Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 18: Trêu chọc

Trình Nặc ngồi khâu nút áo dưới ánh đèn, mặt nóng lên.
Cô khinh bỉ bản thân, đâu còn là cô gái mới lớn chưa trải sự đời mà đỏ mặt cái gì? Lòng không yên, bất cẩn đâm kim vào ngón tay.


Cô khẽ *á* một tiếng, nhìn ngón tay có giọt máu tươi ứa ra. Tính tìm khăn giấy lau đi nhưng trong phòng lại không có. Vợ chồng chú Lưu không hay dùng giấy.
Trên đỉnh đầu xuất hiện bóng mờ, cô ngẩng đầu lên, còn Tông Lãng đang cúi đầu xuống, đỉnh đầu cô chạm vào cằm anh.


“Để tôi xem.” Anh kéo ngón tay bị kim đâm của Trình Nặc đến.
Trình Nặc nói không sao, “Trước kia cũng bị thế này rồi.” Cô dùng lực toan rút tay về, song lại không đọ được sức anh.
Một giây sau đó, ngón tay được anh ngậm vào miệng. Thậm chí cô có thể cảm nhận được anh đang ʍút̼ lấy.


“Anh, anh làm gì đấy?!” Trình Nặc nhảy cẫng lên như bị điện giật, cuối cùng cũng rụt tay về được.
Tông Lãng vô tội đáp, “Hồi nhỏ nghịch ngợm nên tôi thường hay bị đứt tay, ông nội đã ʍút̼ giúp tôi thế mà. ʍút̼ hết máu thì sẽ khá hơn thôi, không tin cô cứ nhìn xem.”


Trình Nặc nhìn ngón tay, đúng là vẫn còn đau nhưng không còn máu ứa ra nữa.
Có điều cô luôn cảm thấy, anh ta cố ý. Ông nội anh giúp anh đâu có giống với việc anh giúp cô? Anh ta không hiểu cách biệt nam nữ sao?
Cô tức giận ném kim chỉ nút áo trong tay lên bàn, “Tự anh đi mà khâu!”


Nói rồi chạy bình bịch lên lầu. Ngồi trên giường, Trình Nặc bực dọc cả buổi, nhưng cũng không biết rốt cuộc mình đang khó chịu điều gì.
Không lâu sau, dưới lầu có động tĩnh, thím Ngô và chú Lưu đã về rồi. Trình Nặc nghe thấy Tông Lãng chào hỏi bọn họ rồi về nhà.


Cô lấy laptop trên bàn đến đặt trên giường. Ngồi xếp bằng, viết weibo về tiến trình sửa nhà hôm nay. Lúc gõ bàn phím, ngón tay bị kim đâm nhói đau, cô bất giác đưa tay vào miệng ʍút̼, rồi chợt nghĩ đến điều gì đó, cô vội rụt tay ra.


Bỗng điện thoại rung lên, mở ra nhìn, là Wechat của Tông Lãng —— 
Tay còn đau à?


Trình Nặc ngoái đầu lại theo bản năng, tầng hai nhà đối diện tối om. Lại nhìn điện thoại, thế là có ý gì? Sao anh ta biết tay còn đau? Post bài xong, cô đặt laptop lại trên bàn nhỏ, phát hiện không chỉ tầng hai mà cả tầng một nhà đối diện cũng không mở đèn.


Rõ ràng vừa nãy cô nghe thấy tiếng đóng cửa mở nhà đối diện mà, biết chắc anh đã về nhà, chẳng lẽ đi ngủ sớm thế sao?
Cô đứng bên cửa sổ, híp mắt nhìn sang đối diện. Điện thoại lại rung lên —— 
Tìm tôi?


Trình Nặc trợn to mắt, kéo rèm cửa lại cái soẹt, tắt đèn, ngủ. Thực sự là hai căn nhà quá gần nhau, cô nằm trên giường mà như còn nghe được tiếng cười của bên kia.


Trình Nặc nghĩ, người này không dễ dây. Những mánh lới anh giở trò với cô đã nói rõ anh có kinh nghiệm phong phú, hơn nữa với gương mặt đó của anh, không biết đã trêu chọc bao nhiêu cô gái rồi.
Co nhắc nhở mình một lần nữa, đừng có ngu ngốc.


Ngày hôm sau bắt đầu tháo vách ngăn trong nhà. Còn về mặt tường khác, vì đó là phòng của Trình Nặc mà bên trong còn có đồ dùng, sợ lỡ dỡ tường có trời mưa sẽ làm hư hại, nên đợi khi có cửa sổ mới dỡ sau.
Trong nhà hết rau rồi, Trình Nặc chào hỏi mấy người chú La rồi qua sông mua thức ăn.


Tông Lãng nói: “Hay là đến vườn rau của tôi hái đi? Không thu tiền.”
Trình Nặc nói không được, “Còn phải mua thịt nữa.”
Tông Lãng ồ lên, nhìn cô rồi thôi, không ép nữa.


Đến trấn trên, Trình Nặc đi chợ mua thịt thà cả túi lớn túi nhỏ, lúc xách về thì chợt nhớ đến chuyện cất rượu lựu. Cô liền lên baidu tìm hiểu, rồi mua một chiếc bình thủy tinh, một cái vò rượu làm bằng gốm và một miếng vải lụa trắng. Tiệm bán đồ trên cù lao có bán đường trắng, về mua đó là được.


Về nhà, mặt tường kia đã dỡ xong hết rồi. Trình Nặc nhanh chóng đi nấu cơm.
Hôm nay cô đi rất đúng lúc, có ngư dân đang bán cá bắt được trên sông. Cô mua hơn mười cân cá to tướng, tính làm món đầu cá sốt ớt.


Đầu cá rất to, phải mất sức lớn mới cắt được. Cô rửa sạch rồi ướp gia vị cho thấm. Lại lấy ớt ngâm xanh xanh đỏ đỏ trong túi gia vị đã mua ra bằm nhỏ. Bằm được nửa thì sực nhớ đến điều gì đấy, cô vội lấy điện thoại ra chụp ảnh.


Muốn hấp đầu cá phải dùng đến lồng hấp, chỗ Trình Nặc không có, nhưng cô đã thấy nhà chú Lưu có. Chạy ra ngoài mượn chú Lưu lồng hấp, chú Lưu liền đưa cả chùm chìa khóa cho cô, để cô tự đi lấy.


Lúc nói chuyện với chú Lưu, Tông Lãng đứng ở bên cạnh. Trình Nặc xoay lưng với anh, cũng chẳng nhìn lấy một cái. Cầm lồng hấp về, cô đi thẳng vào bếp.


Khi đã xử lí đầu cá xong thì hạ nồi hấp xuống, bắt đầu xử lí đuôi cá. Phi lê thịt cá, chuẩn bị làm món cá cay nấu dầu. Còn xương cá cùng phần đuôi thì dùng để kho.


Hơn mười cân cá làm thành ba món ăn, món nào cũng làm rất nhiều. Rồi Trình Nặc lại xào thêm hai dĩa rau. Một người mà phải xào rau rồi lại thêm lửa, đúng là bận rộn. Cứ chạy qua chạy lại liên tục. Lúc làm cá cay nấu dầu, nấu ớt chung với dầu, trong phòng bếp lại không có máy hút khói nên cả một phòng toàn khói dầu, Trình Nặc bị sặc ho khan liên hồi, nước mắt cũng sắp chảy xuống.


Không biết Tông Lãng đi vào lúc nào, anh cầm lấy muôi trong tay cô, bảo cô ra ngoài, “Cô đi ra đi, để tôi.”
Trình Nặc ngẩn người, hỏi anh: “Anh biết làm à?”
Anh nhướn mày với cô, “Sống một mình mười mấy năm, không biết nấu ăn thì ăn cái gì.”


Trình Nặc nghe thế thì thôi khách khí, chạy ra ngoài hít thở không khí, quả thật cô bị sặc quá rồi.


Thế nên món cá cay nấu dầu kia được một mình Tông Lãng hoàn thành. Đợi dọn thức ăn lên bàn, mọi người cùng vào ăn cơm. Cá cay nấu dầu nhìn khá đẹp mắt, nước dùng bóng nhẫy, miếng cá trắng nõn. Chú Lưu gắp đũa đầu tiên, kết quả cho vào miệng nhai thì suýt nữa nhổ ra.


“Tiểu Trình này, hôm nay miếng cá này hơi mặn đấy.”
Trình Nặc nghe thế liền gắp một miếng, cho vào miệng liền nhổ ra ngay. Chú Lưu nói giảm quá rồi, đâu phải hơi mặn, có mà trút cả lọ muối.
Cô nhìn sang Tông Lãng, anh không hề ăn món đó mà chỉ ăn mỗi đầu cá.


Cô nói: “Món cá này không phải…”
Còn chưa dứt lời thì chân bị người ta đá ở dưới bàn. Cô cúi đầu nhìn, là Tông Lãng. Lại nhìn sang anh, anh vẫn đang ăn đầu cá, không nhìn cô.
Cô nói tiếp: “Con cá này…”
Chân lại bị đá nữa, cô nhìn anh: “Anh đá tôi làm gì?”


Tông Lãng ra chiều khó hiểu, “Ấy, xin lỗi, đụng phải.” Rồi nói tiếp: “Chú Lưu ăn đầu cá đi, mùi vị không tệ, vừa tươi lại đậm vị.” Nói rồi gắp cho chú Lưu một miếng lớn, rồi cũng gắp cá cho chú La và bác Ngô, lúc đến lượt Trình Nặc, cô cầm bát lên không cho anh cơ hội.


Thế là mọi người đều tập trung vào món đầu cá, khen Trình Nặc nấu rất ngon. Ăn xong bữa cơm, những món khác đều hết sạch, chỉ có mỗi món cá cay nấu dầu là không ai động đến.
Lúc dọn dẹp Trình Nặc thấy uổng, lãng phí nhiều quá. Nghĩ bụng sau này không thể tin Tông Lãng được nữa.


Ăn xong lại nghỉ ngơi một hồi, rồi đội thi công tiếp tục làm việc. Trình Nặc vẫn nung nấu ý định làm rượu lựu. Hái hết lựu trên cây xuống, đầy ụ hai túi to. Ngồi trên ghế nhỏ ở sân trước, cô tốn hai giờ mới bóc được hết vỏ lựu, sực nhớ đường trắng trong nhà không đủ, cô liền lấy tiền lẻ đến tiệm nhỏ.


Hôm nay là cuối tuần, mặt trời êm dịu, trên đường đi Trình Nặc gặp vài người đến du ngoạn, cũng cầm điện thoại hoặc máy ảnh chụp khắp nơi.


Lúc đến trong tiệm, cô thấy có hai người đàn ông trẻ tuổi lạ mặt đang mua đồ, đứng trước quầy bán thuốc lá, chọn một lúc rồi cầm lấy mấy gói. Thấy Trình Nặc đến, bọn họ nhét gói thuốc vào túi rồi đi ra ngoài.


Trình Nặc đuổi theo gọi bọn họ lại theo bản năng: “Này, các anh chưa trả tiền!”
Một người trong đó ngoái đầu lại hỏi cô: “Cô là chủ tiệm à?”


Trình Nặc nói không phải. Người kia nói: “Không phải chủ thì bớt xen vào chuyện của người khác đi!” Nói rồi cùng bạn mình đi về phía bến phà.


Trình Nặc nghĩ đến chủ tiệm mình chưa gặp mặt bao giờ, không đành lòng thấy đồ trong tiệm anh ta bị trộm, thế là lớn tiếng quát: “Bắt kẻ trộm! Người đâu, bắt kẻ trộm!”


Ban ngày, trừ mấy người già ra thì những người khác trên cù lao đều đến lều lớn làm việc. Trình Nặc có gào lớn đến đâu cũng không có tác dụng. Ngược lại hai người kia nghe thấy, quay đầu bặm trợn đi về phía cô. Trình Nặc sợ hãi nhấc chân chạy, vừa chạy vừa kêu, vô tình gặp phải một nhóm người đến chơi, nhưng bọn họ vốn không muốn xen vào việc của người khác nên lùi về sau ven đường.


Trình Nặc chạy thẳng đến nhà, chạy được nửa ngoái đầu nhìn lại, hai người kia không đuổi cô nữa mà đi về bến phà rồi. Cách nhà cô đã không xa, cô lớn tiếng kêu to: “Tông Lãng, mau đến bắt ăn trộm!”


Trên cù lao rất yên tĩnh, lại không có gì cách trở, nên khi cô kêu thế Tông Lãng cũng nghe thấy, ném việc trong tay đi sải bước chạy ra chỗ cô.
“Sao đấy?” Anh hỏi.
Trình Nặc chỉ vào hai người đã đi xa, “Bọn họ trộm đồ trong tiệm!”
Vừa dứt lời Tông Lãng đã đuổi theo.


Hai tên kia không ngờ sẽ có người đến bắt mình nên cũng không đi nhanh. Loáng cái Tông Lãng đã đuổi kịp, đạp vào lưng một tên trong đó làm gã bổ nhào xuống đất.


Một tên khác kịp phản ứng, quay sang tính phản kích nhưng Tông Lãng đã tóm lấy tay hắn, bẻ ngược tay ra sau lưng. Lúc Trình Nặc chạy đến thì hai tên kia đã nằm trên đất.
Cô nhìn Tông Lãng với vẻ bội phục, không ngờ anh còn biết đánh nhau.


Hai tên trên đất lồm cồm bò dậy, tính đập lại. Đột nhiên sau lưng Trình Nặc có tiếng bước chân, ngoái đầu lại nhìn, chú La, chú Lưu, bác Ngô, mỗi người cầm gậy gỗ chạy đến đây. Chú Lưu vừa chạy vừa kêu: “Không được chạy! Không được chạy! Ông đây đánh chết mấy thằng oắt con nhà mày, dám lên cù lao trộm đồ!”


Hai tên kia nhìn đội hình này, lập tức co cẳng toan bỏ chạy, song đã bị Tông Lãng giữ lại, “Lấy đồ ra!”
Chúng vội lấy thuốc trong túi ra, đến bảy tám bao, đều là loại đắt nhất trong tiệm. Ném thuốc xuống đất, chúng vội chạy thục mạng về bến phà.


Tông Lãng cũng không đuổi nữa, nhặt thuốc lá lên, nói với ba người chú Lưu: “Không sao, hai tên thanh niên, chắc thấy không có người nên nảy lòng tham.”
Chú Lưu vẫn bất bình, “Bao nhiêu năm nay trên cù lao chúng ta đâu có bị trộm đâu, thế mà hai đứa người ngoài mà cũng dám chạy đến trộm!”


Trình Nặc cũng nói, “Chủ tiệm cũng rộng lượng quá rồi, anh ta ở đâu vậy, hay là gọi anh ta đến kiểm tra xem, xem có bị trộm gì nữa không.”
Lời vừa nói ra, cả chú Lưu và chú La đều sửng sốt, bác Ngô tuy không nghe rõ nhưng cũng ngẩn ra.
Chú Lưu nói: “Không phải chủ tiệm là…”


Tông Lãng ngắt lời chú, “Không phải chủ tiệm không ở trên cù lao à, nếu anh ta ở đây, sao anh ta có thể không đến trông tiệm?”
Trình Nặc bất ngờ a lên, không để ý đến Tông Lãng đang nháy mắt với mấy người chú Lưu.


“Rốt cuộc ông chủ này là ai thế, không ở đây, nhưng lại chạy đến đây mở tiệm.” Đúng là kỳ quái thật.


Chú Lưu mất tự nhiên ho khan, nói: “Đúng thế đúng thế, ông chủ kia là người tốt, còn không phải do thấy mấy người già trên cù lao như bọn chú không tiện qua sông mua đồ à, nên mới mở một tiệm nhỏ như thế, bán ít đồ dùng hằng ngày. Hơn nữa giá cũng rẻ hơn so với bên bờ.”


Trình Nặc ồ lên. Trong đầu nghĩ hèn gì trong tiệm chỉ có vật dụng hằng ngày với dầu muối tương giấm, nhưng lại không bán nước. Thì ra là vì người ở đây vốn không cần phải mua nước.


Xem ra ông chủ này thật sự là một người tốt, cô nghĩ nếu ông chủ đã cân nhắc vì cư dân trên cù lao, thế thì cô là một thành phần trong số cư dân ở đây, cũng nên có trách nhiệm nhắc nhở chủ tiệm. Thế là Trình Nặc chạy đến tiệm bán, định bụng để lại một bức thư đề nghị đầy thành tâm.