NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 29

Docsach24.com

gài Bilder bỏ mặc các quan chức trong Hội đồng Liên hợp ngồi đợi và chỉ xuất hiện khi muộn mất hơn mười phút. Ông ta bước vào phòng họp với một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tái mét. Tất cả mọi người đều đứng dậy chào ông ta như theo nghi thức đối xử với một Đại sứ.

- Ngồi xuống cả đi, thưa các quý ông - ngài Bilder nói - Đây là những thời khắc quan trọng nhất, những thời khắc thực sự quan trọng. Tôi đang nói về bức điện của ngài Sam Sabo về vấn đề Phật giáo cho tất cả những ai chưa được đọc nó.

Ngài Sabo, người đang ngồi ở bên phải ông ta, chẳng thèm nhìn ông ta và cũng không quan tâm gì đến lời tâng bốc vừa rồi của ông ấy.

- Trước khi chúng ta thảo luận về công việc chung, - ông Bilder nói tiếp - tôi có một thông báo nho nhỏ cho các quý vị. Lý do khiến cho tôi đến muộn trong cuộc họp này là vì tôi vừa nói chuyện với ngài Roger Hilsman. Ông ấy vẫn còn ngồi bên bàn làm việc cho tới gần 11 giờ đêm. Washington đang hết sức lo ngại. Họ nghĩ rằng Chính phủ Mỹ đã để mọi việc ở đây vượt ra khỏi tầm kiểm soát và giống như ngài Roger nói, đã đến lúc chúng ta cần phải cương quyết hơn nữa đối với Diệm và Nhu. Bởi vì thế, họ đã bổ nhiệm một Đại sứ mới, một người mà ngài Tổng thống nghĩ rằng có đủ sự tinh thông và nhạy bén trong cuộc chơi này. Ông ấy là một người mà không ai có thể đặt câu hỏi về khả năng của ông ấy. Ông ấy là một người cao cả và đối với tất cả mọi người trong chúng ta thì đây là một vinh dự lớn khi được làm việc và hỗ trợ cho ông ấy. Tôi có kế hoạch sẽ gửi một bức điện cho ông ấy vào chiều hôm nay để thông báo cho ông ấy biết về điều này.

D. Marnin chợt nhớ đến những gì anh đã đọc được từ tập tài liệu PENUMBRA. Cơ quan mật vụ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã từng nghe trộm được cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa phóng viên tờ New York Times thì sẽ chẳng có lý do gì khiến cho họ không nghe được tất cả các cuộc gọi khác từ ngoài vào và từ trong Đại sứ quán ra mà đặc biệt là các cuộc điện thoại gọi ra nước ngoài như vậy. Việc Washington nghĩ rằng Chính phủ Sài Gòn đang ở trong tình trạng không kiểm soát được và cần phải có các biện pháp kiên quyết hơn nữa chỉ là một vấn đề, nhưng dù muốn hay không thì việc thông báo một thông tin liên quan đến một quyết định quan trọng với Chính phủ Ngô Đình Diệm như vậy qua điện thoại quả là không thông minh và nhất định sẽ chẳng hay ho chút nào vào thời điểm này.

- Ông có thể cho chúng tôi biết người đó là ai không? - ngài Sam Sabo hỏi.

Ngài Bilder bỗng nhiên trở nên e lệ như một cô gái mới lớn đang lóng ngóng trong những bước nhảy đầu tiên của mình.

- Đây là lần đầu tiên tôi không thể thoái thác cương vị là người tiết lộ cho tất cả mọi người biết một chút bí mật. Và cũng vì ngài Roger đã nói cho tôi biết điều đó ngay trên mạng điện thoại quốc tế, tôi có cảm giác là các ngài sẽ chẳng thể là những người đầu tiên biết điều đó. Và cũng không phải tất cả mọi người trong chúng ta có thể đoán chính xác người đó sẽ là ai.

Ông ta ngập ngừng trong giây lát và cười khùng khục rồi nói tiếp:

- Người Đại sứ mới của chúng ta chính là ngài Bascombe Sedgewich!

Mọi người trong phòng đều ồ lên một tiếng sửng sốt khi câu nói đó của ngài Bilder vừa vang đến bên tai họ. Sedgewich, một chính trị gia thuộc lớp Boston Brahmin quý tộc, trụ cột quan trọng của Đảng Cộng hòa, cựu Đại sứ Mỹ ở Pháp và ở Tây Đức, cựu Thượng nghị sĩ và Thống đốc bang Massachusetts, một đối thủ chính trị từ nhiều năm nay của phe cánh Kennedy. Chính vì lẽ đó, tin ông ta được đề cử vào cương vị Đại sứ quan trọng nhất của Tổng thống Kennedy vào lúc này tất nhiên sẽ không thể tránh được việc gây ra sự kinh ngạc đến vậy - đặc biệt là ở nước Mỹ nơi mà bao nhiêu sóng gió trên chính trường cũng đã khiến cho các bí mật được cho là tế nhị nhất như thế để trở thành một đề tài gây sốc đột ngột. Tất cả mọi người đều đã từng nghĩ rằng ngài Corning sẽ tiếp tục giữ cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa. Và trong suốt thời gian qua chính ông Corning cũng vẫn tin là như thế.

Nếu như Washington vẫn tỏ ra hài lòng khi toàn bộ hệ thống vận hành một cách trơn tru thì việc đột ngột bổ nhiệm một nhân vật nào đó vào một vị trí mới luôn được giới truyền thông chào đón với sự ngạc nhiên và trường hợp ở đây cũng không hẳn là một ngoại lệ, thế nhưng lần này giới truyền thông không chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên mà còn có cả sự tán đồng nữa. Nước Mỹ đang gửi một trong những người quan liêu nhất của họ tới đây để đối phó với một rắc rối nghiêm trọng của mình. Và Sedgewick là một chính trị gia có đầu óc cực kỳ thực tế vẫn luôn nổi tiếng vì sự cứng nhắc trong quyết định và thực dụng trong áp dụng chính sách - khi làm Đại sứ của Tổng thống Eisenhower ở Pháp, ông ta đã thể hiện được tất cả tài năng của mình trong việc xử lý sự cố với tướng De Gaulle. Trong bài bình luận trên tờ Times, phóng viên Authur Krock viết rằng: “Đã đến lúc phải nói ra những gì giống như nó đáng phải thế đối với Ngô Đình Diệm, và sẽ chẳng có người nào tốt hơn để đảm nhận cương vị đó như là một trong những nhà quý tộc thực thụ trong chính trường nước Mỹ, ngài Bascombe Sedgewick”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước mắt vào lúc này chính là vì giữ bí mật mà chẳng một ai biết là làm thế nào mà việc đề cử người Đại sứ mới này đã được Chính phủ Mỹ chấp nhận. Bởi lẽ toàn bộ việc này đều được đích danh Tổng thống Kennedy và Văn phòng Phủ Tổng thống lựa chọn chứ không tuân thủ theo các nguyên tắc bổ nhiệm có từ trước đó. Kết quả là một quyết định chưa từng được công khai chấp nhận ở Washington thì đã được chuyển tới cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa để họ buộc lòng phải đồng ý với nó một cách vô điều kiện. Chẳng còn gì có thể tồi tệ hơn thế - bởi lẽ hành động này rõ ràng là vi phạm một cách trắng trợn các nguyên tắc quan hệ ngoại giao đối với bất cứ một quốc gia nào biết tôn trọng mối quan hệ với các nước khác và có sự tinh tế nhất định trong các vấn đề quan hệ quốc tế. Và điều đó chẳng khác nào một hành động khiến cho anh em nhà Ngô Đình Diệm có lý do nhất định để phản đối lại nó, cho dù họ có mất hết tinh thần đi nữa bởi vì đây chính là một bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ coi Việt Nam Cộng hòa chẳng hơn gì một thuộc địa hạng hai của mình.

Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên với bất cứ ai hiểu rõ về tình hình chính trị ở Sài Gòn khi việc đề cử ngài Sedgewich đã được báo chí địa phương đón nhận bằng sự phẫn nộ đến vậy. Trên tất cả các tờ báo số ra trong những ngày tiếp theo, có rất nhiều các bài bình luận dài lê thê tán dương ngài Corning lên đến tận mây xanh, hối tiếc vì sự thuyên chuyển không hề mong muốn của ông ấy. Họ còn cho rằng chính ông Corning là vị Đại sứ Mỹ duy nhất được bổ nhiệm đến Sài Gòn và đã nỗ lực không ngừng để hiểu được quan điểm của người Việt, hiểu được thực trạng của chính trường Sài Gòn và thúc đẩy quan hệ giữa hai bên theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Ngược lại với nó, các báo chí địa phương còn quay sang công kích trực tiếp vào ngài Sedgewick ngay cả khi ông này chưa đặt chân đến phòng làm việc mới của mình. Họ ra sức bới móc ra đủ mọi giai thoại mà ông ta có dính dáng hay thậm chí chưa hề liên quan tới trong thời gian ở Massachusettes cho tất cả độc giả người Việt. Thái độ của rất nhiều người Việt Nam đối với vị Đại sứ mới xem ra đã chịu tác động không nhỏ từ những bài báo như vậy của Ngô Đình Nhu. Khi được hỏi là ông ta đã nghĩ thế nào về quyết định bổ nhiệm người Đại sứ mới của Hoa Kỳ, em trai Tổng thống đương nhiệm, Cố vấn cao cấp của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Nhu đã chẳng ngại ngùng gì mà nói luôn: “Đại sứ ư? Các anh nhầm hết rồi. Người Mỹ không gửi tới đất nước chúng tôi một vị Đại sứ đâu. Họ chỉ đang điều tới đây một viên Toàn quyền mới mà thôi”.

Mấy vị khách của D. Marnin luôn ủng hộ phong trào Phật giáo tỏ ra rất phấn khích với thông tin mới này. Họ chẳng nghi ngờ gì mà tin rằng họ chính là nguyên nhân cơ bản khiến cho ngài Corning phải ra đi. Thế nhưng điều quan trọng hơn là họ tin rằng những hành động của họ đã thật sự khiến cho Washington phải thay đổi chính sách đối ngoại của mình - ít nhất đấy là một trong hai giả thiết mà không ai có thể phủ nhận được.

Trong khi đó, vợ của ông Nhu, Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân lại quá thông minh đến nỗi đổ thêm dầu vào ngọn lửa bằng những lời nói vớ vẩn không đúng lúc. Đó là khi Trần Lệ Xuân đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng là bà ta cho rằng mọi người không nên để ý đến hành động rồ dại tự nướng thịt mình của một ông sư già - tuyên bố này ngay sau đó đã được cánh phóng viên chộp ngay lấy và cho đăng tải trên khắp các tờ báo trên thế giới, cụm từ “nướng thịt sư” [18] từ đó được người ta sử dụng như một hài âm trên báo giới quốc tế. Trong suốt một thập kỷ diễn ra chiến tranh ở Việt Nam, chưa có một thông cáo nào lại được xem là cẩu thả và ngu ngốc hơn tuyên bố này của Trần Lệ Xuân. Chính điều đó đã khiến cho Mandelbrot và các cộng sự trong cánh báo chí người Mỹ ở Sài Gòn càng chắc chắn là họ cần phải tiếp tục xu hướng đánh giá trên công luận để lật đổ chính quyền Diệm. Giống như bao nhiêu lần khác, Mandelbrot chẳng bao giờ có ý định giấu giếm những ý tưởng của mình.

- Đó mới là một người bị hạ bệ - anh ta nói vói D. Marnin khi họ vừa chơi xong mấy xéc quần vợt - và còn ba người nữa cũng sẽ phải ra đi như thế.

- Ba người sao?

- Đúng vậy đấy. Tướng Donnelly, Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Còn với tôi, tôi sẽ quẳng luôn cả Trần Lệ Xuân đi nữa.

- Anh có nhận được tí khen thưởng nào từ việc đó không?

- Không, không, chẳng cần khen thưởng gì hết.

Trong cả giới báo chí cũng như trong giới ngoại giao, cái giả thiết cho rằng, ngài Corning bị hạ bệ chỉ vì ông ấy có mối quan hệ quá gần gũi với Ngô Đình Diệm đã đẩy ông vào tình hình rất khó khăn khi ông ấy nhận lệnh của Tổng thống Kennedy và Ngoại trưởng Russk quay lại Sài Gòn vào tháng Bảy để một lần cuối cùng thuyết phục ông Diệm đưa Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Cho dù ông Corning có nghĩ về điều đó như thế nào và những người quan tâm đến tình hình chính trị và ngoại giao có nghi ngờ hay đoán già đoán non như thế nào đi nữa, ông ấy vẫn đang cố gắng hết sức để dựng nên một cây cầu bắc qua hố sâu ngăn cách giữa anh em Ngô Đình Diệm và người kế nhiệm của mình. Trong tất cả các cuộc nói chuyện qua điện thoại với cả Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cũng như trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác trong Chính phủ hay trong tất cả các tuyên bố chính thức trên báo chí - kể cả trong các bài báo của Willis Mandelbrot, ông Corning vẫn liên tục nhắc đi nhắc lại rằng ông ta luôn ủng hộ ngài Sedgewick và rằng phải nhìn nhận vấn đề này một cách xa hơn nữa thì mới thấy được việc bổ nhiệm mới này sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ông ta nói rằng, Ngô Đình Diệm cần phải có được sự giúp đỡ của Mỹ. Và cách tốt nhất để nhận được sự giúp đỡ ấy là phải có một phái viên người Mỹ ở Việt Nam, một người có uy tín cũng như kinh nghiệm chính trị cần thiết tại Washington, để bảo đảm rằng những nhu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Thực tế thì ngài Sedgewick vốn là một người rất nổi tiếng trong Đảng Cộng hòa và điều đó đã tạo cho ông ta rất nhiều ảnh hưởng về mặt chính trị.

Để gạt đi tất cả mối hoài nghi từ các nhà lãnh đạo người bản địa, ông Corning đã đem theo một bức điện của Ngoại trưởng Rusk tới gặp ông Diệm và thuyết phục ông này rằng sự ra đi của ông ấy không phải là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Mỹ không còn tín nhiệm với Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa nữa. Ngô Đình Diệm đọc bức điện này xong liền đưa trả nó cho ngài Corning và nói:

- Ông bạn của tôi ạ. Tôi luôn tin tưởng vào ông và tất cả những gì ông nói với tôi. Nhưng tôi không thể tin vào bức điện này được.

Ngài Corning quyết định thực hiện một chuyến đi với tư cách cá nhân tới chào từ biệt tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam Cộng hòa ở những vùng xa sôi nhất trên một chuyến chuyên cơ C-47 dành cho phái viên cao cấp. (Chỉ mất hơn hai tiếng sau, máy bay đã đưa ông ta đến thành phố xa Sài Gòn nhất về hướng Bắc đó là thành phố Huế) và trong tất cả chuyến kinh lý ấy, ông Corning vẫn để cho D. Marnin đi cùng giống như khi chưa có quyết định hạ chức của ông ấy. Tất cả các quan chức khác của Việt Nam cộng hòa mà ông ta tới gặp đều cảm thấy rất lạc quan về sự thay đổi từ phía Mỹ. Ông ta đã nói với họ rằng tất cả những con số thống kê đều cho thấy những vụ tấn công của VC đang giảm đi đáng kể, Chương trình lập ấp chiến lược là một bằng chứng không thể bác bỏ rằng cuộc chiến tranh này đang đi đúng hướng của nó cho dù có một số rắc rối về mặt chính trị đang diễn ra tại đây. Trên tất cả các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ hay cuộc sống riêng tư của mình, ông ta đều cố gắng để mọi người hiểu rằng ông ta không hề che dấu họ một điều gì hết kể cả với người phụ tá của mình. Thế nhưng, chỉ đến khi màn đêm buông xuống, D. Marnin phải ngồi cặm cụi viết lại những biên bản hay những bức điện về hoạt động chia tay của Đại sứ Corning thì anh không thể tự lừa dối bản thân mình rằng, tất cả điều đó chỉ là một cái luật của cuộc đời một nhà ngoại giao bắt buộc ông ta phải làm mà thôi. Ông ta vẫn còn là Đại sứ Hoa Kỳ tại đây cho tới khi người kế nhiệm ông ấy tới trình Quốc thư lên Ngô Đình Diệm thì vai trò chính trị của ông tại đây mới kết thúc. Lẽ dĩ nhiên ông ta chẳng phải là một kẻ khờ khạo. Ông ta biết rằng tất cả nỗ lực của mình rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu hết. Để cố gắng giả vờ trong tình cảnh như vậy thật không đơn giản chút nào.

Bởi vì chuyến bay đưa ông ta về nước cất cánh vào ban đêm cho nên ông Corning đã chỉ thị rằng không cần ai ngoài ngài Bilder, ngài Sabo và D. Marnin phải tiễn ông ta tới tận sân bay. Chiều hôm đó, ông ta đã đến chia tay với Ngô Đình Diệm lần cuối cùng tại dinh Gia Long. Ông Corning đã yêu cầu không phải ghi thành biên bản. Ông ta nói, đó hoàn toàn chỉ là những chuyện mang tính cá nhân. Đại sứ Mỹ và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã ngồi lại với nhau rất lâu, khi ra về ông Corning mang theo một chiếc hộp sơn mài màu đen mà sau này D. Marnin đã cho vào trong chiếc túi chuyển đồ ngoại giao giúp ông ấy. Trên chiếc hộp đó là một mảnh đồng có khắc dòng chữ:

Từ người bạn Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa

Gửi tới ngài Gustavus Harrison Corning JJJ

Trong suốt cuộc đời của mình, tôi chưa từng được gặp một người nào mà tôi đã trân trọng đến như vậy, một người mà tôi luôn phải lắng nghe một cách cẩn thận hơn bất kỳ ai hay một người đã khiến cho tôi phải kính trọng với tất cả tấm long chân thành nhất.

Sài Gòn, 07 tháng 8 năm 1963.

Thư ký Dã là người Việt Nam thứ hai có mặt tại sân bay để chia tay ông Corning thay mặt cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa còn người kia là ông Luyện, trưởng ban hành chính và lễ tân. Ông Bilder sẽ nắm giữ cương vị Đại diện lâm thời cho tới khi ngài Sedgewick đặt chân đến Sài Gòn cũng có mặt ở sân bay nhưng với một tâm trạng không thoải mái chút nào giống như những người khác là ông Sam, bà Grace Sabo và cả tướng Donnelly nữa.

- Đây là lần đầu tiên trong suốt sự nghiệp của mình, tôi không chấp hành mệnh lệnh - tướng Donnelly nói - thế nhưng tôi sẽ còn khổ sở hơn nữa nếu như tôi để cho ông ra đi mà không tới đây với ông được.

Bà Patty Lou, với đôi mắt ngấn lệ ngay từ lúc D. Marnin và người lái xe tới đón hai vợ chồng họ từ khu cư xá bắt đầu nói oang oang, bà ấy đã uống rất nhiều rượu và không còn tỉnh táo mấy.

- Ông thật tử tế quá, ông bạn Blix ạ - bà ta nói với tướng Donnelly. Và quay sang phía ngài Sabo nói tiếp - anh cũng là người tuyệt vời lắm đấy Sam ạ. Tất cả các bạn đều rất tuyệt vời, rất tuyệt vời..

Bà ta đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt rồi khi gặp ánh mắt của ông Bilder, ánh mắt bà ta như muốn sôi lên và tát thẳng vào ông này một cách nóng nảy. Bà ta đã không thèm nói chuyện với ông này kể từ khi hai vợ chồng bà ta trở về từ chuyến đi nghỉ tới Hy Lạp. Chắc hẳn phải có ai đó đã kể với bà ta về nỗi vui mừng khác thường của ông Bilder tại cuộc họp ở Văn phòng Đại sứ khi ông ta thông báo quyết định thay thế chồng bà ấy ngay cả khi nó còn chưa rõ ràng. Hoặc là bà ta đã quá bất ngờ với thực tế là lần đầu tiên ông Corning nghe thấy quyết định bãi chức mình ở Sài Gòn khi hai người đang nghỉ ở đảo Crete qua kênh sóng ngắn của đài BBC chứ không phải theo đường công văn chính thống. Hai vợ chồng ông Sabo đã mang theo ba chai rượu Dom Perignon nhưng chẳng người nào có mặt ở đấy cảm thấy nó thích hợp với buổi chia tay như thế này nên sau cùng họ cũng chỉ cố gắng mở ra một chai mà vẫn không uống hết. Họ đứng bên nhau thành một nhóm buồn rười rượi. Tất cả bọn họ đều hiểu rằng Chính phủ Mỹ đang tiến tới một giai đoạn khó khăn nhất trong quan hệ với Sài Gòn bởi vì những nỗ lực thông minh tuyệt vời của ngài Corning đã có thể hữu ích đặc biệt giữa hai Chính phủ sẽ không còn nữa. Giữa hai bên sẽ không còn những cuộc tiếp xúc cỡ nhỏ về những vấn đề mà họ cùng quan tâm nữa. Một nhân viên lễ tân của sân bay đã tới nói nhỏ với ông Luyện biết rằng đại diện hãng hàng không Pan Am muốn mời Đại sứ Corning và phu nhân là những vị khách đầu tiên bước chân lên chuyến bay này. Đã đến lúc phải bắt tay nhau lần cuối cùng với mọi người, bà Pattie Lou tiến tới ôm chặt lấy phu nhân Grace Sabo và sau đó bước thẳng qua mặt ngài Bilder đang đứng chết lặng đấy mà bắt tay những người còn lại.

Quãng đường đi tới máy bay chỉ dài gần năm mươi mét. Phóng viên Willis Mandelbrot và anh chàng Klaus Buechener với ba cái máy ảnh Nikon lòng thòng trước ngực đã đứng luôn trên đường băng để đợi hai vợ chồng ông Đại sứ. Mandelbrot phân bua họ là đại diện cho cánh báo chí tới lấy tin còn anh chàng Buechner cứ liên tục chụp hết bức ảnh này đến bức ảnh khác. Pattie Lou rất ghét Mandelbrot và bà ta đã nhiều lần nghe chồng mình nói rằng Billy và các đồng nghiệp trẻ tuổi của anh ta trong nhóm phóng viên ở Sài Gòn chính là những người phải chịu trách nhiệm về việc bãi chức ông ấy cũng như bôi nhọ thanh danh của ông ấy ở Washington. Bà ta nghĩ rằng Mandelbrot không chỉ đẩy sự nghiệp của ông Corning đến chỗ không thể cứu vãn được mà còn làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của bà và con gái bà. Bà ấy đã chờ đợi rất lâu để nói cho anh này biết là bà ta đã nghĩ về anh ta những gì - và rằng anh ta còn lâu mới là một quý ông thực thụ và anh ta chỉ là một kẻ phá hoại uy tín của tờ New York Times cũng như sự nghiệp của ngành làm báo. Và đây là cơ hội tốt nhất để bà ấy nói được ra tất cả những gì mà bà ấy đang để trong long.

- Ông Đại sứ - Mandelbrot nói - trước khi ra đi ông còn những lời cuối cùng nào thật khôn ngoan muốn gửi tới cho các độc giả của báo New York Times không? Tôi biết là chắc chắn Ngô Đình Diệm sẽ rất nhớ đến ông.

Hai người gầm gừ nhìn nhau. Mandelbrot trông rất ngạo mạn và khinh đời như thể muốn gây sự ngay lập tức. Điều này đã khiến cho ngài Corning nổi giận thật sự. D. Marnin chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy tức giận đến như vậy. Kể cả bao nhiêu sự việc không hay đã xảy ra trong suốt hai tuần qua nữa, ông ấy vẫn luôn giữ được bình tĩnh một cách đáng kinh ngạc. Thế nhưng Pattie Lou bỗng nhiên nhảy vào giữa hai người và nói:

- Này chàng trai, tôi có vài lời muốn nói với anh đây này.

Ông Corning vội vã bước tới chắn ngay trước mặt bà vợ để cho bà ta không thể nhìn thấy Mandelbrot được nữa. Một thoáng im lặng xuất hiện giữa ba người và rồi ông Đại sứ cũng trả lời:

- Tôi cũng có một vài điều muốn nói. Có rất nhiều điều trên thế giới sẽ lệ thuộc vào tất cả những gì mà nước Mỹ có thể hoàn tất ở đất nước này. Chính vì lẽ đó, tôi luôn tin tưởng rằng những sự kiện đó sẽ kéo theo những tác động nhất định ở những nơi xa xôi khác từ Châu Á cho đến tận Châu u. Tại nơi này, chúng ta đang có những mục đích hết sức cao cả. Thế nhưng những mục đích đó không thể thực hiện được trừ khi chúng ta thực hiện các chương trình của mình trong điều kiện có sự hợp tác một cách toàn diện từ những người bạn, người đồng minh Việt Nam. Là một Đại sứ tôi đã luôn tuân thủ cái nguyên tắc ấy giống như tất cả các thành viên khác trong nhóm Hợp tác quốc gia. Tôi cũng đã có mấy cuộc nói chuyện qua điện thoại với Đại sứ mới được bổ nhiệm, ngài Sedgewick và tôi cũng hoàn toàn tin tưởng là ông ấy sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này. Còn bây giờ tôi muốn gửi lời chào tạm biệt tới tất cả các bạn.

Nói xong, ông ấy nắm chặt lấy khủy tay phải của vợ kéo bà ấy đi về phía máy bay và giúp bà ta bước lên từng bậc thang một. Lên đến đỉnh cầu thang, cả hai người cùng quay lại vẫy tay chào tạm biệt. Bà Lou bỗng òa khóc nức nở và cả ông ấy cũng vậy.

[17] Ở đây, Ngô Đình Diệm ám chỉ chuyện tình cảm giữa D. Marnin và Lily.

[18] Nguyên bản tiếng Anh "barbecued bonze”