Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 6

Cửa trước đã mở. Tôi và bà Edith đi vào xuyên qua một đại sảnh rất rộng. Nơi này trang trí toàn bằng gỗ sồi đánh rất bóng và bằng đồng thau sáng loáng. Phía sau là một bức tường ghép panen trắng, tường có một cánh cửa hé lộ một cầu thang.

“Trên đó là nơi ở của anh rể tôi,” de Haviland nói. “Dưới nhà là nơi ở của Philip và Magda.”

Tôi và bà Edith đi vào cửa về hướng bên trái và đến một phòng khách rộng. Tường ghép panen màu xanh nhạt, bàn ghế phủ gấm thêu kim tuyến trông nặng nề và các bức tường đều treo ảnh chụp hoặc tranh vẽ các diễn viên, vũ công, các màn trình diễn trên sân khấu và tranh trang trí. Một bức tranh của họa sĩ Degas vẽ các vũ công ballet treo trên bệ lò sưởi. Có rất nhiều hoa, hoa cúc nâu khổng lồ và những bình lớn cắm hoa cẩm chướng.

Bà dì de Haviland nói: “Ta cho rằng cậu muốn gặp Philip?”

Tôi muốn gặp Philip? Tôi chưa có ý đó. Điều mà tôi muốn làm hơn cả là gặp Sophia. Tôi đã làm như thế. Nàng đã mạnh mẽ khuyến khích tôi làm theo kế hoạch của cha tôi – nhưng giờ đây nàng bỏ cuộc, rút lui đâu đó để nói chuyện điện thoại về việc cá tôm, không một lời chỉ dẫn tôi phải làm gì. Tôi tiếp cận với Philip Leonides với danh nghĩa một chàng trai rụt rè hỏi cưới con gái ông ta hay như một người bạn đến thăm mà không thông báo trước (chắc chắn không đúng lúc!) hay là một cộng tác viên của cảnh sát?

Bà dì de Haviland không cho tôi có thời gian suy nghĩ. Thật ra, đó không là câu hỏi mà là quyết đoán. Tôi cho rằng, bà dì de Haviland thiên về quyết đoán hơn là đặt câu hỏi.

“Chúng ta đi vào thư viện.”

Bà lôi tôi ra khỏi phòng khách, đi dọc theo hành lang, và băng qua một cánh cửa khác.

Đó là một căn phòng rộng, đầy sách. Sách không sắp xếp trên cái kệ sách cao đến trần nhà. Chúng nằm trên ghế ngồi, trên bàn và cả trên sàn nhà. Không có cảm giác ngăn nắp.

Căn phòng nghe lạnh lẽo. Có cái mùi mà tôi cho rằng chúng không thể thiếu. Đó là mùi mốc meo của những quyển sách cũ và một ít mùi sáp ong. Trong giây lát tôi nhận thấy tôi đã bỏ qua mùi gì. Mùi thuốc lá. Philip Leonides không phải là người hút thuốc.

Khi tôi và bà dì de Haviland bước vào, ông đứng dậy ngay phía sau bàn – một người đàn ông cao ráo, tuổi độ năm mươi, một người đàn ông rất đỗi đẹp trai. Ai nấy đều nói nhiều về sự xấu xí của ông Aristide Leonides, do vậy tôi cũng đã cho rằng con ông cũng xấu xí như vậy. Tôi không chuẩn bị gặp một con người có vẻ đẹp hoàn hảo như thế – cái mũi thẳng, cái cằm đường nét tuyệt mỹ, mái tóc hơi ngả màu xám chải gọn ra sau để lộ vầng trán khôi ngô.

“Philip, đây là Charles Hayward,” bà dì de Haviland giới thiệu.

“À, cậu có khỏe không?”

Tôi không biết ông có nghe nói về tôi không. Bàn tay ông đưa ra bắt rất lạnh. Mặt ông hoàn toàn không lộ vẻ tò mò. Làm tôi hơi bối rối. Ông đứng đó, kiên trì và lãnh đạm..

“Mấy tên cảnh sát quái đản đó đâu rồi?” bà dì de Haviland hỏi. “Bọn chúng đến đây chưa?”’

“Cháu cho rằng Chánh thanh tra – (ông liếc nhìn tấm danh thiếp để trên bàn) – ờ – Taverner sắp đến trao đổi với cháu.”

“Giờ hắn ở đâu?”

“Cháu không để ý, dì Edith. Có lẽ trên lầu.”

“Cùng với Brenda?”

“Cháu thật sự không biết.”

Nhìn Philip Leonides, tôi có cảm giác dường như không thể có một tên sát nhân nào quanh quẩn ở nơi đây.

“Magda đã về chưa?’

“Cháu không biết. Cô ấy thường không về trước mười một giờ.”

“Nghe như tiếng cô ta,” Edith de Haviland nói.

Giọng nói của bà Philip Leonides cao, rất nhanh và đến rất lẹ. Cánh cửa sau lưng tôi mở ào và một người đàn bà bước vào. Tôi không rõ bằng cách nào bà cho tôi có cảm tưởng là ba người đàn bà bước vào chứ không phải một người.

Bà ta hút thuốc bằng một ống tẩu dài, mặc váy ngủ bằng satin màu hoa đào khá dài khiến bà phải dùng một tay nâng nó lên. Một suối tóc dày thả gợn lăn tăn xuống lưng. Mặt bà gần như để trơn giống như các phụ nữ ngày nay không trang điểm gì cả. Mắt bà xanh và to, bà nói thật nhanh với cái giọng khàn khàn khá quyến rũ và đài từ rất rõ.

“Anh yêu, em không thể chịu nổi – em tuyệt không thể chịu nổi – khi nghĩ đến các thông báo – tuy chưa có công văn, nhưng rồi cũng sẽ có – em tuyệt không thể quyết định được phải mặc gì lúc thẩm vấn – rất, rất khó chịu – không phải màu đen, có thể màu tím sẫm – em chưa có phiếu mua vải đó – em đã làm mất địa chỉ của gã bán vải chó chết đó. Anh biết không, đó là một garage gần đại lộ Shaftesbury – và nếu như em đi xe hơi đến đó, cảnh sát sẽ theo em và có thể hỏi em nhiều câu ngớ ngẩn, phải thế không? Ý em, ta phải nói gì? Sao anh lại im lặng thế, Philip! Sao anh lại có thể quá lặng im? Anh không nhận thấy chúng ta có thể rời căn nhà quái quỷ này ngay bây giờ sao? Tự do – tự do. Ồ, thật là không phải – tội cho lão già thân yêu đó – nếu ông ta còn sống, dĩ nhiên, chúng ta không rời bỏ ông ta. Ông ta rất yêu mến chúng ta, đúng thế không – mặc dù mụ đàn bà trên kia cố gây mọi điều rắc rối giữa ông và chúng ta. Em tin chắc nếu chúng ta sớm ra đi và để ông lão lại cho mụ, thì ông đã cắt hết mọi thứ dành cho chúng ta rồi. Con mụ khủng khiếp! Nói tóm lại, ông lão tội nghiệp đã gần tuổi chín mươi – cả gia đình không thể đứng lên chống lại một con mụ đáng sợ đang ra tay. Philip, anh biết không, em thật sự tin đây là cơ hội tuyệt vời để đóng vai Edith Thompson. Tên sát nhân đã giúp cho chúng ta cơ hội quảng cáo trước. Đạo diễn Bildenstein bảo ông ta có thể cho diễn vở Thespian – một vở bi kịch thơ về những người thợ mỏ không phải sắp diễn ngay thôi – đó là một vai tuyệt vời – tuyệt vời. Em biết họ luôn nói em nên đóng kịch hài vì cái mũi của em – nhưng anh biết đấy, trong vai Edith Thompson có rất nhiều chất hài – em không nghĩ tác giả nhận ra – tính hài luôn nâng cao sự căng thẳng hồi hộp. Em biết em sẽ diễn như thế nào – bình dị, ngờ nghệch cho đến phút chót và rồi…”

Bà dang hai tay ra – điếu thuốc rớt khỏi cái tẩu rơi trên chiếc bàn gỗ gụ đánh bóng của Philip và bắt đầu bốc cháy. Philip thản nhiên nhặt lấy điếu thuốc và ném vào giỏ giấy rác.

“Và sau đó,” bà Magda Leonides thì thào, mắt bà bỗng mở to, mặt bà cứng đơ ra, “đúng là kinh khủng…

Cái sợ rõ ràng hiện lên trên mặt bà khoảng hai mươi giây, sau đó giãn ra, nhăn nhó như một đứa bé hoang mang chực khóc òa.

Rồi bỗng mọi cảm xúc tan biến như bọt biển, sau đó bà quay sang tôi, hỏi tôi bằng giọng công việc:

“Cậu có nghĩ đó là cách thể hiện vai Edith Thompson?”

Tôi đáp tôi cho rằng chính xác đó là cách diễn vai Edith Thompson. Vào lúc ấy tôi chỉ mơ hồ nhớ Edith Thompson là ai, nhưng tôi ngại khởi đầu với mẹ của Sophia không tốt. “Khá giống mụ Brenda, phải không?” bà Magda lại hỏi. “Cậu biết không, tôi chưa bao giờ nghĩ ra. Rất thú vị. Tôi có nên chỉ ra điều đó với ông thanh tra không?” Người đàn ông ngồi sau bàn hơi cau mày.

“Thật sự là không cần đâu, Magda,” ông nói, “em không cần phải gặp ông ta. Anh có thể nói cho ông ta biết mọi điều ông ta muốn biết.”

“Không gặp ông ta à?” Bà lên giọng. “Nhưng em phải gặp ông ta chứ! Anh yêu, anh quả thật là người thiếu óc tưởng tượng kinh khủng. Anh không ý thức tầm quan trọng của các chi tiết. Ông ta muốn biết chính xác bằng cách nào và khi nào mọi sự xảy ra, tất cả các chi tiết nhỏ mà người ta ghi nhận và thắc mắc vào thời điểm đó…”

“Mẹ,” Sophia kêu lên, nàng đi qua cánh cửa đã mở, “mẹ đừng nói với ngài thanh tra những điều dối trá.”

“Sophia – con thân yêu…

“Con biết, mẹ ơi, mẹ đã sắp đặt sẵn mọi thứ và sẵn sàng biểu diễn một màn rất tuyệt vời. Nhưng mẹ làm vậy không được đâu. Hoàn toàn không đúng.”

“Vô lý. Con không biết…”

“Con biết chứ. Mẹ phải diễn khác hẳn. Vẻ chịu đựng – nói rất ít – giấu kín mọi điều – rất cảnh giác – nhằm bảo vệ gia đình.”

Mặt bà Magda Leonides hiện lên vẻ bối rối ngây thơ của một đứa trẻ. Bà nói:

“Con yêu, con nghĩ thế thật à?”

“Vâng, đúng, con nghĩ thế. Thôi bỏ đi. Đó là ý kiến của con.” Sophia nói thêm trong khi một nụ cười hài lòng bắt đầu hiện lên trên gương mặt mẹ cô:

“Con đã làm cho mẹ chút sôcôla. Để trong phòng khách.”

“Ồ – tốt – mẹ đang đói…”

Bà ngừng lại ở lối đi ra cửa.

“Cậu biết không,” bà nói, dường như không biết nói với tôi hay với những kệ sách phía sau tôi, “có con gái yêu thật đấy!”

Nói xong, bà đi ra ngoài.

“Có trời mới biết, cô ta sẽ nói gì với cảnh sát!” bà dì de Haviland nói.

“Mẹ sẽ ổn thôi,” Sophia nói.

“Cô ta có thể nói đủ thứ.

“Bà dì đừng lo,” Sophia khuyên. “Mẹ sẽ diễn theo cách nhà sản xuất bảo. Mà con là nhà sản xuất!”

Nàng đi theo mẹ ra ngoài, sau đó chạy nhanh trở vào:

“Cha ơi, Chánh thanh tra Taverner cần gặp cha. Charles sẽ ở lại đây được không cha?”

Tôi cho rằng gương mặt của ông Philip Leonides mơ hồ hiện lên vẻ bối rối. Có vẻ thế! Nhưng cái tính cách bất cần của ông làm tôi yên lòng. Ông lẩm bẩm:

“Ồ được chứ – được chứ,” bằng giọng khá lơ lãng.

Chánh thanh tra bước vào, dáng vẻ vững vàng tự tin, với cung cách như một doanh nhân nhậm lẹ có phần dễ chịu.

“Phiền một chút vậy,” phong thái của anh dường như nói thế, “rồi chúng tôi sẽ ra khỏi đây không trở lại nữa – và mọi người cũng sẽ hài lòng như tôi. Tôi không muốn làm khó dễ ai, tôi có thể đảm bảo…”

Tôi không biết anh ta xử lý thế nào, không nói một lời, chỉ kéo ghế đến bên bàn, truyền đạt điều anh cần, nhưng hiệu quả. Tôi kín đáo ngồi hơi cách xa anh.

“Nào, ngài chánh thanh tra?” ông Philip mở lời.

Bà dì de Haviland đột ngột chen ngang:

“Ngài thanh tra, ngài có cần tôi không?”

“Không phải ngay lúc này, thưa cô de Haviland. Lát nữa, tôi cần trao đổi đôi lời với cô…”

“Được. Tôi sẽ lên tầng trên.” Bà bước ra, đóng cửa lại.

“Nào, ngài thanh tra?” ông Philip lặp lại.

“Tôi biết ông là một quý ngài rất bận rộn, tôi sẽ không làm phiền ông lâu. Nhưng tôi có thể tâm sự với ông sự nghi ngờ của chúng tôi đã được xác định. Cái chết của cha ông không phải một cái chết bình thường. Đó là một cái chết do dùng quá liều thuốc trị bệnh – thường gọi dưới tên eserine.”

Ông Philip cúi đầu. Ông không bộc lộ một cảm xúc gì cụ thể.

“Tôi không biết điều đó có gợi cho ông chuyện gì không?” Taverner tiếp tục.

“Gợi chuyện gì cơ chứ? Quan điểm của tôi là cha tôi chết do dùng nhầm thuốc.”

“Ông thật sự nghĩ thế à?”

“Vâng, theo tôi điều đó hoàn toàn có thể. Ông cụ tuổi đã gần chín mươi, nên nhớ thị giác của ông rất không ổn định.”

“Do vậy ông ấy đổ thuốc chứa trong chai thuốc nhỏ mắt vào chai đựng insulin. Ông thực sự thấy ý kiến đó đáng tin sao, ông Leonides?”

Philip không trả lời. Gương mặt của ông càng trở nên dửng dưng.

Taverner tiếp tục: “Chúng tôi đã tìm thấy chai thuốc nhỏ mắt, không có dấu vân tay trên đó. Thế mới lạ. Thông thường thì phải có dấu vân tay. Nhất định phải có dấu vân tay của cha ông, của vợ ông ấy, hoặc của người hầu…” Philip Leonides ngẩng đầu lên.

“Người hầu sao?’ ông hỏi. “Johnson à?”

“Ông đang cho rằng Johnson có thể là thủ phạm? Anh ta chắc chắn là có cơ hội. Khi chúng tôi đi tìm động cơ thì thấy không phải thế. Thường cha ông mỗi năm đều thưởng cho anh ta – mỗi năm tiền thưởng lại tăng thêm. Cha ông đã nói rõ cho anh ta biết số tiền anh ta sẽ nhận đã được ghi trong di chúc. Số tiền thưởng, giờ đây, sau bảy năm phục vụ, mỗi năm đã lên đến một con số đáng kể và đang tiếp tục tăng lên. Rõ ràng cha ông càng sống lâu, Johnson càng có lợi. Hơn thế nữa. họ rất ăn ý, thành tích phục vụ của anh ta thời gian qua không có gì phải phàn nàn – Johnson là một người hầu siêng năng và trung thực.” Taverner dừng lời. “Chúng tôi không nghi ngờ Johnson.”

Philip đáp, giọng tẻ nhạt: “Tôi hiểu.”

“Thưa ông Leonides, bây giờ ông có thể cho chúng tôi biết chi tiết hoạt động của ông vào ngày cha ông mất chứ?”

“Được thôi, ngài chánh thanh tra. Tôi đã ở, trong căn phòng này, suốt cả ngày – dĩ nhiên, trừ các bữa ăn.”

“Ông có gặp cha mình không?”

“Như thường lệ, tôi nói với ông chào buổi sáng sau bữa ăn điểm tâm.”

“Sau đó ông có ở lại lâu với ông cụ không?”

“Mẹ… mẹ kế cũng có ở trong phòng.”

“Ông cụ trông như bình thường?”

Philip đáp, giọng hơi giễu cợt:

“Ông cụ tỏ ra không hay biết trước rằng mình sẽ bị giết ngày hôm đó.”

“Nơi ở của cha ông hoàn toàn cách biệt với phòng này?”

“Đúng, muốn đến đó phải đi qua cửa đại sảnh.”

“Cửa đó có khóa không?”

“Không.”

“Không bao giờ khóa?”

“Tôi không hề biết chi về chuyện đó.”

“Mọi người có thể tự do đi từ phòng này qua phòng đó?”

“Chắc thế. Chỉ có từ phòng vệ sinh trong nhà thì không nhìn thấy được phòng đó thôi.”

“Lần đầu tiên ông biết về cái chết của cha là như thế nào?”

“Anh trai tôi, anh Roger, ở cánh trái tầng trên, đã chạy vội xuống và báo cho tôi biết cha chúng tôi bỗng bị tai biến. Ông cụ rất khó thở và dường như rất yếu.”

“Thế ông làm gì?”

“Tôi gọi điện thoại cho bác sĩ, dường như không ai biết phải làm gì. Bác sĩ đi vắng nhưng tôi đã gửi tin nhắn bảo ông đến ngay khi có thể. Sau đó tôi đi lên trên lầu.”

“Và rồi?”

“Rõ là cha tôi rất yếu. Ông mất trước khi bác sĩ tới.”

Giọng nói của Philip không thể hiện một chút cảm xúc nào. Chỉ như kể một sự kiện.

“Những người còn lại trong gia đình ở đâu?”

“Vợ tôi ở London. Cô ấy trở về nhà gần như ngay sau đó. Sophia cũng không có nhà, tôi cho rằng thế. Hai đứa nhỏ nhất, Eustace và Josephine, thì ở nhà.”

“Tôi mong ông không hiểu lầm tôi, thưa ông Leonides, nếu như tôi hỏi ông cái chết của cha ông ảnh hưởng đến vị trí tài chính của ông chính xác như thế nào?”

“Tôi hoàn toàn hiểu ông thanh tra muốn biết mọi sự kiện. Từ rất nhiều năm trước cha đã cho chúng tôi độc lập về tài chính. Ông cho anh tôi nắm cổ phần chủ yếu và là chủ tịch Công ty Cung cấp thực phẩm, công ty lớn nhất của ông, và giao cho anh quyền quản lý hoàn toàn. Ông chuyển giao cho tôi một số tiền mà ông cho là tương đương với anh tôi – hiện nay tôi cho rằng nó độ một trăm năm mươi ngàn bảng Anh bằng trái phiếu và chứng khoán – để tôi có thể chọn sử dụng số vốn đó theo ý tôi muốn. Ông cũng để lại những số tiền đáng kể cho hai chị gái tôi, lúc đó đã qua đời.”

“Nhưng ông ấy vẫn là người rất giàu với số tiền ông để lại cho mình?”

“Không đâu, hiện nay ông chỉ giữ lại cho mình một số tiền tương đối khiêm tốn. Ông nói nó sẽ đem lại cho ông lợi tức đủ sống. Kể từ đó,” – lần đầu tiên đôi môi Philip mỉm nhẹ một nụ cười – “ông ấy trở nên, như kết quả của các vụ làm ăn, một người còn giàu có hơn trước.”

“Anh của ông và ông cùng đến đây sống. Không phải do hậu quả của những khó khăn – về tài chính chứ?”

“Chắc chắn là không. Đó chỉ là vấn đề về sự thuận tiện. Cha tôi luôn bảo chúng tôi ông rất hoan nghênh chúng tôi về ở cùng ông. Vì rất nhiều lý do mang tính gia đình mà tôi thấy nên làm theo ý cha.”

Ông cố ý nói thêm: “Tôi rất yêu mến cha tôi. Tôi đến đây cùng với gia đình vào năm 1937. Không trả tiền thuê nhưng trả tiền thuế theo tỷ lệ.”

“Còn anh của ông?”

“Anh tôi đến đây vì tai họa chiến tranh, nhà anh ấy ở London bị trúng bom năm 1943.”

“Thưa ông Leonides, ông có ý kiến gì về việc phân chia tài sản theo di chúc của cha mình?”

“Rất rõ. Ông cụ làm lại di chúc vào năm 1946. Cha tôi không phải là người thích giấu giếm. Ông rất yêu thương gia đình. Ông đã mở cuộc họp gia đình, luật sư của ông cũng có mặt. Theo yêu cầu của cha tôi, ông luật sư này đã đọc cho chúng tôi nghe nội dung của chúc thư. Nội dung đó, tôi cho rằng ngài thanh tra đã biết. Luật sư Gaitskill chắc đã báo với ngài. Đại khái là, một trăm ngàn bảng không phải chịu thuế được chia cho mẹ kế ngoài khoản tài sản đám cưới vốn đã cực kỳ hào phóng. Tài sản còn lại được chia làm ba phần, một cho tôi, một cho anh tôi, còn phần thứ ba cho ba đứa cháu. Mỗi phần khá lớn nhưng thuế đóng sẽ rất nặng.”

“Không có tiền để lại cho người hầu hay cho từ thiện sao?”

“Không có phần tiền nào để lại. Tiền lương trả cho người hầu đã được tăng hàng năm nếu họ tiếp tục phục vụ.”

“Thưa ông Leonides, xin thứ lỗi cho câu hỏi của tôi, hiện tại ông có đang cần tiền không?”

“Ngài chánh thanh tra, như ngài biết đấy, thuế thu nhập hiện khá nặng – nhưng thu nhập gia tăng của tôi đủ cho nhu cầu của tôi – và cả của vợ tôi. Hơn nữa, cha tôi thường cho chúng tôi rất nhiều quà tặng hào phóng, và nếu có phát sinh chuyện gì khẩn cấp thì ông đến cứu ngay.”

Philip nói thêm một cách lạnh nhạt và rõ ràng:

“Tôi có thể đoan chắc với ngài rằng tôi không vì lý do tài chính mà mong muốn cha tôi chết, ngài thanh tra ạ.”

“Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông Leonides, nếu ông cho rằng tôi đã có ý đó. Nhưng chúng tôi cần phải thu thập mọi sự kiện. Giờ tôi thấy e ngại khi phải hỏi ông vài câu khá tế nhị. Liên quan đến mối quan hệ giữa cha của ông và bà vợ. Họ chung sống có hạnh phúc không?”

“Theo chỗ tôi được biết, rất hạnh phúc.”

“Không cãi cọ?”

“Tôi nghĩ không có chuyện đó.”

“Dù có cách biệt… lớn về tuổi tác?”

“Đúng vậy.”

“Xin lỗi – ông có chấp nhận cuộc hôn nhân thứ hai của cha mình không?”

“Tôi không được hỏi có chấp nhận hay không.”

“Đó không phải là một câu trả lời, ông Leonides ạ.”

“Do ngài nhấn mạnh điểm này, tôi sẽ nói tôi cho rằng đó là một đám cưới thiếu sáng suốt.”

“Ông có can gián cha ông không?”

“Khi tôi biết chuyện thì mọi sự đã rồi.”

“Thế ông có bị sốc không?” Philip không trả lời.

“Ông có cảm giác không hay về chuyện này?”

“Cha tôi hoàn toàn tự do làm điều mà ông thích.”

“Quan hệ giữa gia đình ông và bà Leonides có dễ chịu không?”

“Hoàn toàn dễ chịu.”

“Ông và bà ấy nói chuyện với nhau có thân thiết không?”

“Tôi và bà ấy ít khi gặp nhau.”

Chánh thanh tra Taverner đổi đề tài.

“Ông có thể nói đôi điều về ông Laurence Brown?”

“Tôi e rằng không thể. Ông ta do cha tôi thuê.”

“Nhưng ông ta được thuê để dạy con ông, thưa ông Leonides.”

“Đúng vậy. Con trai tôi lúc nhỏ bị mắc bệnh bại liệt – nhưng may chỉ nhẹ thôi – và được khuyên không nên cho đến học trường công. Cha tôi gợi ý: nó và em gái nó nên có một gia sư – việc chọn lựa vào lúc ấy hơi bị hạn chế – vì gia sư được chọn phải không đủ chuẩn để phục vụ quân đội. Phẩm chất của chàng trai trẻ này đáp ứng, cha tôi và dì tôi (bà là người luôn chăm sóc bọn trẻ) bằng lòng, thế thì tôi đồng ý. Tôi có thể nói thêm là tôi không có gì phải phàn nàn về chuyện dạy dỗ của anh ta, anh ta có lương tâm và xứng đáng.”

“Anh ta sống ở bên phần nhà của cha ông, chứ không phải ở đây?”

“Có một căn phòng ở trên chỗ này.”

“Ông có khi nào nhận thấy – tôi rất lấy làm tiếc khi hỏi câu này – dấu hiệu thân mật nào giữa Laurence Brown với bà mẹ kế của ông?”

“Tôi không có dịp để nhận thấy chuyện gì như thế.”

“Ông có nghe ai xầm xì hoặc nói bóng gió về chuyện này?”

“Tôi chẳng nghe xầm xì hay bóng gió gì cả, thưa ngài thanh tra.”

“Thật đáng khen,” Thanh tra Taverner nói. “Vậy là ông không thấy, không nghe bất cứ chuyện xấu xa nào cả, và cũng không nói bất cứ điều xấu xa nào.”

“Nếu như ngài muốn nói thế, ngài thanh tra.” Thanh tra Taverner đứng dậy. Anh nói: “Thôi được. Cám ơn ông nhiều, ông Leonides.”

Tôi từ tốn bước theo anh ra khỏi phòng.

“Hừm,” Taverner nhận xét, “ông ta là một kẻ máu lạnh.”