ôi biết đến hạt Devon miền Tây nước Anh không những nhờ món trà kem (cream tea) nổi tiếng thế giới mà còn nhờ phố biển nhỏ xinh với nhà sơn đủ màu trên núi, cọ xòe tán xum xuê bên những con thuyền nằm gối đầu im lìm trong sương.
Mọi khi, đối với tôi một buổi sáng thứ bảy hoàn hảo bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 12g trưa, trùm chăn kín cổ nghe Khánh Ly hát Dấu chân địa đàng trên đĩa MP3 mang từ nhà sang. Nhưng đã gần một năm tôi chưa thấy biển, nỗi nhớ những con sóng vỗ vào bờ đá và những ngôi nhà hoa ngọc lan rụng trắng sân đã chiến thắng cơn buồn ngủ díu mắt sáng nay. Vì vậy, khi Alastair gõ cửa lúc 9g sáng, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi cuối tuần đầy hứa hẹn đến Devon.
Alastair là bạn thân nhất của tôi ở Anh, cũng vì chung sở thích đi du lịch nên dù nghèo như tôi cũng ráng nhịn ăn sáng để dành tiền đổ xăng đi chơi. Xe đi qua con đường quê nhỏ hẹp với hai hàng cây xanh mướt, tôi thích thú hát vang bài "Con đường miền quê ơi đưa tôi về nhà đi" (take me home country road). Quả vậy, dù chưa đến Devon lần nào nhưng tôi vẫn có cảm giác mình đang về nhà, bởi thị trấn nhỏ êm đềm Christchurch ghé thăm trên đường đến Devon hay những chú thỏ rừng nhảy ra từ bụi rậm, giường mắt nhìn xe chúng tôi đi qua... làm tôi thấy bình yên quá.
Và cảm giác được về nhà lại trỗi dậy trong tôi khi đến làng chài Brixham, tươi tắn với những ngôi nhà đầy hoa trên bệ cửa sổ và trên bậc thềm. Dù chưa thấy biển, tôi vẫn cảm nhận không khí biển xung quanh, như khi bạn đạp xe trên những con đường trưa tĩnh lặng ở Nha Trang, nhìn hoa điệp vàng rớt xuống những chiếc xích lô đang nghỉ trưa trước cổng ra vào một khách sạn. Hay khi mới đến Vũng Tàu từ Sài Gòn một buổi chiều, thấy một bên biển một bên núi đá với những cây hoa sứ trắng nao lòng. Không biết phải diễn tả thế nào, nhưng tôi yêu không khí phố biển ấy còn hơn yêu biển.
Tôi ngồi ngẩn ngơ mãi khi vào thành phố cho đến khi anh bạn tôi bảo: "Nghe gì không? Mùi gió biển đó!" Và tôi lại thấy mình trên con đường Lý Tự Trọng lộng gió và râm mát bóng cây, những hàng cây bị chặt mất khi tôi về Nha Trang năm ngoái, làm tôi buồn hết mấy ngày. Những ngôi biệt thự sơn trắng ở Brixham cũng nằm trên đồi lộng gió biển, chen với cọ xanh là ngọc lan tây (magnolia) hồng phấn nở kín cây và rụng đầy khoảng sân lát đá. Gần đó, tôi bắt gặp một quán rượu với tấm bảng rất kiêu hãnh "Quán rượu đầu tiên và cuổi cùng ở Brixham", tường quấn đầy dây leo khẳng khiu nở hoa vàng li ti.
Chúng tôi đi bộ dọc bờ đá, nơi những con thuyền đánh cá gối đầu ngủ say và hải âu vỗ cánh bay trên đầu. Gần nơi chúng tôi đứng là quầy bán hải sản nhỏ, với những kệ gỗ đựng tộm, sò, mực, cua... gợi nhớ đến những gánh hàng rong trên bờ biển Mũi Né hay Hội Anh. Đã lâu lắm, món tôm duy nhất tôi ăn là những con tôm hiệu "Young" bóc vỏ đông lạnh mua ở siêu thị TESCO, đến lúc rã đông chuẩn bị nấu nhìn đã thấy ngao ngán. Tôi mua một hộp tôm luộc nguyên vỏ, thịt tươi rói, chắc và ngọt lịm, một sandwich cua thơm phức, bất ngờ và mừng rơn khi được người bán tặng thêm hai bánh thịt cua nhỏ bằng ngón tay không lấy tiền. Quả thật ở nước nào cũng vậy, nơi miền quê hay ở phố nhỏ người ta thường dễ thương hơn thành phố lớn.
Điều đó là tôi yêu làng chài này còn hơn lúc mới đến. Những ngôi nhà xinh xắn như hộp diêm sơn đủ màu nằm chen nhau trên núi nở đầy hoa cúc trắng, thủy tiên, pansy, mimosa... như vừa bước ra từ truyện cổ tích xa xưa. Còn những con thuyền đánh cả nhỏ làm bằng gỗ nằm xếp hàng lười biếng, in bóng xuống mặt nước trong xanh, phẳng lặng đến nỗi Alastair bảo giống như có cảm giác đi bộ được trên nước vậy.
Trong khi Brixham là làng chài cung cấp hải sản không chỉ cho hạt Devon mà còn cho cả những nơi khác ở nước Anh thì Torquay nổi tiếng với bờ biển trải dài sóng vỗ vào bãi cát mịn. Khi tôi đến, trời đã ngả về chiều, thủy triều lên lấp hết cát, chỉ thấy sóng vỗ nhẹ vào đá như ru ngủ. Torquay phát triển du lịch từ xưa nên ở trung tâm thành phố và dọc bãi biển có thật nhiều quán rượu xây từ thế kỉ 19..., những nhà hàng hải sản đặt bảng gỗ viết tay bên ngoài với những kệ hoa làm từ thân cây sần sùi hoa vươn mình tươi thắm. Đặc biệt, Devon vốn nổi tiếng với món kem đông (clotted cream), chỉ ở đây mới có. Ngay cả thủ đô London thượng vàng hạ cám gì cũng thấy vẫn khó kiếm được kem đông vì chế biến xong phải ăn ngay, lại rất khó làm. Vì thế dân những thành phố khác mỗi khi muốn ăn phải lái xe mấy chục có khi mấy trăm dặm đường đến Devon. Và đặc biệt muốn ăn kem đông đúng điệu phải đến những quán trà (tea room) đặc trưng Anh, cuốn sổ du lịch nhỏ bằng bàn tay tôi mang theo có nhắc đến Poppy Tea Room, quán trà xưa kiểu Victoria nằm gần khu shopping tên Fleet Walk. Nhưng tôi và Alastair tìm hoài không thấy đâu nên chúng tôi đành ghé vào một quán ăn gần biển, gọi một phần trà kem rồi ngồi nhấm nháp món kem dẻo, béo ngậy và thơm phức mùi sữa tươi, quết vào bánh scone kiểu Devon rồi uống tách trà nóng bỏng, ngắm hoàng hôn buông xuống trên biển và đèn bắt đầu giăng trên cầu.
Bên cạnh món kem đông, khám phá lớn nhất của tôi ở Torquay là một quán rượu có tên Hole in the Wall, nằm khuất trong một con hẻm nhỏ tĩnh lặng đến khó tin bên cạnh khu trung tâm mua sắm nhộn nhịp. Tiếng Anh "hole in the wall" dùng để chỉ những quán ăn hay quán cà phê rất ngon nhưng nằm ở những nơi khuất nẻo chỉ dân địa phương hay người sành ăn mới biết, và Hole in the Wall ở Torquay thật đúng như tên gọi. Mở cửa từ năm 1540, đây là nơi "Hàng trăm năm nay, dân buôn lậu, đánh cá, doanh nhân, dân địa phương, và khách đến thăm rất thích uống..." như được viết trên tấm bảng sơn đỏ thẫm cạnh những chiếc ghế gỗ dài sơn cùng màu đặt trên bệ đá bên ngoái.
Chúng tôi tạm biệt Devon khi trời đã tối mịt. Tự nhiên khi lên đồi, sương mù giăng dày đặc đến nỗi phải bật gạt nước xua lớp sương mờ mịt bám trên cửa sổ xe. Tôi níu tay Alastair đang tỉnh bơ lái xe như không có chuyện gì xảy ra "Sợ quá! Sương dày vậy sao thấy đường đây?". Ông bạn lúc nào cũng "phớt Ăng-lê" cười: "Có chuyện gì thì cũng đã hít thở được gió biển, thấy thuyền gỗ ở làng chài, ăn được trà kem rồi, đáng công lặn lội tới Devon chứ sao?"...