Một nửa đàn ông là đàn bà

P2 - Chương Ba

 Tôi ngồi xổm ngay cửa nhà ăn, lùa xong suất cơm, một bên tay kẹp cái chậu ăn, vai kia vác chăn đệm, tôi về nhà ngủ tập thể nơi tôi đã ở trước kia, vất bịch chăn đệm lên sạp gường:

- Ớ này, còn hai cậu nữa đâu?

Nhìn hai sạp gường trống trơn tôi hỏi Chu Thụy Thành đang ngồi xếp bằng tròn trên gường. Thành có cái mồm chuột chù nhưng mặt mũi trông cũng thanh tú. Đang kéo nhị anh ta ngẩng đầu lên bảo:

- Lập gia đình hết rồi, chỉ còn trơ lại mình cậu độc thân thôi đấy.

Anh ta nhếch mép cười có ý lấy lòng, nhưng lại cố tình tỏ vẻ khiêm nhường rất bề trên. Chỉ có kẻ độc mồm độc miệng mới có kiểu cười ấy. Tôi độp lại ngay:

- Vẫn cứ hơn anh đi: tôi thì không có vợ, còn anh thì có vợ mà chẳng được về với vợ!

Anh ta im lặng, lại cúi đầu kéo khúc << Lưu Dương Hà >>. Ngón nhị của anh ta khá mùi mẫn, tiếng nhạc buồn bã sâu lắng, nhưng anh chỉ chơi bài << Lưu Dương Hà >> mà thôi, chưa bao giờ chơi một bài nào khác.

Anh là << vật tư dồi thừa >> trong nhà tù, nguyên là trưởng phòng cung ứng của sư đoàn xây dựng nông trường. Năm ấy để nhét đầy nhà tù, người ta lôi từ sư đoàn bộ và nông trường các trung đoàn về không biết là bao nhiêu là ma vương quỷ sứ. Chúng tôi đã từng bị giam chung một chỗ. Về sau xoá bỏ nhà tù, thì tất cả bọn ma vương quỷ sứ đều trở về đơn vị cũ, có người được trở lại nguyên chức. Riêng có anh không được thả, vẫn ở dãy nhà độc thân của đại đội này, cùng với cánh công nhân nông trường không vợ con chúng tôi, đã được mấy năm rồi, mà chẳng ai biết thân phận anh ta là thế nào..

Tiếng đàn vang vọng rập rờn trong bốn bức tường đất, tôi giải chăn đệm và ngả người xuống giường, ngắm nhìn cái mồm chuột chù và chòm râu nhọn hoắt của anh ta. Trời tối dần, vóc dáng già nua của Thành cứ nhỏ dần đi, cuối cùng chỉ là một bóng đen. Chỉ có dòng nước trong vắt của con sông Lưu Dương rì rầm chảy, như cố sức thoát ra khỏi căn nhà nhỏ rách nát tiêu điều này, qua các cửa sổ và khe cửa chính mà róc rách tuôn chảy ra ngoài. Căn phòng quạnh quẽ, không khí quạnh hiu, cả tiếng nhạc cũng thật cô quạnh.Tôi chợt hiểu tiếng đàn của anh << Lưu Dương Hà >> có phổ lời vào thì mới trở thành ca khúc ca ngợi lãnh tụ vĩ đại, chứ riêng làn điệu thì chỉ thuần túy là điệu dân ca Hồ Nam. Âm vực vừa phải và cái quãng nhẩy tương đối hẹp ấy, thể hiện ra một cách nền nã nuột nà làn điệu trữ tình ưu uất sầu tư.

Tôi ngồi dậy, ý tứ hỏi anh ta bằng giọng của người có lỗi:

- Nhớ nhà lắm phải không?

Trong bóng tối, chỉ thấy anh ta hai mắt thẫn thờ, nhìn đăm đăm vào bản nhạc hay một người, một vật nào đó ở trước mặt, mà mắt tôi không thể trông thấy được. Một lát sau, anh mới thận trọng nhẹ nhàng đặt cây nhị xuống, thở dài não ruột, nhưng lại trả lời khác hẳn:

- Có nhớ nhà đâu, chỉ vì công việc nặng quá nên làm mệt đấy thôi!

Anh chỉ dám lén lút gửi chút tình cảm riêng tư vào điệu nhạc ca khúc cách mạng chẳng khác nào tên buôn lậu, gửi món hàng trái phép của mình quá giang trên những chuyến tàu xe hợp pháp, để chuyên chở tới nơi hắn cần đến. Giá mà anh dám bộc bạch những lời thổ lộ can tràng, thì chúng tôi đã chuyện vãn được với nhau rồi. Anh đã tốt nghiệp một học viện quân sự nào đó của Quốc Dân đảng, vốn học thức khá sâu. Nhưng anh chẳng chuyện trò tâm sự bao giờ, thường ngày cũng ít nói ít cười. Có lần tôi gọi đùa nhà ngủ tập thể này là << ủy ban độc thân >> nghe vậy anh hãi hết cả hồn, tới một xó xỉnh hẻo lánh, anh mới thận trọng nhắc nhở tôi:

- Trời ơi! Cậu Chương, sao cậu lại cả gan gọi là ủy ban gì thế hả. Lãnh đạo họ chúa hay để ý tới việc có tổ chức này nọ đấy, người ta mà nghe được thì nguy to chứ chẳng chơi!

Mà nào anh có mắc bệnh tâm thần gì đâu. Anh thường ngồi úp mặt vào tường nắn nót viết đơn khiếu nại bằng nét chữ chân phương thật đẹp.

- Thế nào? Vẫn chưa có hồi âm ư? - Tiếng nhạc quạnh hiu khiến tôi thông cảm đồng tình với anh. Tôi lại hỏi:

- Suốt mùa đông tôi ở trên núi, cứ tưởng anh được về nhà lâu rồi kia đấy. Té ra anh viết nhiều như thế mà vẫn không ăn thua gì.

- Sao lại không ăn thua?

Anh nói nghiêm túc - Chỉ tại trên chưa nhận được đấy thôi. Chắc là bị người nào ách lại ở đâu đó. Cậu phải biết mình là người đã từng lập công đấy.

- Anh đã lập công ư? – Tôi tò mò hỏi – Anh lập được công gì thế? Hay là sau khởi nghĩa, anh còn tham gia chiến đấu trong Giải Phóng quân.

- Ôi cậu đâu có biết – Anh chán chường nằm xuống, dường như để nhớ lại dĩ vãng - << Đại cách mạng văn hoá >> mở màn, lúc ấy chúng tớ tập trung học tập ở sư đoàn bộ, tài liệu về quá khứ của rất nhiều người ở bộ đội khởi nghĩa của chúng tớ trước kia, đều là do tớ cung cấp…..

Nghe vậy là tôi hiểu ngay tất cả: những phần tử Quốc Dân đảng trước đây đã theo về với cách mạng bị anh tố giác cung cấp về quá khứ cho cấp trên, bây giờ không biết những ai đã được minh oan, khôi phục chức vụ ở ngành nông trường. Người đó đã ách lại giữa chừng những lá đơn khiếu nại của anh ta.

Chính công lao tố giác của anh đã quay lại làm hại anh. Nhưng bản thân anh là người trong cuộc lại chẳng biết gì.

- Tốt thôi anh cứ viết cho hay vào, cho nhiều vào. Thế nào cũng có ngày cấp trên nhận đươc, dứt khoát đến ngày anh được về - Tôi an ủi anh.

- Hừ! Hãy đợi đấy!

Tôi nhanh chóng tụt khỏi giường đi ra ngoài. Tôi đã gặp rất nhiều kẻ thích đi tố giác người khác. Chủ nhiệm ban doanh nghiệp chỉ là một tên trong số đó thôi, và đây lại thêm một tên nữa! Nhưng bây giờ thì hình như anh đã bỏ nghề tố giác rồi, chỉ chuyên viết đơn khiếu nại thôi. Lúc đầu thì đi vu cáo hãm hại người ta, về sau lại đi thanh minh khiếu nại cho mình. Đấy cũng là một kiểu số phận của con người!

Trong đêm tối bỗng hôi nồng nặc mùi hố phân khăm khẳm.

Phải chăng sắp trở trời chăng?

Nhưng cũng phảng phất hương thơm thanh khiết mát lịm cả tâm can của hoa liễu quế huơng.

Đã cuối xuân rồi còn gì.

Trong nhà họ lắp một bóng đèn to quá mức quy định, tôi bước vào mắt lim dim vì chói.

- Xin chào các vị đang làm gì đấy? Đánh cờ à?

Cô ta ngẩng đầu lên, cười khúc khích.

- Cờ bạc gì đâu, chẳng qua bà Mã nhờ tôi viết hộ lá đơn khiếu nại.

Hai người ngồi đối diện nhau, cùng cúi xuống một chiếc rương gỗ cũ kỹ, trên rương là một tờ giấy trắng. Lúc ấy tôi mới nhìn thấy tay cô đang cầm cây bút.

Bà Mã bảo tôi:

- Cậu Chương ơi! Cậu đã đến, tôi thấy phải nhờ cậu viết hộ thôi, cậu văn hóa cao mà.

- Xin lỗi bà, tôi chưa hề viết đơn khiếu nại hộ ai bao giờ - Tôi bảo - Nếu bà viết đơn đăng ký kết hôn, thì tôi sẵn sàng viết hộ ngay. Bảo đảm là trên sẽ phê chuẩn.

Bà Mã mắng ngay:

- Đồ quỷ sứ cái nhà cậu này! Tôi mà kết hôn ư? Ai người ta lấy mà kết? Có mà hết hồn ấy chứ.

Tôi cười hì hì bảo:

- Kết hôn với Chu Thụy Thành ấy. Vợ lão ta bỏ đi với người khác rồi, có lẽ lão ta chưa biết đâu. Hai người đẹp đôi đấy, lão ta cũng đang viết đơn khiếu nại mà.

Bà Mã cũng cười:

- Cái cậu này, chẳng bao giờ nói chuyện cho nghiêm chỉnh cả. Cậu em của tôi ơi, cái đời cậu chỉ khổ vì cái mồm thôi, cậu em ạ!

- Tôi nói thế không đúng ư? – Tôi suồng sã ngồi lên giường bà Mã, giường bà đối diện với cô ta – Tính tôi xưa nay rất nghiêm túc đứng đắn. Có điều thời buổi này chuyện đứng đắn nghiêm chỉnh người ta coi như trò đùa, còn chuyện bậy bạ hoang đường lại coi là đứng đắn - Với lại tôi trước sau năm lần mắc tội, có lần nào mắc tội vì lỗ miệng nói ra đâu, mà vì tay tôi viết đấy chứ! Bà xem, người như tôi, bà còn nhờ viết đơn khiếu nại cho bà sao được? Biết đâu càng viết càng tồi tệ, rồi bà lại bị bắt giam mất thôi.

Bà Mã lên tám tuổi đã về làm con dâu nuôi dấm sẵn trong nhà địa chủ nhỏ ở Sơn Đông, được tám năm thì quê bà được giải phóng. Người chồng hơn bà mười tuổi trong chiến tranh loạn lạc, không biết chạy đi đâu mất. Đoàn trưởng bần nông ở quê bà, đem lòng yêu bà, nhưng cô dâu hờ mười sáu tuổi đầu ấy lại dại dột chối từ hạnh phúc. Ông đoàn trưởng bần nông tức quá hoá thù, chờ mãi tới năm 58 << đại nhảy vọt >> mới kiếm được dịp tốt trả thù chụp cho bà cái mũ con nhà địa chủ. Bà đau khổ uất ức trốn đến cái nông trường ở một tỉnh xa xôi heo hút này, làm công nhân nông nghiệp.

Tờ lệnh truy nã đuổi sát sau lưng bà cho tới năm 1963 trong phong trào << giáo dục Xã Hội chủ nghĩa >> người ta đã tìm ra bà, nông trường bèn coi bà là địa chủ bỏ trốn xử bà ba năm tù. Tuy đã mãn hạn tù và đã được phóng thích từ lâu, nhưng đến nay bà vẫn là địa chủ. Bà viết đơn là để xin bỏ cái mũ oan uổng ấy đi. Nhưng chính miệng bà đã kể với tôi, cái ông bí thư đoàn trưởng bần nông ấy bây giờ làm bí thư công xã ở quê bà.Việc đánh giá phân loại địa chủ tốt xấu, phải thông qua chính quyền địa phương, thế thì có khác gì bỏ đơn khiếu nại vào bồ giấy lộn mà thôi.

Người ta sống là phải có hy vọng. Tôi không nỡ nhẫn tâm dập tắt niềm hy vọng của bà, đành phải đùa tếu cho bà khuây khỏa phần nào.

- Cậu Chương này, cậu cũng phải khiếu nại đi mới được. Cậu xem ra cũng sắp bốn mươi rồi. Cậu mà được minh oan, vẫn còn về trường dạy học được đấy – Bà Mã nhìn tôi, nói rất chân thành.

Người ta thường tưởng rằng cái gì mình thích ăn thì cái ấy là thứ ngon nhất trên đời, mong muốn người khác cũng nếm thử xem.

Tôi móc túi lấy thuốc, mắt chăm chú nhìn mặt bà Mã. Đúng là một khuôn mặt khác thường! Bà chỉ hơn tôi bốn tuổi, dường như mỗi một ngày trôi qua, đều để lại trên mặt bà một vết nhăn. Hèn nào, cả ông cụ bảy mươi cũng gọi bà là bà lão.

- Bà cứ về đi! Tôi nghĩ bà cứ về quê hương bản quán của bà đi! Khuôn mặt bà chính là lá đơn khiếu nại đầy đủ nhất. Để cho lão đoàn trưởng bần nông ngày xưa, lão bí thư công xã bây giờ ấy, nhìn lại xem: << anh còn có nhận ra được người thiếu phụ xinh đẹp mà anh từng đeo đuổi không!? >>. Nếu như lão còn đôi chút lương tâm, dứt khoát lão sẽ minh oan cho bà.

Nhưng e rằng loại người ấy thì một mi-li-gam lương tâm cũng chẳng còn đâu.

Song bà vẫn đang hy vọng,không những bản thân mình ôm ấp hy vọng, mà còn chia sẻ hy vọng với người khác. Vẻ lương thiện ẩn dấu dưới những nếp nhăn chi chít ngang dọc, khiến cho khuôn mặt bà vẫn le lói chút ít hồi quang của vẻ đẹp mười sáu xưa kia.

- Bà khác tôi khác – Tôi châm thuốc nói với bà – Tôi thoạt đầu là phái hữu, rồi sau là thành phần phản cách mạng, tôi không biết phải khiếu nại việc nào nữa. Bà mà cất bỏ được mũ địa chủ thì muôn sự tốt lành! Bà nên viết đi, thế nào cũng có ngày mọi chuyện sẽ được làm rõ cho bà.

Tôi thật lòng cầu chúc cho bà

- Ôi – Bà Mã cười thở dài – Làm rõ được thì tốt quá. Cuộc sống đày đọa oan ức thế này, cực nhục lắm! – Quay sang cô ta bà hỏi – Chúng mình viết tới đâu rồi nhỉ? Năm1963…..

- Thôi lát nữa hãy viết – Cô bỏ bút xuống, ngả người tựa lưng vào tường – Có khách đến chơi, phải chuyện trò một lát đã chứ bà.

- Phải rồi, phải rồi – Bà Mã rối rít xin lỗi - Cậu xem tôi cứ mụ mị cả lên vì lo cho mình. Cô cậu ngồi chơi tôi đi kiếm chút mực đã.

Bà Mã cố tình lánh đi chỗ khác.

Đúng là một bà già tinh tế, ý nhị.

Thế mà bà lại không nhận biết được sự nâng đỡ cất nhắc của đoàn trưởng bần nông.

Kết quả là…..

Mùi hương hoa liễu quế hương càng đậm đà hơn, hình như sắp có mưa bão, hương thơm ùa vào phòng qua cửa sổ và khe cửa chính. Căn nhà nhỏ kia mọi thứ bên trong đều muốn thoát ra, còn căn nhà này mọi thứ bên ngoài đều muốn ùa cả vào.

Tôi hỏi:

- Sao cô không viết đơn kêu oan cho mình?

- Dào! Vớ vẩn! – Cô cười lạnh lùng - Chuyện tình cảm ai dãi bày cho ra lẽ được? Không tôi sai thì anh ta sai. Mà tôi vào lao cải rồi, thì còn bới chuyện ra làm gì nữa! Với lại, dẫu có minh oan được cho tôi thì ba năm trời đã trôi đi qua ấy, làm sao tìm được để đền bù cho tôi nữa.

Tôi không biết nói gì hơn, cô nhìn vấn đề còn sâu hơn tôi.

Cô mặc sơ mi trắng, khuy cổ không cài, cổ áo trễ xuống, để lộ một mảng ngực hình tam giác, nước da vẫn trắng ngà, chẳng phải sờ vào đó cũng cảm thấy làn da ấy vẫn ấm nóng mịn màng….Tôi mỉm cười.

- Anh nên làm đơn khiếu nại đi! – Cô nói – Anh phải lần lại từ đầu, từ cái chuyện phái hữu ấy. Những việc về sau này, kỳ thực đều từ đấy gây ra cả thôi. Anh được minh oan, biết đâu chẳng đúng như lời bà Mã, lại được đi dạy học…….

- Thôi thôi, cho qua thôi – Tôi xua tay gạt đi – Chính vì phải lần lại từ cội rễ, cho nên giờ đây tôi mới không hơi đâu mà bới ra nữa.

- Vậy chờ đến bao giờ?

Tôi rời mắt khỏi mảng ngực hình tam giác, nghĩ xem trả lời cô thế nào.

- Chắc anh còn chưa biết – Cô ngồi thẳng dậy - Đặng Tiểu Bình được minh oan rồi đấy.

- Thế à? – Đúng là một cái tin khiến tôi sửng sốt và phấn khởi, thảo nào mà bây giờ viết đơn khiếu nại đã thành cả một phong trào – Có thật thế không?

 - Đúng là như vậy, người ta đã ra làm việc rồi.

Cái điều mà ban chiều cô bảo muốn nói với tôi có lẽ là việc này đây.

Việc này vốn phải tuyên truyền trên báo, trên đài để mọi người đếu biết, đằng sau báo và đài, chắc chắn còn phải có bao nhiêu là văn kiện viền đỏ từ số hàng đơn vị cho tới tận số hàng trăm đấy chứ. Nhưng ở khu công nhân nông trường heo hút hoang vắng này, ở cái làng nhỏ được thu gom lại bằng những thứ linh tinh tạp nhạp do gió trời tung đến một cách vô ý thức, dưới con mắt một người sống ở các làng nhỏ này như tôi, thì công việc quốc gia đại sự được truyền đến đây, qua con đường môi giới trung gian, chẳng khác gì một chuỗi chữ tượng hình, một chuỗi dấu hiệu, là nó đấy, mà cũng chẳng phải là nó đâu. Phải qua những nét chữ gẫy khúc ngoằn ngoèo ấy mà tìm cho được con đường đến với nó. Nhưng các nét chữ gẫy khúc ngoằn ngoèo ấy đã tạo nên một mê cung Mi-nôx thật sự, người ngoài cuộc dứt khoát không thể nào lý giải được. Bộ máy nhà nước khổng lồ ở tầng cao nhất, thông qua không biết bao nhiêu tầng khởi động dây chuyền, hết nấc này sang nấc khác truyền lực của nó xuống dưới, đến được đất này, chẳng khác nào hành trình của ánh sáng mặt trời phải qua sự phản xạ của mặt trăng để tới trái đất. Đầu dây thần kinh của chúng tôi, chỉ có thể cảm nhận mong manh cái rung động khẽ khàng ấy mà thôi.

Ở đây, từ cái việc lớn như tăng giảm định lượng lương thực, cho tới cái việc bé như hôm nay ông bí thư chủ động mời tôi hút một điếu thuốc lá, anh hãy đi săn lùng những tin tức kỳ diệu sâu xa trong đó. Lý giải không nổi đâu, hoàn toàn phải nhờ vào cảm giác, cho nên mọi thứ đều trở nên thần bí; sao băng, động đất, gà mái gáy, quái thai, hài nhi lông lá cùng các hiện tượng tự nhiên ly kỳ quái gở, rồi Việt Nam đình chiến, Xi-Ha-Núc thăm Trung Hoa, văn chương đại cà sa của Diệu Văn Nguyên°, thứ tự sắp xếp họ tên trong các đại tiệc quốc gia, cùng mọi tin tức vỉa hè, thông tấn bờ bụi dường như đều có ý nghĩa quan trọng ngang nhau đối với xã hội. Đây là thời đại thịnh hành học thuyết << thiên nhân hợp nhất >>, trời với người hợp thành là một; chúng ta đã quay lại thời kỳ trung cổ.

Tôi gắng sức tìm hiểu qua chính trị kinh tế học, và mọi điều trong sách vở đều rõ ràng minh bạch. Trên nét lớn tôi biết rõ xã hội phải đi theo phương hướng nào. Sự lý giải đó không những là chỗ dựa cho tôi sống còn mà còn hoá thành những xúc tu trực giác trong tâm hồn tôi. Nhưng hễ chạm vào thực tế, là lập tức rối tung cả lên: tin tức truyền tới hiện ra theo thứ tự phi tuyến tính, hơn nữa mang tính tùy tiện cực đại. Chúng tràn ra khỏi mọi nền nếp thông thường, và gây nhiễu cả trực giác, chẳng khác nào cơn mưa kim loại do máy bay tung ra để làm nhiễu sóng rađa.

Nhưng lần này tin tức khác hẳn mọi khi, trực giác báo cho tôi hay rằng ở ngoài kia thật sự đã có biến đổi. Một cột lửa đã luồn qua ống khói; một dòng máu nóng truyền khắp mọi huyết quản toàn thân tôi. Cũng từ một chiếc thuyền ngã xuống, kể gì người ngã xuống trước, kẻ lăn xuống sau, giờ đây rút cuộc đã có một người leo được lên thuyến, hơn nữa lại giữ chân thuyền trưởng, thì việc đầu tiên theo lẽ thường là ông ta phải chỉ huy công việc cứu vớt. Còn như sau này con thuyền ấy sẽ hướng về đâu trên biển cả mênh mông, thì phải đợi cứu vớt cho hết những người bị nạn đã hẵng hay.

Cô nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi. Đôi mắt đàn bà không phải mắt cừu, nhưng lại giống hệt mắt cừu: dịu hiền, hoài nghi, cảnh giác, do dự. Giờ đây tôi có thể nói gì với cô? Một thứ cảm giác mông lung mơ màng không thể coi là sự lý giải, mà dẫu có lý giải được cũng khó mà lọt vào được toà mê cung ấy. Tôi đâu có muốn đánh chìm con thuyền lớn ấy: tôi đã ngã xuống nước rồi, thì tất cả đều phải ngã xuống hết đi! Con thuyền lớn ấy phải dành một chỗ cho tôi! Tôi chỉ muốn trở về con thuyền lớn đó hong khô quần áo, liếm sạch vết thương trên mình, duỗi bốn tay chân ra sưởi nắng và tự đáy lòng ấp ủ một nguyện vọng thầm kín: tham gia vạch hướng đi cho con thuyền. Kinh nghiệm mười mấy năm qua đã chứng minh: có thể do một người cầm lái, nhưng không thể để cho người ấy thích lái thuyền đến đâu thì thuyền sẽ đi đến đó. Cơ mà. liệu có thể nói những điều ấy cho cô ta nghe được chăng?

Đèn điện vẫn toả sáng trắng loá mắt, tôi không quen với thứ ánh sáng này nữa rồi Ở chuồng cừu này mấy tháng nay, chỉ đốt một chiếc đèn dầu hoả như ở thế kỷ trước. Tôi yêu thích cái ấm áp trong bóng tối, tưởng tượng rằng những lời thỏ thẻ rì rầm trong bóng tối, nhẹ nhàng êm ái vuốt ve tâm hồn cô quạnh của tôi…. Và giờ đây trước mặt tôi đang ngồi là một người đàn bà bằng xương bằng thịt hẳn hoi, hơn nữa lại là cô ta! Cô đang khuyên tôi, bằng một giọng nói tha thiết du dương. Nhưng giọng nói ấy nghe ra cứ ỡm ờ lơ lửng dường như có điều ý tại ngôn ngoại. Tôi bỗng hiểu ra ý nghĩa dò hỏi trong ánh mắt cô, căn buồng giờ đây có hai ta, một người đàn ông không vợ với một người đàn bà không chồng, lẽ nào chỉ quanh quẩn khiếu nại với minh oan, ngoài ra không còn chuyện gì nói nữa sao?

Ánh mắt cô không những có vẻ thăm dò, do dự, mà luồng sáng long lanh trong mắt cô còn chứa đựng cả sự chờ đợi, ước ao và hứa hẹn. Dường như cô sẵn sàng tư thế, chỉ còn chờ tôi xông lên tiến công. Nhưng chắc chắn là cô không chống trả, cô đã sẵn sàng tan rã hoàn toàn trước đòn tấn công của tôi rồi. Tôi ngồi trên giường bên này, cô ngồi trên giường bên kia, giữa là một rẻo đất nâu sẫm, không đầy hai mét. Rẻo đất ấy đúng là con sông << Hán giới Sở hà >> trên bàn cờ tướng, anh cho nó là thành cao hào sâu thì nó là thành cao hào sâu, còn anh cho nó là chẳng có gì đáng kể thì nó lập tức biến đi, búng tay một cái là hết nhẵn ngay.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Trên mặt trên môi cô thoáng hiện một nét cười khó hiểu và thần bí, sự vẫy gọi táo bạo và thầm lặng dồn dập nổi lên trong không khí tĩnh mịch. Cô vẫn mặc áo quần đấy, nhưng dưới lần quần áo mỏng tang hằn rõ những đường cong tuyệt diệu. Một cơ thể khoả thân trần như nhộng lại hiện rõ trước mặt tôi, cái hăng say về chính trị và cái rạo rực về tình dục xem ra rất giống nhau, đều là kích thích tố nội tiết trong cơ thể ngươi ta. Nó kích thích người ta lao mình vào: dũng cảm, kiên định, tiến thủ, chiếm hữu, để dành lấy sự thỏa mãn và niềm vui sướng của sự dâng hiến. Hôm nay là ngày tốt lành, mọi sự tốt lành làm sao lại đổ dồn cả vào một ngày hôm nay thế này? Thật đáng ăn mừng lắm! Tôi như đã được giải phóng một nửa rồi! Mặt tôi môi tôi cũng thoáng một nụ cười khó hiểu và thần bí! Tôi nghĩ là cô lý giải được, tôi nghĩ là cô có thể biết tôi đang nghĩ gì, một khi cô đã từng phân biệt được những ánh mắt khác nhau của những người đàn ông.

Kích thích tố màu vàng ấy cứ tăng dần lên mãi. Tôi đã ngà ngà say. Tôi đã cảm nhận được một niềm hạnh phúc nơm nớp thấp thỏm, một trạng thái căng thẳng cực kỳ khoái lạc. Tôi lại cảm thấy miệng khô lưỡi bỏng, y hệt như giữa bãi lau lách năm nào……

Nhưng đúng vào lúc tôi toan nói một câu, toan làm một điều gì đó, thì bà Mã đẩy cửa bước vào.

- Chà, đi khắp mà không kiếm được mực – Bà Mã đưa ánh mắt như tò mò dò hỏi liếc nhìn tôi và cô ta – Cái số mình sao mà khổ thế, viết lá đơn khiếu nại mà cũng khó khăn trầy trật.

- Bà ra văn phòng mà xin – Cô xui bà - Chỗ kế toán có đấy.

- Ôi đâu dám thế! – Bà Mã giả bộ sợ sệt nói – Bí thư Tào lại hỏi: chị viết gì? Chị chẳng có ai thân thích bạn bè, thì viết thư cho ai? Chắc chắn lại viết đơn tố giác thôi!

Chúng tôi đều phá lên cười thoải mái. Khuôn mặt nhăn nheo của bà lại ánh lên nét ngây thơ hồn nhiên của tuổi muời sáu.

- Chỉ có cô cậu là hay – Bà Mã nói - Cứ phớt lờ nó đi, là chẳng buồn phiền gì nữa – Bà lại ngồi xuống trước chiếc rương gỗ, cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, giấu mặt vào áo, nói toạc móng heo ra - Thật đấy, tôi không nói chơi đâu, hai cô cậu thật đẹp đôi lắm

.

Cô không nói gì, chỉ mỉm miệng cười.

Bà Mã quả là tốt bụng nhưng khí nóng vội.

Tôi bảo:

- Ý bà bảo là, tôi không làm đơn khiếu nại và cô ấy cũng không làm đơn khiếu nại chứ gì. Vậy thì bà viết đơn, Chu Thụy Thành cũng viết đơn hai người cũng thật đẹp đôi đấy thôi!

- Cậu lại tếu nữa rồi – Bà Mã gại kim lên da đầu – Tôi nói thật lòng đấy! Hai cô cậu đều đã đi lao cải, chẳng ai còn chê ai nữa; tuổi cũng sàn sàn ngang nhau; cậu có văn hoá thì văn hoá người ta cũng không thấp, học hết sơ trung rồi đấy! Hoàng Hương Cửu vừa về đến nông trường này một cái, là tôi nghĩ đến việc ấy rồi, chỉ còn chờ cậu nữa thôi.

- Thôi, thôi, thôi! – Cô cười – Tôi không lấy chồng nữa đâu. Đời tôi lấy chồng như thế là đủ lắm rổi.

 - Ấy chết! – Bà Mã răn bảo cô – Làm sao lại không lấy chồng được cơ chứ? Đàn bà trời sinh ra là để ghép đôi với đàn ông – Bà lại thêm – Tôi chẳng có ai vời, có người vời là tôi cũng lấy chồng ngay! – Xem chừng bà Mã quyết tâm ra phết.

- Sao lại không ai vời – Tôi nói - Người vời đầu tiên là ông đoàn trưởng bần nông nhá, nhưng bà có theo đâu.

- Không được đâu! – Bà nghiêm sắc mặt nói – Anh ta có vợ có con, giá mà anh ta chưa có gia đình là tôi theo anh ta ngay. Anh ta khá đáo để, người cao to vạm vỡ, làm ăn giỏi giang, có tướng làm quan nữa chứ! Anh ta chụp mũ cho tôi, chẳng qua là định làm cho tôi bớt kiêu kỳ đi, chứ chẳng có ý khác đâu.

Xem ra bà vẫn còn tiếc cái anh đoàn trưởng bần nông ấy. Nhưng anh ta thì đã làm hại bà khiến bà phải lìa bỏ quê hương bản quán, đi lao cải ba năm.

- Vậy tại sao lúc đầu bà phải trốn đi? – Tôi bực mình hỏi.

- Thực ra cũng không phải anh ta quá quắt đến mực tôi chịu không nổi đâu, thật ra ở quê nhà đói quá, bỏ trốn đi, cũng không phải một mình tôi, chúng tôi kéo nhau đi cả đoàn cả lũ đấy chứ…. Nhưng chỉ có tôi là rủi ro.

- Nhưng bà nghĩ xem, tờ lệnh truy nã ấy vẫn là do ông đoàn trưởng phát đi kia mà – Tôi toan nói – bà đừng có si tình như vậy nữa.

- Ôi! Anh ta chỉ muốn bắt tôi về, về với anh ta. Ai ngờ gặp phải ngay cái phong trào…

Đành chịu thôi! Đúng như lời Hoàng Hương Cửu: chuyện tình cảm ai mà giãi bày cho minh bạch được? Tôi nhìn cô, thấy cô chỉ nhìn bà Mã mà cười. Cái cười ý nhị sâu xa, thông cảm đồng tình với bà chăng? Khinh rẻ bà chăng? Giễu cợt bà chăng? Hay là khích lệ bà, để bà lại nêu chuyện hai chúng tôi?…

Tôi rời nhà họ ra về, trời đầy sao. Trong bóng tối Hà Lệ Phương, cô gái thanh niên trí thức° ở Bắc Kinh về nông thôn lao động thực tế, cất tiếng khe khẽ hát theo điệu dân ca Côdắc << Cho em một bông hồng >>.

Thân em giá chẳng cao đâu.

Tất ni-lông chỉ hai bao thôi mà.

Nếu anh cảm thấy chưa vừa.

Xin thêm một chiếc đồng hồ nghe anh.

- Ông anh ơi – Cô đến bên tôi thầm thì - Đến nhà em ngồi chơi một lát được không? Cả mùa đông ở trên núi kiếm đủ rồi, thế nào chả dành dụm được bảy tám tờ đại đoàn kết°.

- Khuya rồi còn đến làm gì – Tôi bảo – Mai tôi đến nhé.

- Khuya mới dễ làm ăn chứ, anh ấy nhà tôi về Bắc Kinh thăm bố mẹ rồi.

- Cô không sợ Đen về nó nện cho à?

- Hừ! Anh ta ở ngoài ấy cũng vậy thôi, kiếm tiền bằng hai ngón tay - Cặp mắt cô sáng lên như mắt mèo, trong đêm đen như mực – Lúc này ai còn quản ai nữa cơ chứ?!

- Về ngủ đi – Tôi bảo cô – Đen là bạn tôi, tôi mặt mũi nào làm như vậy được.

Dòng nước nhỏ vẫn rầm rì chảy, gặm dần, gặm dần tảng băng đông cứng ở trên.

 Chú thích:

° Diệu Văn Nguyên nhân vật trong Tứ nhân bang.

° Thời Mao, học sinh tốt nghiệp phổ thông bị đẩy về nông thôn đi lao động, đều được gán cho danh hiệu là : thanh niên trí thức

° Tờ giấy bạc một đồng nhân dân tệ.