Tiếng ồn ào của đám đông vây quanh lúc to lúc nhỏ, như các vệt sóng từ xa dội đến rồi thấm vào lớp cát nóng bức. Hữu gắng sức cử động chân hoặc tay để chạm vào một thứ gì đó. Anh gắng gượng mở mắt. Nhưng mọi cử động đều khiến anh đau đớn không thể chịu nổi. Mấy người đang nói to về luật giao thông, về kẻ đúng người sai, về một người gây tai nạn đã bỏ trốn. Chợt, tiếng xôn xao quanh đám đông im bặt. Từ trên chiếc taxi vàng vừa dừng xịch, một cô gái nhảy ra ngoài, chạy hối hả về phía người bị thương. “Tôi biết người bị thương, hãy để tôi vào!”. Những đôi chân hiếu kỳ vây quanh dạt sang bên, mở ra một lối hẹp. Cô quỳ xuống, bàn tay nóng ấm vỗ nhẹ lên má Hữu: “Anh ui! Anh Hữu ui, anh có tỉnh dậy được không!”. Anh cựa nhẹ đầu. Cảm giác đau thốn từ dưới cột sống lan tới khiến anh lại muốn ngất đi. Nhưng anh gắng chớp nhẹ mí mắt trĩu nặng. Anh rất muốn biết xem ai đang gọi mình, một giọng nói vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Nhận ra cử động mí mắt của Hữu, cô gái đang nâng đầu anh reo lên: “Ồ, anh ấy tỉnh lại rồi nè. Khỏi cần gọi xe cấp cứu. Ai giúp em một tay đưa anh ấy lên taxi được không?”. Hữu lờ mờ thấy mình được nâng bổng lên, đặt vào chiếc ghế sau của chiếc taxi. Cơn đau lại ập đến, nhức buốt khôn tả. Ở ngoài thêm một lúc nữa, rồi cô gái mới vào xe, ngồi ở ghế trước và nói tên một bệnh viện cần đến. Ý nghĩ có thể kẻ nào đo sẽ đánh cắp chiếc xe đắt giá khiến Hữu lo thắt ngang bụng. Nhưng rồi tiếng rầm rì, hơi máy lạnh từ xe phả ra khiến những ý nghĩ rối loạn lần lượt bong ra khỏi trí óc. Anh chìm dần vào cơn mê êm xốp, dài thăm thẳm.
Một con ong bầu đen sẫm bay ngang qua cửa sổ. Hữu chạy đuổi theo nó. Khoảng vườn sau nhà hiện ra. Dàn bầu xanh mướt với những nụ hoa vàng sẫm buông rơi như vô số đốm nắng lấp lánh giữa các phiến lá dát bạc. Với chai thủy tinh đựng nước ngọt, Hữu úp nhẹ vào miệng một bông hoa. Con ong bầu trốn kỹ bay vụt ra, lao thẳng vào lòng chai như một viên đạn. Hữu nhìn thấy chính mình, trong dáng hình một thằng bé, vui sướng tìm cách buộc sợi chỉ ngang thân con ong bầu. Con ong chập chờn bay lên, lượn vòng. Thình lình nó quay lại, lao xuống trán cậu bé đốt một phát mạnh. Hoảng hốt, Hữu ngã vật xuống khoảng đất đầy vụn củi. Khi nỗi sợ nguôi ngoai, nó mới òa khóc lên. “Chơi dại nè!” – Một cái phát rất đau vào lưng. Má đã lẳng lặng theo dõi trò chơi dại dột của thằng con trai duy nhất. Theo phản xạ đặc biệt, dù đau và sợ, Hữu ngưng ngay tiếng khóc. Thằng nhỏ nằm im, mắt nhắm nghiền, giả chết. Cơn tức giận của má tức khắc tan biến. Mà ngồi thụp xuống, lay mạnh: “Dậy đi Hữu, má thương! Con đừng làm vậy, má sợ!” – Bàn tay sần ráp của má vuốt dọc theo má Hữu. Mùi cá tôm tanh nồng ám chặt vào từng đường vân, bay vào mũi anh. Rồi gương mặt má mệt mỏi hằn sâu những nỗi lo toan cúi xuống nhìn anh… Hữu cựa nhẹ. Chuỗi hình ảnh về má lại lướt qua mắt, từng khuôn hình buồn bã như trong đoạn phim chiếu chậm. Này là những lúc má ngồi hấp mớ tôm không bán được trong chiều mưa, tấm lưng to bè choán cả góc bếp. Này là đợt trúng hàng đầu tiên, má kêu anh cùng má đếm tiền gom về từ mối, ràng dây thun cẩn thận. Này là khi con trai chuẩn bị lên thành phố học đại học, bù đầu bù cổ với các mối hàng, vậy mà má vẫn tự tay xếp vào túi hành lý từng bộ quần áo ủi kỹ, kiểm tra từng viên thuốc, chai dầu. Thế mà từ hồi lên Sài Gòn, chỉ tết anh mới chịu về nhà. Hè nào Hữu cũng kiếm ra lý do để ở lại thành phố. Thậm chí có lần má anh tay xách nách mang lên thăm ở ngôi nhà trọ, Hữu còn hối má về sớm, vì anh chẳng muốn người chung quanh cười nhạo anh có một người má thô kệch, quê mùa. Giá như lúc này, có má ở đây, anh sẽ nói gì đó để má vui, để má quên đi những lỗi lầm anh đã phạm. Rồi má sẽ lại đặt bàn tay sực nức mùi cá tôm lên vầng trán đang nóng bừng bừng của anh lúc này. Lòng Hữu bỗng trào lên nỗi thương má quá đỗi. Một vệt nước nóng ấm dâng trong mắt, nặng trĩu, lăn dài. Vang sát ngay bên tai anh tiếng reo khẽ: “Ui, anh tỉnh rồi kìa!”. Cô nhóc tắt trò chơi trên chiếc điện thoại di động. Âm thanh rù rì của con ong bầu biến mất.
Vẫn nhắm mắt, nhưng chỉ cần ngửi mùi thuốc và lắng nghe các âm thanh, Hữu đoán ra anh đang nằm trong bệnh viện. Những gì anh vừa thấy chỉ là hình ảnh rơi rớt lại của giấc mơ. Cô nhóc đứng hẳn bên giường, lay nhè nhẹ vai anh, giọng vui vẻ: “Giả bộ ngủ kìa! Anh nằm im một ngày một đêm rồi đó. Em biết là anh dậy rồi! Anh chùi mắt đi, đừng khóc nhè nữa”. Bây giờ thì Hữu mở mắt. Một bàn tay cầm mảnh khăn giấy chìa ra, và cuối xuống rất gần tầm mắt anh là một đôi mắt to, to đến kỳ lạ. Ngay tức khắc, Hữu nhớ ra đây là Thái Vinh. Cô nhóc đã bị anh lừa tham gia cuộc thi Hoa khôi vào giờ chót, như một con tốt thí, cốt để hạ nhục anh trai cô. Thế rồi cô đã lội ngược dòng nước, dành lấy sự ủng hộ không ngờ của khán giả. Nếu Hữu không nhanh tay tung ra lá bài cuối cùng – bằng chứng cô nhóc chưa là sinh viên chính thức, hẳn Thái Vinh còn tiến vào sâu và giành giải thưởng nào đó… Hữu cầm mảnh khăn giấy, chùi mắt. Chẳng biết cô nhóc nghĩ gì? Hữu thoáng lo sợ. Nhưng nhìn vào đôi mắt trong veo của cô gái nhỏ, Hữu chợt hiểu cô không hề biết anh chính là kẻ giấu mặt. Bỗng dưng, Hữu thấy nhẹ nhõm ghê gớm. Anh thử cựa nhẹ bàn tay và đôi chân. Vẫn có cảm giác bình thường. Đọc được nỗi lo của Hữu, cô nhóc nói luôn: “Anh không bị sao đâu. Sẽ đi lại bình thường thôi. Cột sống chấn thương nhẹ. Bác sĩ khen anh ngã giỏi, nên không bị bể gáo dừa!”. Cách nói chuyện và giọng điệu hí hửng của cô nhóc khiến Hữu không khỏi mỉm cười. Sực nhớ đến chiếc SH, Hữu hỏi ngay:
-Em có biết cái xe của anh lúc này ở đâu không?
-Úi úi, câu hỏi đầu tiên khi anh tỉnh lại là về một cái xe ngớ ngẩn ư? – Đôi mắt Thái Vinh lồi ra như hai trái banh bàn.
-Ừ, chiếc SH đó rất quan trọng với anh! – Hữu thoáng khó chịu - Nhưng anh giữ giọng bình tĩnh- Cái xe đâu?
-Hôm qua, trước lúc kêu taxi đưa anh vô đây, em đã gửi nó ở một nhà gần chỗ anh té – Hơi bối rối, cô nhóc thú thật – Nhưng em quên địa chỉ rồi!
Ngồi bật dậy, Hữu loạng choạng chống tay xuống nệm. Lưng đau thốn lên khiến anh tái xanh, ngã vật xuống gối. Thái Vinh hốt hoảng đỡ vai anh, nhăn mặt:
-Em nói vậy thôi. Dù sao em vẫn nhớ rõ cái nhà em gởi xe. Nó nằm ngay góc ngã tư nơi anh ngã lăn ra bất tỉnh. Nếu anh vẫn chưa an tâm, tí teo nữa em chạy qua đó, lấy xe về giùm anh luôn.
-Ờ, vậy thì được! – Hữu nằm xuống giường, thấy nhẹ nhõm đôi chút. Đưa mắt nhìn quanh căn phòng trắng chỉ có một giường duy nhất, bài trí khá sang trọng, nỗi băn khoăn lại ùa tới với Hữu – Em đưa anh vào bệnh viện tư hả? Chắc là mắc tiền lắm, đúng không?
-Anh bị sao vậy? – Thái Vinh khoặm mặt, bực tức thật sự - Mắc tiền thì sao? Đây là bệnh viện gần chỗ anh bị nạn nhất. Em thấy anh có vẻ không được bình thường đó nha. Tỉnh dậy, tự dưng lại hỏi về cái xe. Rồi lại nghĩ liền tới chuyện tiền bạc nằm viện. Em chưa thấy anh hỏi câu nào về sức khỏe mình, hay hỏi vì sao em lại có mặt đúng lúc để đưa anh tới đây…
Hữu im lặng, không phải không có chút xấu hổ. Con nhóc phần nào có lý. Đôi khi quá ám ảnh tiền bạc, người ta quên mất những điều quan trọng. Quy tắc lịch sự càng trở nên vô nghĩa trong mấy trường hợp này. Tuy nhiên, cảm giác tức giận trong Hữu còn lớn hơn. Anh chúa ghét những kẻ dám làm anh khó xử và mất mặt, dù là những lời nói ngây thơ, không chút hàm ý. Một cách lạnh nhạt, Hữu hạ giọng:
-Thôi được, cảm ơn em đã xuất hiện đúng lúc, đưa anh vào đây. Anh sẽ kiếm cách hậu tạ, được chưa? Bây giờ thì nói cho anh biết, nằm phòng này phải trả bao nhiêu tiền một ngày?
-Một triệu rưỡi. Chưa tới một trăm đô! – Cái cằm nhọn của Thái Vinh vênh lên khiêu khích – Tiền cấp cứu, tiền thuốc, tiền làm CT scanner và đủ các khoảng linh tinh khác cộng lại khoảng gần năm triệu đồng rồi. Anh tiếc tiền quá đi mất, đúng không nào?
-Không, nhưng anh sẽ trả tiền sớm cho em!
-Hừm, anh nghĩ em có nhiều tiền trong tay đến thế sao? Khi anh vào cấp cứu, em đã gọi điện thoại cho anh Vĩnh và anh Hải. Mấy ảnh tới, chạy hết mọi việc. Bây giờ họ lo bài tập quảng cáo gì đó chung nhóm ba người các anh, nên không trực ở đây, kêu em vào canh chừng. Các anh đúng là những người bạn tốt thiệt đó! – Thái Vinh liến láu, vẻ mặt đầy ngưỡng mộ.
Hữu nằm im, không nói gì thêm với cô nhóc. Không hề ngờ vực, anh biết ngay những gì Vĩnh và Hải làm chỉ là trò diễn. Đáng tức giận là sự sắp đặt tình cờ đã khiến chính anh thành phải tham gia vở diễn tồi tệ đó, trong một vị trí quá ư lố bịch. Ý nghĩ như một làn roi quất ngang mặt Hữu.
Buổi chiều, sau khi tiêm thuốc, Hữu xin xuất viện sớm. Bác sĩ khuyên anh nên nằm nghỉ càng nhiều càng tốt, rồi ký giấy xuất viện. Thái Vinh lên taxi cùng anh. Cô nhóc chỉ đường cho tài xế tới cái nhà cô đã gửi chiếc SH của Hữu. Chìa khóa xe, cô nhóc giữ kỹ trong cái túi bé xíu đựng USB đeo tòong teng trên cổ. Hữu chở Thái Vinh ra thẳng ngân hàng. Anh rút 105 triệu đồng. Đếm đúng số tiền viện phí, anh đưa cho cô nhóc, nhờ chuyển hộ đến Vĩnh. “Nói giùm là anh cảm ơn nhiều nghe!” – Hữu cười khẩy.
Sau đó, Hữu phóng xe qua bưu điện. Anh gửi thẳng 100 triệu về cho má. Khi viết con số vào phiếu gửi, tay anh thoáng run nhẹ. Nhân viên bưu điện hỏi anh có lời nhắn gì không, Hữu lắc đầu. Chỉ cần cầm tiền trong tay, má anh sẽ hiểu. Má ạ, cứ xài hết số tiền con cày được trên thành phố, và hiểu là con thương má nhiều. Con đủ khôn ngoan để xoay sở, kiếm ra một khoảng khác để bù vào, chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa hàng thời tranh thể thao… Trong khi Hữu làm thủ tục gửi tiền, Thái Vinh kè kè gần bên, mở to mắt nhìn. “Anh giỏi ghê luôn! Đi học mà vẫn kiếm được tiền gửi về phụ má…” – Cô nhóc tì cằm lên bàn ghi-sê, lẩm bẩm, thở phì phò. Lặng lẽ đưa mắt nhìn em gái Vĩnh, một ý nghĩ thoáng qua đầu Hữu.