Mơ Hương Cảng

Nhất Linh đối diện Nhất Linh

Docsach24.com

ếu ai biết ở đời cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ, mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc thời chẳng là trái ngược lắm sao. Khốn nhưng nếu không nghĩ gì mà được sung sướng thời dễ chứ đã biết nghĩ rồi, biết nghĩ là cái nguồn khổ về tinh thần, muốn thoát ly ra thật là khổ lắm…

Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng, nhưng muốn cả hai như thế thật là khó khăn vô cùng…

Cái buồn cái lo nhỏ mọn làm gì bứt rứt thế? Ôi! Con người ta sinh ra làm mảnh bụi làm gì mà băn khoăn thế? Ta hãy quên đi, ta hãy nguôi đi.

Nhưng đem thân mình đến đâu là NÓ theo đuổi đến đấy, có khi tức quá, lấy tay chỉ lên đầu mà than với mình rằng: NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ được? Trong lòng không lĩnh thời dãu thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa, ruột gan vẫn nung nấu như thường. Hay là lấy giọt nước cành dương mà an ủi mình chăng, nhưng lòng ta không có tín ngưỡng nữa, rồi đến cả vũ trụ này cũng không tin thời tin ai được nữa, mà tin ai bây giờ?

Phải biết rằng đối với những người hay ngẫm nghĩ về nghĩa lý ở đời như thế thì chỉ có hai cách sống mà thôi. Một là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng, lấy cái mộng tưởng mà mê sính trong cái đời hư vô mộng tưởng này. Hai là không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết, mình không sợ chết mình cũng không mong cái chết mà vẫn không tĩnh tâm thời chỉ có cách trên họa may là có thể giải thoát cho mình chăng? [1]

(Nhất Linh: "Làm gì mà băn khoăn thế" – Người quay tơ. 1927)

Thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa? Lao đầu vào trụy lạc, ngụp lặn trong bùn đen của tội lỗi? Rút về một khoảng núi cao vui đùa với lũ hươu rừng và ánh trăng le lói kẽ song? Lấy giọt nước cành dương gội sạch bụi bặm phố phường? Vô ích. Vô ích. NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ? NÓ nung nấu ruột gan. NÓ đến đột ngột như sét đánh. NÓ lẩn quẩn đâu đây. NÓ bám chặt từng bước đi. NÓ giăng mạng nhện ngay nơi óc. NÓ lẽo đẽo theo sau. NÓ hiện diện từng giây từng phút. NÓ đăm chiêu, theo dõi từng khắc từng giờ. NÓ đăm chiêu, đau đáu, quanh quất, chờn vờn. Như tròng mắt của Cain. NÓ nằm ngay trong thân xác, cùng ăn, cùng ở, cùng nằm. Há miệng mà cười, ôm mặt mà khóc, hét lên: NÓ là tiếng vọng. Co cẳng mà nhảy, lấy đà mà vút lên cao: NÓ trở thành trọng lực để níu lấy chân, bàn chân lại vẫn nặng nề ôm ghìm mặt đất. Đi đâu mà không có NÓ? NÓ len lỏi vào giữa giấc mơ. NÓ ám ảnh từng cơn hành lạc. NÓ đào sâu tròng mắt thường vẫn mở rộng trắng đêm. NÓ gặm nhấm dần dần những luồng tóc xanh, xói ngược vào góc thái dương, xói sâu đến tận vùng chất xám của não. NÓ trổ nheo đuôi mắt, xếp ngang đường nhăn trên vầng trán rộng, tạc dọc đường hằn tự cánh mũi chạy dài xuống tận mé môi.

NÓ là tròng mắt trũng, là vầng trán rộng, là những nét hằn, là khuôn mặt gầy guộc nặng trĩu ưu tư.

NÓ là Nhất Linh.

Bởi một sớm, Nhất Linh đối diện Nhất Linh đã thấy biến mất Nhất Linh, đã chỉ nhìn thấy NÓ. Tự đó Nhất Linh trở thành một trường hợp, trường hợp một người bị NÓ ám ảnh, bị NÓ theo dõi, như một định mệnh. Và cũng tự đó cuộc sống Nhất Linh trở thành một hiện tượng, hiện tượng một tìm kiếm, đối tượng tìm kiếm lại chính là… mình. Cuộc tìm kiếm có như một bắt buộc, bởi định mệnh là NÓ không bao giờ cho phép Nhất Linh ngừng cuộc. Cuộc tìm kiếm có như một đam mê vô ích bởi giữa Nhất Linh và Nhất Linh NÓ thường xuyên hiện diện như một ngăn cách, để không bao giờ, không bao giờ nữa, dù phải đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của cuộc sống, tận dụng mọi phương tiện của cuộc đời, mọi khả năng của con người, Nhất Linh lại còn có cơ duyên bắt gặp lại được… Nhất Linh.

Hãy nhắm mắt lại. Hãy cắt ngang cuộc đối thoại. Hãy xóa nhòa tấm gương đối diện. Không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết. Hãy trở về yên lặng của gỗ rừng và đá núi tồn lưu trong một khoảng không gian im sựng dựng lên bởi nấm dại và lan rừng. Con người ta sinh ra là mảnh bụi, làm gì mà băn khoăn thế?

Nhưng… NÓ vẫn hiện diện, đi đâu mà không có NÓ?

Chỉ còn một lối thoát. Chỉ còn một cách sống. Là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng. Để mê sính. Để quên.

Và Nhất Linh đập tan tấm gương đối diện, đi vào hành động.

Một buổi sáng chớm mùa thu Hà Nội, tôi, một đứa con trai bấy giờ mới lớn, gió heo may đang thổi lộng lồng ngực hai mươi, tôi quay lưng lại chiếc Tháp Rùa chênh vênh giữa hồ Hoàn Kiếm để nhìn theo hút Nhất Linh, để được nhìn thấy Dũng nhập cuộc, Dũng rảo bước, gọn và nhanh, bước vào hành động. Đến mãi sau này, đến khi trong tôi những đợt heo may đã đi vào vùng kỷ niệm, đến khi gặp Nhất Linh như là một người bạn vong niên, hồi tưởng, tôi mới biết rõ là khi đó (khoảng quân đội Phù Tang vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn, khi nhìn thấy Nhất Linh, vóc dáng cao vời thoáng hiện sau rặng liễu sau hồ Hoàn Kiếm để vượt cầu Long Biên, men theo dòng Hồng Hà và dòng sông Thanh Thủy, tiến lên những quận lỵ đèo heo hút gió vùng mạn ngược, lẩn mình trong bóng đêm của những thung lũng, đèo cao và rừng rậm, đặt chân vào nội địa Trung Hoa, mất hút vào một hành trình như đơn độc chỉ có một chiều), khi đó, tôi nhìn thấy Hương Cảng rẽ khuất vào một lối ngoặt con đường Hàng Trống (cũng là một lối ngoặt kiếp sống Nhất Linh), gió heo may thổi lật những chiếc lá bàng đỏ kệch (cả cuốn Đôi bạn chỉ là lời nói đầu Nhặt lá bàng), chính khi đó, mãi sau này tôi mới ý thức rõ rệt, tôi đã mất Nhất Linh, Nhất Linh đã chỉ còn là một thân xác mà hồn là Dũng đã ngự trị và điều khiển, tôi đã chỉ còn có Dũng. (Và chính tôi muốn thế, chính thế hệ chúng tôi muốn thế). Tôi nhìn thấy Dũng lên đường.

Dũng lên đường. Dũng, người đàn ông rất đàn ông, dứt khoát với mình với người, không băn khoăn thắc mắc, mà sáng suốt, tỉnh táo, không hề đặt vấn đề với mình, về mình, về người, đều và chắc nịch tiến từng bước thẳng tắp tới một mục tiêu nhất định; Dũng, người của hoạt động bí mật ẩn náu trong lòng ngõ hẹp lầm bùn, bị thương giữa đêm rừng Hưng Hóa; Dũng, người tình nhân choáng hơi men, một đêm dừng chân bên bến lạ, nghĩ đến người yêu và dưới ánh trăng suông, kê giấy trên mạn thuyền, viết một bức thư; Dũng của Đoạn tuyệt? Sự thực không đơn giản. Tôi tin rằng Nhất Linh phải biết rõ như vậy, ngay lúc bấy giờ, khi Nhất Linh dời bỏ Việt Nam, thu hút bởi chính nhân vật do chính mình sáng tạo, khi Nhất Linh bị cuốn vào cái quay cuồng nhân quả trùng trùng của một thứ nghiệp mà sau này Nhất Linh gọi tên là guồng máy. Bởi vào năm 1940, không chỉ có một Dũng, Dũng của Đoạn tuyệt, mà còn có một thứ Dũng nữa, tuy sinh sau đẻ muộn mà ma lực quyến rũ (nhất là đối với chính Nhất Linh) lại khủng khiếp gấp bội người anh đầu lòng. Dũng của Đôi bạn.

Khi quyết định ấn hành "Số đặc biệt nhớ Nhất Linh” cho tờ nguyệt san Vấn đề, muốn in lại một cái gì đặc-biệt-Nhất-Linh, tôi chọn Lời nói đầu cuốn Đôi bạn, mang tên là "Nhặt lá bàng", Mai Thảo gật gù nên lắm. Và nói thêm:

"Chưa bao giờ một người viết trìu mến nhân vật của mình đến như vậy."

Một lát sau:

"Nhặt lá bàng" vượt cả cuốn Đôi bạn. Nhất Linh phải viết trong một dịp xuất thần."

Ít khi tôi đồng ý với Mai Thảo. Nhưng lần này cái lối phát biểu ý kiến nhát gừng của anh đã làm suy nghĩ. Và tôi đã nhận với tôi (cũng ít khi tôi nhận với Mai Thảo) rằng tôi đồng ý với anh… Nhưng phần nào thôi. Nhất Linh quả có trìu mến Dũng. Nhất Linh quả có xuất thần khi viết "Nhặt lá bàng". Đó là một sự kiện nhưng nguyên nhân hình thành không chỉ đơn giản do tương quan giữa người viết và nhân vật, mà phức tạp hơn: ở đây người viết là nhân vật.

Hơn hai mươi năm sau, Nhất Linh thú nhận: "Độ ấy (khi viết Đoạn tuyệt), tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài." Ván bài vốn là một ván bài sinh tử, năm ngón tay phù thủ Nhất Linh dồn tất cả công phu sáng tạo vào thân xác quân cờ. Trong ma túy lên đường, chướng khí rừng mạn ngược và sương độc núi lam biên giới, quân cờ (được gọi tên là Dũng) dần dần trút bỏ hình thù thô kệch giả tạo bắt đầu, vụt lớn lên thần tượng, vóc dáng bao trùm cả một thế hệ, quân cờ hay là Dũng bỗng một đêm thấy tỏa ra tự thân xác một vùng ánh sáng mang một hấp lực dị thường dấy lên theo một đường quỹ đạo mà chính Dũng là nơi trung tâm phát xuất, Dũng âm binh bèn đứng dậy, bước một bước vào thế phù thủy, lời chú đầu tiên vừa thốt ra khỏi miệng, tay ấn đã chọn ngay đích thân người sáng tạo ra mình làm nạn nhân thứ nhất. Sự việc xảy ra trong chốc lát – trên chiếu bạc, ván bài đã đến lúc quyết liệt, Nhất Linh đã vừa tố sạch láng – nhạc văng vẳng đâu đây, lời ca ngọt lịm (ban đồng ca phụ họa là cả một thế hệ). Dũng kỳ dị, beau ténébreux, hiện lên lãng mạn trên một nền mờ dịu của mây trắng mùa thu và gió heo may thổi lộng mặt sông hoang vắng, vùng ánh sáng quái dị tỏa rộng thêm hấp lực bỗng vươn lên cao theo cái thế xoáy lốc của đường quỹ đạo đã đổi hướng quay. Dũng-phù-thủy phảng phất phong thái thần linh, Nhất Linh choáng váng, chóng mặt, không thể cưỡng, không muốn cưỡng lại, chỉ nhìn thấy Dũng, tưởng mình là Dũng, trở thành Dũng. (Còn nhớ không, người đồng chí của Vũ Tường Dũng, cái ngõ hẹp đầy khói lát đá tảng vùng Hoa Nam?)

Nhất Linh trở thành Dũng. Mệnh đề này mang một hệ luận: khi tự Sài Gòn độ ấy, một lá thư từ nhà một người mang tên là Trương Viễn ngụ tại 118 đường Albert 1er Dakao gửi về Hà Nội cho Nhất Linh, lá thư ký dưới một người xa xăm (Nhất Linh đã nói chữ viết không phải là chữ của Dũng, bởi đúng là như vậy, chữ viết là chữ của Nhất Linh), thì lá thư đó là một lá thư đặc biệt người gửi và người nhận chỉ là một, lá thư tâm sự, một lời độc thoại. Đúng hơn: phân nửa một cuộc đối thoại vốn vẫn âm ỉ kéo dài. Tấm gương đối diện ngày trước tưởng đã đập vụn từng mảnh bởi chính tay người đối diện, giờ đây – trời muốn trở rét – đang từng mảnh vụn chắp nối để dựng lên đối diện Nhất Linh, để ném lại trước mắt Nhất Linh, sững sờ, không phải hình ảnh một Dũng, mà qua Dũng, không phải chính hình ảnh Nhất Linh, mà xoáy vào nữa, qua Nhất Linh, mà… NÓ. NÓ, nhưng méo mó, nhưng thiểu não hơn nhiều. NÓ qua vóc dáng một Dũng thứ hai, Dũng của ấp Quỳnh Nê và bến đò Gió, Dũng – Đôi bạn. Dũng không lúc nào mãn nguyện mà phải mãi mãi đi tìm một sự bình tĩnh cho tâm hồn, một sự bình tĩnh mà lại không, gặp được nhưng lại mất ngay, Dũng lúc nào cũng muốn vượt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dày đặc quanh mình, Dũng nhảy ra rồi lại muốn nhảy vào, Dũng thoát ly mà vẫn không cảm thấy cái khoan khoái được thoát ly, lúc nào cũng cố đuổi theo một thứ đom đóm của cuộc đời, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức, yêu mà e ngại nói yêu, Dũng không thần tượng mà khiêm tốn chỉ biết băn khoăn, không phù thủy, không âm binh, không quân cờ, không hình nộm, rất thật nên đứng ngồi không yên. Dũng không phải của Đoạn tuyệt mà của Đôi bạn, mà như từ Đan Mạch trở về, tự tòa cổ lâu Elseneur bước ra, Dũng-Hamlet nghĩ cho nên biết, biết cho nên đành phải nằm gọn trong cái thế giới con con do chính tay mình xây dựng, ngây ngô điên dại cho nên lưỡng lự trước cuộc đời đầy phiền muộn như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia. Dũng-Hamlet. NÓ. Đích NÓ. NÓ lại trở về. Như một căn bệnh sốt rét kinh niên tái phát: con bệnh chỉ vừa kịp thấy ơn ớn khớp xương, gây gấy nổi da gà nơi bả vai bắp vế là đã cảm dấy lên từng đợt lạnh như lùa về tự miền Thượng du Bắc Việt, phát xuất ngay tự đan điền, loang ra, tràn ngập toàn thể thân xác. NÓ lại trở về, ở đấy, khắp nơi, yên lặng mà hầu như trách móc, quen thuộc nhưng luôn luôn mang vóc dáng một lạ mặt. NÓ. Đi đâu mà thoát được NÓ?

Trong một huyền thoại Hy Lạp, thuở thần linh còn ở lẫn với con người, có một vị vua mang tên là Midas vì thắc mắc trước lẽ sống nên đã đuổi theo tìm gặp nhà hiền triết Silène, người bạn đồng hành của thần Dionysos. Và khi hai người đối diện trong một khu rừng vắng, khi Midas ngập ngừng cất tiếng để hỏi (cũng như đã bao nhiêu ngày đêm tự hỏi) xem đâu là hạnh phúc hoàn hảo của con người, thì nhà hiền triết cúi đầu im sựng. Lời tra vấn nhiều lần lai được thốt lên thành tiếng. Bỗng giữa hoang vắng của rừng già, tiếng cười Silène rít lên the thé. Và dứt tiếng cười, thì đây là câu trả lời, câu trả lời đã đi vào huyền thoại Hy Lạp, đã in dấu trên lối sống Hy Lạp:

"Hỡi giống người khốn nạn sinh ra do ngẫu nhiên và đau khổ, ta không hiểu tại sao ngươi lại muốn biết một điều chẳng mảy may ích lợi cho ngươi? Hạnh phúc hoàn hảo của con người ư? Thì đó chính là cái mà không bao giờ ngươi đạt được, cái đã ở ngoài tầm với của con người. Bởi hạnh phúc hoàn hảo của con người là gì, ngươi biết không? Nghe đây: đó chính là đừng sinh ra làm người, đừng hiện hữu, đừng là cái gì cả."

Sau một khoảng yên lặng, gió thoảng cơn đặt nhẹ xuống nền cỏ mát một chiếc lá khô đến độ lìa cành:

"Nhưng đối với ngươi, đối với kích thước con người, thì cũng còn có thể có một thứ hạnh phúc, đó là… chết. Biết chắc chắn rồi ta sẽ chết"

Câu chuyện huyền thoại kết luận theo hút bước chân Silène thất thểu khuất sâu vào lòng rừng già. Thế thôi. Không thấy nói gì đến Midas.

Mà nói gì? Midas đã hỏi và đã được trả lời. Và đã biết. Số phận Midas đã có chút may mắn hơn Nhất Linh. Bởi kịp đến khi Nhất Linh lớn lên (hình ảnh cuộc đời đã thôi đơn giản một chiều phản ảnh, đã thôi ngây thơ dội ngược lại chính cuộc đời, đã bắt đầu phiền toái nhận chìm lệch lạc qua tròng mắt vào cõi xám vùng não), kịp đến đầu thời kỳ XX, thì đã từ lâu, thần linh từ giã loài người để mất tăm vào rừng núi và rừng tiền sử. Mất tăm bóng dáng những tiên và bụt, những Silène và những đấng tiên tri. Tiếng kệ Thích Ca đi vào im lặng vô ngôn. Con kỳ lân buồn lê gậy trúc khập khễnh nơi thôn vắng nước Lỗ. Dưới nắng quái một chiều loạn, Lão Tử cỡi trâu đã trở về miền hoang vu Tây Bắc. Mất tăm. Mất hút. Nhưng… lời tra vấn Midas thì nguyên vẹn vẫn còn vọng lại, tự mê rừng ven vùng trời nước đảo lộn một màu xanh thẳm Địa Trung Hải – tiếng gà gáy lẻ nửa khuya, đơn chiếc – lời tra vấn bao trùm dọc nẻo hành trình tiến lên của kiếp làm người, để tự những thế kỷ hồng hoang thăm thẳm, qua cái rung động tâm thức một Midas, tan loãng vào cái trống không nguyên thủy, ngân ra bắt kịp cái nhịp xao xuyến tâm thức một Nhất Linh.

Một Nhất Linh và tiếng vọng một lời tra vấn.

Nếu ai biết ở đời này cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc…

Hạnh phúc? Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng…

Hạnh phúc? Sống mê sinh trong cái đời hư vô mộng tưởng, sô#ng mà xóa nhòa được trước mắt cái viễn tượng sinh ra… không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi, như những người bộ hành, một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.

Lời tra vấn vang lên dội lại, lẻ loi: trong cái im sựng mênh mông của trời và đất đồng lõa, một cõi im sựng khác bỗng nhiên thể hiện, để rồi hằng hà sa số những cõi im sựng khác kế tiếp khởi lên, cứ như thế, tất cả xoáy trôn ốc trong một cơn lốc không thủy và không chung của càn khôn nhập một, xù xì, cục mịch ngây ngô.

Hạnh phúc? Silène, Silène.

Trời không lên tiếng. Đất không trả lời. Chỉ còn một lời tra vấn. NÓ. Như một cái gì không thể đạt tới. Lỡ rồi. Chót rồi. Như một mâu thuẫn tất yếu và tự tại, khi sự vật bắt đầu thành hình với danh và sắc, khi Thái cực manh nha ý hướng sinh hạ lưỡng nghi, khi Atma giã từ Brahma. NÓ, lời tra vẫn mà cũng là lý do hiện hữu của kiếp làm người. NÓ, một đam mê vô vọng. NÓ, một lời chiêu dụ, một lời cự tuyệt. NÓ, cái vòng luẩn quẩn, NÓ, định mệnh. NÓ, thân phận con người. Đi đâu mà không có NÓ?

Trường hợp Midas là trường hợp một đối thoại. Nhất Linh độc hành bước vào cái thế bi đát một độc thoại (hơn một lần ngụy trang thành một thứ đối thoại quái dị người trong cuộc bắt buộc phải đối diện với dự phóng của chính mình), bỗng trong một sát-na đốn ngộ – tiếng gà nào gáy lẻ đơn chiếc nửa khuya? – bất chợt được chính mình đắm mình dưới ánh trăng một thế giới thần tiên đầy bí mật.

Một con đường ở sát mặt nước đi khuất vào trong bóng tối một cái hốc đá… đường vào Đào Nguyên… Ngay từ lúc còn nhỏ, chàng (Dũng hay Nhất Linh cũng thế) đã có ý muốn dời khỏi nhà để đi tìm cảnh Đào Nguyên đẹp đẽ. Có khi đêm khuya, sực thức dậy, chàng chạy ra nhìn con đường ấy xem có xảy ra sự gì lạ không. Dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh cờ thiên cổ: Chàng tưởng họ vừa ngừng đánh và ngạc nhiên nhìn chàng. Mấy con cá vàng lên đớp ánh trăng trên mặt nước, dưới những cụm xương bồ ướt sương, chàng cho là những con vật kỳ quái biết cử động giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn.

Một ván cờ thiên cổ trong một thế giới yên lặng, cái thế giới của thời gian ngưng tụ những phút giây chờ đợi, xem có xảy ra sự gì lạ không… trước khi bước xuống chuyến đò cuối của ngày đang ngả về chiều.

Thời gian sẽ ngừng lại.

Dũng (hay Nhất Linh) không nghĩ gì nữa. Những người bạn ngồi chung quanh chàng người nào lúc đó nét mặt cũng lộ vẻ bình tĩnh. Dũng có cảm giác êm ả lạ lùng và cái quán hàng trong đó có Loan (nghĩa là một phần của Dũng, của Nhất Linh) ngồi, chàng tưởng như một chốn ấm áp để chàng được cách biệt hẳn với cuộc đời mà chàng thấy đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia.

Thời gian ngưng lại trong cái thế-giới-thần-tiên-non-bộ, trong cái quán ấm áp thoảng hơi nóng nước chè tươi thơm ngát, thời gian ngưng tụ nơi những phút giây hiện tại căng thẳng một sửa soạn một chuẩn bị một sẵn sàng một chờ đợi… không đối tượng…

Và… bỗng một bông cẩm chướng trắng gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm… những con bướm trắng bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng… Một cuộc đối thoại bắt đầu.

Cuộc đối thoại Trương - Thu bắt đầu với cánh bướm trắng bay lên, đối thoại ngày một gay go, ngôn ngữ sử dụng ngày một phức tạp, ngày một khó hiểu, ngày một kỳ dị, người trong cuộc chỉ muốn hỏi để được chờ đợi những câu trả lời. Ở đây tình yêu chỉ là một cái cớ, một thứ đom đóm – đừng bắt nó, tội nghiệp, bắt được nó thì chán ngay, nó chỉ là một con bọ mùi hôi, ánh sáng ở bụng đục mờ, chẳng có gì là đẹp – một ngôi sao biết thổn thức, bóng một cành tre in ngược, ngọn trúng vào giữa một đám sao trông như một cây bông vừa tỏa hoa lấp lánh, mong manh bởi quý, quý bởi mong manh. Ở đây tình yêu là một con sóng, những câu hỏi là những cái quán đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mặt… những nơi tạm trú… ấm áp cách biệt hẳn cuộc đời đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu. Nhưng con sông nào mà không tới bể? Cuộc đối thoại nào rồi ra cũng phải chấm dứt, mặc dầu người đối thoại đã vẽ ra trăm phương ngàn kế để cuộc đối thoại trở thành một thứ cầu vồng rực rỡ luôn luôn biến thái ngàn hình vạn dạng lấp lánh bảy màu muôn sắc trên một nền trời vừa nắng vừa mưa. Nguy hiểm, bấp bênh, cheo leo, sa đọa. Sự cúi đầu chấp thuận cuối cùng của Thu cũng là sự lắc đầu chán nản cuối cùng của Trương. Hết. Chấm dứt. Đã tới. Yên lặng.

Và… Trương (hay Nhất Linh, hay là NÓ, đúng hơn) nhìn ra xa. Ở tận chân trời, chen giữa hai lũy tre làng lộ ra một mẩu đê cao với một chòm cây đứng trơ vơ, cô đơn. Trương dịu lòng lại, tha thiết cần có một thứ gì đến để an ủi, một thứ gì rất êm dịu… Cái chết! Trương lim dim hai mắt nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và yên tĩnh lắm. Ngay lúc đó Trương thấy không cần phải can đảm mới tự tử được; chàng không sợ chết nữa, cùng mong nó đến.

Chàng (Nhất Linh) – tôi viết chàng vì tự dòng chữ này, đối với tôi, người bạn vong niên đó đã đi vào huyền thoại, đã trở thành nhân vật lớn của một thiên phiêu lưu ký phảng phất hoang đường thấp thoáng bóng dáng những Midas, Silène và Dionysos -, chàng mong nó đến. Hơn thế nữa: ở nơi hẹn cuối cùng, chàng đã là người đến trước. Trước nó, cái chết.

Ly độc dược (pha với chất men miền Ecosse, nét làm dáng cuối cùng của một tửu đồ tự trọng) nâng lên ngang miệng, chàng bỗng thấy êm ả lạ lùng, đất sẽ mát lắm, bốn bề đất sẽ mát mẻ. Chàng tận hưởng cái phút cuối cùng chờ đợi đó (phải đợi cái chết thì sống mới không sợ sống?), cái phút căng trĩu miềm kiêu hãnh của một người vừa chợt biết đang nắm chắc cái theo đuổi mình suốt đời. NÓ, chính mình, định mệnh của mình, thân phận con người.

Nhất Linh, Dũng, NÓ: hành động đốn ngộ cuối cùng của chàng đã giải quyết tất cả và trọn vẹn.

7-1970


[1]Những dòng chữ in nghiêng là văn của Nhất Linh.