Hồi ấy, tới vụ nghỉ hè nào, tôi cũng về Sơn Tây ở với bác tôi[1] trong một ngôi nhà cổ, dưới bóng tre, giữa một cánh đồng lúa, bên bờ sông Nhị. Cảnh thì có núi, có gò, có đầm, có lạch, không khí thì thơm tho, lúc nào cũng văng vẳng những tiếng sáo diều, tiếng ca hát của thôn nữ cùng tiếng ngâm thơ của nhà nho. Tôi thích nhất là giọng bình văn: nó ung dung, nghiêm trang và thanh nhã làm sao! Tôi thích đến nỗi mỗi lần bác tôi chỉ nhắc tới những tên như Văn tâm điêu long, Chiêu minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ… là trong lòng tôi cũng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Những lúc ấy, tôi thấy trời như cao hơn, mây như nhẹ hơn.
Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tưởng lạ lùng đó và cho những cái tên như Corneille, Hugo thô tục, chẳng du dương như những tên Lý Bạch, Đào Tiềm. Nào có phải tôi không yêu tiếng Pháp. Gặp dịp được khoe một câu tiếng tây bồi với các ông Lý, ông Chánh trong làng, tôi vẫn hãnh diện lắm chứ và có ai mà bảo tôi cái học “tây u” là cái học vong bản thì tôi giận đến đỏ mặt lên được chứ! Nhưng nền cổ học vẫn có sức gì huyền bí thu hút tôi. Sức huyền bí đó phải chăng là những tiếng ngâm nga từ ngàn năm về trước còn văng vẳng trong tâm hồn tôi? Có lẽ vậy. Và tôi muốn biết nền cổ học ra sao mà làm tôi say mê được đến bực ấy.
Một hôm đứng hầu trà bác tôi, tôi được nghe bốn tiếng “Văn tâm điêu long”. Đợi bác tôi ngừng nói để hút điếu thuốc lào, tôi đánh bạo hỏi:
- Thưa bác “Văn tâm điêu long” là gì?
Phà khói thuốc lên nóc nhà, bác tôi mỉm cười đáp:
- Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được mà cái học nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Bác cũng nghĩ vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi, thôi đi. Để sức tìm hiểu khoa học, cháu.
Thế là tôi cụt hứng. Cụt hứng nhưng lại càng tò mò hơn, muốn biết cho được cái “Văn tâm điêu long” ấy là cái gì. Tách riêng ra từng chữ thì tôi hiểu: Văn là văn chương, tâm là lòng, điêu là chạm, long là rồng. Nhưng “Văn tâm điêu long” là cái gì thì tôi không rõ, chỉ đoán mang máng là một bộ sách[2].
Có lần thừa lúc bác tôi đi thăm một con bệnh ở làng bên, tôi cả gan lục tủ sách của người ra kiếm, nhưng không thấy bộ nào có tên ấy.
Những năm sau, mãi học, tôi quên hẳn chuyện đó.
Khi ở trường Công chính ra, nhằm lúc kinh tế khủng hoảng, phải nằm nhà sáu tháng đợi bổ. Trong thời gian đằng đẳng ấy, biết làm gì cho hết ngày? Tôi bèn xoay ra học chữ Hán. Rủi thay! Lúc đó bác tôi đã quy tiên không còn ai ở gần để chỉ bảo. Tôi phải học lấy trong những cuốn Tam thiên tự, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Grammaire chinoise của Cordier (?)[3].
Khi có một số vốn độ 3000 chữ, đủ để mò trong tự điển Trung Quốc, tôi bèn kiếm những sách về văn học Trung Hoa mà đọc. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong “Cổ văn quan chỉ” dài độ 20 trang, tôi thường mất độ một buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ sách ấy chú thích rõ ràng và dịch cổ văn ra bạch thoại[4]. Khốn nỗi cổ văn tôi đã “bí” mà bạch thoại tôi cũng “đặc”, phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại rồi ngược lại, dùng bạch thoại để đoán cổ văn. Cũng may là có một ông bác[5] khuyến khích tôi, viết thư giảng những câu khó hiểu cho tôi, song học theo lối hàm thụ ấy tốn công cho tôi và mệt cho bác tôi quá – người viết chữ quốc ngữ rất chậm – nên nhiều lúc tôi chán nản tìm những sách Việt chép văn học Trung Quốc để đọc cho mau biết thì hởi ơi! Tôi hoàn toàn thất vọng. Cuốn “Việt Hán văn khảo” của Phan Kế Bính sơ lược quá, còn kiếm trên báo thì lâu mới gặp được một bài dịch Đường thi. Đọc những bài dịch ấy để tìm hiểu văn học Trung Quốc, không khác chi đi coi tượng bà Jeanne d’Arc hoặc Paul Bert trong công viên để tìm hiểu dân tộc Pháp vậy.
Gần đây, vài học giả xuất bản những cuốn dịch thơ Đường, nhưng không vị nào chịu khó viết mươi trang về các thời kỳ trong thơ Đường, các thi phái trong thơ Đường, đặc sắc của thơ Đường và tư tưởng cùng nghệ thuật của thi nhân đời đường. Thành thử kẻ ít học như tôi, đọc 300 - 400 trang mà chẳng được một ý niệm rõ ràng về thơ Đường.
Tôi bất mãn lắm, đành phải đọc những bộ Trung Quốc văn học sử của người Trung Hoa viết. Những bộ này không có chú thích, tôi dò dẫm lâu lắm mới hiểu được lõm bõm.
Văn học Trung Quốc là nguồn gốc của văn học Việt Nam mà không một nhà nho nào viết ra cho bọn tân học chúng tôi hiểu, cứ bắt xẩm mò kim, cực cho chúng tôi quá. Mà số nhà cựu học hiện đại đâu phải là hiếm đâu!
Đã nhiều lần tôi năn nỉ một vài cụ viết. Cụ thì nói không có thì giờ; cụ thì cho cổ học là vô dụng, “nên chôn chặt nó đi!”, cụ thì quá nhún, tự nhận không đủ sức.
Bảo cổ văn học là vô dụng, chỉ là tỏ một quan niệm chán ngán về thời thế. Bất kỳ nước nào Âu, Mỹ trong các trường Trung học cũng có ban cổ điển giảng về cổ văn học của nước họ hoặc của Hy Lạp, La Mã.
Không hễ theo mới thì bỏ cũ. Phải biết cái cũ rồi mới tìm thêm được cái mới. Huống hồ văn học Trung Hoa rực rỡ vào bực nhứt thế giới, người Pháp và người Mỹ còn nghiên cứu nó, lẽ nào mình lại bỏ cái gốc của mình đi cho đành?
Còn bảo là không đủ sức thì ai mà đủ sức đâu? Văn học Trung Hoa từ trên 3000 năm, tác phẩm rất nhiều, dù chỉ chuyên đọc trong 50-60 năm cũng vị tất đã coi là đủ, và kỹ, đừng nói đọc rồi còn phân tích, so sánh, lựa chọn, tổng hợp, phê bình. Nhưng phải vì vậy mà người Trung Quốc không biết về văn học của họ và người Anh, người Pháp không viết về văn học Trung Quốc.
Vườn hoa mênh mông thật, không ai đi ngắm kỹ được từng bông một, nhưng càng mênh mông lại càng phải đi, kẻ theo lối này, người theo lối khác, kẻ gặp kỳ hương nọ, người gặp dị sắc kia, rồi tả lại cho người khác biết; như vậy chẳng lợi cho hạng đứng ngoài hàng rào kiễng chân ngó vô mà mù mịt chẳng thấy chút gì ư?
Ý kiến của một người có thể thiên lệch; kẻ yêu lan thì trầm trồ khen lan, kẻ thích cúc thì tấm tắc khen cúc; nhưng như vậy, ít nhất người ngoài cũng biết được trong vườn ấy có lan, có cúc, lan ra sao, cúc ra sao, chẳng hơn cứ hoang mang rồi phỏng đoán ư?
Thận trọng vốn là một đức quý, nhưng thận trọng quá thì hoá ra rụt rè.
Đã mỏi mắt trông chờ mà không thấy ai tả vườn bông đó cho biết, nên chúng tôi phải tìm tòi lấy. Chúng tôi đọc những sách của người Trung Hoa và người Pháp về văn học Trung Quốc, chỗ nào không hiểu thì nhờ một vị lão nho[6] giảng cho, chủ ý là để thoả lòng tò mò từ mười lăm mười sáu tuổi.
Học đến đâu chúng tôi ghi đến đấy. Khi học thì chỉ đam mê tìm hiểu cái đẹp mà không có ý viết sách. Khi học xong, thấy công việc ghi chép ấy có thể giúp các bạn hiếu học một khái niệm về văn chương Trung Quốc nên mới sửa lại rồi cho xuất bản.
Sở dĩ chúng tôi cả gan như vậy là vì tin ở lòng quảng đại của các nhà cựu học, không nở trách một kẻ hậu tiến, học thức nông cạn, mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm, hầu giúp bọn tân học chúng tôi hiểu thêm cái cổ học của các cụ, tức cái nền tảng văn hoá của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Vắng các cụ chúng tôi thấy lẻ loi, bơ vơ lắm!
°
Hởi hương hồn những chư vị ấy! Tôi mang ơn chư vị rất nhiều, gần bằng văn nhân nước tôi; vì từ hồi mới sanh, tôi đã được nghe lời ngâm Chinh phụ, Thuý Kiều xen lẫn với lời bình văn của chư vị và ngay trong văn học nước tôi, cũng thường thấy ẩn hiện nỗi lòng của chư vị. Tâm hồn tôi ngày nay một phần cũng do chư vị luyện nên.
Viết cuốn này, tôi muốn có cơ hội gần chư vị thêm một chút. Tác phẩm của chư vị quá nhiều, tôi không được đọc hết nên ngoài cái lỗi giới thiệu vụng về, tất còn mang thêm cái tôi vô tình xuyên tạc. Xin chư vị lượng thứ.
Long Xuyên, ngày 20 tháng Mạnh Đông năm Quí Tị (26, XI, 1953)
Hai năm trước, khi bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc mới bán hết, chúng tôi đã thấy rõ ràng nó sơ lược quá, không đủ thoả mãn nhu cầu mỗi ngày mỗi tăng một số người hiếu học, nên chúng tôi đã dự định soạn lại một bộ khác đầy đủ hơn. Công việc này nếu khởi sự ngay thì sớm lắm cũng phải ba năm nữa mới hoàn thành.
Trong khi chờ đợi, để giúp các bạn trẻ có sách đọc, chúng tôi tạm cho tái bản bộ này sau khi sửa chữa những lỗi quan trọng, và sẽ cho xuất bản bộ Cổ Văn Trung Quốc mà chúng tôi soạn gần xong. Bộ cổ văn đó gồm khoảng trăm bài phiên âm rồi dịch, chú thích và giới thiệu, lại chép thêm tiểu sử các tác giả và văn trào mỗi thời đại, sẽ bổ túc một phần cho bộ đại cương và giúp độc giả hiểu thêm Văn học Trung Quốc từ cuối đời Xuân Thu đến cuối đời Minh.
Sài Gòn, ngày 4-1-1964
NGUYỄN HIẾN LÊ
(Nguồn: Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997)
[1] Tức bác hai của cụ Nguyễn Hiến Lê: tên Cổn, tự Đạo Quýnh, hiệu Kế Phương, giữ tổ nghiệp ở Phương Khê, mới đầu làm tổng sư, sau làm thầy đồ dạy tư ở nhà, cuối cùng làm hương sư, mất năm 1933 (theo Hồi Kí, trang 29). (Goldfish).
[2] “Văn tâm điêu long” là tên một bộ sách luận về văn. Tác giả là Lưu Hiệp ở đời Lục Triều. Sở dĩ gọi và văn tâm vì có câu: “Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ”. (Than ôi! Cái việc văn chương, một tấc lòng mà để ngàn năm!).
[3] Có lẽ tên tác phẩm là La grammaire Chinoise. (Goldfish).
[4] Khi nhà Tần (cách đây trên 2000 năm) thống nhất văn tự rồi thì quan lại, văn nhân và học sinh đều dùng những chữ đã được quy định. Nhưng tiếng nói thay đổi hoài từ thời này sang đời khác, từ miền này tới miền kia, thành thử lối văn đã quy định ấy mà sau gọi là cổ văn, mỗi ngày một cách biệt với lối thông thường trong dân gian tức là bạch thoại và cổ văn hoá ra mỗi ngày một khó hiểu. Gần đây có một cuộc cách mạng trong văn học Trung Quốc, bỏ cổ văn, dùng bạch thoại. Bạch thoại cũng có người đọc là bạch hoại.
[5] Tức bác ba của cụ Nguyễn Hiến Lê: tên Côn, hiệu Phương Sơn, gia nhập Đông Kinh nghĩa thục, sau lén vào Nam Kỳ, đổi tên Khôn, mất năm 1960 tại Chợ Thủ, Long Xuyên (theo Hồi Kí, trang 29). (Goldfish)
[6] Tức cụ Phương Sơn. (Goldfish)