NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 27

Docsach24.com

rong hồ sơ về D. Marnin có mấy tập được kẹp rất cẩn thận ở cả bên phải và bên trái bằng hai chiếc kẹp giấy to bản bằng thép trắng. Nó giống hệt như tập hồ sơ mà tay Franco đã mang theo với một nụ cười mãn nguyện đến phòng làm việc của anh gần hai tháng trước, chỉ có điều bây giờ nó đã dày hơn rất nhiều. Ở phía bên phải của tập trên cùng là bản báo cáo của Franco với kết luận chắc như đinh đóng cột rằng chính D. Marnin là người phải chịu trách nhiệm về việc để lọt bản báo cáo của Mecklin ra ngoài. Bên dưới bản báo cáo của Franco là những bản khai có tuyên thệ của tất cả những người trong Cơ quan ngoại giao đoàn tại Sài Gòn, đã có cơ hội tiếp xúc với tập tài liệu bị lộ của Mecklin cũng như biên bản các cuộc thẩm tra do Cơ quan an ninh nội bộ của Bộ Ngoại giao thực hiện đối với những người không có mặt tại Việt Nam nhưng cũng đã liên quan đến tập tài liệu đó. Trong tất cả số người bị hỏi đó kể cả những người phụ trách công tác văn thư thông thường, ai cũng phủ nhận việc mình đã đưa tập tài liệu đó cho Mandelbrot hay bất cứ một ai không có trách nhiệm tiếp xúc với loại tài liệu tuyệt mật ấy.

Ngay phía dưới các biên bản lời khai đó là một loạt các bản tổng kết kết quả điều tra của Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Hải quân Mỹ (NIS). (D. Marnin không thể hiểu là tại sao Cơ quan điều tra của Hải quân Mỹ lại tham gia vào công việc ở đây) Trong các biên bản này, người ta đã tiến hành thẩm vấn một số người mà Franco đã cho rằng họ có liên quan đến vụ việc trên nhưng họ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong tập tài liệu của NIS có cả biên bản thẩm vấn Đại tá John Henry Mudd. Cuộc thẩm vấn được tiến hành tại phòng “kín” tại căn cứ Fort McNair ở Đông Nam Washington, nơi mà anh chàng Mudd đã từng là một học viên Trường Sỹ quan Tham mưu của Quân đội Mỹ.

D. Marnin cảm thấy rất mãn nguyện vì Mudd đã cương quyết khẳng định với NIS rằng anh ta chẳng biết tí gì về bản báo cáo của Mecklin và anh ta cũng chẳng có lấy một cơ hội nào để chuyển một tài liệu mật cho bất cứ một ai. Trong biên bản ghi lời khai đó, thanh tra hình sự của NIS đã kết luận như thế này: “Đối tượng đã sử dụng những ngôn từ rất tục tĩu và bất lịch sự để cam đoan rằng không hề biết một tý gì về tài liệu mật nào hết”

Chính vì lẽ đó, biên bản điều tra này đã được đặt ngay phía dưới tờ tự khai của chính anh chàng Mudd và đặt đối diện với lời buộc tội của Franco được đặt ở phía bên phải của tập hồ sơ. Tất cả tập hồ sơ này lại được đặt lên trên một tập hồ sơ nữa được bọc rất gọn trong một chiếc túi hồ sơ màu trắng phía trên có mấy chữ “TUYỆT MẬT” rất to màu đỏ, in thành hàng chéo nhau ở mặt trước. Ở góc bên phải phía dưới có dán một chiếc tem bảo mật màu tím trên đó ghi rõ: “Trong tập tài liệu này, có kèm theo cả các tài liệu của PENUMBRA. Tất cả những ai không biết gì về PENUMBRA sẽ không được phép đụng vào tài liệu này”. Trong túi hồ sơ này là một tờ giấy trắng được để cho tất cả những ai muốn xem tập tài liệu đặc biệt trên đểu phải đăng ký tên tuổi, chức vụ, lý do và đặc biệt là ngày giờ mở tập tài liệu đó ra xem cũng như chữ ký của người đọc tài liệu đó. Nhờ đọc tờ giấy trên mà D. Marnin biết được rằng dường như túi hồ sơ tuyệt mật này mới chỉ có hai người được đụng vào đó là Đại sứ Corning và ngài Markoff, Trưởng lưới điệp viên CIA tại Sài Gòn.

Cái gọi là tài liệu PENUMBRA hóa ra lại là một loạt các văn bản chép ra từ các cuộn băng ghi âm những cuộc trao đổi trên điện thoại. Cũng không thể xác định chính xác được danh tính của những ai đang nói chuyện trong cuộc điện đàm này bởi vì tên của họ đều đã được các điệp viên CIA sử dụng bằng một mã số riêng. Có không dưới hai mươi văn bản loại này trong sô đó có quá nửa các cuộc điện đàm giữa nhân vật “Athos”, một phóng viên người Mỹ và “Porthos”, một nhân viên phụ trách mảng Việt ngữ của Đại sứ quán, người này D. Marnin đoán là anh chàng Chick Rizzo. Một văn bản quan trọng nhất trong số này, tờ biên bản cuối cùng trong cả tập hồ sơ được ghi lại toàn bộ cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa hai đối tượng trên vào ngày 25 tháng 4, chỉ một ngày sau khi D. Marnin lên đường tới Huế. Người nhân viên của Đại sứ quán đã trao đổi với người phóng viên như sau:

ATHOS: A lô

PORTHS: Anh đấy à [Athos]? Tôi [Porthos] đây.

ATHOS: Khỏe không ông bạn?

PORTHS: Tôi không phải là bạn của anh đâu, đồ cặn bã. Tôi đã nghe tin ấy rồi. Anh đã làm thế quái nào vậy hả?

ATHOS: Anh đang nói về cái gì thế nhỉ?

PORTHS: Anh biết mười mươi là tôi đang nói về cái gì nữa lại còn phải giả vờ. Khi tôi đưa thứ của nợ đó cho anh chúng ta đã chẳng thống nhất với nhau là anh chỉ được sử dụng chúng vào mục đích của anh thôi, nhưng anh có giữ nó cho mỗi mình anh đâu. (cả câu sau này đã được gạch đít rất đậm bằng mực màu tím mà ông Corning vẫn hay dùng) Nó đâu phải là thứ mà anh có thể chuyển cho tất cả đám phóng viên báo chí ở Sài Gòn xem hay là mang nó ra giữa nhà hàng mà khoe khoang ầm ĩ với các nhân viên Đại sứ quán khác chứ. Mà vì Chúa đấy lại là phụ tá của chính ông Đại sứ mới chết chứ.

ATHOS: Tôi nghĩ là lúc đó tôi có hơi quá chén. Tất cả chúng ta ai mà chẳng rơi vào trạng thái như thế mỗi buổi chiều có phải không nào? Tôi thành thực xin lỗi anh. Tôi thừa nhận là điều đó chẳng hay ho chút gì.

PORTHS: Nó còn đáng tiếc hơn thế ấy chứ. Anh đã khiến cho cái anh chàng tội nghiệp ấy phải trả giá. Còn tôi thì thấy không yên tâm chút nào cả. Họ đã ném thẳng anh ta lên thành phố Huế trong tình trạng bị thất sủng. (Câu này lại bị gạch chân rất đậm bằng mực màu tím và bị đánh dấu bằng ba nét sổ bằng mực màu đỏ ở ngoài lề) Và tất cả đều do anh không thể kiểm soát được cái mồm mình mà ra.

ATHOS: Tôi nói thật chứ tôi cũng ân hận lắm. Nhưng tôi chẳng có cách nào để sửa được nó vào lúc này. Anh ta cũng là một người bạn của tôi, một người bạn rất tốt đấy chứ.

PORTHS: Với những người bạn tốt như anh ấy ư? Bạn tốt mà như vậy thì có ai còn cần đến kẻ địch làm gì chứ?

ATHOS: Tôi biết, anh sẽ nguyền rủa tôi như vậy và tôi cũng xứng đáng bị như thế, nhưng...

D. Marnin không muốn đọc nốt tập văn bản này nữa.

Anh gập gọn tập hồ sơ lại và đặt nó vào đúng chỗ cũ ở góc trong của ngăn tủ trên cùng trong chiếc két bảo mật của ông Đại sứ. Anh tự hỏi mình không hiểu liệu ông Corning có cố tình để cho anh có cơ hội được đọc nó hay không. Thực tế là lúc nào cũng có đủ bằng chứng là ông ấy đã hoàn toàn không chủ định, nhưng với tất cả tình cảm mà ông ấy dành cho anh thì anh luôn tin rằng ông ấy biết rằng ông ấy đang làm gì. Trong thời kỳ trước khi xảy ra vụ Watergate ấy, vói cương vị là một Đại sứ Mỹ nhưng lại dính dáng vào việc đặt máy nghe trộm một phóng viên tờ New York Times thì chắc chắn ông sẽ không tránh khỏi một vụ trọng án rất phức tạp.