Mưu Hèn Kế Bẩn Nơi Công Sở

KẾ BẨN SỐ 21

TÁI THIẾT

Thủ đoạn “thay máu” nhân sự cả đội hay phòng ban nào đó nhằm mục đích đá kẻ mình không ưa ra ngoài.

Với tư cách một công ty chuyên nghiệp, thỉnh thoảng, tái tổ chức là việc làm cần thiết để phù hợp với sứ mệnh hay tầm nhìn của mình, và dĩ nhiên, để chăm sóc khách hàng, các cổ đông và các bên liên quan được tốt hơn. Việc này đòi hỏi phải có một số người thay đổi vai trò, có tinh thần trách nhiệm và báo cáo sự thay đổi cơ cấu tổ chức. Đôi khi, việc tái thiết khiến một vài vị trí trở nên dư thừa, và những con người không thể hoặc không dám thay đổi, tất yếu sẽ phải ra đi.

Tuy nhiên, rành rành là tái thiết vẫn có thể trở thành kế bẩn, khi việc “thay máu” nhân sự chỉ nhằm mục đích “mượn gió bẻ măng”, để tống cổ ai đó thay vì sự phát triển của tổ chức. Thủ đoạn này thường được xem như một cách hữu hiệu để đá kẻ thù hoặc những nhân vật làm ngứa mắt ra khỏi bộ phận hoặc cơ quan, và cách này đang trở thành sách lược phổ biến.

Mặt trái của thủ đoạn này là, khi người ta dùng kế tái thiết, ai cũng nhận ra trò chơi đang bắt đầu, không chỉ người quản lý và nạn nhân mà ngay cả người ngoài cũng thấy. Những “người ngoài” này có thể được xem như cứu tinh của nạn nhân, và nếu người đó đủ quyền lực và ảnh hưởng, có thể sẽ xảy ra những vấn đề leo thang, khiến toàn bộ quy trình bị kéo dài, tình hình trở nên trầm trọng và công ty sẽ phải chịu những phí tổn nặng nề.

Ngoài ra, những người ngoài cuộc nói trên có thể chẳng đầu tư gì nhiều và họ cứ việc đứng khoanh tay mà nhìn thôi. Họ biết thừa mục đích thật sự của quy trình quản lý này chẳng phải để thực hiện những đánh giá chính xác, những tầm nhìn mới hay để phát huy giá trị gì sất. Họ chỉ thấy những kẻ mượn gió bẻ măng đang làm luật mà thôi. Nếu bạn đang làm việc tốt, có quan hệ tốt với những nhân vật có thế lực, bạn ít có nguy cơ bị lọt vào tầm ngắm. Phạm lỗi khi bạn không được nổi cho lắm hoặc hiệu suất công việc đã bị báo động thì tái thiết có thể trở thành “đòn quyết định” với bạn.

Tái thiết giúp đá những kẻ khó ưa hay những tay không hợp nhãn ra ngoài, cho nhân viên thấy rõ mức độ hai mang và sự kém trung thực cũng như chân thành trong cách lãnh đạo, và dự phần nhiều hơn nữa vào cái chết tinh thần của công ty.

Cái giá phải trả về mặt tài chính có thể sẽ cao, đặc biệt là khi trò này dẫn tới mấy vụ kiện cáo nghề nghiệp (làm bại hoại thanh danh công ty nếu vụ này lớn) hoặc tiêu tốn của công ty những khoản phí khổng lồ. Tái thiết là một quy trình hoạt động kinh doanh thường gây ra những hỗn loạn nhất định, những tin đồn và những thay đổi tất yếu, trong lúc đó, thị trường và nhu cầu khách hàng thường sẽ bị xao nhãng, tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh chiếm ưu thế và khiến khách hàng cảm thấy thất vọng.

Khía cạnh gây tò mò của tái thiết chính là tính minh bạch của nó. Trò này luôn luôn được những người quan tâm, hoặc thậm chí là những người không quan tâm nhìn thấy rõ ràng, và cứ thế đi đến kết thúc, mà chẳng ai có động thái gì.

Những người ngoài cuộc thường mang tâm lý “thấy chết không cứu”, trên thực tế, họ còn ngầm “hôi của” hòng mưu lợi cá nhân trên những thất bại nghề nghiệp của người khác. Mà sự thực, chẳng có mống nào thèm quan tâm việc Jerry hói đầu vừa bị dính đòn tái thiết hết, và chúng tôi cược rằng, thậm chí bạn còn thấy khoái trá khi chứng kiến lão nhận kết cục như vậy nữa kia. Cũng đúng thôi, lão là nhân vật phản diện ngay từ đầu màn kịch mà, nhưng tin xấu là, nhân vật chính, chàng Ben của chúng ta, cũng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân sau đó thôi. Trong trường hợp này, công ty nhận được kết quả xứng đáng nhưng có thể, chẳng thể nào tính được cái giá thực sự phải trả cho quy trình này.

KẾ BẨN NÀY ĐE DỌA GÌ ĐẾN TỔ CHỨC

Cảnh báo về lợi nhuận – điều này đe dọa thế nào tới lợi ích của tổ chức?

Mối đe dọa chính nằm ở thất bại trong việc tuân thủ các thủ tục pháp lý, để mặc công ty mở cửa cho những quy trình cứng nhắc này. Khoan đề cập đến những vấn đề quản lý, các gói đền bù thì chi phí cơ hội của tái thiết là sự lãng phí nghiêm trọng năng lượng và tập trung.

Độ mẫn cảm của tổ chức – công ty sẽ điêu đứng ra sao với những hành vi này?

Kế này được dùng ở mọi công ty, xem ra là kế hoàn hảo để đá kẻ mình không ưa bay ra ngoài mà không mấy đau đớn.

Đe dọa văn hóa – điều này ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và tinh thần nhân viên như thế nào?

Trừ những kẻ “mũ ni che tai” với vấn đề chính trị thương trường, ai cũng rõ trò này đang diễn ra thế nào và chân tướng của nó ra sao, mặc cho những giấy tờ tài liệu được vẽ ra để hợp lý hóa hành động “thay máu”. Mối đe dọa cho văn hóa và tinh thần doanh nghiệp báo hiệu thất bại trong giải quyết những vấn đề về năng suất, thực hiện công việc phù hợp với chính sách và nhân viên thì ai cũng thấy sự gian trá đó.

Tỷ lệ rủi ro của kẻ chơi bẩn – mức độ rủi ro và khả năng bị vạch trần là bao nhiêu?

Nếu bạn là tay quản lý đang giở thủ đoạn này, bạn có khả năng chiến thắng; tuy nhiên, vẫn có khả năng “người tính không bằng trời tính” xảy ra và bạn sẽ bị buộc tội hay lâm vào cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Hãy tự hỏi liệu tái thiết có thực sự dễ dàng hơn việc thực hiện quy trình quản lý thành quả?

Cảnh báo về an nguy cho nạn nhân – nạn nhân có thể gặp phải những rủi ro nào khi kế bẩn được tung ra?

Nếu bạn là người bị đưa vào quy trình “tái thiết”, có lẽ bạn sẽ có rất ít cơ hội thay đổi, và bạn nên nghĩ đến việc rút lui trong kiêu hãnh với một khoản bồi thường kha khá có thể chấp nhận được.

THUỐC GIẢI CHO KẾ BẨN SỐ 21

Và bây giờ, chúng ta đã tiến tới kế bẩn cuối cùng – chúng tôi đã dành thử thách chính trị thương trường lớn nhất cho phút cuối. Sống sót sau tái thiết khi nó là một kế bẩn rất khó, nhưng không phải là không thể; và trong trường hợp xấu nhất, khi bạn chuẩn bị đi đời sự nghiệp, hãy tính làm sao khi ra đi phải thật hoành tráng, vẫn đảm bảo được uy tín, thanh danh và một khoản đền bù kha khá. Sẽ luôn luôn có quy trình kháng cáo nội bộ trước khi bạn bị chính thức về vườn, và đây chính là cơ hội để bạn bảo toàn vai trò trong công ty, nhưng vị trí của bạn có thể sẽ phải thay đổi do kiểu gì cũng có chuyện đảo ngược vị thế từ phía mấy tay phá bĩnh.

Một khi đã phải đứng ngoài công ty, bạn vẫn có thể viện đến quyền đền bù theo pháp luật nếu bạn chứng minh được bạn bị đối xử bất công hoặc bị phân biệt. Tuy nhiên, không có cách nào giúp bạn phục hồi chức vụ, mà nếu có, bạn có thực sự muốn ngồi lại đó không? Khi ai đó bị dính đòn tái thiết, dù chỉ là một phần liên quan hay là nạn nhân chính của kế bẩn này đi nữa, kết quả thảm khốc cuối cùng cũng như nhau mà thôi. Công ty sẽ công bố nhiệm kỳ của họ đã kết thúc, kẻ nhận quyết định lĩnh một đòn đau điếng, và người ta mong họ cuốn xéo càng lặng lẽ âm thầm càng tốt.

Nếu nghi mình nằm trong diện bị “quy hoạch” cho thủ đoạn tái thiết, bước đầu tiên bạn phải làm là phải tìm chứng cớ chứng minh sự thật chứ không phải ngồi một chỗ mà kêu trời. Cũng nên chú ý đến những lời tán gẫu của hội “chim lợn”, mấy tin hành lang nhiều khi độ chính xác cũng cao ra phết! Nhưng bạn cũng cần cái gì đó chắc chắn để làm nền tảng cho những hành động trong tương lai. Do tái thiết là một trò chơi diễn tiến chậm, công ty cần thời gian kiểm tra các quy trình tuân thủ thủ tục tố tụng, và để đảm bảo việc này không dẫn đến kiện tụng om sòm. Vì vậy, trước mắt, bạn đang chủ động về thời gian. Phần đầu tiên của chiến lược bảo vệ chính mình vẹn nguyên qua cơn bão tái thiết là phải biết tận dụng khoảng thời gian đó để xác thực mối nghi ngờ với những người có đủ thông tin xem cảm giác của bạn đúng hay sai.

Hãy hỏi những người liên quan, đồng minh hay thậm chí là địch thủ vài câu hỏi khôn ngoan sau để tìm ra nguyên nhân thật sự. Bất cứ dữ liệu nào thu thập được từ những buổi gặp gỡ này đều có thể có giá trị cho sau này và hình thành nền tảng cho các bước hành động tiếp theo.

NHỮNG CÂU HỎI CHỐNG LẠI ĐÒN TÁI THIẾT

– Anh biết gì về tin đồn cải tổ không?

– Đằng sau chuyện tái thiết này là gì?

– Quy trình tái thiết sẽ mất bao nhiêu thời gian?

– Khi nào người ta sẽ có những thông báo chính thức?

– Phải làm thế nào để hạn chế tối đa những gián đoạn kinh doanh?

– Chuyện tái thiết này sẽ giúp chúng ta chăm sóc khách hàng tốt hơn ra sao?

– Quy trình nào sẽ được ứng dụng để quyết định và phân công vai trò mới?

– Việc tái thiết sẽ dùng đến những tiêu chí cụ thể nào?

– Những ai liên quan đến quá trình ra quyết định?

– Những ai sẽ bị ảnh hưởng bởi tái thiết? (Hỏi về người, công việc, bao nhiêu và sau bao lâu…)

– Tôi sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

– Kết quả của vụ cải tổ này sẽ được thông báo như thế nào? Và khi nào?

– Khi tái thiết liệu có cơ hội thay đổi nghề nghiệp hay chuyển đến vị trí khác không?

Cần phải lịch sự và thể hiện quyết tâm đeo bám khi hỏi, đồng thời phải chú ý cao độ nhỡ khi người kia vô tình rỉ ra những manh mối về mức độ trung thực của họ. Cần chú ý cả đến sắc thái câu trả lời của họ để đánh giá mức độ trung thực, chính xác của thông tin đến đâu.

Một số người cho rằng việc hỏi han này khá mạo hiểm và còn tăng khả năng bị “thay máu”. Sách lược “mặc kệ” xem ra được rất nhiều người ưa dùng. Chúng tôi muốn bạn tạo nên sự khác biệt. Đây chắc chắn là một hành động gan dạ khi tiếp xúc với những người quyền lực trong công ty bằng những câu hỏi như thế. Nhưng việc hỏi thẳng họ cũng chứng minh sự tự tin, uy lực cá nhân và nhận thức chính trị thương trường của bạn, kiểu như câu nói dưới đây:

“B. thân mến ơi, chẳng ai tin chuyện tái thiết này có mục đích nào khác ngoài việc đá tôi ra khỏi đây. Tôi nghĩ, tình hình này gây khó chịu cho tất cả mọi người, vậy hãy làm việc cùng nhau và tìm ra hướng tốt nhất đi.”

Nếu những tay thế lực trong công ty bạn đã bị mờ mắt khi nghĩ rằng tái thiết là phương án tốt để loại người họ không ưa ra, và hơn nữa, những kẻ đứng ngoài cuộc lại đủ khôn ngoan để nhận ra đây là một trò bẩn chính trị chốn công sở, vậy thì việc hỏi về phương pháp luận và nguyên nhân đằng sau những vụ cải tổ sẽ làm họ thêm lúng túng và điều này sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu những lời thẩm vấn khiến bạn trở thành huyền thoại, hãy giữ những bản cứng của bằng chứng, đề phòng có những hành động gian trá diễn ra, bạn gặp phải những mối nguy đạo đức và những lựa chọn khó khăn phía trước. Điều quan trọng là cần quyết định kết quả cuối cùng bạn muốn trong tình huống này là gì. Bước đi tiếp theo là xác định những tình huống tốt nhất và xấu nhất, rồi thảo luận với những người có thể cho bạn những lời khuyên chuyên nghiệp hơn.

Nếu công ty thực sự muốn bạn đi, thì cố ở lại có ích gì không? Nếu bạn đối đầu công ty với những bằng chứng về sự gian trá của họ, bạn có thực sự tin rằng họ sẽ quỵ không? Đôi khi, có thể khuyên can được họ, nhưng hãy ý thức mức độ thử thách của việc bạn đang làm. Tiếp tục trụ lại công ty trong hoàn cảnh này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tầm phát triển. Thật sự thì bạn nên bỏ công ty đó, với uy tín và phẩm hạnh còn nguyên vẹn, một khoản kha khá ở ngân hàng và một cái CV đèm đẹp để nộp cho chỗ làm mới. Chắc chắn vẫn còn những công ty tốt hơn để vào làm, hãy dồn năng lượng và chú tâm vào việc tìm công ty mới.

Tuy nhiên, trước khi vội vã hẹn hò với tay săn đầu người, hãy dành vài phút suy ngẫm. Sự thật khó chịu cuối cùng khi phải trở thành nạn nhân của kế tái thiết này là ở mức độ nào đó, bạn đã gây ra sai lầm khiến họ đối xử như vậy. Cho nên, tạm thời dẹp nỗi đau qua một bên và trung thực về việc mình đã làm gì nên nỗi. Chúng tôi không có ý rằng bạn bị như vậy là đáng, nhưng kế này thường là do, một phần nào đó, chính nạn nhân gây chuyện trước. Năng suất làm việc của bạn thấp hơn mức cho phép? Hay là bạn lỡ đắc tội với một ông to bà lớn nào đó trong công ty? Bạn đã lách luật hay vi phạm quy định nào chăng? Hiểu rõ nguyên nhân sẽ đảm bảo cho bạn việc không bao giờ mắc phải sai lầm lần nữa.

THÔNG ĐIỆP CUỐI CÙNG

Nếu bạn là nhà quản lý hay lãnh đạo công ty và bạn cho rằng cải tổ là một cách hay để loại những kẻ kém cỏi và khó trị ra khỏi công ty, thì hãy nhìn lại bản thân xem bạn có đủ can đảm để tự vấn với những câu chúng tôi đã hỏi không? Hãy xem chuyện đó khó chịu như thế nào, nếu người bị bạn chơi bẩn thực hiện một chiến lược có đạo đức để thách thức bạn. Nếu bạn vẫn quyết định tiếp tục thủ đoạn, vậy hãy tự hỏi bản thân những câu này đi:

– Bạn cho rằng nhân viên của bạn không biết tí gì về chương trình nghị sự thực sự?

– Sự tin tưởng nhân viên dành cho bạn còn lại bao nhiêu khi trò chơi kết thúc?

– Mất bao lâu để lên tinh thần lại sau vụ này?

– Bạn thực sự muốn kinh doanh theo cách này à?

– Đây là loại hình công ty mà bạn đang muốn xây dựng sao?

– Chiến lược này phù hợp với giá trị cá nhân của bạn chứ?

– Cái giá bạn phải trả là gì?

– Ảnh hưởng của sách lược này lên khách hàng của bạn?

– Nếu bị phát hiện, hậu quả dính dáng đến luật pháp bạn phải gánh sẽ như thế nào?

– Bạn có chịu được dư luận tiêu cực rằng công ty bạn không phải nơi tốt đẹp để làm việc không?

– Điều gì ngăn không cho bạn đối diện tình hình này một cách chuyên nghiệp hơn?

– Khi đang tiến hành tái thiết, bạn nghĩ nhân viên của bạn sẽ làm việc hiệu quả đến đâu? Họ sẽ có động lực thế nào, tập trung và cống hiến ra sao? Bạn có thể thực sự chịu được không?

– Chuyện này nói về giá trị bản thân của bạn thế nào đây? Đạo đức và tinh thần dũng cảm?

Nếu bạn bắt đầu xem xét lại cách nhìn nhận vấn đề của mình về tái thiết, bạn có một vài lựa chọn khó khăn đây. Chúng tôi sẽ đưa ra cách giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan của bạn. Bạn chuẩn bị thay đổi? Bạn có thể đưa ra cách tiếp cận trung thực hơn? Nếu câu trả lời là không, bạn đang đối mặt với nguy cơ bị vạch mặt rất lớn. Quyền lựa chọn thuộc về bạn.

Mẹo vặt

ĐẦU HÀNG

Chúng ta cần phải hiểu, không nhất thiết phải tham gia vào mọi trận chiến, và không phải trận chiến nào tham gia ta cũng giành được phần thắng. Một vài kẻ thuộc phái Gian hùng quá quyết đoán và ngập sâu trong những suy nghĩ sai trái, rằng họ không cần phải trung thực hay sáng tạo; họ không thèm học về mối tương quan giữa nguyên nhân và kết quả, và thường bị lún vào những suy nghĩ thiển cận. Nếu gặp phải những kẻ Gian hùng kể trên, thì cách tốt nhất là “chuồn” thôi. Ngay cả khi phải đối đầu với áp lực dâng trào hay một vấn đề không mấy quan trọng. Việc bảo toàn thanh danh, lòng tự trọng, sự nghiệp và giá trị bên trong quan trọng hơn rất nhiều. Cứ cho bọn họ ngửi mùi cái gọi là “chiến thắng” ấy đi, nào có vẻ vang gì! Càng nhanh chóng quyết định bỏ qua những thứ nhỏ nhặt, chúng ta càng nhanh chóng nạp lai năng lượng và tận tâm tận lực đương đầu với những thử thách xứng đáng hơn.