Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

Tóm tắt

Phần I: Giới thiệu sơ lược

 

Nếu tôi biết được khi tôi 20 được viết vào năm 2009 bởi nữ tác giả Tina Seelig – Tiến sĩ về thần kinh học tại trường Y Standford, đồng thời là giám đốc điều hành chương trình kinh doanh kĩ thuật Standford. Ngoài ra, bà còn tham gia và đóng góp cho rất nhiều hoạt động khác của ngôi trường này. Bà cũng tham gia diễn thuyết và tổ chức nhiều buổi hội thảo cho nhiều nhà điều hành thuộc các lĩnh vực các khau, bà còn viết sách cho cả người lớn và trẻ em…

 

Sách đề cập đến những vấn đề quản trị và tư duy và xây dựng mối quan hệ dành cho những Sinh Viên hoặc những cá nhân đang gặp sự cố trong công việc và khởi nghiệp. Một vài nội dung như: Vượt khỏi giới hạn và đi ra khỏi cách suy nghĩ thong thường, phá bỏ lối mòn tư duy, các case study được lồng vào câu chuyện làm cho người đọc dễ hình dung và liên tưởng vấn đề, các case study về sáng tạo và giải quyết vấn đề cũng rất thực tế và được phân tích từ những tổ chức, trường đại học hang đầu thế giới bởi những chuyên gia hàng đầu như Steven Jobs…

 

Sách được Nhà Xuất Bản trẻ in ấn và phát hành đầu năm 2011. Đây là 1 cuốn sách mỏng, dễ đọc, ngôn ngữ gần gũi và dễ hiểu. Sách được BXB in có khổ A5 và dày 251 trang.

 

Phần II: Tóm tắt nội dung

 

Sách được chia làm 10 chương và đề cập đến những vấn đề khác nhau, đi theo 1 trình tự rõ ràng.

 

PART A

 

a. Chương 1: Mua một, tặng hai

 

Chương 1 đề cập đến tư duy sang tạo và giải quyết vấn đề, không bị khó khăn làm nản chí.

 

Trong này, tác giả đã đưa ra những case study về khả năng kinh doanh với 1 số vốn ít ỏi (5$ hoặc thậm chí là từ những cái kẹp giấy thong thường) để tạo nên giá trị. Qua đó, ta thấy được một bức tranh đa chiều bởi các góc nhìn khác nhau. Mỗi góc nhìn sẽ cho ta một con đường để thực thi, mỗi chiến lược sẽ cho ta những cách tiếp cận khác nhau, mỗi giải pháp sẽ làm cho vấn đề đó khác đi… Nhìn chung, ngay từ chương đầu bạn đã nhận ra đây là 1 quyển sách thực tế và khá dễ đọc. Và dường như giống như tựa sách “thế giới rộng lớn chúng ta còn nhiều việc phải làm” của Kim Woo Chung, chương 1 có đề cập đến đoạn:

 

“Cơ hội có rất nhiều trong cuộc sống. Ở bất kì thời điểm nào và bất kì nơi đâu bạn cũng có thể nhìn quanh và tìm ra được các vấn đề cần được giải quyết”.

 

Tư duy này giúp chúng ta luôn tìm tòi, mày mò, cải tiến những gì chưa hoàn thiện xung quanh. Rất có ích cho công việc của chính chúng ta. Bên cạnh đó, có những case quá khó, gần như không giải quyết được thì vẫn còn đó những phương thức hiệu quả để biến không thành có, biến khó thành dễ… Chỉ cần thay đổi thái độ của chúng ta khi nhìn nhận vấn đề, chúng ta có những giải pháp hiệu quả rất dễ nhận thấy mà chúng ta vì quá máy móc nên vô tình bỏ qua chúng.

 

“Hầu hết mọi người đều tiếp cận vấn đề như thể chúng không bao giờ giải quyết được, nên họ không thấy được những giải pháp sang tạo ngay trước mặt mình”

 

Và như 1 lời kêu gọi dường như quen thuộc với chúng ta:

 

“Nếu vấn đề càng lớn thì cơ hội cũng sẽ càng lớn. Chẳng ai trả cho bạn đồng nào cho việc giải quyết 1 vấn đề chẳng đáng gì cả”. 

 

Sau nhiều trải nghiệm đó đó, chắc chắn chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá dù kết quả của nó có thế nào. Và cũng như nhiều tác giả khác, Tina cho rằng:

 

“Chìa khóa của thành công là khả năng rút ra được những bài học từ mỗi kinh nghiệm và tiếp tục bước tới với những kiến thức mới ta đã học được.” 

 

b. Chương 2: Rạp xiếc đảo lộn

 

Chương này, tác giả đề cập đến những thách thức từ cuộc sống, đơn cử là tại sao chúng ta có xu hướng tránh né các khó khăn mà không dám đương đầu với nó. Điều này đang xảy ra rất thường xuyên tại xã hội của chúng ta và nhiều các vùng đất, lãnh thổ khác kể cả các nước phát triển như Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thủy Điển… Với nhiều câu chuyện về các cá nhân thành công khi đối mặt với khó khăn, tác giả cho rằng:

 

“Về cơ bản, chúng ta không được dạy để nắm lấy các khó khăn. Chúng ta được dạy khó khăn là những thứ cần phải tránh hoặc là những điều để phàn nàn”

 

Vẫn bằng cách đưa ra các case study mà tác giả đã thực hiện với sinh viên của mình tại trường đại học standford, tác giả dẫn nhập chúng ta đến 1 tư duy cần thiết và thêm cơ sở niềm tin cho một câu nói:

 

“Không có 1 giới hạn nào cho độ lớn của các vấn đề mà bạn cần giải quyết”. 
Câu này dường như muốn nhấn mạnh rằng khả năng của chúng ta không thể đo được với những phạm vi thông thường. Bình thường chúng ta vẫn thường gặp trường hợp bản thân chúng ta khi nhận 1 thách thức nào đó, chưa bắt tay vào thực hiện thì đã cho rằng chúng ta không thể rồi. Như tôi, có lần đứng xem tập leo núi ở sân vận động phan đình phùng, tôi tự nhủ rằng tôi không thể làm được điều như người ta đang làm (dù cho tôi có chứng kiến 1 cô bé người nước ngoài, nhỏ xíu nhưng cũng đã leo lên được 6, 7m của bức tường). Và đúng thật, đến giờ tôi vẫn chưa chạm tay vào bức tường đó dù rất muốn trèo lên…

 

“Giữa việc không làm gì cả và làm điều gì đó chỉ cách nhau 1 quyết tâm nhỏ, nhưng hai lựa chọn này có thể mang đến 2 kết quả hoàn toàn khác biệt”

 

Nội dung chủ đạo xuyên suốt chương 2 đó là dám chấp nhận thử thách và tận dụng cơ hội từ những thử thách đó. Hàng ngày, chúng ta vẫn đối mặt với chúng nhưng chúng ta đã vô tình bỏ qua tất-cả-những-vấn-đề-cần-được-cải-thiện. Thậm chí, tôi cho rằng khi đi qua 1 con đường mà chúng ta không tìm ra cho mình 1 vấn đề, thì tức là chúng ta đã bỏ qua 1 núi tiền có thể tìm được từ con đường ấy.

 

c. Chương 3: Bikini hay là chết?

 

Chương này nói đến những quy tắc do chính chúng ta đặt ra, và vô tình nếu chúng ta chỉ bị bó gọn trong các quy tắc đó thì sẽ chẳng có gì mới cả. Không vượt qua được giới hạn của cái hộp, chúng ta sẽ chẳng biết bên ngoài cái hộp có những gì (thinking out the box). Những quy tắc về sự hiểu biết làm chúng ta sợ hãi và rụt rè. Chẳng hạn khi bạn có 1 ý tưởng khó khăn nào đó, bạn mang nó trình bày với vài người bạn, đa số họ sẽ cho bạn câu trả lời ngay lập tức đó là “không thể!”. Chính điều này đã cướp mất của chúng ta nhiều sự nỗ lực và mày mò mà đáng ra theo đuổi nó chúng ta sẽ có được. Tất cả những ý tưởng thoạt đầu nghe rất là dở và hời hợt, thế nhưng nếu để ý kĩ hơn và chau chuốt cho nó hơn, có thể nó sẽ trở thành 1 ý tưởng thật tuyệt vời.

 

Chương này làm tôi nhớ đến những kĩ năng làm việc nhóm, đa số chúng ta thường vùi dập vấn đề của nhau mà ít khi xây dựng chúng theo hướng tích cực. Đó là lí do tại sao trong kĩ năng brainstorming lại có 1 quy chế là không chê bai các ý tưởng dù nó dợ của khác. Thường thì, những mục tiêu lớn bao giờ cũng thúc đẩy chúng ta hơn những mục tiêu nhỏ, do đó hãy chọn cho mình 1 mục tiêu lớn và kiên trì theo đuổi nó, sẽ dễ hơn chúng ta chọn những mục tiêu nhỏ để rồi sẽ hời hợt và vô trách nhiệm với năng lực và khả năng của mình.

 

“Hãy suy nghĩ càng lớn càng tốt. Thường thì những mục tiêu lớn thường dễ thực hiện hơn những mục tiêu nhỏ”

 

Cuối chương tác giả có đề cập đến vấn đề thay đổi thói quen và cách suy nghĩ. Chúng ta chỉ tập trung vào hiệu quả đang có mà ít nghĩ đến những hiểu quả có thể to lớn hơn nếu thay đối 1 chút xíu trong quy trình thực hiện.

 

“Tất cả những thứ hay ho sẽ xảy ra khi bạn làm những điều không giống bước tự động tiếp theo trong 1 quy trình”.

 

d. Chương 4: Vui lòng lấy ví của bạn ra

 

Chương này tác giả muốn đề cập đến những vấn đề của bản thân mỗi con người. Tác giả cho rằng:

 

“Theo thời gian, tôi ngày càng nhận thức rõ rang hơn rằng thế giới được chia thành 2 nhóm: những người đợi sự cho phép hay ủng hộ của người khác để làm điều mình muốn, và những người tự trao cho mình quyền đó”

 

Thông thường, chúng ta cần động viên từ người khác để có động lực làm tốt 1 vấn đề nào đó, những lời động viên ấy, rất quan trọng. Nhưng cũng có những người họ tự cho họ nguồn năng lượng, họ tự cho rằng họ có khả năng viết sách, họ tự cho rằng họ là 1 CEO (dù thành lập ra cty chỉ có 1 mình nhưng họ vẫn cho họ quyền hạnh phúc vì đó, vì theo quan điểm thông thường, lãnh đạo là phải được người khác đề bạt lên). Để rõ rang ý này, tác giả có nhấn mạnh:

 

“Một số người tự nhìn vào bên trong mình để tìm kiếm động lực, còn những người khác thì đợi các lực bên ngoài đẩy mình đi.”

 

Chương này, tác giả có đề cập đến sự thành công của vài cá nhân đã áp dụng phương pháp “tự tin vào chính mình là thế mạnh”.

 

Trong chương này có 1 câu chuyện vui về người đàn ông suốt ngày đến nhà thờ cầu nguyện mình sẽ trúng vé số. Sau một thời gian dài cầu nguyện mà ko trúng số, ông ngẩng mặt lên trời và trách chúa đã không phù hộ mình, sau đó chúa trả lời ông rằng ít ra ông cũng phải tạo cơ hội cho chúa phù hộ ông bằng cách ông phải mua vé số. Trong 1 vài trường hợp, chúng ta phải tự tạo ra điều kiện để người khác hỗ trợ mình, đừng chông chờ họ sẽ giúp mình khi mình chả làm gì cả.

 

e. Chương 5: Bí quyết thành công của thung lũng silicon.

 

Chương 5, tác giả nói đến sự thất bại. Điển hình và xuyên suốt trong chương này là những câu chuyện của các nhân vật đã thành công và tồn tại ở thung lũng Silicon – nơi mà thất bại là điều được hoan nghênh và không có ai thành công ở đây mà ko có cho mình những thất bại lớn nhất. Kể cả Steve Jobs – hiện là chủ tịch hội đồng quản trị, người sang lập và có ảnh hưởng lớn nhất với Apple. Steve Jobs đã từng bị đuổi khỏi Apple do chính mình sang lập và làm lại từ đầu, sau đó mới quay lại và tạo được thành công với doanh nghiệp này cho đến thời điểm hiện tại. Tác giả nhấn mạnh:

 

“Ở mức độ căn bản nhất thì toàn bộ sự học hỏi của chúng ta đến từ sự thất bại.”
“Bạn có thể đọc bao nhiêu sách cũng được về vai trò lãnh đạo nhưng nếu bạn không thực sự trải nghiệm những thử thách mà một người lãnh đạo thực sự phải đối mặt thì bạn sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng cho vai tró đó”

 

Tôi đồng ý với quan điểm này, một lần nữa nó khẳng định sách vở chỉ cung cấp cho chúng ta những thông tin và kiến thức để hỗ trợ chúng ta giải quyết vấn đề thực tế chứ chẳng bao giờ cho ta những kinh nghiệm hay trải nghiệm của người đã viết ra nó.

 

“Thuốc luôn rất đắng nhưng tôi chắc là bệnh nhân cần dùng thuốc. Và đôi khi cuộc đời cứ quẳng gạch vào đầu bạn” – Steve Jobs.

 

Đọc chương này, bạn sẽ thấy những cá nhân đã trưởng thành và đứng dậy như thế nào sau thất bại. Và đôi khi, họ chọn cách phục hồi nhanh chóng sau khi trúng đạn còn hơn là tìm cách né từng viên đạn trong 1 làn đạn dày đặc đang được bắn xối xả.

 

PART B

 

 a. Chương 6: Không đời nào… Nghề kĩ sư là dành cho con gái mà

 

Chương này nhấn mạnh việc chúng ta lựa chọn công việc và mục tiêu cho cuộc đời, tôi không cần đi quá chi tiết vì thật ra tất cả những gì chương này nói đến được tóm gọn trong đoạn sau:

 

“Một bậc thầy của nghệ thuật sống thì dường như chẳng bao giờ phân biệt giữa công việc và thú vui, giữa lao động và giải trí, giữa tâm hồn và cơ thể, giữa học hành và vui chơi, giữa tình yêu và tôn giáo. Anh ta chỉ việc cố gắng đạt tới sự xuất sắc trong bất cứ điều gì mình làm, mặc kệ những người khác cho rằng anh ta đang làm việc hay đang chơi. Nhưng bản thân anh ta thì luôn biết rằng mình có được cả hai.”

 

Mô hình chính nói về việc lựa chọn công việc cho cuộc đời được đưa ra cũng đồng nhất với nhiều mô hình mà các quyển sách khác đưa ra đó là sự giao thoa của 3 vòng tròn: Đam mê, khả năng (kinh nghiệm) và nhu cầu xã hội.

 

“Niềm đam mê chỉ là điểm khơi đầu, bạn cũng cần biết tài năng của mình là gì và thế giới đánh giá về chúng như thế nào.”

 

 b. Chương 7: Biến nước chanh thành trực thăng.

 

Đây là chương nói về sự may mắn của cuộc đời. Công thức cho sự may mắn (phải được khởi đầu từ chính bạn). Sự may mắn được đến từ sự làm việc cật lực của mỗi cá nhân, và khi cơ hội đến với họ, họ lập tức nắm lấy và biến nó thành “cái may mắn”. Cơ hội luôn có xung quanh bạn từng ngày từng giờ, nhưng chỉ có 1 số ít người nắm được nó và biến nó thành sự may mắn và thành công. Đa số chúng ta sẽ phớt lờ cơ hội chứ đừng nói đến việc có nhận biết nó hay không?

 

Rất vui mừng vì trong chương này tác giả đề cập đến 1 trường hợp của 1 cô gái Việt Nam sinh sống và học tập tại Mỹ – Vương Quyên. Quyên đã có bằng MBA của Mỹ và đang điều hành ICAN, 1 công ty phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng Việt Nam bằng cách giúp người nhập cư vượt qua được những cách biệt văn hóa để có thể hòa nhập ở đất nước mới – cty được thành lập từ trải nghiệm của chính cuộc đời cô. Cô đã có được may mắn của cuộc đời mình.

 

“Đừng đặt mình vào thế vội vàng phải tiến đến đích cuối cùng – những chuyến hành trình bên lề và những con đường vòng bất ngờ sẽ thường xuyên dẫn bạn đến những địa điểm, con người, và cơ hội thú vị nhất”

 

Như bác Nguyễn Mạnh Hùng đã nói thì: cứ làm tốt những việc mình làm, đụng đâu phang đó, nhưng phải làm thật tốt, rồi công việc phù hợp nhất sẽ đến với mình. Cách bác nói là: việc chọn mình chứ không phải mình chọn việc. Một góc nhìn rất hay. Hãy để tâm và chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh, bạn sẽ thấy được nhiều thứ rất hay ho.

 

“Những người may mắn tận dụng triệt để những cơ hội đến với mình.Thay vì bước trên đường đời với 1 hành trình cứng nhắc, họ không ngừng lưu tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh mình”

 

c.  Chương 8: Hãy vẽ luôn hồng tâm quanh mũi tên.

 

Chúng ta phải học cách trân trọng những gì người khác làm cho chính bản thân ta. Nếu bạn trân trọng và suy nghĩ về nó, bạn sẽ nhìn ra được nhiều khía cạnh khác chứ không chỉ đơn thuần là 1 món quà hay 1 sự giúp đỡ.

 

“Tất cả những gì một ai đó làm cho bạn đều hàm chứa chi phí cơ hội, nghĩa là nếu anh ta đã dành thời gian trong ngày của mình để tiếp bạn thì phải có điều gì đó anh ta đã không làm cho chính mình.”

 

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta hành xử 1 cách vô trách nhiệm. Tác giả đưa đến 1 ví dụ khi bạn cãi nhau hay làm điều gì đó ko tốt với 1 ai đó ngoài đường, bạn có chắc rằng bạn sẽ không gặp lại họ lần nữa? Thậm chí bạn sẽ gặp họ với vai trò là người sẽ phỏng vấn bạn vào cty mà bạn đang mong muốn?? Lúc ấy, chuyện cãi nhau kia sẽ làm cho bạn rớt từ vòng gửi xe. Hay thậm chí khi bạn nghỉ việc, bạn có chắc rằng bạn sẽ để lại ấn tượng tốt cho đồng nghiệp của mình dù cho trước đây bạn rất vui vẻ hòa đồng với mọi người, nhưng có khi bạn lại chưa bàn giao hết công việc khi bạn nghỉ, thì chắc rằng sau khi nghỉ bạn sẽ có vài cái hắt xì vì bị phàn nàn… blah blah blah…

 

Một câu nói để luôn nhắc nhở chúng ta cẩn trọng trong cách hành xử là:

 

“Hãy ghi nhớ rằng quanh đi quẩn lại chỉ có 50 người trên thế giới.”

 

Hay quả đất rất tròn, nên đừng dại gì mà đi gây chuyện với người lạ, thay vào đó hãy giúp đỡ họ, biết đâu họ sẽ cho mình 1 điều gì đấy tuyệt vời sau này?

 

Ngoài ra, chương này cũng đề cập đến thương hiệu cá nhân. Tức là danh tiếng của bạn, tác giả cho rằng danh tiếng bản thân chính là tài sản giá trị nhất của bạn, nên hãy bảo vệ nó thật tốt. Đương nhiên, chúng ta sẽ không hoàn hảo, chúng ta sẽ không cố ý nhưng lại vô tình làm mích long ai đó, cách tốt nhất là giải quyết sự hiểu lầm đó ngay lập tức. Còn nếu không? Hãy luôn ghi nhớ và nghĩ về nó như 1 vấn đề đau đầu, tìm ra giải pháp để thay đổi tình huống đó nếu chúng ta tiếp tục gặp phải. Hãy nhớ đến quy tắc Win – Win. Chìa khóa để đàm phán thành công là khám phá ra lợi ích của mọi người để bạn có thể tối đa hóa kết quả cho tất cả các bên. Hãy học các kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, thương lượng… đừng đánh giá thấp chúng, chỉ cần có nhũng thứ trên, kết hợp với khả năng của mình, cơ hội và thành công sẽ liên tiếp đến với bạn.
Cuối chương, tác giả cũng đề cập đến sự hiệu quả của công việc bằng cách đưa ra “quy luật 3”.

 

Con người chỉ làm tốt nhất và hiệu quả nhất khi họ tập trung cho 3 thứ. Bạn phải có sự lựa chọn ưu tiên trong mọi tình huống, chỉ 3 việc thôi nhé, đừng ôm đồm quá nhiều thứ, sẽ hư bột hư đường đấy! (Cái này hay, mọi người nên tìm hiểu thêm thông tin trên mạng hoặc các sách khác để bổ sung rõ hơn).

 

 d.  Chương 9: Phần này có thi hay không?

 

“Biện minh là vô nghĩa, hoặc nói thẳng ra, biện minh là trò nhảm nhí! Chúng ta kiếm cớ để che đậy một thực tế là chúng ta đã không đủ nỗ lực cho công việc. Bài học này chạm đến tất cả mọi mặt.”

 

Chúng ta thường được khuyển khích hoàn thành mọi thứ ở mức độ hài long. Nghĩa là chúng ta được khuyển khích (có thể bằng 1 cách tế nhị hoặc không) chỉ làm với khối lượng ít nhất có thể để đáp ứng được yêu cầu mà thôi. Tác giả ví dụ trường hợp giáo viên cho bài tập và nêu rõ vấn đề cần thiết và đưa ra những gì cần thiết để đạt được những thang điểm cụ thể. Trong trường hợp này, học sinh thường hỏi giáo viên rằng: “phần này có thi hay không?” Hãy làm tốt nhất những gì mình có thể làm, đừng tự hài long với bản thân hoặc chỉ làm đạt-mức-yêu-cầu. Bạn phải trở nên xuất sắc, phải quyết định đi xa hơn nhưng gì được mong đợi ở bạn ở tất cả mọi thời điểm. Bởi vì, nếu bạn thật sự muốn đạt được 1 điều gì đó thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Sự thành công của bạn xuất phát từ sự tập trung với long kiên trì không bao giờ suy giảm và hiểu rằng bạn đã đặt toàn bộ trái tim và tâm hồn vào tất cả mọi thứ bạn làm. Hãy tập trung vào mục tiêu, đôi khi chúng ta bị phân tán bởi những tư tưởng ngoài làm cho hiệu quả thuyên giảm đi rất nhiều.

 

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng để thành công trong 1 môi trường kinh doanh, ý chí tập trung vào mục tiêu sẽ tạo ra năng suất cao hơn là cạnh tranh.”

 

e.  Chương 10: Những tạo tác từ thực nghiệm.

 

Chương 10 chỉ là một vài lời chia sẻ về quyển sách, những lời khuyên đến độc giả của tác giả. Do đó, chương này Eric sẽ không tóm tắt.

 

Phần III : Cảm nhận cá nhân

 

Đây là 1 quyển sách hay và dễ đọc. Tư duy rất thực tế và gần gũi với môi trường hiện tại chúng ta đang sinh sống. Ngôn từ đơn giản và dễ hiểu nhưng lại bao hàm những ý sâu sắc mà bạn có thể tìm được trong từng trang, từng dòng chữ. Ngoài ra, đây cũng là quyển sách cần thiết để chúng ta có thêm được những case study bổ ích, cách giải quyết vấn đề…

 

Phần IV : Đánh giá sách

 

Chất lượng bìa/giấy: 9/10

 

Chất lượng dịch, văn phong: 8/10

 

Nội dung: 9/10

 

Giá cả: 9/10 (49k)

 

Điểm tổng: 9/10

 

Eric (Mr.Linh)