Mơ Hương Cảng

En attendant Godo

Docsach24.com

AMM.- Le salaud! Il n’existe pas!

CLOV.- Pas encore.

S. BECKETT (Fin de partie)

"Thôi!"

Tất cả chỉ đợi câu nói đó của Roger Blin. Để nghỉ. Họ nhảy qua rìa sân khấu xuống khán trường, vây quanh Blin, không phải để đợi một lời khích lệ, một vài nhận xét của nhà đạo diễn, mà hầu như chỉ để xúm xít quanh nhau, tìm ở nhau một chút hơi nóng để xóa nhòa cái cảm giác heo hút của một sân khấu buổi tổng dượt cuối cùng, một khán trường tuy nhỏ mà mênh mông, gaz vẫn đốt mà không đủ ấm. Đêm đã xuống ở ngoài trời Paris lạnh tái, đêm lẻn vào từng đợt giữa những dãy ghế co ro không người, từng đợt vượt rìa sân khấu, từng đợt tỏa ra – đèn rìa không bật, chỉ có âm u một dây đèn herse – từng đợt bủa vây nhóm người đang im lìm, người nọ đợi người kia lên tiếng trước. Họ là J. M. Serreau, Roger Blin, Pierre Latour, Lucien Raimbourg, Jean Martin, Serge Lecointe… đạo diễn, ông bầu, diễn viên một vở kịch mang một cái tên bí hiểm En attendant Godot. Trong khi chờ… chờ ai? Godot là ai? Thượng Đế? Nếu là Thượng Đế thì tại sao sao lại không gọi thẳng là God? Mà lại là Godot?

Hình như là Jean Martin lên tiếng trước:

"Chắc chắn là chúng nó chẳng hiểu mẹ gì cả."

Serge Lecointe:

"Không hiểu là cái chắc!"

Blin lẩm bẩm:

"Dầu sao, dầu sao thì cũng thú. Và… thế là đủ."

Serreau dằn giọng:

"Không hiểu, không hiểu cái gì? Mà có cái gì để mà hiểu?"

Không ai hiểu cả. Nhưng ít nhất thì cũng phải có một người, một người nhất định phải hiểu: tác giả. Mọi người đều nghĩ như vậy và đều hướng về Samuel Beckett – con người Ái Nhĩ Lan câm lặng – từ nãy, từ phút đầu tiên vở kịch bắt đầu vẫn im lìm ngồi ở một góc tối cuối khán trường. Beckett đứng dậy, xốc lại áo, giơ cao tay phác một cử chỉ tạm biệt, lặng lẽ đi ra phía cửa, dừng mắt trong giây lát trước tấm affiche – tên mình Samuel Beckett, tác giả, tên vở kịch En attendant Godot, tên rạp hát Babylone, tên… - chân vẫn bước đều, vóc dáng lêu nghêu gầy guộc như cái thân cây gầy guộc en-attendant-godot bài trí trên sân khấu, bóng đổ dài trên vỉa hè trắng xóa tuyết thượng tuần tháng Giêng một năm đặc biệt kéo lê mùa lạnh – 1953. Beckett bước gọn từng bước dài, từng bước đều, hướng về căn phòng heo hút xóm Montparnasse. Để chờ… Cái gì? Ngày mai? Ngày mai là hôm nay. Màn sẽ mở lên. Vở kịch En attendant Godot lần đầu – sao bao nhiêu lần bị khá nhiều ban kịch khước từ – lần đầu công diễn. Rồi thì màn cũng phải hạ xuống. Rồi… lại chờ. Rồi lại phải chờ. Và như vậy thì tất cả sẽ chỉ là một con số không, một con số không mênh mông vô tận. Hay là… ai sẽ lại? Mà… ai có lại không? Ai? God? Một nụ cười khó hiểu thấp thoáng trên đôi môi, trên một nét môi ngậm kín khắc mạnh trên khuôn mặt gồ ghề khắc khổ của Beckett. God? Godeau? Godot? Lại cười, rồi nụ cười vụt lại tan ra, nét môi khô đọng. Câm lặng. J’attends. Fais que mont attênd ait un sens, ở mỗi người… Bước chân Beckett bỗng lỡ nhịp. Một cột đèn ló ra. Một lối ngoặt. Một con điếm nhăn nhó cười duyên, hai tay hai vạt áo choàng phác nhẹ một cử chỉ hở hang. Tu viens, chéri? Và Beckett lại bước thất thểu ngập ngừng của những bước chân âm thầm lặng dọc theo dãy hành lang âm u, xám ngắt tòa cổ lâu Elseneur của một Hamlet giả điên giả dại (để giấu kín một ám ảnh, một điên cuồng sâu kín, một định mệnh?), một Hamlet một mình đối thoại với mình. To be or not to be. Cũng được đi.

Nhưng từ những bước chân đó?

Beckett vẫn bước đều đều. Qua một ngã tư. Đến miệng một hầm métro ngổn ngang một lũ clochards. Những mảnh vụn lở lói của một ám ảnh mà nơi cư trú thường xuyên nằm ngay trong Beckett, ngay giữa lòng, ngay trong thân xác Beckett. Những hồn hoang mà nửa khuya gió hú chính Beckett nghe thấy thì thầm rủ rê hiện về tâm sự với nhau, độc thoại “với nhau” ở chính giữa tiềm thức, ở chính đáy vô thức Beckett. Những Wladimir, Estragon, Hamm, Clov rồi Nagg rồi Nell. Những Beckett. Và bất giác, Beckett bước vội. Rồi hốt nhiên – như đen gợi trắng, hố thẳm nhớ trời cao – hốt nhiên Beckett nghĩ đến những bước chân cô độc mà kiêu hãnh của một con người vươn cao, thường say gió lộng đỉnh núi và khoảng trống vòi vọi xanh lơ. Nietzsche. Nietzsche với những bước chân trèo ngược lại dốc một ngọn Golgotha. Để được nhìn tận mắt một cây thập tự một nhấm rỗng lòng cây. Để đứng thẳng người, tập trung mười hai thành công lực nơi đan điền dưới chính cái rốn của mình. Để hống lên rằng… chẳng có mẹ gì cả. Lão ta chết rồi.

Nhưng từ sau đó?

Nietzsche (thân xác đã tự đóng đinh vào một thứ thập tự mới thành hình, không bằng cây mà đẽo bằng da bằng thịt con người) Nietzsche nghiễm nhiên thay thế cho vị Cố Thượng Đế, để rồi một đêm, toát mồ hôi lạnh vì tận đáy vô thức chợt thấy hiện về lê thê nguyên vẹn mối thắc mắc năm xưa, với day dứt nguyên vẹn những vấn đề, mỗi vấn đề là một bước dấn thân sâu vào hành trình xoáy trôn ốc tiến tới cao vời thăm thẳm tấm mộ chí ghi “Nơi đây an nghỉ dứt khoát một huyền thoại mang tên là Thượng Đế”, những vấn đề mà Nietzsche đã tưởng phai mờ – nghĩa là sáng tỏ và giải quyết – trước hàng chữ đó. Ta là gì? Ta ở đâu lại? Ta đi về đâu? Ta trở về đâu? Ta đứng đây làm gì? Ta chờ? Gì? Ai? Hay là… định mệnh đích thực của ta là chờ đợi, tuyệt vọng mà vẫn chờ, chờ cái chẳng-bao-giờ-đến, cái chẳng-bao-giờ-nói-dứt-khoát-là-chẳng-bao-giờ-đến? Cái bất khả danh? Cái innommable? Cái? O God, j’attends, je t’attends. Nhưng God? Không, Godot. Godeau. Cuộc tra vấn từ nay không “người’ đối diện trở thành một tự tra vấn, tự hành hạ. Con người tự mổ xẻ, tự lăng trì, tùng xẻo, rời rạc, gãy vụng, dìm xuống tận đất đen, đẩy xuống đáy vực sâu vòi vọi. Con người biến thái, vong thân, trở thành những tên hề – clochards mờ mờ nhân ảnh, hiện hữu cạnh nhau như chỉ nhằm phản ảnh nhau để lố bịch nhau. Con người, tác phẩm trìu mến của Thượng Đế, hình ảnh của Thượng Đế, nơi chứa đựng khí thiêng của Đấng-Sáng-Tạo-Tối-Cao, con người, Wladimir? Estragon?

Hình như khi tra chìa khóa vào ổ khóa, khi đẩy tấm cửa mỏng mảnh, trước khi bước vào căn phòng heo hút xóm Montparnasse, trên vành môi sắc nhọn như nét rìu tiều phu đẽo ngọt vào gỗ rừng già, trên vành môi Beckett lại có thoáng ánh cười. Thoáng rồi tắt. Beckett trở lại “con người Ái Nhĩ Lan câm lặng”.

Còn kịch, En attendant Godot? Không gian, thời gian, động tác, câu chuyện? Hầu như không có gì cả.

Thời gian (vì kịch gồm hai hồi) là hai ngày gần lẫn lộn với nhau bởi như nhau. Thời gian như ngừng lại mà lại như trôi nhanh (trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê), trôi nhanh đến độ mờ đi những khác biệt, chỉ tồn tại những tương đồng. Beckett viết trong lời chỉ dẫn ở hồi một: buổi chiều, và ở hồi hai: như hồi một. Không gian dĩ nhiên như thời gian, cũng mờ áo, vô tính. Beckett viết: Con đường vùng quê có cây. (Route à la campange avec arbre). Cây số ít. Một thân cây. Một trạc. Một cành cũng được. Sự trơ trụi hiện hình.

Còn kịch, câu chuyện? Kịch như trình diễn một động tác, một câu chuyện manh nha từ một biến cố, trưởng thành, chín muồi, thắt nút để rồi bùng nổ, kịch theo quan niệm Aristote? Kịnh như một hỗn hợp bi hài bất chấp thời gian và không gian theo trí tưởng tượng mông lung lãng mạn nảy sinh từ phía trời âm u sương mù lãng đáng vóc dáng một Shakespeare? Hay… kịch như quan niệm ly cách của Brecth, - diễn viên ly cách với nhân vật, sân khấu ly cách với khán trường – vấn đề đặt ra từ những cảnh đời xác thực dịch địa lên sân khấu, đặt ra cho diễn viên (biết rõ mình chỉ là diễn viên), cho khán giả (biết rõ mình chỉ là khán giả)?

En attendant Godot, không có gì cả, không có quan niệm nào cả. Ở đây qua hai hồi, chỉ là một sự chờ đợi, trống rỗng mà dằng dặc, “cái” được chờ đợi chẳng bao giờ đến mà cũng chẳng bao giờ dứt khoát tuyên bố rằng chẳng bao giờ đến. Nhưng sự chờ đợi vẫn tiếp tục. Bắt buộc.

Có hai nhân vật chính: Estragon và Wladimir, hai nhân vật chỉ còn là “người” ở nơi phảng phất hình ảnh con người (gọi là hai cái thân tàn ma dại, hai cái mờ-mờ-nhân-ảnh băng hoại đến tận đáy sâu hố thẳm của sự băng hoại, thì đúng hơn). Cả hai chờ đợi một người thứ ba mang cái tên bí hiểm là Godot. Hắn là ai? Là Thượng Đế (God)? Là tiêu biểu xa vời một hy vọng cứu rỗi, con người vẫn mong chờ xuất hiện mà chẳng bao giờ xuất hiện, mà cũng chẳng bao giờ tuyên bố dứt khoát rằng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện? Hay đó là thoáng bóng định mệnh của loài người nếu cho rằng định mệnh của loài người là sự chờ đợi? Cả hai không biết hay không dám tin chắc một điều gì. Có điều chắc chắn là cả hai hầu như đều bị một ám ảnh theo đuổi bám sát nó run rủi cả hai phải đến đó, vật vờ như những con bệnh mộng du, dưới gốc cây đó, ngồi đợi Godot. Không thể cưỡng được. Không thể tránh né. Như ma dẫn lối, quỷ đưa đường. Sự chờ đợi kép dài hình như đã tự lâu – từ khi có loài người xuất hiện như là ngày – ngày này qua ngày khác, ngày nọ qua ngày kia (hai hồi!), đến nỗi cả hai nhân vật như quên tất cả, quá khứ, hiện tại, tương lai. Cả hai phải bày hết trò này đến trò nọ, trò nọ kế tiếp khi trò này dần dần tàn lụi, phải tung phải hứng, phải xướng phải họa, để… chỉ làm trò, trong khi… chờ đợi Godot.

Nhưng Godot không lại. Và bất ngờ lại có hai nhân vật khác xuất hiện: Lucky và Pozzo, tên nô lệ (cổ đeo dây thừng) và tên chủ (tay cầm một đầu dây thừng). Cả bốn gặp nhau, đối thoại đầu Ngô mình Sở. Cuộc đối thoại được kết thúc bằng một tràng đối thoại của Lucky khi Pozzo ra lệnh bắt buộc phải suy tư (pense, porc!). Sau đoạn độc thoại lảm nhảm của Lucky – một thứ đối thoại hổ lốn vô nghĩa trộn lẫn tất cả: Thượng Đế râu bạc cuộc sống địa ngục công tác mây xanh thẳm Hàn lâm Viện con người tiến bộ ăn uống tiêu hóa thể dục quần vợt kỵ mã tàu bay khúc côn cầu golf trụ sinh cái chết của Voltaire đồng quê lửa nước mắt đá cuội – sau đó thì Pozzo và Lucky đi khỏi. Rồi một thằng bé xuất hiện báo cho Wladimir và Estragon biết rằng Godot không đến nhưng chắc chắn sẽ đến vào ngày mai. Đêm xuống. Trăng mọc. Cả hai nhìn cành cây chợt nghĩ đến một mẩu thừng. Để tự tử. Nhưng lấy đâu ra thừng? Và màn hạ. Và hồi một chấm dứt. Hồi hai cũng giống như hồi một. Với một vài điểm khác biệt (để khỏi lẫn lộn với hồi một, để chứng tỏ rằng dầu sao thì thời gian cũng cứ trôi qua): Pozzo trở thành mù và Lucky thì câm. Và đến cuối hồi, sau khi được biết – qua lời thằng nhỏ – Godot không lại nhưng chắc chắn sẽ lại ngày mai, khi đêm buông xuống, mặt trăng lại mọc lên, khi nhìn cành cây và bỗng nghĩ ra rằng chỉ còn một cách để chấm dứt một hành trình dằng dặc không nơi đến, đó là tự tử, thì Estragon chợt nhớ ra cái mẩu dây thừng thắt lưng của mình. Cả hai ngắm nghía mẩu dây thừng – cứu rỗi, mỗi người cầm một đầu dây, kéo mạnh để thử. Mẩu dây thừng đứt làm đôi. Hy vọng cuối cùng nổ bung tan tác. Chiếc quần Estragon rộng thùng thình tụt xuống gót chân. Nhưng trước khi màn hạ, cả hai vẫn còn đủ thì giờ nhắc lại:

"Thôi… để đến mai vậy."

Nghĩa là đến mai, kia, kìa… sẽ cũng vẫn như vậy.

Đêm 5-1-1953, tấm màn nhung đỏ rạp Babylone mở lên. Lần đầu tiên, trước số khán giả chọn lọc vì được mời (những nhà văn lớn, phê bình gia nổi tiếng, kịch sĩ tên tuổi), vở kịch hai hồi En attendant Godot được trình diễn. Và thành công. Nghĩa là khán giả đã phản ứng đúng như sự tiên liệu của nhóm Beckett. Khán giả cười, bắt buộc phải cười trong khi thấy ấm ức trong lòng. Họ cảm thấy ngượng nghịu như soi gương bắt chợt một nét khả ố trên chính nơi mặt, chính nơi thân xác của mình. Sự ngượng nghịu, ngượng ngùng đôi khi dẫn đến bực bội, đối kháng. Có người định tỏ thái độ, định đứng dậy ra về nhưng lại đồng thời cảm thấy lố bịch. Đứng lên rồi lại ngồi xuống. Cười chảy nước mắt. Oà bật lên cười.

Nghĩ về bi kịch, nhà văn quá cố A. Camus bắt gặp tính chất bi đát của thời đại hôm nay mà Camus nhận định kích thước đã vượt khỏi sân khấu hiện tại. Ông nói: Chúng ta chưa viết được một vở bi kịch nào tương xứng với cái bi đát hôm nay chúng ta đang sống.

Cái bi đát hôm nay – khác biệt hẳn cái bi đát xa xưa con người cô đơn đối diện với siêu việt cao vời, con người độc hành trong hành trình đối kháng Định mệnh, khác biệt hẳn cái bi đát huyền nhiệm trang nghiêm của Eschyle, Sophocle và Racine – cái bi đát hôm nay, cái bi đát nảy sinh từ sau cái hới mưng ngây ngô của con người trước tiến bộ của khoa học; cái bi đát “tái xuất giang hồ”, sau một thời gian “rửa kiếm” vì lời cáo phó cái chết Thượng Đế của Nietzsche, vì lời gào gọi đứng-lên-vô-sản-thế-giới của Marx; cái bi đát mà đã biết bao người làm sân khấu săn đuổi, mà có một thời, những Gide, Giraudoux, Cocteau, Sartre đã tưởng tìm thấy một hình thức để trình bày, một công thức để diễn tả, khi phiêu lưu trở về thế giới thần thoại Hy Lạp, mà Brecht đã thấy bất lực khi muốn sáng suốt phân tích, tách rời để khám phá nguyên nhân, để giải hoặc; cái bi đát manh nha từ một môi trường sống chết nơi đó tất cả mọi người không một ai không có đủ lý do biện mình cho bất kỳ một hành động nào của mình, nơi đó con người thường chân thành nhân danh hạnh phúc con người để, cũng rất chân thành, tiêu diệt con người; cái bi đát dâng lên từ cái chết tập thể sáu triệu Do Thái, quằn quại trong những trại giam, nung nấu giữa chiến trường Việt Nam; cái bi đát không phải do một cá nhân tạo thành, không phải tự một cá tính thai nghén; cái bị đát đè nặng lên từng tập thể, thúc đẩy hàng triệu thanh niên trên thế giới xuống đường chỉ để… xuống đường; cái bi đát hôm nay – hay là cái bi đát không phải của một Rodrgiue hiên ngang, một Quan Công lẫm liệt, một Hamlet suy tư, một Oêdip đau khổ, mà là cái bi đát của một tên hề lố bịch, một thằng người vô danh, vô tính – cái bi đát của con người sa lầy dần dần vào cái bầy nhầy của thời gian bất biến, vào cái ù lì của đồ vật vô giác vô tri, cái bi đát của con người đã băng hoại đến độ cuối cùng của sự băng hoại mà lại còn giật mình nghe thấy vẳng lên tự lòng vực thẳm băng hoại những lời tra vấn đã tưởng trả lời dứt khoát tự lâu, mà con người đã rõ không thể nào, không thể nào trả lời dứt khoát; cái bi đát đó, cái bi đát hôm nay, phải đợi đến khi chiếc quần của Estragon từ từ tụt xuống gót chân để chấm dứt vở kịch En attendant Godot, với những lời đối thoại ngây ngô, những hình thù kệch cỡm bẩn thỉu nửa người nửa ngợm của nhân vật, với cái không khí tận cùng khó chiụ của tất cả khán trường và sân khấu, cái bi đát hộm nay của anh và tôi, phải đợi đến lúc đó, qua tiếng cười bất đắc dĩ của khán giả, mới tìm thấy một hình thức xứng đáng để tự biểu hiện, một công thức mầu nhiệm để tự diễn tả.

Hình thức đó là vở kịch En attendant Godot.

Công thức đó, rất giản dị, là:

Bi = Hài.