Nói về trại giam La Conciergerie.
Tôi đã chuyển về đây như đã ghi trong biên bản.
Chuyến đi đáng được kể lại.
Đúng bảy giờ rưỡi, viên chấp pháp đã đến bậu cửa xà lim. Hắn nói với tôi:
– Thưa ông, tôi đến đón ông.
Than ôi! Không phải chỉ có tiếng hắn mà còn nhiều người khác nữa.
Tôi đứng dậy bước lên một bước, tôi tưởng như không thể bước thêm bước nữa. Đầu tôi bỗng nặng trĩu, chân như khuỵu xuống không nhấc lên được. Nhưng tôi đã lấy lại bình tĩnh và tiếp tục bước đi khá vững. Trước khi ra khỏi trại giam tôi nhìn lại lần cuối. Tôi yêu mến cái xà lim nhỏ bé này. Thế mà sau đây tôi để nó trống trơn, cửa mở toang, điều đó khiến xà lim có dáng vẻ đặc biệt.
Vả lại tình trạng đó không kéo dài bao lâu. Chiều hôm nay theo lời người giữ chìa khóa xà lim, sẽ có ai đó đến thế chỗ của tôi, một tội phạm đang chờ tòa Đại hình tuyên án.
Đến chỗ ngoặt trong hành lang, cha tuyên úy đến nhập bọn với chúng tôi. Ông vừa ăn sáng xong.
Trước khi ra khỏi trại giam, viên chánh quản đốc trại bắt tay tôi vẻ quyến luyến và cho thêm bốn người lính nữa áp tải tôi.
Đến trước bệnh xá, một ông già ốm yếu cất tiếng chào:
– Tạm biệt, anh bạn!
Chúng tôi đã ra đến sân. Tôi thở mạnh để có thêm không khí vào lồng ngực, trong người thấy dễ chịu hẳn. Nhưng chúng tôi không ở ngoài trời được lâu. Một chiếc xe trạm có ngựa kéo chờ sẵn ở sân thứ nhất. Cũng vẫn là chiếc đưa tôi đến đây hôm trước. Đó là một chiếc xe hình thuôn dài, có hai ngăn, có lưới sắt ken dày ngăn cách theo chiều ngang. Mỗi ngăn có cửa riêng, cái đằng trước, cái đằng sau xe. Trong xe đầy bụi đen bẩn thỉu đến mức xe tang của người nghèo cũng còn được coi như xe thụ phong giáo phẩm.
Trước khi bị đẩy vào cái nhà mồ có hai bánh đó, tôi nhìn lại sân trong tâm trạng tuyệt vọng, bốn bức tường tưởng như sắp sụp đổ. Cái sân giống như một quảng trường nhỏ, có cây để chứa những người tò mò đến xem hơn là để cho những tù nhân sử dụng. Đám đông kéo đến rồi. Cũng giống như hôm đoàn tù khổ sai chuyển trại giam, hôm đó trời mưa phùn và lạnh buốt, chắc chắn là mưa suốt ngày và còn kéo dài hơn cuộc sống của tôi.
Lối đi hỏng nặng. Sân đầy bùn và nước đọng. Tôi cảm thấy thích thú nhìn thấy đám đông bì bõm trong bùn.
Chúng tôi trèo lên xe. Viên chấp pháp và một hiến binh ngồi ở ngăn trước, còn ông linh mục, một hiến binh và tôi ngồi ở ngăn sau. Bốn hiến binh nữa cưỡi ngựa đi hộ tống hai bên xe. Như thế là không kể người đánh xe đã mất tám người để áp giải một người.
Trong lúc tôi trèo lên xe, có một cụ già tóc hoa râm nói:
– Tôi thích như thế này hơn là xích người ta lại như dây chuyền.
Tôi hiểu. Cảnh tượng ấy chỉ thoáng nhìn cũng đủ bao quát được tất cả một cách dễ dàng. Người ta đã sớm nhìn ra. Cũng tồi tệ như thế mà lại đơn giản hơn, không có gì khiến người xem lơ đãng. Chỉ có một người thôi. Nhưng qua con người đó, người ta đã thấy được bấy nhiêu nỗi thống khổ cùng một lúc giáng lên đầu tất cả những người tù khổ sai khác. Chỉ một điều đó cũng đã làm người ta ít phân tán sự chú ý, như một loại rượu mùi cô đặc uống ngon lành hơn nhiều.
Chiếc xe lắc lư chuyển bánh qua vòm cổng lớn của trại giam, để lại phía sau một tiếng động khô khan, rồi tiến ra đường cái. Hai cánh cổng nặng nề của trại Bicêtre đã khép lại. Tôi cảm thấy mình tê dại như người bị ngủ lịm, không cử động, không kêu la và nghe thấy người ta đang chôn mình. Trong tai tôi văng vẳng tiếng chuông treo ở cổ các con ngựa trạm nhịp nhàng theo tiếng bánh xe sắt lăn đều đều như tiếng nấc trên đường lát đá, tiếng lạch cạch của thùng xe mỗi khi tránh ổ gà do các vệt xe cũ để lại, hay tiếng vó ngựa chạy nước đại của mấy chú hiến binh vang lên áp giải bên cạnh xe, cùng với tiếng roi quất của người đánh xe trạm. Tất cả đối với tôi như đang cuốn đi trong cơn lốc.
Qua chấn song sắt của một ô cửa trổ trước mặt, tôi để mắt một cách máy móc vào dòng chữ khắc trên cổng lớn của trại giam Bicêtre: NHÀ DƯỠNG LÃO. Tôi nghĩ: A, ra có những người qua cảnh già ở chốn này.
Trong trạng thái nửa thức nửa ngủ, tâm trí đờ đẫn vì đau đớn của tôi quay cuồng tứ phía với ý nghĩ đó. Đột nhiên chiếc xe ngựa qua một đại lộ, làm thay đổi cảnh nhìn trước mặt. Trong khung ô cửa, những tháp màu xanh của Nhà thờ Đức Bà nửa ẩn nửa hiện trong làn sương mù Paris. Ngay lập tức cách nhìn của đầu óc tôi cũng thay đổi. Tôi đã trở nên máy móc như cỗ xe ngựa tiếp theo ý tưởng về Bicêtre là ý tưởng về Nhà thờ Đức Bà.
Tôi vừa nghĩ một cách ngốc nghếch vừa mỉm cười: Những ai ở trên đỉnh tháp nơi đây có treo lá cờ thánh đều nhìn thấy hết.
Tôi tin là đến lúc đó, ông linh mục ngồi bên cạnh tôi bắt đầu lên tiếng. Một cách kiên nhẫn tôi để ông nói gì thì nói. Trong tai tôi đã đủ cả tiếng bánh xe, tiếng vó ngựa, tiếng roi của người đánh xe trạm. Nay có thêm một tiếng nói nữa cũng chẳng sao.
Trong lúc tôi vẫn im lặng lắng nghe những lời lẽ đơn điệu của ông ta như tiếng thì thầm của đài nước, lúc nào cũng vẫn những lời lẽ làm dịu đi những suy tưởng của tôi, cũng linh tinh đủ thứ, như những cây non cong queo hai bên đường cái. Bỗng tiếng nói ngắn gọn và đứt quãng của viên chấp pháp tòa án ngồi ở phía trước làm tôi bất thình lình tỉnh hẳn. Ông ta quay đầu về phía sau, hướng về ông linh mục nói giọng nhấn mạnh gần như vui vẻ:
– Này ông thầy tu, ông có biết cái gì mới không?
Ông linh mục mải mê huyên thuyên nói với tôi và cũng vì tiếng động đinh tai trong xe nên không trả lời.
Viên chấp pháp lại cất cao giọng để át tiếng bánh xe:
– Chiếc xe chết tiệt này!
Đúng là chết tiệt thật.
Viên chấp pháp lại tiếp tục:
– Đúng thật vì xe xóc quá, chẳng nghe thấy gì cả! Tôi vừa nói cái gì nhỉ! A, ông cha cố! Ông vui lòng cho biết tôi vừa nói gì đi!
– A! Ông có biết hôm nay ở Paris có tin gì quan trọng nhất không?
Tôi rùng mình như tưởng ông ta nói với tôi.
– Không. - Ông linh mục trả lời sau khi cuối cùng ông nghe được viên chấp pháp nói. - Sáng nay tôi không có thì giờ đọc báo. Chiều về tôi sẽ xem. Hôm nào bận suốt ngày như thế này, tôi dặn người gác cổng giữ lại các tờ báo gửi cho tôi để khi quay về tôi đọc.
– Thật vô lý! - Viên chấp pháp lại nói. - Việc này thầy tu không thể không biết được. Tin tức Paris. Tin sáng nay mà.
Tôi liền nói:
– Tôi nghĩ là tôi biết tin đó.
Viên chấp pháp nhìn tôi:
– Ông à? Có thật ông biết không? Tin gì vậy?
– Ông tò mò thật. - Tôi nói với ông ta
– Tại sao không, thưa ông! - Viên chấp pháp cãi. - Mỗi người có quan điểm chính trị riêng. Tôi nghĩ ông cũng thế! Còn tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với việc lập lại Đội Vệ binh quốc gia. Trước đây tôi là thượng sĩ trong đại đội. Nói thật là lúc đó dễ chịu lắm.
Tôi ngắt lời ông ta:
– Tôi không nghĩ đó là điều ông phải quan tâm.
– Vậy là vấn đề gì? Ông đã nói là ông biết có tin mới nhất.
– Tôi nói về một tin khác kia mà hôm nay cả Paris cũng biết.
Tên ngốc này không hiểu. Tính tò mò của hắn đã thức tỉnh.
– Một tin mới à? Quỷ quái thật! Ông cũng có thể biết tin tức hay sao? Tin gì vậy? Làm ơn cho biết đi! Còn linh mục! Cha có biết gì không? Ông có thạo tin hơn tôi không? Cho tôi cập nhật với! Ông thấy đấy, tôi thích có được tin mới mà! Tôi sẽ kể lại cho ông chánh án của tôi và chắc ông ta sẽ vui lắm.
Và một nghìn chuyện vớ vẩn! Hắn hết quay đầu sang ông linh mục lại quay sang tôi. Còn tôi chỉ nhún vai mà không trả lời.
Hắn nói với tôi:
– Vậy thưa ông, ông nghĩ gì?
Tôi trả lời:
– Tôi nghĩ chiều nay tôi sẽ chẳng còn nghĩ được gì hết!
– Vậy ra thế. - Hắn ta cãi. - Vậy thì ông buồn quá. Ngày trước ông Castaing hay nói chuyện lắm.
Sau một phút im lặng, hắn lại nói:
– Tôi đã đưa ông Papavoine ra pháp trường. Ông ta có cái mũ cát két bằng lông rái cá và hút xì gà. Còn các tù nhân trẻ tuổi ở nhà tù La Rochelle chỉ nói chuyện giữa họ với nhau, nhưng ít ra tất cả đều nói chuyện.
Hắn nghỉ một lát, rồi tiếp tục:
– Đồ điên dại! Chúng nó đều hoan hỉ với cảnh ngộ, đều tỏ vẻ khinh miệt tất cả mọi người. Còn ông, tôi thấy ông suy tư âu sầu quá, ông bạn trẻ ạ!
– Bạn trẻ, hừm! - Tôi nói với hắn. - Tôi già hơn ông đấy. Mỗi khắc qua đi là tôi già đi một tuổi rồi.
Hắn quay lại nhìn tôi mấy phút tỏ vẻ ngạc nhiên ngu ngốc, rồi bắt đầu cười ngượng nghịu.
– Ông nói đùa đấy thôi. Ông mà già hơn tôi. Tôi bằng tuổi ông thì có.
Tôi trả lời hắn vẻ nghiêm trọng:
– Tôi không đùa đâu
Hắn mở hộp thuốc hít:
– Này ông bạn, xin ông đừng giận, làm điếu thuốc đã. Đừng oán tôi nhé.
– Ông đừng sợ. Có oán ông thì cũng không có thì giờ đâu mà để bụng.
Lúc đó hộp thuốc hắn chìa ra nhưng vướng song sắt. Vừa lúc xe bị xóc làm rơi hộp thuốc tung toé dưới chân người hiến binh.
– Ô, cái chấn song sắt đáng nguyền rủa này! - Viên chấp pháp kêu lên rồi quay sang phía tôi. - Ông có thấy tôi bất hạnh không? Thuốc lá của tôi mất hết cả rồi!
Tôi mỉm cười trả lời:
– Tôi còn mất nhiều hơn ông kia.
Hắn cúi xuống cố nhặt nhạnh số thuốc lá rơi, miệng lẩm bẩm giữa hai hàm răng:
– Mất nhiều hơn tôi? Nói gì mà dễ thế! Không có thuốc hút từ đây đến Paris. Thật kinh khủng!
Cha tuyên úy an ủi hắn, tôi không biết mình có được quan tâm đến thế không nhưng đối với tôi hình như đó là tiếp nối sự khuyến khích mà tôi đã được mở đầu. Dần dần cuộc trò chuyện giữa viên chấp pháp tòa án và ông cố đạo diễn ra, tôi mặc kệ họ nói chuyện với nhau, còn tôi nghĩ đến phận tôi.
Đề cập đến barie, chắc là người ta luôn luôn để ý đến tôi nhưng tôi thấy Paris hôm nay ồn ào hơn thường lệ.
Xe dừng một lát trước Sở Thuế nhập thị. Nhân viên hải quan của thành phố đã kiểm tra. Nếu trong xe có con cừu hay con bò đưa đến lò mổ ắt phải đóng một khoản tiền thuế, nhưng cái đầu người qua đây để đưa đến máy chém thì được miễn. Chúng tôi đi qua trót lọt.
Xe đã vượt qua đại lộ, đi nước kiệu sâu vào cái phố cổ quanh co của ngoại ô Saint Marceau rồi vào nội đô, lượn qua những con phố ngoằn ngoèo và giao cắt nhau như hàng nghìn con đường của một tổ kiến. Trên đường lát đá nhỏ hẹp tiếng bánh xe lăn ầm ĩ và nhanh khiến tôi không nghe được tiếng động nào của bên ngoài. Khi tôi nhìn qua ô cửa hình vuông, tôi thấy đám đông người qua đường dừng lại nhìn theo chiếc xe đi qua và tiếng lũ trẻ con chạy theo sau.
Tôi cũng thấy loáng thoáng ở ngã tư bóng dáng một người đàn ông hay đàn bà ăn mặc rách rưới, có khi là cả hai, cầm trong tay một bó giấy in, chung quanh là những khách qua đường tranh cãi nhau, miệng mở rộng như đang hét to. Chuông đồng hồ của cung điện vừa điểm tám giờ rưỡi, chúng tôi đã đến sân lớn của nhà tù La Conciergerie. Khi chiếc cầu thang lớn của nhà thờ màu đen, những cửa con hung dữ hiện ra trước mắt, tôi thấy ớn lạnh. Xe vừa đỗ, tôi tưởng như tim sắp ngừng đập.
Cửa xe mở nhanh như chớp. Tôi dồn hết sức tàn nhảy xuống khỏi chiếc xà lim lưu động, ngay lập tức được giải đi rất nhanh dưới mái vòm giữa hai hàng rào lính. Đã có đám đông tụ tập ở lối đi.