Tôi là đứa trẻ không bình thường. Điều này người ta nói với tôi ngay sau ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Cha mẹ đặt cho tôi cái tên Minh thật đẹp. Chứng tỏ niềm hy vọng của họ ở tôi lớn đến cỡ nào. Theo hán tự thì chữ Minh có nghĩa là sáng, vì nó bao gồm cả mặt trăng, mặt trời ở trong đó.
Lũ bạn không thèm chơi với một đứa dở người như tôi. Chúng gọi tôi là Minh hâm. Hâm ư? Bọn trẻ ý thức được điều này thông qua sự tư vấn của những người sinh ra chúng. Mặc dù rất bất mãn, nhưng tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều mà ngay cả bố mẹ tôi và họ hàng vẫn cho là đầu óc tôi có vấn đề.
- Này, chúng mày ơi! Xem thằng công tử bột ăn mặc hâm chưa kìa. Tự nhiên tôi cảm thấy ngứa ran như có hàng ngàn con kiến đang bò khắp người. Trước lúc đi học bà tôi cố tình bắt tôi khoác vào mình chiếc măng-tô-san màu xanh cổ vịt, với lý do, con nhà có giáo dục phải ăn mặc đàng hoàng. Tuy không thích nhưng tôi cũng không dám cãi lại.
Thương con một mình đơn độc, cha mẹ đẻ liền cho tôi năm đứa em gái. Vô hình chung lại biến tôi thành người thiểu số ngay chính trong gia đình.
Cuộc sống suy cho cùng cũng có quy luật riêng của nó. Tôi đã tìm cho mình những người bạn mới. Đó là những quyển sách. Chúng cũng như tôi, cô đơn khoác trên mình chiếc áo thời gian đầy bụi bặm và mạng nhện.
Chúng tôi làm quen với nhau thật đơn giản, không ồn ào. Những đứa bạn mới của tôi hóa ra lại đầy cá tính. Có đứa béo, đứa gầy. Có đứa hồn nhiên, nhưng cũng có đứa u mặc, huyền bí. Mặc nhiên tôi chấp nhận tất, cùng vui, buồn với chúng. Trong sâu thẳm, tôi muốn hiểu vì sao tôi không phải là người bình thường. Mà điều này có quan trọng không nhỉ?
Ngày lại ngày, tôi lang thang qua những cửa hàng sách cũ. Đầu óc tôi rối rắm, tôi đi trong mộng mỵ. Những gương mặt lướt qua bên tôi tròn ung ủng, trông như những quả bóng bay nhiều màu sắc. Những quả bóng bẩy, hào hoa thường là những quả nhẹ bẫng. Còn những quả sần sùi, lam lũ, lại thâm trầm sâu sắc đáng kinh ngạc. Tôi băn khoăn tự hỏi, giá trị đích thực của con người ta nằm ở sự hào nhoáng hay ở sự thô ráp. Có lẽ cả hai đều đúng và đều không đúng...
- Này thằng hâm, muốn chết hả, đi đứng phải có mắt chứ! - Những ánh mắt quái ghở của những người qua đường nhìn tôi nửa hăm dọa, nửa như thương hại.
Phân chia lại bạn bè, một công việc không mấy dễ chịu. Nghĩa là bạn bè tôi bây giờ chỉ còn những quyển sách bởi những người không bình thường viết ra. Do cơ duyên, tôi bỗng nhận ra trong sách của họ thường ẩn chứa một đạo lý sâu xa nào đấy. Không dưới một lần tôi đã đọc được ở đâu đó, rằng người bình thường hiếm đến độ dường như không thể. Chỉ có điều, đa phần không bình thường theo một kiểu, nên chúng tôi nghiễm nhiên trở thành thiểu số...
Thời gian trôi đi, mọi thứ đều thay đổi. Tôi cũng không còn hứng thú đi tìm lời giải về sự không bình thường của mình. Trên mặt tôi đã được trang điểm thêm bộ râu. Tóc tôi lác đác hiện ra những sợi bạc. Số đông quanh tôi đã có gia đình riêng. Họ mải miết bươn trải trong cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Có lẽ, điều này làm họ quên hẳn sự không bình thường của tôi.
Rồi dịp may cũng mỉm cười. Tôi xây dựng gia đình. Vợ tôi là cô gái bình thường, đúng như mơ ước. Tôi không muốn những đứa con của mình phải mang trong tim những vết sẹo như bố chúng. Phải thừa nhận vợ tôi là người can đảm. Cũng bởi sự dũng cảm này mà số đông mang cô ra để hành hạ, đa phần vì lòng tốt. Thế mới biết, con người làm hại nhau vì lòng tốt còn nhiều hơn vì ác ý. Đôi mắt ngây thơ và hồn nhiên của vợ tôi mở to nhìn họ như hiểu, như không. Lúc trước họ yêu cô, cũng chưa hẳn vì cô đáng yêu. Sau đó ghét cô, cũng chẳng phải vì cô đáng ghét. Tệ thật, chính bản thân, cô cũng không biết, mình đáng yêu hay đáng ghét...
Sống trong một xã hội mà anh chẳng giống ai thật không dễ chút nào. Tôi phải chật vật lắm mới kiếm được mảnh giấy xác nhận khả năng lao động của mình. Công việc này ngốn không của tôi mất hơn hai mươi năm. Nghĩa là khoảng thời gian vừa đủ để một đứa trẻ sinh ra và hoàn thành học vấn của nó. Điều đáng buồn không phải ở mảnh giấy, cũng không phải ở khoảng thời gian mà tôi bỏ ra để có được nó, mà ở chỗ nó bị nghi oan vì nằm trong tay một kẻ... mất trí như tôi.
Nói ra thật xấu hổ, tôi đã từng đi khám bác sĩ. Đối với họ, tôi hoàn toàn bình thường. Nghĩa là người ta không tìm thấy bất cứ một điều gì giống như tôi trong cẩm nang y học. Tôi chỉ là con bệnh dưới mắt của những người bình thường.
- Anh đến đây làm gì, gặp ai? - Làm gì ư? Mà tôi đến đây làm gì? Cũng chẳng biết gặp ai. Liệu ai có thể cho tôi biết tôi cần gặp ai không?
- Nói thật với anh nhé, ông nội của tôi ạ! Ông có mất trí không mà gần đến tuổi hưu mới đi xin việc. Cơ quan chúng tôi đâu có phải nhà tế bần, chuyên làm việc thiện...
Té ra là họ không làm việc thiện. Vậy thì họ làm cái gì nhỉ? Tôi hoàn toàn không hiểu.
Thượng đế thật không công bằng. Tại sao chỉ con người mới bị sống trong sự đố kỵ, hoài nghi và thành kiến... còn các loài khác thì không. Con trâu, con bò, mớ rau, mớ cỏ được phân loại tốt xấu thông qua giá trị thật của nó. Đến như con gà, con vịt trước khi giết mổ người ta cũng sờ nắn xem nó có đáng được nằm trên đĩa hay không. Duy chỉ con người mới cần đến mảnh giấy nhằm môi giới xác nhận cho những giá trị của mình. Khôi hài thật!? Trước mắt người đời anh chả là gì cả. Thái độ của họ đối với anh tùy thộc vào những điều được ghi trên mảnh giấy khi anh đưa ra. Họ không tin anh. Họ tin mảnh giấy.
Một buổi tối hai đứa con tranh nhau bảo tôi:
- Bố đừng ra trường con nhé... con không muốn lũ bạn biết bố là bố của con...
Rồi chúng nhoẻn miệng cười hồn nhiên. Chúng không biết nói dối.
* * *
Do một sự nhầm lẫn nào đấy mà tự nhiên tôi thành họa sĩ nổi tiếng. Mới hôm qua tôi chỉ là một kẻ lẩn thẩn mà hôm nay bỗng trở thành người uyên bác. Những cú điện thoại, những cuộc thăm hỏi bất ngờ làm tôi chán ngấy. Mọi câu chuyện cuối cùng cũng quay về những bức tranh của tôi. Thật ra, những bức tranh mới là mối quan tâm chính. Họ mỉm cười với tôi chỉ đơn giản vì tôi đã vẽ ra chúng.
Cuộc sống của chúng tôi dần khấm khá lên. Rồi tôi cũng làm được một vài việc có ích cho vợ con. Đối với họ, tôi mới đáng yêu làm sao.
- Minh là người giỏi nhất thế giới! - Vợ tôi không ngần ngại đưa tôi lên tận mây xanh. Tôi biết nàng khen tôi không phải vì giá trị thật của con người tôi, mà vì những gì tôi đã mang lại cho mẹ con nàng. Những người bình thường cũng không còn e ngại gì không lôi kéo tôi về phía họ. Tôi bỗng trở thành tâm điểm và thu hút sự chú ý của bao người. Rằng từ rất lâu, họ đã biết tôi là một thiên tài...
Tôi có phải là thiên tài không. Tôi không cần biết. Niềm ao ước giản dị nhưng cháy bỏng của tôi là muốn mình trở thành một người bình thường. Trái tim ốm yếu của tôi đã bị quá nhiều thương tích. Tôi không muốn bị thương thêm nữa...
Ngoài năm đứa em gái, cha mẹ còn sinh cho tôi một đứa em trai. Vợ chồng nó làm báo. Một cái nghề không tồi chút nào. Hôm đầy năm thằng bé con, cả nhà đều nói nó giống bác Minh. Giống tôi ư? Tôi không mong muốn điều này.
Một hôm, tôi giật mình khi tình cờ nghe con chị họ gọi thằng em là Vũ hâm. Từ đó, cứ có ai nói Vũ nó bèn tự thêm chữ hâm vào đằng sau. Miệng há ngoác, đôi mắt nheo nheo, nó coi đó là một trò đùa vô hại. Nhưng tôi cảm thấy trong sâu thẳm lòng mình những vết thương đã liền sẹo lại rỉ máu, và... vết thương này, có lẽ, tôi sẽ còn mang mãi nó trong tim.
Tết Ất Dậu 2005.