Mưu Hèn Kế Bẩn Nơi Công Sở

KẾ BẨN SỐ 20

CHÚNG TÔI CHỐNG LƯNG CHO ANH!

Thủ đoạn dựng ai đó làm người phát ngôn, cổ động họ chấp nhận rủi ro, và ngon ngọt rằng mình luôn ngầm hỗ trợ và giúp đỡ họ. Nhưng “kẻ chống lưng” ngó lơ ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện.

Ngay từ bé, chúng ta đã học được rằng, thiếu đi sự tự tin và quyết đoán là tạo cơ hội cho người khác đại diện mình trong những vấn đề khó khăn hay đề đạt yêu cầu lên những người có quyền lực hơn. Chuyện này thích hợp khi ta chưa phát triển đủ kỹ năng cần thiết, và cần bố mẹ hay người bảo trợ đàm phán những thách thức khi ta chưa tự giải quyết được. Chúng ta cũng khám phá ra rằng, điều tương tự cũng xảy ra với hội chiến hữu của mình, ta có thể tình nguyện để ai đó làm người phát ngôn để điều đình với những nhóm hoặc với những thế lực khác.

Điểm thú vị ở đây là khi phát hiện có thể đổ tội hoặc trừng trị một thành viên mờ nhạt trong nhóm bằng cách cho chúng đi điều đình hoặc chuyển tin, mà ta biết phía kia sẽ chẳng hứng thú gì với nó cả. Và theo sách lược cưỡng bức này, ta có thể động viên nạn nhân bằng cách khẳng định rằng sẽ hỗ trợ cho hắn. Tuy nhiên, kẻ làm vật tế thần sẽ phát hiện ra trò hai mang nhanh chóng khi “vị cứu tinh” biến hết ngay từ lúc những dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên xuất hiện.

Đến chốn công sở, chúng ta lại có dịp được chứng kiến trò trẻ con khi xưa được dùng như một cơ chế không cương quyết, hay một thủ đoạn tránh tội. Do đó, với những nhóm làm việc, người phát ngôn đôi khi bị lôi ra để đệ trình những quan điểm mới lên cấp trên. Hành động này chỉ trở thành kế bẩn khi nó được dùng như một sách lược chính trị thương trường để trút mọi tội lỗi hoặc để trừng trị ai đó. Trong đó, đây là một cái bẫy đặt cho kẻ làm vật tế thần và kẻ chống lưng giả hiệu có thể lợi dụng một mối quan hệ nào đó.

Kế này được thực hiện bằng cách khẳng định sẽ hậu thuẫn cho người đó khi họ đồng ý đệ trình một vấn đề lên cấp trên (mà ta biết rõ sẽ rất nguy hiểm nếu làm vậy, còn nạn nhân lại không biết gì). Tuy nhiên, ta cũng biết rằng, nếu chuyện này trở nên khó nhằn, sự hậu thuẫn của ta cũng theo đó mà biến mất.

Trong tình huống đầu chương, chúng ta thấy Jerry đã giở mánh này với Lewis khi họ chuẩn bị thuyết trình kế hoạch trước Hội đồng Quản trị: “Anh luôn ở đây để hỗ trợ chú kia mà”. Và một lần nữa ngay trước lúc bước vào phòng họp: “Bình tĩnh, Lewis, Ngài Bill với anh quen nhau mà, và nhớ rằng anh luôn luôn đứng sau hỗ trợ cho chú”. Và khi có dấu hiệu hiểm nguy, Jerry còn trong phòng họp mà như đã bốc hơi lên tận trời xanh.

KẾ BẨN NÀY ĐE DỌA GÌ ĐẾN TỔ CHỨC

Cảnh báo về lợi nhuận – điều này đe dọa thế nào tới lợi ích của tổ chức?

Là một cá thể độc lập, kế bẩn này không có gì đáng ngại. Nhưng trò này cũng cho thấy sự chuyên quyền và khó gần của phong cách lãnh đạo và chắc chắn sẽ kéo theo việc suy giảm lòng trung thực và cởi mở của nhân viên. Đe dọa lợi nhuận càng kéo dài, ý tưởng sẽ bị thui chột và những người đưa tin sẽ bị “thủ tiêu”.

Độ mẫn cảm của tổ chức – công ty sẽ điêu đứng ra sao với những hành vi này?

Cách lãnh đạo càng chuyên chế, độc tài bao nhiêu, nguy cơ càng lớn bấy nhiêu. Khi nhân viên được thỏa thê thể hiện cảm xúc và lòng cảm thông, nhưng quản lý vẫn nghiêm khắc, thì hệ thống miễn dịch của công ty vẫn có thể hoạt động như một bài thuốc hữu hiệu để trị kế bẩn này.

Đe dọa văn hóa – điều này ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và tinh thần nhân viên như thế nào?

Do đây là một trò đổ tội nên dĩ nhiên, bao nhiêu ảnh hưởng, nạn nhân phải gánh hết. Mọi việc trở nên thú vị khi đầu tiên, thời gian và năng lượng đều được nhóm này đổ vào việc dựng bẫy, và sau đó “chiến sự leo thang” theo gót các cổ đông sẽ được vời vào trò này để giải cứu nạn nhân, hoặc để hạ bệ kẻ quấy rối và tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực.

Tỷ lệ rủi ro của kẻ chơi bẩn – mức độ rủi ro và khả năng bị vạch trần là bao nhiêu?

Nạn nhân của trò này biết thừa họ đã “bị” dựng lên, do đó rủi ro cho kẻ chơi bẩn còn phụ thuộc vào nhận thức và uy lực chính trị thương trường của vật tế thần. Kẻ quấy rối nên chú ý, những nạn nhân có nhận thức chính trị chốn công sở tốt có thể sẽ dùng chính tình huống này để gây dựng đồng minh với những yêu quái ghê rợn hơn và củng cố địa vị của mình.

Cảnh báo về an nguy cho nạn nhân – nạn nhân có thể gặp phải những rủi ro nào khi kế bẩn được tung ra?

Nếu bạn đang bị làm kẻ “giơ đầu chịu báng”, điều này cho thấy dấu hiệu của kém niềm tin và có những yếu kém nổi cộm trong mối quan hệ giữa bạn với những người cùng nhóm, nếu họ nắm quyền đuổi việc bạn thì bạn còn muốn làm việc với họ nữa không? Nói cách khác, bạn đang gặp nhiều cơ hội phát triển kỹ năng sinh tồn đấy.

THUỐC GIẢI CHO KẾ BẨN SỐ 20

Đây là trò khiến người khác lãnh rủi ro mà họ sẽ không dại gì nhận nếu không có hậu thuẫn và hỗ trợ, nhưng trong suốt thời gian đó lại có một chương trình nghị sự khác, khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn và phải “một mình chống lại mafia”.

Nếu bị đồng nghiệp chơi đểu bằng chính trò này, bạn sẽ hiểu nó đau đớn như thế nào. Đồng nghiệp của bạn rõ ràng là một lũ đớn hèn xảo trá nếu đây là phương châm làm việc nhóm của họ, nhưng bạn cũng nên tự hỏi bản thân xem mình đã ăn ở thế nào để nên nỗi họ phải làm như vậy. Tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của hậu quả mà họ có thể chỉ coi đó như một trò vui làm sáng bừng buổi chiều u ám chốn công ty, hay ở một khía cạnh khác của trò chơi, có khi họ đang trả thù hoặc trừng phạt bạn, hoặc đang tìm cách trục lợi từ vận xui của bạn. Dù có khó chịu tới đâu, bước đầu tiên trước khi đưa ra quyết định thích hợp là nhìn lại bản thân và hãy hỏi chính mình: Mình đã làm gì nên nỗi, cũng như xem xét những động lực mà họ có.

Chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy thất vọng, tức giận và bực mình trước hành vi của họ. Hãy biến đau thương thành hành động, nhưng hãy dẹp bỏ những cảm xúc cá nhân khi bắt tay vào xử lý. Có khi, mục đích chính của trò này cũng chỉ là để bọn họ trông thấy vẻ thất vọng, bực mình và tức giận của bạn cũng nên. Họ có thể đang mong chờ được nhìn thấy bạn thất bại để có được thắng lợi tinh thần, hoặc sẽ giả vờ choáng váng hay kinh ngạc trước cách ứng xử của bạn.

Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy bỏ qua chuyện này không phải ý hay, thậm chí nó còn khiến họ xổ thêm nhiều trò cay độc hơn nữa. Chiến lược khôn ngoan để ngăn chặn vụ này không cho họ cơ hội giành thắng lợi và giúp gìn giữ uy tín, sự tự tin và lòng tự tôn của bạn. Bạn nên xử lý việc này một cách cá nhân, giữa các bên liên quan với nhau mà thôi.

“Jerry, em rất lấy làm thất vọng khi mọi việc xảy ra như vậy. Anh đã đẩy em vào tình huống khó xử, anh chẳng đỡ gì cho em như đã hứa cả. Nếu chúng ta còn muốn làm việc với nhau hiệu quả trong tương lai, em nghĩ ta cần phải ngồi lại để nói kỹ hơn về việc này.”

Tất nhiên, những người hiểu biết chính trị thương trường thực thụ sẽ chẳng bao giờ để mình phải lâm vào tình cảnh này ngay từ đầu. Nếu nghi ngờ mình bị họ “cài bẫy” hoặc đã từng bị dính đòn, bạn có thể dùng những chước khác qua những câu hỏi dưới đây.

CÂU HỎI CHO NHỮNG KẺ CHỐNG LƯNG GIẢ HIỆU

– Điều gì ngăn anh tự thân vận động trong chuyện này?

– Tại sao anh muốn hỗ trợ em làm việc đó?

– Điều gì khiến anh nghĩ em sẽ thành công?

– Em sẽ hỗ trợ được gì cho anh khi anh đệ trình việc này lên sếp?

– Hỗ trợ cụ thể mà anh nói là gì vậy?

– Anh còn nhờ ai làm việc này nữa không?

– Vậy tại sao người ta lại từ chối?

– Nếu em cũng từ chối lời đề nghị của anh thì sao?

– Em sẽ phải đối mặt với điều gì nếu nhận làm trò khỉ này?

Những câu hỏi này sẽ giúp bạn thử áp lực tới đồng nghiệp. Chúng cũng là dấu hiệu cho họ biết sự nhạy bén về chính trị thương trường của bạn, đồng thời, nhắc họ nên thu đòn này về khi bạn đã đạt thắng lợi tinh thần bằng cách ngỏ ý sẽ hỗ trợ khi họ đưa ý tưởng đó lên cấp trên.

Nếu bạn đã dùng những câu hỏi trên và đồng nghiệp của bạn vẫn chưa cư xử tử tế hơn, chúng tôi khuyên bạn hãy lắng nghe trực giác của mình. Sẽ có những đội ngon lành hơn trong công ty; tin chúng tôi đi, chúng tôi đã gặp và làm việc với họ rồi.

Mẹo vặt

TẬP LUYỆN TƯ DUY CẢM XÚC

Tất cả những cảm xúc bạn trải nghiệm khi lâm vào tình huống này có thể vừa giúp đỡ vừa ngăn trở bạn. Ngay cả những cảm xúc bị cho là tiêu cực như tức giận, thịnh nộ, hay thậm chí là căm phẫn cũng có thể sẽ xắt ra miếng, nếu chúng thúc đẩy bạn thực hiện những hành động tích cực. Tuy nhiên, chúng sẽ biến thành trở ngại nếu bạn xử lý vấn đề với cơn thịnh nộ và căm phẫn. Tức giận thường sẽ bị đáp lại bằng sự tức giận lớn hơn, do đó, nó cũng giống như đổ thêm dầu vào lửa, và những trận chiến kiểu “hữu dũng vô mưu” như vậy chỉ mang lại lợi thế cho phái Gian hùng mà thôi. Mà những kẻ này lại biết rõ cách lợi dụng tình thế. Cuộc đối đầu sẽ không thuận lợi nếu bạn trở nên hung hãn, vì vậy, hãy luyện tập tư duy cảm xúc cho bạn đi là vừa.