Thong thả tản bộ về nhà, anh thờ ơ đưa mắt nhìn quanh. Vỉa vè vắng vẻ. Những khung cửa sắt còn cài chặt trước các ngôi biệt thự. Lọc qua vô số vòm lá bất động, ánh sáng lúc sáu giờ phảng phất làn sương trắng xám, vẩn lên thứ bụi mờ rơi rớt lại từ bóng tối vừa rời đi. Khung cảnh hệt như hiện ra từ một cõi khác, chẳng phải con đường anh vẫn phóng xe chạy ào qua mỗi ngày. Mất hồi lâu, Hữu mới sực hiểu xưa nay bối cảnh đẹp đẽ hay cảnh trí thiên nhiên vốn chẳng có chút ý nghĩa nào với mắt anh. Thế nên anh không thể chịu nổi buổi sáng đột nhiên khác lạ giữa cái khung cảnh vốn dĩ quen thuộc. Nếu như không gian này có thể đóng gói và bán để kiếm tiền, có lẽ ta đã chú ý tới nó nhiều hơn - Hữu tự nhủ, bật cười một mình.
Góc ngã tư, một ngôi nhà lớn đang xây dựng dở dang. Những tấm lưới nylon ngăn bụi bọc quanh khối bê-tông cao lừng lững. Hữu dừng chân trước hàng rào lót đá hộc đã hoàn tất, thán phục ngước nhìn công trình xây dựng. Anh đưa tay vuốt thử lớp sơn ẩm ướt. Mùi sơn hăng hắc, kích thích cơn thèm khát vô hình. Các thanh sắt uốn cầu kỳ vươn cao kiêu hãnh phía nửa trên tường rào. Bên trong, khoảng đất thoai thoải hơi dốc đổ về một cái bể bơi vẫn còn cạn khô. Hẳn chủ nhân ngôi biệt thự sau này sẽ phủ kín khoảng sân bằng thảm cỏ xanh nhức mắt. Rồi những bậc tam cấp lót đá hoa sáng bóng. Những bóng điện tỏa ra thứ ánh sáng vàng chói, lấp lánh quanh bể bơi... Một khung cảnh hoàn hảo, phù hoa nhưng có thật, xứng đáng để ước mơ. Tất cả chuỗi hình ảnh đó đột nhiên hiện ra trên võng mạc Hữu, hết sức rõ ràng. Rõ ràng đến mức ngay anh ta cũng ngạc nhiên. Phải chăng hình ảnh ngôi biệt thự chính là các mục đích mờ ảo thường xuyên biến hình, giờ được cô đúc lại, cụ thể vá sáng rõ? Phải chăng những người giống như Hữu luôn cần thiết hình ảnh xác thực kiểu như thế, để đuổi theo, để đổ sức tính toán, để cạnh tranh không mệt mỏi? Chắc chắn vài tháng nữa, cái khu phố nhà giàu kiêu kỳ này sẽ phải chấp nhận thành viên mới. Một tòa nhà như một cơ thể trẻ trung tràn đầy năng lượng, với vẻ ngoài hiện đại sáng loáng, chẳng ngại ngần phô trương. Khi xuất hiện, nó sẽ khiến tất cả những tòa nhà vẫn tự xem mình là thanh nhã và quý phái xung quanh trở nên lép vế, mờ nhạt. Cuộc sống là vậy, chỉ cần mạnh mẽ và bất chấp, mọi quy ước cũ kỹ sẽ tự mất đi giá trị, bất kể các nỗ lực níu kéo. Giống như ngôi nhà đang xây kia, con người ta hẳn cũng vậy thôi. Khi trở nên giàu có và vững tin, người ta chẳng cần đếm xỉa chung quanh nữa. Chung quanh sẽ phải lắng nghe, tìm cách phục tùng chính ta. Ý nghĩ này đột nhiên khiến Hữu phấn chấn khủng khiếp.
Hữu rẽ ngoặt sang con đường nhỏ. Một đám mấy đứa con nít chen chúc quanh những chồng báo mới. Sau khi đếm báo, chúng tản ra, ngồi dưới mái hiên rộng, hối hả nhét tập quảng cáo vào tờ báo chính, rồi co giò chạy túa ra trên đường. Một thằng nhóc chạy sượt qua, đâm sầm vào Hữu. Khay báo trên tay nó đổ ụp xuống. Vũng nước mưa trong cái ổ gà bắn tung tóe lên đôi giày và bộ quần áo thể thao trắng tinh trị giá gần hai triệu bạc.Phải lúc khác, anh đã túm đầu thằng nhỏ bất cẩn, sạc cho một trận nhớ đời. Nhưng thình lình, ở trang báo bay ra, đập vào mắt Hữu một dòng chữ nhỏ, in đậm khác thường: Tuyển dụng giám đốc nhân sự. Ngay cạnh dòng chữ này là logo Mana, một công ty quảng cáo Nhật mà Hữu từng biết qua, khi làm việc trong bộ phận phục vụ khách hàng ở cửa tiệm thời trang. Mặc dù chẳng hề có ý định xin việc, nhưng Hữu vẫn muốn chụp lấy nó, biết thật rõ về nó. Từ lâu, thói quen đọc quảng cáo thấm vào Hữu. Anh thường tự kiểm tra mình có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng ở mức độ nào. Điều này giống như các bài tập leo núi. Trèo cao, sẽ nhìn được xa. Cúi xuống gom lại cho thằng nhỏ mấy tờ báo lấm lem bùn đất, anh nói rộng lượng: "Để anh mua giùm cho em mấy tờ này nghe!". Thằng nhóc há hốc miệng, đưa tay nhận đồng xu hai ngàn, rồi dông thẳng. Hữu bóc mấy trang báo dính bùn đất, vứt vào một thùng rác công cộng gần đó. Anh chỉ giữ lại trang quảng cáo có in mẩu tuyển dụng, thứ duy nhất mà anh quan tâm, rồi bình thản bước tiếp về nhà.
Đẩy nhẹ cánh cổng, bước vào sân, đã nghe thấy mùi cà phê mới pha thơm nồng. Trên cái bàn gỗ ngoài vườn, vài món điểm tâm đã sẵn sàng. Như thường khi, vợ chồng người chủ nhà chờ Hữu về cùng ăn. Ông Sáu Minh đang ngồi đọc báo. Nhìn mấy cuộn báo trong tay anh, ông lắc đầu tỏ ý không hài lòng: "Mua làm gì uổng tiền, cháu. Nhà có sẵn báo rồi mà!". Hữu cười: "Thấy mấy đứa nhỏ bán báo phải dậy sớm, tội nghiệp quá, cháu mua giúp vài tờ mở hàng bác ạ!". Từ trong nhà, bà Sáu mang ra một thố cháo trắng bốc hơi nghi ngút, chia đều ra mấy cái chén nhỏ, nói với ông Sáu như trách cứ: "Đó, ông thấy chưa. Ông cứ nói tụi trẻ bây giờ vô tâm, ích kỷ. Nhưng cứ nhìn mấy chuyện nhỏ xíu tụi nó làm, thấy tụi trẻ vẫn biết quan tâm đến người ta lắm chớ. Đúng hôn?". Ông Sáu ậm ừ: "Thì cũng tùy người. Tui đâu có vơ đũa cả nắm!". Hữu cười thầm, chúi mũi vào trang báo, đọc kỹ từng tiêu chuẩn tuyển dụng. Bà Sáu hồ hởi đẩy chén cháo đầy sang phía Hữu, mời: "Ăn đi cháu!".
Trên đời này, nếu phải nói món ăn nào căm ghét nhất, Hữu sẽ gọi ngay tên cháo trắng. Cái món ăn tầm thường nhưng dính chặt vào ký ức ghê khiếp. Nó nhắc anh nhớ tới tuổi nhỏ khốn khó, khi ba má anh còn dính chặt với những chuyến buôn bán cá tôm lặt vặt ngoài chợ, thua lỗ thường xuyên. Chỉ ngửi thấy mùi cháo trắng thoáng qua, Hữu thấy ngay ánh mắt tuyệt vọng của má anh khi những ngày bán hàng lỗ lã đến nỗi cụt vốn. Chỉ ngậm một miếng cháo nhạt hoét trong miệng, anh như lấy lại dư vị giọt nước mắt khi ba anh thất vọng phát điên, đập phá đồ đạc trong nhà. Ơn trời là chuỗi ngày vất vả ấy cũng đã qua. Ba má anh làm ăn khấm khá lên, không giàu có, nhưng đủ cho anh lên thành phố học đại học và sống tử tế, chưa rơi vào cảnh thiếu hụt...
Hữu với tay lấy tách cà phê, từ chối nhẹ nhàng: "Cảm ơn bác. Cháu không thích cháo trắng lắm đâu!". Bà Sáu ngạc nhiên, khựng lại: " Sao hôm bữa cháu bịnh, cháu nói cháo trắng là món ăn cháu ưa nhất từ hồi nào tới giờ?". Anh chột dạ, cụp mắt. Đúng là đợt vừa rồi, bị cảm sốt, anh đã nói khéo để cảm ơn lòng nhiệt tình chăm sóc của bà Sáu chủ nhà. Kỳ thực khi bà quay đi, anh đã đổ quách tô cháo giải cảm vào la-va-bô. Ánh mắt ngờ vực của bà Sáu vẫn đăm đăm đặt lên Hữu. Anh đành kéo tô cháo về phía mình, làm vẻ mặt vui vẻ: "Cháu nói vậy vì không muốn ăn nhiều quá, hết cả đồ ăn sáng của hai bác thôi mà". Bà Sáu gắp vào chén anh nửa miếng hột vịt muối, vui vẻ trở lại. Bên kia bàn, ông Sáu Minh vẫn chăm chú đọc báo, không tham gia câu chuyện vặt vãnh. Nhưng đôi lông mày rậm của ông thoáng cau lại.
Buổi sáng không phải lên giảng đường, Hữu nằm khểnh trên phòng, đọc tài liệu về quảng cáo hiện đại. Việc sắp sửa làm bài chung nhóm với Vĩnh và Hải thực ra chẳng khiến anh xáo trộn hay bận tâm. Những tên ngốc ấy sẽ lo lắng và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện cho xem. Trong khi đó, ta sẽ làm cho qua quýt, để đầu óc tập trung vào cửa hàng thời trang thể thao sắp mở. Hữu bật cười khi nhớ lại khuôn mặt cau có, vưa tức giận, vừa sợ hãi của thằng Hải quê mùa khi biết chung nhóm với anh. Điểm số, tranh giành hơn thua trong lớp học đúng là trò trẻ nít mà những tên ngạo mạn như Vĩnh hay ngớ ngẩn như Hải mới lấy làm quan trọng. "Ta sẽ đi con đường khác. Ta sẽ có những thứ ta muốn. Ta sẽ bỏ xa lũ đồng môn tầm thường lại phái sau!" - Hữu trở người, lẩm bẩm một mình. Anh lại nhẩm tính khoản tiền trong tài khoản, suy nghĩ miên man về kế hoạch khai trương, quảng bá tên tuổi cửa hàng thời trang thể thao tương lai.
Ngủ quên tới gần giờ học chiều, Hữu mới chồm dậy. Anh cuống quýt dắt chiếc SH ra cổng. Ông Sáu Minh gọi giật, báo có thư. Hữu hơi ngạc nhiên. Má anh không gọi điện thoại mà gửi một lá thư dài. Bà cho biết chuyến hàng vừa rồi, lô tôm sú mà vựa thủy sản gia đình anh thu mua đã bị trả lại, vì dư lượng kháng sinh tồn đọng. Hữu đọc lướt, mồ hôi ứa trên trán, dấp dính lưng áo. Má anh cho biết cần gấp một khoản tiền, chừng hơn trăm triệu. Ông Sáu nhìn Hữu đọc thư, chợt hỏi: "Có chuyện gì mà sao thấy mặt cháu căng thẳng vậy?". Hữu lắc đầu, gấp nhỏ lá thư, nhét vào túi quần. Anh mỉm cười, lên xe nổ máy. Hương vị cháo trắng lại choán đầy trong khoang miệng. Đi ngang thùng rác công cộng ngay đầu ngã tư, Hữu chạy chậm lại. Bằng một động tác chính xác, anh ném gọn lá thư gấp nhỏ vào miệng thùng. Như một con chim nhỏ xíu tuyệt vọng, lá thư mất tăm trong cái miệng rộng ngoác tăm tối.
Mọi việc phải tự tìm cách giả quyết. Rồi ba má sẽ tự xoay sở được. Coi như ta không nhận được lá thư. Ta không thể đánh mất cơ hội làm ăn lớn đầu tiên kiếm được ở cái đất Sài Gòn này... Hữu phóng xe nhanh, rất nhanh. Bên trong đầu anh, hệt như có một bóng ma không ngớt gào lên, hung dữ, cay đắng.