ôi sang quê hương bóng đá từ những ngày đầu tháng 9-2004, khi giải ngoại hạng vừa bắt đầu được vài trận và Arsenal còn làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng với lối đá được những chuyên gia ở Anh binh luận là "đẹp ngây ngất". Từ đó đến nay các CLB Anh trải qua không ít thăng trầm. Mùa bóng 2004-2005 đã chính thức khép lại sau trận Liverpool đánh bại AC Milan tại chung kết Champions League, nhưng dư âm của những trận đấu và sự kiện diễn ra trong năm vẫn còn là đề tài bàn tán của cổ động viên xứ sương mù.
Liverpool xuất thần ở Champions League
Tôi đến sân vận động Anifeld trước trận Liverpool gặp Monaco ở vòng đấu bảng Champions League mùa bóng năm nay, khi đội bóng áo đỏ còn "hàn vi", lôi thôi lếch thếch ở cả hai mặt trận chính. Đúng là "sông có khúc, người có lúc", Liverpool cứ từ từ tiến bước ở từng trận đấu giải vô địch châu Âu, lần lượt thắng những đối thủ được đánh giá cao hơn: Juventus, Chelsea và AC Milan để nâng cúp vô địch lần thứ năm trong lịch sử đội bóng một trong những thành phố lạnh nhất, nghèo nhất nước ANh này.
Ở Việt Nam vậy mà sướng, tuy phải thức khuya dậy sớm xem bóng đá nhưng ít nhất không phải bỏ lỡ phút nào, nhất là những trận đầy kịch tính như trận chung kết ngày 25-5 vừa qua, không bị kẹt giờ làm việc như dân ghiền bóng đá ở châu Âu. Hôm đó tôi ngồi họp mà ruột nòng như lửa đốt, đến khi kết thúc buổi họp là lao như tên bắn ra khỏi cửa, từ chối cả lời mời đi uống nước của khách hàng. Chưa hết lại còn phải vùi đầu trong thư viện hoàn thành xong bài luận nhóm vừa gõ máy tính vừa gắn headphone nghe bình luận qua trong web của UEFA đỡ ghiền. Liverpool đá hiệp một qua bết bát, thua 3-0 còn may. Tôi ba chân bốn cẳng về đến nhà lúc hiệp hai mới bắt đầu, xem tiếp 75 phút thi đấu còn lại và lượt đá luân lưu 11m. Đến lúc Shevchenko đá hỏng qur penlty cuối cúng của AC Milan và bình luận viên gào khản giọng trên TV "Chiếc cúp danh giá nhất các CLB châu Âu đã về lại nước Anh", tôi vẫn không hiểu nổi những chàng trai trẻ Liverpool lấy đâu ra bản lĩnh đến chừng đó. Vậy là cuối cùng nước Anh, nơi khởi sinh môn thể thao vua cho cả thế giới nhiều năm cay đắng nhìn các đội tuyển quốc gia và các CLB nước khác dánh các chức vô địch lớn đã kiêu hãnh ngẩng đầu nhờ đứa con được cưng nhất của mình tại Champions League năm nay.
Chelsea khởi sắc ở giải ngoại hạng
Đội bóng áo xanh bày vốn mang tiếng:đáng chán", lúc nào cũng xếp hạng tư, hạng năm mỗi mùa bóng, không khá hơn cũng chẳng kém hơn. Mới vài năm trước, Chelsea là điển hình của sự tréo ngoe vì nằm ở khu Chelsea - nơi dân nhà giàu thủ đô London ở - nhưng bản thân đội bóng lại nợ như chủa chổm, ban lãnh đạo khóc ròng vì không có ngân sách. Được tỉ phú người Nga mua lại, mùa bóng vừa qua chứng kiến sự lột xác của đội bóng này. Khi Chelsea bắt đầu những trận thắng như chẻ tre, báo chí Anh đua nhau đăng hình biếm họa: một bức vẽ hai huấn luyện viên Arsene Wenger và Alex Ferguson nhìn nhau sưng sỉa hằn học như hai kẻ thù truyền kiếp, bức kế bên vẽ hai ông này đấm ngực, vò đầu "Nhưng chúng ta vẫn thua Chelsea".
Nhiều người cho rằng việc Chelsea đăng quang đã chứng minh tương lai nhưng CLB Anh sẽ đặt nặng vào khả năng tài chính, vì vây cái đẹp trong bóng đá cũng mất đi. Tuy không phải cổ động viên đội bóng áo xanh nhưng chứng kiến lối chơi lăn xả của Chelsea, tôi vẫn cho ý kiến ấy không công bằng vì cả huấn luyện viên lẫn cầu thủ đội này đã làm hết sức mình cả mua bóng. Hy vọng Chelsea sẽ tiếp tục sự ổn định và làm giải ngoại hạng Anh thêm sôi động hơn, không phải "một phút huy hoang rồi chợt tắt" như Blackburn Rovers mười năm trước.
Những trận chiến trong và ngoài sân cỏ của Arsenal và Manchester United
Không cần phải là người trong cuoovj mới biết hai kỳ phùng địch thủ này ghét nhau đến ức nào. Trong trận chung kết cúp FA truyền hình trực tiếp trên TV, khi cầu thủ hai đội bắt tay trước lúc trận đấu bắt đầu, bình luận viên nổi tiếng John Motson bảo: " Chắc chắn hai đội trưởng Patrick Viera và Roy Keane sẽ không nhìn vào mắt nhau đâu", và quả đúng vậy.
Vốn là thành viên fanclub của Arsenal, tôi thích thú chứng kiến qua nhiều trận đấu và qua những diễn đàn trên mạng CĐV đội nhà ghét ngon ghét ngọt Man U đến thế nào, nhất là việc trận thua Man U vào tháng 10 kết thúc chuỗi trận bất bại kỉ lục và làm những pháo thủ thành London tuột dốc, may mà có phanh. Kết quả thua kình địch 2-4 trên sân nhà tiếp theo đó làm fan của The Gunners thêm ngùn ngụt lửa giận. Khi các cầu thủ con cưng nâng cúp FA ngày 21-5 vừa qua, 90% cổ động viên Arsenal xoa tay hớn hở không phải vì ngôi vô địch mà vì đối thủ Man U đi vào lịch sử cúp FA với tiếng tăm không mấy hay ho: đội đầu tiên thua trong lượt đá luân lưu 11 mét.
Và cũng như một bình luận viên BBC nói "Có hay không có Chelsea, hai đội bóng này cũng còn rất nhiều để cống hiến vào những mùa bóng tới".
Southampton xuống dốc
Giải ngoại hạng Anh năm nay hấp dẫn đến phút cuối vì cả bốn đội cuois bảng vẫn còn hi vọng ở lại Premier League nhờ trận cuối cùng. Và Westbromwich, vốn ít hi vọng nhất, đã trụ hạng. Sau 27 năm liên tục ở giải ngoại hạng, các fan của Southampton đã quen với việc xem đội nhà thi đấu với phong độ ổn định bên những tên tuổi lớn. (Tôi ưu ái viết về đội bóng này vì "nhà mình ở Southampton" mà). Mới cách đây hai năm, The Saints, tên thường gọi của CLB Southampton, còn là á quân cuups FA. Nguyên một mùa bóng lao đao lận đận, ngay cả việc chủ tịch câu lạc bộ "chôm" Harry Redknapp từ Portsmouth cũng không cứu vãn được đội bóng thành phố cảng miền Nam nước Anh này. Kết thúc trận đấu cuối cùng, những CĐV áo sọc trắng đỏ túa ra từ những quán rượu gần nơi tôi ở, mặt buồn thiu. Có người bi quan vì số phận The Saints như con tàu Titanic xuất hành ở cảng Southampton năm nào. Mùa bóng tới, nếu còn ở lại Southampton, tôi phải làm quen với những đối thủ mới không ai biết đến tên tuổi, những Crewe, Brighton, Watford, Luton Tơn, Milward, Stoke City..., hay nói theo kiểu dân Bạc Liêu là đội bóng "cùi cơm xác mía", nghĩ mà tủi thân.
Những điều không vui khác
Giới cầu thủ ngoại hạng khét tiếng ăn chơi, uống rượu bia như hũ chìm, và vốn được trả lương cao nên hầu hết đều sống xa hoa một cách không cần thiết, trong khi chính phủ lên tiếng kêu gọi dân chúng Anh tiết kiệm vì thế giới. Nhưng vấn đề làm đau đầu nhiều người nhất ở Anh, vốn được xem là xứ sở của hooligan khét tiếng, vẫn là nạn bạo lực. Cách đây vài tháng, dư luận ở Anh xôn xao khi những nhà chức trách cấm truyền hình trực tiếp những trận đấu trước 9g tối vì nhiều phụ huynh lo lắng con em bị ảnh hưởng những cầu thủ hay chửi thề, cãi vã, đánh nhau, chơi xấu... trên sân cỏ. May mà sau đó các fan bóng đá phản đối dữ dội nên thôi. Khi tôi lặn lội với anh bạn thân đi mấy trăm cây số cổ vũ đội bống con cưng thi đấu trên sân khách, lúc ra bãi đậu xe thấy tôi cười hớn hở vì bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 ở những phút cuối, anh bạn lo lắng ghé tai nói nhỏ: "May mà Uyên là con gái tụi nó không gây sự, chứ tôi mà cười vậy là có chuyện liền đó:. Còn hồi tôi sang đây lần đầu tiên cách đây ba năm, lò dó đến sân vận động Highbury của đội Arsenal, một phụ nữ trung niên nhà đối diện sân bóng bảo: "Bây giờ chưa vào mùa vắng cậy chứ vài tuần nữa tụi cổ động viên giang hồ đi đầy hết xung quanh đó ghen!", giọng tỉnh khô. Thành ngữ "phớt Ăng-lê" rất đúng với dân Anh. Bởi lẽ, một người bạn tôi học đại học ở Hull bảo có lần xem bóng đá trong quán rượu, sau trận đội nhà thua, có người quăng luôn chiếc ghế đánh rầm lên màn ảnh rộng mà cả quán chẳng ai buồn quay đầu lại nhìn.
Một điều đáng xấu hổ hơn nữa: các cầu thủ ở giải ngoại hạng đá bóng thì hay nhưng khả năng văn hóa thường rất kém. David Beckham lúc còn chưa qua Real Madrid, mỗi lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình hay trên báo lại làm mọi người có dịp cười bể bụng vì cầu thủ này người Anh nhưng tiếng Anh quá tệ, nói câu nào dùng từ hay ngứ pháp cơ bản nhất cũng trật lung tung, (chẳng hạn "we was" thay vì "we were"), lại không bao giờ nói được gì có ý nghĩa cho ra hồn. Vậy nên trung tâm tiếng Anh nọ ở TP.HCM quảng cáo trên báo "Trung tâm của chúng tôi sẽ đào tạo bạn nới tiếng Anh nhe David Beckham" chắc hẳn bạn phải suy nghĩ lại nếu nghe anh này nói chuyện một lần. Ngày đái BBC phỏng vấn những cầu thủ Chelsea vừa chính thức đăng quang, dân Anh lại một phen chán chường khi thấy Joe Cole nói tiếng Anh lắp bắp thua xa... người Phàn Lan cùng đội bóng một trời một vực.
Nhớ bóng đá
Nhưng dù gì đi nữa, suốt ba tháng không bóng đá tới đây tôi sẽ nhớ lắm những buồn vui bóng đá. Nhớ mỗi tối thứ bảy bật TV xem Gary Lineker, vốn là ngôi sao bóng đá Anh thập niên 80, điểm lại từng trận đấu trong tuần với lối nói chuyện hài ước rất có duyên. Nhớ không khí hào hứng tràn ngập cả thành phố mỗi lần đội nhà thắng trận. Nhớ những buổi chiều đi bộ giữa tuyết rơi lạnh lẽo nghe bóng đá trực tiếp trên radio xách tay ở những đài địa phương, vốn rất thiên vị đội nhà và nói năng bạt mạng. Chẳng hạn lần đội nhà chịu tỉ dố hòa vì trọng tài cho đối thủ một quả phạt đền gây tranh cãi, bình luận viên tức tối: "Chúng ta hòa trận này cũng vì đối thủ có một cầu thủ thứ mười hai mặc áo đen độc ác:. Hay lần đội bóng nọ được lên hạng, CĐV tràn cuống sân ăn mừng bị cảnh sát chặn lại, anh bình luận viên đài địa phương liền sừng sộ: "Người ta ăn mừng cũng chặn lại là sao? Cảnh sát gì cư xử như heo vậy?"... Nhớ lần thử cá độ lần đầu tiên ở William Hill thua hết hai bảng Anh cũng là lần cuối cùng vì nhận ra rất dễ ghiền nếu tiếp tục cá độ ở những trung tâm lớn này, mặc dù vẫn không khỏi ghen tị mỗi lần nhìn lên bảng quảng cáo của Ladbrokes với anh chàng hớn hở nói qua điện thoại: "Sếp ơi, em mới thắng cá độ bóng đá 10 triệu bảng Anh (°), em nghỉ việc đây:.
Và cũng như tôi, bạn cũng sẽ đồng ý dù phải ngủ mỗi ngày chỉ ba tiếng đồng hồ, dù học hành hay công việc bù đầu bù cổ, dù có lên cơn sốt đắp chăn rên hừ hừ, dù có phải dội mưa đội nắng, bỏ ăn bỏ uống, những ai lỡ mang trong người tình yêu bóng đá cũng phải vào sân vận động hay ngồi trước màn hình để theo dõi môn thể thao "không coi thà chết sướng hơn" như một tác giả báo Tuổi trẻ cười cách đây hơn mười năm đã kết luận...
(°)Khoảng 300 tỉ đồng Việt Nam