Minh Triết Trong Đời Sống

Mẫu Số Chung

Hans làm việc cho một cơ quan hòa giải, có trách nhiệm dàn xếp tranh chấp giữa các cá nhân, đoàn thể hoặc nghiệp đoàn. Anh nói:

- Tôi đã làm việc khắp nơi, từ các cơ quan hành chính như quận hạt, đến các hội đồng tỉnh và nghiệp đoàn quốc gia. Hầu hết các cuộc tranh chấp dù gay go đến đâu rồi cũng được dàn xếp ổn thỏa. Tuy nhiên tôi thấy nó chỉ có tính chất tạm thời, như băng bó một vết thương chứ không trị tuyệt căn. Tôi muốn tìm hiểu thêm về con đường tâm linh để xem nó có thể mang lại một phương cách nào khác hơn các giải pháp thế tục không?

- Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng con đường tâm linh không hề xa lánh thế tục, nó giống như mặt trời và những tia sáng của nó thôi. Tâm linh và thế tục, tinh thần và vật chất, dường như hai mà chính ra vẫn là một. Vì mọi người không nghĩ như vậy nên mới sinh ra sự phân biệt. Xin cho biết anh thường dàn xếp các buổi hòa giải như thế nào?

- Cái đó cũng tùy hoàn cảnh. Tuần trước tôi được cử đi dàn xếp một vụ tranh chấp phe nhóm trong một trung tâm cao niên. Tôi mời tất cả mọi người trong trung tâm tham dự buổi họp. Thoạt đầu tôi kể một câu chuyện khôi hài để mọi người cười cho vui, rồi yêu cầu hai người không liên quan gì đến việc tranh chấp kể lại những rắc rối đã xảy ra. Đây chỉ là hình thức ôn lại sự kiện một cách trung thực, sau đó tôi mời đại diện hai phe nói về quan niệm của họ, tuy nhiên trong khi phe này nói thì phe kia phải giữ yên lặng. Lý do chính là làm sao giúp những người trong hai phe nhóm hiểu rõ các quan niệm trái ngược với quan niệm của họ.

- Hay lắm, tôi rất thích việc sử dụng các câu chuyện khôi hài lúc khởi đầu của anh. Cười là một liều thuốc bổ giúp người ta thoải mái hơn. Đối với tôi, phe nhóm, đoàn thể nào cũng chỉ là sự kết hợp của những cá nhân trong đó. Giống như sợi dây đeo cổ bằng hạt trai là sự kết hợp của nhiều hạt trai với nhau. Khi các hạt trai đứng yên thì cả sợi dây cũng lặng yên. Muốn hòa giải một việc, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta cũng nên bắt đầu từ cá nhân. Hầu hết mọi sự xung đột đều bắt nguồn từ các quan niệm khác nhau hay các vấn đề thuộc phạm vi lý trí. Do đó điều chính yếu là vạch ra cho mọi người thấy rõ lý trí chính là nguyên nhân của sự xung đột và người ta không thể giải quyết nó bằng một lý luận của lý trí khác. Nếu không nắm vững yếu tố này thì mọi giải pháp chỉ có tính chất tạm thời mà thôi. Lý trí là nguyên nhân của sự chia rẽ, phân hóa, cao thấp, được thua, còn mất, phán xét và giới hạn. Muốn giải quyết căn nguyên vấn đề, người ta cần vượt lên phạm vi lý trí hay các quan niệm phân biệt kể trên.

- Thưa bà, làm sao có thể vượt khỏi phạm vi của lý trí trong sự xung đột phe nhóm khi các đơn vị trong đó thuộc các thành phần hỗn hợp khác nhau?

- Đó không phải là vấn đề quan trọng. Tôi coi đó như một phân số mà thôi. Khi còn đi học chúng ta thường cộng các phân số bằng cách tìm ra một mẫu số chung...

- À phải rồi, chúng tôi cũng thường áp dụng phương pháp tìm một mẫu số chung, tìm một điều gì mà cả hai phe đều đồng ý, khai triển rộng ra, để từ đó đi đến sự hòa giải.

- Đúng vậy, nhưng tôi tin rằng cái mẫu số chung mà anh nói đến vẫn thuộc phạm vi lý trí. Trong khi điều tôi muốn nói là cái mẫu số chung của sự tồn tại (Being) – sợi dây liên kết tất cả mọi người chúng ta với nhau.

- Nhưng làm sao tìm được điều này, thưa bà?

- Chúng ta không cần phải tìm đâu xa, vì lúc nào nó cũng có sẵn: Chính chúng ta là cái mẫu số chung đó. Giống như mặt trời bị mây che phủ, mẫu số chung của chúng ta bị che phủ bởi các quan niệm thù hận, chia rẽ, phe phái, hơn thua, và ý niệm về bản ngã.

- Như vậy phải bắt đầu như thế nào?

- Trước hết anh hãy bắt đầu bằng sự thư giãn cho thoải mái. Hầu hết mọi người khi tham dự các cuộc hòa giải như vậy đều căng thẳng. Khi thân thể căng thẳng thì từ thể xác đến tinh thần của họ đều ở trong trạng thái cứng nhắc, cứng đến nỗi không thể chìa tay cho người khác bắt được nữa. Do đó sự thư giãn, thoải mái là ưu tiên số một trong mọi cuộc hòa giải. Anh có thể yêu cầu họ ngồi yên lặng một lúc cho thoải mái, hoặc vươn vai, duỗi chân cho bớt căng thẳng. Khi người ta đã thoải mái, họ sẽ cởi mở hơn. Khái niệm “Cởi mở” (Open) này rất hay, duỗi tay chân làm máu huyết lưu thông khiến ta thấy dễ chịu thoải mái. Từ đó trong tư tưởng sẽ có những “chỗ trống” (Space) và chính những “chỗ trống” này sẽ làm giảm bớt các thành kiến sẵn có, giúp họ có thể thu nhận được các ý kiến khác lạ. Sự thoải mái, cởi mở chính là đầu mối để giải quyết mọi xung đột...

- Thưa bà, tôi không hiểu tại sao sự thư giãn có thể thay đổi được gì? Liệu phương pháp của bà có khác phương pháp mà tôi đang áp dụng không?

- Thứ nhất phương pháp anh thường áp dụng chỉ là một cách giải quyết bằng lý trí, qua sự sắp đặt các lý lẽ một cách khéo léo. Nó tùy thuộc vào khả năng ăn nói, thuyết phục người khác theo những lý luận anh đã được tính toán từ trước. Tuy nó đưa đến sự thỏa hiệp nhưng sự chấp nhận này chỉ có tính chất tạm thời. Trong thâm tâm những người thuộc hai phe vẫn còn nguyên cái thành kiến xưa, cái mầm mống chia rẽ, cái quan niệm hận thù đã gây nên sự tranh chấp. Có thể họ chấp nhận sự dàn xếp của anh trong giai đoạn đó vì họ không thể làm gì khác hơn, nhưng rồi việc tranh chấp sẽ tiếp diễn vì nguyên nhân thật sự vẫn còn. Bây giờ hãy trở lại với việc thư giãn, nếu giải thích một cách khoa học thì khi thư giãn, các sóng điện từ trong não đang từ mức độ Beta sẽ giảm xuống Alpha. (Điện não đồ ghi nhận sự rung động từ 14 - 22 chu kỳ/giây xuống chỉ còn 4 - 14 chu kỳ/giây). Trạng thái Alpha là lúc chúng ta đi làm về đến nhà, thay quần áo, vặn nhạc, nghỉ ngơi. Khoa học đã chứng minh rằng trong trạng thái Alpha, hay trạng thái xả giãn, người ta có thể học hỏi môn học phức tạp như toán, lý, hóa, khoa học hay các môn học đòi hỏi việc sử dụng đến trí não một cách dễ dàng hơn lúc chúng ta ở trạng thái Beta.

- Phải chăng vì lý do là có các “khoảng trống” trong não?

- Đúng thế. Anh đã bắt đầu hiểu điều tôi muốn nói là vượt lên trên phạm vi lý trí rồi đó.

- Nhưng “khoảng trống” đó ăn nhập gì đến sự hòa giải? - Nó giúp người ta nhìn thấy, nghiệm thấy những điều mới mẻ, vượt ra ngoài các quan niệm thông thường. Nó nâng tâm thức người ta lên một “bình diện mới” (New Paradigm). Khi trí não yên tĩnh thì nó sẽ sáng suốt hơn. Do đó sự hòa giải này sẽ không dựa trên những lý lẽ đã được hoạch định từ trước, hoặc một mưu mô hay phương pháp nào. Kết quả của nó sẽ đến một cách tự nhiên giữa những người trong cuộc chứ không tùy thuộc vào người đứng ra hòa giải. Hiển nhiên đây là cách nhìn sự việc bằng một nhãn quan mới, một phạm trù mới, không giống phạm trù ngày trước, và vì thế mà nguyên nhân của sự tranh chấp, vốn tùy thuộc vào phạm trù trước, sẽ biến mất. Đó là cách giải quyết tận gốc rễ, trị tuyệt căn bệnh chứ không băng bó qua loa cho xong.

- Xin bà giải thích rõ hơn nữa.

- Này anh bạn, một đầu óc đầy thành kiến và cố chấp, giống như một hòn đá cứng, làm sao người ta có thể thay đổi nó được? Trên phương diện vật lý, muốn thay đổi tảng đá người ta phải sử dụng một lực rất mạnh, mạnh hơn lực liên kết trong tảng đá đó; nhưng nếu không khéo thì ta sẽ làm tảng đá bị vỡ nát, hư hại. Cũng như thế, trên phương diện tâm lý, phải mất nhiều khả năng hùng biện và thuyết phục mới khiến một người đầy thành kiến chịu xét lại. Dĩ nhiên nếu không khéo léo, việc này chỉ là sự “nhồi sọ”, hay “tẩy não” và rồi cũng không đem lại kết quả bao nhiêu. Một trí óc đầy thành kiến cũng như một sợi dây điện đi qua một điện trở, làm luồng điện không lưu thông được, bị tắc nghẽn và nóng lên. Một đầu óc lộn xộn, đầy thành kiến không thể tiếp nhận thông điệp mới, không thể nhìn thấy điều gì mới. Hai phe nhóm với quan niệm trái ngược không thể dung hòa cần vượt ra ngoài phạm trù tranh chấp đó thì mới có thể tìm được một mẫu số chung. Muốn vậy, họ phải có một cái tâm bình tĩnh, thoải mái và sáng suốt. Vì tâm có định thì mọi sự mới yên được; khi tâm còn xáo trộn, còn phân biệt thì không thể giải quyết điều gì cả. Có người nói rằng, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison không nhận mình là thiên tài mà chỉ khiêm tốn nói rằng: “Các ý tưởng hay lúc nào cũng ở quanh tôi, khi tâm tôi yên lặng, tôi đã nghe được chúng”.