rời đã tối mịt. Bà Mác-ga-rít đang lúi húi bày bàn ăn trong căn bếp chật hẹp thì Mai-ca chạy vào rối rít nói:
- Con lại được khen, mẹ ạ!
Bà mẹ quay lại nhìn con, âu yếm:
- Thế thì vui quá! Tiếc rằng hôm nay mẹ không chuẩn bị được món gì mừng con.
Chị Bét-xi nghe thấy thế liền cười:
- Chẳng bù với năm xưa khi em còn học cô giáo Xmít. Chỉ có một chữ “R” không sao đọc uốn lưỡi lên được mà em bị đòn đến tím cả lưng...
Mai-ca cũng cười, phô hai hàm răng đều và trắng:
- Năm ấy em mới có chín tuổi. Cô Xmít lại dữ đòn quá! Bây giờ được thầy giáo Uyn-lơ dạy giỏi, lại chẳng hay đánh học trò. Em chỉ ước gì được học thầy giáo mãi...
Ông Giêm-xơ vừa đi làm về, cởi chiếc áo treo vào một cái đinh ở góc nhà, thở dài nói:
- Chỉ sợ cái ăn rồi cũng không có, con ạ! nói chi đến chuyện học hành.
Bà Mác-ga-rít mang một bát cháo kiều mạch đặt xuống bàn, trước mặt chồng và lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì thế, hả ông?
Ông Giêm-xơ yên lặng húp nốt bát cháo hồi lâu rồi thong thả nói:
- Nghe đâu lão Bô-na-pác đang gây sức ép với các chính phủ trên lục địa, cấm không cho buôn bán với nước ta. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực và chất đốt.
Anh Rô-bớc cũng đặt bát xuống bàn, nói tiếp:
- Hôm nay đi làm con đã nghe có tin đồn: bánh mì sắp bán theo khẩu phần hạn chế rồi đấy!
Mai-ca ngước mắt nhìn bố và hỏi:
- Nhưng lão Bô-na-pác là ai mà cấm được người ta buôn bán hả bố?
Ông Giêm-xơ trả lời:
- Lão Bô-na-pác là hoàng đế nước Pháp, cũng giống như vua Gioóc-giơ đệ nhị của chúng ta ấy. Lão ta đánh thắng tất cả các nước trên lục địa châu Âu và đang đe dọa vượt biển sang đánh cả chúng ta đấy.
Bà Mác-ga-rít cắt một khoanh bánh mì đen đưa cho chồng và hỏi:
- Thằng Mai-ca nhà này không được đi học thì biết cho nó theo nghề gì bây giờ?
Ông Giêm-xơ thở dài:
- Tạng người nó yếu ớt, không theo nổi nghiệp này. Nghề thợ rèn của bố con tôi vất vả lắm! Cũng vì thế nên bấy lâu nay tuy túng thiếu nhưng tôi vẫn cố cho nó đi học, may ra kiếm được việc gì hợp với sức lực nó hơn. Nhưng rồi đây ai mà biết được thế nào...
Mai-ca phụng phịu:
- Bây giờ con thích đi học cơ!
Anh Rô-bớc gật đầu:
- Cả nhà đều mong muốn như vậy, em ạ! chỉ trừ trường họp bất đắc dĩ, còn thì nhất định cố lo cho em được đi học.
Thấy Mai-ca ngước cặp mắt đen láy lên nhìn mình, vẻ tươi tỉnh, anh Rô-bớc khẽ búng vào mũi chú bé một cái và cười:
- Bây giờ cu cậu thích học. Nhưng năm xưa thì anh cứ phải thường xuyên dắt một thằng bé em trốn học đến lớp cô giáo Xmít.
Chị Bét-xi vội giới thiệu:
- Mai-ca vừa được thầy giáo Uyn-lơ khen đấy!
Chú bé hớn hở:
- Bài luận của em được đem ra đọc trước lớp. Thầy giáo khen là bài làm có nhiều ý hay, giàu tưởng tượng.
Anh Rô-bớc cười, hỏi:
- Chắc em lại tưởng tượng cưỡi một tấm thảm bay đi tìm hạnh phúc?
Mai-ca ngượng nghịu, lắc đầu:
- Không phải! Nghe thầy giáo giảng về ông Cri-xtòp Cô-lông vượt biển đi tìm đất mới, em thích quá! Em cũng nghĩ ra một chuyến vượt biển trên một chiếc tàu do em làm thuyền trưởng và em đã tìm ra một hòn đảo chưa ai biết ở giữa Đại Tây Dương...
Ông Giêm-xơ bật cười:
- Con thật là ngốc, ồf Đại Tây Dương bây giờ còn hòn đảo nào chưa có vết chân người châu Âu đi tới nữa! Con cứ viển vông những chuyện trên trời dưới biển, chẳng đâu vào đâu cả. Giá như con nghĩ được việc gì kiếm ra bánh mì để ăn cho no bụng lại hay hơn.
Mai-ca đỏ mặt lên:
- Bố không biết chứ, ông Cri-xtốp Cô-lông trong khi không có một iu dính túi mà vẫn nghĩ tới lúc có một đội tàu vượt biển về phía tây tìm đường tới Ấn Độ. Ai cũng cho là chuyện viển vông, ấy thế mà ông ấy đã tìm ra châu Mỹ đấy.
Bà Mác-ga-rít cười, hiền hậu:
- Cứ để cho con nó ao ước một chút cũng không sao, ông ạ! Miễn là ngày nào chúng ta còn lo cho nó ăn học được thì nó phải cố học cho giỏi. Bao giờ hết cách, nó phải tự kiếm ăn thì tự nhiên nó sẽ hết viển vông. Người nghèo chúng ta ai mà chẳng thế!
Ông Giêm-xơ yên lặng, và nhún vai dường như không tin rằng ở trên đời có những câu chuyện viển vông lại trở thành sự thực. Nhưng chú bé Mai-ca thì hoàn toàn tin vào những điều mình đã học và nghĩ ra. Chú bé thả mặc cho tâm trí non nớt của mình bay bổng vào cõi tưởng tượng ngây thơ, và phút chốc đã quên cả nỗi đe dọa phải thôi học vì nghèo túng mà cha chú vừa nói tới.
Ông giáo Uyn-lơ ngạc nhiên khi thấy Mai-ca đến lớp muộn giờ. Cậu học sinh chăm chỉ và ngoan ngoãn ấy xưa nay không bao giờ đi học muộn. Ông lại càng ngạc nhiên khi thấy Mai-ca vào lớp, tay không mang cặp sách, vẻ mặt rầu rầu. Ông vội hỏi:
- Có chuyện gì vậy, Mai-ca?
Mai-ca nghẹn ngào, nói không rõ tiếng:
-. Thưa thầy, con đến xin phép thầy thôi học...
Ông giáo nhắc cặp kính trắng ra khỏi mắt, chăm chú nhìn cậu học trò mà ông rất thương yêu:
- Thế nào? Cha mẹ con không thể nuôi cho con ăn học được nữa ư?
Mai-ca cúi đầu, đứng yên không nói. Bỗng chú bé òa lên khóc nức nở, như không thể nào giữ được nỗi đau khổ mà bấy lâu chú cố nén chặt trong lòng. Ông giáo Uyn-lơ xúc động rời bục giảng, bước lại gần cậu học trò nghèo đã năm lần bảy lượt bỏ học, và bây giờ thì chắc sẽ phải thôi học hẳn. Ông đặt tay lên đôi vai gầy gò của Mai-ca, và nói:
- Hãy dũng cảm lên, Mai-ca! cần phải giữ vững lòng tin vào cuộc sống. Con hãy nói cho thầy rõ đầu đuôi câu chuyện đi nào.
Dường như những đòng nước mắt trào tuôn đã làm vợi bớt nỗi xúc động ngập tràn, Mai-ca dần dần lấy lại được bình tĩnh. Chú lấy khăn tay lau nước mắt và buồn rầu nói:
- Bố con dạo này không có việc làm đều đặn. Con phải nghĩ học để trông đứa em nhỏ cho mẹ con đi giặt thuê, kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Bố con bảo, lần này thì con thôi học hẳn, sang năm lớn thêm chút nữa sẽ đi học nghề đóng sách.
Ông giáo Uyn-lơ mỉm cười, khẽ vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán Mai-ca:
- Đi học nghề thì có gì mà phải khóc? Ở đời này thiếu gì những người thợ làm nên sự nghiệp phi thường. Con đã quên câu chuyện anh thợ rèn Niu-cô-men cũng thông minh chẳng kém gi ngài tiến sĩ Húc-cơ rồi ư? Và còn người thợ nổi danh Giêm-xơ Oát đã trở thành bất tử nhờ chiếc máy hơi nước vạn năng của ông thì sao?
Ông giáo ra hiệu cho Mai-ca về chỗ, và từ từ bước lên bục, nghiêm trang nhìn cả lớp. Đám học trò đang ồn ào bàn tán về câu chuyện thôi học bất ngờ của Mai-ca liền im bặt. Ông giáo cất tiếng nói thong thả:
- Các con thân yêu! Lớp ta sắp phải chia tay với một người bạn tốt, một học trò chăm chỉ và có năng lực. Bạn Mai-ca của các con bây giờ phải nghĩ học hẳn để chuẩn bị đi làm. Các con cũng như thầy đều thương Mai-ca nhưng tiếc rằng chúng ta đều nghèo chẳng giúp được gì cho Mai-ca học tiếp. Tiếc cho Mai-ca bao nhiêu, thầy lại buồn bấy nhiêu vì ở lớp ta còn có những người ham chơi hơn ham học, bỏ phí mất tuổi xanh trong lúc còn có điều kiện học hành.
Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn mấy cái đầu cúi xuống vì ngượng ngùng, rồi nói tiếp:
- Mai-ca! Thầy muốn nói riêng với con vài lời.
Ông Uyn-lơ nhìn thẳng vào cậu học trò và cất cao giọng nói:
Phải bỏ học nửa chừng như con là một điều đáng tiếc. Giá như con được học thêm vài năm nữa cho xong bậc tiểu học thì có thể con sẽ thu được một vốn học thức có ích hơn. Nhưng thầy muốn khuyên con luôn ghi nhớ những tấm gương hiếu học của người xưa. Con sẽ học hỏi những người bạn cùng làm, học hỏi trong sách vở, học hỏi trong cuộc sống. Cứ cố công bù đắp sự thiệt thòi thiếu học thuở thơ ấu vì cái nghèo bó buộc, thầy tin là con sẽ đạt được phần nào những điều con từng mơ ước. Cái khó là mài giũa ý chí cho bền, đó là điều cuối cùng thầy muốn dặn con ghi nhớ.