Isabel là nhân viên phục vụ trong một nhà hàng, công việc bận rộn và nhiều áp lực khiến cô muốn tìm sự an tĩnh qua việc thực hành thiền định. Nhưng vì đã quá quen sống phóng túng trong nhiều năm, cô không thể dậy sớm để tham thiền đều đặn được. Cô nói:
- Thưa bà, nỗi khó khăn lớn nhất của tôi là tuân theo kỷ luật. Tôi là người sống bừa bãi không có kỷ luật gì hết, nhất là trong việc ăn và ngủ. Tôi đã tham dự các lớp huấn luyện, đọc sách “Học làm người”, đi chữa ở các bác sĩ tâm thần nhưng chẳng kết quả gì, chứng nào vẫn tật nấy. Tôi đến đây để xem bà có phương pháp nào thay đổi được cuộc đời vô kỷ luật của tôi hay không?
- Thánh Teresa d’Avilla đã nói: “Nếu muốn có một đức tính nào, hãy tưởng tượng mình có đức tính đó và như vậy thì đã đi một nửa con đường rồi”. Hãy hình dung chính mình là người đã có những đức tính mình muốn một cách hứng thú, và rồi cách cư xử của ta sẽ dần dần thay đổi để thích hợp với những đức tính đó. Bao lâu nay cô vẫn tự nhủ: “Tôi là người vô kỷ luật, tôi chẳng tuân theo kỷ luật gì cả...” do đó hành động của cô đã phản ảnh đúng tâm trạng vô kỷ luật này. Phải chăng khi đồng hồ báo thức reo lúc 5 giờ sáng, tiềm thức của cô lặp đi lặp lại một điệp khúc quen thuộc rằng: “Tôi không có kỷ luật, tôi không có kỷ luật”, và rồi trí óc của cô đã sai khiến cái tay của cô tắt đồng hồ báo thức đi để ngủ thêm ít lâu nữa. Điều này có khác chi một cái mẫu mà người thợ may dùng để may quần áo. Mẫu thế nào thì bộ quần áo sẽ như thế. Trong cuốn “Psychocybernetics”, giáo sư Maxwell Waltz đã viết: “Cách xử sự của một người không bao giờ trái ngược với hình ảnh của chính đương sự”. Vì cô thích đọc những loại sách “Học làm người”, để tôi giới thiệu cuốn “Power of Affirmation” của đạo sư Subramuniya, nhà xuất bản Himalayan Acadamy tại Hawaii. Trong cuốn này tác giả đã dạy chúng ta cách phá bỏ những thói quen trong trí óc để bước vào một địa hạt khác. Ông viết: “Nếu một người cảm thấy mình không thể làm được thì người đó sẽ không bao giờ làm được việc đó”. Phương pháp thực hiện là thay đổi tư tưởng, thay đổi suy nghĩ bằng tất cả sức mạnh bản thân, sao cho toàn thân, từ đầu óc xuống đến các lỗ chân lông đều toát ra một ý nghĩ duy nhất là “Tôi có thể làm được”. Tác giả đề nghị mỗi ngày nên lặp đi lặp lại hàng trăm lần câu: “Tôi có thể và tôi sẽ làm được chuyện đó” thì người ta sẽ thay đổi được. Bây giờ chúng ta hãy áp dụng phương pháp này vào trường hợp của cô. Thay vì giữ ý nghĩ: “Tôi không có kỷ luật” trong tâm tư tưởng, cô cần đổi nó thành: “Tôi có kỷ luật, tôi là người rất kỷ luật”. Không những giữ trong tâm như vậy mà cô còn phải lặp đi lặp lại mỗi khi có dịp như một câu thần chú. Sau nữa, khi trí óc của cô ở tình trạng nhạy cảm như lúc trước khi ngủ thì cô hãy hình dung trong trí óc về hành động mà cô muốn thực hiện. Muốn dậy sớm ư? Cô hãy hình dung mình sẽ dậy đúng 5 giờ sáng và thực hành thiền định đều đặn trong suốt một giờ liền. Nếu trước khi đi ngủ cô cứ nghĩ về tư tưởng này thì cô sẽ hành động như vậy.
Bây giờ qua đến việc ăn uống, nếu cô nghĩ mình có thói quen ăn bừa bãi bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào thì cô sẽ làm như vậy. Để thay đổi, cô phải hình dung chính cô là người mà cô muốn trở thành. Hãy nghĩ rằng cô là người ăn uống rất kỷ luật, ăn đúng giờ giấc và chỉ ăn những thức ăn do cô định trước, không hơn không kém. Hãy hình dung cô chỉ mặc những quần áo do chính cô chọn lựa. Ăn uống ngủ nghỉ vào những giờ giấc nhất định do cô định đoạt. Cứ như thế, cô sẽ kiểm soát được đời sống của chính cô. Phương pháp giản dị này còn giúp cô thay đổi các thói quen vô ý thức từ trước, tạo dựng đức hạnh và biển đổi cuộc đời.
- Nhưng phần lớn con người sẽ trở lại các thói quen cũ vì bao giờ thói cũ cũng mạnh hơn cái mới. Làm sao ta có thể vượt qua trở ngại này?
- Vì cô thích đọc sách, tôi giới thiệu thêm cuốn “The Mental Equivalent” của Emmet Fox. Trong cuốn này tác giả đã đưa ra ba chìa khóa để khắc phục trở ngại như sau: Rõ ràng, Thường xuyên và Mạnh mẽ. Rõ ràng là đặt mục tiêu thật rõ rệt trong trí, Thường xuyên là luôn luôn nuôi dưỡng trong trí cái hình ảnh mới này. Khi thói quen cũ bắt đầu hoạt động trở lại thì lập tức thay thế nó bằng một hình ảnh mới vào đó. Mạnh mẽ là làm sao nuôi dưỡng cái hình ảnh mới này một cách sâu xa, mạnh mẽ. Làm sao để nó không những là một quan niệm trong trí óc, mà từ trái tim đến mỗi tế bào trong cơ thể cô đều cảm thấy như vậy. Kinh Thánh đã dạy: “Anh muốn thế nào thì sẽ được như thế”. Kinh không hề nói rằng mong thế nào thì sẽ vậy vì sự mong mỏi thì hời hợt, yếu đuối, nông cạn, trong khi sự ham muốn thì mạnh mẽ hơn nhiều.
Lòng tin là một thứ quyền lực, và sức mạnh của tư tưởng có thể thay đổi được nhiều việc. Khi thay đổi tư tưởng, người ta sẽ thay đổi hành động vì chúng ta nghĩ thế nào thì sẽ hành động như thế.