Đã bao giờ bạn mang theo trong hành lý của mình một món quà cho một người bạn mà bạn chưa bao giờ gặp chưa? Suốt những năm dài, có biết bao nhiêu lần khoác Balô lên vai rời khỏi nhà, đây là lần đầu tiên tôi mang theo món quà ấy. Tôi không nói về món quà, nó bé đến nỗi chỉ nghĩ thôi cũng vẫn còn áy náy. Thật ra tôi có thể làm tốt hơn thế.
Người mà tôi sẽ gặp trong chuyến đi Viêng Chăn là một cô gái. Cô ấy là bạn FB của tôi. Một người bạn trên mạng, người mà tôi sẽ gặp trong đời thật có một cái gì đó làm tôi thắc thỏm, xen chút lo âu. Giữa ảo và thật, thật và ảo. Suy nghĩ của tôi như duỗi dài ra chìm vào giấc ngủ gà gật trên chiếc xe đang lắc lư đổ đèo.
Đã hơn bốn mươi năm tôi mới lại có dịp quay lại những vùng đất, gặp lại những gương mặt nâu sạm vì nắng gió, ánh lên vẻ hiền lành, chất phác mà một thời tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu bên họ. Những người tôi gặp bây giờ, không phải những người tôi quen năm xưa, nhưng sao tôi vẫn thấy họ giống nhau đến kỳ lạ. Họ sống cuộc sống chậm rãi, vô lo, vô nghĩ, hay ít ra là tôi cảm thấy như thế. Anh hướng dẫn viên đã cảnh báo chúng tôi, người Lào làm gì, nghĩ gì cũng chậm. Đúng thật, ở Lào không vội được đâu.
Có người hỏi tôi làm sao quen cô ấy. Và tò mò hơn thì hỏi tôi biết gì về cô ấy. Làm sao tôi có thể nói quen hay không quen cô ấy được. Tuy là chưa gặp nhưng ngày nào chúng tôi chả nhìn thấy nhau trên mạng. Tôi biết về cô ấy kha khá, và cũng hầu như chả biết gì về cô ấy cả. Nói ra nghe mâu thuẫn quá, thậm chí vô lý...
Thử ngồi mà ngẫm thì nhiều việc xảy ra trong đời, dẫu vô lý đến cùng cực, cũng đều có nguyên nhân của nó. Hay nói theo nhà Phật là nhân duyên. H. - cô gái mà tôi sẽ kể với các bạn cũng chả xa lạ gì, ấy là tôi nói đến các mối liên hệ của cô ấy với những người thực, hoặc là bạn, hoặc là người quen của tôi. Có người tôi thân, có người vì chưa có duyên nên chưa thân. Có người tôi thích, cũng có người tôi chưa thích. Nhưng tựu chung họ tồn tại thực, pha chút ồn ào quanh tôi. Chả cần phải cố gắng tôi cũng có thể nhìn và nghe thấy họ.
Đêm Viêng Chăn tối hơn đêm những thành phố mà tôi đã từng ghé qua. Đèn đường vàng kệch, hiu hắt nom không rõ mặt người như ở quê tôi những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Cái bóng của tôi run rẩy mờ nhoè như dính vào quãng tối. Những căn nhà hai bên đường lùn tịt nhấp nhô như hàng rào chắn hai bên con phố. Xe cộ thưa thớt, đa phần là xe tư, bán tải. Thứ xe đa năng mà người dân Lào ưa dùng. Đã gần chín giờ cô gái mà tôi hẹn qua điện thoại vẫn chưa đến. Tôi đoán nhà cô cách khách sạn nơi tôi ở có lẽ xa hơn chứ không phải 15 km như cô nói. Tội cho cô phải một mình thân gái di chuyển trong đêm tối để đến gặp tôi, một người chưa gặp bao giờ. Tôi phân vân tự hỏi, không hiểu cô nghĩ gì nhỉ?!
Quay về phòng sửa soạn máy ảnh định rủ chú Châu cùng đoàn đi chụp phố đêm thì chuông điện thoại reo. Tôi đoán là điện thoại của cô ấy, vì ngoài cô ấy tôi chả có mối liên hệ nào khác ở cái thành phố này.
- A lô
- Chú Minh à, cháu đang ở dưới phòng khách của khách sạn.
- Chị chờ chút, chú xuống ngay đây.
H. không khác mấy so với sự hình dung của tôi. Từ trang phục, dáng vẻ, màu da đặc trưng của Lào, mặc dù cô là người Việt, toát lên vẻ tự tin, rắn rỏi. Qua màn chào hỏi, làm quen và chụp vài bức ảnh để kỷ niệm, tôi rụt rè đề nghị cô dẫn chúng tôi đến Khải hoàn môn để chụp ảnh. Không chút nghĩ ngợi, cô vui vẻ nhận lời. Cùng đi với chúng tôi còn có một cô gái khác trẻ nhất trong đoàn. Phải mất mấy chục phút chúng tôi mới túm được một cái xe tuk tuk. Ở Viêng Chăn không có takxi, người dân thành phố này không cần đến takxi để di chuyển. Giàu hay nghèo thì nhà nào cũng có từ một đến hai chiếc ô tô. Tôi không ngạc nhiên về điều này.
Cái chân máy ảnh dùng trong trường hợp bất đắc dĩ mà chú em họa sĩ cố công đem đến ấn vào tay tôi tối hôm trước khi khởi hành hoá ra không có tác dụng gì ngoài việc làm cho tôi bị thương ở tay. Cô gái đi cùng sốt sắng lục trong túi xắc lấy ra lọ nước hoa đổ không thương tiếc lên ngón tay của tôi để sát trùng và phủ lên chỗ bị thương một miếng gạc Urgo. Và dường như chưa yên tâm cô còn dúi vào tay tôi một miếng Urgo nữa nói là để đề phòng. Ai dè chính vì vậy mà mấy hôm sau, trước khi rời Viêng Chăn, tôi còn phải dùng đến cho vết thương ở chân...
Trong lúc chúng tôi chụp ảnh hai cô gái thả bộ tâm sự dọc theo đại lộ không một bóng người và xe cộ. Đêm Viêng Chăn thật là yên tĩnh. Chả biết họ nói những chuyện gì, chuyện của các cô có nghe chắc tôi cũng không hiểu, khi chia tay nhau ở khách sạn thì họ đã như đôi bạn tâm giao có duyên từ kiếp trước.
- Cô H. thật thà và dễ tin người, đáng yêu thật.
Trong thang máy cô gái cười nghiêng, cười ngả thả ra một câu xanh rờn. Tôi hơi nhíu mày nhắc khẽ:
- Cô thì đùa nhưng người ta lại nghĩ là thật. Mai cô cố mà giải thích nhé!
***
Gần đến giờ hẹn tôi vẫn còn nằm ườn trên giường. Có lẽ tôi đã thấm mệt qua mấy ngày liền di chuyển lên núi xuống đèo. H gọi điện cho tôi nói nửa tiếng nữa chú em chồng sẽ đánh xe đến đón chúng tôi qua nhà cô dùng bữa tối. Tôi ngại làm phiền cô vất vả cơm nước nên nói chỉ ghé qua thăm gia đình rồi đi chụp ảnh Tháp Luông. Thực lòng tôi cũng rất muốn biết cô sống và là việc ở nơi đất khách quê người như thế nào. Và tôi cũng rất muốn có những bức ảnh về cô gái mới bước ra từ Facebook hôm qua, những bức ảnh về nơi cô đang sống, về những người bạn, người hàng xóm của cô. Tôi tin vào những bức ảnh của mình vì nó chân thực. Nó nói với tôi được nhiều điều mà chỉ nghe kể thôi tôi cũng không thể hình dung được.
Em chồng của H là một thanh niên vóc người đậm, chắc. Đôi mắt sáng linh lợi hiếm gặp ở những người đồng hương của anh tôi gặp trên đường suốt mấy ngày qua. Anh chậm rãi điều khiển xe qua những con phố, thi thoảng giới thiệu với chúng tôi những địa danh hai bên đường bằng một vốn từ tiếng Việt ít ỏi như H nói với tôi qua điện thoại. Thật ra anh biết nhiều tiếng Việt hơn là tôi mong đợi. Qua câu chuyện tôi biết anh học tiếng Việt từ H. Cũng phải, tôi chẳng có gì phải nghi ngờ.
Xe dừng lại, bước ra khỏi xe chúng tôi có ngay cảm giác như mình lọt vào một góc chợ đêm ở một tỉnh lẻ. Những mái lều lợp tạm bằng nhiều chất liệu từ cọ, tăng, bạt, nilon đến tôn ốp Nam liêu xiêu, nhập nhoạng trong ánh đèn hắt ra từ những chiếc bóng tròn ngoắc một cách tạm bợ vào cột. Mùi thức ăn, mùi khói than bốc ra từ những chiếc lò quạt tay gợi cho tôi nhớ về một thời xa vắng. Những ký ức tưởng như đã ngủ im lìm đến lúc này cũng bắt đầu cựa mình thức dậy.
Thấy chúng tôi loanh quanh chưa biết vào đâu thì nghe câu tiếng Việt:
- Các bác cứ vào đây ngồi đợi. Chị H ra ngay.
Tôi có đôi chút nghi ngờ, không biết liệu có phải mình đang ở nước ngoài không. Mọi người ở đây hình như ai cũng biết nói tiếng Việt. Từ bà bán hàng khô, ông bán than đến cô bán vịt quay. Ngay cả cô bé vừa rẽ qua mua cốc nước mía cũng bập bẹ tiếng Việt. Khi hỏi "cháu là người Việt nam à" thì cô đưa cặp mắt sáng tinh nghịch nhìn tôi và nở một nụ cười mặc nhiên công nhận.
Khác với hôm qua, hôm nay H trông duyên dáng hơn trong bộ váy áo đen thẫm, tay áo ren kiểu Đăng ten mấy bông hoa, thân áo phía trước được trang trí bằng miếng kẻ sọc sáng màu, hờ hững luồn qua hai vạt áo là chiếc thắt lưng giả có đính hoa càng làm cho người mặc nó thêm nền nã đáng yêu, mộc mạc so với một cô gái Việt và Tây hơn so với một cô gái Lào. Tôi nâng máy lên bấm vội vài kiểu như sợ cô lại biến mất. Đứa bé gái ngọ nguậy không yên trên chiếc ghế nhựa trong bộ váy trắng bằng sa tanh. Tôi cũng không khẳng định được nó giống H hay chồng H, người mà tôi không có duyên gặp vì anh bận công tác bên Hàn Quốc.
H chỉ cho tôi xem nơi mà năm ngoái cô tiếp đoàn nhà văn Việt Nam sang dự hội nghị các nhà văn thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Trước khi sang đây có lần tôi đã nghe H kể về gia đình mình qua FB. Ông ngoại cô là họa sĩ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Hai người cậu em mẹ cô hiện nay đang là những nhà văn, đạo diễn có tên tuổi ở Hà Nội. Người cậu viết văn tôi đã gặp đôi lần, còn người kia tôi có nghe nhưng chưa gặp lần nào. Quả đất tròn, quanh đi quẩn lại thể nào bạn cũng va phải người quen. Khi quen cô trên FB, tôi chưa khi nào nghĩ sẽ gặp cô, hơn thế lại còn đến nhà cô dùng bữa tối.
Nhìn thức ăn bày đầy hai chiếc bàn dài kê giữa phòng tôi phát hoảng. Làm khách dùng bữa ngoài ba chúng tôi còn có những người khác. Chúng tôi đến làm khách thế quái nào lại đúng hôm sinh nhật H. Vô duyên quá, đến ngay cả một bông hoa mừng sinh nhật chúng tôi cũng không kịp chuẩn bị vì bất ngờ. Người đàn ông đứng tuổi ngồi đối diện với tôi là thầy giáo chủ nhiệm khoa tiếng Việt của trường Đại học Quốc gia Lào. Kế đến là hai vợ chồng người Lào trạc tuổi tôi là giáo viên dạy tiếng Việt đã nghỉ hưu. Bà vợ còn có quãng thời gian hai năm học ở Nga, tính ra cũng chả xa lạ gì. Ngồi bên tay trái H là cô gái Lào xinh xắn có nước da trắng như người Việt có tên Lanny không ngờ lại là phát thanh viên tiếng Việt của Đài truyền hình Quốc Gia Lào. Đối diện với cô là cô giáo trường PTTH Kim Liên, Hà Nội tình nguyện sang Lào làm việc, với hy vọng đổi gió hòng mong gặp được người trong mộng. Và cạnh cô là em chồng H, người đón chúng tôi từ khách sạn về đây. H thoắt ẩn, thoắt hiện với cương vị chủ nhà. Nhìn nụ cười mến khách của cô tôi biết cô vui lắm. Gặp lúc như thế này tôi dường như trở thành người khác. Ít nói và kém hài hước hẳn. May có chú Châu đi cùng luôn chủ động, dẫn dắt câu chuyện nên bữa ăn tràn ngập tiếng cười nói. Hỏi người này vài chuyện, nói với người khác vài câu, nom chú như một diễn giả già dơ trên sân khấu không hề biết mệt mỏi...
***
Ngày còn khoác áo lính, tôi đã từng chứng kiến vài mối tình "Hữu nghị", như cách gọi của lính. Nhưng là những mối tình của các chàng trai Việt với cô gái Lào duyên dáng trong điệu múa lăm vông, với bông hoa chăm pa cài hờ hững trên mái tóc. Còn bây giờ tôi lại được nghe kể về mối tình đặc biệt của chàng trai Lào và cô gái Việt. Sau nụ cười e thẹn, H dừng lại một chút rồi ngập ngừng kể cho chúng tôi nghe về mối tình của cô.
Ngày ấy, thời còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng giống như nhiều cô gái khác, cô đã mộng mơ về hình bóng người đàn ông lý tưởng. Với cô tốt nhất là họ Nguyễn, tài giỏi, có nghề nghiệp vững vàng và đương nhiên phải đẹp trai và có văn hoá. Chả riêng cô, cô gái nào chả từng ấp ủ, mơ ước như vậy. Nhưng sau nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện với chàng trai nghiên cứu sinh người Lào, tuy không phải họ Nguyễn nhưng đã để lại trong cô nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hai năm sau cô đến với anh, yêu anh bằng mối tình đầu, mặn nồng, sâu đậm...
Đột nhiên cô cười tủm tỉm khi nhớ lại lần cô giận anh mà anh không biết. Cô đuổi anh về. Anh mở to mắt nhìn cô như không hiểu có chuyện gì. Mặc dù buồn nhưng anh cũng đành chào cô ra về. Ôi, chàng trai thật thà ngốc nghếch của cô. Anh không hiểu rằng cô nói vậy nhưng lòng cô không muốn vậy. Anh không đoán được cô muốn gì và anh không biết đoán nỗi lòng của người anh yêu. Tội nghiệp cho anh. Tức quá, cô chạy theo, đứng trên ban công tầng 3 nói vọng xuống:
- Lần sau anh đừng đến nữa nhé!
Bạn bè các phòng cùng tầng nghe thế chạy ùa ra ban công, có cô gọi giật xuống:
- Anh Sản lên đây ngay không thì chết.
Chàng Xay Nhạ Sản vội vàng chạy lên. Thế là làm hoà!
Và họ yêu nhau như thế, giận hờn như thế cho đến khi anh tốt nghiệp và rời Việt Nam. Ngay cả trở ngại này anh cũng không nản chí. Hầu như tuần nào anh cũng viết cho cô một bức thư với tất cả lòng chan chứa yêu thương, thông qua người quen ở Đại sứ quán Lào tại Hà Nội. Cô không muốn học tiếng Lào. Cô muốn anh yêu cô, nói với cô, viết thư cho cô bằng tiếng Việt.
Nghe giọng kể nhí nhảnh như trôi về thời yêu và được yêu của cô, tôi lẩn thẩn tự hỏi: Liệu cô có ích kỷ quá không nhỉ?!
Bây giờ, khi đi bên cạnh tôi, cô đã sống và làm việc ở Lào hơn chục năm, là mẹ của hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Tiếng Lào của cô nếu nghe tôi không thể nào phân biệt được cô là người Việt nói tiếng Lào hay người Lào nói tiếng Việt. Cũng như nhiều đôi lứa khác mà tôi từng biết. Cuộc sống của cô cũng thăng trầm, lúc khổ, lúc sướng. Vất vả mưu sinh là số kiếp của đời người. Ai chả vậy, đâu chỉ riêng mình cô...
Lúc trên xe tiễn chúng tôi về khách sạn cô hồ hởi rẽ qua chỉ cho chúng tôi xem mảnh đất 600m cô mới mua và dự định nếu có đủ tiền năm tới sẽ xây nhà. Tôi thành thật mừng cho cô. Mừng cho gia đình bé nhỏ của cô. Đời người có ba việc lớn, tậu trâu, dựng vợ, gả chồng và làm nhà. Ấy là nói bậc nam nhi. Cô là gái, một thân một mình nơi đất khách quê người mà làm được ba việc ấy một cách gọn ghẽ, chóng vánh quả là đáng để đấng mày râu nể phục.
Mặc dù muộn, đèn chiếu sáng đã tắt H vẫn bắt cậu em chồng vòng xe qua Tháp Luông cho chúng tôi chụp ảnh. Cô cứ áy náy mãi về chuyện đến muộn, đèn đóm tắt cả nếu không sẽ đẹp lắm. Như để an ủi chúng tôi cô nói:
- Đằng nào ngày mai người ta cũng sẽ đưa các chú qua đây tham quan, cháu xem lịch trình rồi...
Nhìn cái vẻ tự tin, vô tư của H, nhất là cái lúm đồng tiền nơi má phải mỗi khi cô cười. Tôi chợt nhận ra, người như cô thật hiếm. Và khi rời khỏi đây, chắc chắn tôi sẽ còn nhớ mãi câu chuyện của cô, nụ cười của cô, người con gái bước ra từ Facebook.
Hà Nội tháng 5 / 2017