng ta sẽ tập trung chú ý vào cái lập dị trong cách sử dụng thời gian của ông.
Ông Gladstone không bị trói buộc bởi những trách nhiệm chính trị của mình, hay nói đúng hơn là ông đảm nhiệm rất hiệu quả những nghĩa vụ ấy vì ông sử dụng tùy thích thời gian của mình bằng nhiều cách khác nhau. Ông là một người ghiền du lịch, cả trong lãnh thổ Anh và ở nước ngoài, thường thì ông hay sang Pháp, Ý hay Đức vì chuyện riêng khi ông làm Thủ tướng.
Ông ta thích sân khấu kịch nghệ, theo đuổi nhiều cuộc tình (có thể hầu như chắc chắn là không có sự chung đụng xác thịt) với phụ nữ, đọc sách như điên (20.000 quyển trong suốt cuộc đời ông), đọc những diễn văn dài không thể tưởng tượng nỗi trong Hạ viện (mà dù quá dài vẫn rất thu hút người nghe) và gần như là người phát minh ra trò vận động bầu cử hiện đại mà ông theo đuổi một cách háo hức và thích thú. Bất cứ khi nào ông cảm thấy hơi không được khỏe thì ông lên giường nằm ít nhất là cả ngày chỉ để đọc sách và suy nghĩ. Sự hiệu quả và năng lực chính trị của ông có được là do cách sử dụng thời gian khác người của ông.
Trong số những vị thủ tướng sau này của nước Anh chỉ có Lloyd George, Churchill và Thatcher là có gì đó sánh được với ông về cách sử dụng thời gian khác người, và cả ba vị đó cũng đạt được hiệu quả khác thường.
Những ví dụ khác về việc quản lý thời gian không giống ai được lấy từ giới tư vấn quản lý bảo thủ. Ai cũng biết rằng những nhà tư vấn phải làm việc như điên suốt nhiều giờ. Ba nhân vật tôi đưa ra đây, tất cả tôi đều biết rất rõ, phá vỡ hết mọi quy ước. Và cả ba người họ đều thành công một cách ngoạn mục.
Người đầu tiên, tôi xin gọi là Fred, kiếm được hàng chục triệu đô-la nhờ hành nghề tư vấn. Anh ta chưa bao giờ chịu bỏ công đi học tại một trường doanh thương, nhưng lại lập ra được một công ty tư vấn rất lớn và thành đạt, ở đó hầu như mọi người khác đều làm việc 70 giờ hoặc hơn trong một tuần. Fred thỉnh thoảng ghé qua cơ quan và mỗi tháng một lần chủ trì những cuộc họp mà những người hùn vốn từ khắp nơi trên thế giới bắt buộc phải quy tụ về tham dự. Tuy nhiên, Fred thích bỏ thời gian ra để chơi quần vợt và để suy nghĩ hơn. Điều khiển công ty với một bàn tay sắt nhưng không bao giờ anh ta lên tiếng. Fred kiểm soát mọi chuyện thông qua năm thuộc cấp chủ chốt của mình.
Người thứ hai, xin gọi là Randy, là một trong năm người thuộc cấp ấy. Ngoại trừ người sáng lập công ty, anh ta hầu như là một biệt lệ trong cái văn hóa nghiện công việc của công ty. Anh ta được cử đi công tác ở một đất nước xa xôi, nơi anh ta điều hành một văn phòng ăn nên làm ra và phát triển nhanh chóng, có đội ngũ nhân viên làm việc cực kỳ chăm chỉ, phần lớn là người nhà của anh. Không ai biết Randy sử dụng thời gian của mình như thế nào hoặc làm việc ít giờ đến mức nào, nhưng anh ta cực kỳ nhàn nhã. Randy chỉ tham dự những cuộc họp quan trọng nhất với khách hàng, giao tất cả những công việc còn lại cho những người hùn vốn với ông và nếu cần anh sẽ nghĩ ra những lý do kỳ quặc nhất cho sự vắng mặt của mình.
Mặc dù là Trưởng văn phòng, Randy không quan tâm chút gì về các vấn đề điều hành. Anh dồn hết sức lực của mình vào việc làm tăng doanh thu với những khách hàng quan trọng nhất rồi bố trí bộ máy để thực hiện việc ấy với lượng công sức bỏ ra thấp nhất. Randy chưa bao giờ có hơn ba việc ưu tiên cần làm và thường chỉ có một mà thôi. Tất cả những công việc khác được giao hẳn cho ban điều hành. Randy là người mà ai làm cho anh ta cũng cảm thấy bực bội đến mức không chịu nỗi, nhưng anh ta lại là người làm việc hiệu quả đáng khâm phục.
Người sử dụng thời gian không giống ai thứ ba và cuối cùng là một người bạn và cũng là người hùn vốn với tôi. Chúng ta cứ gọi anh ta là Jim. Kỷ niệm không bao giờ phai nhòa của tôi về Jim là khi chúng tôi cùng lập ra một văn phòng nhỏ cùng với một nhóm đồng nghiệp khác. Văn phòng thì chật cứng người và hoạt động như điên cuồng: người ta nói chuyện trên điện thoại, hối hả làm cho xong những bài thuyết trình, đứng từ phía bên này văn phòng gọi lớn sang bên kia.
Nhưng còn Jim thì cứ một mình lặng lẽ, trầm tĩnh, gắn chặt đôi mắt vào tờ lịch suy nghĩ xem phải làm những gì. Chốc chốc, anh lại đưa một vài đồng nghiệp sang một căn phòng yên tĩnh và giải thích cho họ những gì anh ta muốn họ phải làm: không phải chỉ một lần, hai lần mà đến ba lần và rõ đến từng chi tiết một. Sau đó Jim bắt họ lặp lại cho anh ta nghe những gì sẽ phải làm. Jim là típ người chậm chạp, uể oải, trông cứ như sắp chết đến nơi. Nhưng anh ta là một lãnh đạo tài ba. Anh ta dồn hết thời gian của mình vào việc tìm ra nhiệm vụ nào mang lại giá trị cao và ai nên thực hiện những nhiệm vụ ấy, và rồi đảm bảo những nhiệm vụ ấy phải được hoàn thành.
Mười cách sử dụng thời gian tạo giá trị thấp nhất
Bạn có thể chỉ bỏ thời gian vào những hoạt động có giá trị cao (nhằm có được thành quả hoặc sự thích thú) nếu như bạn đã từ bỏ những hoạt động có giá trị thấp. Ở phần trên tôi có mời các bạn thử nhận diện những khoảng thời gian tạo giá trị thấp. Để kiểm tra cho chắc là bạn không bỏ sót một số hoạt động, Hình 38 liệt kê 10 hoạt động phổ biến nhất.
Hãy mạnh tay cắt bỏ những hoạt động này. Trong bất kỳ tình huống nào cũng đừng cho ai quá nhiều thời gian của mình. Nhưng trên hết, đừng làm một điều gì đó chỉ vì người khác yêu cầu, hay bởi vì bạn nhận một cú điện thoại hay một cái fax. Hãy làm theo lời khuyên của bà Nancy Reagan (trong một tình huống khác) và Cứ Nói Không! – hoặc xử lý vấn đề theo kiểu mà ngài George Brown gọi là “cứ phớt lờ hẳn đi”.
__________________________________
1. Những việc người khác muốn bạn làm
2. Những việc mà xưa nay người ta vẫn làm như vậy
3. Những việc mà bạn thường làm không tốt
4. Những việc mà bạn không thích làm
5. Những việc mà lúc nào cũng bị làm gián đoạn
6. Những việc mà những người khác chẳng mấy ai quan tâm
7. Những việc mà thời gian thực hiện mất hơn gấp đôi so với mong đợi ban đầu
8. Những việc mà trong đó những người phối hợp với bạn không đáng tin cậy hoặc không có năng lực
9. Những việc có chu kỳ lặp đi lặp lại có thể đoán trước được
10. Trả lời điện thoại
_____________________________________
Hình 38: 10 cách sử dụng thời gian tạo giá trị thấp nhất
Mười cách sử dụng thời gian tạo giá trị cao nhất
Hình 39 liệt kê cho chúng ta 10 hoạt động ngược lại.
_______________________________________
1. Những việc có thể giúp bạn mau đạt được mục đích chung trong cuộc đời mình
2. Những việc mà trước giờ bạn vẫn muốn làm
3. Những việc đã có sẵn tỷ lệ 20/80 giữa thời gian và kết quả
4. Những cách làm mới hứa hẹn cắt giảm được thời lượng thực hiện và/hoặc làm tăng chất lượng của kết quả
5. Những việc mà người khác bảo bạn không được làm
6. Những việc mà người khác đã thực hiện thành công ở một lĩnh vực khác
7. Những việc cần dùng đến khả năng sáng tạo của bạn
8. Những việc mà bạn có thể nhờ người khác làm giúp mình mà chỉ tốn một lượng công sức tương đối ít ỏi về phía bạn
9. Bất cứ việc gì nếu có những người phối hợp chất lượng cao, những người đã vượt qua được cái quy luật 80/20 và sử dụng thời gian một cách khác người và có hiệu quả
10. Những việc mà cơ hội chỉ có một lần – hoặc bây giờ hoặc không bao giờ
________________________________________
Hình 39: 10 cách sử dụng thời gian tạo giá trị cao nhất
Khi cân nhắc về cách sử dụng thời gian, hãy đặt ra hai câu hỏi:
Nhiều người trong số các bạn có thể cảm thấy rằng phần lớn những lời khuyên của tôi quá là cách mạng và là những chuyện viển vông đối với trường hợp của các bạn. Những nhận xét, phê bình mà tôi nhận được là:
Nếu như bạn cũng nói ra những điều như thế thì cách mạng thời gian có lẽ không phải là cái dành cho bạn
Tôi có thể tóm lược (hoặc chí ít là chế giễu) những phản hồi trên như sau: “Tôi không phải là người cấp tiến, nói gì đến cách mạng, thôi để tôi yên đi. Về cơ bản tôi cảm thấy hài lòng về những chân trời hiện có của tôi”. Nói thế thì cũng phải. Cách mạng là cách mạng. Cách mạng làm cho ta cảm thấy không thoải mái, làm cho ta đau khổ và gây ra nhiều hiểm nguy. Trước khi bắt tay vào làm cách mạng, hãy ý thức rằng cách mạng luôn có những rủi ro lớn và sẽ đưa bạn đến những vùng xa lạ, chưa từng có trên bản đồ.
Những ai muốn làm một cuộc cách mạng thời gian cần phải nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai lại với nhau, như đã gợi ý ở phần trên ở Hình 37. Đằng sau vấn đề phân bố lại thời gian là một vấn đề còn cơ bản hơn về những gì chúng ta muốn có được từ cuộc sống của mình.