Ma thổi đèn 4 - Thần cung Côn Luân

Chương 11 - Tiến vào Kelamer

Lòng tôi trĩu xuống, vội dập tắt đầu thuốc, chạy qua xem sao. Cái móng lừa đen vừa vặn dùng hết, Shirley Dương đang nhổ một cái gai thịt màu đen trong ngón tay của lạt ma ra, không rõ là vật gì. Da dẻ lạt ma đã trở lại bình thường, song sắt mặt mỗi lúc một xanh xao, thử dò hơi thở của ông, tuy yếu ớt, những vẫn bình ổn, nhưng có giữ được tính mạng hay không thì chưa thể nói chắc được.

Tôi nhặt chiếc gai thịt dưới đất lên xem, phía sau còn có vài cục thịt màu đen bé xíu, đây có lẽ chính là cái dằm đã đâm vào tay lạt ma. Vật này chẳng lành, giữ lại ắt không may, liền tiện tay vứt vào trong đống lửa đốt đi, cả đống lông tóc đen hôi thối nồng nặc cũng không giữ lại một sợi nào, tất cả đều thiêu hủy sạch.

Cuối cùng, tôi lại gọi A Hương lại, xem trên mình lạt mà còn có chỗ nào bất thường không, xong xuôi hết cả mới yên tâm.

Đêm hôm đó tôi không hề chợp được mắt, ngày hôm sau Thiết bổng Lạt ma mới tỉnh lại, trông ủ dột rã rời, trong một đêm tựa hồ già đi hai chục tuổi, cánh tay phải đã hoàn toàn không thể cử động. Thị lực ông hình như cũng bị ảnh hưởng nặng, cái chính là khí huyết suy kiệt, không nhúc nhích được. Với tình trạng sức khỏe hiện giờ của lạt ma, nếu muốn hồi phục lại, ít nhất cũng phải hơn một năm. Như vậy, ông thực sự không thể tiếp tục tiến vào vùng cao như khe Kelamer trong núi Côn Luận được nữa.

Lạt ma cũng biết đây là ý trời, cho dù có gắng gượng đi, cũng sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Nhưng điều ông lo lắng nhất, chính là việc tìm một người hát sử thi thiên bẩm khác quả thực quá khó, cuối cùng ông đã bàn với tôi, hãy cứ để ông cùng chúng tôi đi tới Kelamer, nhưng ông sẽ không vào núi, mà ở cửa núi đợi chúng tôi quay lại. Ngoài ra trong thời gian chúng tôi chuẩn bị, ông sẽ cố gắng dùng tiếng Hán thuật lại một số nội dung liên quan đến Ma quốc trong trường thi Thế giới Chế định Bảo châu Hùng sư Đại vương cho Shirley Dương nghe. Cũng may Shirley Dương có khả năng nghe qua là không bao giờ quên, chắc chắn nhớ được phần lớn, đến khi tìm tháp ma Ma quốc trong Phượng hoàng thần cung, có lẽ sẽ dùng đến.

Để lạt ma có thể nghỉ thêm vài ngày, tôi bảo Minh Thúc mang theo người của lão ta đến vùng Gazebochinh gần Kelamer trước, trang thiết bị cũng sắp được vận chuyển tới đó. Gần đó là vùng bình nguyên hoang dã và khu không người, có rất nhiều bọn săn trộm. Ngoài việc mua vũ khí đạn dược từ tay chúng ra, đội tiên phong còn có nhiệm vụ tìm hướng dẫn viên thích hợp, thuê cửu vạn, tóm lại công tác chuẩn bị còn rất nhiều việc phải làm. Tôi, Tuyền béo và Shirley Dương, đợi sau khi bệnh tình của lạt ma thuyên giảm rồi sẽ lên đường. Cách núi Côn Luân vẫn còn xa, mà đã có một người chết, một người bị thương, điều này như phủ một bóng đen u ám lên con đường phía trước của chúng tôi.

Minh Thúc kiên quyết phản đối, cho rằng nếu hành động thì cùng hành động, không thể chia đôi đường được. Tôi biết lão khọm Hồng Kông này chắc chắn sợ chúng tôi bỏ rơi lão để làm một mình, song nói thế nào lão cũng không chịu nghe, đành phải đẩy Tuyền béo đi cùng hội của lão, coi như làm con tin, lúc ấy lão khọm mới yên tâm.

Tôi sợ Tuyền béo không chịu, đành gạt cậu ta, bảo phái cậu ta đi làm trưởng quan liên lạc, bốn người bọn Minh Thúc sẽ do cậu ta chỉ huy, Tuyền béo vừa nghe thấy được làm lãnh đạo, liền mừng ra mặt đồng ý ngay. Kiến thức của Minh Thúc về hàng hải rất rộng, song vào núi đổ đấu, cần vật tư gì, cần hướng đạo ra làm sao thì lão ta chẳng biết mô tê gì, Peter Hoàng tuy có tham gia chiến tranh du kích trong rừng mấy năm, song hắn căn bản không hiểu đổ đấu nghĩa là gì, mà từ trước đến giờ cũng chưa đến Đại lục, cho nên đám người họ đương nhiên sẽ đều nghe theo Tuyền béo hết.

Trước khi dẫn bọn Minh Thúc xuất phát, Tuyền béo nắm chặt bàn tay tôi nói: "Nhất này, tình bạn giữa tôi và cậu lâu nay đã chẳng thể nào đong đếm được, chỉ biết nó cao hơn núi, sâu hơn biển. Lần này tôi dẫn bộ đội vào khai phá căn cứ địa mới trước, lâu ngày nàng dâu cũng trở thành mẹ chồng, chức vụ phó tư lệnh của béo tôi đây cuối cùng cũng được về đúng chỗ, song lại không nỡ chia tay các cậu, trong lòng không biết là nên vui hay nên buồn, tóm lại cảm xúc phức tạp, quả thực không biết nói gì hơn."

Tôi nói với Tuyền béo: "Nếu quả thực không biết nói gì hơn, thì cớ sao mà... mẹ kiếp nói lắm thế? Đoàn chúng ta trước giờ quan quân bình đẳng, cậu đừng diễn cái bộ quan cách với hội Minh Thúc, đương nhiên lão khọm Hồng Kông ấy mà dám giở trò thì cậu cũng không cần khách sáo làm gì!" Sau khi dặn dò một hồi, chúng tôi mới tiễn họ lên đường.

Đợi đến khi Thiết bổng Lạt ma có thể cử động, đầu tiên sẽ phải làm pháp sự độ vong cho A Đông, sau đó tôi và Shirley Dương sẽ cùng ông cưỡi bò Yak đi từ từ đến Semge zangbo đáp xe ô tô.

Dọc đường Thiết bổng Lạt ma không ngừng kể cho Shirley Dương những bài sử ca về đền Ma quốc, Shirley Dương vừa nghe vừa ghi chép vào sổ, đi như vậy nên chúng tôi đến Gazebochinh muộn hơn hội Tuyền béo hai mươi ngày. Tuyền béo và Minh Thúc ngóng đợi đã lâu, thấy cuối cùng chúng tôi cũng đến, lập tức sắp xếp cho chúng tôi nghỉ ngơi ăn cơm.

Chúng tôi tá túc trong một ngôi nhà dân du mục. Trước khi ăn cơm tối, Minh Thúc báo cho chúng tôi tình hình chuẩn bị đến đâu. Trong số dân du mục ở đây có một người đàn ông tên là Xư-chê, chưa đến bốn mươi, một người đàn ông Khang Ba điển hình, rất thông minh nhanh nhẹn, tên của anh ta có nghĩa là "Mồng Một". Bọn Minh Thúc thuê Xư-chê làm hướng đạo, bởi anh ta là người duy nhất trong vùng từng vào Kelamer. Ngoài ra còn có mười lăm con bò Yak, sáu con ngựa, và năm người cửu vạn.

Từ Gazebochinh tiến vào Kelamer, phải đi băng qua vùng bình nguyên hoang dã có rất nhiều khe hẻm, điều kiện giao thông kém, gần đó chỉ có một chiếc xe tải kiểu cũ, truyền động hai bánh, lái vào rồi thì đừng hòng ra được. Dải bình nguyên hoang dã kia ngay đến cả bọn săn trộm cũng không muốn tới, cho nên muốn thồ một đống vật tư lớn như vậy vào, chỉ còn cách dùng bò Yak mà thôi. Trang thiết bị vận chuyển từ Bắc Kinh đến đều ra Răng Vàng đặt mua theo lời dặn dò của Shirley Dương, nay đã chuẩn bị xong xuôi, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất phát.

Tôi hỏi Minh Thúc vũ khí thì thế nào, chúng ta không thể chỉ mang theo mỗi hai cây súng Remington với hơn bảy mươi viên đạn được, vào núi Côn Luân cơ mà, dã thú ở đó nhiều lắm.

Minh Thúc dẫn tôi và Shirley Dương ra phía sau căn lều nhà người dân du mục, Tuyền béo và Peter Hoàng đang ở bên trong kiểm tra súng ống, ngắn dài có cả. Súng lục thì kiểu loại tương đối đồng nhất, đều là của bọn săn trộm đánh hàng từ khu vực Đông Nam Á sang, có khả năng là đồ của quân đội Mỹ sót lại. Súng lục bán tự động M1911 của Mỹ, kiểu dáng hơi cũ, song đường kính nòng súng đủ lớn, sử dụng loại đạn 45 ACP, tính năng ổn định, có thể coi là kinh điển trong kinh điển của súng lục quân dụng dùng trong quân đội Mỹ, một kiệt tác của John Browning, là loại vũ khí phòng thân tuyệt đối hữu hiệu.

Súng trường thì hơi kém hơn, chỉ có hai cây súng thể thao nòng nhỏ kiểu dáng khác nhau, không có cái nào cầm sướng tay, nhưng cộng thêm hai khẩu Remington thì cũng đủ dùng, suy cho cùng chỉ là đi đổ đấu thôi, không phải đi đánh trận.

Tôi lại xem tiếp các trang thiết bị khác, quả thực đều đã đủ cả, không những có quần áo Allison của đoàn leo núi Mỹ, thậm chí ngay cả thiết bị lặn cũng đã được đưa đến. Hệ thống nước ngầm do tuyết tan dưới chân núi Côn Luân hình thành rất chằng chịt phức tạp, những thứ này chuẩn bị trước vẫn hơn, cái quan trọng nhất vẫn là những khí giới truyền thống như móng lừa đen, gạo nếp, thám âm trảo... , cái gì không mua được trên thị trường thì đều được đặt làm cả, có những thứ này, thấy tự tin hơn nhiều.

Tôi để lại một ít tiền, nhờ dân bản địa chăm sóc cho lạt ma, đợi sau khi chúng tôi ra khỏi Kelamer, sẽ đón ông đi. Nếu sau hai tháng vẫn không thấy quay lại, thì nhờ họ đưa lạt mà về chùa nào đó gần đây để dưỡng bệnh. Dân Tây Tạng có đức tin hết sức kiền thành, cho dù tôi không nhờ vả, họ cũng sẽ chăm sóc tốt cho lạt ma.

Tôi thấy mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi, bèn quyết định sớm mai lên đường.

Đêm hôm ấy, Minh Thúc mời mọi người tập trung ăn cơm, nơi đây nằm ở giao điểm giữa ba vùng Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương, nét văn hóa ẩm thực cũng hòa trộn đặc điểm của ba vùng. Bữa tối của chúng tôi hết sức thịnh soạn, lưỡi bò Yak trộn nguội, trùng thảo xào thịt, bánh bao Tây Tạng, phổi nhồi, lòng nhồi, cơm rưới sữa bò, sườn cừu nướng, gân dê xào nhân sâm, tsamba bơ, ai nấy đều uống rất nhiều rượu ủ từ men lúa mì Thanh Khoa.

Minh Thúc uống hơi lâng lâng, nói mấy câu không ăn nhập gì, lại còn nói là hy vọng đây không phải bữa tối cuối cùng. Nghe lão nói thế, cả đoàn đều mất hứng, ăn nhanh cho xong bữa rồi về đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bèn từ biệt Thiết bổng Lạt ma, chuẩn bị tập hợp xuất phát. Thiết bổng Lạt ma quàng lên vai tôi một dải khăn hatha: "Bồ Tát phù hộ, mong mọi người trên đường tới Phượng hoàng thần cung may mắn bằng ăn." Tôi ôm chặt lấy lạt ma, định nói gì với ông, song trong lòng xúc động vô cùng, không thốt lên được lời nào.

Đoàn người lùa lũ bò ngựa đi về hướng Tây Bắc. Vùng cao nguyên phía Bắc Tây Tạng ở sâu trong lục địa, khí hậu lạnh khô, nhiệt độ và lượng mưa biến đổi theo đồ thị hình sin, mùa đông lạnh mà dài, mùa hè mát mà ngắn. Thời tiết lúc này đã cuối hè, là thời điểm nhiệt độ không ổn định nhất trong năm.

Bình nguyên hoang vu này chính là vùng heo hút không người được gọi là "Chiho", tuy không có con người sinh sống, nhưng sinh vật sống hoang dã trong tự nhiên thì khá nhiều, chim thú từng đàn, thú hoang chốc chốc lại xuất hiện rồi biến mất tăm, ngọn núi đằng xa trải dài tít tắp. Phía sau núi nối liền với bầu trời xanh ngắt, còn phía trước núi là một khoảng trắng xóa, song vì khoảng cách quá xa, nên nhìn không rõ là tuyết, hay là những đám mây đùn lại phía chân trời, chỉ cảm giác nơi đây không gian ngợp mắt, toát ra một vẻ thần bí khó hình dung được.

Đi được năm ngày, thì hết khu vực hoang nguyên, đương nhiên, vùng núi sắp sửa tiến vào còn hoang vu heo hút hơn cả vùng hoang nguyên chúng tôi vừa vượt qua. Trước cửa núi có một cái hồ, trong hồ có rất nhiều chim nước cổ đen, không có người kinh động mà chúng bỗng kết thành một bầy lớn bay về phương Nam. Lũ chim này không phải loài chim di cư theo mùa, chúng rời khỏi hồ, có thể do tuyết lở trong núi khiến chúng kinh hãi; còn một nguyên nhân nữa, có thể là dấu hiệu trước của một đợt rét ẩm sắp đến. Có tay cửu vạn mê tín nói rằng đây là tín hiệu không mấy tốt lành, khuyên chúng tôi quay lại, song chúng tôi đã quyết ý đi, không gì lay chuyển được.

Tôi và anh hướng đạo Xư-chê bàn bạc với nhau một chút, nơi đây so với mực nước biển đã rất cao, nếu tiếp tục leo lên núi, trong đoàn sẽ có người không thể chịu được. Trong núi này, sông băng cổ nhiều không đếm xuể, tuyết lại tích tụ một lượng lớn, đi trong sơn cốc rất dễ khiến gây ra tuyết lở, song anh Xư-chê từ nhỏ đã theo sư thầy vào núi Kelamer hái thuốc, hết sức thông thạo vùng này, biết rõ ở chỗ nào là đất trũng, hố sâu, có thể đi qua an toàn, bèn bảo mọi người tạm thời ở cửa núi nghỉ ngơi một lát, hai mươi phút sau sẽ dẫn đoàn đi vào "Tàng cốt câu" (1).

Dọc đường Shirley Dương chỉ chăm chú chỉnh lý lại tư liệu truyền miệng của Thiết bổng Lạt ma, đồng thời tranh thủ phục chế tấm bản đổ Kinh Thánh của cha cố Bồ Đào Nha, cuối cùng cũng tìm ra được một ít manh mối. Lúc này nghe nói bước tiếp theo sẽ đi qua "Tàng cốt câu" gì đó, cô liền hỏi anh Xư-chê, nơi ấy vì sao lại có tên là "Tàng cốt câu"? Cất giấu xương cốt của ai? Mạch núi này gọi là Kelamer, có nghĩa là gì?

Anh Xư-chê nói: "Tàng cốt câu có xương người hay không thì không rõ. Sở dĩ gọi như thế bởi đó là nơi muông thú tự sát, hàng năm đều có vô số dê vàng, bò rừng, gấu ngựa Tây Tạng chạy tới đó tự sát. Xương thú hoang chất đầy đáy khe. Người cam đảm lắm cũng không dám tới đó ban đêm. Còn tên Kelamer, có nghĩa là biển tai họa, còn vì sao lại đặt cho nơi ấy cái tên không may mắn như vậy, thì dẫu là người du mục có chòm râu dài nhất chăng nữa, cũng không thể biết đâu."

Tôi và Shirley Dương nhìn nhau, đều định tìm câu trả lời từ nét mặt đối phương, song cô nàng cũng giống tôi, chẳng thể nào tưởng tượng ra chân tướng ẩn chứaa sau câu chuyện cổ xưa này. Hiện tượng động vật hoang dã kéo bầy kéo lũ tự sát tập thể cũng có ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là sinh vật dưới biển, song xưa nay dường như chưa từng nghe thấy có chuyện đủ các loại động vật kéo đến một nơi cùng tự sát. Vả lại ở nơi đất Tạng sùng bái núi cao hồ rộng này, sao lại lấy cái tên không hề may mắn "vùng biển tai họa" để đặt tên cho vùng núi này cơ chứ? Những điều này quả thực có đôi chút khó hiểu.

Anh Xư-chê giải thích, truyền thuyết Tàng cốt câu đã được bô lão của bao nhiêu đời trước kể lại, mỗi khi mặt trăng tròn như cái chậu, các loài thú hoang trong núi sẽ ngước nhìn mặt trăng và nhảy từ trên cao xuông xuống khe núi ngã chết, lấy cái chết của chúng để làm nguôi đi cơn thịnh nộ của thần linh; còn có truyền thuyết khác kể thế này, phàm là những con vật nhảy xuống khe sâu mà chết, đều có thể thoát khỏi vòng súc sinh, đầu thai làm người.

Song cho đến nay, những người còn sống vẫn chưa ai thấy có con thú hoang nào nhảy xuống khe cả, cũng chẳng rõ truyền thuyết xa xưa kia là thật hay giả, những ở Tàng cốt câu vẫn còn có thể thấy vô số xương cố thú hoang, đến đêm sẽ có lửa ma trơi lập lòe, hơn nữa địa hình nơi đây cũng khá phức tạp, nối liền với dòng sông băng cổ xưa ở Thần loa câu. Chỗ bốn ngọn núi tuyết vây quanh mà các vị muốn tìm, chính là ở sông băng trong Thần loa câu, tới đó, ước chừng phải đi hơn năm ngày đường nữa.

Địa hình Thần loa câu phức tạp hiếm thấy, miền cao nguyên phía Bắc Tây Tạng này đất rộng người thưa, môi trường sống khắc nghiệt, các cùng lân cận quanh khu vực Kelamer dường như đều là khu vực không người ở, phần lớn hiếm thấy dấu chân con người đặt tới. Bản thân anh Xư-chê cũng mới chỉ đi qua Thần loa câu hái thuốc, còn như vào sâu hơn nữa thì cũng chưa từng. Kelamer có nhiều núi tuyết và sông băng cổ, song có bốn ngọn núi tuyết vây quanh thì chỉ có sông băng ở Thần loa câu, việc mà anh Xư-chê có thể làm, cũng chỉ là dẫn chúng tôi tới chỗ ấy mà thôi.

Đoàn thám hiểm nghỉ độ nửa tiếng ở cửa núi, sau đó tiếp tục hành trình. Những người thể lực kém, hô hấp khó khăn đều cưỡi trên lưng ngựa, anh Xư-chê đeo lại súng săn và dao găm Tây Tạng, rồi rút ra một túi da đựng đầy rượu Thanh Khoa, tu ừng ực mấy ngụm, sau đó vung roi da lên trời phất liền ba phát, để báo với sơn thần, đoạn nói với mọi người: "Muốn vào Tàng cốt câu, phải vượt qua dốc Cả-chinh trước đã, đi thôi!" Nói đoạn, một tay lắc ống chuyển kinh, một tay quất roi da, đi tiên phong dẫn đường vào núi.

Đoàn người ngựa còn lại đi phía sau anh, rẽ nganh quẹo phải một hồi, cuối cùng cũng đã tới dốc Cả-chinh, địa danh tuy có chữ dốc, song đem so với những núi cao vách đá cheo leo thì cũng không hề thua kém là bao. Nơi đây mây mù giăng kín, đám đàn ông Khanh Ba bọn anh Xư-chê không thấy làm sao, nhưng Minh Thúc thì dường như không thể chịu đựng được nữa. Trước kia, những người ở nội địa đi lên đây, không thích ứng được với phản ứng cao nguyên, ở trên này quá sáu mươi ngày là chết, bởi khí áp nơi đây khiến quả tim dần dần to ra, sau một thời gian dài sẽ vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, về sau tuy có thể thông qua các liệu pháp y học giảm nhẹ tình trạng này, nhưng vẫn rất nguy hiểm.

Trước đó, tôi cứ thấy là lạ, theo lý mà nói thì hạng người như lão Minh, tiền đã quá đủ tiêu, sao lại nỡ vác cái thân già vào núi Côn Luân, cố sống cố chết tìm cho ra cái Băng xuyên thủy tinh thi kia. Sau hỏi Hàn Thục Na mới biết, hóa ra sản nghiệp hiện nay của lão này chỉ còn lại ngôi nhà ở Bắc Kinh và mấy món đồ cổ kia thôi, gia tài đã bị hai thằng quý tử ở Hồng Kông chơi bạc thua sạch rồi, lại còn ôm về một món nợ rõ lớn nữa. Lão muốn nhân lúc chân tay còn hoạt bát, làm thêm một vụ lớn, bằng không sau này chầu trời, hai thằng con trai và cô con gái nuôi của lão chắc phải ăn cá gỗ mất. Sau khi biết chuyện này, tôi cũng có đôi phần thông cảm với lão.

Tôi lo tiếp tục đi lên cao nữa, có khi xảy ra sự chẳng lành với Minh Thúc và A Hương, liền chạy đuổi theo anh Xư-chê phía trước, hỏi xem phải đi bao xa nữa mới tới Tàng cốt câu.

Anh Xư-chê đột nhiên dừng bước, vẫy tôi, chỉ xéo xuống phía dưới, ra hiệu bảo tôi qua đó xem xem. Tôi nhìn theo hướng anh chỉ, đúng lúc đó một làn gió núi thổi bạt đi những đụn mây đang phủ xung quanh, bên dưới lộ ra một cái khe sâu hút, từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy một màn sương mênh mông, trải dài vô tận. Chưa nói việc từ trên này nhảy xuống, chỉ nhìn thôi, đã có cảm giác khiếp hãi, nếu mây mù trên đỉnh núi dày hơn nữa, người không am thuộc địa hình nơi đây chắc chắn sẽ tiếp tục đi về phía trước, rồi hẫng chân ngã xuống khe sâu phía dưới kia tan xương nát thịt.

Phía dưới chính là Tàng cốt câu, vị trí chúng tôi đang đứng là nơi vô số thú hoang nhảy xuống tự tử trong truyền thuyết, người bản địa gọi là Yểm thú đài.

Anh Xư-chê đưa túi da đựng rượu Thanh Khoa cho tôi, bảo tôi uống lấy vài ngụm, xua cái rét của gió núi đi, đoạn nói với tôi: "Từ giờ tôi gọi chú là Tu-chí được không, tu-chí trong tiếng Tạng có nghĩa là Kim Cang dũng cảm, chỉ có những dũng sĩ chân chính mới dám đứng trên Yểm thú đài nhìn xuống Tàng cốt câu. Chú em Tu-chí này, chú cừ lắm đấy!"

Tôi uống hai hụm rượu, há miệng cười với anh Xư-chê, nghĩ bụng ông anh chưa biết thôi, vừa nhìn xuống dưới kia, bụng dạ thằng em đây đã lộn tùng phèo lên rồi. Bây giờ phải đi đường vòng xuống dưới, vẫn có thể ra khỏi Tàng cốt câu trước khi trời tối. Chúng tôi đang định xua đàn bò Yak, thì gió lại nổi lên, những đám mây dày hơn trên đỉnh đầu từ từ dạt ra, một ngọn núi tuyết sừng sững cao ngất xuất hiện giữa biển mây bát ngát. Ngọn núi tuyết màu bạc như ở trên trời này, gần tới mức cơ hồ có thể chạm tay được, chẳng trách người dân bản địa nói rằng: "Lên tới dốc Cả-chinh, vươn tay tóm trời cao."

Anh Xư-chê và năm người cửu vạn đều đã nhìn quen, còn đám người từ nội địa đến ít khi thấy núi tuyết chúng tôi thì đều đứng ngây ra nhìn, bồi hồi một lúc, cho tới mãi khi dải mây khác trôi tới che khuất ngọn núi tuyết mới dùng dằng bước đi, vừa đi vừa ngoái cổ lại nhìn.

Đứng trước lối vào Tàng cốt câu, tôi xem lại đồng hồ. Do tính toán tốc độ đi không chuẩn, nên giờ không kịp băng qua khe sâu này trước khi trời tối. Xem chừng chỉ còn cách dựng trại qua đêm ở ngoài khe, đợi sáng sớm hôm sau hẵng khởi hành.

Song lối vào Tàng cốt câu cũng cao trên bốn nghìn năm trăm mét so với mặt nước biển, ban nãy khi qua dốc Cả-chinh, một số người thể lực kém đã có phản ứng cao nguyên rất mạnh, uống thuốc rồi mà cũng không đỡ hơn là bao, buộc phải tìm nơi nào đó thấp hơn để họ nghỉ một đêm, nên chỉ còn cách tiến vào Tàng cốt câu thôi.

Anh Xư-chê nói, những chuyện kiểu như ở đây có thú hoang tự sát hay có ma đều là truyền thuyết từ xa xưa rồi, nói thực tôi cũng không tin, nhưng chúng ta tiến vào khe này khi trời tối thì vẫn nguy hiểm đấy. Nơi đây tuy không lo tuyết lở, song trên vách núi hai bên đều có những tảng đá lỏng lẻo, dù chỉ một viên nhỏ rơi xuống, trên đầu có đội nồi sắt cũng sẽ bị xuyên thủng, đó là một chuyện; thứ hai là trong đâu từng có hàng ngàn hàng vạn dã thú chết đi, xương trắng chồng chất, lân tinh lập lòe, bò Yak và ngựa dễ bị kinh sợ. Cái giống bò Yak này, tuy thường ngày trông có vẻ thật thà đôn hậu, song chúng mà điên lên, ở nơi chật hẹp như Tàng cốt câu này, cả bọn sẽ bị chúng giẫm chết hết đó.

Tôi trông nhà Minh Thúc ba người nằm sấp trên lưng ngựa, cảm thấy hơi khó xử, cuối cùng vẫn là Shirley Dương nghĩ ra được một giải pháp dung hòa, để cho bò Yak ở phía trước, người ngựa ở phía sau. Trong Tàng cốt câu có không ít cây khô, dựng trại phía sau cây sẽ bớt nguy hiểm, sau đó mấy người lại thảo luận tiếp một số chi tiết khác, cuối cùng quyết định tiến vào khe sâu dựng trại.

Sau khi tiến vào Tàng cốt câu cao chưa đến ba nghìn mét so với mặt nước biển, những người hô hấp khó khăn cuối cùng cũng có cơ hội thở đều. Ở đây sở dĩ gọi là "khe" chứ không phải "thung lũng" là bởi địa hình quá chật hẹp, hai bên đều là vách núi thẳng đứng như dùng dao dùng rìu cắt phạt, ngẩng đầu ngước nhìn lên trên, chỉ thấy bầu trời như một sợi chỉ dài. Trong khi núi, đâu đâu cũng thấy cỏ mọc tùm lum, đá nhô lởm chởm, xem trong đó quả nhiên có vô số xương tàn, đa số là sừng trâu và sừng dê, những thứ này dẫu trăm ngàn năm cũng không thể mục được.

Nghe nói môi trường bên Thần loa câu thông với nơi này lại hoàn toàn không giống ở đây. Ở đó rừng nguyên sinh rậm rạp, thực vật quý hiếm sinh sôi, đặc biệt trong núi có rất nhiều cây thuốc, cho nên còn có một cái tên là Dược Sơn.

Đi chừng một phần tư quãng đường, màn đêm bắt đầu buông xuống, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra nơi thích hợp để dựng trại, lũ bò Yak đã bắt đầu bực bội. Để an toàn, chúng tôi đành tìm đến nơi có mấy cây khô tập trung gần đấy rồi dừng lại dựng lều, đun nước nấu cơm.

Mọi người ngồi quay bên đống lửa ăn cơm nhắm rượu. Anh Xư-chê hứng chí kể cho cả đoàn nghe một câu chuyện dân gian Tây Tạng. Tôi ăn vội vài miếng, rồi rời khỏi chỗ lửa trại, một mình ngồi ở gốc cây cách đấy không xa hút thuốc.

Hút chưa được hai hơi, đã bị Shirley Dương tới giật và giẫm tắt: "Hút thuốc trên cao nguyên rất nguy hiểm đến sức khỏe, không cho hút nữa. Tôi có việc cần tìm anh bàn bạc đây!"

Tôi vốn định nói với Shirley Dương là sao cô cứ cướp giật y như bọn phát xít vậy, nhừng liền dập tắt ý nghĩ đó, bởi từ khi tiến vào Tang cốt câu, tôi có một cảm giác rất kỳ lạ. Nhất định Shirley Dương cũng thấy có vết tích nào đó bất bình thường, cho nên mới tới tìm tôi bàn bạc. Việc này can hệ đến sự an toàn và tính mạng của mọi người, tốt nhất là không đùa cợt, nói vào việc chính quan trọng hơn.

Quả nhiên Shirley Dương đến tìm tôi vì việc này. Chính là số lượng lớn hài cốt của thú hoang trong khe sâu khiến cô chú ý. Những chiếc sừng trâu, sừng dê cho đến xương sọ gấu vỡ vụn, trông ra niên đại cách nay gần nhất cũng đến hai ba trăm năm, nếu quả đúng như trong truyền thuyết, vậy thì vì sao những năm gần đây không còn có thú hoang nhảy xuống khe này tự sát nữa.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi mới nói, truyền thuyết từ thời xưa, có thể chỉ giữ được cái bóng của chân tướng thôi, không thể coi là việc có thật được. Những con thú hoang nhảy trên vách xuống tìm cái chết, có thể đã bị bầy soi bao vây, cũng có thể vì bị một yếu tố tự nhiên nào đó cám dỗ. Những việc đó tuy không thể lý giải, song quả thực là có tồn tại trên thế giới này, có điều tôi nghĩ chắc nó không xảy ra ở đây.

Nửa cuốn tàn thư ông nội tôi để lại cho tôi là sách do một cao thủ Mô kim cuối đời Thanh viết ra, bên trong cũng lại có đoạn nhắc tới bố cục kết cấu của lầu ma chín tầng ở Tây Tạng. Có lẽ trong những năm tháng trước đây, cũng từng có Mô kim Hiệu úy đổ đấu lầu ma chín tầng rồi. Loại mộ táng dưới hình thức tháp ma này, chắc chắn sẽ có hai rãnh tuẫn táng hình con rồng có quy mô như nhau. Tàng cốt câu mà chúng ta đang ở bên trong đây có lẽ chính là một trong hai rãnh đó, dư nghiệt Luân Hồi tông của Ma quốc, có thể từng là nơi diễn ra những lễ tế bí mật hiếm người biết đến.

Tôi đá nửa khúc cây khô có hình đầu người mặt quỷ ba mắt hết sức mờ nhạt ở cạnh chân. Ít nhất nó cũng là thứ có mấy trăm năm tuổi, sắp phong hóa hết rồi. Từ lúc vào Tàng cốt câu, tôi đã thấy mấy chỗ có ký hiện totem kiểu thế này, đây có thể coi là tin vui đối với chúng tôi, chứng tỏ khoảng cách từ chỗ chúng tôi hạ trại cho tới Phượng hoàng thần cung đã không còn xa nữa.

Tôi đang cùng Shirley Dương tìm hiểm bố cục của rãnh cúng tế này và vị trí cảu tháp ma, bỗng có tiếng hô thất thanh của đám người đang ngồi vây bên đống lửa vọng đến, nghe có vẻ hết sức hoảng hốt và hỗn loạn. Tôi vội quay đầu lại nhìn, cảnh tượng trước mắt thật khiến người ta không dám tin là thật, trong ánh trăng mờ ảo, một con gấu ngựa Tây Tạng thân hình to lớn vô cùng, đang nhe răng giơ vuốt nhảy từ độ cao hơn nghìn mét xuống.

--------------------------------

Chú thích:

1. Tức "khe hẻm giấu xương cốt"