Mấy Bài Tựa Đắc Ý

Vài lòi thưa trước

Docsach24.com

Mục Lục

Vài lời thưa trước

1. Tựa cuốn THẾ HỆ NGÀY MAI

2. Tựa cuốn ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC SỬ TRUNG QUỐC

3. Tựa cuốn TƯƠNG LAI TRONG TAY TA

4. Tựa cuốn QUẲNG GÁNH LO ĐI VÀ VUI SỐNG

5. Tựa cuốn BÁN ĐẢO Ả RẬP

6. Tựa cuốn BẢY NGÀY TRONG ĐỒNG THÁP MƯỜI

7. Tựa (in lần thứ nhì) cuốn ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

VÀI LỜI THƯA TRƯỚC

 

Trong tiểu mục “Những bài Tựa – bài giới thiệu” trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời & Tác phẩm (Nxb Văn học, năm 2007 - về sau viết tắt là NHL CĐ&TP), ông Châu Hải Kỳ viết:

“Mỗi lần mở một cuốn sách nào của ông ra đọc là tôi tức đến cành hông. Tức ông tại sao ông không gom góp tất cả những bài tựa, bài giới thiệu sách đã viết ra để xuất bản thành một tác phẩm. Rồi tức luôn cả các nhà xuất bản tại sao cũng chẳng nghĩ đến điều đó? Nhiều bài của ông viết ra chẳng đã đăng trước ở các tạp chí rồi mới đem in thành sách đó sao? Vậy thì những bài tựa, bài giới thiệu sách kia đem in thành sách để làm mẫu mực cho loại sách “hướng dẫn viết tựa” cũng đâu phải là việc không bổ ích và cần thiết? Từ trước đến nay trong kho văn học thế giới chỉ mới thấy mỗi một tác phẩm trong đó có in nhiều bài tựa sách…” (trang 314).

Sau khi trích dẫn và nhận định nhiều đoạn bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai của cụ Nguyễn Hiến Lê, ông Châu Hải Kỳ kết luận:

“Đấy, các bạn thấy chưa, chỉ một nửa bài tựa thôi mà giọng văn của ông đã biến đổi bao nhiêu lần, huống gì là đọc hết những bài tựa, bài giới thiệu sách của ông thì chúng ta sẽ còn hào hứng thích thú đến mức nào?

Tôi đề nghị ông in thành tác phẩm.

Tác phẩm in ra, tôi không đám quả quyết là sẽ bất hủ, nhưng chắc chắn giá trị của nó phải vô cùng độc đáo nhất toàn bài tựa và bài giới thiệu sách, đặc sắc về nội dung, điêu luyện về kỹ thuật trong loại sách này trên thế giới” (trang 321).

Khi NHL CĐ&TP của ông Châu Hải Kỳ chưa in thành sách, sau khi đọc tập bản thảo, ông Võ Phiến - tác giả cuốn Đất nước quê hương được cụ Nguyễn Hiến Lê đề Tựa - cho đăng bài giới thiệu trên tạp chí Bách Khoa số cuối 426, ngày 20-4-1975[1], trong đó ông Võ Phiến ghi nhận về các bài Tựa của cụ Nguyễn Hiến Lê như sau:

“…ông Châu Hải Kỳ có lẽ cũng là người đầu tiên nêu lên cái đặc tài viết Tựa của ông Nguyễn. Và điều ấy đúng.

Còn nhớ khi cuốn Qê hương của Ngu Í được xuất bản với cái tựa của Nguyễn Hiến Lê, anh em ở tòa soạn Bách khoa đã một phen ngạc nhiên. Anh Ngu Í? Thì anh vẫn gặp chúng tôi hàng ngày, vẫn nói với chúng tôi đại khái những điều đã nói với ông Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Qê hương? Thì anh cũng đã đưa bản thảo cho chúng tôi xem như đã đưa cho ông Nguyễn. Tuy vậy, trước khi cuốn sách xuất bản, không một ai trong chúng tôi ngờ đến những điều lý thú mà ông Nguyễn đã viết ra trong bài Tựa tác phẩm độc đáo nọ, một bài Tựa thật khéo léo tài tình”.

Đưa ra cái ý kiến một tuyển tập các bài Tựa của ông Nguyễn Hiến Lê, ông Châu đã tỏ ra là một tri kỷ của ông Nguyễn”. (trang 10)

Về việc ông Châu Hải Kỳ “đưa ra cái ý kiến một tuyển tập các bài Tựa”, tức tuyển tập các bài tựa cụ đề cho các sách của cụ và các sách của các bạn văn, cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong Hồi kí (Nxb Văn học, 1993) như sau:

“Ai cũng nhận rằng tôi viết tựa hay cho nên vài bạn văn nhờ tôi đề tựa cho hai ba cuốn. Hai đã là quá nhiều rồi, mà phải là hai cuốn trong hai loại khác nhau thì tôi mới nhận lời. Và tôi chỉ nhận cho bạn thân thôi. Ông Châu Hải Kỳ có lần khuyên tôi nên lựa những bài vừa ý hơn hết, cho vào một tuyển tập như một nhà văn nào đó bên Pháp. Tôi không làm việc đó khiến ông bực mình – nhưng sau 1975, tôi cũng lựa ít bài cho vô tập: Để tôi đọc lại”. (trang 463)

Nghĩa là cụ Nguyễn Hiến Lê đã lựa sáu bài Tựa viết cho bạn văn cho vào cuốn Để tôi đọc lại, nhưng cụ lại không đưa vào một bài Tựa nào cụ đã viết cho sách của mình.

 

Về các bài Tựa cụ viết cho mình, cũng trong Hồi kí, cụ cho biết:

 

“Tựa tôi viết cho tôi mà tôi lấy làm đắc ý:

- Cổ văn Trung Quốc: Có giọng cổ văn, hợp với nội dung tác phẩm: mạnh, giản, bóng bẩy mà minh bạch, cảm thán thành thực, nửa trên ghi lại một hồi kí thời thiếu niên, nửa dưới tả tâm sự và tài của cổ nhân.

- Thế hệ ngày mai: phần trên cảm động chép tình của cha mẹ đối với con trong hai buổi học đầu tiên của tôi và của con tôi.

- Đại cương văn học sử Trung Quốc: Đoạn kết từ “Trăng mới ló dạng” tới cuối lời đẹp và có giọng cảm thán.

- Tương lai ở trong tay ta: Tôi ví đời người với một cuộc thám hiểm, ai cũng tự tìm lấy con đường của mình, như Magellan đi vòng quanh thế giới.

- Quảng gánh lo đi: Đoạn đầu giọng cũng cảm thán vì đời người là một bể thảm, đúng như Đoàn Như Khuê nói, dù sang, hèn, giàu nghèo, ai cũng đáng thương như ai hết.

- Bán đảo Ả Rập: Tôi tóm tắt được bi kịch của bán đảo đó trong câu đầu: nó bị chi phối mạnh hơn Hồi giáo. Lời lưu loát mà giọng rất mỉa mai, phẫn uất.

- Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười: Tình thương của các bà già miền Nam. Đoạn mở đầu đột ngột và lí thú”. (trang 463-464)  

Trong cuốn Đời viết văn của tôi (Nxb Văn hoá – Thông tin, năm 2006), ngoài bảy bài Tựa nêu trên, cụ Nguyễn Hiến Lê còn kể thêm bài Tựa (in lần thứ nhì) trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục:

 

- Đông Kinh nghĩa thục: bài Tựa in lần thứ nhì so sánh các nhà cách mạng trong Đông Kinh nghĩa thục với nhóm Khang, Lương của Trung Hoa: lời mạnh, ý vững”. (trang 244)

 

Tôi lấy làm tiếc là chưa tìm được bài Tựa cuốn Cổ Văn Trung Quốc nên trong tuyển tập này chỉ gồm bảy bài Tựa đắc ý của cụ Nguyễn Hiến Lê mà tôi chép lại từ nhiều nguồn khác nhau (chỉ có ba bài Tựa do tôi đánh máy: Đại cương văn học sử Trung Quốc, Quảng gánh lo đi, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười).

 

Mong rằng qua các bài Tựa “đặc sắc về nội dung, điêu luyện về kỹ thuật” này, các bạn chẳng những biết được phần nào nội dung của từng tác phẩm mà các bạn còn biết được ít nhiều về đời sống, tâm tư, nguyện vọng… của cụ Nguyễn Hiến Lê. 

 

 

 Goldfish

Tháng 12 năm 2009

 

Chú thích:

[1] Bài báo của Võ Phiến có nhan đề: Nhân đọc bản thảo cuốn Nguyễn Hiến Lê của Châu Hải kỳ. Bài này được dùng làm bài Thay lời giới thiệu (tác giả được ghi là Văn Phố) của cuốn NHL CĐ&TP. (Goldfish).