Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 7

“Giờ thì,” Taverner nói, “chúng ta sẽ đi gặp và trao đổi với bà Philip, tức Magda West, là nghệ danh của bà ta.”

“Bà ta diễn hay không?” tôi hỏi. “Tôi biết tên bà ấy, và tôi chắc mình đã xem bà ta biểu diễn một vài lần, nhưng không nhớ ở đâu và khi nào.”

“Bà ta là một trong những người thuộc Đợt Sóng Mới,” Taverner nói. “Bà diễn một đôi lần ở West End, tạo nên tên tuổi ở Nhà hát kịch – diễn ở một vài sân khấu dành cho trí thức và các câu lạc bộ ngày chủ nhật. Sự thật thì – theo tôi biết – bà không thành công trong nghề bởi không phải kiếm sống bằng nghề. Bà ta có thể nhận và chọn kịch bản, và đi nơi nào bà ưa thích, đôi khi bỏ tiền vào một vở diễn mà bà thích vai nào đó – thường là vai cuối cùng trên đời này thích hợp với bà. Tóm lại, bà có phần giống một kẻ chơi tài tử hơn là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bà ta diễn hay, anh nên biết, đặc biệt là hài kịch – nhưng các nhà quản lý không ưa thích bà ta lắm – họ nói bà ta quá sung túc, và là một kẻ gây rối – kích động đám đông, hơi thích chơi trò láu cá. Tôi không biết trong đó có bao nhiêu là sự thật – nhưng bà ta không hòa đồng lắm với các bạn diễn.”

Sophia bước ra ngoài phòng khách và nói: “Ngài chánh thanh tra, mẹ tôi đang ở trong này.”

Tôi đi theo Taverner vào gian phòng khách rộng. Trong khoảnh khắc tôi không nhận ra người đàn bà ngồi trên tràng kỷ phủ gấm thêu kim tuyến.

Mái tóc màu hung sáng uốn cao theo kiểu Edward, mặc áo vét màu xám sậm cắt may rất khéo, áo sơ mi màu hoa cà nhạt có những nếp gấp rất nhã, cổ áo cài kín bằng chiếc kim cài nạm một viên đá chạm nhỏ. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thấy nét hấp dẫn ở cái mũi nhọn của bà. Tôi mơ hồ nhớ đến Athene Seyler[2] – và dường như hoàn toàn không thể tin rằng đó là con người gây giông bão trong bộ váy ngủ màu hoa đào.

“Ngài thanh tra Taverner?” bà nói. “Mời vào và ngồi xuống. Ngài có hút thuốc không? Đây là một nghề đáng sợ. Ngay lúc này đây tôi chỉ cảm thấy tôi không thể làm việc đó.”

Bà nói chậm rãi và không một mảy xúc động, giọng nói của một kẻ xác định bằng mọi giá phải thể hiện sự tự chủ.

Bà tiếp tục:

“Xin cho tôi biết tôi có thể giúp ngài thế nào?”

“Cám ơn bà Leonides. Lúc xảy ra thảm kịch bà đang ở đâu?”

“Tôi nhớ mài mại tôi lái xe từ London đi. Ngày đó tôi dùng bữa trưa với một người bạn tại nhà hàng Ivy. Sau đó chúng tôi đến một buổi trình diễn váy dạ hội. Chúng tôi đã uống nước với một số bạn bè khác tại quán Berkeley. Sau đó tôi về nhà. Khi tôi về đến đây mọi việc đang trong tình trạng rối bời. Dường như cha chồng tôi bị tai biến. Ông đã – chết.” Giọng bà hơi run run.

“Bà có yêu mến cha chồng không?”

“Tôi đối xử với ông rất tận tụy…”

Giọng bà cất cao hơn. Sophia chỉnh nhẹ bức tranh của Degas. Giọng bà Magda hạ nhẹ xuống như lúc ban đầu.

“Tôi rất yêu mến ông ấy,” bà nói bằng giọng êm ả. “Chúng tôi đều thế. Ông – rất tốt đối với chúng tôi.”

“Bà có hòa hợp với bà Leonides không?”

“Chúng tôi ít khi gặp bà Brenda.”

“Tại sao thế?”

“Chúng tôi không có nhiều việc để làm chung. Tội cho bà Brenda. Cuộc sống của bà ấy đôi lúc cũng gay go.”

Sophia một lần nữa lại nghịch bức tranh của Degas.

“Thật vậy ư? Như thế nào?”

“Ồ, tôi không biết,” bà Magda lắc đầu, với một nụ cười hơi buồn.

“Bà Leonides sống với chồng có hạnh phúc không?”

“Tôi nghĩ rằng có.”

“Không cãi cọ?”

Bà lại lắc đầu vói một nụ cười nhẹ,

“Ngài thanh tra, tôi thật sự không biết. Chỗ ở của cha mẹ chồng tôi hoàn toàn cách biệt với chỗ ở của chúng tôi.”

“Bà ta và ông Laurence Brown rất thân thiết, đúng không?”

Mặt bà Magda đanh lại. Đôi mắt bà mở to nhìn Taverner, vẻ oán trách.

Bà trịnh trọng nói: “Tôi nghĩ ngài không nên hỏi tôi những việc như thế. Bà Brenda rất thân thiết với tất cảmọi người. Bà là loại người thật sự rất dễ mến.”

“Bà có thích ông Laurence Brown không?”

“Ông ta rất kín tiếng. Rất tử tế, nhưng ngài khó biết ông ta ở đó. Tôi không gặp ông ta nhiều lắm.”

“Bà có hài lòng về việc dạy học của ông ta?”

“Tôi cho rằng có. Thật ra tôi không biết rõ. Philip có vẻ hoàn toàn hài lòng.”

Taverner thử dùng chiến thuật gây sốc.

“Tôi rất tiếc phải hỏi bà điều này, nhưng theo quan điểm của bà thì giữa ông Brown và bà Brenda Leonides có tình ý gì không?”

Bà Magda đứng dậy. Bà chứng tỏ mình là một mệnh phụ chính hiệu.

“Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ chứng cớ nào về việc đó,” bà nói. “Ngài thanh tra, tôi trộm nghĩ ngài không nên hỏi tôi một câu hỏi như thế. Bà ta là vợ của cha chồng tôi.”

Tôi suýt nữa đã vỗ tay.

Chánh thanh tra cũng đứng dậy.

“Tôi muốn hỏi thêm các gia nhân,” anh đề nghị.

Bà Magda không trả lời.

“Cám ơn bà, bà Leonides,” thanh tra nói, rồi đi ra.

“Mẹ yêu, mẹ làm rất tốt,” Sophia phấn khởi nói với mẹ.

Bà Magda nhẹ xoắn búp tóc phía sau tai phải và nhìn vào trong gương.

“ Ừ-ừ,” bà nói. “Mẹ nghĩ đó đúng là cách nên làm.”

Sophia nhìn tôi. Nàng hỏi:

“Anh không phải đi theo ngài thanh tra à?”

“Xem nào, Sophia, vai trò của anh là…”

Tôi ngưng nói. Tôi không thể nói toạc móng heo trước mặt mẹ của Sophia vai trò thật sự của tôi. Cho đến giờ bà Magda tỏ ra không chú ý đến sự có mặt của tôi chút nào, ngoài việc là kẻ theo đuổi con gái bà. Tôi có thể là một phóng viên, hôn phu của con gái bà, theo đóm ăn tàn cảnh sát, hay thậm chí là kẻ lãnh thầu đám tang – với bà Magda họ sẽ là một và là tất cả khán giả của một đám tang đình đám.

Bà Leonides nhìn xuống chân, vẻ không hài lòng:

“Đôi giày này quá tệ. Đồ lừa đảo.”

Tuân theo cái hất đầu ra lệnh của Sophia, tôi vội vã chạy theo Taverner. Tôi bắt kịp anh ở bên ngoài đại sảnh đúng ngay chỗ cửa đi lên thang lầu. Anh giải thích:

“Chúng ta đi lên gặp ông anh lớn.”

Không chần chừ gì cả tôi đặt vấn đề với anh. “Này anh Taverner, vai trò của tôi ở đây là gì?”

Anh có vẻ ngạc nhiên.

“Vai trò của anh à?”

“Đúng, tôi làm gì trong ngôi nhà này? Nếu có ai hỏi tôi, tôi phải nói sao?”

“À tôi hiểu rồi.” Anh ngẫm nghĩ giây lâu. Sau đó mỉm cười: “Đã có ai hỏi anh chưa?”

“Chưa.”

“Vậy thì cứ kệ đi. Không bao giờ giải thích. Đó là phương châm tuyệt nhất. Đặc biệt trong ngôi nhà rối bời như ngôi nhà này. Tâm trạng của mỗi người đầy rẫy những nghi vấn, lo âu và sợ sệt. Họ sẽ xem anh là mặc nhiên miễn anh có vẻ tự tin. Sẽ là một sai lầm lớn nếu như anh nói ra điều gì không cần nói. Giờ ta đi qua cánh cửa này và lên trên lầu. Không khóa khiếc gì cả. Như anh thấy đấy, tôi hy vọng, những câu hỏi mà tôi đặt ra toàn nhảm nhí. Ai đang ở trong nhà, ai không, hay bọn họ đã ở đâu trong cái ngày đặc biệt đó…”

“Vậy tại sao…”

Taverner tiếp tục: “Bởi vì ít ra cũng cho tôi cơ hội xem xét tất cả bọn họ, nắm bắt họ, và nghe những điều họ nói, hy vọng qua đó, hoàn toàn tình cờ, không chừng ai đó có thể cung cấp cho tôi một gợi ý có ích.” Anh im lặng một lát đoạn nói nhỏ: “Tôi cho rằng bà Magda có thể mở miệng nếu bà muốn.”

“Có đáng tin cậy không?” tôi hỏi.

“Ồ, không,” Taverner đáp, “không đáng tin cậy. Nhưng có thể mở ra một đầu mối cho cuộc điều tra. Mọi người trong ngôi nhà đáng nguyền rủa này đều có phương tiện và cơ hội. Điều tôi muốn là động cơ.”

Ở trên đầu cầu thang, một cánh cửa đóng không cho vào hành lang bên tay phải. Có một vòng gõ bằng đồng thau trên cửa. Thanh tra Taverner trịnh trọng gõ.

Cánh cửa bất thần mở ra, do một người đàn ông có thể đã đứng sẵn bên trong. Ông ta có vóc dáng to lớn thô kệch, đôi vai rộng, tóc sậm rối nùi, một con người rất xấu xí nhưng lại có bộ mặt vui vui. Đôi mắt ông nhìn chúng tôi, đoạn quay đi nhanh như đã nhìn lén, cái cách bối rối của người hay biểu lộ sự hổ thẹn nhưng trung thực.

Ông nói: “Tôi đã nghe báo. Xin mời vào. Vâng tôi sắp đi – nhưng đó không phải là vấn đề. Mời vào phòng khách, tôi sẽ đi gọi Clemency – ô, bà ấy đây rồi. Đây là Chánh thanh tra Taverner. Ngài có dùng thuốc điếu không? Xin chờ một chút. Nếu như ngài không cần.” Ông ta đụng vào tấm bình phong, và nói: “Tôi xin lỗi” và vẫn cái cung cách bối rối, đi ra khỏi phòng.

Ông biến đi như một con ong nghệ, không để lại một tiếng động nhỏ.

Bà Roger Leonides đang đứng bên cửa sổ. Tôi chợt kinh ngạc về phong cách của bà ta và không khí của gian phòng chúng tôi đang đứng.

Các vách tường sơn màu trắng, thật trắng, không một tí gì là màu ngà voi hay màu kem nhạt, những màu mà người ta thường gọi khi nói tới ‘màu trắng’ trong trang trí nhà cửa. Không có một bức tranh nào trên tường ngoại trừ một bức treo trên lò sưởi, một bức vẽ hình học với các hình tam giác màu xám sậm và một tàu chiến màu xanh dương. Đồ đạc không nhiều – chỉ những gì cần thiết, ba hay bốn ghế dựa, một bàn có lót kiếng, một tủ sách có ngăn nhỏ. Không có trang trí gì cả. Chỉ có ánh sáng, không gian và không khí.

Hoàn toàn khác hẳn phòng khách to lớn trang trí gấm thêu kim tuyến và đầy hoa dưới tầng trệt. Và bà Roger Leonides cũng khác hẳn bà Magda. Trong khi người ta cảm thấy bà Magda có thể, mà thường như thế, giống như nửa tá con người khác nhau thì bà Clemency Leonides, tôi tin chắc, không bao giờ là con người nào khác hơn chính mình. Bà là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ và rõ ràng.

Bà khoảng năm mươi tuổi, tôi đoán thế, tóc màu xám, cắt ngắn, chải đẹp trên cái đầu nhỏ nhắn, cân đối. Tôi luôn có cảm tình với lối cắt tóc đặc biệt này. Bà có gương mặt thông minh, biểu cảm với đôi mắt màu xám nhạt có vẻ thấu đáo lạ kỳ. Bà mặc chiếc váy dài đơn giản bằng vải len màu đỏ sậm thích hợp hoàn hảo với thân hình thon thả của bà.

Ngay tức khắc tôi cảm nhận bà là một người đàn bà đáng ngại… Đánh giá các tiêu chí bà đang sống, tôi cho rằng đó không phải các tiêu chí của một người đàn bà bình thường. Tôi liền hiểu tại sao Sophia đã dùng từ nhẫn tâm để liên hệ về bà. Gian phòng lạnh lẽo và tôi hơi rùng mình. Clemency Leonides nói với cái giọng êm dịu, nhẹ nhàng:

“Mời ngài ngồi, ngài chánh thanh tra. Có tin gì mới không?”

“Chết vì eserine thưa bà Leonides.”

Bà nói vẻ trầm ngâm:

“Như thế đây là một vụ giết người. Có thể nào là tai nạn không?”

“Không, thưa bà Leonides.”

“Xin ngài đối xử với chồng tôi nhẹ nhàng một tí. Sự việc đó ảnh hưởng đến anh ấy thật nhiều. Ảnh rất tôn thờ cha và cảm nhận sự việc rất sâu sắc. Ảnh là một người rất dễ xúc động.”

“Bà và cha chồng có hòa thuận không, bà Leonides?”

“Hoàn toàn hòa thuận.” Bà bình thản nói thêm: “Tôi không thích ông ta lắm.”

“Tại sao vậy?”

“Tôi không thích các mục tiêu trong cuộc sống – và các phương pháp để đạt mục tiêu của ông ấy.”

“Thế còn bà Brenda Leonides?”

“Brenda à? Tôi ít gặp bà ta.”

“Bà có nghĩ có thể có điều gì giữa bà ta và ông Laurence Brown không?”

“Ý ngài là – về cái chuyện yêu đương? Tôi không nghĩ đến. Tôi thật sự không biết gì về chuyện đó.” Giọng bà nghe hoàn toàn vô cảm.

Roger Leonides nhanh chóng trở lại, cũng với cái cách của con ong nghệ.

“Tôi mắc chút chuyện,” ông nói. “Điện thoại. Nào, ngài thanh tra? Ngài có tin gì? Cha tôi chết vì lý do gì?”

“Bị đầu độc bằng eserine.”

“Chúa ơi! Thật vậy sao? Vậy thì chính là người đàn bà đó. Bà ta không thể chờ! Ít nhiều gì cha cũng đã lôi bà ta ra khỏi vũng lầy, giờ đây là phần thưởng cho ông. Bà ta máu lạnh đã giết chết ông! Chúa ơi, nghĩ đến điều ấy là tôi sôi máu lên.”

“Ngài có lý do gì cụ thể khi nghĩ như vậy không?”

Taverner hỏi Roger đi qua đi lại, hai tay cào mạnh vào mái tóc.

“Lý do à? Ai, còn ai khác ngoài bà ta có thể làm điều đó. Tôi không bao giờ tin cậy bả – không bao giờ thíchbả! Chúng tôi không một ai thích bả hết. Philip và tôi đều phản đối khi một ngày nọ cha về nhà và bảo chúng tôi ông đã làm gì! Vào cái tuổi của ông! Thật là điên khùng – điên khùng. Ngài thanh tra, cha tôi là một người kỳ lạ. Về mặt trí lực, ông ấy trẻ trung và tỉnh táo như người bốn mươi. Mọi thứ tôi có trên đời này đều do ông cho. Ông làm mọi điều cho tôi – không bao giờ để tôi thất vọng. Chính tôi mới để ông thất vọng – khi tôi nghĩ đến điều đó…”

Ông nặng nề buông mình xuống ghế. Vợ ông lặng lẽ đến bên ông.

“Roger, thôi đủ rồi. Đừng tự làm khổ mình nữa.”

“Anh biết, em yêu,” ông nắm lấy tay bà. “Nhưng làm sao anh có thể bình tĩnh – làm sao anh có thể không cảm thấy…”

“Roger à, nhưng tất cả chúng ta phải giữ bình tĩnh. Chánh thanh tra Taverner muốn giúp chúng ta.”

“Đúng thế, thưa bà Leonides.” Ông Roger gào lên: “Các người có biết tôi muốn làm gì không? Tôi muốn bóp cổ mụ đàn bà ấy bằng chính đôi tay của mình. Ông già thân yêu còn sống bao lăm nữa đâu. Nếu mụ ấy có mặt ở đây…” Ông bật dậy. Người lẩy bẩy vì giận dữ. Đưa đôi bàn tay run rẩy ra xa. “Đúng, tôi sẽ siết cổ mụ, siết cổ mụ…”

“Roger!” bà Clemency gắt lên.

Ông nhìn bà, lộ vẻ ngượng.

“Xin lỗi, em yêu.” Ông xoay qua chúng tôi. “Tôi xin lỗi.

Cảm xúc đã lấn át con người tôi. Hãy thứ lỗi cho tôi…” Ông lại đi ra khỏi phòng. Clemency Leonides nói với một nụ cười nhẹ:

“Các ngài biết đấy, ông ấy thật sự không hại đến một con ruồi.”

Taverner lễ độ đồng ý lời giãi bày của bà.

Sau đó anh tiếp tục với cái gọi là những câu hỏi thông lệ.

Bà Clemency đối đáp rõ ràng và chính xác.

Ông Roger Leonides đã ở London vào ngày cha ông chết, tại Box House, trụ sở chính của Công ty Cung cấp thực phẩm. Xế trưa ông trở về nhà sớm và như thường lệ gặp cha mình một lúc. Bà, cũng như thường lệ, làm việc tại Viện Lambert đường Gower. Bà trở về nhà đúng trước sáu giờ.

“Bà có gặp cha chồng?”

“Không. Lần cuối tôi gặp ông là ngày hôm trước. Chúng tôi dùng cà phê với ông sau bữa ăn tối.”

“Vậy bà không gặp ông vào ngày ông ấy mất?”

“Không. Tôi có đi ngang qua phòng của ông vì Roger cho rằng anh ấy đã để quên ống điếu của ảnh – một ống điếu rất quý giá – trong phòng ông cụ, nhưng thực ra anh ấy để quên ống điếu trên bàn ở đại sảnh, do vậy tôi không cần phải quấy rầy ông cụ. Ông cụ thường ngủ gà ngủ gật vào khoảng sáu giờ.”

“Bà nghe ông ấy bệnh lúc nào?”

“Bà Brenda chạy vội đến báo. Lúc đó sau sáu giờ rưỡi đúng một hai phút.”

Tôi biết những câu hỏi đó không quan trọng, nhưng tôi cho rằng Thanh tra Taverner ranh mãnh biết chừng nào khi dùng câu hỏi để tìm hiểu tỉ mỉ người đối diện.

Anh hỏi thêm vài câu hỏi về tính chất công việc của bà ở London. Bà cho biết bà nghiên cứu tác động phóng xạ của phân hủy nguyên tử.

“Bà chế tạo bom nguyên tử, đúng thế không?”

“Công việc không có tính hủy diệt. Viện thực hiện các thử nghiệm về tác dụng chữa bệnh.”

Khi Taverner đứng lên, anh tỏ ý muốn tham quan gian nhà. Bà Clemency có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng cho anh thấy bà cũng sẵn sàng. Phòng ngủ với hai chiếc giường giống nhau, trải drap trắng; trang bị phòng vệ sinh đơn giản khiến tôi nghĩ đến phòng của bệnh viện hay gian phòng nhỏ của tu viện. Phòng tắm cũng thế, rất trống trải, đặc biệt không có gì cao sang và không chỗ để mỹ phẩm. Nhà bếp trống rỗng, rất sạch, trang bị những dụng cụ thiết thực. Sau đó chúng tôi đến bên cánh cửa do bà Clemency mở: “Đây là căn phòng đặc biệt của chồng tôi.”

“Mời vào,” tiếng ông Roger. “Mời vào.”

Tôi hít một hơi thở nhẹ dễ chịu. Có gì đó trong sự khắc khổ sạch sẽ ở chỗ khác đã làm cho tôi bãi hoải. Còn đây đúng là một căn phòng mang tính cách cá nhân đặc biệt. Có một cái bàn mặt xoay bề bộn giấy tờ, ống điếu cũ và tàn thuốc lá. Những ghế dựa to, giản đơn, ọp ẹp. Sàn trải thảm Ba Tư. Trên các vách tường treo ảnh những nhóm: nhóm học tại trường, nhóm chơi cricket, nhóm quân nhân; ảnh chủ yếu đã mờ. Những phác họa màu nước vẽ sa mạc và các tháp, những chiếc thuyền buồm, sóng biển và cảnh hoàng hôn. Nhìn chung, đây là một căn phòng dễ nhìn, căn phòng của một người đàn ông dễ mến, thân thiện, dễ kết bạn.

Ông Roger, vụng về rót nước uống từ một cái bình, đẩy sách và giấy tờ ra khỏi một trong những chiếc ghế.

“Chỗ này khá lộn xộn. Tôi đang sắp xếp. Loại bỏ các giấy tờ cũ.” Taverner từ chối uống rượu. Tôi nhận lời. Ông Roger tiếp: “Các ngài hãy thứ lỗi cho tôi.” Ông đưa rượu cho tôi, mặt quay sang nói chuyện với Taverner câu đã nói: “Cảm xúc đã lấn át tôi.”

Ông nhìn quanh vẻ như phạm lỗi, nhưng bà Clemency không vào phòng cùng với chúng tôi.

“Cô ấy thật tuyệt vời,” ông Roger nói. “Ý tôi là vợ tôi rất tuyệt. Suốt chuyện này, cô ấy tuyệt hảo – tuyệt hảo!Tôi không thể nói tôi đã thán phục cô ấy thế nào. Cô ấy đã có một thời khó khăn – khó khăn khủng khiếp. Tôi muốn kể cho các ngài nghe chuyện đó. Chuyện là trước khi chúng tôi lấy nhau, người chồng trước của cô ấy là một người tốt – ý tôi nói là một người đàng hoàng – rất tinh tế – nhưng lại mắc bệnh lao. Anh ta làm công việc tìm tòi nghiên cứu về tinh thể học rất có giá trị. Bị trả thù lao thấp và công việc đòi hỏi cao nhưng anh ta không chịu bỏ nghề. Cô ấy làm lụng vất vả để lo cho anh ta, chống đỡ cho anh ta dù luôn biết rằng anh ta sẽ chết. Và không một lời than van – không càm ràm về nỗi khó nhọc. Cô ấy luôn nói mình đang hạnh phúc. Sau khi anh ta mất, cô ấy hoàn toàn suy sụp. Sau cùng cô ấy đồng ý lấy tôi. Tôi rất vui được giúp cô ấy một chút yên lòng, một chút hạnh phúc. Tôi muốn nhà tôi nghỉ làm việc. Nhưng cô ấy cảm thấy nhiệm vụ của mình trong thời chiến, do vậy cô ấy cho rằng cần phải tiếp tục làm việc. Cô ấy là một người vợ tuyệt vời – một người vợ tuyệt vời nhất mà đàn ông chưa hề gặp. Chúa ôi, tôi rất hạnh phúc! Tôi làm mọi việc cho cô ấy.”

Taverner biểu lộ sự đồng tình. Sau đấy, một lần nữa, anh lại đề cập đến những câu hỏi thường lệ quen thuộc: “Ông đã nghe cha ông phát bệnh lúc nào?”

“Brenda chạy vội đến báo cho tôi. Cha bị bệnh – bà ta nói – cha bị đột quỵ gì đó.”

“Mới chỉ nửa giờ trước đó tôi còn ngồi với ông già thân yêu. Lúc ấy ông hoàn toàn mạnh khỏe. Khi nghe tin, tôi vội chạy đến. Mặt ông tái xanh, thở hổn hển. Tôi chạy xuống chỗ Philip. Nó gọi điện thoại cho bác sĩ. Tôi – chúng tôi không thể làm gì. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc xảy ra chuyện ông khó ở như vậy. Khó ở? Tôi đã nói khó ở? Chúa ơi, tôi đã dùng từ khó ở!”

Với một chút ngại ngần, chúng tôi đi ra khỏi căn phòng mang không khí đầy xúc cảm của Roger, và thấy mình lại ở ngoài cửa chỗ đầu cầu thang.

“Ái chà!” Taverner nói. “Thật là trái ngược với người em!” Anh nói thêm, không che giấu: “Những căn phòng, những điều kỳ lạ. Chúng cho ta biết rất nhiều điều về những con người đang sống trong đó.”

Tôi đồng ý và anh tiếp tục:

“Những người kết hôn với nhau cũng kỳ lạ luôn, phải thế không?”

Tôi không chắc ý anh ám chỉ Clemency và Roger hay Philip và Magda. Câu nói của anh có thể áp dụng cho cả hai cặp. Với tôi, dường như cả hai cuộc hôn nhân đều được xếp loại có hạnh phúc. Cuộc hôn nhân giữa Clemency và Roger chắc chắn là hạnh phúc.

“Tôi không cho rằng ông ta là kẻ đầu độc, còn anh?” Taverner hỏi. “Không đủ bản lĩnh. Tất nhiên anh không bao giờ hiểu. Bà vợ thì có thể. Loại đàn bà nhẫn tâm. Có thể hơi thần kinh.”

Tôi lại đồng ý. “Nhưng tôi không cho rằng,” tôi nói, “bà ta giết một ai đó chỉ vì bà ta không đồng tình với các mục tiêu và cung cách sống. Có thể, bà ta thực sự ghét ông lão – nhưng có kẻ nào giết người chỉ vì ghét thôi ư?”

“Hiếm lắm,” Taverner thừa nhận. “Chính tôi chưa bao giờ gặp. Thôi, tôi cho rằng tốt hơn giờ ta đi gặp bà Brenda. Biết đâu Chúa giúp chúng ta có được một chứng cớ nào đấy.”