Bạn tôi là nhà thơ. Nói vậy cũng chưa thật đầy đủ lắm. Vì thật ra anh có những bốn, năm cái "nhà" cơ (nhà thơ, nhà doanh nghiệp, nhà giáo, nhà báo, và đương nhiên, cả nhà riêng nữa).
- Cái số tôi nó khổ - Lần nào gặp nhau anh cũng trưng ra cái bộ mặt nhăn nhó, rầu rĩ. - Đâu có được ung dung, an nhàn như các ông... nhà, cửa, vợ, con đuề huề.
Nghe vậy, ai không biết cũng tưởng anh tứ cố vô thân. Suy cho cùng thế hệ chúng tôi ai mà chẳng khổ, chỉ có điều, chúng tôi khổ đến nỗi không còn biết là mình khổ nên không nói ra mồm. Thời gian đầu, tôi cũng ngỡ anh khổ thật. Lâu dần tôi mới phát hiện đây chỉ là khúc dạo đầu cho một cơn mưa châm chọc. Như một chú gà chọi, xù lông, rụt cổ, múa cựa, vẫy đạp lung tung. Rồi sau cùng, thế nào anh cũng rút mấy bài thơ dán vào tai chúng tôi như một phương thuốc gia truyền trị thương. Tuổi tác mới ngoài năm mươi mà trông anh như một lão già, thân đầy bệnh tật.
- Tôi đang phải uống thuốc bắc đấy, ốm lắm, chả làm ăn được gì! Đói thối mồm!
- Bao giờ mạng nhện chăng ở đít mới gọi là đói, chứ mồm thối chẳng qua là ông ăn tạp quá! - Tôi trêu lại anh. Lập tức anh giở giọng:
- Các ông là con giời, tôi chỉ là con rơi, con vãi... bì thế nào được!
- Ông còn thiếu gì nào? Nhà, cửa, vợ, con? Thơ thì cứ sòn sòn năm một. Cái gì cũng có, chúng tôi chạy theo ông còn chưa kịp nữa là...
Nói vậy thôi chứ tôi biết, anh rất cay về cái vụ làm đơn xin vào hội Nhà văn đã dăm năm mà chưa có kết quả. Vô duyên vô cớ anh giận lây chúng tôi. Anh tặng cho chúng tôi những khả năng mà chúng tôi không bao giờ có, để rồi khi không làm được việc mình nhờ thì anh hờn dỗi và quy cho chúng tôi cái tội không nhiệt tình với bạn bè. Lần nào gặp nhau cũng vẫn chuyện ấy. Có lần tôi đùa:
- Ông trách gì bọn tôi, có trách thì trách các cụ sinh ra ông không nghĩ cho ông cái tên vần A, vần B mà lại là vần V... làm cho con các cụ lúc nào cũng phải đứng ở hàng cuối. Ở ta chỗ nào chẳng phải xếp hàng. Trình độ và khả năng thì có ích gì, vấn đề là cái tên. Hay là... ông đổi tên đi.
Cứ nghĩ thế nào anh cũng khùng lên nhưng hóa ra không phải.
Ngày trước, anh thuộc loại người năng động, lạc quan chứ không suốt ngày rên rỉ như bây giờ. Thời mà dân văn nghệ chúng tôi còn chưa biết xoay sở kiếm ăn thì anh đã tấp tểnh đi buôn. Không biết nghe ai xui, anh vay mượn tiền đánh quả chó Bắc Kinh. Vụ này hình như không được thành công. Có bốn con chó thì con nào cũng có tật. Một con què, một con mù, một con rụng lông và một con chết. Ít lâu sau anh lại khoe với chúng tôi đang hùn vốn kinh doanh địa ốc. "Các ông chả thức thời gì cả, một vốn bốn lời tội gì không làm..." Cả bọn chỉ còn cách tròn mắt nhìn anh thán phục. Tôi không dám tin anh có thể làm được việc này, bèn bảo:
- Ông phải tự lượng sức mình chứ không khéo lại như vụ chó Bắc Kinh thì nguy!
- Ông cứ yên tâm, nguy là nguy thế nào! Người thì ngày một nhiều lên, đất thì ngày một hiếm đi, chỉ có lãi chứ không thể lỗ - Anh quả quyết như dao chém cột. Thấy vẻ bần thần của tôi anh ngửa mặt lên trời cười ngất.
Công việc của anh ngày một bề bộn. Thời gian chúng tôi gặp nhau trao đổi ngày một ít đi. Dần dà chúng tôi nói chuyện đã không còn hiểu nhau nữa. Dù anh vẫn làm thơ, nhưng dường như anh đã thành người khác. Đối với chúng tôi, anh trở nên bí hiểm.
Thi thoảng anh có gọi điện thoại. Chuyện chẳng có gì nhưng lần nào anh cũng du dương hàng tiếng đồng hồ. Anh đọc và bình cho tôi nghe những sáng tác mà anh tâm đắc nhất. Phải nói thật, tôi rất buồn vì thơ anh bây giờ không còn cái cảm của một tâm hồn thuần khiết, trong sáng. Nó đã bị pha tạp khá nhiều chất bụi bặm của đường phố. Phần vì thương anh, phần vì không muốn anh buồn tôi đã không nói thật suy nghĩ của mình.
Bẵng đi khá lâu. Chả hiểu tình hình kinh doanh có được như anh mong muốn không. Một lần tình cờ gặp nhau ngang đường, anh mời tôi khi nào có thời gian đến chơi. Anh khoe năm nay anh làm được hai việc lớn là hoàn thành cái nhà và ra thêm tập thơ Hoa cỏ. vậy là ơn giời anh cũng có bát ăn, bát để. Cầm trên tay cái các-vi-zít của anh tôi tự hỏi, thực ra anh sướng hay khổ?
Lần lữa mãi rồi tôi cũng rủ được một ông bạn nhà thơ cùng đến thăm anh. Chúng tôi loay hoay mất cả tiếng đồng hồ mới tìm được nhà. Cơ ngơi mà anh gọi là "tệ xá" nguy nga, kín cổng, cao tường, và huyền bí như một tu viện. Cái chuông cửa gắn tít trên cao, tôi nghĩ rằng nó để trang trí nhiều hơn là để bấm.
Đón chúng tôi không ngờ lại là mấy con chó tây, ta lẫn lộn. Sự nồng nhiệt thái quá của chúng làm tôi và anh bạn đi cùng được phen hú vía. Từ trong nhà một giọng khề khà nói vọng ra:
- Suỵt... hư nào! Cứ vào đi đừng sợ, chúng hiền lắm...Tôi đang dở tay một chút!
- Ông có ra xích mấy con chó nhà ông vào không thì bảo! - Anh bạn cùng đi mặt tái mét, đứng im bất động.
- Nó không cắn đâu!
- Này, tôi nói cho ông biết nhé! chúng tôi đến chơi với ông chứ không phải là chơi với chó. Ông có phải là chó đâu mà ông biết nó có cắn hay không!
Hình như câu nói xỏ xiên của anh bạn bên cạnh có tác dụng. Chủ nhà liền xuất hiện trong bộ Pi-gia-ma, trên môi thoáng một nụ cười ngượng nghịu:
- Thất lễ! thất lễ! khách quý đến nhà đã không ra đón từ xa. Cơn gió nào thổi các ông đến đây vậy...
- Không cần khách sáo, chỉ cần ông lùa đám "vệ sĩ" này rời khỏi đây là được rồi! Gió máy gì... - Ông bạn đi cùng với tôi không giấu được vẻ bực bội.
Trước mắt chúng tôi, hình bóng của một anh văn nghệ biến đi đâu mất, thay vào đó là một ông chủ hạng bét. Xung quanh anh cái gì cũng có mà chẳng có cái gì cả. Sự lịch lãm tinh tế được thay bằng thái độ buông thả, dung tục. Anh không pha trà mời chúng tôi mà rót cho mỗi người một ly rượu từ cái chai đựng Cô-ca đã cáu bẩn.
- Rượu nếp cẩm chính hiệu đấy! Mời các ông! - Dường như để thuyết phục chúng tôi anh đưa chén lên miệng làm một hơi hết sạch.
- Sau rượu là thơ, nói cho cùng cánh mình chỉ có thơ là còn có cái để bàn, chứ ba cái anh nhà, cửa, đất, cát xem ra có vẻ mệt mỏi lắm.
Tôi có cảm giác, sau tuần rượu anh tỉnh táo ra nhiều. Chủ nhà hăm hở đọc cho chúng tôi nghe mươi bài thơ rút trong tập Hoa cỏ mới in còn để ngổn ngang ở góc phòng. Anh cao hứng ngân nga lúc bổng, lúc trầm. Nhìn anh ngiêng đầu, ngoẹo cổ, tôi nghĩ, dù sao anh vẫn còn là thằng văn nghệ. Chỉ có điều, ở anh cái gì cũng hơi quá một chút.
Sừng sững giữa nhà, trông như một cái tủ là chiếc đồng hồ quả lắc. Nghe anh giới thiệu tôi mới biết nó có lịch sử khá lắt léo. Dưới nền nhà là một cái ti vi nhỏ tí, phủ đầy bụi. Dường như nó được chuyển thẳng từ cửa hàng đồ cũ về nhà anh. Sợi dây ăng ten bám đầy mạng nhện lòng thòng vắt ngang nối cửa sổ với cái ti vi, thoạt nhìn tôi cứ tưởng dây phơi. Chiếc bàn uống nước lọt thỏm trong một diện tích rộng gần trăm mét vuông trông chẳng khác gì cái vẩy ốc. Tệ thật, ở đây mọi thứ đều lộn tùng phèo, thấm đẫm mùi của thời gian. Cái đáng to thì nhỏ, cái đáng để trên bàn thì quăng dưới đất. Không gian ở đây bị chủ nhà uốn cong như trong thuyết tương đối.
- Thế là ông đã thực hiện được giấc mộng của mình. Cuối cùng xét ra, chúng tôi mới là kẻ đáng thương. - Ông bạn nhà thơ bên cạnh bỗng lên tiếng.
- Giá tôi được như các ông lại hoá hay! - Giọng anh bỗng trầm hẳn xuống - Chuyện đời phức tạp lắm, các ông không biết đâu...
Qua cách kể chuyện tôi lờ mờ hiểu rằng chỉ có mỗi mình anh lấy vợ là không có tình yêu. Và anh nghĩ chúng tôi sướng hơn anh nhiều lắm. Tại sao anh luôn bị ám ảnh mình thua kém bạn bè?! Những thứ anh mất công đi tìm đều đã tìm thấy. Hơn mong đợi, anh còn tìm thấy cả những thứ mà mình không cần.
Nhà cửa, vợ con, thơ phú nói mãi rồi cũng hết. Chủ nhà ấn vào tay chúng tôi tập thơ Hoa cỏ thay cho lời chào tạm biệt. Thế cũng tốt. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ. Quái lạ, nó chả nhích thêm được vạch nào từ lúc chúng tôi bước vào đến giờ. Dường như thấy vẻ mặt nghi hoặc của tôi anh cho biết nó vẫn vậy từ khi người ta đặt nó ở đây. Trên môi anh bất chợt hiện ra một nụ cười cổ quái. Tôi không hiểu anh cười cái đồng hồ hay cười sự thiếu hiểu biết của chúng tôi.
Chia tay với ông chủ ngôi nhà, hai chúng tôi lặng lẽ ra về. Nỗi buồn nhè nhẹ đang gặm nhấm tâm hồn tôi. Bạn tôi có năm cái "nhà" thì có đến ba cái là người ta phong tặng. Còn lại hai cái: nhà thơ và nhà riêng thì chẳng ra sao cả. Nhìn tập thơ dày vài trăm trang nơi tay tôi bỗng giật mình. Thơ muốn hay thì phải mỏng đi, nhà muốn sạch, muốn đẹp thì phải bé lại. Liệu anh có nghĩ như vậy không nhỉ?
Hà Nội, 04.2005