Donald là một sinh viên còn trẻ có giọng nói nhỏ nhẹ và lễ phép, anh đang cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa cuộc sống qua thiền định và đọc sách vở về tâm linh. Anh nói:
- Thưa bà, nếu chỉ một kinh nghiệm tâm linh nhỏ có thể thay đổi hẳn cuộc đời một người thì sự giác ngộ đạt đến tâm thức vũ trụ chắc chắn phải tuyệt vời lắm. Một việc tốt đẹp như thế tại sao có ít người làm quá?
- Không đâu, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều muốn tìm sự giải thoát. Mọi sinh vật đều muốn tự do, hạnh phúc và sống mãi, nhưng đa số người ta đều tìm kiếm những sự này qua việc ăn uống, tình dục, tiền bạc, thành công, của cải, danh vọng hay giải trí. Vấn đề không phải là người ta không muốn tìm sự giải thoát, nhưng người ta đã tìm nó sai chỗ. Điều này có thể diễn tả qua câu chuyện ngụ ngôn sau:
“Có một thiếu nữ kia cứ cắm cúi lục lọi trong vựa lúa trước nhà cho đến khi một người qua đường thấy vậy hỏi:
- Cô kiếm gì mà lục lọi trong vựa lúa vậy?
- Tôi tìm một cây kim khâu.
- Cô đánh rớt nó trong vựa lúa ư?
- Không, tôi đánh rớt nó ở trong nhà.
- Ủa! Cô đánh rớt nó ở trong nhà thì tại sao cô lại tìm nó ở ngoài vựa lúa?
- Tại vì trong đó tối quá tôi khó tìm, ở ngoài này sáng hơn.”
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng tất cả những gì chúng ta muốn tìm đều có sẵn trong nội tâm chúng ta cả, nhưng thay vì quay vào bên trong thì chúng ta lại cứ xoay ra bên ngoài tìm kiếm rồi than là không thấy. Chúa Jesus đã dạy rõ rằng: “Thiên đường ở nội tâm”. Cái ánh sáng cao cả bao la thấm nhuần tất cả lúc nào cũng chiếu soi nhưng vì bị lớp mây vô minh che lấp, khi mây tan hết thì ánh sáng lại hiện ra. Kinh điển Phật giáo cũng đề cập đến việc một người có viên ngọc cất trong tay áo nhưng không biết dùng mà cứ sống một cuộc đời nghèo đói lam lũ, ăn xin, cho đến khi tỉnh ngộ biết rằng mình vốn là người giàu có, có ngọc trong tay áo chứ không phải một người nghèo kém.