Stella là người có tâm hồn hướng thượng và đang cố gắng học hỏi các truyền thống tâm linh. Bà nói:
- Cách đây ít lâu, trên truyền hình có một giáo sĩ đã giảng câu chú “Tôi là” (I am) và khuyên mọi người thực hành nó. Tôi thích câu này lắm vì nó bao hàm ý nghĩa cao siêu rằng Thượng Đế ngự ở trong tôi, và “Tôi chính là Ngài”. Tôi đã đọc đi đọc lại câu này nhiều lần nhưng không biết nó có giúp gì cho tôi không?
- Trước hết xin hỏi bà chữ “Tôi” ở đây có nghĩa là gì?
- Là tất cả mọi thứ, cá nhân tôi, tính tình tôi, xác thân tôi, tâm hồn tôi, các thói quen của tôi, lòng ham muốn của tôi, sự liên hệ của tôi, và tất cả mọi thứ khác nữa.
- Vậy ư? Nếu thế có lẽ câu chú đó chẳng giúp gì cho bà được đâu.
- Tại sao?
- Tại vì câu chú đó không ngụ ý rằng “Stella là Thượng Đế”, vì dĩ nhiên bà không phải Thượng Đế hay Thượng Đế không phải là “Cái tôi” của Stella. Nếu ý thức rằng bà chính là hiện tại, một hiện tại vượt khỏi thời gian, không gian, vượt khỏi các thân xác, trí óc hằng thay đổi, một hiện tại đầy yên tĩnh, bình an, thì câu chú đó có thể đúng. Tuy nhiên vì bà không ý thức như vậy nên không thể áp dụng câu chú đó được.
- Tôi nghe nói rằng tất cả mọi thứ đều là “Ngài” kia mà.
- Đúng vậy, nhưng nghe nói vậy không có nghĩa chúng ta có thể nhảy vọt một bước đã lên tột đỉnh mà phải lần lượt leo từng bước lên đỉnh. Trên đường đạo, chúng ta cần biết cởi bỏ, cần biết phủ nhận những gì không thật, phủ nhận mọi hiện tượng hằng thay đổi để ra khỏi vòng phân biệt nhị nguyên. Từ đó chúng ta sẽ dần dần lên nấc thang của sự thức tỉnh thanh khiết để hòa nhập với Đấng Vô Cùng. Đây là một kinh nghiệm chứ không phải ý thức mơ hồ hay một lý thuyết suông. Dĩ nhiên người ta có thể tự đánh lừa mình rằng họ là sự bình an, là sự thanh khiết, và có thể hòa nhập với Ngài, nhưng điều này chẳng giúp gì cho người đó cả vì họ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn của tâm thức phân biệt.
- Nếu vậy tôi phải làm gì?
- Thay vì tự nhận rằng mình là cái này, cái kia thì bà phải biết cách cởi bỏ những thứ đó và nói rằng tôi không phải là cái này, hay không phải là cái kia (neti, neti). Thay vì xác nhận thì bà phải biết cách phủ nhận. Khi bà đã cởi được những ràng buộc phù phiếm, giả tạo của bản ngã, những cái gì không thật, thì bà mới thấy rằng cái thực tại cuối cùng, cái tinh hoa vẫn tiềm ẩn ở trong mọi cái mà bà muốn tìm kiếm. Nếu bà tự coi mình là một cá nhân riêng biệt, hằng thay đổi, bà đã lệ thuộc vào sự trói buộc của bản ngã, vào những ảo ảnh của một thực thể tự trị thì câu chú đó không thể giúp bà được.
- Nếu vậy những người thực hành câu chú này đều sai lầm hết hay sao?
- Không hẳn thế. Tùy tâm trạng, tùy quan niệm về bản ngã của họ mà câu chú có thể giúp họ hay không. Người ta không thể áp dụng một công thức chung được.
- Như vậy chữ “Tôi” trong câu “Tôi đói, tôi khát”, và chữ “Tôi” trong câu “Tôi là Ngài” (I am) khác nhau thế nào?
- Khi chúng ta nói “Tôi khát”, “Tôi đói”, “Tôi thích”, “Tôi ghét”, chúng ta đồng hóa tinh hoa của chúng ta với các cảm giác của xác thân hay ham muốn của trí não. Chính cái “Tôi” bị đồng hóa này là trở ngại cho chúng ta. Trong khi đó, chữ “Tôi” trong câu chú “Tôi là Ngài” ngụ ý một điều cao thượng, không bị đồng hóa và đó chính là mục tiêu của việc thực hành câu chú đó.