Người Đàn Bà Và Người Đàn Ông Có Chiếc Lồng Chim

Núi Thơm

Trước khi nghe câu chuyện của mình, mình muốn giới thiệu qua với các bạn một chút về bản thân. Mình tên là Sơn, sơn nghĩa là núi ấy, không phải sơn màu dùng để bôi phết đâu nhé. Cái tên ấy là do mẹ mình đặt cho đấy. Thú thật, hồi bé mình chẳng thích cái tên ấy một tẹo nào. Hoàn toàn không thích. Rồi đến một ngày mình nhận ra rằng cái tên ấy không còn là cái tên thông thường nữa. Nó là tình yêu mà mẹ dành cho mình. Một ngày mà mẹ không gọi mình vài lần bằng cái tên ấy là mình cảm thấy nhớ. Cái tên "Сончик" (Sơn bé) mà các bà bạn của mẹ gọi mình cũng thân thương lắm. Dưới mắt của các bà mẹ đứa trẻ nào chẳng bé bỏng. Khi phiên âm sang tiếng Nga không hiểu do vô tình hay cố ý mình là "Сон" là giấc mơ ấy, chứ không phải Шон, đọc cong cả lưỡi mà chả có nghĩa gì. Còn điều này lạ lắm, nếu viết tên mình bằng tiếng Anh "Son" nó có nghĩa là con trai hẳn hoi nhé.

 

Như các bạn biết đấy, người ta gọi bọn mình là thế hệ 8x. Chả hiểu sao người ta lại gọi thế. Nghe có vẻ toán học quá, mà thôi, bây giờ mình cũng quen rồi, 8x thì 8x.

 

 

***

 

Mẹ mình quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hương Sơn nghĩa là núi thơm đấy. Không hiểu có phải vì yêu quê có cái núi thơm mà mẹ đặt cho mình tên là Sơn không, hay thấy mình bé bỏng mẹ đặt tên Sơn là cầu mong cho mình khỏe mạnh, vững vàng như núi. Dù là lý do gì mình cũng biết ơn và yêu mẹ lắm.

 

Bố rời khỏi nhà đi biền biệt từng đấy năm đến giờ vẫn chưa quay lại. Mấy lần mình định hỏi mẹ, bố đi đâu, sao lâu thế không thấy về. Mẹ nhìn mình rất lâu, đôi mắt có ngấn nước. Dường như mẹ đang cố nuốt ngược vào trong. Ôi dào, chuyện người lớn phức tạp thế không biết. Những lúc ấy mình thấy thương mẹ quá...

 

Mình sống với mẹ từ bé, dĩ nhiên rồi. Hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ là chỗ dựa của mình, còn mình thì là niềm an ủi của mẹ. Trẻ con đứa nào chả nghịch ngợm. Mình rất ghét ngủ trưa, toàn trốn đi chơi, mẹ phải đội nón đi tìm bắt mình về. Nhiều lần mình làm mẹ thót tim khi băng qua đường ngay trước mũi ô tô. Hay như cái đận chả hiểu sao mới ba tuổi mà mình có thể leo tót lên cái ghế trọng tài, làm mẹ và mọi người phát hoảng, hò nhau đứng dưới hứng, sợ mình rơi xuống. Mẹ kể đi, kể lại những chuyện này. Lúc đầu mình nghĩ mẹ phịa, nhưng dần dà, nhất là bây giờ, khi có vợ, có con rồi mình nghĩ mẹ nói đúng. Mẹ đã rất vất vả chăm lo cho mình, từ miếng ăn, giấc ngủ. Một cái hắt hơi của mình cũng làm mẹ lo lắng.

 

Mình còn nhớ, trí nhớ của đứa trẻ lên ba liệu có tin được không nhỉ. Hôm ấy trời mưa tầm tã, mẹ cõng mình trên lưng, khoác áo mưa, chống gậy leo lên Đền Hùng. Ấy là sau này nghe mẹ kể mình mới biết, chứ khi ấy mình chỉ biết mẹ cõng mình lên núi. Mình chả có ấn tượng gì vì gục đầu vào lưng mẹ, nước mưa rỏ lộp bộp, trôi ngoằn nghoèo bên ngoài áo ngay trước mắt làm cảnh vật như bị biến dạng, kỳ quái. Khi xuống núi, trời đã tạnh, mình sà vào hàng đồ chơi bắt mẹ mua. Mẹ không chịu, mắng mình rồi cả hai mẹ con cùng khóc... Khi một mình ở nước Nga xa xôi, mẹ cứ ân hận mãi... Cũng là chuyện mà sau này mình nghe mẹ kể lại.

 

Rồi khi mình mới bốn tuổi, mẹ bế mình rời Việt Nam. Ở quê mình, ấy là mình nói Việt Nam ấy, lương dạy học của mẹ không đủ sống chứ đừng nói nuôi thêm một đứa như mình. Mẹ nghĩ lâu lắm rồi mới mang theo mình dứt áo ra đi, đến cái nơi cách xa quê mình mấy ngàn cây số. Nơi mẹ từng học tập, từng có thời sinh viên sôi nổi, nơi mẹ gặp và yêu bố.... Mình không biết mẹ quyết định vậy có đúng không, chỉ biết rằng bây giờ mình bỗng dưng có hai quê. Một quê để mình nhớ. Một quê để mình gắn bó cả thời ấu thơ. Quê nào mình cũng yêu hết.

 

Có một chuyện mình còn nhớ, cũng có thể không phải chuyện mình nhớ, mà chuyện về mình do mẹ kể lại. Mình tin mẹ nên chưa bao giờ mình hỏi chuyện mẹ kể có thật không. Hôm ấy nhà mình có khách, là mấy bác ở Việt Nam sang chơi, cũng có thể các bác sang làm việc, nhân tiện ghé qua nhà mình. Mẹ bận suốt ngày ở cơ quan làm tin, không có thì giờ rỗi để dẫn các bác đi tham quan thành phố. Trước khi đi làm mẹ bảo mình dẫn các bác đi chơi, dịch cho các bác. Sợ mình không nhiệt tình mẹ còn nói thêm.

 

- Cái tranh Nguyễn Du treo ở nhà mình là của các bác ấy tặng đấy.

 

Mình rất ngạc nhiên, nhà mình có gì mình quen thuộc, biết hết mà có thấy tranh Nguyễn Du nào đâu. Mình bảo mẹ:

 

- Sao con không thấy?!

 

Mẹ bảo:

 

- Nó treo cạnh cửa buồng ấy! - Rồi như để cho cụ thể, mẹ dẫn mình ra chỉ vào cái tranh. - Đây, tranh đây, Nguyễn Du đây.

 

Ôi giời, cái tranh này thì mình lạ gì. Mình bảo mẹ:

 

- Thế mà bấy lâu nay con tưởng tên ông ấy là Đại Thi Hào.

 

Mẹ cười phá lên, thò tay lôi cái mẩu giấy bị kẹt một nửa vào trong khung.

 

- Ôi, núi thơm của mẹ... - Rồi mẹ chậm rãi giảng giải cho mình: - nhà thơ tên là Nguyễn Du còn Đại thi hào là người ta muốn tôn vinh ông là nhà thơ lớn....

 

Ra là vậy.

 

 

***

 

Bây giờ lớn rồi, có gia đình riêng rồi mình chợt hiểu ra nhiều điều. Những điều lúc còn bé mình luôn hỏi mẹ "Tại sao?". Và không phải bao giờ cũng có câu trả lời hợp lý cho tất cả những cái "tại sao" ấy. Ví như kiểu ăn gì bổ đấy, thế ăn đuôi bổ gì hở mẹ...

 

Bún Bò chào đời. Nhà mình có thêm thành viên mới. Mẹ dành cho nó sự quan tâm, thương yêu đặc biệt. Thứ tình cảm mà lâu nay mình luôn lảng tránh vì ngượng. Nhìn cái dáng lúc cúc của nó lăng xăng trước mặt mẹ, mình không nhịn được cười. Chắc hồi bé mình cũng thế. Sau một ngày chạy nhảy nô đùa thỏa thích, tối anh cu lẻn vào giường bà, bắt bà bóp chân. Thật là hết chuyện....

 

Rồi đến khi Mimi, em Bún Bò gần bằng tuổi mình lúc mẹ bế mình sang Nga thì bọn mình quyết định chuyển về sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng còn một lý do khác là để Bún Bò đi học, nó cũng sáu tuổi rồi chứ ít gì. Ngày đầu tiên cắp sách đến trường, cu cậu háo hức lắm, trông rõ oai vệ, chỉ phải mỗi tội thấp bé hơn các bạn đồng trang lứa. Chả phải bây giờ, ngay từ khi có Mimi, trông nó già dặn đi nhiều...

 

Không hiểu tại sao, khi lớn con người ta ít lưu tâm đến những lời mẹ nói. Dù vâng đấy nhưng không phải bao giờ mình cũng làm theo. Nhiều khi mình bỏ ngoài tai những lời của mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Biết làm sao được. Mình cũng có gia đình riêng, công việc, bạn bè và mối quan tâm riêng. Đến nỗi thời gian dành nói chuyện với mẹ ngày một ít dần. Và hầu như bây giờ câu chuyện của mình với mẹ chỉ xoay quanh hai đứa cháu của mẹ. Ví như đừng cho chúng ăn linh tinh ngoài đường, dễ đau bụng, để mắt đến chúng không dễ bị tai bay, vạ gió. Cho chúng đi ngủ đúng giờ, xem ti vi và nghịch iPad ít thôi kẻo hại mắt... Thôi thì đủ mọi thứ, mình bảo mẹ rồi. Đâu khắc vào đấy, cứ ngồi lo thì lo sao cho xuể. Nhưng chỉ được một hôm rồi lại đâu vẫn hoàn đấy. Bọn trẻ con cứ chơi đùa, ăn uống vô tư (cũng một đôi lần phải đi viện), bà nội vẫn gọi điện hàng ngày với vô vàn quan tâm, lo lắng.

 

Mình không muốn nói, nhưng sự thực là mẹ ngày một già đi, có một thân một mình ở nơi xa, không có bọn mình ở bên cạnh chắc mẹ buồn lắm. Đành rằng mẹ có công việc, nhưng mình biết, công việc không phải là mối bận tâm chính của mẹ. Mình cũng lo cho mẹ lắm...

 

Chuyện của mình chỉ có vậy thôi, nó cũng là những chuyện vặt vãnh đời thường mà bất kỳ người nào cũng có thể kể.

 

Hương Sơn quê mẹ có những rặng tre xanh mướt, rì rào trong gió, với những món măng tre ngọt lịm. Có con suối Nác Sốt quanh năm sôi sùng sục, có thể vặt được lông gà. Những cánh cò trắng muốt chập chờn bay thẳng vào ký ức của mẹ. Ở nơi ấy, có lẽ cha, mẹ của mẹ tức là ông bà ngoại của mình cũng đang tựa cửa ngóng trông từng bước chân của những đứa con...

 

Mẹ ơi, bao giờ mình lại về Hương Sơn, về núi thơm hở mẹ?!

 

Tháng 5/ 2017.