Ma thổi đèn 4 - Thần cung Côn Luân

Chương 12 - Hoảng hốt

Gấu ngựa Tây Tạng có hơi khác so với gấu thường, so mặt mũi chúng có đôi phần giống mặt ngựa, nhìn rất xấu xí hung dữ, nên mới có tên gọi như vậy. Con gấu ngựa rơi từ phía trên đỉnh đầu chúng tôi xuống đang khua khoắng móng vuốt dưới ánh trăng, lộn nhào đụng vào tảng đá nhô ra trên vách núi.

Tàng cốt câu vốn là một khe nứt ra từ dốc Cả-chinh, vách núi hai bên chật hẹp lại dốc đứng, khiến con gấu ngựa đụng vào tảng đá bên này bị hất chếch đi, văng xuống lùm cây gai cằn cỗi mọc trên vách núi bên kia. Sức rơi của vật nặng nghìn cân mạnh phải biết, lập tức khiến bụi cây khô gãy gục, con gấu bị cành cây chọc thủng một lỗ lớn ở bụng, còn chưa rơi xuống đất mà ruột đã lòi ra, uỳnh uỵch lăn tiếp, cuốn theo không ít đá vụn và cành khô.

Người ngồi phía dưới đều ngây ra kinh hãi, quên mất phải né tránh.

Trong khoảnh khắc đứng tim ấy, may có người chợt hét lớn: "Mau nấp ra phía sau! Áp sát lưng vào vách núi, chớ cử động!" Tuyền béo, Xư-chê và Peter Hoàng mới giật mình nhớ ra, vội kéo ba người nhà Minh Thúc và đám cửu vạn chân tay đang mềm oặt đi vì run sợ, nháo nhào chạy ra phía sau cây cổ thụ bên rìa vách núi náu mình.

Gần như cùng lúc, con gấu ngựa cũng đập mình xuống đáy khe. Tôi với Shirley Dương đang ngồi cách đó khá xa mà vẫn cảm thấy một luồng gió thổi thốc vào mặt. con gấu thân thể nặng nề giống như một quả bom tấn, làm mặt đất xung quanh rung chuyển mấy chập. Quay lại nhìn, thì thấy nó đã nát bét, biến thành một mớ máu thịt hỗn độn.

Tiếp đó, từ trên cao đá vụn lở lại trút xuống ào ào, sức mạnh đúng như a Xư-chê miêu tả, một viên đá từ độ cao nghìn mét lao xuống, dù chỉ bé bằng cái móng tay, cũng đủ để đập chết người. Mọi người nép chặt vào vách núi phía sau mấy câu cổ thụ, không dám cựa quậy, cũng đã hết chỗ tránh rồi, chỉ còn biết cầu xin Bồ Tát phù hộ mà thôi.

May là chỗ con gấu ngựa nhảy xuống tự sát cách chúng tôi khá xa, không có ai thương vong. Tất cẩ đều không biết rốt cuộc là chuyện gì xảy ra, lẽ nào truyền thuyết xa xưa đã thành sự thật? Hay phương thức tế lễ kia đã lại được khôi phục? Nhưng Luân Hồi tông đã diệt vong mấy trăm năm trước, đâu còn tồn tại trên đời nữa, con gấu ngựa Tây Tạng này...

Đá vụn trên cao rơi xuống thưa dần, may là đàn bò Yak và ngựa đều không kinh hãi bỏ chạy, mà trái lại đều tròn mắt ngây ra.

Đúng lúc chúng tôi tưởng mọi chuyện đã kết thúc, Tuyền béo lại bất ngờ chỉ tay lên cao nói: "Ối mẹ ơi, đội cảm tử quân... lại tới rồi!"

Tôi còn chưa kịp ngẩng đầu lên nhìn, đã lại có một con thú hoang rơi sập xuống, chiếc sừng cắm phập vào lưng một con ngựa của chúng tôi với đà lao khủng khiếp. Con ngựa lập tức gẫy xương gục chết. Định thần lại mới nhìn rõ, vừa rơi xuống chết chính là một con dê núi Côn Luân sừng dài cổ trắng.

Sau đó lại liên tiếp có mười mấy con dê khác từ trên đỉnh khe lao xuống, khiến lũ ngựa nhất loạn kinh hoảng, bắt đầu có mấy con hí vang, giật đứt dây thừng nhốn nháo phi qua đám bò Yak, men theo dài khe ngoằn ngoèo, điên cuồng lao về phía trước.

Lũ bò Yak phản ứng chậm chạp hơn cũng đã nổi điên, hùng hục chạy theo đám ngựa lồng. Tiếng vó ngựa vó bò lộp cộp, cùng tiếng rống hỗn loạn mỗi lúc một xa trong khe sâu hun hút, chỉ còn vọng lại những âm thành rầm rập trầm đục.

Đám anh Xư-chê vốn định ăn cơm uống rượu xong mới dỡ hành lý xuống, thành ra đồ đạc thiết bị vẫn còn nằm cả trên lưng bò, mà quan trọng nhất chính là nước gừng tươi. Không có nước gừng thì không thể đục băng được. Mặc dù chúng tôi có thuốc nổ để phòng xa, nhưng dùng thuốc nổ trên sông bằng có khác nào tự tìm đến cái chết.

Ngoài ra đối với người Tây Tạng, bò Yak rất quý. Nhà anh Xư-chê thuộc hàng khá giả trong vùng mà bất quá cũng chỉ có ba con bò Yak và hơn hai mươi con dê; một lúc mất cả mười mấy con bò, tổn thất thật vô cùng lớn.

Chúng tôi thấy bên trên không còn thú hoang nhảy xuống nữa, bèn bất chấp nguy hiểm, chia làm hai đội, tôi và anh Xư-chê, cộng thêm Tuyền béo, nắm chắc vũ khí, lập tức xuất phát đuổi theo đàn bò phía trước, những người còn lại thu dọn hành trang, rồi theo sau.

Chúng tôi men theo Tàng cốt câu khúc khuỷu tiến về phía trước, dưới đất lổn nhổn dấu chân bò ngựa giẫm đạp giày xéo, lẫn lỗn không ít xương khô vùi lấp trong bùn đất bị hất tung lên. Những mảnh xương đã mục ruỗng từ lâu, thi thoảng lại phát ra ánh lân quang như ngọn lửa ma trơi. Thật không khó tưởng tưởng ra cảnh đem rùng rợn xa xưa trong khe này với xương trắng chồng chất khắp nơi và ánh lửa ma trơi lập lòe. Hai bên khe cỏ dại mọc um tùm cao quá nửa thân người, lác đác lẫn với cây khô và dây leo, quanh cảnh quả hết sức tiêu điều lạnh lẽo.

Chúng tôi rượt đuổi một chặng khá xa, xung quanh không có động tĩnh gì, không nghe có tiếng vó bò vó ngựa, cũng không thấy ánh đèn của người phía sau, đành dừng lại nghỉ. Anh Xư-chê rút túi da đựng rượu ra, ba người lần lượt uống mấy ngụm lớn cho thêm phần can đảm, Tuyền béo lại rít một hơi thuốc phả ra một vòng khói.

Tôi hỏi anh Xư-chê xem chuyện con gấu ngựa và lũ dê sừng dài nhảy xuống khe tự sát là thế nào, bao năm nay có xảy ra đâu, sao lại xảy ra vào đúng lúc chúng ta tới.

Anh Xư-chê lắc đầu: "Tôi cũng gần mười năm nay không tới đây rồi, người khác lại càng không. Trước kia ngoài nghe kể những truyền thuyết xa xưa, quả thực chưa ai tận mắt chứng kiến, không rõ vì sao chúng ta với tới lại đột nhiên bắt gặp sự việc quái đản này."

Ba người chúng tôi bàn bạc hồi lâu, rồi lại theo khe núi đi tới tìm đàn bò Yak và ngựa. Chúng tôi cũng biết trong thời gian ngắn không thể đuổi kịp nữa, lại e cách đoàn người phía sau quá xa, vạn nhất có sự biến gì thì không kịp tiếp ứng nên đành đi chậm lại.

Phía trước mặt mỗi lúc một um tùm rập rạp, anh Xư-chê đột nhiên dừng lại, cảnh giác chỉ tay vào lùm cỏ dại bên đường. Một mùi rất lạ bốc lên, từa tựa mùi xác rữa lẫn mùi thú rừng hôi hám, tanh sặc sụa.

Tuyền béo vác súng trường thể thao, tôi cầm khẩu Remington, trong tay Xư-chê là cây súng săn anh vẫn quen dùng, đều đã sẵn sang vào tư thế chiến đấu, chuẩn bị vạch cỏ dại ra xem bên trong có gì.

Còn chưa đợi chúng tôi áp sát, từ lùm cỏ đột nhiên vọt ra một con sói cái, từ trên cao vồ xuống, định đánh cú bất ngờ, động tác vừa nhanh vừa mạnh mẽ. Anh Xư-chê đi đầu động tác còn nhanh hơn, không cần nổ súng, rút ngay con dao Tây Tạng ra chém "xoẹt" một phát, bổ thẳng giữa mũi con sói cái, xẻ toác đôi đầu nó ra. Con sói chết ngay tại trận.

Tôi và Tuyền béo đều tấm tắc khen ngợi đao pháp thật tuyệt, vừa nhanh lại vừa chuẩn.

Anh Xư-chê cười ha hả nói, năm xưa tôi là đội trưởng đội diệt sói của làng Kelamer, không phải tự nhiên có được cái chức đấy đâu, con sói này định đánh úp chúng ta, hôm nay cho nó xúi quẩy.

Đanh thao thao bất tuyệt bỗng anh Xư-chê dừng chuyện, giương súng lên, xem ra vẫn chưa hết sói phía sau lùm cỏ. Chúng tôi cùng chĩa súng gạt cỏ dại um tùm ra, chỉ thấy trên vách núi lộ ra một của hang lớn, bên trong lúc nhúc một lũ lông lá. Ánh trăng mờ ảo soi vào, thì ra là một ổ sói con đang sợ hãi co rúm lại với nhau. Có thể con sói mẹ hồi nãy bị đàn bò Yak lồng lên làm cho kinh hãi, lại thấy người đi qua, mới lao ra định sát thương con người để bảo vệ đàn con.

Anh Xư-chê xưa nay luôn kè kè bịch rượu, giờ này đã ngà ngà hơi men, máu sát sinh bốc lên, liền rút con dao Tây Tạng định chui vào trong hang đâm chết hết lũ sói con kia.

Tuyền béo ban nãy khi con sói mẹ bất ngờ đánh úp vốn chưa kịp thể hiện gì, vội chạy lên trước, ngăn anh Xư-chê: "Giết gà cần gì dao mổ trâu chứ. Xử lý lũ sói con này đâu cần phải tốn sức thế? Các vị cứ xem béo tôi đây!" Nói rồi moi trong ngực áo ra một túm nhỏ chập ba kíp mìn, lấy điếu thuốc ngậm trên mồm châm lửa, vung tay ném vào hang.

Chúng tôi vội tránh sang bên, mấy giây sau đã nghe nổ ầm trong hang, khói bốc ra ngùn ngụt.

Đợi khói tan hết, chúng tôi nhảy vào hàng càn quét trận cuối cùng, con sói nào chưa chết thì bồi thêm một nhát dao cho chết hẳn, kế đó mới để ý quan sát lòng hang rộng phát choáng, la liệt mảnh đồ đồng. Xem ra đây chính là nơi hành lễ bí mật trong Tàng cốt câu, nhưng vì sau này bị bầy sói chiếm cứ, thành ra rất nhiều dấu vết và vật dụng đã bị phá hủy cả, không cách nào nhận ra được nữa. Ngoài ra, trong hang còn có rất nhiều xương động vật, một số còn mới, đang bị gặm nham nhở, chứng tỏ bọn sói đã dựa vào địa hình đặc biệt trong Tàng cốt câu này để sinh tồn. Do không quen rượt đuổi săn mồi trên cao nguyên, chúng nghĩ ra cách dồn con mồi chạy tới đỉnh dốc Cả-chinh. Ở đây, nếu không biết trước, đứng từ xa sẽ rất khó phát hiện ra trên dốc núi có một rãnh sâu, đã lao tới đó có muốn dừng lại thì cũng muộn rồi. Bầy sói từ vùng thảo nguyên bị đuổi về vùng núi này, cơ bản là đã sa vào bước đường cùng, thật không ngờ lại biết lợi dùng nơi tế lễ cổ xưa kia để sống sót.

Ra khỏi hang sói, Tuyền béo và anh Xư-chê cao hứng bàn luận hết sức sôi nổi. Có lẽ khi lũ sói đói dồn bầy dê sừng dài lên núi, con gấu ngựa xấu số lẩm cẩm thế nào đã bị cuốn theo thôi, chứ con gấu to vật đó mà lâm vào bước đường cùng, nổi điên lên thì mười mấy con sói đói chưa chắc đã làm gì được nó. Nhưng đấy là nói khi cùng đường mạt lộ thôi, còn bình thường e là nó cũng muốn tránh bầy sói, chẳng qua hôm nay gặp vận xúi quẩy mới rơi xuống khe sâu, thân mình giập nát thành nhân bánh thịt gấu.

Tôi cũng định chõ mồm góp chuyện vài câu, nhưng sực nghĩ không biết cả đàn sói vây đuổi thú rừng trên dốc Cả-chinh này có bao nhiêu con, sợ là nhất định sắp từ phía sau quành về Tàng côt câu rồi. Vì theo lời anh Xư-chê, phía trước Tàng cốt câu liền với sông băng cổ Thần loa câu, địa hình dốc đứng, chỉ duy nhất có thể đi vào theo đường này, nên để quay về tha lũ dê ngã chết đàn sói không thể đến từ hướng trước mặt chúng tôi được.

Lũ bò Yak và ngựa ở phía trước vậy là sẽ không bị bầy sói tập kích, song đám người đi phía sau chúng tôi thì không có sự chuẩn bị gì. Tôi từng đương đầu với sói dữ Tây Tạng, cái ngữ ấy xuất quỷ nhập thần, quả thực hết sức giảo hoạt, nếu bọn Minh Thúc mà bị chúng đánh lén, thì khó đảm bảo không có thương vong. Tôi nói suy nghĩ này với Tuyền béo và anh Xư-chê, cả ba lập tức quyết định quay lại. Suy cho cùng thì mạng người là quan trọng, tạm thời mặc xác lũ bò Yak kia vậy.

Tuy nhiên mới đi được một đoạn liền thông thấy ánh đèn thấp thoáng, thì ra hội Shirley Dương đã đuổi kịp chúng tôi. Bọn họ từ xa nghe tiếng nổ, tưởng chúng tôi gặp phải nguy hiểm gì, nên vội chạy tới tiếp ứng.

Tôi thấy cả hai nhóm đã tập hợp lại một chỗ, bấy giờ mới yên tâm. Nhưng anh Xư-chê đột nhiên lại giương súng, thì ra là có mấy con sói dữ xuất hiện. Chúng dừng lại ở khoảng cách nằm ngoài tầm súng, không tiến lên nữa. Trong bóng đêm, chỉ thấp thoáng thấy đôi mắt xanh lè và những cái bóng lờ mờ.

Những người có vũ khí đều lăm lăm súng, chuẩn bị bắn. Tôi vội ngăn lại: "Bọn sói đang thăm dò hỏa lực đấy. Chúng ta chỉ có hai cây súng trường có thể bắn mục tiêu ở cự ly xa, hẵng khoan nổ súng vội, đợi chúng tiến sát lại gần rồi cùng lia cho một loạt thì hơn!" Dù sao chúng tôi cũng khá đông, súng ống lại nhiều, cứ cho là lũ soi quanh vùng này có tập hợp hết lại, bất quá cũng chỉ mấy mươi con, chỉ cần sớm đề phòng thì cũng không cần phải sợ chúng.

Đúng lúc ấy, đằng xa đột nhiên nổi lên một cái bóng trắng, lông tóc lất phất trong gió đêm. Tôi sững người, lập tức nhớ đến cái đem ở ngôi miếu nát trong chùa Đại Phượng Hoàng, cảnh tưởng ác chiến với bầy sói vẫn còn sờ sờ trước mắt, tựa như mới xảy ra ngày hôm qua. Mẹ kiếp, không phải oan gia không đối đầu thế này. Vậy là cách đúng mười năm, ở chốn sâu trong núi Côn Luân giáp ranh giữa ba vùng Tây Tạng, Thanh Hải, Tân Cương này, lại gặp phải con sói chúa lông trắng, không ngờ nó vẫn còn sống. Vừa nãy chúng tôi giết bao nhiêu sói con như thế, hận thù đôi bên ắt hẳn càng thêm sâu sắc.

Tôi khẽ hỏi Tuyền bèo: "Cậu nổ súng từ khoảng cách này liệu có chắc ăn không? Giết giặc trước hết phải nhắm tướng mà diệt, cậu bắn chết con sói chúa, những con còn lại sẽ không thể uy *********** chúng ta được. Tốt nhất làm sao nổ được một phát khử nó luôn ấy."

Tuyền béo cười đáp: "Chuyện vặt! Tư lệnh Nhất đợi lột lấy tấm da lông trắng nhé!" v ừa nói dứt lời liền giương cây súng trường trong tay ngắm thật chuẩn, ngón tay đặt sẵn sàng lên cò súng.

Tôi khấp khởi mừng thầm, phen này nếu trừ khử được nó tại đây, cũng coi như trị khỏi được một khối tâm bệnh của tôi. Nhưng đúng lúc Tuyền béo đang rê súng theo mục tiêu, chuẩn bị bóp cò, thì con sói trắng đã kịp lánh vào góc chết của đường đạn, cả bầy sói cũng theo đó lẩn mất trong bóng tối. Tuyền béo tức tối chửi đổng một tiếng, đành hạ súng xuống.

Lũ sói biết nếu lao từ trong cái khe chật hẹp kia ra chắc chắn sẽ dính đạn, nên lẳng lặng rút lui. Nhưng tôi biết tỏng bọn chúng cực kỳ căm hận, bỏ đi lúc này chỉ là tạm thời tránh đi mà thôi, nhất định vẫn luôn rình rập chờ cơ hội để tấn công không chút do dự.

Chúng tôi có muốn cũng không truy đuổi được, cả đoàn đành tiếp tục tiến lên, trước mắt phải lo tìm lũ bò ngựa đã chạy mất hút đã. Lòng vòng trong Tàng cốt câu mãi, ai nấy mệt mỏi rã rời, cuối cùng cũng tìm thấy lũ bò Yak đang gặm cỏ trên dốc núi bên cửa khe.

Anh Xư-chê và năm gã cửu vạn thấy đàn bò Yak bình yên vô sự thì mừng phát điên, quên cả mệt nhọc, vội vội vàng vàng chạy thẳng lên sườn núi, bọn tôi từ từ đi phía sau. Bất chợt cả đám đều sững người, cảnh tượng trước mắt e là còn ly kỳ hơn cả lúc con gấu ngựa rơi uỳnh uỵch từ trên trời xuống, sáu người nằm bên cạnh đàn bò chính là hội anh Xư-chê. Bọn họ dường như kinh hãi quá độ, nên đều ngã lăn cả ra đất, toàn thân run lẩy bẩy.

Người khác thì đã đành, còn một tay cứng cỏi vung dao chém sói chẳng chút cau mày như anh Xư-chê làm sao phải kinh sợ đến mức ấy được? Trông thế nằm của bọn thì thì không phải ngã xiên xẹo loạn xà ngầu, mà cùng châu đầu về một hướng, úp mặt sát đất, toàn thân run lẩy bẩy, tôi càng cảm thấy kỳ lạ, lẽ nào không phải vì sợ hãi quá độ mà dang sụp lại ai đó? Có điều từ lúc mấy người này phăm phăm chạy lên sườn núi đến giờ bất quá cũng chưa tới một phút, thoắt một cái như vậy, thì có thể xảy ra chuyện gì kia chứ?

Tôi vừa đi tới vừa nghĩ mông lung, cảm thấy thật vô cùng khó hiểu, vừa kịp bước ra khỏi khe sâu chật hẹp. Chỉ thấy trên bầu trời phía Bắc lóe lên hai quầng sáng trắng mờ ảo, lấp lánh rung rinh. Quầng sáng kỳ dị viền khít lấy đỉnh núi tuyết sáng bạc, ánh sáng thần thánh tựa hai vầng nhật nguyệt lồng vào nhau cùng rọi khắp bầu trời. Đây hẳn là ánh Phật quang nghìn năm mới xuất hiện một lần trên núi ngọc ở Côn Luân chỉ ai có cơ duyên mới được gặp mà tôi đã từng nghe nói đến từ rất lâu rồi.

Tôi choáng ngợp trước cảnh tượng thần thánh này, nên tuy không phải là người theo đạo Phật, cũng muốn lập tức quỳ xuống tham bái. Lúc những người ở phía sau lục đục lên tới nơi, còn chưa kịp nhìn cho rõ, thì ánh sáng thần kỳ đã lẩn mất vào màn đêm, thành ra bọn Minh Thúc chỉ được thoáng thấy một tẹo, cứ đấm ngực giậm chân tiếc rẻ vì không lên kịp.

Shirley Dương cũng có thoáng thấy, liền bảo với mọi người chớ tiếc nuối làm gì, không phải là Phật quang nghìn năm mới xuất hiện một lần đâu, chỉ là hiện tượng phóng điện đồng bộ xảy ra trong tầng mây, là do mây dưới núi tuyết quá dày, ban đêm dễ xảy ra hiện tượng đó, chứ Phật quang nghìn năm mới xuất hiện một lần làm gì gặp dễ dàng như vậy được.

Nhưng hội anh Xư-chê vẫn đinh ninh đó là ánh Phật quang thần thánh, cứ hễ trông thấy là được cát tường như ý. Anh Xư-chê bảo chúng tôi, ở Kelamer rất hay thấy những ánh Phật quang nhỏ thế này, còn đúng là ánh Phật quang rực rỡ ngàn năm mới xuất hiện thì phải ở núi tuyết Kawaboge Vân Nam, quê nhà xa xôi của anh mới có. Nghe nói ánh Phật quang đó từng xuất hiện trong có mấy giây cách đây cả nghìn năm về trước, và đã được vẽ trong bức Thập tướng tự tại đồ (1) còn lưu truyền đến giờ. Có vị Phật sống đã tiên đoán rằng, hiện tượng này sẽ xuất hiện trong mười năm sắp tới đây, khi ấy sẽ rất đông tín đồ chẳng quản vạn dặm xa xôi nườm nượp tìm tới chân núi chầu bái.

Riêng đám cửu vạn, vừa nãy được sụp lạy Phâth quang, giờ đều tỏ ra phấn khích, hoan hỉ hết sức, tíu tít chạy đi dồn bò ngựa, kiểm lại trang thiết bị, may cũng không tổn thất mấy, xong xuôi cả đoàn lại đi tiếp. Đến lúc trời sáng thì tìm được một chỗ tương đối bằng phẳng ở sườn núi để dựng trại, nghỉ ngơi một ngày một đêm cho hồi phục tinh thần khí lực, chuẩn bị tiến vào sông băng Thần loa câu.

Lũ sói dữ kia mãi chẳng thấy tăm hơi đâu, những e là vẫn lảng vảng theo dõi, cho nên chúng tôi một giây cũng không được lơi là khinh suất, nhất là khi đang sắp sửa tiến vào một nơi nguy hiểm và thần bí bội phần, Thần loa câu. Sông băng cổ trong Thần loa câu có độ cao tương đối không lớn so với mực nước biển độc nhất vô nhị trên thế giới, nơi thấp nhất chỉ có hai nghìn tám trăm mét. Dòng sông băng len lỏi giữa hai ngọn núi tuyết lớn, khu vực hạ lưu ăn sâu chừng vài cây số vào vùng rừng nguyên sinh rậm rạp, cây cối cao chọc trời, kỳ hoa dị thảo nhiều vô số kể, có thể nói là cả một nguồn tài nguyên động thực vật phong phúc của dải núi cao hàn đới.

Tiến vào khu rừng rập ở Thần loa câu thì tình trạng thiếu ô xy trên cao nguyên không là chuyện phải lo, những cũng không vì thế hết khó khăn. Nơi nay căn bản không có đường đi, bò Yak và ngựa không theo sông băng đi xuống được, lại còn có đoạn phải vượt qua một dốc băng lớn nữa.

Xem ra chỉ có cách dựng trại ở đây, dự tính ban đầu chỉ để hai tay cửu vạn ở lại trông nom, những người còn lại vác vật dụng tiến vào sông băng, nhưng do vẫn còn mối lo bị sói dữ tấn công, nên đành tăng số người ở lại trông coi lên, bằng không sẽ chẳng có cách nào bảo vệ được lều trại và bò ngựa.

Tôi cũng không định để hội anh Xư-chê vào núi, vì trước mắt còn chưa biết sẽ đối mặt với những nguy hiểm gì, quả thực không muốn liên lụy đến người khác. Nhưng sau khi được chiêm ngưỡng ánh Phật quang, đức tin càng được củng cố, anh ta cứ nhất mực muốn đi theo giúp sức, cho rằng khai quật lầu ma của Ma quốc là một việc tích góp công đức, nếu như thành công, thì thôi không định đưa thằng út ở nhà vào chùa làm lạt ma tu hành nữa. Chúng tôi bàn bạc hồi lâu, cuối cùng đành bảo năm người cửu vạn ở lại trông nom bò ngựa. Bọn họ ai cũng có súng săn, và đều là những tay bắn sói cừ khôi. Ngoài ra chúng tôi còn để lại cho họ thêm một ít kíp thuốc nổ.

Tám người còn lại lập thành một đội, mặc quần áo lặn ở trong, khoác áo leo núi ra ngoài, đội mũ léo núi, phân chia vũ khí đạn dược. Hai cây súng trường thể thao giao cho Tuyền béo và Shirley Dương. Tôi và Peter Hoàng dùng súng Remington, anh Xư-chê dùng súng săn. Ngoại trừ A Hương, mỗi người còn nhận một khẩu M1911, đeo thêm các thiết bị thiết yếu, sửa soạn xong là xuất phát ngay.

Cửa sông băng Thần loa câu, người bản địa gọi là dốc băng lớn, lúc xuống thì rất dễ, chủ yếu là những đoạn dốc khoảng bốn mươi đến sáu mươi độ, cứ bám dây thừng, như đứng trên cầu trượt trượt xuống là được, có điều quay lên e là sẽ tốn không ít sức lực.

Anh Xư-chê đưa chúng tôi đến chỗ xuống dốc dễ nhất. Dốc băng lớn trông thoai thoải phẳng lì, nhưng bên dưới có rất nhiều kẽ và hố, vô ý xui xẻo giẫm vỡ lớp băng mỏng ở bề mặt rơi xuống là chết toi. Chỉ có một vùng nhỏ hẹp mà năm xưa an Xư-chê theo các nhà sư vào Thần loa câu hái thuốc phát hiện ra là tương đối an toàn.

Chúng tôi thả ba sợi dây cáp dài xuống dốc băng. Anh Xư-chê dẫn đầu trượt xuống, mọi người lần lượt theo sau, rất nhanh chóng xuống được Thần loa câu bên dưới dốc băng một cách thuận lợi.

Tôi giương ống nhòm quan sát xung quanh, chỉ thấy núi rừng bạt ngàn, mênh mông vô tận. Dải sông băng này chắc chuộc loại hình phức hợp, gồm dòng chính là một sông băng cổ, cộng thêm các dòng mới hình thành về sau do tuyết lở ở những thời kỳ khác nhau. Toàn bộ dải sông băng có rừng rậm bao bọc, phân cách, hang băng, rãnh băng, khe băng cho đến thác băng ở đây nhiều vô số kể, trong khoảng rừng có độ cao so với mực nước biển thấp hơn nữa, băng tan chảy thành suối, có trời mới biết tháp ma được chôn ở đâu.

Tuy không phải khắp nơi đều dễ có tuyết lở nguy hiểm, nhưng dù sao cũng không thể gây tiếng động quá lớn, làm kinh động sơn thần trên núi tuyết, anh Xư-chê nhắc mọi người nên khóa hết chốt an toàn của vũ khí, tuyệt tối không ai được phép nổ súng, nếu có thú rừng tấn công, chúng ta sẽ dùng vũ khí lạnh mà đối phó.

Chúng tôi theo sông băng tiến vào rừng, vừa đi vừa quan sát địa hình. Mãi một vài trăm năm về trước, Luân Hồi tông còn thường xuyên phái người tới đây cử hành tế lễ, có lẽ vẫn còn dấu tích. Theo cuốn kinh mật truyền của Luân Hồi tông, điểm tế lễ có lẽ nằm ở nơi có bốn ngọn núi tuyết chầu quanh, chính là Phượng hoàng thần cung mà phong thủy Mật tông nhắc đến.

Chúng tôi đi trong rừng đã được hai hôm, hôm nay vẫn cứ thế đi tiếp. Dọc đường anh Xư-chê kể cho mọi người nghe truyền thuyết về Thần loa câu, và những chuyện anh gặp phải năm xưa khi tới đây hái thuốc. Theo truyền thuyết của nhà Phật, thuở xưa nơi đây vốn là một vũng biển ăn sâu vào đất liền, dưới đáy có con ốc khổng lồ thành tinh, có phép thần thông, khiến bao sinh linh phải chịu cảnh lầm than, mãi đến khi Phật tổ dùng Phật pháp đội đáy biển thành núi cao, mới có thể hàng phục được nó. Con yêu tinh ốc biển bằng lòng quy y cửa Phật, cuối cùng trở thành một vị hộ pháp thần, cái bỏ trút lại của nó chính là sông băng Thần loa câu này.

Truyền thuyết này không được ghi chép trong bất kỳ kinh thư nào, có thể chỉ chuyện bịa đặt của cổ nhân, nhưng tính chất rất giống các truyền thuyết Phật giáo khác. Đạo Phật là một tôn giáo bao dung nhất, bất kể là yêu nghiệt ác ma gì, chỉ cần buông lưỡi dao sát sinh, lập tức có thể thành Phật, cho nên các truyền thuyết trong kinh Phật kể rất nhiều chuyện thu nạp ma quỷ làm hộ pháp thần.

Vẫn đang chuyện trò, thì trước mặt xuất hiện một thác băng lớn, anh Xư-chê làm hiệu bảo dừng lại, chỉ tay nói: "Cái mỏm băng phía trước, nằm dưới chân thác kia kìa, mười mấy năm trước tôi đứng ở đó trông lên đã phát hiện ra một cây linh chi trân châu có tám mươi tám vị, bèn cố trèo thác băng để hái, nhưng địa hình nơi đây hiểm trở, chẳng những không ngắt được cây linh chi, còn suýt bị ngã chết đấy. Nơi có bốn ngọn núi tuyết chầu quanh mà mọi người muốn tìm, chính là ở trước mặt đó. Hồi tôi lên hái thuốc đã nhìn tận mắt, xung quanh vừa khéo có bốn ngọn núi tuyết khổng lồ. Núi tuyết ở Kelamer rất nhiều, đằng Đông đằng Tây nhìn đâu cũng thấy, nhưng liền kề với nhau thì không dễ kiếm ra đâu, cứ như tôi đã thấy đã biết, thì chỉ có chỗ này là có địa hình như thế thôi. Có điều năm xưa tôi cũng chưa dám vào thung lũng, vì truyền thuyết kể đấy chính là nơi ở giữa biển tai họa, mấy người chúng ta muốn tiến vào cần phải hết sức thận trọng mới được."

Tôi cũng nhìn ra khí tượng nơi đây quả không tầm thường, riêng lớp tuyết tích tụ đến hơn ngàn vạn tấn trên kia đã khiến người ta cảm thấy ớn lạnh. May mà dải rừng kẹp giữa hai dòng sông băng rất rộng, chỉ cần vòng qua thác băng, đi theo đường rừng, không xảy ra chuyện gì bất trắc phải gây kinh động thì chắc sẽ không gặp tuyết lở.

Đi hết khu rừng là một dải sông băng uốn lượn, dốc dần lên cao, xem ra mấy nghìn mấy vạn năm trước chỗ này không phải chốn núi cao hồ băng gì, mà là một thung lũng lớn. Vùng đất quả nhiên có bốn ngọn núi tuyết cao ngất vây quanh, làm thành một dải trập trùng, chính là Long đỉnh nằm trên sông lưng của trời đất, tháp ma thờ cúng Tà thần rất có khả năng đã đóng băng ở lòng sông.

Mọi người thấy cuối cùng cũng có manh mối, tinh thần phấn chấn hẳn, hăm hở bước nhanh, muốn tranh thủ tìm thấy lầu ma chín tầng trước khi trời tối. Mặt sông bằng trơn dị thường, giống y một tấm gương. Peter Hoàng từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chỉ ở phương Nam, chưa bén mảng đến nơi băng tuyết như thế này bao giờ, cứ hễ đi nhanh tí tẹo là lại ngã phệt xuống, sợ là sắp nứt xương cụt đến nơi, miễn cưỡng nhờ Tuyền béo và anh Xư-chê dìu đi.

Cả đoàn vẫn đang tiến lên, bỗng tôi điểm quân số thấy thiếu mật Hàn Thục Na, ở đây khe băng, hố băng, hang băng nhan nhản, nếu quả thực rơi xuống đó thì phiền phức lắm. Rơi xuống hang băng còn có thể cứu, chứ lọt vào khe băng thì không cách nào leo lên được, mà trên băng không có vết chân, theo dấu lần lại đường cũ vô cùng khó. Ở bên dưới mấy ngọn núi tuyết, càng không dám gọi to tên chị ta, cho dù là A Hương cũng không có khả năng nhìn xuyên qua băng được.

Mọi người đành bảo Peter Hoàng đứng yên tại chỗ để ý xem sao, còn tất cả tản ra, theo hướng cũ quay lại kiểm tra, ngoặt đi ngoặt lại hai lần mới phát hiện ra một hố băng bị giẫm vỡ, bên dưới là hang băng hình cái đấu (chỉ khe băng kẹp dưới sông băng, hình như cái đấu). Tôi dùng đèn pin mắt sói chiếu vào, thấy hang băng sâu chừng bảy tám mét, Hàn Thục Na nằm phía dưới, hôn mê bất tỉnh. Chúng tôi khẽ tiếng gọi tên chị ta, nhưng không thấy có phản ứng gì.

Không ai biết chị ta đi đứng thế nào mà lại rẽ vào chỗ này, Minh Thúc thấy vợ ngã xuống hang, sống chết còn chưa biết thế nào, cứ bấn loạn hết cả lên. Tôi trấn an lão, bảo chớ lo lắng, chỗ này không sâu, trên người Hàn Thục Na có đồ bảo hộ, cùng lắm là ngất đi do quá sợ hãi, để từ từ kéo chị ta lên, đâu rồi khắc vào đó.

Tôi soạn dây thừng chuẩn bị đu xuống, Shirley Dương ném một cây pháo sáng cho tôi nhìn rõ địa hình, tránh giẫm vỡ kẽ băng thông với hố này. Không ngờ cây pháo sáng vừa bùng lên giữa ba bề bốn bên quanh vách băng, tất cả nhìn xuống, cùng thốt lên một tiếng "ối trời". Hóa ra, vách băng có không biết bao nhiêu người mặc cổ phục chết cứng trong đó, cùng một tư thế cúi đầu, đứng thành vòng tròn vây quanh, nom như vẫn còn sống sờ sờ, lẳng lặng nhìn Hàn Thục Na hôn mê bất tỉnh.

Thứ chúng tôi có thể thấy được, chỉ nằm ở lớp băng ngoài cùng, sâu bên trong không biết còn có bao nhiêu thây ma đông cứng nữa.

--------------------------------

Chú thích:

1. Nguyên chú: theo giáo lý của Phật giáo Tây Tạng, Thập tượng tự tại đồ là một dạng bức vẽ có sức mạnh cực kỳ thần bí, được cấu thành bởi bảy chữ Phạn và mặt trăng, mặt trời cũng với mười loại ký hiệu hình tròn... Năm sắc màu trong bức họa tượng trưng cho năm nguyên tố cơ bản trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa, không khí; mười ký hiệu kia lại tượng trung cho các bộ phận của cơ thể người và các bộ phận của thế giới vật chất; tất cả năm trong một hệ thống quan hệ biện chứng hết sức phức tạp.