Người có trái tim trên miền cao nguyên

Chương 6

Cha tôi là một kiều dân, ông còn là một mục sư trưởng giáo hội và là một thi sĩ, nhưng cũng là gốc gác một nông dân. Nhưng truyện này không để nói về ông. Truyện kể về một trong những người nông dân di cư vào khúc quanh của thế kỷ, từ những miền cao nguyên Armenia đến những thung lũng ở California. Tôi nghĩ rằng, có lẽ tôi nên viết về những người và những sự việc nào đó thật nhanh, ngay lập tức, vì nếu không, tôi sẽ quên bẵng mất, và tôi cho rằng bổn phận của mình là không được như thế. Hầu như tất cả mọi sự của một lúc nào đó, những diễn biến đều bị quên lãng và phai nhoà đi mất, nhưng một nhà văn phải cố gợi lại ít ra là một khía cạnh tượng trưng của sự việc. Các con cái và cháu chắt của người kiều dân kia đã hành trình một cách vĩ đại, chậm chạp, gian khó đầy tốn kém và hâu như luôn luôn đau khổ từ cựu đến tân thế giới, để rồi hầu như Người còn biết đến cụ già tiên phong ấy nữa – chà, cái ông cụ mới vui tính làm sao, và con cháu thì muốn các bậc cha ông phải luôn khiến người ta khâm phục chứ không phải để pha trò.

 

Có một người tên là Sarkis từ làng Gultik tận cái xứ sở xa xôi Armenia, đến Hoa Kỳ năm 1908 khi anh ta chưa đầy ba mươi. Anh là một nông dân với mái tóc dày rậm và bộ ria đen rộng. Anh nặng khoảng chín chục ký nhưng không đến nỗi phục phịch gì mấy, và đặc biệt anh luôn có cái vẻ u buồn đến khác lạ. Ở Gultik, anh là những gì của bình thường (đến tầm thường) – và với anh, cũng chả có ai quan trọng chi cả - nhưng anh giao tiếp rất khéo và có lắm bạn hữu: nào là dân Armenia, Kurd, Thổ, Ả Rập, nào là Do Thái, Hy Lạp, Bulgaria, và các bản dân của nhiều bộ lạc và các quê xứ tít mù nào khác. Anh nói tiếng Armenia và ít nhiều tiếng Thổ, Kurd và cả Ả Rập với những người Tiểu Á này, đến khi rời bỏ nơi đây, Gultik đã để lại khá nhiều bạn bè.

Anh đến New York vào tháng năm, năm 1908.

Thật là một nơi chỉ tổ làm cho người ta bối rối và chả có một ai để bầu bạn chuyện vặt cả. Ở New York những năm tháng ấy rất ít người nói được hơn ba thứ tiếng Armenia, Kurd, Thổ hay Ả Rập. Thật là cô đơn hết cỡ thợ mộc.

Anh bèn đến Lynn, thuộc Massachusetts, xin việc trong một hãng giầy và bắt đầu học chút tiếng Anh.

Việc thì nặng nhọc lắm, nhất là đối với những người to con. Không phải là việc bằng đôi chân, bằng đôi vai hay thân thể cường tráng của mình, nó là thứ việc khiến người ta phát điên lên được, làm rị mọ bằng những ngón tay và vài ba cơ bắp của cánh tay, và hẳn nhiên cả với mắt nữa.

Anh làm ở hãng giày một năm và càng lúc càng cô đơn. Cũng có vài gia đình người Armenia ở Lynn, nhưng anh không thích họ. Họ không giống những người ở Gultik.

Một đêm, anh say khướt và một vị mục sư người Armenia gặp anh ngất ngưởng qua các đường phố. Họ dìu nhau về nhà ông mục sư.

Ông mục sư người Armenia hỏi, Này con, con buồn gì quá vậy?

Người nông dân rên rỉ, Ôi, Cha ơi, con cô quạnh quá thể!

Ông mục sư nói, Chúa là Cha của con.

Anh nông dân nói, Điều đó hay lắm, nhưng Cha ạ, con cô đơn. Không có ai để con trò chuyện gửi gắm. Ở Gultik con quen thân tất cả mọi người, cả Đạo lẫn đời. Ồ, Cha ơi, ở Gultik đời nó đẹp đẽ biết chừng nào!

Ông mục sư nói, Con phải lấy vợ thôi.

Anh nông dân đáp, Đúng quá! Đúng quá!...Này Cha, Cha tìm cho con một người đàn bà đẹp, biết nấu nướng linh tinh, biết nói tiếng Armenia hay ít ra một tiếng gì khác, chẳng hạn như Kurd, Thổ hay Ả Rập gì gì đó, thì con sẽ xin rước nàng ngay.

Mục sư đưa anh nông dân về nhà và giúp anh ngủ ngon. Một tuần sau anh nông dân nhận được lá thư của vị mục sư, anh đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong thư, mục sư nói rằng ông đã tìm được cho anh một cô gái ngoan, và bảo anh đến gặp ông ngay, anh nông dân đọc lá thư đến những năm mươi lần, chả là thư cũng không dài gì mấy.

Rồi anh đóng bộ áo quần vía nhất vào và đến nhà ông mục sư.

Anh nói, Cha à, nàng biết nấu ăn chứ? Đó là điều con muốn biết. Nàng nấu các món đặc sản quê mình được không? Bụng dạ con đã tẩu  hoả nhập ma vì các thực phẩm lạ hoắc lạ huơ của cái xứ sở này rồi, Cha ạ. Cô gái đó biết nấu ăn, phải không? Nàng biết hát nữa chứ? Nàng đang óc trong nhà Cha không, thưa Cha?

Mục sư đáp, Không, con ạ. Nàng không có ở đây, chúng ta sẽ đi đến nhà nàng. Và họ bắt đầu đi bộ khoảng một dặm đến nhà cô gái.

Công bình mà nói thì nàng cũng có phần xấu gái.

Anh nông dân đứng trong nhà, lòng tan ná quá đỗi vì lắm điều bất hạnh đến trong đời anh: mất xứ Gultik, mất luôn cả bao nhiêu là bạn bè, rồi cái công việc khốn kiếp ở hãng giày, nỗi cô đơn giày vò, niềm khao khát thức ăn hợp với khẩu vị của chốn quê nhà, cần một người ngoan và xinh xinh chút đỉnh để hát cho anh nghe, rồi thì, người đàn bà này, một người Armenia đích thực, chắc hẳn là một người đàn bà thuộc loại đức hạnh bậc nhất có lẽ là một đầu bếp tuyệt hảo nữa, lại thành thạo với kim chỉ, nhưng dù sao đi nữa – không, anh không muốn nàng, nàng làm cho anh cô đơn hơn bao giờ hết.

Anh lấy trong túi ra một điếu thuốc và vừa bật diêm vừa kêu lên, Cha ơi, miễn thứ cho con, con phải hút một chút mới được.

Mục sư nói, Đây, để mũ đây. Chúng mình vào trong nhà ngồi đi. Ta quên chưa cho con biết tên nàng. Nàng tên là Elizar Iskanderian.

Anh nông dân để mũ xuống và hít một hơi thuốc thật dài.

Anh nói, Vậy đấy, Tên nàng là vậy đấy, con cứ tin lời Cha. Rất hân hạnh, anh nói với cô gái.

Mục sư nói, Rồi con sẽ gặp cha mẹ nàng. Họ là những người tuyệt lắm.

Anh nông dân nói, Con cũng  biết thế Cha ạ, họ hẳn là những người tế nhị, như chính cái buồng này chứng tỏ điều đó. Con không do dự lấy một giây mà nhận ra ngay rằng họ là những con người thượng hảo hạng.

Anh hít một hơi, nhìn người đàn bà lần nữa, và nói, Thật là thượng hảo hạng! Xin lỗi Cha.

Cha mẹ cô gái đến gặp người nông dân và hỏi tên anh.

Anh nói Sarkis Khatchadourian, từ Gultik qua. Lìa khỏi lòng quê nhà ấm cúng. Mười lăm tháng ở Mỹ. Lạc lõng giữa hoang vu. Một tên nô lệ. Khốn đốn và cô độc. Xin lỗi Cha chứ cái thế gian này nhục nhã biết bao.

Cô gái nấu cà phê Thổ: uống dở tệ. Nàng hát: nghe không nổi.

Anh nông dân ngồi trên ghế u buồn mơ mộng về chốn quê nhà.

Anh móc đồng hồ vàng ra xem.

Anh nói, Xin quí đồng hương miễn thứ cho, tôi đã thích thú quá. Giờ thì tôi phải đi. Cầu Chúa phù hộ quí vị. Xin chào.

Vị mục sư rời nhà cùng với anh.

Sao? Mục sư nói, Con thấy thế nào?

Anh nông dân nói, Cha ạ, con không thể nào nói để Cha biết là con cơ khổ làm sao. Nàng là người đàn bà ngoan, nàng pha cà phê ngon tuyệt, còn giọng nàng có thể sánh với tiếng hót chim hoạ mi, nhưng thưa Cha, nàng có một cái gì đó, một chút gì đó khiến con buồn khôn tả. Không, con không muốn ở chung với nàng dưới một mái nhà, con xin Cha.

Mục sư nói, Con sẽ tập yêu nàng.

Anh nông dân nói, Cha ạ, con không muốn tập. Xin lỗi Cha, con khổ quá!

Mục sư nói, Đó chỉ là vấn đề thời gian. Một tuần hai tuần, một tháng hai tháng, một năm hai năm, một đứa con rồi thêm một đứa nữa, rồi thì, gì nữa? Con có gia đình, có con cái, năm tháng sẽ êm đềm trôi qua.

Anh nông dân nói, Xin Cha tha lỗi cho con, con mang ơn Cha nhiều lắm. Cái chuyện cỏn con ấy mà. Nhưng, Không. Không một tuần, không hai. Xin kiếu Cha.

Thôi chào con, mục sư nói.

Một người Armenia khác từ California đến Lynn, và một buổi  chiều Sarkis gặp người này trong một tiệm cà phê, uống chút đặc sản với y và người kia nói về California cho Sarkis nghe.

Người kia nói, Nó là một xứ Armenia khác nữa. Có ánh mặt trời, nho, đồng cỏ, cây ô liu, cây vả, suối, bò…

Anh nông dân mừng rỡ kêu lên, Bò à, bạn đồng hương ơi, phải bạn vừa nói đến bò không?

Người kia nói, Cả trăm con.

Anh nông dân thổn thức, Trời ơi, Bò!

Anh hỏi, Thế còn việc làm? Việc làm cái kiểu nó ra làm sao?

Người kia nói, Việc nông trại.

Anh nông dân nói, Trời ơi! Và dưới ánh sáng mặt trời, anh mơ mộng. Anh kêu lên, Bạn đồng hương thân mến ơi, vậy có nhiều đồng bào ta ở đó không? Đó mới là vấn đề chớ.

Người kia nói, Nhiều, nhiều vô kể.

Anh nông dân nói, Trời ơi, thế thì tôi sẽ đi Cali.

Và anh đi thật.

Anh đến California vào tháng tám, đúng lúc mùa hái nho. Việc này đỡ khổ hơn là làm ở hãng giày, nhưng cũng có những điểm khó chịu khác. Phu phen đa số là người Mễ hay người Nhật. Dân tình lạ lẫm. Anh muốn bắt chuyện nhưng chẳng ai hiểu anh muốn gì, nên đành phải chúi mũi làm việc và câm như hến.

Công việc là phải cắt một chùm nho dưới gốc, xong đặt lên cái khay gỗ dưới ánh nắng, và khô đi, thành nho khô. Sau khi nho đã khô một bên, hai người phu đi dọc xuống một đường, nhấc khay lên đổ nho qua khay khác, để mặt trời sấy khô luôn bên kia.

Làm việc này chung với một người Mễ, một đồng sự mà mình không thể nói chuyện được. thật là oái oăm, chẳng thú vị chút nào.

Cứ lật khay qua lại hàng giờ với Mễ, chán bỏ xừ.

Anh làm việc suốt mùa hè, còn mùa đông thì cày đất và tỉa lá, mỗi chủ nhật thì ra phố, đến một quán ở đường Mariposa uống rượu đặc sản và cà phê, chơi giỡn vài trò giải trí cò con, và chuyện vãn tồng tuềnh với nhóm đồng hương. Những người gặp ở đây đều là dân mới.

Một chủ nhật nọ, một người đến quán cà phê này trong khi anh nông dâN đã ngồi sẵn ở đó, người này tên là Arshag Dombalian có quen với Sarkis khi còn ở quê nhà. Thuở ấy họ thường qua lại với nhau. Sarkis quá sung sướng  khi gặp lại được người anh em Gultik này ở California.

Họ bắt tay nhau trịnh trọng và cảm động đến muốn khóc. Arshag Dombalian nói, Anh Sarkis này, anh mạnh giỏi chứ?

Sarkis đáp buồn bã, Tôi mạnh, mạnh lắm. Thế còn anh?

Arshag nói, À, tôi cũng khá, bạn ạ. Người bạn xứ Gultik ơi, chứ bạn có thích Hoa Kỳ không?

Sarkis nói, Hoa Kỳ ấy à? Tôi phải trả lời bạn ra sao đây? Đến, đi và lật khay với những người quen kẻ lạ. Chỉ vậy thôi. Đi, đến, đi, đến, quen lạ, lạ quen và lật khay. Họ là ai, làm sao chúng ta biết được hở bạn? Chúng ta chưa từng thấy họ trước đây.Họ thuộc về quê xứ nào tăm tắp? Họ nói năng thứ tiếng gì gay cấn quá. Ai mà biết?

Một năm, sau khi đến California, Sarkis Khatchadourian lấy vợ. Nàng thuộc về những người ít danh giá hơn cô gái ở Lynn, nhưng nàng tròn trịa, bầu bĩnh hơn, ngăm ngăm đen dễ thương hơn. Năm sau cô gái này sinh cho anh một thằng con. Anh làm việc chăm chỉ và để dành được hơn ba trăm đô la, anh mua trả tiền mặt một vườn nho mười mẫu. Giờ đây anh là một trại chủ. Anh có ngựa, một con bò, một ngôi nhà, một người vợ đảm, một đứa con kháu.

Như ông mục sư nói, một thành hai, hai thành ba, ba thành bốn: ngày, tháng, năm và trẻ con. Tất cả đều tốt đẹp lắm, anh hẳn không nói là không tốt đẹp, nhưng anh chẳng biết nó ra làm sao. Anh đâm ra phát tài. Anh kiếm tiền, mua thêm đất, cày cấy, trồng trọt, tỉa tót, vun tưới, và gặt hái. Cái vườn nho mười mẫu của anh nó lớn dần lên cho đến khi thành ba mươi, rồi bốn mươi, rồi năm mươi.

 

Tất cả đều tuyệt diệu. Sự thay đổi ở anh được thấy trong đời sống và trên thế gian, ngay trước nhãn tiền. Điện thoại. Xe hơi. Máy cày. Máy hút  bụi. Máy giặt. Tủ lạnh. Máy truyền thanh. Con trai con gái nói tiếng Anh, viết và học nhiều thứ. Thật là một thời buổi lớn một thời đại vàng son.

Thế nhưng chẳng biết làm sao, nó vẫn buồn quá. Anh không sao hiểu được. Ở Gultik cũng tươi đẹp lắm, ở đó người ta biết rõ kẻ đang nói với mình là ai. Ả Rập. Ả Rập: Kurd, Kurd: Thổ, Thổ; người ta biết tỏng tòng ton, cả mặt, mắt, mũi, kể cả cái mùi hăng hắc nắng nôi của đồng áng. Đó là quê nhà. Người ta nói chuyện và cảm xúc tường tận với người và việc mình đang bàn đến. Nhưng ở Hoa Kỳ thì thế nào? Anh chẳng bao giờ quên trạng thái kỳ dị mà khó tả ấy ra sao.

Đôi khi có những nhân vật Armenia quan trọng, những người làm chính trị hay kinh doanh chuyên nghiệp đến thăm anh. Cùng nhấm nháp cà phê, họ nói, Này bạn đồng hương, anh có thích Hoa Kỳ không? Và anh luôn nhìn vào mắt họ, những người cùng quê xứ thân yêu của anh, và nói, Tôi biết gì nào? Đi, đến và lật khay với những người quen quen lạ lạ, nó làm sao ấy!